Search

Nếu gặp Phật ở bên ngoài, hãy “giết” Ngài”

Có câu nói như vầy:

“Nếu gặp Phật ở bên ngoài, hãy “giết” Ngài”.

Theo con hiểu thì Phật là ở trong tâm (Phật Tánh) nên khi gặp Phật ở ngoài tức là ta đang tách biệt Phật và mình. Xin Thầy khai thị cho chúng con được thấu hiểu ạ.

Một câu hỏi chúng ta nghe thấy là biết rằng niềm tin của Phật giáo được chuyển tông từ từ qua văn tự và cách nói dân dụng bình thường. Nghe qua hơi choáng, nhưng thực ra nó rất chân thật bởi ai trong các bạn và Bảo Thành trên con đường học Pháp đọc kinh, đọc sách, nghe giảng hoặc nghe trao đổi vẫn theo sở thích của mình lượm lặt được những câu từ được gọi là kinh hay người ta truyền tụng nó phù hợp với sự suy nghĩ của mình thế là mình thích. Có lẽ đây là một câu hỏi thích thú. Đặt ở phần đầu câu hỏi rằng nếu ở trong đời các bạn và Bảo Thành gặp được Phật thì giết Phật. Câu nói này hay nhưng giả sử Bảo Thành và các bạn có đầy đủ phước báu, tích lũy hằng hà sa kiếp rồi được gặp Phật thực sự thì nỡ lòng nào một con người có phước báu gặp được Bậc Giác Ngộ hiện thân thực sự trong cuộc đời có thể nhìn thấy, gặp được Ngài trong cảnh giới của những thế kỷ trước hiện tại, diện kiến Đức Phật thực sự thì hạnh phúc vô cùng. Sao có thể giết, đúng không các bạn?

Đức Phật lịch sử khi còn tại thế, những chúng sanh nào gặp được Ngài đều khởi lên sự hoan hỷ, đều được Ngài khai thị và đưa tới sự chứng đắc hạnh phúc và bình an, chứng quả A La Hán, thành tựu Phật quả. Tuy nhiên không hẳn mọi chúng sanh thời đó gặp Phật đều đón nhận Phật một cách hoan hỷ đâu. Vẫn có người muốn giết Phật đồng nghĩa với câu hỏi của bạn, nhưng không phải là cách để tu mà họ muốn giết Phật là bởi vị họ ghét Phật, họ muốn hại Phật. Đó chính là người anh em họ Đề Bà Đạt Đa luôn luôn tìm mọi cách để giết Phật. sự việc đó không liên quan gì đến câu hỏi nhưng là một tạo tác thực sự có người muốn giết Phật. Chúng ta nếu là người học đạo, đi theo Phật mà có nhân duyên gặp Phật chắc ai trong chúng ta cũng chạy đến gặp Phật chấp tay để xin một lần được chạm vào tà áo Giác Ngộ của Ngài và rồi tự chuyển hóa nghiệp chướng của chúng ta. Đây là điều tuyệt vời. Bảo Thành và các bạn không đủ phước duyên gặp được Phật thì đừng cưu mang tư tưởng gặp Phật ở ngoài đời phải giết Phật. Bảo Thành sẽ giải thích từ từ, nhưng để nhắc nhở cho hàng Phật tử tại gia chúng ta, khi căn cơ mới đủ phước báu đi vào con đường tầm cầu Đạo Pháp, Đức Phật không còn hiện thân tại thế, nhưng sự khai thị của Ngài nói thật rõ, chẳng vì vậy mà không có Phật. Chúng ta là Phật sẽ thành và mỗi một đối tượng, một chúng sanh chúng ta gặp với nhân duyên phước báu hiện hữu trong kiếp này đều là một vị Phật tương lai, chẳng thể gặp những vị Phật tương lai đó là giết. Chính vì tư tưởng cứ sát, cứ giết, lầm tưởng trong con đường đó mà gây ra khổ đau cho nhau. Đúng ra gặp Phật phải hoan hỷ, phải hạnh phúc đón chào và tiếp nhận.

Từ từ chúng ta nói câu “gặp Phật giết Phật” nó từ đâu nha các bạn. Bạn nói rằng gặp Phật trong tâm mới là quan trọng, đúng. Phật ở bên ngoài, Phật ở bên trong tâm đều bình đẳng như nhau, giống như nhau. Đối với Phật tử tại gia các bạn và Bảo Thành hiện nay phước báu nó mỏng, nó ít mà nghiệp chướng thì dày, nhất định như Ngài Phổ Hiền dạy “Nhất giả lễ kính Chư Phật”, gặp Phật là phải lễ kính, không thể gặp Phật mà đồng nghĩa với câu hỏi vừa rồi lưu truyền trong dân gian để gặp Phật giết Phật bên ngoài, mà chỉ tôn trọng Phật bên trong. Nếu nói theo một ý nghĩa nào đó ta chỉ tôn trọng bên trong chẳng có sự tôn trọng bên ngoài, ta đã nâng tầm tự cao của mình để gạt bỏ cái bên ngoài. Ngài Phổ Hiền là một vị Bồ Tát tượng trưng cho giới hạnh. Ngài dạy điều thứ nhất quan trọng của chúng sanh là phải biết lễ kính Chư Phật, hàm ý rằng chúng ta luôn luôn phải biết lễ kính Chư Phật. Khi gặp một con người, một chúng sanh cũng luôn quán tưởng vị đó là Phật để lễ kính. Khi gặp một tôn tượng của Phật, của Bồ Tát ta cũng còn phải lễ kính, khi gặp một cái ảnh ta cũng còn phải lễ kính Phật. Chính với tâm khiêm tốn lễ kính Chư Phật như vậy sẽ giúp cho chúng ta có tầm nhìn sâu về cuộc đời, nhận xét sâu hơn về ý nghĩa sống để mình có cơ hội nhìn ra tội lỗi nghiệp chướng để sửa.

Cho nên theo như Bảo Thành, cái cách mà gặp Phật bên ngoài giết Phật ta hãy cất vào bên trong, để đó đi, đến khi ta đạt được trình độ cao hơn của Thiền ta mang ra ứng dụng nó phù hợp hơn. Nhưng với hoàn cảnh là Phật tử tại gia gặp Phật giết Phật không hay. Gặp người ngoài đường nói sai một tiếng bị người ta chửi rồi mà còn đánh ta nữa thì chắc sẽ bị u đầu thôi huống hồ chi gặp Phật mà giết Phật. Gặp người giết người còn bị vô tù, gặp Phật giết Phật phạm giới, phạm giới các bạn ơi nếu thực sự có tư tưởng đó. Một trong những tội ngũ nghịch đọa Địa Ngục là làm thân Phật chảy máu. Khi các bạn nghĩ rằng gặp Phật bên ngoài giết Phật là đã làm Phật chảy máu rồi. Tránh câu nói này bởi vì những điều gì lặp lại trong tâm tưởng sẽ trở thành những niệm đóng cứng lại bên trong đó, dần dần chuyển xoay, làm chủ và kéo ta đi theo. Phá ngay tư tưởng này. Phật ở bên trong là đúng, Phật ở bên ngoài cũng là đúng theo Ngài Phổ Hiền. Chỉ cần tâm không có đối đãi trong và ngoài, giữ được sự thăng bằng và tập luyện sống Chánh Niệm, trong hơi thở, Phật ở bên ngoài hay Phật ở bên trong đều đồng với nhau. Và ta đều đón nhận Ngài như mặt trời Trí Tuệ để soi đường cho ta đi, chẳng phân biệt trong ngoài.

Câu “gặp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma” là trong sự tương truyền trong dòng Thiền Lâm Tế. Gặp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma, trong Thiền Định người ta nói như vậy, Chư Tổ dạy như vậy. Thời nay chúng ta đâu còn được gặp một vị Phật nữa cho nên giả sử gặp một vị Phật bên ngoài có nghĩa là gặp những ai tự xưng ta là Phật. Các bạn, thời nay phải suy diễn như vậy cho rõ, ta không có cơ hội đủ phước báu gặp Phật thật sự nhưng ta vẫn có nhân duyên gặp được những con người tự xưng là Phật sống. Không phải gặp những người tự xưng mà giết. Giết ở đây tức là gặp những người tự xưng là Phật, tự diễn mình là Phật, tự khoác lên mình tướng hảo của Phật và tự nói “ta là Phật” chúng ta đừng mê, cắm đầu rượt đuổi theo bám víu, quỳ lạy. Tức là đừng để cái tâm nó phóng theo những âm thanh bên ngoài, những hình tướng bên ngoài, những tướng sắc ở bên ngoài tự xưng, tự vỗ ngực ta là Phật để mà hấp dẫn ta chạy theo. Cho nên nếu ở đời ai tự xưng là Phật chỉ cần với lòng thành kính như Ngài Phổ Hiền dạy tức là con nghe lời Bồ Tát Phổ Hiền đảnh lễ tất cả các Chư Phật. Nhưng đừng vì cái tiếng tự xưng là Phật mà chạy theo.

Không nói xa, hiện tại vẫn có những vị trong đời của chúng ta, trong hiện tại này đây, trên cả thế giới và ở Việt Nam cũng có nhiều người đang tự xưng là Phật. Các bạn đừng chạy theo bởi sự si mê, phải biết dừng lại lễ kính thành tâm nhưng dùng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy để suy xét. Bởi Phật đã nói ta không thể cứu được các con thì vị Phật xưng hô kia cũng chẳng cứu. Đức Phật ra đi khi Ngài nhập Niết Bàn chẳng để lại vị giáo chủ nào mà lấy giáo pháp của Ngài là giáo chủ hướng dẫn chúng ta Giác Ngộ. Đặt trên nền tảng Trí Tuệ nghiên cứu kinh điển, học hỏi những điều Phật dạy mới là điều quan trọng. Chứ không chạy, rượt đuổi và nắm bắt những vị tự xưng là thân tướng của Phật hiện tại. Cho nêm gặp Phật giết Phật có nghĩa đừng gặp những vị tự xưng là Phật mà chúng ta rượt đuổi, si mê, quỳ lạy, xưng tán.

Đúng, gặp Phật ở bên trong. Có hai trường hợp, Phật ở bên trong là tâm Phật, tâm Phật thì rất cụ thể đó là tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả, Trí Tuệ bình đẳng. Đó gọi là tâm Phật. Gặp được vị Phật là gặp được một con người sống bằng Từ − Bi − Hỷ − Xả, bình đẳng Tánh Trí và Trí Tuệ. Đó gọi là Phật. Ta phải tìm gặp nhân cách đó và phải chuyển hóa thành hành vi cụ thể của tư tưởng, hành động, lời nói khởi lên từ tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả, bình đẳng Tánh Trí và Trí Tuệ thì đó là Phật. Nên gặp vị Phật đó, không những trong tâm ta, mà gặp vị Phật đó ở bên ngoài. Có những sự sống thực sự được khởi nguồn từ tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả, bình đẳng Tánh Trí thì đó là Phật, nên gặp vị Phật đó. Nhưng có một chiều hướng khác, gặp Phật ở bên trong rất nguy hiểm là gặp Phật ảo tưởng của Tưởng thức. Nhiều người chạy theo ông Phật ở bên ngoài rồi, họ xưng là Phật thì mình quỳ lạy van xin. Rồi lại có một ông Phật bên trong cũng không được chạy theo giữa. Chữ “giết” ở đây tức là không chạy theo, đừng bám víu, đừng chấp vào. Có một ông Phật ở bên trong tức là ông Phật của ảo giác, ông Phật của loạn thần, ông Phật của cái tưởng do sự ham muốn, chấp thủ như ảo ảnh xuất hiện trong tâm thức. Nhưng ông Phật đó chúng ta đừng chạy theo.

Nhà Phật là Trí Tuệ, Phật dạy hãy tự là ốc đảo riêng của mình, đứng dậy mà đi, hãy tự cầm đuốc soi đường mà đi. Phật tới là nương vào sự khai thị của Ngài để học chứ không phải bám vào Ngài và nói Ngài phải cứu ta. Nhưng ở đời ngày nay có nhiều người giàu sự ảo tưởng bởi sự cuồng ngạo, hoặc là đam mê, hoặc là bị đau khổ, hoặc là bị trầm cảm, loạn thần, sử dụng các chất kích thích, hoặc là thần kinh yếu, hoặc là bị xâm hại, bị đọa đày, bị sức ép của cuộc sống, căng thẳng, yếu đuối, bị xâm hại, bị mất đi tiền bạc, của cải hoặc bị thất tình. Nhiều trạng thái cảm xúc như vậy dồn nén và muốn tự cứu mình bằng cách tạo ra một con người tưởng tượng bên trong. Do Tưởng thức mà nó được những cảm xúc kia tác động vào nó sẽ tự động kích hoạt tạo nên những hình ảnh của Phật trong tâm tưởng. Cho nên có nhiều vị có Chư Phật gá vào, giáng vào. Người ta hay dùng hai chữ “giáng vào”, mẹ Quan Âm giáng vào, Phật giáng vào, rồi nói ta là Phật, là Bồ Tát, sinh ra để mà dạy dỗ, hướng dẫn cho mọi người. Đó chính là ông Phật bên trong do ảo tưởng tạo ra. Và đôi khi chúng ta cũng bám víu, ôm ấp ông Phật ở bên trong như vậy. Cho nên chúng ta đi dần vào hoang tưởng, chẳng còn theo kim chỉ nam giáo lý của Phật tu tập để có Trí Tuệ. Nhưng đắm mình ở trong ông Phật ảo tưởng của ảo giác và ông Phật ở bên ngoài quỳ lạy van xin hoặc là ban bố, tha tội cho người khác. Thì hai vị Phật bên trong và bên ngoài theo dạng thể đó ta tránh rượt đuổi, ôm ấp mà đi theo. Chỉ đi theo ông Phật bên trong và ông Phật bên ngoài là ông Phật có tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả, bình đẳng Tánh Trí và Trí Tuệ. Ông Phật đó chính là sự Trí Tuệ của ta và sự Trí Tuệ của người cũng như của chúng sanh.  

Tham vấn Phật pháp 4, https://youtu.be/lGeAnQiODqQ 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts