Search

Họa Sĩ Đức Hạnh

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, hôm nay Bảo Thành kể cho các bạn nghe một câu chuyện về một họa sĩ tài ba.

Có một người kia tu hạnh cư sĩ, được thầy truyền xong nhưng mang hạnh cư sĩ nên ẩn tu một mình ở trong nhà. Người cư sĩ này có một tài hoa là anh ta vẽ rất đẹp. Anh ta vừa là cư sĩ vừa là họa sĩ. Anh ta vẽ và lấy tiền. Người ta cứ nhìn vào thành quả của anh ta, lúc đầu ai cũng thích bởi anh ta vẽ thật là đẹp, nhưng có điều anh ta lấy tiền cho xứng đáng với công của anh ta, đôi khi thật là mắc, tùy theo công việc được yêu cầu làm. Còn dân làng thấy anh ta hình như mang tiếng là một người tu – cư sĩ tu hạnh tại gia, mà sao đi vẽ cứ lấy tiền, rồi người ta chê bai: ông này tu cũng chỉ vì tiền, một cư sĩ tu vì tiền đâu xứng danh là người tu hạnh cư sĩ đâu, thà rằng đừng tu chứ tại sao nói tu mà đi vẽ lấy quá nhiều tiền. Người ta tìm đủ mọi cách để gièm pha chê bai, ai cũng cố tìm đủ mọi cách để tạo ra tiếng xấu cho người cư sĩ này. Rồi có một hôm một cô nhà giàu thật là đẹp, nghe danh đã mời vị cư sĩ này tới vẽ một bức hình trên bức tường nhà của cô ta. Yêu cầu vẽ long phụng đầy đủ, một bức hình mà gọi là sơn thủy đặc biệt. Và người họa sĩ này đưa ra giá tiền công cao cho xứng đáng với công lao bỏ ra. Cô ta đồng ý và thế rồi người họa sĩ này mới bắt đầu vẽ lên trên đó một bức sơn thủy tuyệt đẹp, có thần mà nhìn vô ai cũng phải thán phục. Thế nhưng sau khi vẽ xong nhận được tiền rồi mới biết mục đích của cô nhà giàu này không phải vẽ lên đó để mà thán phục tài hoa của người cư sĩ họa sĩ này mà là để mắng nhiếc, chê bai và làm nhục mà thôi. Cô ta nói một lời thật là nặng: bức họa hình này chẳng có gì gọi là đẹp, không xứng đáng vẽ lên bức tường của nhà tôi, nó còn không xứng đáng vẽ lên quần của tôi nữa kìa. Người cư sĩ họa sĩ kia vẫn nhẹ nhàng ung dung lấy tiền rồi ra đi, và kể từ đó cả làng ai cũng khinh thường anh ta là kẻ ham tiền hám danh. Sau một thời gian bỗng chốc ở nơi đó nạn lụt xảy ra và cuốn trôi đi chiếc cầu bắc ngang dòng sông. Dân làng không có đồ ăn vì lũ lụt, thì vị cư sĩ này lại xuất hiện, không những bỏ tiền của ra mua lương thực để hỗ trợ giúp dân làng mà còn bỏ tiền ra làm lại cây cầu mới miễn phí. Không những thế, sau khi lũ lụt như vậy dân chúng còn thỉnh cầu có một ngôi chùa để mà tu thì người cư sĩ này lại bỏ tiền ra xây dựng chùa và mời chư tăng về an trú ở đó để dạy dỗ dân làng cách tu. Ba công đức đặc biệt là bỏ hết tiền của mình kiếm được cả đời làm họa sĩ để xây cầu, làm chùa, và mua lương thực cứu trợ người khi gặp hoạn nạn. Đến lúc này dân làng mới hiểu được tấm lòng của vị cư sĩ kia, bao nhiêu năm trời chẳng hám tiền, bởi chỉ vì một sự công bằng là làm việc thì phải lãnh thù lao và thù lao đó vị cư sĩ chẳng xài cho riêng mình. Tích lũy bao nhiêu lâu để rồi khi dân chúng gặp nạn thiếu lương thực, vị cư sĩ đã bố thí lương thực, làm việc từ thiện cứu trợ như vậy trong lúc ngặt nghèo, rồi lại còn xây cầu làm chùa nên từ đó ai cũng thay đổi suy nghĩ và cách đối xử của mình với vị cư sĩ. Và còn mời vị cư sĩ ở lại chùa tu cùng các vị tăng. Nhưng vị cư sĩ đã khước từ nhẹ nhàng và rồi ra đi vào ở trong túp lều hẻo lánh trong khu rừng mà vẫn thường ẩn ở đó để vẽ, để tu.

Các bạn, câu chuyện như vậy để chúng ta coi thử xem có tư tưởng gì để học hỏi qua câu chuyện này. Câu chuyện này có lẽ thường xảy ra trong cuộc đời. Chúng ta hay chạy theo phong trào gọi là vào hùa với nhau để rồi chúng ta chỉ nhìn bên ngoài rồi phán xét bên trong. Chúng ta chỉ nhìn tướng bên ngoài rồi nhận xét. Chúng ta có một tật xấu nó trở thành thói quen; đó là chúng ta ít có để ý đến thói quen xấu của mình, nhưng mà hay để ý đến chuyện của người khác và rồi cứ bới móc xây dựng những điều hoàn toàn không đúng. Người kia cư sĩ kia, anh ta xứng đáng lãnh nhận tiền thù lao do công sức họa sĩ vẽ tranh ảnh cho bất cứ ai nhờ đến anh ta. Đó là chân lý, là sự thực và anh ta có quyền làm việc đó. Nhưng ở đời chúng ta cứ vào hùa khi thấy ai làm ra tiền có được tiền thì chúng ta chê bai kẻ đó tham tiền kẻ đó lợi dụng. Các bạn thấy không, ta có chuyện đó và ai cũng làm chuyện đó đấy. Chúng ta thường là như vậy bởi vì chúng ta không có đủ sự kiên nhẫn, hay trí tuệ, hay tình yêu thương để nhìn rõ vào sự việc của người đó làm, người đó hành xử mà chúng ta chỉ thích ngồi trên ngôi tòa cao để thành ông tòa phán xét gán ghép tội lỗi người khác. Chúng ta hay phán xét dữ lắm, như dân chúng phán xét người cư sĩ này. Rồi cô nhà giàu kia phán xét và nhục mạ người cư sĩ này, nói tác phẩm đẹp của ông ta chẳng ra gì, không xứng đáng để vẽ lên quần, huống hồ chi là vẽ lên tường đẹp đẽ cao quý của ngôi nhà giàu. Sự nhục mạ như vậy cũng chẳng làm tổn thương hạnh cư sĩ của người họa sĩ kia. Anh ta vẫn thanh tịnh nhẹ nhàng, vẫn mỉm cười nhận phần tiền công mình bỏ công sức ra làm việc rồi ra đi. Nhưng kết quả là người trong ngôi làng đó đã chứng kiến được tâm hạnh của người cư sĩ đó, là bao nhiêu của cải dành dụm được cũng chẳng giữ tiêu xài cho mình mà chỉ phòng ngờ tai nạn tới, những việc cần tới thì sẵn lòng bỏ ra để giúp đỡ muôn người. Cả làng đã thọ ân của anh ta trong mùa lũ đó, cả làng đã thọ ân của anh ta bởi vì cái cầu anh ta cho xây bắc ngang dòng sông vẫn tồn tại ở đó – dân làng phải đi qua cái cầu đó mỗi lần đều nhớ đến anh ta. Cả làng vẫn nghe được tiếng kinh tiếng kệ, tiếng chuông tiếng mõ bởi ngôi chùa mà anh ta đã cho xây dựng lên cho ngôi làng đó.  Mà rồi anh ta có ở đó đâu, anh ta chỉ ở trong một túp lều tranh thô sơ trong khu rừng nằm ở ngoài thôn làng đang sống. Cái chữ nằm ở ngoài đây nó cũng bao hàm rằng dù đời có ngả nghiêng nói xiên nói ngược, thì anh ta vẫn nằm ở ngoài, tư tưởng của anh ta vẫn nằm ngoài vòng thị phi của cuộc đời. Nếu ai đó trong chúng ta đầu tiên biết dừng những sự soi mói phán xét người khác và thực tập cho mình một cái tâm biết nằm ở ngoài mọi sự thị phi soi mói phán xét của đời, thì nhất định chúng ta có tâm lượng từ bi bao dung thật lớn và sống an lạc. Đấy, như người cư sĩ họa sĩ kia, dù cho thiên hạ có nói gì, dù cho cô nhà giàu kia có đối xử như thế nào thì anh ta vẫn nằm ngoài ở đó để hưởng sự an lạc trong hạnh tu như một cư sĩ tại gia và cống hiến tất cả cho tha nhân cho cộng đồng cho xã hội. Chẳng màng đến bản thân, sống thiểu dụng tri túc, một mình một lều trơ trọi giữa rừng hoang, nhìn trời sao mênh mông, nhìn mây trời trôi chảy, nhìn dòng nước nhẹ nhàng mà tâm cảm an yên. Đó là cao quý của phẩm hạnh của người cư sĩ. Chúng ta hãy cố gắng từ bỏ tánh làm quan tòa phán xét người khác và chúng ta cũng phải từ bỏ tánh nhục mạ người khác. Chúng ta cũng càng cần phải từ bỏ tánh soi mói chỉ trích. Các bạn, những điều đó tạo ra nghiệp. Hãy sống với phẩm hạnh của mình, nhất là chúng ta đã là người có phước báu biết về Phật pháp thì chúng ta cần phải sống theo tinh thần của nhà Phật là sống yêu thương, sống chan hòa và sống biết quan tâm đến những người khác bằng tâm chân thật. Đừng cong quẹo, đừng soi mói, đừng phán xét. Ai biết được đâu… để rồi phải hổ thẹn khi người cư sĩ xây cầu, khi người cư sĩ làm việc thiện như ủng hộ lương thực, xây chùa chiền thì lúc đó mới nhận ra. Vẫn may là đã nhận ra để sửa đổi, mà trong dòng đời này có mấy ai biết sửa đổi khi nhận ra sai.

Các bạn, chúng ta hãy tập thành một thói quen biết dừng tâm phán xét người khác để sống thực sự như muôn người con của Phật giữ đúng phẩm hạnh của mình, sống đúng để được an yêu tự tại. Mỗi người chúng ta có một mật hạnh, tức là có một sở nguyện riêng và mỗi người chúng ta có một phước báu làm một việc gì đó tốt đẹp cho cuộc đời và chúng ta cũng xứng đáng lãnh nhận những thù lao tương xứng. Bởi vậy khi có được những gì gọi là sự thành tựu do công sức của chúng ta bỏ ra, thì chúng ta được hưởng phần đó và tốt hơn nữa là chúng ta biết mang đó san sẻ như người cư sĩ kia khi dân làng, mọi người gặp khó khăn. Và chúng ta hãy dừng ngay cách nhìn nếu ai có những thành tựu tốt trong cuộc đời, đừng chê bai, đừng miệt thị, đừng phán xét, đừng ghép tội, đừng làm nhục họ, bởi những cái đó tạo ra nghiệp và chúng ta sẽ phải trả những nghiệp đó.

Các bạn nhớ những điều Bảo Thành nói hôm nay để chúng ta xây dựng cho mình một cuộc sống bình an, một cuộc sống hạnh phúc, và một cuộc sống chan hòa yêu thương, biết nghĩ đến mọi người và nghĩ đến bản thân trong sự giao thoa đồng cảm với mọi cảnh của cuộc đời. Đừng là một ông tòa phán xét, đừng ngồi trên tòa cái tôi của mình, dùng búa – cái miệng hóc búa của mình nè, mà phán xét, mà chê bai, nhục mạ người khác. Hãy sống bình yên, sống đúng với hạnh là một người cư sĩ. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn luôn luôn sống như vậy để chúng ta có được hạnh phúc. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts