Search

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Tâm Sĩ bút ký

Chúng ta gặp nhau trên trang mạng Youtube “Thất Bảo Huyên Môn.” để gợi ý, hỗ trợ cho chúng ta tư duy và an trú trong hơi thở chánh niệm, chánh pháp. Tất cả những điều gợi ý cuối cùng cũng qui về một cách duy nhất là mọi người chúng ta hãy trở về an trú trong hơi thở chánh niệm, để sống lành mạnh, sống khoẻ cho thân, sống an cho tâm và phát triển tâm an lạc của mình để làm sao san sẻ với mọi người.

Hôm nay Bảo Thành đề cập đến một phần của tâm con người. Tâm không biết giữ, tâm không biết dừng, tâm không biết đủ. Cuộc đời thật trái ngang, dù có bao nhiêu cũng không đủ, dù có bao nhiêu vẫn không dừng, cứ đeo đuổi mãi. Có một thì muốn có mười, có mười thi cứ tham tới một trăm, nghĩ có được tới đó thì sẽ dừng, nhưng khi tới đó rồi thì lại ham muốn có nhiều nữa, đưa cuộc đời cứ lăn xả vào đi tìm những thứ hư huyễn. Cho nên phút cuối cuộc đời khi nhắm mắt xuôi tay chẳng có gì mang theo. Thêm vào đó, đâu còn thời gian để rèn luyện đức hạnh, cuối cùng, phước cũng chẳng có để mang theo, mà chỉ mang theo sự tái sanh vẫn là phần nhiệt bất định, để rồi phải tái sanh vào tam đồ khổ: địa ngục, ngạ qủy, súc sanh.

Chúng ta hãy đi vào con đường của Đức Phật dạy, con đường mà Ngài dạy cho chúng ta luôn phải biết quán chiếu để biết đủ, dành nhiều thời gian soi rọi vào trong tâm thức, sống ở nơi an trú bằng chánh niệm, hơi thở trong chánh nghiệp nuôi dưỡng cuộc đời bằng chánh niệm, để làm sao ta nhìn rõ mọi nghiệp khởi nên trong tâm, quán chiếu chuyển hoá, để thành tựu được sự an lạc tâm tịnh vì đang sống trong chánh niệm.

Các bạn thân mến. Bảo Thành xin được kể câu chuyện nói vê một anh nông dân. Anh ta có mười thỏi bạc, anh muốn đi mua một thửa ruộng để làm nông. Anh tìm tới nhà của một Đại phú gia. Nhà Đại phú, nhà Điền chủ này ruộng đất cò bay thẳng cánh, nhưng lại có tấm lòng nhân đức, luôn mong muốn hổ trợ cho các nông dân nghèo muốn có đất trồng trọt nuôi thân.

Khi anh nông dân mang mười lượng bạc tới nhà Điền chủ để mua đất, Điền chủ gia với tâm ý muốn giúp đỡ cho anh nông dân có được nhiều đất mà cày cấy mưu sinh, và có thể giúp đỡ được mọi người khác mà sống, nên nhà Điền chủ đã ra điều kiên với anh nông dân rằng: 

  • Này anh, mười lượng bạc này là của tôi bán đất cho anh, bây giờ anh có quyền đi suốt một vòng lớn trên những mãnh đất của tôi, anh đi cho tới khi nào muốn trở về lại nơi anh đứng đây, thì vùng đất mà anh đã đi quanh một vòng đó rồi trở lại nguyên vị sẽ thuộc về anh, không cần biết là bao nhiêu, bởi tôi muốn giúp cho anh có đầy đủ ruộng đất mà cấy trồng sinh sống. Còn nếu như anh đi mà không trở về lại vị trí này, thì anh không có ruộng đất đâu và mười lạng bạc này cũng mất về tôi đó.

Lời sách tấn này của nhà Điền chủ chẳng qua là mong muốn cho anh nông dân có được nhiều đất, nhiều ruộng, vượt trội số lượng bạc. Mười lượng bạc thật ra chẳng mua được là bao nhiêu, nhưng muốn tạo điều kiện cho anh nông dân có nhiều đất, nên nhà Điền chủ đã ra điều kiện sách tấn, để anh có tinh thần hăng say mà đi xa hơn. Anh nông dân bắt đầu đi, đi một đoạn dài anh ta mới nghĩ nhớ lại lời nhà Điền chủ nói, đi càng nhiều, tới càng xa, khi trở về thì càng có rộng đất đai, và ta sẽ trở thành phú nông điền chủ, thôi thì ta ráng đi hết đất của nhà Điền chủ này luôn, rồi tất cả ruộng đồng, đất đai của nhà Điền chủ sẽ thuộc về ta, rồi ta sẽ thay nhà Điền chủ đó mà giàu sang, nhiều ruộng đất cò bay thẳng cánh. Từ ý nghiệp khởi lên như vậy, anh nông dân này cứ miệt mài đi, miệt mài đi.

Chúng ta nên nhớ, nhà Điền chủ ruộng đồng thì mênh mông vô tận, nên được gọi là Điền phú gia, giàu có, đất đai nhiều vô kể, cò bay bay hoài không hết, chính vì thế anh nông dân trong lòng đã khởi dậy tâm địa muốn chiếm đoạt hết toàn bộ đất đai của Điền phú gia này, vì vậy anh ta cứ đi, đi dọc, dọc mãi, từ buổi sớm tinh sương cho tới trưa trời nắng đứng bóng, rồi lần mò đi mãi cho tới xế chiều. Hoàng hôn buông xuống, trời đất tối sẫm anh vẫn cứ đi không ngơi nghỉ.  Đến khi trời tối đen rồi, anh ta mới vội vàng quay về chỗ mà anh đã khởi hành. Đêm tối luạng quạng, trời đen như mực, anh ta đi trở về mà chẳng xác định được chỗ hồi sáng anh đứng là ở đâu. Anh ta cứ đi thoáng qua rồi quay lại, cuối cùng dừng ở chổ mà anh cảm nhận như là chỗ ban sáng anh đã đứng. Nơi đây anh ta la thật to cốt để cho Điền phú gia nghe mà ra ngoài trông thấy anh đã trở về. Điền phú gia đến, nhìn thấy anh nông dân không đứng đúng chỗ ban sáng, mà đứng xa mờ trong bóng tối. Nhà Điền chủ mới đi tới, vỗ nhẹ trên vai anh nông dân mà nói: Này anh, anh đã quá mệt mỏi trong bước chân rong ruổi để đi cho hết đất đai của ta, mà quên trở về đúng nguyên vị, đứng trật chỗ rồi, đứng sai nơi anh đã đứng. Chỗ anh đứng sáng nay là mặt tiền sáng sủa, ngay trước cửa nhà của tôi, nhưng bây giờ anh không trở về chổ đó, lời hứa lúc sáng đã không trọn vẹn, mười lương bạc kia đã thuộc về tôi, anh sẽ không có một mảnh đất nào để làm ruộng đâu, thôi anh đi về đi.

Các bạn thân mến. Cuộc đời chúng ta được trao biết bao nhiêu cơ hội để thành tựu, thành tựu trong cuộc đời, nhưng rồi đôi khi chúng ta sanh lòng tham như anh nông dân kia, khi được qúi nhân hay được người khác hỗ trợ trong cuộc đời, hay người khác nâng một tay giúp ta đi vào sự thành công tốt đẹp, thì chúng ta lại nẩy ra ý muốn chiếm đoạt hết, muốn được hơn, vượt trội cả người đang giúp đỡ ta, giỏi hơn, nhiều hơn, thành tựu tốt đẹp hơn, đó là điều được, được, nhưng mà khởi lên ý để gom hết cho mình, thì hoàn toàn không nên. Như anh nông dân kia cứ đeo đuổi trong ý tưởng là phải đi cho hết ruộng đồng của nhà Điền chủ, tới chập choạng tối không còn biết đường trở về, vừa mất sức, vừa mất tiền, vừa mất tất cả. Nếu như chúng ta hiểu được sức mình vừa phải, đi vòng quanh vừa phải, đủ một thửa ruộng, đủ để chăm sóc, không khởi lên tâm tham, chắc đã có ruộng đất đầy đủ mà sống thân thiện với nhà Đại phú gia, Điền chủ kia. Nhưng vì tâm tham đã làm mất tình cảm, mất tất cả mọi sự, cộng thêm không còn được sự tôn trọng lẫn nhau, làm sao còn mặt mũi để nhìn nhau.

Nói về con đường đạo, mỗi người chúng ta có những nhân duyên khác biệt để gặp các bậc Cao Tăng hay các bậc Thầy tôn kính. Những vị Thầy đáng tôn kính đó trao truyền cho chúng ta những Pháp Môn phù hợp để tu học. Nhưng có lẽ lòng tham của mỗi con người, cứ đeo đuổi theo những ý niệm bất thiện, rồi đi mãi mà chẳng trở về được với tâm an tịnh, tịch tĩnh khi chúng ta đứng ở chỗ bàn chân chân thật khi tới cầu đạo, diện kiến các bậc chân tu, để được truyền thọ pháp môn tu, đã không còn nữa, không còn trước sau như một. Cái tâm tới thuở trước nay đã phai mờ theo tâm tham tạp niệm. Sự phóng tâm mịt mù và đi mãi trong những điều, mà chúng ta không còn giữ được bước chân an lạc tịch tĩnh trước nữa, đã đánh mất chính mình mà ta chẳng còn trở về, không còn cơ hội để trở về với chính mình như thuở nguyên sơ, mất hết tình nghĩa Thầy trò và không những vậy mà không còn đủ cái tâm chân thật để chân tu.

Cũng có những người đi tới để làm một việc gì trong Xã hội, có thể ở Chùa, ở Tịnh Xá, ở trong đời. Ngoài ra còn có những người chúng ta giao du trong mối tình cảm với nhau, được yêu thương, được trao cho những sứ mệnh, được gửi gắm những công việc, hay được đặt để vào một chức vị nào đó ở trong xã hội hay trong đạo. Mỗi chúng ta khi bước vào một trách vụ nào do sự nâng đỡ, hỗ trợ, dạy dỗ đó, chúng ta đã bị mê lầm bởi tâm tham khởi dậy, để không còn giữ được ý niệm trong suốt thanh tịnh chân thật như lúc ban đầu, mà người xứa thường nói: trước như thế nào, sau như thế đó, trước sau như một không hề thay đổi. Tâm đó ngày nay với giá trị làm người, trước mọi vật chất, mọi cám dỗ ở đời, thì tâm trước sau như một hình như ít còn ai để ý, mà hoàn toàn thay đổi. Chúng ta cứ thay đổi theo từng bước chân, bởi mỗi một bước chân in dấu trên thềm tâm thức, đã gợi lên biết bao nhiêu nghiệp tham sân si, những nghiệp hỉ nộ ái ố, những điều dẫn chúng ta đắm chìm vào trong đó khó có thể trở lại bình thường.

Các Bạn, nếu đặt chúng ta tìm tới Nhà Điền phú để mua một miếng đất, hãy cố gắng mua vừa đủ, vừa đủ sống, vừa đủ để có vừa đủ xử dụng chi dùng. Chính những điều đó sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc và giữ được mối giao hảo thâm sâu, thân thiện với muôn người. Khi chúng ta tới bằng tình thân trong xã hội, hay tới bằng tình Thầy trò, Sư Thầy, hay tới với những ngôi vị, chức vị trong xã hội, chúng ta luôn nhớ, dù ở góc độ nào, cũng luôn luôn nhờ vào sự giúp đỡ lẫn nhau.

Mỗi một người sinh ra đời luôn cần có sự giúp đỡ, Khi sinh thời chúng ta cũng cần có môt bà mụ đỡ giúp Mẹ để chúng ta ra đời. Khi bước chân vào đời chúng ta cũng cần có Thầy Cô, Cha Mẹ, Ông Bà, cần có những bậc Thầy trưởng thượng và cần có xã hội nuôi dưỡng giúp đỡ về mặt kiến thức, tri thức và tâm linh.

Mỗi một bước đường chúng ta được học, mỗi một bước chân chúng ta được dìu dắt, chúng ta nhớ đến công ơn đó và nhớ trở về nguyên vị với tâm chân thật, đừng tham quá để bước xa tầm tay, đừng mưu cầu qúa để bước qúa xa mà không trở lại được. Chúng ta phải nhớ thật rõ chúng ta tới từ đâu, tâm ta như thế nào và khi khởi lên tâm thiện, nhớ rõ mình là ai thì chúng ta luôn an trú trong sự thực tại, các bạn hãy cố gắng hít thở hơi thở chánh niệm, hít vào biết hít, thở ra biết thở, nuôi dưỡng cuộc đời bằng hơi thở chánh niệm, để sống chính với sự chân thật của mình, mà luôn tri ân và cảm niệm công ơn của muôn người, đã giúp đỡ chúng ta. Đừng đeo đuổi theo bước chân tham, đừng đi mãi, đi mãi để trượt vào sự hão huyền, để muốn có, muốn chiếm, muốn đoạt. Phải trở về sống chân thật giản dị đón nhận.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts