Search

Hai Viên Gạch Xấu Xí

Pháp Thoại Thiền Sư Bảo Thành

Câu chuyện kể như vầy. Ở trong một thiền am nhỏ, có một tiểu mới vào tu. Đó là chú tiểu mới tu, nhưng anh ta đã là một thanh niên lớn tuổi. Sau khi đàn na tín thí cúng dường đầy đủ để xây dựng ngôi chánh điện cho đẹp, chú tiểu cũng muốn cúng dường. Tài lực thì không, nhưng cúng dường sức lực và trí lực vào sự việc xây dựng chùa chiền, nên chú tiểu sẵn sàng đảm nhận xây một bức tường. Rồi nhiều người, mỗi người xây dựng một chỗ khác biệt, vì đỡ tốn tiền của đàn na tín thí. Hơn nữa, những người đảm nhận đều biết cách xây dựng. Ngôi chùa dần dần được xây dựng và hình thành.

Nhưng bức tường mà chú tiểu kia xây dựng thì thật đặc biệt. Anh ta nghĩ rằng, ngôi chùa này xưa chỉ là một tịnh xá bằng tranh, nhỏ, nay xây dựng thành ngôi chùa tam bảo, cần nhất là phải xây cho kỹ và làm cho đẹp, để đời. Và khi ai đó tới lễ Phật, chiêm bái Phật và thăm cảnh chùa, họ cũng hài lòng, vì sự quan tâm đặc biệt của những thợ xây, đặc biệt là của những người dấn thân vào công quả xây dựng ngôi chùa. Nên anh ta đo đạc thật kỹ bức tường của mình, từng cục gạch được đặt lên, đo đạc và điều chỉnh cho thẳng tắp, đẹp, hàng ngang, hàng dọc đều đặn vô cùng. Bức tường của anh ta xây có đến cả trăm viên gạch, phải sử dụng cả trăm viên gạch, và anh ta vẫn xây tiếp, xây tiếp, hết trăm viên gạch này, đến trăm viên gạch khác. Tức là bức tường rộng ra, lớn ra và anh ta thích xây rộng hơn nữa, sẵn sàng công quả nhiều hơn, làm cho bức tường to hơn, bởi anh ta xây nhanh, gọn, đẹp và kỹ lưỡng.

Khi bức tường thẳng tắp của anh ta đã xây xong, viên nào ngang dọc cũng đều đặn hết, đẹp lắm, thật là đẹp. Anh ta nhìn kỹ lại, thì hỡi ơi, có hai viên gạch trong bức tường đó, ở khoảng giữa ngay tầm mắt, nó lại không thẳng, nó méo, lòi đầu ra một chút. Nhưng nó cứng rồi, bây giờ biết sao đây, cứng ngắt rồi, không sao sửa. Nó ở giữa mà. Mà ai cũng xây xong rồi. Ngôi chùa cũng đã đến lúc khánh thành.

Lễ khánh thành xong, khách thập phương tới.  Anh ta có trách nhiệm dẫn khách đi thăm chùa sau khi lễ Phật. Chỗ nào anh ta cũng dắt tới, thật là một sự kỳ công, tuyệt mỹ của những người thợ xây chùa bằng tâm, bằng trí lực, bằng cả tấm lòng yêu mến, nên ngôi chùa tuyệt mỹ, đẹp. Đẹp tới mức mà ai cũng trầm trồ khen. Tuy nhiên, anh ta không bao giờ dắt khách thập phương tới nhìn qua cái bức tường chỗ anh ta xây dựng. Bởi vì anh ta sợ người ta nhìn thấy hai viên gạch không thẳng, xấu.

Thế nhưng vào một ngày kia, có hai nhà sư lớn tuổi tới thăm. Anh ta dắt lên chánh điện lễ Phật xong, Anh ta bắt đầu dắt hai nhà sư này đi thăm chung quanh cảnh chùa, đủ hết đủ hết, đi thăm mọi chỗ đều đẹp, đều thích. Anh ta cũng tính không dắt hai nhà sư này tới bức tường đó để xem. Nhưng bởi vì hai nhà sư lớn tuổi, quan sát kỹ lưỡng, nên muốn thăm cái bức tường còn sót ở nơi đằng sau chánh điện đẹp đó. Anh ta cản không được nên dắt hai người đi.

Khi hai nhà sư tới. Anh ta thấy xấu hổ vô cùng, hai cục đá hiển lộ rõ ràng trước mắt mọi người. Anh ta cúi gằm mặt xuống. Bỗng nhiên anh ta nghe thấy được những tiếng khen: đẹp thay đẹp thay, một bức tường tuyệt đẹp, tuyệt đẹp. Anh ta ngỡ ngàng bảo hai nhà sư: vậy thì hai nhà sư không nhìn thấy hai viên đá ở giữa kia lòi ra, không thẳng sao. Nhà sư nói rằng chính vì hai cục đá lòi ra như vậy mà chúng tôi đã thấy được hàng trăm ngàn những viên đá khác được xây dựng thẳng tắp và đẹp nên chúng tôi thấy được cái đẹp. Có lẽ vì hai viên đá không thẳng, để chúng tôi nhận thấy hàng trăm hàng ngàn viên đá thật là đẹp, được sắp đặt thẳng thớm ngang dọc kỹ lưỡng, đẹp tuyệt vời, đẹp tuyệt vời. Nhưng chú tiểu này nói hai viên đá đó thật là xấu, nó nằm không đúng chỗ và chẳng thẳng.

Hai nhà sư mượn đó như một câu nói Pháp, nói cho anh ta biết. Ở trên đời, thông thường chúng ta chỉ nhìn hai viên đá xấu, không thấy được hàng trăm ngàn những viên đá đẹp, những cục gạch đẹp được xây dựng thẳng tắp. Đời người cũng như vậy. Ta thường không thấy được những việc đẹp chúng ta làm, mà chúng ta cứ tự trách về những lầm lỗi của mình, để chúng ta trở nên tự kỉ, che lấp, sợ hãi, run sợ. Trên đời này ai không lầm lỗi và sai trái. Nhưng chúng ta đừng khi nào nhìn quá sâu vào những lầm lỗi và sai trái của mình, mà phải nhìn vào những điều tốt đẹp, thiện hảo ta tạo ra, ta đã làm được. Và chúng ta hãnh diện về điều đó, lấy lòng hãnh diện đó để chúng ta sửa. Chính vì cả hàng trăm ngàn viên đá thẳng tắp kia, nên chúng tôi thấy được công phu của người xây dựng bức tường này. Thật là đẹp.  Tuy có hai viên gạch không thẳng, nhưng chẳng nhằm vào đâu vì hàng trăm hàng ngàn viên gạch thật là thẳng và đẹp.

Đời người của chúng ta có hàng trăm ngàn những công việc chúng ta làm đã tốt. Sao chỉ nhìn vào vài hành động sai trái của chúng ta, mà hỗ thẹn, giấu mặt, chẳng dám hùng dũng bước vào cuộc đời. Đó là góc cạnh nhìn về ta. Còn một góc cạnh ẩn tàng nữa là chúng ta nhìn người như thế nào. Hai nhà sư có con mắt của đạo học, nên chẳng nhìn thấy hai cục gạch sai. Cái nhìn hai cục gạch sai đó là các ngài để nhìn thấy sự đẹp của hàng trăm ngàn viên gạch khác, tôn vinh vẻ đẹp khéo léo của cả bức tường, chẳng chỉ nhìn vào hai viên gạch sai để rồi chê trách.

Chúng ta ở trên đời, con mắt nhìn mình, trước là để đừng cảm thấy tự kỷ, xấu xa về những hành động tội lỗi sai phạm của chúng ta. Ai cũng phạm cũng sai, vì vậy chúng ta hãy nhìn vào những điều chúng ta làm đẹp để sống tự hào làm người tốt, và cố gắng vươn lên. Khỏi cần phải che giấu những cái sai lầm của chúng ta, bởi chúng ta đã làm biết bao nhiêu những điều tốt đẹp. Biết được điều đó, chúng ta khi nhìn vào cuộc đời người khác, chúng ta phải nhìn thấy hàng trăm hàng ngàn những hành động, sự việc của người ta đã tạo ra, đẹp và thẳng thóm như hàng trăm ngàn những viên gạch được xây thẳng tắp. Có những hành động sai trái của người, ta chớ nhìn vào. Như hai con mắt tinh tường của hai nhà sư, chỉ nhìn thấy sự thẳng thóm của bức tường, chẳng thấy sự lồi lõm của hai viên gạch kia.

Chúng ta là người sống ở trên đời, theo như Phật dạy, hãy nhìn vào ưu điểm của người khác. Bằng một câu đơn giản: chớ thấy lỗi người. Chúng ta đừng thấy lỗi của hai viên gạch trên bức tường.  Chúng ta phải nhìn thấy những hành động tạo tác của họ đẹp, tốt, nhân ái xử thế ở trong đời. Còn những viên mà nó ngang dọc không ngay, không thẳng, đừng để ý, đừng nhìn vô và cũng đừng moi móc.

Như hai nhà sư tới chỉ nhìn vào bức tường bao quát. Khi nhìn vào con người, chúng ta nên nhìn một cách bao dung, bao quát cả cuộc đời của họ. Đừng đánh giá cuộc đời của người khác bằng những hành động nhỏ sai trái. Ngược lại, cũng đừng hủy hoại cuộc đời mình bởi những lầm chấp của chính ta. Hai viên gạch không là gì. Cả một bức tường thẳng mới là quan trọng. Cả một đời chúng ta đứng thẳng giữa trời đất làm những việc thiện, làm những việc tốt, thì xá chi những việc lầm lỗi trong quá khứ ta đã tạo ra. Thiên hạ có thấy đó, họ có chỉ vào đó, họ có moi vào đó, họ có la toáng lên để cho mọi người thấy? Không sao không sao. Bởi vì có hai viên gạch không thẳng, nhưng có hàng trăm hàng ngàn viên gạch thẳng tắp. Có nhiều hành động nhỏ chúng ta phạm lỗi nhưng vẫn có thật nhiều những hành động lớn chúng ta đang làm tốt đẹp.

Người ta cũng như vậy mà thôi. Bức tường cuộc đời của họ cũng trang hoàng thẳng tắp những hành động được sắp đặt từ quá khứ đến hiện tại trong chuỗi thời gian đang sống của cuộc đời, chúng ta phải nhìn thấy được giá trị đích thực đó, chứ đừng nhìn vào những lầm lỗi sai trái của họ. hay là moi vào hai viên gạch lồi lõm không thẳng hàng đúng lối kia.

Các bạn, cái nhìn của ta với chính ta, không nên thấy lỗi của chính mình nữa kìa. Không thấy lỗi ở đây không phải là không thấy. Không thấy ở đây mang một ý nghĩa khác. Là biết ta có lỗi, nhưng đừng cứ nhìn vào cái lỗi đó để bị tủi bị nhục, để rồi tự kinh thường mình, tự kỷ, sống không có niềm tin, mà chúng ta còn phải biết những chuyện chúng ta đã làm đúng. Thấy cái lỗi của mình. Biết rằng ta đã sai. Biết cái đúng của mình, để ta làm tiếp, sống hãnh diện về điều tốt.

Và đối với nhân quần xã hội, những người chúng ta đang giao tiếp cũng y như lời Phật: chẳng thấy lỗi người. Ta chỉ thấy được những thành tựu tốt đẹp cao cả của mỗi một con người ta tiếp cận. Tôn vinh điều tốt đó và tôn vinh những phẩm giá cao đẹp của họ. Dĩ nhiên nếu làm được điều đó, ta và người sẽ sống hạnh phúc vô cùng. Bình an chính ở chỗ hiểu được chân lý sống: chẳng thấy lỗi người. Chỉ thấy lỗi mình để biết ta không hoàn thiện, và hoàn thiện bằng những việc đã làm tốt và sẵn sàng tiếp tục những điều lành, thiện hảo ta đã làm.

Ngược lại, đời cũng như vậy và ta cũng như đời. Đời và ta đều đối xử và làm như nhau, nhất định thế gian này tìm đâu thấy sự khổ đau. Thế gian này sẽ có hạnh phúc. Thế gian này sẽ có niềm vui, bởi ai ai cũng biết mình làm gì. Cuộc sống như vậy, làm sao chúng ta giữ được tâm thái như vậy, Đức Phật dạy không nằm ngoài hơi thở. Người biết làm chủ hơi thở và sống trong hơi thở vào ra. Người nhìn rõ mọi tạo tác và hành động để biết tiến thoái trong sự suy nghĩ đúng sai. Đừng khi nào quá tự kỷ về những việc đã xảy ra. Ai cũng sai. Không ai mà đúng hết. Đừng có nhìn vào đúng sai của mình rồi che giấu nó, để tự kỷ với nó, để rồi sợ hãi. Nhìn vào cái sai để thấy được hàng trăm ngàn những việc tốt ta đã làm. Cũng như nhìn vào hai cục gạch không thẳng kia để thấy hằng trăm ngàn cục gạch thẳng thóm, đẹp, ngang dọc như ý. Đừng nhìn vào những chuyện bất như ý của ta rồi cả cuộc đời cứ phải che giấu cho người khác khỏi nhìn. Cứ để cho họ nhìn! Bởi khi họ nhìn cái thấy cái xấu của ta, họ cũng sẽ nhìn thấy cái cao đẹp của ta. Và ngược lại, chúng ta cũng chẳng cần phải nhìn tới cái xấu, cái sai, của người. Hãy nhìn thấy cái cao đẹp của người. Hạnh phúc tới từ sự biết nhìn lẫn nhau.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts