Search

Giá Trị Cuộc Sống

Công Minh đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn thân mến, chúc các bạn mạnh khỏe an vui. Gặp nhau đây, trong giây phút này, trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn chia sẻ những điều chúng ta tương đồng với nhân duyên để hiểu nhau, đó là hạnh phúc của Bảo Thành.

Có câu chuyện Bảo Thành muốn kể, kể ngay để chúng ta suy nghĩ. Có một ông sư phụ và một cậu học trò sống ở trong một hang động nhỏ ở trên núi. Rồi hang động đó luôn luôn có người tới kẻ đi. Cậu học trò này mới quan sát thì ai tới gặp sư phụ của mình cũng xin sư phụ của mình chỉ cho giá trị của cuộc đời, ý nghĩa sống làm sao để có giá trị của cuộc đời và anh ta suy nghĩ, như vậy thì giá trị cuộc đời là gì? Giá trị cuộc đời như thế nào? Lấy sự mạnh dạn, một hôm anh ta tới hỏi sư phụ: “Thưa thầy, thưa sư phụ, cuộc đời có giá trị gì? Và giá trị như thế nào mà sao bao nhiêu người tới đều gặp thầy, gặp sư phụ để hỏi? Xin sư phụ cho con biết”. Ông sư phụ dạy cho đệ tử rằng: “Con ơi, thôi được rồi để thầy dạy cho con cái này để biết được giá trị của cuộc đời, giá trị của cuộc sống”. Ông thầy giao cho đệ tử một cục đá, chỉ một cục đá, nói anh học trò: “Con hãy mang cục đá này ra ngoài chợ bán với giá thật là cao, nếu không ai trả giá thật cao thì con mang về cho sư phụ”. Anh học trò mang ra chợ bán cục đá đó với giá thật là cao, từ sáng đến tối cũng không ai mua. Cuối cùng cũng có người trả giá nhưng giá cũng không được giá cao, anh ta mang về, hỏi: “Thưa thầy, cục đá thầy trao cho con bán ở ngoài chợ chẳng ai thèm mua mà chẳng mua được với giá cao con đợi”. Sư phụ nói: “Con ơi, vậy thì thôi, ngày mai con mang viên đá này tới tiệm vàng con bán dùm thầy, nhưng phải bán giá thật là cao”.

Anh học trò bởi nghe sư phụ, ngày hôm sau mang tới tiệm vàng bán, bán giá thật là cao, anh tiệm vàng tính qua tính lại cũng chẳng mua với giá cao, nhìn qua nhìn lại thấy cục đá cũng không biết giá nhiêu, mà thấy đứa nhỏ bán, thôi nghĩ cho nó ít tiền, lấy cục đá cho nó về, đứa nhỏ không có chịu bởi không thể bán được giá thật là cao, nó đi về. Rồi sư phụ lại được câu hỏi: “Thưa sư phụ, không biết giá trị của cục đá sao mà con bán giá cao hổng ai mua, ngoài đời chợ không ai mua, tiệm vàng cũng chẳng mua, giờ sao sư phụ ơi?”. Sư phụ nói: “Vậy thì ngày mai con mang tới tiệm đồ cổ con bán giá thật cao đi”. Khi người học trò này tới tiệm đồ cổ, ông đồ cổ với con mắt nhà nghề tinh tường, nhìn sơ qua cục đá thấy giá trị của một hòn đá cổ thật là cổ, liền trả một giá thật là cao, thật là cao, mà giá đó chưa bao giờ ai dám trả cho cậu học trò này. Tuy nhiên người học trò nhớ đến lời sư phụ là phải đòi một giá cao thật là cao, nay nghe người này trả giá quá cao, mà giá đó anh ta chưa nghĩ tới nữa, mà anh ta cũng không có ước định bởi tuổi còn nhỏ, chẳng thể biết được giá nào là giá thật là cao, giá này cao lắm rồi nhưng anh ta không dám bán, anh ta mang về. Tiệm đồ cổ ai cũng xúm vô mua, bao nhiêu tiệm cổ đều xúm vô mua, anh ta không bán mang về. Khi hỏi sư phụ, sư phụ mới đặt cục đá đó lên trên bàn, ngồi xuống nói với đệ tử rằng: “Con ơi, giá trị của cục đá này chỉ có con mắt tinh tường của những người trong nghề mới thấu rõ và nhìn ra các giá trị của nó, bởi nó là đồ cổ. Cho nên những người đồ cổ buôn bán đồ cổ thấy nó liền hiểu được giá trị, nó là vô giá, sẵn sàng trả cho mọi cách để mua, để lấy nó, để có được có giá trị của nó. Vậy thì giá trị từ đâu tới? Giá trị tới từ sự đặt để của con người, chẳng phải bản thân nó có giá, nó là vô giá, tức là không có giá, còn cái giá nó có hay không là do con người có hiểu biết về nó và đặt cho nó một giá trị như thế nào. Vậy thì giá trị đời sống của con, nó nằm ở chính trong tâm của con, con biết đặt để cái tâm con ở chỗ nào để có giá trị và những con người khi họ hiểu được giá trị của tâm, họ sẽ nhận ra con có giá trị như thế nào, là vô giá như cục đá kia, là chẳng có giá như người ngoài chợ. Khác biệt giữa chợ, anh tiệm vàng và anh bán hàng đồ cổ là con mắt nhận ra. Ở đời khác biệt nhau là nhận ra giá trị sống mỗi người tùy theo người đó đặt để họ vào như thế nào.

Các bạn thân mến, ở trên đời có nhiều người tăng giá của cuộc đời một cách bỡn cợt, đáng cười bởi họ không chăm sóc giá trị của họ bằng đời sống chân tâm, họ tô điểm giá trị của cuộc đời họ bằng tiền. Họ không chăm sóc giá trị của họ bằng đời sống tâm linh, họ chăm sóc giá trị cuộc đời của họ bằng tài. Họ không chăm sóc giá trị của họ bằng đời sống thanh tịnh, thoát tục nhưng họ chăm sóc giá trị của họ bằng danh. Tiền, tài, danh là ba thứ họ khoác lên trên người, rồi họ chẳng bao giờ chăm sóc đời sống tâm linh thánh thiện, hiền lương họ đã đánh mất nên dù ở trên người của họ có đầy tiền, đầy tài, đầy danh, dù cho họ có đầy đủ nhà cao cửa rộng, đồ ăn thức uống thì cuối cùng khi chết đi có mang được đâu, giá trị đó chỉ là huyễn, là giả, là không có thực. Con, con hãy nhớ! Đó là lời của ông sư phụ dạy đứa học trò, phải nhớ rằng giá trị tùy theo ta đặt để mình ở đâu, nếu ta đặt mình đúng với cái chỗ như cục đá đó con mang tới đúng chỗ đồ cổ họ hiểu giá trị đồ cổ là vô giá, còn nếu như mà con mang ra chợ là nơi người ta không có con mắt về đồ cổ thì nó không có giá, còn nếu con mang tới cái chỗ cũng có mắt mà con mắt lại không hiểu biết về nó như anh thợ vàng thì giá của nó chỉ là một sự thương hại.

Đời người có là bao, giá trị của mỗi một con người nằm ở chỗ ta có phẩm giá trong tâm thiện, ta đặt đúng phẩm giá của mình vào chánh tâm con đường tu tập. Ông sư phụ sau đó dặn đệ tử: “Con theo thầy học đạo, giá trị của con người nằm ở chỗ là tầm cầu đạo giải thoát, con nhớ. Cho nên con đã thấy biết bao nhiêu người tới hỏi sư phụ để tìm lại giá trị đích thực của họ trong đời sống này và mỗi người họ đều có các giá trị đặc biệt hết, nếu họ biết đặt để đúng chỗ. Con học của thầy, con phải đặt cuộc đời của con đúng vào chỗ đời sống tâm linh, cầu một con đường giải thoát khỏi khổ thì giá trị của con sẽ đặt đúng chỗ, nó sẽ trở thành vô giá không ai có thể mua được. Và con chẳng cần đắp lên trên người tiền tài, danh vọng, địa vị của cuộc đời, chỉ trang điểm bằng tâm chân thật, bằng tâm bồ đề, tức là tâm không vướng mắc, không chấp vào những vật chất của thế gian, mượn thế gian như là phương tiện của con thuyền đạp trên sóng nước tới bờ bên kia. Cậu học trò nghe và hiểu thấu lý được điều đó, còn các bạn và Bảo Thành qua câu chuyện này có lắng đọng chút phần nào để tư duy hay không? Chúng ta có sự khác biệt để lựa chọn trong cuộc sống, nhưng chẳng khác biệt nếu nhìn rõ câu chuyện này. Bảo Thành và các bạn giống y như nhau. Chúng ta có thể lấy ra được bài học là giá trị của cuộc đời tùy theo chỗ nào chúng ta đặt để. Chỗ cao quý nhất mà Đức Phật đã nhìn rõ đó là đặt mình vào tâm thiện. Các bạn, tâm thiện của chúng ta cao quý vô cùng, nó có thể đặt ở trên bất cứ chỗ nào và chỗ nào được đặt tâm thiện vào thì đều tỏa sáng. Tâm thiện cao quý vô cùng và nếu tâm thiện được đặt xuống địa ngục thì địa ngục sẽ hết lửa cháy biến thành Niết Bàn. Nếu tâm thiện được đặt vào cảnh giới của ngạ quỷ thì chẳng còn ngạ quỷ đau khổ trong đó. Các bạn, nếu như tâm thiện được đặt vào lòng của thú, cảnh giới của súc sanh thì súc sanh sẽ trở thành thánh hiền. Đấy, tâm thiện nó tuyệt diệu, nó tuyệt vời, nó là vô giá. Do đó con hãy hứng lấy tâm thiện trong cuộc đời, đặt mình vào ở trong tâm thiện đó thì đi tới đâu giá trị của cuộc đời cũng được lan tỏa tới đó.

Cậu học trò thấm hiểu được điều sư phụ dạy nên cả cuộc đời đã tu tập, đặt mình trong giá trị của tâm thiện để thoát khổ. Bảo Thành và các bạn nghe qua, mình có thể tự hạ mình xuống như một người học trò của ông sư phụ kia hay không? Nghe lời dạy của sư phụ kia để chúng ta, Bảo Thành và các bạn hãy đặt mình trong giá trị của tâm thiện để tâm thiện đó như viên ngọc lưu ly, như con đường trải rộng trên bước chân mềm yếu của những kẻ tội lỗi như ta, để chúng ta có thể trải lên trên con đường đó viên ngọc lưu ly dẫn đường ta thoát khổ. Các bạn, các bạn ơi Đức Phật là bậc thầy, Ngài chỉ cho chúng ta con đường trở về với pháp thiện, pháp thiện là gì các bạn? Trên đời có hai cái ác và thiện, thôi có cần gì phải phân tích, bạn và Bảo Thành đều hiểu đâu là ác đâu là thiện và Phật dạy bỏ ác đi con à, làm điều thiện. Ông sư phụ kia cũng dạy đệ tử của mình an trú ở trong pháp thiện, cũng dạy đệ tử của mình đặt mình trong pháp thiện để có được giá trị của cuộc sống và giá trị cuộc sống là ở chỗ đặt mình vào trong pháp thiện. Các bạn hãy dũng mãnh lên, hãy cùng với Bảo Thành chúng ta cùng nhau đặt mình ở trong pháp thiện để vượt qua muôn trùng sự thử thách, không cần biết đó là chuyện chi chúng ta vẫn sống thiện sống thiện trong mọi hoàn cảnh, nói thiện trong mọi hoàn cảnh, nghĩ việc thiện trong mọi hoàn cảnh bởi đây là pháp thiện, là pháp bảo của Như Lai truyền lại cho chúng ta. Pháp thiện này giúp cho chúng ta tăng cao giá trị sống cuộc đời trong thân phận làm người. Kiếp người cao quý là bởi vì thân người là phương tiện vi diệu, vi diệu hơn nếu chúng ta dùng các phương tiện làm người này, đặt nó vào giá trị của pháp thiện thì nó tăng cao vô cùng, giá trị đó tất cả tiền tài danh vọng của thế gian không thể mua được đâu.

Các bạn hãy sống với tâm thiện, hãy sống với pháp thiện, pháp thiện là viên ngọc quý trong mỗi người chúng ta và chúng ta hãy tin tấn đặt mình trong pháp thiện đó, giá trị của chúng ta sẽ khác biệt. Viên đá cổ kia chỉ có thể nhận ra dưới con mắt của những người chơi đồ cổ, còn con mắt ở trong chợ đời sao có thể nhận ra. Nếu các bạn đặt mình vào trong pháp thiện thì nhất định mười phương chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Long Thiên, Hộ Pháp đều nhận ra các bạn, đều nhận ra giá trị của các bạn. Hãy sống với giá trị đó để luôn bình an và hạnh phúc.

Cảm ơn các bạn đã nghe câu chuyện này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts