Search

Gánh Tội Cho Người

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn. Chúng ta đang ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn

Hôm nay Bảo Thành kể cho các bạn nghe về một câu chuyện mà thuở nhỏ thường được cha của Bảo Thành kể. Có lẽ đây là một câu chuyện trong dân gian nhưng nó có một ý nghĩa trong giáo lý của Đức Phật dạy. Bảo Thành kể câu chuyện các bạn cùng nghe:

Thuở đó có một vị xuất gia – nói đúng hơn là một nhà sư, bị chết đi và đang trên đường về để trình diện Diêm Vương. Trên đoạn đường đó cũng có một tên cướp hung ác cũng vừa chết đang dồng hành trở về gặp Diêm Vương. Cả hai người – nhà sư và tên cướp đi với nhau, nhà sư thì nhẹ nhàng chẳng có gì trên tay để mang – chỉ có sự thanh tịnh hiệp nhất trong tất cả những gì của đời tu mang theo đó là thiện nghiệp, còn tên cướp kia, bởi vì cả cuộc đời ăn cướp ăn trộm làm những chuyện ác cho nên trên hai vai tên cướp này gánh thật là nặng những ác nghiệp đã tạo ra. Thấy tên cướp này gánh quá nặng nề, đi ì à ì ạch mà tên cướp này thì khéo ăn nói, hắn nói với nhà sư rằng: Thưa nhà sư! Nhà sư là người xuất gia học Phật có tình yêu thương, còn tôi là kẻ trộm cướp ác, nhưng tôi đã gánh gánh tội lỗi này của tôi trên đoạn đường để trình diện Diêm Vương quá xa, nên nặng nề mệt mỏi đau đớn quá. Nếu là người xuất gia có tình thương, nhà sư có thể gánh giùm tôi được hay không? Với lòng từ bi và yêu thương, nhà sư đã đáp lại lời kêu cứu của tên trộm cướp kia liền gánh lên vai mình sức nặng của tội lỗi của tên cướp tạo ra. Tên cướp nhẹ nhàng do không còn phải gánh 2 gánh tội lỗi của mình nữa, nên chạy xuống trình diện Diêm Vương trước. Diêm Vương nhìn thấy người này không có mang theo một chút tội gì xuống trình diện, con người khỏe lại thoải mái liền hỏi: Ngươi có tội gì không? Tên trộm cướp nói: Ta không có tội gì hết, ta là người bình thường làm việc tốt thôi à. Diêm Vương cho nó đi tái sanh. Nhưng trên đường nó đang đi tái sanh thì nhà sư cũng vừa tới trình diện Diêm Vương. Diêm Vương thấy nhà sư gánh cả một gánh tội lỗi nặng nề liền cho thiêu ngay bởi vì nghĩ rằng cuộc đời của nhà sư xuất gia như vậy mà không được thanh tịnh, chết rồi mà vẫn còn cả một gánh tội nặng nề như vậy trên vai nên cho những tên quỷ khác bắt nhốt vào lò thiêu để thiêu cháy nhà sư. Nhưng lạ thay! Lửa càng lớn, xăng dầu tẩm vào càng nhiều, thiêu càng lâu mà không thể thiêu cháy được nhà sư. Nhà sư vẫn ngồi bình thường mỉm cười nhẹ nhàng một cách khoan dung, đến khi đó Diêm Vương mới hỏi kỹ thì hóa ra đây là một nhà sư đức hạnh, chẳng có tội gì mà chỉ vì thương cho kẻ trộm cướp tội lỗi nhiều, nên gánh vác giùm mà thôi. Lúc đó Diêm Vương mới để cho nhà sư bước ra từ những ngọn lửa mà dưới Diêm Vương kia đang thiêu đốt ngài, nhà sư bước ra nhẹ nhàng và được đi tái sanh về cảnh giới an nhiên tự tại. Còn tên trộm kia dù được tha bổng và đang đi trên con đường tái sanh nhưng vì tội thực sự ở bên trong quá nặng nên đang trên cầu đi tái sanh cầu liền bị gãy và hắn ta lại lọt vào chảo lửa ở dưới Diêm Vương và bị thiêu đốt đời đời. Đây là câu chuyện được kể cho Bảo Thành nghe từ thuở nhỏ.

Các bạn thân mến, thật là rõ ràng tội ai người đó chịu, phước ai người đó hưởng, ai tu người đó được và ai làm tội người đó phải chịu, đó là chân lý về nhân quả mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta. Dù nhà sư có thương tên trộm cướp kia đi nữa cũng chẳng thể gánh nổi tội cho ông ta. Và giả sử nhà sư có gánh tội giúp cho người ta thì chúng ta thấy rằng lửa cũng không thể thiêu cháy nhà sư được bởi tội đó ông không tạo ra, chỉ giúp đỡ gánh giùm mà thôi. Nhưng sự tráo trở của tên trộm cướp tưởng rằng khi tráo gánh tội này qua nhà sư thì nó có thể thoát được. Nhưng đâu có thể thoát được, luật nhân quả mà – làm ra tội thì phải chịu tội, khi lên trên cầu đi tái sanh thì cầu gãy thì hắn ta lại bị lọt xuống hầm lửa của địa ngục và bị thiêu đốt. Còn nhà sư dù có gánh trên vai cả gánh nặng tội lỗi từ tên cướp, thế nhưng lửa hỏa ngục cũng không thể thiêu đốt nhà sư được.

Câu chuyện này hòng nhắc nhở cho chúng ta rằng nếu chúng ta làm tốt, nếu chúng ta tu đúng với chân lý, đạo lý mà Đức Phật dạy cho chúng ta thì dù ở đời, người ta có đổ lên cuộc đời của chúng ta những điều xấu xa đi nữa, chúng ta vẫn sạch, vẫn được an nhiên tự tại bởi vì “Vàng thật không sợ lửa”. Người chân thật, người tu pháp thiện có đầy đủ những phước báu và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, có ai đó đổ vào cuộc đời ta những sai trái, vu khống, hàm oan, hoặc chúng ta có thương ai nên gánh tội giùm ai đi nữa thì đó cũng chẳng phải là tội của ta. Cũng như nhà sư vì tình thương mà gánh tội giùm cho tên trộm cướp đi xuống trình diện Diêm Vương mà thôi. Pháp tu của nhà Phật đặc biệt ở chỗ là chúng ta tu, chúng ta tạo phước, thì công phu tu đó và phước báu đó sẽ là của ta. Chẳng ai có thể lấy được, chẳng ai có thể mượn danh của ta mà lấy đi phước báu – phước báu đó do chính công hạnh của ta tu. Do vậy mà trong cuộc sống này dù ai có làm việc thiện mà bị người khác phỉ báng thì phước báu thiện đó vẫn luôn luôn là của các bạn. Dù ai có tu đúng pháp thiện của nhà Phật mà bị người ta gièm pha, chê bai, sỉ nhục thì các bạn vẫn thành tựu được phước báu cao cả. Còn nếu như các bạn là kẻ trộm, dù cho các bạn có lanh lẹ tráo trở tới đâu đi nữa cũng không thể dùng bất cứ phương pháp nào che đậy được tất cả những nghiệp quả các bạn tạo ra. Dưới định luật nhân quả Đức Phật đã dạy, không ai có thể che giấu được những tội lỗi và lầm chấp của mình tạo ra, đó mới gọi là luật nhân quả. Vì thế, mỗi người chúng ta cứ an tâm tu những điều tốt đẹp và làm những điều tốt đẹp, mặc dù cuộc đời không chấp nhận hoặc những người xung quanh coi thường chê bai chúng ta, đôi khi còn vu khống hàm oan để làm chúng ta từ bỏ những điều tốt đẹp như thế, chúng ta cứ an tâm vì dù người ta nói ngả nói nghiêng, lòng chúng ta cố gắng giữ vững trong niềm tin mà tu học. Tất cả giới hạnh, sự công phu tu tập của chúng ta sẽ đưa tới thành quả tốt đẹp nhất trong cuộc đời đó là sự an lạc và hạnh phúc. Còn ngược lại, những ai tạo ra tội nghiệp, dù có dùng những hình thức nào đi nữa để che giấu, che đậy, không cho ai thấy thì luật nhân quả vẫn thấy thật là rõ chẳng thể thoát đi đâu được đâu. Do vậy trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể đồng hành với những người xấu và trên cuộc đời đồng hành với người xấu như vậy, như nhà sư đồng hành xuống Diêm Vương cùng với tên trộm cướp, nhất định sẽ bị tên trộm cướp dùng đủ mọi mưu mô chước quỷ để lừa lọc nhà sư, nhưng nhớ rằng nhà sư là nhà tu có trí tuệ, Ngài có tình thương lớn, có tình thương bao la nên dù sao đi nữa Ngài vẫn sẵn sàng gánh giùm tội để đi trình diện Diêm Vương. Trong cuộc đời của chúng ta, người đã đi tu luôn có một lòng nhân từ bao dung thật lớn. Tất cả mọi tội lỗi của thế gian đổ lên cho chúng ta, đôi khi cũng vì tình thương đó mà chúng ta sẵn sàng gánh chịu. Nhưng các bạn thân mến, dù chúng ta có gánh vác đi nữa ta cũng chẵng chịu tội mà người khác đã phạm. Ta chẳng qua là ở đó nâng đỡ, giúp đỡ họ mà thôi. Người có phước báu lớn tu tập trong pháp thiện có sức mạnh để chúng ta hồi hướng hỗ trợ cho những người khác vượt qua những thử thách của cuộc đời để thành tựu được sự an lạc.

Các bạn thân mến, trên con đường tu như vậy chúng ta nhớ rằng “Vàng thau lẫn lộn, thiện ác luôn luôn song hành với nhau”, chỉ cần các bạn luôn giữ tâm thiện, pháp thiện và thực hành miên mật thì tất cả mọi chuyện sẽ ổn thôi, sẽ tốt đẹp thôi, không có gì phải sợ hãi. Nhà sư vẫn thong dong tự tại dù rằng khi xuống dưới địa ngục, Diêm Vương đốt Ngài nhưng Ngài vẫn bình tĩnh, bởi Ngài có tội đâu thì ngọn lửa kia có làm gì được để Ngài sợ hãi. Lửa có to, xăng dầu có nhiều, thì tâm thiện của Ngài hiện diện ngay đó lửa chẳng thể đốt cháy Ngài được. Còn kẻ đã gian ác, đi trên cầu đàng hoàng rõ ràng rồi cũng bị té xuống hầm lửa mà thôi. Kẻ tạo ác sẽ phải trả cho quả ác đó, người tu thiện sẽ có được phước báu. Đây là chân lý không thể chối cãi. Chúng ta hãy cố gắng thực hiện pháp thiện này, bằng cách tu dưỡng tâm của mình trong pháp thiện của Như Lai, để tăng trưởng phước báu. Dù rằng cuộc đời của chúng ta muôn người luôn luôn đổ lỗi cho chúng ta, chà đạp chúng ta và luôn luôn dồn tất cả những xấu sa tội lỗi nhất về phía chúng ta. Nhưng chỉ cần trong tâm của chúng ta biết rằng ta vẫn là người luôn luôn giữ tâm thiện, vẫn luôn luôn giữ giới, vẫn luôn luôn tu theo những lời hướng dẫn của Chư Phật, thì khi đứng trước Diêm Vương, dù trước mọi nghịch cảnh nào của cuộc đời đi nữa, ta luôn luôn được hộ mạng, ta luôn luôn được toàn thân và ta luôn luôn được bình an. Đây là chân lý nhân quả, tin sâu vào điều này thì trên con đường đồng hành ở kiếp này dù ta mang thân là tu sĩ hay kẻ trộm cướp đi nữa, thì chúng ta nên nhớ rằng tâm thiện mới là sự cao quý. Còn giữa lời nói ngôn ngữ ứng xử ở đời, nó cần phải phù hợp với chân lý kia. Cho nên dù bạn gánh tội mà là tu sĩ thì khi đi xuống địa ngục, tâm thanh tịnh của các bạn vẫn sẽ giữ cho bạn luôn luôn được tái sanh vào cảnh lành, còn dù các bạn đi tay không, không gánh một tội lỗi nào, nhưng tâm trộm cướp của bạn cuối cùng cũng để đày đọa bạn xuống hầm lửa của đại ngục đen tối mà thôi. Hãy sống với tâm thiện để luôn luôn an vui. Chúc mừng bạn đã thành công trên con đường tu pháp thiện bởi các bạn thực sự có tâm thiện nên luôn luôn nghe được lời của Phật và luôn luôn sống đời sống an vui.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts