Search

Dung Thông Giữa Không Và Có

Tâm Sĩ đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh                                                                                                                                      

Bảo Thành kính chào các bạn trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.

Các bạn thân mến,

Chúng ta là những con người sống trên hành tinh này, thường phải va chạm và tiếp cận thật nhiều những người khác, với các cá tánh khác biệt. Có người dễ dàng, dễ thương, có người khó chịu, có người dễ sân, hận. Mỗi một con người chúng ta đều có một cách nhìn nhận về cuộc sống khác nhau, mỗi một người chúng ta đều có những cảm xúc khác nhau khi tương tác. Cũng hành động đó, nghĩa cử đó, cũng con người đó, nhưng khi tiếp xúc với người này, họ lại thương mình, nhưng khi tiếp xúc với người khác cũng y chang như vậy, nhưng chẳng được sự đón nhận.

Có câu chuyện kể như vầy: Một vị Thiền sư cùng một số đệ tử của mình lập một ngôi Chùa thật gần một Miếu quán, nơi đó có một vị Pháp sư ở đó đã lâu rồi. Vị Pháp sư trong Miếu Quán này là một vị Thầy pháp, vừa phong thủy, vừa có pháp thuật cao siêu đã nhiều đời, từ đời ông Tổ, Cha mẹ truyền lại. Các vị Sư phụ của các vị Pháp sư thường ở đó, nên Miếu quán nổi tiếng, ai ai cũng thường tới đó để nhờ sự giúp đỡ.

Vị Thiền sư tới đó cất một ngôi Chùa nhỏ cùng với các đệ tử ở. Vị Pháp sư trong Miếu quán không có thích, dùng đủ mọi pháp thuật tà thuật, lúc tạo giông bão, lúc tạo mưa, tạo những nghịch cảnh xảy ra tại ngôi Chùa của vị Thiền sư đó. Hình như pháp thuật của vị Pháp sư trong Miếu quán này cao tay dữ lắm. Trải qua một thời gian vị Thiền sư vẫn ở đó, nhưng các sa di đệ tử thì sợ hãi vô cùng, bởi trong Chùa không xảy ra chuyện này, cũng xảy ra chuyện kia, hoang mang sợ hãi, rồi từng chú sa di và các thầy trẻ đã bỏ ngôi chùa này mà ra đi, để lại vị Thiền sư một mình ở đó mà thôi.

Trải qua ba bốn năm, Vị Thiền sư vẫn ở trong đó với danh tiếng lẫy lừng cả một vùng, dù Pháp sư dùng biết bao nhiêu là tà thuật, pháp thuật, tạo ra biết bao sự rắc rối, khó khăn, đến nỗi các đệ tử của vị Thiền sư phải bỏ đi hết, thế nhưng vị Thiền sư vẫn thong dong tự tại.

Cho tới một ngày kia vị Pháp sư bèn lui tới với vị Thiền sư, rồi không biết vì lẽ gì, giữa vị Thiền sư và Pháp sư đó đã trở thành những người bạn bạn tâm giao, sống hài hòa với nhau, để rồi giữa Miếu quán và Chùa nhỏ đó là nơi Phật tử xa gần lui tới. Sau khi tham khảo với vị Pháp sư thường tới với vị Thiền sư, để được hướng dẫn làm sao cho trọn vẹn cuộc sống.

Cũng vì thế mà vị Pháp sư kia tuổi đời càng lớn, mối thông giao với vị Thiền sư lại càng bền chặt, tất cả những thể hiện về pháp thuật không còn nữa, Phật tử xa gần tới Miếu quán, cũng chẳng khác gì tới Thiền tự, ngôi Chùa nhỏ của vị Thiền sư. Tới nơi vị Thiền sư ở, cũng chẳng khác gì Miếu quán, chẳng còn rong ruổi theo những chuyện mong cầu, để đạt được qua pháp thuật, mà chỉ tới nghe vị Thiền sư, Pháp sư tiếp trà uống, nói các câu chuyện trong cuộc đời. Kể từ đó chúng đệ tử xa xưa bỏ đi, lại có cơ hội trở về với vị Thiền sư, cùng tiếp cận với vị Pháp sư, kính trọng vị đó như vị thầy Thiền sư của mình năm xưa mới tới đây.

Các bạn, câu chuyện chỉ kể đơn giản về Pháp sư trong Miếu quán và vị Thiền sư tới ở, có thể liên quan đến cuộc đời của chúng ta trong một phương diện nào đó. Chắc chắn các bạn vẫn còn nhớ câu người xưa nói: Ma cũ bắt nạt ma mới. Không phải có nghĩa là con ma bắt nạt con ma này hay con ma kia. Thông thường ở đời chúng ta thích thể hiện khi có ai thích lui tới trong cảnh sống của chúng ta, chúng ta không bao giờ chấp nhận họ, nên thường dùng sức mạnh kiến thức, cơ bắp và đặc biệt nhất là sức mạnh quyền lực, ảnh hưởng trong vùng, trong công xưởng, văn phòng, nơi làm việc, để đè bẹp những ai mới tới. Chúng ta tại sao cứ bị thói quen đó, tạo cho mình sự bon chen, gây hấn, tạo hận thù, mà chẳng biết cuộc đời chúng ta, đã tốn bao nhiêu công sức làm những chuyện như thế, mà chẳng được sự thành công nào mỹ mãn.

Các bạn có biết câu chuyện đó kết thúc ở chỗ nào hay không. Có một đệ tử hỏi vị Thiền sư và vị Pháp sư khi đang ngồi uống trà rằng: Nhân duyên nào mà hai vị có thể dung thông với nhau ngồi lại chỗ này. Hai vị đều trả lời cho người đệ tử rằng: Vị Pháp sư này đây, đã dùng tất cả pháp hữu vi, tức là pháp thuật tu luyện được, để tạo phong ba bão tố đã bao nhiêu năm, mà Thiền sư không bị ảnh hưởng. Vị Pháp sư dùng pháp hữu vi, tức là pháp hữu hạ của con người cộng hưởng bởi tâm, mà chúng ta luôn luôn so sánh mình với người khác, cái tâm cao thấp hơn thua. Còn vị Thiền sư lại thấy được một người bạn Pháp sư, dùng pháp hữu vi đó, thì lại dung thông với hữu vi đó bằng pháp vô vi. Vô vi tức là vô hạn, vô tận, tận hư không.

Hữu vi và vô vi vốn luôn luôn tồn tại trong cuộc đời. Nhưng tâm ý của mỗi người chúng ta hiểu rõ được rằng: có và không, hơn và thua, được và mất, những chuyện sinh và diệt như thế hiểu rõ, thì hai bên tương thông hòa quyện, chẳng còn cao thấp, hơn thua, chẳng còn có được, mà chỉ còn tấm lòng mở rộng, để đón nhau đi vào cuộc đời. Chính vì ý nghĩa đó mà vị Thiền sư cùng với vị Pháp sư nơi Miếu quán, nơi ngôi Chùa nhỏ, là những bậc đã can qua cuộc đời, và cuối cùng đã thấu hiểu được rằng: ở trên đời, vấn đề quan trọng của cuộc sống, là làm sao ngồi xuống nói chuyện, trong tâm thênh thang rộng lớn, để cùng nhau hưởng tất cả, từng điều thật là nhỏ, nhưng tràn đầy tình thương và sự quan tâm.

Hôm nay chúng ta nghe câu chuyện này, để liên tưởng thấy rằng, trong cuộc sống ở một lứa tuổi hoàn cảnh nào đó, không phải ai xa lạ đâu, mỗi người chúng ta, bạn và Bảo Thành vẫn còn cá tánh muốn hơn người, trội hơn người một chút xíu, vượt hơn người một chút xíu. Chính vì muốn trội hơn, muốn hơn và muốn lúc nào cũng thể hiện bản lãnh của mình đó, nên đã để cho sự tư duy, suy nghĩ của chúng ta chậm lại, và sự quyết định chúng ta trong khi hành xử, đối với những con người tới lui trong cuộc đời, thường rất vồn vã trong nắm bắt được mất, còn không, hơn thua. Từ đó chúng ta đã tạo ra hận thù, chia rẻ, và hơn nữa tạo ra sự phẫn nộ của những người đang tới, đã tới và sẽ tới trong cuộc đời của chúng ta.

Như vậy chúng ta luôn luôn sống là để tìm những khiếm khuyết của người khác, để tìm những khiếm khuyết của chính mình. Khiếm khuyết của người để chúng ta công phá, khiếm khuyết của mình, để vỗ ngực xưng tên, thể hiện sức mạnh. Sống ở trên đời, ai có sự khiếm khuyết, thì người đó nếu nhìn nhận ra được tăng trưởng giao thoa, để trở thành người hoàn thiện. Và nếu như chỉ mang khiếm khuyết của người để soi mói vào đó, hoặc mang khiếm khuyết của mình để vươn vai, ưỡn ngực thể hiện, thì chúng ta là những người mù, đang khỏa lấp sự thiếu thốn của chính mình, trong lòng sân hận hơn thua.

Vị Pháp sư và vị Thiền sư chẳng có gì khác biệt giữa pháp thuật hữu vi và tâm vô lượng từ bi, không lấy gì để bám víu. Vô vi và hữu vi giữa tâm có và tâm không được dung thông với nhau để trở thành người bạn. Nếu chúng ta biết nhìn ra trong cuộc đời, thắng thua lẽ đời cuối cùng lại trở về với mầm sống, thì trong cuộc đời này nếu có ai đó, đã tới gần cuộc đời của chúng ta, chúng ta hãy bình tĩnh ngồi xuống, để nhìn rõ mình và người, mà tạo một mối tương giao hòa hợp trong tình yêu thương. Để từ đó, dù có khác biệt về suy nghĩ, hành xử hay cách sống, nhân cách ở đời, nhớ rằng chúng ta chẳng khác gì ngày sau, mai mốt đã ra đi, đồng một chỗ dưới lòng đất vừa khô, vừa lạnh.

Các bạn, nhìn thấy điểm tới ở chỗ đó, để chúng ta thấy rằng, khi còn đang sống, hãy sống hài hòa với tất cả mọi người, đừng tranh cao thấp hơn thua, đừng thể hiện bản thân mình quá lớn, để đè bẹp người khác, nhất là các bạn có quyền lực, tiền tài, danh vọng địa vị, có tất cả ở trong tay. Chúng ta nhớ rằng, cao quý nhất trong cuộc đời, vẫn là tình thương mà chúng ta đối xử với nhau, để dung hòa mọi mối quan hệ trong cuộc sống.

Rất cần tâm này để chúng ta được an, người được vui. Khi tâm ta được an và người an vui, thì cuộc sống chẳng còn kẻ thù sự khác biệt, sẽ không còn sự tranh chấp và vắng bóng sự hơn thua. Nơi đó sẽ hiện diện sự an vui trong đời mà thôi.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts