Search

Con Nghé Và Thiền Sư

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành – Bảo Như bút ký

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành xin chào các bạn, chúng ta đã làm bạn lâu rồi trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Đối với các bạn mới vào trang này, vui lòng đăng nhập để cho Bảo Thành một cơ hội tiếp cận với các bạn nếu có thể.

Các bạn thân mến, có những lúc chúng ta ngồi một mình tư lự giữa cuộc đời và rồi ta soi lại cuộc đời. Nhiều lúc hạnh phúc vô cùng bởi những gì đã xảy ra cho chúng ta thật là may mắn. Nhưng cũng nhiều lúc khi ngồi tư lự một mình chúng ta khóc ra nước mắt bởi những dấu tích của những tháng ngày đau khổ qua, những điều đã xảy ra hoặc đang xảy ra là một gánh nặng vẫn còn in hằn trong trong tâm khảm. Ai ai trong chúng ta cũng có những dấu tích đau khổ của quá khứ còn hằn sâu trong tim và ai ai cũng mong muốn được tẩy rửa những dấu tích đó và làm sao đó để hiển bày hiển lộ những điều tốt ở trong đó. Đúng, chân lý của cuộc đời là những điều sai trái dơ bẩn đau khổ cần phải được rửa sạch và những điều tốt đẹp cần phải được xiển dương, mang ra trưng bày trong cuộc sống. Nhìn thấy cái tốt hiện hữu trong quá khứ để chúng ta tinh tấn vươn tới, vươn lên thoát ra, tiếp tục sống hạnh phúc. Nhìn thấy những cái đau của sầu muộn trong quá khứ để tẩy rửa, chuyển đổi, hóa giải. Cuộc đời chỉ có hai thái cực và chúng luôn luôn có sự đối diện như vậy, đó là: trắng hay đen, ngày hay đêm, yếu hay khỏe, buồn – vui, đau khổ – hạnh phúc, thất bại – thành công. Các bạn thấy không, cuộc đời là như vậy không thể trốn ở đâu được. Nhưng trong đời sống đó, nếu chúng ta mỗi một con người thấu hiểu được chân lý thì dù điều gì xảy ra, ta làm với cái tâm chân thật để sống an vui và hạnh phúc. Có câu chuyện như sau:

Có một anh chàng thanh niên kia đi tìm một vị thiền sư để học đạo. Có lẽ cuộc đời anh ta đã từng đương đầu với nhiều điều ta gọi là nghịch cảnh và cũng có thể là thuận cảnh. Nhưng anh ta muốn đi tìm chân lý, con đường giải thoát cao hơn nên đi tìm gặp bậc thiền sư. Khi gặp được vị thiền sư, anh ta quỳ xuống xin thỉnh giáo pháp của ngài và xin ngài nhận làm đệ tử. Vị thiền sư mỉm cười hạnh phúc nhưng sự hạnh phúc đó ngài thâu nhiếp ở trong lòng, nhìn xuống người đệ tử mới nhận và quán chiếu tâm can của người đó. Bất chợt ngay lúc đó ở đồng ruộng ngay bên cạnh có một con nghé ngóc đầu lên khỏi mặt nước thì vị thiền sư nói với đệ tử rằng: Con à! Ta đã nhận con làm đệ tử rồi, hôm nay bài học đầu tiên của con là con hãy xuống đồng ruộng kia tắm rửa cho con nghé. Chàng thanh niên này mới được thiền sư nhận làm đệ tử trong lòng nghĩ rằng mình sẽ được trao truyền một pháp môn cao cả của Phật hoặc sẽ được học một thần thông gì đó để thoát khổ trong cuộc đời nhưng lại bị thiền sư sai đi tắm rửa cho con nghé đang ở dưới đồng ruộng kia. Từ bỏ cuộc đời để đi vô chùa gặp vị thiền sư mong được học giáo pháp cao siêu nhiệm mầu chứ đâu phải tìm tới để rồi phải đi tắm con nghé đâu. Do đó khi được thiền sư giao việc như vậy thì người đệ tử buồn vô cùng, không chấp nhận nên nó, mới nói rằng: Thưa thiền sư, tôi tới đây là để học được giáo pháp của ngài, là để học giáo pháp giải thoát chứ không phải tới đây để đi làm tôi đòi, nhảy xuống ruộng tắm cho con nghé ở dưới kia, tôi không làm điều đó đâu. Thiền sư vẫn mỉm cười và ôn tồn nói: Con à! Trong pháp dạy của ta chẳng phải là đi tìm những điều chưa thấy, chẳng phải là đi làm những điều chưa biết, chẳng phải là học những điều không hiểu mà là hãy hành và làm những điều ngay trước mắt và hãy nhìn cho thấu cho rõ những gì ngay trong giây phút hiện tại này. Ta nhận con làm đệ tử và ngay trong giây phút hiện tại này có con nghé đang dơ bẩn trước mặt con thì hãy nghe theo lời sư phụ đi tắm rửa con nghé trước mặt đó đi. Người đệ tử chưa hiểu nên vẫn nhắc lại những lời đã nói trước đó là tới để học đạo không phải tới để tắm cho con nghé. Cuối cùng vị thiền sư nói: hãy tắm gội sạch sẽ những sự dơ bẩn của chính ta trước khi bước vào cửa thiền môn thanh tịnh.

Các bạn thân mến, thật nhiều người trong chúng ta gặp đau khổ phiền não hoặc có thể là vì mục đích cao cả nào đó tìm tới những bậc chân như, bậc minh sư, bậc thầy, thiền sư hoặc là những người bình dị lắm, mà chúng ta tôn ngưỡng rồi xin thọ pháp học đạo. Nhưng chúng ta cứ mơ ước những cảnh hão huyền như pháp ở trên trời bay lơ lửng giữa không trung, chẳng chịu thực hành từng bước mà vị thầy của mình chỉ dạy trao truyền những phương thức tu tập căn bản sau khi đã nhận mình làm đệ tử. Trong nhà thiền không có cái gì quan trọng cả, không có pháp nào cao, cũng chẳng có cái pháp nào thấp, mà chỉ có điều duy nhất là hãy sống ngay trong hiện tại. Cái gì ngay đây ngay trong chỗ này dơ thì rửa cho sạch và các bạn nên nhớ là chẳng phải con nghé dơ để rửa mà chính vì rửa con nghé là một động tác để chúng ta hòa mình với thiên nhiên tự tại của bản tánh đương nhiên hiện ra trong tâm của chúng ta. Hòa vào với nó, ai nói rửa con nghé, tắm con nghé dơ bẩn kia là khổ. Các bạn, ai nói rằng tất cả các tư tưởng, những hình ảnh những suy nghĩ hay những sự việc đang ẩn hiện trong đầu của chúng ta là bẩn. Thiền sư đâu nói con nghé kia là dơ bẩn mà chỉ nói xuống tắm con nghé kia. Chúng ta cũng như vậy, khi thấy được những tư tưởng đang ẩn hiện trong cuộc đời, những nghịch cảnh – thuận cảnh, hiện tượng trong cuộc đời nếu là người học thiền, là người sẵn sàng hòa mình vào với mọi hoàn cảnh trong cái tâm tịch tĩnh an nhiên, hòa mình vào với cảnh thiên nhiên với tâm không dính mắc. Các bạn đi tu, các bạn học thiền các bạn đừng mong cầu rằng sẽ được ông thầy trao cho một cái bửu bối, một giáo pháp kinh thiên động địa mà trong một sát na, một giây phút là có thể ngộ được thành Phật. Người học Phật là người sống với hiện tại, sống với chánh niệm ngay đây, là người tỉnh giác nhìn thấy tất cả và biết hòa mình vào để sống an nhiên tự tại chứ không tách mình ra để sống cho một cảnh giới hoang tưởng. Những người học thiền hoặc những người theo thầy mà không hiểu rõ lời bậc thầy đó dạy thường lâm vào cảnh giới hoang tưởng – sống hoang mang sống không tốt, sống nguy hiểm. Các bạn, hãy nhận rõ cái chân lý này, nếu các bạn đang tầm cầu một con đường để đi tới sự giải thoát. Các bạn, khi chúng ta đã nghiên cứu suy xét kỹ một vị thầy tôn kính nào ta nhận rồi thì hãy nhớ rằng tất cả sự giáo dưỡng của bậc thầy đó đều là từng bước giúp cho chúng ta hòa mình vào với cuộc sống hiện tại để sống thanh tịnh tỉnh giác. Dù là công việc thật là nhỏ như tắm rửa con nghé cũng là cái cách hành thiền bởi vì nếu người và vật không thể hòa nhập vào với nhau trong cảnh tự tại-tức là vẫn còn có sự đối tướng chấp tướng, ta là người nó là thú, ta tới đây học Phật, học giáo pháp của thiền sư để giải thoát đâu phải tới đây để học cách tắm rửa con nghé đâu. Như vậy sẽ vẫn còn có sự ngăn ngại, bất bình đẳng giữa vật và người. Súc vật và con người bình đẳng tánh trí, tất cả mọi hiện tượng trong đời đều bình đẳng tánh và trí, không có sự ngăn ngại thì đó là một pháp thiền cao nhất, một pháp thiền giải thoát chúng ta khỏi sự đau khổ. Nếu các bạn đi tu thiền hoặc theo một vị thầy nào đó học, để tách mình ra khỏi cái gọi là đang đau khổ và vị thầy đó hứa giúp cho các bạn thì đó là phương pháp sai. Còn vị thầy dạy cho các bạn nhìn rõ những cái gì đang xảy ra và hòa mình vào trong đó, không sợ hãi tách ra, mà hòa nhập bằng chân tâm, quán chiếu thật rõ để tịch tĩnh trong mọi hoàn cảnh thì đó chính là pháp thiền. Nhảy xuống ruộng tắm rửa con nghé, đồng hành với con nghé, hòa mình vào với con nghé không có sự ngăn ngại vì sự dơ bẩn, không ngăn ngại giữa người và thú là một pháp môn cao cả vượt trội lên tất cả rồi từ đó lập được chánh định trong sự chan hòa hòa mình đồng nhất thể với vạn vật. Khi không còn ngăn ngại đó thì ta sẽ trở nên bậc Thánh, Bồ Tát, Phật bởi vì cái tâm của ta rỗng lặng thinh không, không còn chấp nhất và luôn luôn dung nhiếp được vạn pháp vào trong trái tim không bờ không bến.

Các bạn, chân lý là ở chỗ đó. Đừng tìm tới thầy, các bậc thiền sư để gõ cửa và để rồi ngồi chết trong chánh điện cho đến khi thân xác cứng đơ như bức tượng mới gọi là giải thoát, giải thoát không phải là hình tướng như vậy. Chúng ta giải thoát ở chỗ là chẳng phải ngồi yên tại chỗ giữa trời đất mà là hòa mình cùng với trời đất để đồng hành cùng với trời đất và muôn loài. Giải thoát là giải thoát khỏi sự ràng buộc kiến chấp, của cái tôi, của cái nhìn riêng biệt của chúng ta mà hòa mình vào với vạn pháp hư không đồng nhất thể trong thể tánh của Phật tịch tĩnh an nhiên.

Các bạn thân mến, đây là cách tu vi diệu. Các bạn đừng coi thường những việc thật nhỏ, những hành pháp thật nhỏ mà các thầy dạy cho chúng ta. Dù thật là nhỏ nhưng mang ý nghĩa nhiệm mầu khi các bạn chứng đắc được, khi các bạn hòa nhập hiểu được điều đó thì các bạn sẽ có được hạnh phúc tràn đầy trong cuộc đời. Chúc các bạn luôn luôn ý thức được điều đó để nếu khi các bạn đi vào cuộc đời tu tập, các bạn chứng đắc được sự an lạc và để các bạn luôn luôn là một con người hòa mình vào với vạn pháp hư không trong cuộc đời.  Khi đã chọn được thầy và khi thầy đã nhận chúng ta làm đệ tử thì đó là đại phước báu của nhân duyên tình nghĩa sư đồ. Vậy dù mới nhận, thì một lời giáo huấn của thầy chúng ta cũng phải khiêm tốn, hạ mình khiêm cung đón nhận sự giáo dưỡng đó và thực hành miên mật. Đừng như anh chàng kia khi thiền sư vừa nhận làm đệ tử và giao cho sứ mệnh tắm con nghé đã vội vàng so kè so sánh là ta phải học pháp cao quý hơn chứ còn chuyện tắm nghé tắm trâu thì thiếu gì ở đời chứ cần gì tới vị thiền sư. Không phải vậy! Tắm con nghé ở đời khác với tắm con nghé của thiền sư giao cho chúng ta. Cũng công việc đó ở đời khác, cũng công việc đó nhưng khi thầy của chúng ta giao cho chúng ta làm thì dù chúng ta đã lặp đi lặp lại nhiều trong cuộc đời nhưng hôm nay thầy dạy chúng ta cũng làm việc đó với một tư tưởng cao hơn. Hãy hòa nhập vào điều đó để có được hạnh phúc. Cảm ơn các bạn đã nghe.   

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts