Search

Cố Lên Khi Còn Thầy

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, chúng ta nhìn qua thoáng lại xoay vần thì một ngày đã trôi qua và khi thời gian trôi qua thì hình như mỗi người chúng ta đều có những điều suy nghĩ. Đặc biệt cho những ai đang trên hành trình tìm kiếm một điều gì đó mình mơ ước. Và trên con đường tìm kiếm sự mơ ước đó, ai trong chúng ta cũng mong mỏi rằng mình cần có một chỗ dựa thật vững chãi nơi một vị thầy hoặc vị nào đó hướng dẫn chúng ta đi trên con đường đó. Đây là điểm mạnh của những người đang tầm cầu những điều mới. Nhưng nó cũng có thể là điểm yếu bởi vì nếu như chúng ta chỉ dựa vào những người hướng dẫn chúng ta như những bậc thầy hay những người đi trước thì chúng ta có thể bị lệ thuộc vào những con người đó đến nỗi không khi nào phát huy được tâm tự lực của mình. Năng lượng tự lực của mình nó dần dần bị héo và bị mất đi, nó không còn là bởi vì ta cứ dựa dẫm hoài. Dĩ nhiên chúng ta rất cần những bậc thầy, những người đi trước hướng dẫn cho chúng ta. Nhưng mà khi đã được hướng dẫn rồi thì chúng ta phải biết vận dụng những điều ta đã học, kiến thức của người xưa, những điều chỉ dạy của thầy, của những người đi trước đã từng áp dụng và trưởng thành trong kiến thức đó rất quan trọng. Có một câu chuyện thực sự xảy ra thời Đức Phật

Khi mà các bậc thượng thủ như ông Xá Lợi Phất, những bậc thầy lớn, bậc trưởng thượng dần dần viên tịch ra đi thì các hàng đồ chúng cảm thấy buồn bởi vì trong tăng thân không còn mấy ai. Nên họ cảm thấy bị hụt hẫng bởi vì họ không còn chỗ dựa về tinh thần, về tâm linh để được nghe, nhắc lại và được học dưới sự giáo dưỡng của các bậc lớn, họ hoang mang và sợ hãi dữ lắm. Cuối cùng khi họ gặp Đức Phật họ bày tỏ sự hoang mang đó và nếu như một ngày nào đó tiếp tục bậc thầy tối cao là Đức Phật ra đi thì họ biết phải làm sao đây? Họ sẽ mất phương hướng trong cuộc đời. Họ sẽ không còn bậc thầy nào gần gũi để dạy cho họ nữa. Họ cứ suy nghĩ như vậy. Thấy thương cho hàng đồ chúng, Đức Phật mới nói và khuyên họ rằng: Các con à! Ở trên đời này bất cứ một hiện tượng sống nào cũng phải theo quy luật tự nhiên xoay vần từ sanh đến tử, từ tử đến sanh. Đã sanh ra ở trong đời rồi ai cũng phải đi tới cửa tử. Mà một khi đã tử sẽ lại tiếp tục một cuộc hành trình mới trong sự tái sanh trở lại. Việc phải chia tay trong sự mất mát của người thân, chia tay trong mất mát của những bậc thầy, của những người đi trước đó là một sự hiển nhiên trong đời. Nhưng là đệ tử – là những người đi sau, thì các con phải nhớ rằng những sự hướng dẫn, những bài học, những gì đã được chỉ dẫn tận tường các con phải đưa vào áp dụng để những sự giáo dưỡng đó thực sự sống động trong trái tim của mình, hành được trong cuộc đời của mình thì đó mới là điều quan trọng. Bởi vì mỗi một người chúng ta sau khi được hướng dẫn rồi thì chúng ta phải trưởng thành, trưởng thành trong tự thân của mình như một ốc đảo tự sáng. Không thể mãi mãi suốt cuộc đời cứ theo các thầy lớn, cứ dựa vào các đấng bậc đi trước để hướng dẫn cho chúng ta. Chúng ta dựa vào những nền giáo lý lớn, những sự tỉnh giác lớn được hướng dẫn cặn kẽ cho chúng ta. Nhưng nên nhớ những người truyền thụ cho chúng ta cũng có thọ mạng tới lui trong cuộc đời, chẳng mãi mãi ở với chúng ta đâu, nhưng giáo lý của các ngài, con đường khai ngộ của các ngài, giáo pháp của các ngài là sự trường tồn mãi mãi. Do vậy các con phải học, phải thực hành những giáo pháp của các ngài để như một ốc đảo tự sáng và mỗi một chúng ta khi học về một nền minh triết của những bậc giác ngộ như Phật, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Phật hay gián tiếp qua những bậc thầy lớn thì mỗi người chúng ta cũng phải nương vào trí tuệ mà chính chúng ta đã hành những pháp đó để trưởng thành vững chãi và để trở thành hải đảo tự thân của mình.

Bởi trên đời này có 2 thứ mà như Đức Phật nói đó là tài sản con người đi tìm cầu, nó có 2 phương diện, một là về vật chất – gọi là tiền tài; 2 là về đời sống tâm linh khi có duyên với Phật – gọi là pháp tài. Như Lai là người không còn tìm cầu gì nữa. Các bạn thân mến, Ngài đã chứng đắc, ngài không còn tìm cầu tiền tài mà cũng chẳng tìm cầu pháp tài bởi vì chính Ngài là Pháp, chính Ngài là con đường, chính Ngài là ốc đảo, hải đảo tự thân sáng rồi. Chúng ta cũng vậy, tất cả các đệ tử của Phật cũng vậy. Phật khuyên phải có một tinh thần tự chủ, tự làm hải đảo của mình, tự thắp sáng sau khi đã được truyền pháp tài từ đấng giác ngộ là Phật, ta mang pháp tài đó nuôi dưỡng đời sống tâm linh và sống dậy trong tinh thần đó để rồi mỗi người chúng ta sẽ là một hải đảo tự thân sáng mãi trong cuộc đời.

Các bạn thân mến, như trong cuộc đời của các đệ tử của Phật luôn dựa vào các huynh đệ lớn hơn như ngài Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên. Nhưng khi hai vị Thánh Tăng đó viên tịch rồi thì đệ tử của Phật u buồn vô cùng. Chúng ta nhớ biết bao nhiêu những người thương yêu của chúng ta ra đi, là ông bà, cha mẹ hoặc có thể là những bậc thầy lớn trong cuộc đời đã ra đi rồi đấy. Nhưng rồi chúng ta nếu như sau bao nhiêu năm trời được giáo dưỡng của ông bà, cha mẹ hoặc của những bậc thầy trong cuộc đời mà chúng ta không hành, không thực tập những lời giáo dưỡng đó để trưởng thành trở thành một hải đảo tự sáng thì khi các đấng bậc đó ra đi cũng như huynh đệ như ngài Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên ra đi rồi, sẽ hối tiếc. Chúng ta nhớ rằng những bậc đi trước là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta đi, chúng ta phải đi từ tối tới sáng. Chúng ta đừng cứ nắm giữ ngọn đuốc để rồi không đi từ tối đến sáng, đến khi ngọn đuốc kia nó hết dầu nó tắt rồi thì ta vẫn còn ở trong bóng tối thì ta sẽ khổ sẽ buồn. Bởi vì chúng ta luôn luôn lệ thuộc vào những ngọn đuốc để đi.

Các bạn thân mến, những bậc thầy như Phật, như ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên là những ngọn đuốc tuệ. Những ngọn đuốc tuệ này không bao giờ tắt, nhưng thân xác của các Ngài cũng có tuổi thọ, cũng có mạng thọ tới thời viên chung phải ra đi. Đuốc tuệ của các Ngài vẫn thắp sáng nếu chúng ta biết thắp vào tuệ giác của chúng ta ở trong lòng. Do đó mà mỗi người chúng ta phải nên nhớ rằng mỗi ngọn đèn cầy có một thời gian để cháy. Khi chúng ta thắp lửa từ ngọn đèn cầy này qua đèn cầy của chính ta thì đèn cầy cháy trước sẽ bị tàn lụi theo thời gian. Nhưng đèn cầy của chúng ta nếu không lấy ngọn lửa đó thắp vào thì nó chẳng có ánh sáng. Còn nếu đã có ngọn lửa truyền lại từ ngọn đèn cầy trước thắp vào ngọn đèn cầy của ta thì ta phải mang ngọn đèn của ta đặt lên đằng trước như ngọn hoa tiêu để đi tới mục đích giải thoát. Nhưng nếu chúng ta không đi mà chỉ cầm ngọn lửa của đèn cầy kia nhìn chung quanh rồi thời gian trôi qua, sáp chảy hết, đèn cầy sẽ tắt lịm và ta sẽ lần mò trong tăm tối. Phật dạy hãy làm một hải đảo tự thân, mang đuốc tuệ của Phật thắp sáng vào cuộc đời của chúng ta để chúng ta tự đi trên miền chập chùng thử thách, muôn trùng chướng ngại của nghiệp chướng từ vô lượng kiếp mà chúng ta đã tạo ra.

Các bạn thân mến, cuộc sống của mỗi mộtcon người chúng ta dần dần sẽ phải từ biệt những người yêu thương của chúng ta và rồi chúng ta cũng phải từ biệt cõi đời này mà thôi. Cái gì còn lại cho chúng ta? Đó chính là pháp tài của Chư Phật – gia tài giáo pháp của Như Lai được thắp sáng trong lòng của mỗi người chúng ta. Các bạn, mỗi đời của chúng ta, mỗi con người của chúng ta là một ngọn đèn cầy có chiều dài thời gian cháy tồn tại theo phước báu của mỗi người khác biệt. Khi đã nhận ra ánh sáng trí tuệ của Chư Phật, ta hãy nối tiếp nối truyền ánh sáng đó bằng cách thắp sáng trí tuệ của Phật trong chính đời sống của chúng ta, để mỗi đời sống của kiếp người này ta là ngọn đèn cầy cháy mãi cháy mãi với thọ mạng viên chung trong ánh sáng trí tuệ được tiếp nối từ Đức Phật, qua các bậc Thánh Tăng như ngài Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên hay như các ngài A Nan, Ca Diếp. Chúng ta là đồ đệ của Phật, dù vẫn sống ở cảnh tại gia, nhưng theo Phật giáo thì tại gia hay xuất gia không có gì phân biệt, phân biệt hay không ở chỗ chúng ta có bị dính mắc vào cái “tôi” hay không mà thôi. Tất cả mọi ngọn đèn cầy dù màu trắng, xanh hay màu gì đi nữa thì khi thắp sáng lên thì nó vẫn là một màu sáng – màu sáng của trí tuệ. Chúng ta đã mang nghiệp của cuộc đời nhúng vào ngọn đèn cầy của thân này để biến thành màu sắc của người xuất gia, màu sắc của người tại gia, màu sắc của nam của nữ, của già của trẻ, của bệnh của khỏe. Các bạn thấy chưa, về cái tướng thì khác đó nhưng những màu sắc đó không có gì khác biệt về cái tâm. Về thể tâm là trí tuệ hoàn toàn không khác.

    Do đó khi chúng ta vẫn còn trong cuộc đời này thì hãy nhớ rằng khi các bậc thầy còn với chúng ta, khi cha mẹ còn ở với chúng ta, khi các đấng mà chúng ta nương vào để chúng ta học hỏi thì chúng ta đừng học với tinh thần dựa dẫm mà luôn luôn phát nguyện rằng: Con nguyện đón nhận trí tuệ của những bậc đi trước, thắp sáng vào cuộc đời để con trở thành hải đảo tự thân tự sáng và vững chãi trong cuộc đời cho đến khi thọ mạng viên chung. Con vẫn luôn luôn dựa và nương vào nền giáo pháp của Chư Phật, nhưng chúng con phải mang giao pháp của Chư Phật làm sống động và hành được trong đời sống của chúng con như ngọn đèn cầy thực thụ được nối truyền ánh sáng từ đuốc tuệ của Chư Phật chiếu vào cuộc đời để cho chúng con luôn luôn bình an và hạnh phúc. Sống một cách tự chủ với tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc đời và lời giáo huấn của các bậc thầy vẫn luôn ở trong trái tim của người có tâm hành đạo. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts