Search

Bảo Tịnh Hương đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành Kính chào các bạn lại trở về với kênh YouTube Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn. Gửi một lời mời chân thành, mời các bạn đăng nhập vào kênh YouTube này để chúng ta gieo duyên trên bước đường tìm chân lý và sự sống hiện hữu của ngày hôm nay. Cảm ơn các bạn thật nhiều.

Các bạn thân mến, trong định luật sinh tồn và phát triển của loài người, chúng sanh vì sự sinh tồn vốn có được di truyền từ đời này qua đời kia, từ kiếp này qua kiếp kia với nhân tham, nên chúng ta thường hay tích trữ, chúng ta thường hay gom lại, giữ lại, thủ chấp cho ta và để dành cho con cháu đời sau. Bo bo ki ki giữ mãi cho người, giữ mãi cho ta. Người ở đây tức là con cái của ta, người ở đây tức là chỉ cho những người trong dòng tộc gần gũi với gia đình và giữ cho ta hưởng dùng. Ít có tấm lòng, ít chứ không phải là không có, tấm lòng san sẻ, chia sẻ với mọi người. Ta cứ giữ, thậm chí có những người còn chôn xuống lòng đất để giấu đi, sợ mất, để một mai truyền lại cho con cháu. Nhưng ai biết được, khi chôn vào lòng đất rồi khi ra đi có kịp thời chuyển lại cho con cháu hay không. Hay khi ta ra đi, ta chết đi, kho tàng vàng bạc đó, châu báu đó, chôn mãi trong lòng đất mà con cái cháu chắt không thể hưởng được.

Thuở xưa có một câu chuyện ở trong kinh. Đức Thế Tôn đi khất thực tới nhà của một anh kia để xin thọ thực, anh ta đi vắng, gia nhân ra mở cửa. Nhưng nhà anh ta có một con chó, con chó sủa, sủa dữ lắm ngăn chặn không cho Đức Phật tới gần những cách cửa để khất thực. Đức Phật mới quở con chó một thời thì con chó buồn tủi nằm xuống ở một góc nơi sân vườn đằng trước, ngay lúc đó người chủ nhân về thì chào Thế Tôn. Không thấy con chó đâu, thường con chó chạy ra vẫy đuôi mừng chủ. Ông chủ này rất thương con chó, không bao giờ để cho gia nhân mắng chửi đánh đập con chó đó. Bởi chủ rất cưng nó, hôm nay thấy con chó không chào đón mình, không mừng đón mình khi về, nhìn kỹ thì thấy nó nằm ở một góc sân, buồn. Gọi nó không tới, hỏi ra thì gia nhân nói Đức Thế Tôn vừa quở mắng nó. Giờ nó buồn không muốn biết gì nữa nằm ở đó. Ông chủ mới nói Phật: Thế tôn, sao Ngài lại của mắng con chó đó để làm gì? Ngài tới khất thực mà. Đức Thế Tôn mang lòng từ bi khai thị cho ông chủ rằng: ngươi có biết không? Con chó đó chính là cha của ngươi. Người chủ nhân cảm thấy bỡ ngỡ một câu nói điên khùng. Con chó mà, con chó là loài vật, sao có thể làm cha của ta. Đức Phật hiểu được tâm nghi ngờ đó nên Ngài mới nói: Con chó chính là cha của ngươi đầu thai làm con chó giữ của. Kiếp trước, cha của ngươi thương ngươi nhiều lắm, làm có tiền và vàng bạc chôn ở chỗ đó, nhưng không kịp cho ngươi biết. Do đó khi chết đi, cha của ngươi đã đầu thai thành con chó trở về để giữ của, giữ đống vàng chôn ở đó, cho nên nó thường nằm ở đó mà ngươi không có để ý, Nay ta quở trách nó sao cứ chấp trược vào tài sản, để rồi không siêu thoát vào cảnh thiện mà lại luân hồi trở thành kiếp thú ôm giữ khối bạc kia để làm gì. Nếu ngươi không tin ta, cho gia nhân đào lên sẽ thấy vàng. Ông chủ vội vàng kêu mọi người đào thì quả thật hủ vàng ở nơi đó, người chủ đã cảm khái sự khai thị của Phật cúi xuống mà đánh lễ Thế Tôn.

Các bạn thân mến, câu chuyện đó là câu chuyện trong đạo Phật, câu chuyện có thật. Sự luân hồi của lòng tham chấp. Nếu chúng ta ích kỷ, nếu chúng ta chấp vào vật chất của thế gian, chúng ta ôm giữ nó, khi chúng ta chết đi chúng ta không mang theo được, nhưng với tâm nuối tiếc đó, chúng ta sẽ luân hồi trở lại thành thần giữ của. Thần giữ của của người chủ hôm nay là con chó. Mà kỳ quặc thay con chó đó nó lại là cha của người kia, bởi cha để dành của cải cho con nhưng mà khi con chưa biết được, chưa chỉ cho con cha đã mất. Nuối tiếc về đống vàng khi truyền lại cho con mà con nhận không được, người cha đã luân hồi trở thành con chó. Một cách nói khác hơn là ông cha đã trở thành thần giữ của, luân hồi mãi, sẽ luân hồi mãi nếu không được Đức Thế tôn khai thị để người con tìm ra, để cầu nguyện hồi hướng cho người cha là con chó, thì có lẽ người cha sẽ luân hồi mãi từ kiếp này qua kiếp khác, biến chuyển từ thân này qua thân kia để trở thành thần giữ của cho chính cái của mà ông ta chôn ở dưới đó. Mà nếu như có ai vô tình đào được mà lấy đi, thì chắc chắn thần thức đó sẽ sân hận cỡ nào, sẽ gây ra biết bao nhiêu oán hận những kẻ thù khó có thể giải được oan kiếp đó.

Bài học này nhắc nhở cho chúng ta rằng hãy sống vị tha. Hãy sống rộng lượng. Hãy sống đừng khư khư ôm lấy của cải vật chất của thế gian, bởi ai trong chúng ta có thể biết được ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra. Những gì giữ lại cho ta hoặc cho dòng tộc con cái của chúng ta ngày hôm nay có bảo đảm rằng ngày mai chúng nó lãnh nhận được hay không, có bảo đảm rằng giây phút kế tiếp ta có còn cơ hội sống ở đời có đủ phước báu mà chỉ cho chúng biết rằng đây của cải ta dành cho chúng hay không? Hay chỉ một tích tắc trôi qua, thọ mạng của ta đã hết, bất chợt ra đi với tâm tham ôm giữ của cải cho con cháu trong nhà, hay cho ta, sẽ biến ta luân hồi trở lại trong kiếp thú hay trong kiếp của địa ngục ngạ quỷ để trở thành thần giữ của. Có thể trở thành thần tiên, chư thiên chư thần trong sáu cảnh, nhưng nói nôm na theo ngôn ngữ của thời đại ta sử dụng là cũng chỉ biến thành một thần giữ của. Mà đời sống đâu phải để biến thành một kẻ, một vị thần, một con thú, một vị nào đó để giữ của đâu! Của cải chỉ là vật chất nuôi thân. Nó không phải là cái có thể mang đi được. Cái mang đi được để tái sanh luân hồi là các pháp thiện. Thần thức của chúng ta là một dạng năng lượng, luân hồi liên tục từ cảnh giới này qua cảnh giới khác. Mà trong thần thức đó nó mang theo năng lượng, năng lượng thiện thì tái sanh cảnh lành. Năng lượng ác thì luân hồi cảnh ác, cảnh thú đau khổ. Lòng tham khư khư ôm lấy hủ vàng, một mai chết xuống thành loại giữ của mà thôi.

Các bạn có muốn thành loại giữ của không? hay các bạn muốn siêu thăng lên cảnh giới an lành. Nếu muốn thành người giữ của các bạn cứ khư khư ôm lấy cả vàng bạc vật chất tiền tài, ôm lấy danh vọng, ôm lấy tình cảm, ôm lấy những thứ hư mất trong cuộc đời, thì các bạn sẽ trở thành người giữ của, giữ tình giữ danh vọng, thành những người khao khát và ôm giữ hoài tâm lầm chấp đó không thể siêu thoát.

Nếu các bạn chọn lựa một con đường được siêu thoát sau khi thác đi, thì các bạn nên chọn hãy học chữ buông, buông bằng lòng khoan dung và độ lượng. Buông bằng tấm lòng biết san sẻ, biết sẽ chia cho muôn người. Đừng giữ lại thì mỗi người đều có phần phước báu riêng. Con cái của chúng ta dù có để hằng núi vàng đi chăng nữa, nếu nó không có phước báu thì núi vàng hay kim cương kia chúng nó không thể thụ hưởng được. Còn nếu như chúng có phước báu, dù chúng ta không để lại vàng bạc kim cương hột xoàn, thì chính phước báu của các con có đó, sẽ có được vàng bạc châu báu vật chất đủ ấm no trong cuộc đời.

Ta để lại gì cho thế hệ sau? Ta để lại gì cho chính ta? Vàng bạc vật chất để biến ta thành người giữ của, hay phước báu để tái sanh cảnh lành, hạnh phúc, phước báu lưu truyền. Hồi hướng cho con cháu tăng trưởng phước báu có tất cả, và đặc biệt hơn là phước báu tin sâu vào nhân quả, tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo, hiểu rõ năm giới của nhà Phật, biết giữ biết hành pháp thiện để chuyển hóa những tâm bất tịnh, sống trong Chánh Niệm từng hơi thở, sống đúng, sống vị tha, sống khoan dung, sống biết trao ra cho mọi người tất cả những gì ta tạo được.

Các bạn thân mến, cách này có thể hơi hoang đường với những người chưa tin chưa hiểu và chưa biết. Không sao, nếu các bạn chưa tin, chưa hiểu và chưa biết, các bạn vẫn còn có nhân duyên để nghe qua đoạn video này. Và các bạn hãy tìm hiểu, biết đâu các bạn có nhân duyên để rõ, để tường, để các bạn tái tạo lại cuộc sống này. Một mai chết đi, các bạn không phải luân hồi thành thần giữ của, thành con thú giữ của, mà các bạn có thể có đầy đủ phước báu được tái sanh đến cảnh giới an lành thiện hảo.

Quan trọng chúng ta phải làm chủ chính mình. Chúng ta phải nghĩ đến mình, nghĩ đến mình để sống thiện. Làm chủ đến mình tức là làm chủ tâm ngữ và thân. Làm chủ ba điều đó bằng tâm thiện. Làm chủ ba điều đó bằng tâm vô tham, thì nhất định một mai thọ mạng, ta mất, dù chúng ta có của hay không có của, với phước báu mà chúng ta lập được do phước thiện, do pháp thiện, ta tái sanh cảnh lành. Và với pháp hiện đó, với phước báu đó, năng lượng thiện của chúng ta sẽ giúp cho chúng ta thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc.

Mong rằng sự gợi ý của ngày hôm nay giúp cho tất cả mọi người có được một ý tưởng hướng thượng, hướng về đời sống tâm linh ngay khi chúng ta còn khỏe mạnh để thành tựu được pháp lạc đó.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi video này!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts