Search

Bài 3139 Chân Lý Nơi Đâu?

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ. Giờ tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con, và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền Chánh niệm hơi thở để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cho song thân phụ mẫu hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Chúng con xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ thân ngay ngắn, buông thư nhẹ nhàng,  nhớ về lời Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương”. Trong từng hơi thở, chúng ta quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê.

Chúng ta hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, hồi hướng cho tất cả muôn loài.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Chủ đề ngày hôm nay: “Chân Lý Ở Đâu?. Chân lý ở đâu? Nhiều khi ta cứ tự hỏi: Chân lý nằm ở chỗ nào? Và nó đang ở đâu? Rất khó để chúng ta suy nghĩ. Bởi con người thường sáng chế ra những thể loại chân lý bằng những ngôn từ, bằng cách dẫn dắt tư tưởng để cho chúng ta khi gặp đau khổ đọc vào những luồng tư tưởng văn tự đó dễ bị sa ngã vào, đắm chìm vào mà không thể giải thoát ra khỏi sự đau khổ, phiền não của chúng ta. Người học Phật như chúng ta, Đức Phật dạy chân lý nằm ở chỗ nào, và ở đâu? Nhiều nhà lý luận triết học, tâm lý, luật sư, tiến sĩ có những hàm vị thật cao siêu, họ phân tích tỉ mỉ và họ cảm thấy rất an vui bởi sự phân tích của họ bằng thể loại ngôn ngữ cao siêu của người có trình độ, có tri thức, kiến thức, in ấn sách đóng cho dầy cộm, đặt trong các thư viện hoặc là bán. Người dân bình thường như chúng ta ngày nay lao động cực khổ, Phật tử tại gia, không biết chúng ta có còn thời gian để mà đọc những cuốn sách triết học về chân lý nào đó của ai dầy cộm nữa hay không? Ngoài những giây phút mệt nhoài bởi công ăn việc làm, giáo dục con cái, giữ vững cuộc sống này, ngày nay trong thời đại này ta đã tiêu tốn hết sáu ngày thậm chí cả bẩy ngày trong một tuần, mệt lắm! Có còn thời gian đọc dài nữa hay không? Đó là câu hỏi của thời đại và hình như chúng ta đều đã trả lời: Hết rồi! Chúng ta chỉ lướt thôi.

Chân lý ở đâu, Đức Phật dạy, cái chân lý nó không nằm xa, cũng chẳng trên văn tự sách vở đâu. Ở đây có bốn điều chân lý là bài học đầu tiên, là bài giảng đầu tiên, là lời dạy đầu tiên cho muôn loài chúng sanh để giúp chúng sanh hết đau khổ. Đó là: Tứ Diệu Đế. Bốn chân lý về khổ, về nguyên nhân gây ra khổ và về sự hạnh phúc, phương pháp để đạt đến sự hạnh phúc đó. Chân lý không phải là một điều gì đó gọi là chân lý, mà chân lý đối với Đức Phật là “sự thật”. Điều gì là sự thật? Dưới con mắt và trí tuệ của bậc giác ngộ, Ngài nhìn thấy sự thật đó y như thật, đúng là thật không sai. Đó gọi là “Chân lý”. Còn chân lý của triết học là những điều vẽ vời không ai chứng minh được. Nó chỉ dẫn dắt theo vấn đề phù hợp với suy nghĩ của từng thời gian cho nên ta thấy chân lý của thế gian luôn luôn thay đổi, nhưng chân lý về sự thật của Phật không thay đổi. Ngàn năm xưa Đức Phật còn, Ngài nói về cái khổ là chân lý và là sự thật, thì ngàn năm sau như chúng ta đây cái khổ nó vẫn là thật.

Vậy ở đây chúng ta khổ, cái khổ của mình là khổ về đủ thứ. Khổ về con cái nó không nghe lời, nó không như ý mình. Mình nói nó học bác sĩ nó đi làm công nhân. Khổ! Câu hỏi là: tại sao muốn con làm bác sĩ mà không muốn con làm công nhân? Cái ý làm bác sĩ đó là ý của con hay ý của mình? Đó là ý của mình. Sự thật là khổ rồi, nguyên nhân gây ra khổ đó là do mình. Cái đó là chân lý. Chân lý là sự thật. Nay ta nhận ra hầu hết cái khổ đều là do ta. Một ví dụ khác: ai có con trai hay con gái lấy vợ lấy chồng, mình không ưng người con gái đó, mình không ưa cái anh chàng đó, mình không cho nó lấy mà nó cứ lấy. Ta khổ. Cái khổ đó là do con cái hay do mình? Cái khổ đó là do mình nữa, không phải lỗi của con cái.

Đầu tiên ta xác minh Đức Phật nói: “Khổ là sự thật”. Rồi cái nguyên nhân gây ra khổ như hai ví dụ vừa rồi: ta thường đổ thừa. Tới với thầy hoặc tới với ai đó than thở: con cái nó không chịu nghe, khổ quá trời! Rồi đến chồng nữa, nói chồng không nghe, nói vợ không nghe, rồi mọi người không nghe tại vì sao? Ai cũng đi soi kiếp, tự soi kiếp cho mình thấy mình toàn là “Chân Mạng Đế Vương” không à, tức là đều khiển người. Cho nên đi đâu cũng muốn điều khiển mọi người theo ý mình. Như vậy mọi cái khổ, mà cái khổ đơn giản như mình vừa nói đó là do ai? Là do chính mình.

Thêm cái ví dụ khổ nữa là: Có ai khổ vì cho mượn tiền người ta không trả tiền chưa? Cái khổ đó là bởi vì người ta mượn tiền không trả, người đó không có tốt phải không? Vì đồng tiền đó do mình chắt chiu bằng mồ hôi nước mắt mà khổ cực dữ lắm, đâu phải ở trên trời rơi xuống. Cho người ta mượn, thương người ta, người ta khổ, người ta không trả. Vậy là lỗi người ta hay lỗi tại mình? Cái khổ đó do người ta gây ra hay là cái khổ đó cho mình? Hay là do người đó không tốt? Là do mình, mình tiếc tiền, mình mất tiền mình khổ. Thực ra người ta không trả tiền chỉ là điều kiện người ta không trả, nhưng cái khổ là do mình tiếc tiền, mình giận, mình hận, tự mình làm khổ. Nếu mình bình tĩnh một chút xíu, mình hiểu được nguyên nhân người ta không trả được tiền mình, nguyên nhân người ta không thể trả thì mình đừng giận, mình đừng khổ nữa, mà mình sung sướng. Bởi vì: Nó hơi nghịch lí với cuộc đời, hơi khó chịu đó nhưng là sự thật. Bởi vì mình có cơ hội hồi hướng phước báu cho họ. Mình có cơ hội bố thí công đức của mình cho họ, để họ được tỉnh táo có thêm trí tuệ, nghĩ đến đạo nghĩa và phục hồi cái tâm thanh tịnh, cái tâm tốt và nghĩ về mình nhiều hơn, hiểu thấu để họ trả lại mình. Cái khổ là bởi vì mình không biết lựa chọn những cái phương thức làm sao để xử lý những vấn đề. Mà mình chỉ theo ý mình thôi, là mượn là phải trả. Mình không thông cảm cho hoàn cảnh. Dĩ nhiên vẫn có những con người mượn rồi quỵt tiền mình luôn đó. Họ không có trả, nhưng ta làm sao được đây? Nếu họ đã không muốn trả, ta ép họ, ta bắt họ ra tòa rồi nhốt tù, họ có trả cho mình không? Họ không trả đâu và mình càng khổ càng tạo nghiệp.

Và cái phương thức Đức Phật nhận ra nguyên nhân tạo ra khổ là do cái tâm ta chấp. Mất thì chấp cái mất ta khổ, được thì chấp cái được rồi nó mất ta khổ. Được theo ý mình, mất theo ý mình, cái điều gì cũng khổ bởi vì cái tâm chấp. Nếu ta nhẹ nhàng một chút, ta sẽ có nhiều cái nhìn thoáng hơn và lựa chọn cho mình một giải pháp tốt đẹp hơn. Thay vì mình giận họ, mình căm phẫn họ, mình đau khổ thì mình có một cái giải pháp khác tốt hơn. Mình lựa chọn phương pháp tốt hơn để mình không khổ mà tạo được phước.

Những cái khổ lung tung như vậy nó cũng dính dáng tới vấn đề tiền bạc, danh vọng, địa vị, những điều không có ưng ý. Nhưng những cái khổ mà Đức Phật nói nó là một cái hiện tượng chân thật không bao giờ thay đổi được. Những cái khổ đầu tiên mà Đức Phật nói là: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Sinh ra là khổ đó, nếu mình không sinh ra mình có bệnh không? Mình không sinh ra, người ta quỵt tiền mình không? Nhưng mà sinh ra thì bắt đầu hiện hữu trong cuộc đời nó là cái khổ rồi đó. Bệnh có khổ không? Có ai không bao giờ không bị bệnh không? Phật có bị bệnh không? Ông Phật có than khổ không? Không! Ngài hiểu đó là sự thật, Ngài không than khổ, Ngài chấp nhận. Có lúc Ngài đau đầu quá, Ngài không trách cứ gì mà Ngài quán chiếu, Ngài mới hiểu được những cái nghiệp trong tiền kiếp. Một kiếp đó Ngài còn nhỏ đi trên bờ biển thấy cái đầu cá Ngài đạp cái đầu cả, Ngài đá vào cái đầu cá nên Ngài bị nhức đầu. Khi chúng ta bệnh, chúng ta không có quán chiếu, chúng ta chỉ than phiền ta bị bệnh. Cái thân này bệnh là bởi vì cái nghiệp ta tạo ra. Khi ta hiểu được cái nghiệp đó, ta biết phóng sanh, ta biết từ thiện, ta biết bố thí, ta biết làm phước và ta biết giữ giới thì bệnh của ta do cái thiện nghiệp tạo được mà ác nghiệp được chuyển, bệnh nó cũng sẽ chuyển không những trong đời này và đời sau. Những cái hiện tượng bệnh là sự thật không ai trốn tránh được. Bởi trong vô lượng kiếp qua, ta tích lũy quá nhiều nghiệp ác, nên cái thân này khi sinh ra thì có bệnh. Và trong tương lai ai rồi cũng già đi. Già buồn rồi khổ, tóc bạc da nhăn cũng khổ không ai trốn được vì đó là chân lý. Rồi ngày mai ngày mốt, tương lai mình sẽ già đi rồi cuối cùng mình cũng sẽ chết thôi, có ai trường thọ mãi đâu? Bốn cái chân lí đó là sự thật. Khi mình đón nhận đó là sự thật mình không phản đối, mình không chống đối, mình không ép mình đi theo những cái điều ngược lại những chân lý đó. Mình đi theo cái chiều thuận với cái tâm hoan hỉ thì sự Sinh, Lão, Bệnh, Tử, là sự thật xảy ra trong đời, ta vẫn an nhiên bởi ta hiểu đó là Vô Thường.

Bốn cái điều đó rồi còn bốn cái điều nữa Đức Phật nói nó gây ra khổ nữa. Những điều gọi là “cầu bất đắc”, mong muốn mà không có được, mọi sự cầu không thành cũng khổ. “Ái biệt ly” là phải chia tay với những người mình yêu thương là khổ. Như người mẹ chia tay với con gái đi lấy chồng cũng khóc sướt mướt dù ngày cưới đó là ngày tốt của con gái bởi vì phải chia tay với người con gái hoặc người con trai. Đó là chia tay mà còn gặp nhau đã khổ rồi. Còn chia tay gọi là vĩnh biệt như người thân, người thương yêu mình mất là khổ. Khổ đó là chân lý. Cầu không được cũng khổ, chia tay với người yêu thương cũng khổ, “Oán Tắng Hội” gặp oan gia trái chủ thì khổ, thấy ghét là sân, là giận dù mới gặp họ. Có người gặp là thương, là mê như điếu đổ. Đừng có tưởng rằng chỉ khi gặp ghét là khổ đâu, gặp những người mê như điếu đổ ta cũng khổ dữ lắm, tiếng sét ái tình cũng làm ta khổ. Cho nên cái sướng và cái khổ đều tạo ra khổ. Cái cho là hạnh phúc đều tạo ra khổ bởi vì nó Vô Thường chẳng thuộc về mình. Có một điều nữa mà Đức Phật dạy là khổ nữa gọi là “Ấm Xí Thạnh” tức là thay đổi của môi trường sống. Môi trường sống của chúng ta đang sống nào nhà lớn, nào nhà cao, bất chợt nghèo xuống túp lều tranh ở cũng khổ. Nhiều người đang ở nhà thành phố bị hoàn cảnh phải bán nhà về bìa rừng ở cũng khổ. Hoặc đi du lịch nóng quá cũng khổ. Môi trường thay đổi là khổ. Cho nên tám cái điều đó Đức Phật gọi là: “Tám điều chân thật tạo ra cái khổ, và nguyên nhân là bởi vì ta chấp mà thôi”.

Nhưng nếu có cái khổ thì phải có cái hạnh phúc. Có cái khổ thì phải có nguyên nhân tạo ra khổ. Khổ và Hạnh Phúc. Có hạnh phúc thì phải có cách tạo ra hạnh phúc. Đức Phật dạy cho chúng ta tám cách tạo ra hạnh phúc đó là Bát Chánh Đạo, tám con đường thánh. Đó là:

Chánh kiến

Chánh tư duy

Chánh ngữ

Chánh nghiệp

Chánh mạng

Chánh định

Chánh tinh tấn

Chánh niệm

Mình luôn nhớ cái quan trọng đầu tiên là chữ “Chánh”, đừng có “Tà”. Tà kiến tức là họ nói sai, họ nói lấn át mình, nói những điều không đúng chân lý. Tà tư duy: Tức là suy nghĩ sai mà cứ suy nghĩ theo chiều hướng đó, họ dẫn dắt mình. Tà ngữ: Ngôn ngữ họ nói nghe mà nhức óc, hại não. Tà mạng. Tà nghiệp. Tà định: dự định tức là vững chắc, không lay chuyển mà họ vững chắc trong những cái điều sai gọi là “Tà định”. Còn họ vững chắc, không lay chuyển trong những cái điều đúng gọi là Chánh định. Tà Tinh tấn: có nghĩa là làm hết mình họ không bao giờ buông bỏ hết mà làm điều tà. Cho nên Tinh tấn đừng có nghĩ rằng chỉ có Chánh thôi. Tinh tấn tức là luôn luôn phấn đấu để thành tựu được điều đó, nhưng cái điều Chánh hay điều Tà. Tà niệm: Thất niệm, vọng niệm, vọng ngôn, vọng ngữ, vọng động, vọng tâm.

Hôm nay chúng ta học về “Chân lý” – sự thật. Ta đừng nói tới những chân lý mà người ta cứ kể cho nhau nghe qua các nhà triết học. Đức Phật dạy những chân lý rất bình thường, rất tầm thường nhưng giải thoát chúng ta khỏi đau khổ và phiền não nên nó trở thành phi thường. Và chúng ta học Phật có cần phải rong ruổi chạy đua theo những cái triết học cao siêu hay không? Hay chúng ta học Phật là để giải quyết những cái khổ của chúng ta, chuyển hóa những cái khổ của chúng ta, nhận ra nguyên nhân tạo khổ và hiểu được niềm hạnh phúc sung sướng và những cách tạo ra sự sung sướng đó. Nhưng hầu như chúng ta không nghĩ đến những điều đó, ta nghĩ tu Phật để thành Phật, thành Bồ tát, thành Thánh, thành Thần, thành Tiên. Tu Phật là để có thần thông bay bay ở trên trời rồi nhập vô cõi mê hoang tưởng, rồi cuối cùng bị nhốt vào bệnh viện tâm thần. Cho nên chúng ta nhớ rằng cái chân lý ở đâu? Chân lý  ở ngay sự thật xảy ra trong đời sống. Chân lý là sự thật xảy ra mỗi ngày trong đời sống của chúng ta. Đó là khổ. Cái khổ là sự thật. Có cái khổ thì có hạnh phúc. Hạnh phúc cũng là sự thật. Có khổ là sự thật và hiểu được nguyên nhân tạo khổ. Có hạnh phúc là sự thật và có cách tạo ra hạnh phúc đó.

Như vậy sự lựa chọn của chúng ta thực hiện theo chân lý, hiểu được chân lý là biết cách tái tạo lại những cái gì khổ biến thành hạnh phúc qua Bát Chánh Đạo. Mà để thực hiện được cái Bát Chánh Đạo đó, chúng ta phải giữ giới để tăng trưởng cái phước lành cho chúng ta, chúng ta mới có thể thực hiện được Bát Chánh Đạo. Như vậy giữ giới phải chăng là điều bắt buộc? là điều răn cấm chúng ta? Như vậy ta cảm thấy khó chịu? Nếu mình nghĩ rằng giới là giới cấm. Nhiều người nghe bị cấm sẽ thấy khó chịu, cho nên nhiều người không giữ giới được. Đây là tà kiến khi nhìn về giới. Bây giờ ta thay đổi cách nhìn đi một chút. Giữ giới không phải là giới cấm mà giới làm cho chúng ta trở thành con người sống cao thượng hơn. Bởi không sát sanh là mình trở thành người sống cao thượng hơn, chứ không phải cấm mình sát sinh đâu. Mình muốn làm người cao thượng, sống thiện lành có phước báu, ta không sát sanh. Như vậy thì giới không phải là điều cấm, mà tất cả các giới là phương pháp để ta nâng tầm cuộc đời trở thành cao thượng, thiện lành hơn. Suy nghĩ như vậy mình sẽ hoan hỉ mình làm, bởi vì mình không sát sanh, không trộm cắp, tà dâm, nói dối, không uống và sử dụng các chất say là mình làm cho chính mình có một đời sống cao thượng, thiện lành hơn, không phải là điều cấm, buộc không được phép làm. Nếu mình hiểu theo cái cách đó và nhìn theo góc độ đó mình sẽ hoan hỉ. Bởi mình thấy có lợi ích, mình giữ giới bởi vì ông Phật cấm, mà bởi đó là chân lý sự thật. Nếu ta sát sanh ta tạo khổ cho mình, tổn đến Thọ mạng, gây ra bệnh hoạn. Nhưng nếu ta không sát sanh ta làm cho ta trở thành cao thượng, sống thiện lành hơn.

Cho nên, giới từ xưa đến giờ ta nghĩ là giới cấm bắt ta phải giữ thì đó gọi là “Tà kiến”. Hiểu rõ được giữ giới, ta có Chánh kiến. Ta giữ giới là để làm cho mình cao thượng hơn, sống thiện lành hơn, làm cho mình trọn hảo trở về với nguyên bản gốc của mình là tâm Từ Bi, tâm yêu thương. Để giữ được Bát Chánh Đạo chúng ta đạt được sự hạnh phúc viên mãn, ta phải hiểu giữ giới không phải là giới cấm bắt buộc, ép buộc như xưa đến giờ ta nghĩ, mà phải đổi chiều suy nghĩ, nghĩ rằng giữ giới là làm cho đời sống cao thượng, thiện lành tốt đẹp. Còn Khổ không phải là sự phải trốn tránh, mà phải nhìn thẳng như trong nhà Thiền có nói: “Kiến phiền não thành Bồ đề”. Có nghĩa nhìn thẳng vào phiền não sẽ đạt được hạnh phúc, bởi ta hiểu được nguyên nhân tạo ra sự phiền não đau khổ đó ta ngừng.

Vậy chân lý ở đâu? Chân lý ở ngay sự thật đang xảy ra trong cuộc sống của mỗi người. Không tìm đâu xa ở trong những cuốn sách triết học, trong văn tự, trong những lời nói, trong những bài giảng cao siêu luận lý phi thường của những triết học gia, của những nhà Tiến sĩ thần học, Cao học, Phật học. Mà là sự trải nghiệm trong cuộc sống, nhìn về chính mình nhận ra ta đang khổ, hiểu được nguyên nhân tạo khổ đó và dùng Bát Chánh Đạo để thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc. Hiểu thấu được giữ năm giới là làm ta trọn lành thiện hảo, làm cho ta sống cao thượng, không phải là điều cấm, buộc, ép ta. Ta tự nguyện làm điều đó bởi ta mong muốn ta trở thành người tốt, người thiện lành và có đời sống cao thượng.

Chúng ta trở về với hơi thở Chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con không mong cầu những chân lý ảo, nhưng phát nguyện hiểu thấu chân lý sự thật Đức Phật dạy về khổ – nguyên nhân tạo khổ, về hạnh phúc và phương pháp tạo ra hạnh phúc đó đang xảy ra và hiện hữu trong đời sống của chúng con. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con thành tựu được điều đó.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts