Search

Bài 3065. Cột Tâm

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy tinh tấn tu học, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con hôm nay đặc biệt nguyện xin Chư Phật, Chư Tổ gia trì cho hai bạn đồng tu vừa phát tâm là Bảo Giới và Bảo Phước giữ được Bồ đề tâm bất thối, tinh tấn tu học, hòa nhập vào với ni đoàn bằng tâm Từ Bi phá chấp để có thể tinh tấn học hỏi thêm mỗi ngày về cuộc đời người xuất gia. Nguyện xin Chư Phật cũng gia trì cho tất cả các chư vị hương linh vừa quá vãng biết hướng theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Và cho tất cả những Phật tử đang lâm bệnh thấy đời là Vô Thường, hành nhiều pháp thiện để gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Đồng tâm cầu nguyện cho Thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn ngồi xuống, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy nhớ lời Đức Phật dạy: Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong sự đồng tu theo pháp môn Mật Thiền, chúng ta lấy hơi thở Chánh niệm để chuyển tâm theo mật ngôn thứ nhất: Mu A Mu Sa – tâm Từ Bi, mật ngôn thứ hai: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán Trí Tuệ, mật ngôn thứ ba: Ma Sa Ốp Uê quán tâm Tỉnh Giác.

Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán trong Chánh niệm hơi thở, ta sẽ chuyển hóa được tâm của chúng ta trở về với cội nguồn với thiện pháp.

Chúng ta hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật ngôn, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Các bạn thân mến! Một chủ đề được gửi về hôm nay rất phù hợp và nằm ở trong cái phạm trù của mỗi người mong muốn thành tựu được, chủ đề: “Cột Tâm”. Từ ngàn xưa và tới hôm nay, ai ai trong chúng ta nhiều lúc muốn cột cái tâm của mình lại, bởi nó bị phóng tâm, bị phan tâm, bị chi phối đi đến loạn tâm thần, điên khùng, khó chịu, bứt rứt, phiền não, tạo ra đau khổ. Nếu có thể cột cái tâm của mình lại như cột con trâu vào gốc cây, chắc có lẽ con trâu không phá đồng người ta, tâm của chúng ta không chạy lung tung. Nhưng rất tiếc con trâu có thể xỏ mũi, còn cái tâm mình xỏ chỗ nào để cột lại đây? Đời của con người tuy ngắn, nhưng không thiếu những cái lúc trầm kha đau khổ, tâm loạn, tâm đi đến sự đảo điên, khủng bố cuộc đời của chính mình và nhiều người. Thế mới nói, đời của chúng ta nhiều khi ta thật là điên khùng, quậy phá lung tung vì những điều không đâu vào đâu. Cũng chỉ vì cái tâm không  được cột một chỗ, tâm nó dao động từ lúc mới sanh, từ sáng cho tới tối, đi ngủ, lên giường nhắm mắt thiếp vào trong giấc ngủ tâm cũng chạy loạn, đau khổ triền miên.

Trong các pháp thiền cổ xưa, hiện nay cũng vẫn còn, thường hay nói tới “Cột cái tâm lại, giữ cái tâm lại, ôm cái tâm không cho nó chạy lăng xăng”. Thiết nghĩ, xưa cho tới giờ, chẳng ai làm được điều đó, nhưng về phần lý thuyết trong thiền, việc giữ tâm lại, cột nó lại nghe có lý, bởi được diễn bày bằng những giọng văn của Phật pháp nghe huyền bí, làm cho biết bao nhiêu người chúng ta miệt mài, nhưng sức cạn, mắt mờ cũng chẳng cột được cái tâm. Để rồi ở trong đời người ta nói: “Anh có thể nhốt tôi vô chuồng cọp, vô tù, vô ngục. Nhưng chẳng thể nhốt được cái tâm của tôi”, cũng có ý rằng: tâm chẳng thế cột. Vậy sao chúng ta cứ đi tìm phương pháp cột tâm? Bạn trẻ gởi về “Cột tâm” có lẽ tâm trạng đang ngược xuôi, xuôi ngược, bốn vùng chiến thuật đông, tây, nam, bắc, dù ở đâu tâm cũng nghĩ tới. Hay nói đúng hơn tâm đang loạn, tâm đang lộn xộn, tâm đang đảo điên, tâm đang rối, mệt. Bạn muốn cột nó lại? Như vậy tâm của bạn có phải vì tình mà chạy lăng xăng để cho nó mệt nó cột lại hay sao? Hay vì danh vọng địa vị, vì quyền lực, vì đồng tiền, vì mơ ước một cái nhà có đầy đủ những phương tiện trong cuộc sống? Điều gì đã làm cho tâm của bạn bị mệt và bạn muốn cột lại? Ta phải tìm ra được điều gì, phải nhìn vào nó, đừng sợ. Khi nhìn thẳng vào vấn đề đang làm cho tâm ta loạn, ta nhớ tới lời Đức Phật dạy: “Đừng cố cột tâm lại”. Các bạn càng cột, tâm càng tìm những cái kẽ hở để nhoi đầu mọc lên, như lấy đá đè cỏ, cỏ sẽ lại vượt lên chỗ khác, chẳng thể đè cỏ được. Đó là ý tưởng trong nhà thiền.

Vậy: Tâm cột như thế nào đây? Có một câu kinh ta thường đọc khi đảnh lễ Đức Phật là:

Nam mô tận hư không biến pháp giới Chư Phật chư Bồ Tát hằng hà sa.

Cái chữ: “Tận hư không biến pháp giới”, cái “hư không” đó chính là cái Tâm. Tâm của chúng ta biến hiện hằng hà sa pháp giới. Có pháp giới của cõi Phật, cõi Bồ Tát, cũng có cảnh giới của ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, a tu la, thần, tiên. Tâm có thể biến thành Phật, mà cũng có thể biến thành quỷ. Tâm biến hiện liên tục, không dừng ở đâu hết, chẳng cột được đâu bạn. Tâm không cột được. Nếu tâm không cột được thì khi bạn bị loạn tâm, bị phiền não, tâm lăng xăng khó chịu, ta đầu hàng sao? Và những gì Đức Phật dạy không áp dụng được hay sao? Để khi chúng ta khốn khổ vì những cái ấy, sự đời xảy ra vì tình, vì tiền, vì quyền, vì nhà cửa, vì sự ăn uống của cuộc đời, ta loạn tâm, ta làm gì? Nếu Phật không dạy cho chúng ta cột tâm thì Phật dạy cho ta làm cái gì đối với cái tâm đó?

Các bạn! Bảo Thành và các bạn, ai ai trong chúng ta cũng phải đối diện với cái tâm của mình. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy trong câu Kinh Pháp Cú: “Tâm làm chủ các pháp. Tâm làm chủ mọi tạo tác”. Có nghĩa là các pháp thiện, các pháp ác, các tạo tác thiện và ác đều do tâm nó tạo thành. Có cả hai mặt trắng và đen, tốt và xấu, ác và thiện. “Tâm làm chủ các pháp. Tâm làm chủ mọi tạo tác”. Nếu tâm mà thanh tịnh thì nói lên hay hành động chúng ta sẽ có được phước báu đi theo sau chúng ta, như là con ngựa kéo theo xe đó các bạn. Còn với tâm ác, thì chúng ta sẽ tạo ra nghiệp và tai họa sẽ liền với ta, dính với chúng ta như hình với bóng. Tâm có hai mặt và tâm đều điều khiển cái thiện và cái ác. Ngay chỗ này thật rõ cho mỗi người chúng ta thấu được.

Trong cuộc đời của các bạn và Bảo Thành luôn luôn có những trạng thái tâm của chúng ta đã tự chủ, hay nói đúng hơn là đã cố tình hòa nhập vào những ác pháp. Biết đó, thấy đó, hiểu thấu rõ mà vẫn làm. Đây là tâm tự làm chủ các ác pháp. Như phạm vào các điều trong cái tâm tham, sân và si. Bạn nhìn đi! Bảo Thành nhìn hoài và thấy đúng: Mình có lỗi nhiều lắm. Một người hòa âm hay một nhạc trưởng đánh nhịp cho tâm tham, sân, si, nhảy múa lung tung hết. Bạn chiêm nghiệm đi! Bạn và các bạn đồng tu cũng như Bảo Thành, mình biết mình tham, chủ ý tác động vào tâm tham đó để đạt được những điều mình muốn. Nếu bạn mà không theo dõi quán chiếu để thấy thì bạn quả là đã bị hết chỗ nói rồi. Bởi cái đáng sợ nhất trên đời tham mà không biết mình tham. Cái đáng ca ngợi nhất ở trên đời là tham mà biết mình tham. Khác ở chỗ “biết” và “không biết”.

Nếu bạn nhìn vào, bạn sẽ nhận ra, bạn sẽ cười vào chính bản thân của mình, vì thật là nhiều thứ ở trên đời chúng ta đã tác động và chủ động làm chủ cái tâm tham để vơ vét để có được những điều mình mong muốn từ tài danh, tiền bạc, tình cảm, tất cả…. Các bạn để ý đi, luôn luôn có sự đồng hành khăng khít chủ động nỗ lực từ cái tâm. Vẫn biết theo Phật không thể có tâm tham bởi như vậy tổn phước, nhưng chúng ta hằng ngày luôn luôn tác động bởi tâm tham, chủ động lắm. Tâm sân cũng vậy, ta tác động vào tâm sân, chuyện không đâu vào đâu cũng nhảy vào chửi bới, nóng giận, khó chịu, làm mặt ngầu, căng con mắt lên, phùng mang ra, múa chân múa tay, giận dữ, đập nồi xoong, chảo, bát, dĩa, mắng luôn cả vợ, mắng luôn cả con, chửi luôn cả chồng, thầy trò cũng dẹp luôn. Tâm sân ta làm chủ ta biết, không phải là ta không biết. Ta biết mà ta cố tình tác động vô. Không những thế, chúng ta còn giả ngu, giả khờ, giả đần độn. Thực ra là vô minh chứ không phải là giả, chúng ta thực sự là vô minh, nhưng chúng ta chủ động vô minh hơn để cho nó đen cả khối óc, thâm cả quầng mắt, tím cả bờ môi, nắm tay chặt ngắt muộn dọng vô mọi người. Ta chủ động đó các bạn. Biết nhưng vẫn chủ động.

Còn nói về ngôn ngữ như Nói dối, chúng ta vẫn chủ động nói dối. Chúng ta vẫn chủ động “Nói thêm, nói bớt, nói thêu dệt, nói thô ác”. Và chúng ta vẫn chủ động “sát sanh” để có được miếng ngon. Ta vẫn chủ động lấy của người, “trộm cắp”. Chúng ta vẫn chủ động tác động vào những cái góc độ xâm hại thân xác của những con người chung quanh. Mười cái điều này chúng ta vẫn chủ động, và nhiều khi nó nhiều vô số, tạo nghiệp. Cái kết nó trổ quả tới, ta thấy mệt, rối đầu, loạn tâm, ta mới nghĩ cột tâm lại. Sao cột được? Tâm như hư không, biến tất cả mọi pháp giới, có cả Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, có cả ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, đủ hết các bạn ạ. Không giữ được, không cột được. Câu Kinh: Tâm làm chủ các pháp, Tâm làm chủ mọi tạp tạo tác, có cả thiện và ác. Ôi! Tâm như thế chẳng thể cột, nhưng ta làm sao đối với cái tâm như vậy?

Có câu Pháp Cú nữa Đức Phật dạy: Hãy làm việc thiện và bỏ việc ác, tâm bạn sẽ thanh tịnh. Đó là lời Phật dạy. Ngay chỗ này, ta thấy Phật đã dạy chúng ta rồi, thật là rõ, không phải là cột tâm mà là chuyển tâm. Chuyển tâm từ cái tâm ác hay hành ác chuyển qua cái hướng làm thiện và hành thiện, chứ không cột tâm mà là chuyển tâm. Trong nhà Phật tu sửa là chuyển, chuyển từ vô minh qua bờ giác. Rất rõ! Từ sân giận qua yêu thương và tha thứ. Từ tham qua biết san sẻ và đùm bọc, từ vô minh tới cái trí tuệ. Chuyển các bạn ạ. Chuyển tâm của chúng ta. Đức Phật dạy: “Chuyển”. Tâm phải làm chủ qua các pháp thiện, có nghĩa là hành thiện thì tâm ta sẽ hướng thiện. Và tâm đừng ngó đến cái ác, nghĩa là ta phải chủ động làm việc thiện các bạn ạ. Chứ đừng cột tâm vào cái gốc gì đó để rồi tâm không làm loạn làm bậy, mà phải chuyển tâm hướng về, chỉ cần thay đổi cách nhìn, hướng về cảnh giới thiện, pháp thiện, những điều thiện lành là chúng ta đã tốt lắm rồi. Đã bắt đầu từ từ tâm được huấn luyện, tâm được tu luyện, tâm được đào luyện, tâm được học hỏi để tâm bắt đầu hướng qua chuyển qua cái pháp thiện. Tâm làm chủ các pháp, làm chủ mọi tạo tác. Nếu tâm ý thanh tịnh, nói lên hay hành động thì cái nghiệp lành, cái phước, cái điều tốt luôn luôn đầy ắp cái xe để ta kéo theo cuộc đời. Như vậy đó các bạn. Chúng ta nên nhớ ở đời này như hình như bóng, như xe kéo cái tâm thiện thì cũng như phước báu có đầy xe ta kéo, nó như hình bóng theo sát ta. Cái tâm ác tạo ra họa, nó cũng đầy ắp xe để chúng ta kéo theo, nó cũng như hình như bóng gắn chặt với chúng ta. Nếu chuyển tâm qua hướng thiện, ta có đầy ắp một xe phước báu để kéo theo, ta có đầy đủ phước báu gắn liền với ta như hình bóng, chẳng sợ.

Bạn đừng có cột tâm qua những phương pháp người ta chế tạo ra. Hãy theo lời Đức Phật dạy để được nhẹ nhàng, nhất là các Phật tử tại gia. Chúng ta từ đầu ngày đến cuối ngày hàng trăm sự việc xảy ra, tâm ta luôn phải suy nghĩ. Suy nghĩ về cái đời sống của gia đình, của con cái, suy nghĩ về công ăn việc làm, về nhà cửa, suy nghĩ về sự giao hảo giữa thôn xóm bạn bè, người thân. Suy nghĩ về sự học của con cái, suy nghĩ về sức khỏe của cha mẹ, suy nghĩ về muôn sự ở đời nhiều lắm. Cột sao được? Tâm không thể cột. Chuyển tâm các bạn. Tâm cần để chuyển, đừng cố gượng ép cột tâm lại. Nay chúng ta thấy được điều đó, bỏ đi cái cách mà tìm để cột tâm, mà hãy tinh tấn làm theo lời Phật chuyển tâm. Cách chuyển tâm dễ nhất là chuyển cái hướng nhìn từ ác qua thiện, chuyển cái sự hành động từ ác qua thiện, chuyển cái ngôn ngữ từ ác qua thiện, chuyển cái tư tưởng từ ác qua thiện. Chỉ có vậy, chuyển hướng, vòng lại một cái là chúng ta đã xa pháp ác, gần kề với pháp thiện, đi đúng con đường để tâm an lạc.

Nhưng cần phải biết các bạn, còn nếu không biết thì thật đáng nguy. Lời Đức Phật dạy luôn luôn nhắc nhở chúng ta: “Phải tu cái hạnh lắng nghe để thấu hiểu và biết”. Cái biết rất quan trọng. Và chính vì cái biết, chúng ta nhớ, biết cả ác và thiện, biết cả xấu và tốt, có nghĩa là biết ta hành ác hoặc là hành thiện. Nếu bạn và Bảo Thành đang tạo ác mà bạn không biết, Bảo Thành không biết, thì thật đáng nguy hiểm. Đó là sự đáng sợ. Còn nếu bạn và Bảo Thành đang hành ác mà chúng ta biết thì Phật khen ngợi chúng ta, bởi đã biết đang làm việc ác. Nếu biết mình đang làm việc ác, mình có thể bỏ ác và chuyển hướng làm việc thiện. Cho nên cái biết rất quan trọng. Tu luyện để có được cái tánh biết, có được cái định lực ứng dụng tánh biết, nhận rõ được mình đang thủ ác hay hành thiện. Theo Đức Phật dạy, Chánh niệm đời sống, Chánh niệm hơi thở sẽ giúp cho chúng ta tăng trưởng tánh biết. Bạn sẽ hỏi Chánh niệm như thế nào? Giải thích cho đơn giản hơn, phù hợp hơn, dễ thực tập hơn đối với các bạn là khi ta nói, cố gắng biết mình đang nói gì, dù biết mình nói dối cũng cứ biết, biết mình nói gian dối cũng cứ biết như vậy. Đừng sợ, cứ biết đi. Bởi từ xưa giờ ta từng nói dối, nói đâm thọc, nói thêm bớt, không sao. Biết, nhận ra: À! ta đang nói chuyện với người này, ta đang nói dối, ta đang nói khống lên, ta đang nói sai sự thật. Không sao! Cứ biết như vậy. Bạn chưa dừng được ở chỗ đó, nhưng ít nhất bạn đã biết, cứ biết. Và nếu bạn nói những lời tốt, bạn cũng nên biết bạn nói tốt. Cuộc sống của chúng ta trong một ngày có biết bao nhiêu những lời gian dối, khống chuyện, đâm thọc, thô ác, nhưng cũng có những lời ái ngữ, chân thật, từ bi yêu thương. Nó lộn xộn lắm các bạn, nó như vàng, thau lẫn lộn. Chỉ cần các bạn biết rằng: Bạn có cả hai mặt. Thực tập như vậy qua Chánh niệm hơi thở, nhìn vào lời nói, nhìn vào suy nghĩ và hành vi tương tác mỗi ngày, cố gắng nhìn thẳng vào đó nhận biết ra các pháp ác, các điều xấu, tội lỗi ta đang làm, và những điều tốt, thiện lành ta đang làm. Đời của con người là lẫn lộn giữa ác và thiện. Ta là người mà, là phàm phu vẫn luôn có. Mượn cái rất người đó, ta thực tập cái tánh biết. Đừng sợ khi các bạn đang nói chuyện mà bạn biết đang nói dối không ngừng được, cứ nói không sao. Đừng sợ khi bạn đang suy nghĩ ác mà không dừng được, cứ biết đi, biết rằng ta đang nghĩ ác, ta đang nghĩ hại người, ta đang nghĩ trộm cắp ở đây, ta đang nghĩ chiếm đoạt thân xác của người. Biết rằng hành vi của chúng ta là xấu, ta biết hại người đó. Cái biết phải được thực tập như thế và chúng ta cũng cần phải biết ta đang nói tốt, suy nghĩ tốt, và hành động tốt.

Bây giờ đến phần thứ hai trong Chánh niệm Mật Thiền dạy cho chúng ta là “chuyển tâm”. Chuyển tâm mình, tâm Từ Bi Mu A Mu Sa. Khi hít vào thở ra ta trì mật ngôn: Mu A Mu Sa là ta quán tâm Từ Bi. Do vậy, nếu như bạn đang nói và bạn biết rằng bạn đang nói dối, nói đâm thọc, nói thô ác, nói thêu dệt, hại người, bạn liền chuyển từ cái tâm hành ác đó, từ cái khẩu cái miệng, ngôn ngữ đó qua tâm Từ Bi bằng cách thầm niệm Mu A Mu Sa. Như người lái xe vậy mà thôi, rất đơn giản. Khi họ biết họ lái sai, lệch đường thì tức khắc họ sẽ chậm lại và rồi họ sẽ vòng lại để đi đúng đường. Mu A Mu Sa là dấu chỉ trên đạo lộ hành Mật Thiền, để khi cái tánh biết nhận ra ta đã sai từ ngôn ngữ, sai từ tư tưởng và hành vi, ta nhìn rõ cái đạo lộ của Mu A Mu Sa là tâm Từ Bi để ta vòng về cái hướng tâm Từ Bi. Ta chuyển ngôn ngữ, lời nói, suy nghĩ, hành động của ta bằng cái năng lượng Từ Bi và nương vào cái Google của mẹ hiền Quan Thế Âm, cái Google của Đức Bổn Sư dạy chúng ta qua mật ngôn: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là Trí Tuệ. Rất hay! Nếu bạn thường xuyên Chánh niệm hơi thở và tổng trì mật ngôn:

Mu A Mu Sa

Và: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

Bạn đã có một cái máy. Máy đó được gắn liền với Phật tánh của bạn, với cái tâm được huấn luyện, cài đặt cái app. Cái máy đó có phần mềm nhắc nhở cho bạn lái xe lệch đường và chỉ đường cho bạn thoát ra một cách tỉnh táo. Bây giờ lái xe, thậm chí là đi bộ, người ta chỉ cần cái phone thôi, người ta bấm cái địa chỉ, đi lệch đường nó báo ngay sai rồi vòng lại ngay. Nó còn báo cho chúng ta cái đích tới là bên phải, bên trái, còn bao lâu nữa. Đi bộ, hay đi xe trên trục lộ giao thông của đời người chỉ cần có cái phone. Trên cái đạo lộ hành thiền, trên cái tư tưởng, lời nói và hành vi của kiếp người chỉ cần có phần mềm của Mu A Mu Sa, phần mềm của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, phần mềm của Ma Sa Ốp Uê thì luôn luôn có sự nhắc nhở từ cái tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác để chuyển cái hướng đi từ ác qua thiện. Rất hay!

Chỉ bấm vào cái địa chỉ thôi là nó sẽ chỉ đường cho chúng ta tới. Chúng ta chỉ cần bấm vào cái địa chỉ là cứu cánh của mình, là giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, là Niết bàn thì cái phần mềm Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Ma Sa Ốp Uê được hành trong Chánh niệm hơi thở quán chiếu để thấy được các pháp Vô Thường – Khổ – Vô Ngã sẽ có được cái tha lực siêu thế từ Phật. Như phần mềm tinh tế nhắc nhở chúng ta khi đi sai đi lệch, khi tâm thủ ác, hành ác, nghĩ ác – chuyển. Có cái lực gọi là “Định lực” hay còn gọi là “Chánh định”.

Mật ngôn rất quan trọng trong Mật Thiền bởi có tha lực. Tổng trì mật ngôn trong Chánh niệm hơi thở chúng ta sẽ có được Chánh định. Chúng ta sẽ nhận được tha lực của mật điển, phối hợp với tự lực, ta thành công. Chúng ta tu là chúng ta hành cái pháp đó, đâu phải ngồi muốn mà được đâu. Chúng ta hành mà các bạn. Chúng ta hít vào thở ra, ta tổng trì mật ngôn đó, quán chiếu thân tâm, nhận rõ các pháp Vô Thường – Khổ – Vô Ngã. Công phu như thế tức là tự lực. Chúng ta đã tự lực đứng dậy thắp đuốc tuệ, chỉ cần mồi cái lửa Trí Tuệ, Từ Bi, Tỉnh Giác từ Phật. Đó gọi là tha lực có sẵn, nguyên liệu có sẵn tất cả, chỉ cần thắp sáng qua tha lực của Phật là cái tự lực nó hiển lộ. Không nên cột tâm mà cần phải chuyển tâm từ ác thành thiện, như Kinh Pháp Cú nói: “Hãy làm điều thiện bỏ điều ác để tâm thanh tịnh”, như Kinh Pháp Cú nói: “Tâm làm chủ mọi tạo tác”, trong đó có tâm ác và tâm thiện. Nay ta chuyển từ ác đến qua thiện. Chỉ có thế, bạn sẽ bớt rối loạn thần kinh, rối óc, rối đầu. Bạn sẽ bớt loạn tâm loạn thần, bạn sẽ có được sự an lạc và hạnh phúc. Cần thực tập, thực tập đúng Mật Thiền song tu, Chánh niệm hơi thở tổng trì mật ngôn Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh giác quán, bạn sẽ tiếp được tha lực mật điển của Phật gần gũi trong đời sống hằng ngày trong từng giây phút bạn tương tác và làm việc. Khế hợp nhịp nhàng với cái tự lực ứng dụng Phật pháp vào đời thường, bạn sẽ có một đời sống an vui và hạnh phúc. Và bạn bắt đầu huấn luyện cái tâm của bạn từ cái chỗ không thể làm chủ tâm, bạn biết tâm thủ ác, đến cái chỗ bạn làm chủ được tâm và bạn chuyển tâm hành thiện. Công phu thực tập. Ở trên đời này, bất cứ chuyện to hay chuyện nhỏ đều phải học, ứng dụng, thực tập mới thành tựu được. Còn ai hứa khả tới để họ ban, họ cho, hứa khả tới với họ để được cứu thì các bạn cần phải xem xét và tư duy. Trong “Bát Chánh Đạo” Phật gọi là Chánh tư duy bằng Chánh kiến. Còn không các bạn bắt đầu bị người ta đẩy vào trong những ngôn ngữ xu nịnh, để chúng ta thích thú chẳng chịu tu mà cứ muốn hưởng phước. Phước đâu để hưởng khi không tu? Nhớ rõ điều này thôi và chúng ta chuyển tâm, các bạn nhất định sẽ thành tựu được và bạn sẽ huấn luyện được tâm của bạn chuyển từ ác thành thiện. Không cột tâm mà chuyển tâm.

Chúc cho bạn nào đó gửi chủ đề này về, nghe kỹ nhiều lần để thấy rằng đừng cố cột tâm khi phiền não tới với mình. Bởi càng ra sức cột tâm bạn sẽ mệt, chỉ cần nhận biết được cái tâm ta đang loạn về cái gì, và rồi Chánh niệm hơi thở hít vào từ từ trì mật ngôn Mu A Mu Sa, lấy năng lượng Từ Bi siêu thế của Phật thể nhập vào trong tâm, trong lời nói, trong hành động. Thắp sáng Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và đánh thức mình bằng sự Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê bạn sẽ có được cái công năng để chuyển tâm từ ác qua hướng thiện và tâm bạn sẽ bình an, sẽ nhẹ nhàng, sẽ hạnh phúc. Nhất định bạn sẽ thành công bằng cái công hạnh thực tập. Đừng ngồi một chỗ mơ ước tu đạo của ông Cuội ngồi gốc cây sung chờ sung rụng. Học Phật là phải hành, còn không thì chúng ta đã dựng miếu để thờ ông Cuội rồi, ngồi gốc cây sung đó các bạn, cuội ngồi gốc cây sung để chờ sung rụng chuyện đó không có. Hãy cố gắng tu để thoát khỏi sự rối rắm của cái tâm của mình.

Mời các bạn trở về với hơi thở Chánh niệm .

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu được lời Ngài dạy trong Kinh Pháp Cú: Lấy Từ Bi, Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác tăng trưởng tánh biết qua Chánh niệm của hơi thở để chuyển tâm từ ác thành thiện, từ u mê thành Trí Tuệ. Xin Chư Phật gia hộ cho tất cả mọi người chúng con kiên nhẫn, kham nhẫn và tinh tấn tu học.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hồi hướng công đức. Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts