Search

Bài 2200. Ai Cũng Chọn Tu Nhẹ Nhàng | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Giờ đồng tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải mưa ân điển Đại Từ Đại Bi để nước tình thương thấm đượm trong lòng của nhân sinh hầu cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc. Nguyện cho quê hương Việt Nam quốc tổ của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Nguyện cho chúng đệ tử tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện siêu cho chư hương linh luôn theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Xin chư Phật chứng minh!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi!

Giữa đất trời mênh mông vô tận, ta nguyện giao thoa gắn kết với mười phương chư Phật đón nhận tha lực yêu thương của quý Ngài. Trong từng hơi thở, chúng ta quán chiếu thân tâm, thắp sáng đuốc Tuệ, khơi nguồn Từ Bi nhận rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(15:54) Mô Phật! Các bạn! Bảo Thành nguyện gửi tới các bạn tất cả những nguồn năng lượng siêu việt từ bi – trí tuệ mà Bảo Thành lãnh nhận được từ chư Phật tới tất cả mọi người chúng ta trong những ngày cuối năm này. Nguyện cho muôn người và các bạn đón nhận được tràn đầy hồng ân Tam Bảo để trí tuệ bừng sáng, nhìn thấu rõ mọi lầm lỗi của mình trong năm qua, để chuẩn bị sàng lọc để rồi chọn lựa cho mình những điều cao quý để thực hiện trong năm mới. Nguyện năng lượng tình yêu và trí tuệ của Phật thắp sáng để bệnh hoạn các bạn tiêu trừ, phiền não của các bạn đoạn diệt và trong tâm của các bạn luôn luôn an vui. Chúng ta rất cần sức khỏe của thân và sự tịch tĩnh của tâm!

Các bạn! Trong sự đồng tu mỗi ngày của chúng ta, ngoài vấn đề chia sẻ những góc cạnh nhỏ bé, chi tiết, vụn vặt thường va chạm trong cuộc đời, trong đời sống của chúng ta, chúng ta vẫn luôn luôn chuyên chú vào thiền trí tuệ và từ bi, gắn kết với mạng mạch của Như Lai, đón nhận năng lượng từ Ngài để chúng ta khơi nguồn từ bi thắp sáng đuốc tuệ. Mỗi một ngày trôi qua trong sự đồng tu, là một sự vận hành công phu miên mật để tăng trưởng hạnh đức để tích lũy phước báu chuyển hóa đời sống vô lượng kiếp sai lầm ta đã tạo ra.

Chủ đề hay: “Ai Cũng Chọn Tu Nhẹ Nhàng”, ở trên đời ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, thì dĩ nhiên tu cũng phải chọn pháp môn nhẹ nhàng, con người mà, ai muốn lao lực khổ cực đâu. Từ thuở xa xưa lắm rồi, con người đã tiến bộ từ từ và luôn luôn hướng tới mọi chuyện sinh hoạt trong cuộc đời đều cần phải nhẹ nhàng, đó là nhu cầu tiến lên. Và từ đó, người ta nghiên cứu học hỏi, cải tiến để mọi phương tiện trong cuộc sống tinh hoa hơn, phục vụ đời sống con người nhẹ nhàng hơn. Điều này ai cũng nhìn thấy, thuở xưa lao động thật là cực khổ khi các phương tiện về lao động chưa có, nói đến Việt Nam, hình ảnh đó vẫn còn, dù các bạn thật trẻ vẫn còn nhớ, và đôi khi bây giờ các bạn vẫn nhìn thấy, trên những đồng ruộng mênh mông vô tận ở miền Tây, hoặc những chốn người ta trồng cây nghề nông, vẫn phải dùng đôi bàn tay, vẫn phải còng lưng cấy lúa, vẫn phải đào bới bằng xà beng, cuốc, xẻng, lao động thủ công. Đấy là những cách làm của ông cha ta ngày xưa. Nhưng cứ dần dần khoa học về nông nghiệp, về công nghiệp phát triển, những kỹ sư nghiên cứu làm sao cho sự làm việc của mỗi một người nông dân, công nhân nhẹ nhàng hơn. Họ đã chế tác ra. Thí dụ như trên đồng ruộng người xưa phải cấy bằng tay, một công đất chắc có lẽ là mấy người cấy cả ngày, còng lưng xuống. Bởi vậy ra ruộng, ta nhìn thấy một cây mạ mọc lên, biết bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt, lưng còng của các phụ nữ, của các người mẹ. Và ruộng có được cày cấy là sức mạnh tần tảo, cơ cực của người đàn ông cùng với những con trâu, con bò cày. Nhìn từng hạt thóc hạt lúa và khi chúng ta ăn, ta quán chiếu kỹ, ta thấy công sức vô cùng cơ cực mới có được hạt thóc, hạt gạo để nấu thành hạt cơm cho ta ăn. Nhưng rồi ngày nay đã có máy cày, gặt lúa cũng có máy gặt, tưới thậm chí còn có máy phun hoặc còn có máy bay phun thuốc, gặt.

Ngay ở chỗ chùa này đây thôi, các bạn nhìn thì thấy ngôi chùa trong đây, nhưng chắc chắn các bạn đã nhìn thấy khung cảnh ở bên ngoài của chùa Tổ đình Xá Lợi rồi. Ruộng đồng bên cạnh, người ta trồng mỗi một năm và trồng ba mùa, có khi là mùa bắp, mùa đậu nành hoặc là mùa lúa mạch. Người ta không còng lưng như thời xưa. Mà Việt Nam bây giờ cũng vậy, người ta dùng xe máy cày bự chạy qua một cái là vừa cày, vừa gieo trồng, và đến mùa gặt hái, người ta cũng chạy xe qua một cái là vừa cắt, vừa gặt, vừa hái, vừa đóng khung và vừa cho vô thùng. Công nghệ cao, con người bớt cơ cực. Ngày xưa đi bộ, ngày nay đi xe, ngày xưa đi xe hơi, tàu thủy, tàu xe lửa, ngày nay đi máy bay. Phương tiện càng ngày càng hay. Cái phone hồi xưa to bằng cả cái cánh tay, nay càng nhỏ, càng gọn, càng mỏng, nhưng sự ứng dụng càng nhiều hơn. Cái gì cũng nhỏ, cũng gọn, cũng nhẹ. Nhu cầu tiến bộ của con người, tất cả mọi thể loại công nghệ mới phát triển nhờ những nhà khoa học, từ công nghệ về y học mổ xẻ ngày nay cũng đã mổ xẻ đến mức mà không cần phải xẻ mổ, mổ xẻ mà không cần xẻ mổ bởi vì dùng những tia laser ánh sáng, rồi dùng những con robot đưa thẳng vào trong những tĩnh mạch, động mạch để mổ ở bên trong, không cần dùng dao mổ nữa. Thật là hay! Thật là hay! Và nếu như phương tiện như vậy, các bạn có muốn bỏ hết để trở lại cái phương tiện thô sơ ngày xưa hay không? Ta đã có xe ủi, ta đã có xe thồ, ta đã có xe chở container,… các thứ rồi, đâu còn ì à ì ạch dùng cái xe cút kít hay xe đạp mà thồ để vượt Trường Sơn, mang gánh nặng quốc gia đặt vào tay của người dân nữa. Hết rồi!

“Ai cũng chọn tu nhẹ nhàng” là đúng! Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng là đúng chân lý! Có nhiều người xưa kia nghe có một bài hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ để dành phần cho ai?”. Dĩ nhiên ở trên đời này không ai để dành gian khổ cho ai hết. Và ai ai nếu lựa chọn thì cũng phải lựa chọn sự nhẹ nhàng. Ta gian khổ là bởi vì ta không đủ phương tiện. Di dời một tảng gạch thật là lớn, hồi xưa bằng tay chân, bây giờ bằng xe cẩu, máy bay. Di sơn dời hải còn được, khoét tường khoét núi còn được. Ta thấy hồi xưa cơ cực vô cùng, làm con đường từ Nam ra Bắc quốc lộ số 01 đi qua dãy Hải Vân, hẹp, một bên là núi, một bên là vực thẳm, con đường hẹp quanh co vờn quanh núi, thật nhiều tai nạn xảy ra, nhưng thời gian gần đây, chúng ta đã nhờ các kỹ sư nổi tiếng của Nhật xuyên núi băng rừng tạo thành con đường ngắn gọn, rộng, bớt nguy hiểm, nhanh hơn thật nhiều. Mở rộng con đường, mở rộng giao lộ về giao thông, an toàn, ngắn gọn, thì con đường tu của chúng ta cũng cần phải mở rộng cái giao lộ đi tới sự thành tựu an toàn, gọn gàng, nhẹ nhàng, không còn cơ cực nữa. Cứ từ từ chúng ta suy nghĩ coi có đúng hay không! Nhìn vào phương tiện đời sống ta thấy đúng, nhưng nhớ rằng, những phương tiện đó đúng với từng thời nhưng sẽ thay đổi khác biệt khi khác thời bởi con người có nhu cầu vươn tới tương lai và thành tựu được nền khoa học kỹ thuật để trợ lực cho đời sống con người bớt cơ cực, hay nói đúng hơn là được nhẹ nhàng sống!

Trở về lịch sử thời xưa Đức Phật, Ngài cũng nhìn thấy cả một cái guồng máy xã hội vận hành theo cái hệ thống sắp đặt, cài đặt, kềm cặp con người không thể vươn lên theo giai cấp. Giai cấp nào sinh ra ở đâu, ở giai cấp đó trọn đời trọn kiếp. Họ hình thành cái giai cấp thống trị trong xã hội để những con người rất bình thường không thể vươn lên và chẳng bao giờ có cơ hội, bởi những giai cấp ở trên luôn triệt tiêu những con đường đưa giai cấp ở dưới thấp đi lên. Cài đặt như vậy để thống trị, cài đặt như vậy để hưởng phước trọn đời cho gia tộc dòng máu của họ, nhưng lại đè ép những giai cấp khác cho tới chết. Không hẳn trong xã hội, từ sự tổ chức giai cấp trong xã hội đến tôn giáo tâm linh, người ta cũng cài đặt vào đó cả một hệ thống y như trong xã hội có giai cấp. Giai cấp của ông trời, giai cấp của địa ngục, giai cấp của ma quỷ, giai cấp mà khi con người bị xuống địa ngục rồi là đời đời kiếp kiếp không thể thoát được. Giai cấp là quyền lực của ông trời ban phước, tạo may mắn, tạo dựng, trừng phạt, để rồi những người thuộc giai cấp loài người như chúng ta sợ hãi lắm, phải đặt mình dưới cái hệ thống và dìu dắt xỏ mũi của những giai cấp tâm linh được cài đặt do ai đó chế tạo ra, chúng ta cứ âm thầm phục tùng. Để như con chuột đó các bạn, các bạn có để ý hồi xưa Bảo Thành còn nhỏ thấy ở Việt Nam và bên Mỹ cũng có, họ nuôi con chuột loại chuột nhỏ ở trong cái lồng và trong cái lồng đó có một cái bánh xe, con chuột nó chạy vào và nó cứ tìm cách nó chạy. Nhưng nó chạy tới đâu thì bánh xe quay, nó chạy càng nhanh bánh xe càng quay, đến khi chóng mặt nó rớt té đùng ra ngoài. Nhưng khi nó tỉnh lại, nó khỏe, nó lại nhào vô, bởi vì nó muốn tiến lên nhưng tiến trong cái lồng của vòng tròn quay tít mù.

Chúng ta từ xã hội ngày xưa cho đến ngày nay cũng vậy, trong tâm linh, tôn giáo cũng vậy, người ta đã cài đặt những giai cấp để cho người bình thường như Bảo Thành và các bạn như con chuột nhốt trong lồng cứ chạy, cứ chạy để tiến lên cao, nhưng rồi lại đi xuống vòng vòng cho đến chóng mặt. Đó là những sự nặng nề của cuộc đời trong tâm linh và xã hội. Đức Phật đã nhìn thấy cái khổ đó như cái ách đè lên cổ của con trâu, quanh năm suốt tháng chỉ cày. Ngài muốn giải thoát cái ách khổ đó cho chúng sanh, phá vỡ quy luật của giai cấp trong xã hội đã cài đặt, phá vỡ quy luật giai cấp trong tôn giáo và Ngài đã khai sáng một định luật ở trong thiên nhiên khi Ngài tu chứng đắc nhìn thấy nó vận hành chung cho tất cả mọi người không lệ thuộc vào một giai cấp nào để chúng ta giải thoát, thoát khỏi vòng tròn luân hồi như con chuột chạy vòng vòng để được tự tại an vui. Và Ngài đã tìm ra pháp môn tu trong chính cái tánh trí bình đẳng của muôn loài nhưng rất nhẹ nhàng êm ái và tự tại, chẳng khổ cực như hồi xưa.

Trước thời Đức Phật, con người lần mò bởi không thấy, nên sự tu thật là khổ. Có câu gọi là “xả thân cầu đạo”, tu là phải xả thân, từ bỏ thân xác, từ bỏ tất cả để cầu đạo. Cho nên câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” luôn luôn đi kèm với tư tưởng học đạo thật là khó, phải xả bỏ tất cả mới cầu đạo được. Đó là cách nhìn của ngày xưa, cách nhìn xưa lắm rồi, cách nhìn đó không còn đúng khi Đức Phật đã chứng đắc, cách nhìn đó không còn đúng khi chúng ta hiểu thấu được chân lý của Phật. Đời cha hy sinh, đời mẹ hy sinh để con cái có một đời sống nhẹ nhàng là có thật. Nhìn vào đời sống của cha mẹ chúng ta thuộc thế hệ trước, gần với chúng ta, nhiều đứa con như chúng ta còn nhớ cha mẹ của chúng ta cơ cực biết dường nào. Nhưng đấng bậc sinh thành của chúng ta dù cơ cực tới đâu cũng hạnh phúc, bởi mong rằng sự hy sinh của mình đó, lao lực đó, có thể tạo một cái tiền đề, một nền tảng vững chắc cho con cái có đầy đủ kiến thức, sự giáo dục học hành và trưởng thành thành nhân thành tài, đời sống của các con sẽ nhẹ nhàng trong tương lai.

Tất cả những người cha, người mẹ trên thế gian này, luôn luôn tận tụy hy sinh hết để cho đời con cháu được nhẹ nhàng. Và dĩ nhiên sự hy sinh của các ngài đó, sẽ làm cho các ngài không bao giờ mệt, bởi sự hy sinh đó có ý nghĩa. Nếu các bạn đã là cha, là mẹ, là ông bà rồi các bạn vẫn còn nhớ, biết bao nhiêu năm tháng khổ cực trong cuộc đời tần tảo làm việc, mệt. Mệt đến mức đứng không vững, chờ đến giờ hết việc để đi về. Về đến nhà chỉ cần có con hoặc có cháu nó cười tươi nó gọi: “Dạ thưa ông, thưa bà, thưa mẹ hoặc cha đã về rồi! Con đây!”, chỉ một tiếng nhẹ nhàng như vậy thôi, cái năng lượng tình yêu của người con giao thoa với cha mẹ thì biết bao nhiêu lao lực trong cuộc sống tan biến. Điều đó là con người, ta đều có sự trải nghiệm cảm nhận đó. Bảo Thành tuy không có gia đình nhưng vẫn trải nghiệm được sự nhẹ nhàng như vậy trong những năm tháng cơ cực của cuộc đời khi xây dựng Tổ đình chùa Xá Lợi nơi đây hoang vắng chẳng có gì, nếu các bạn ở Việt Nam, các bạn không thể tưởng tượng rằng ở Mỹ lại có một nơi như vậy.

Cách đây 20 năm, chỗ này hoang sơ không có gì đâu, trống trơn như ở miền quê Việt Nam mình, tại chỗ này là chỗ quê của Mỹ mà, nơi nông thôn, chỗ đang ngồi đây gọi là chánh điện, xưa là chuồng bò. Bảo Thành tới đây lúc đó còn trẻ, đi theo câu gọi là “xả thân để cầu đạo” là xả bỏ hết. Bởi vì sao? Bởi vì lúc đó Bảo Thành khi qua Mỹ, nghĩ đến tương lai học vấn, chuyên chú vào sự học, đi làm đủ mọi thứ hết nhưng không thấy mệt, mục đích là học để cho cha mẹ không buồn lòng. Cho nên qua bên đây trơ trọi một mình, Bảo Thành làm đủ mọi công việc từ lao công, lau chùi chén dĩa trong trại dưỡng lão cho tới phụ hồ, phụ làm nhà, cho tới làm tạp dịch, dịch vụ trong các nhà hàng, các tiệm buôn bán nhỏ. Còn đi bỏ báo, đủ mọi thứ hết, nhưng không có khổ. Cực dữ lắm, dậy từ 03:00 giờ sáng để đi làm rồi, quần quật cả ngày tới giờ đi học. Một ngày vừa làm vừa học cho đến 16 tiếng một ngày nhưng không biết mệt bởi thấy được mục đích của mình. Nhưng đến thời sinh viên bất chợt nghĩ mình thừa hưởng ân đức của Tổ Thầy học trên con đường đạo nhớ câu “xả thân cầu đạo”, nay lại mang cái thân này phục vụ cho những cảm xúc kia, những ước muốn kia, làm sao mà thành đạo được. Trai trẻ tinh thần quật cường, bỏ hết, xả hết thân này, bỏ hết công việc, đi về chốn đây nơi cái chuồng bò, 10 năm nơi chốn hoang vu, mang cái gan của tuổi trẻ bạt núi bạt sơn bạt rừng tức là di sơn dời hải, tưởng chừng như ta mạnh như ông trời không sợ gì hết, thi gan với trời đất, cùng với mưa tuyết trong năm tháng ròng rã 20 năm trời.

Với tinh thần xả thân cầu đạo, tưởng rằng sẽ không bao giờ làm việc nữa, nhưng để thiết lập một ngôi chùa, ta bỏ việc đời, ta làm việc đạo, cũng lại lao mình vào làm việc. Nhưng mục đích làm việc hồi xưa là để tiến thân trên con đường công danh sự nghiệp, mục đích làm việc bây giờ cũng nhiều, nhưng là để kiến lập sự an lạc không những cho mình mà cho những Phật tử có thiện duyên tới gặp mình trong cuộc đời. Và biết bao nhiêu công việc Bảo Thành làm, khi nhìn thấy Phật tử vui sướng, khi nhìn thấy Phật tử được tháo gỡ những rắc rối trong cuộc đời, được chuyển hóa những phiền ưu, những phiền não để có được niềm vui và nụ cười, Bảo Thành thấy nhẹ nhàng, an vui vô cùng. Mình sẵn sàng làm tất cả miễn là những ai có nhân duyên tới với cuộc đời của mình, tới với ngôi chùa này, họ được nhẹ nhàng gánh lo âu. Điều đó luôn luôn đúng với trách nhiệm của người xuất gia, và trách nhiệm của cha mẹ tại gia cũng như trách nhiệm của các Phật tử tại gia, đều phải có mục đích cao cả làm việc, nên dấn thân không có mệt.

Điều đặc biệt mỗi một ngày qua, chúng ta có nhiều phương tiện để làm việc một cách nhẹ nhàng hơn đó là đúng. Đức Phật là bậc giác ngộ, Ngài có phải chăng là một nhà kỹ sư, một nhà khoa học, một bậc thông thái? Đúng, Ngài là như vậy đấy! Ngài không muốn chúng ta, bởi Ngài là cha không muốn các con cực khổ, Ngài đã đi trước, tần tảo đi chân đất, mặc áo bằng vải liệm xác chết để khai sáng một phương tiện, một công cụ, một con đường, một pháp tu thật nhẹ nhàng cho chúng sanh là các con cháu đời sau của nhân loại có thể thực hành mà chứng đắc. Điều đó có không? Có! “Xả thân cầu đạo” ở đây không phải là xả bỏ tất cả thân xác này mà là xả cái thân uế trược, xả cái thân nghiệp chướng để thể nhập vào pháp thân của Như Lai. Xả thân nghiệp chướng nhưng nhận lấy thân của Như Lai. Các bạn thấy không? Cho nên xả thân ô uế nghiệp chướng, cái thân của ngũ dục, cái thân của bệnh hoạn khổ đau, của phiền não để thể nhập vào cái pháp thân, cái thân của bậc giác ngộ, cái thân của sự an lạc, cái thân đó thật là nhẹ nhàng. Nếu có sự lựa chọn, ai không muốn? Ở đời ai không muốn chọn việc nhẹ nhàng, những cái gì đẹp đẽ hơn? Phật đã tìm ra cái pháp thân Như Lai hiện hữu trong cuộc đời, giữa cái pháp thân Như Lai ấy, luôn tỏa sáng ấy, nhưng ta mờ không nhìn, ta mù không thấy, để cứ vơ tay nắm bắt cái thân xác uế trược của nghiệp chướng, chui vào cái lồng luân hồi như con chuột chạy hoài từ ngày này qua ngày kia.

Chúng ta nhớ, cái gì hồi xưa đó, ông bà mình không có quăng bỏ đâu, luôn luôn sửa chữa. Vì sao? Các ngài thật khéo, cái cuốc nó hư các ngài cũng sửa, cái cày nó hư các ngài cũng sửa, và đúng như vậy, sửa để tái sử dụng trở lại, không bao giờ bỏ, còn thanh niên ngày nay cái gì cũng bỏ. Sửa chứ không bỏ! Xả thân không phải là bỏ thân mà là sửa thân để tìm con đường đạo, sửa cái thân nghiệp chướng để thể nhập vào pháp thân của Như Lai chứ không xả bỏ cái thân này. Bởi vì thân người là gì? Là phương tiện vi diệu. Xả thân là xả những cái gì dính vào pháp thân của Như Lai; đó chính là bụi bặm của phiền não, của ái dục, của tham dục. Xả bỏ cái đó, để lột trần nó ra, tỏa sáng cái pháp thân Như Lai vốn có trong ta. Ta chuyển hóa, ta thay đổi. Không có cái gì có thể làm sạch tất cả bằng nước. Con người đã khám phá ra nước làm sạch tất cả. Và nước từ bi Mu A Mu Sa sẽ làm sạch mọi uế trược, cấu uế nơi thân phàm của chúng ta để hiển lộ pháp thân Như Lai tịch tĩnh và an vui vốn luôn thường hằng trong cuộc đời này!

Nhiều người hỏi: “Trong cái thân tứ đại: đất, nước, gió, lửa này là giả thì tìm gì được cái thật trong đó và nếu tìm được cái thật trong cái giả có xài được hay không?”. “Chân giả vô vi chi đạo”, nhìn trong cái giả để thấy được cái thật, nhìn trong cái giả để hiển lộ được cái thật, chân thật song hành như âm dương bổ túc cho nhau. Trong lý nhân duyên, có thật thì phải có giả, nhìn vào giả để thấy thật, nhìn vào thật để thấy rõ cái giả. Có những cái giả nhưng giả khi nó tan biến, còn khi nó còn hiện hữu như là một pháp phương tiện, nó vẫn là thật pháp phương tiện. Ta ứng dụng pháp phương tiện để hiểu được pháp thường hằng bất biến trong tâm tánh biết của ta!

Các bạn! Đức Phật đã tìm ra phương pháp tu thật là nhẹ nhàng, và pháp tu của nhà Phật nhẹ nhàng bởi vì khi chúng ta ứng dụng theo lời hướng dẫn của Ngài, ta sẽ được thong dong tự tại, ta xả bỏ được cái thân nghiệp chướng uế trược bởi thể nhập vào pháp thân của Như Lai, tự tánh của Như Lai. Nhẹ nhàng vô cùng! Pháp tu ngày nay thật nhẹ bởi đã có đấng tìm ra phương pháp, phương tiện tuyệt kỹ cho chúng ta sử dụng nhẹ nhàng mà thành tựu thật dễ đó chính là Đức Phật. Nhất định bạn sẽ không bao giờ bỏ xe máy cày đi cuốc bằng tay chân nữa, bởi máy cày là phương tiện giúp đỡ chúng ta. Và phương tiện chánh niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán là một phương tiện tuyệt vời, Đức Phật đã nhận diện được, ứng dụng phương tiện này vào trong sự tu thật là nhẹ nhàng! Tu thật là dễ! Bởi ở đâu có nước từ bi, có ân điển từ bi, có năng lượng từ bi, ở đó sẽ có sự nhẹ nhàng, ở đâu có tình yêu thương, sự cơ cực tan biến. Về nhà, mái ấm gia đình giữa vợ, giữa chồng, giữa con cái ăn một bữa tối trong tinh thần yêu thương thì muôn sự cơ cực trong ngày tan biến hết. Và chúng ta ngồi lại với cái tâm chân thật đón nhận năng lượng từ bi của Phật thì thật là nhẹ nhàng! Đây là một pháp tu nhẹ nhàng nhất! Không có một pháp tu nào có thể đưa chúng ta đến sự chứng ngộ sự nhẹ nhàng an vui trong cuộc sống bằng pháp tu quán chiếu từ bi và trí tuệ!

Ta luôn tụng rằng:

“Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Âm Bồ Tát.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Trung Thiên Giáo Chủ Bổn Sư.”

Tất cả các chư Phật và Bồ Tát luôn luôn đi ở trước hai chữ “đại từ đại bi”. Và trước hai chữ “đại từ đại bi” ấy, chữ “nam mô” là quy về tánh giác tức là trí tuệ. Các Ngài là hiện thân của trí tuệ và từ bi. Và nương vào từ bi – trí tuệ mà các Ngài thành tựu được pháp an lạc. Chúng ta cũng như thế, đi theo con đường của Phật dạy để phá vỡ hệ thống giai cấp trong xã hội cài đặt rằng chúng ta là những con người lao động bình thường không thể tu, để phá vỡ hệ thống giai cấp ở trong luật tâm linh tôn giáo ta đang theo rằng những người tại gia chẳng thể chứng đắc, chỉ có những người xuất gia thôi. Ta phải phá vỡ được điều đó, bởi Phật đã thọ ký cho chúng ta tức là mật truyền cho chúng ta, giao truyền cho chúng ta, thọ truyền cho chúng ta một pháp môn rằng tất cả đều bình đẳng, không phải lệ thuộc dưới mọi hình thức giai cấp của xã hội hay giai cấp của tâm linh. Cho nên khi Phật giác ngộ, Phật đều thấy mọi chúng sanh sẽ là Phật; đó là một sự tuyên ngôn bình đẳng tánh trí Phật. Câu đó thôi đã phá vỡ mọi hệ thống ràng buộc của xã hội và tôn giáo thời bấy giờ và mãi mãi! Thể nhập vào con đường trí tuệ và từ bi là chúng ta phá vỡ mọi hệ thống cài đặt của xã hội và tôn giáo để đưa chúng ta tới sự thể nhập vào tánh trí bình đẳng pháp thân của Như Lai. Cái phương thức này thật là nhẹ nhàng! Thật là nhẹ nhàng!

Chúng ta ở đời nói: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ để dành cho ai?”. Gian khổ là bởi vì ta không biết cách, nhẹ nhàng là bởi vì ta biết phương pháp! Phật đã trải nghiệm, đi qua, thành tựu và Ngài đã quy nạp được một phương thức thật đơn giản để cho hậu thế mai sau có thể đi theo con đường đó một cách thật nhẹ nhàng, một pháp tu thật nhẹ nhàng và sự chứng đắc là cũng được nhẹ nhàng tâm của chúng ta. Nếu các bạn tu mà thấy nặng ở trong lòng, nếu các bạn tu mà thấy không thoát được những cảm xúc đau khổ và phiền não, nếu các bạn tu pháp môn tuyệt kỹ mà thấy cái sân giận, tham, si hằng ngày, thì đó chẳng phải. Các bạn tu đúng theo chánh niệm từ bi – trí tuệ, các bạn sẽ thấy tâm nhẹ nhàng, thong dong và tự tại. Bởi tu là tháo gỡ, tu là ứng dụng phương tiện diệu dụng một cách thật nhẹ nhàng, tinh tế, thiện xảo nhưng mang lại kết quả thật cao. Bậc giác ngộ, bậc trí tuệ như Phật mà, không thể để cho chúng ta phải còng lưng tu tập cái gì đó gọi là “xả thân cầu đạo” nữa, mà là chuyển cái thân nghiệp chướng thành đạo. Chuyển thân nghiệp chướng thành đạo! Chuyển được! Chuyển được!

Sự cài đặt trong các tôn giáo ngày xưa và trong các hệ thống rằng nếu chúng ta bị đọa xuống địa ngục là đời đời kiếp kiếp không thể thoát ra, nhưng Phật đã thấy đó là điểm thấp nhất thôi, nhưng nếu chúng ta vươn lên, chúng ta vẫn có cơ hội thoát ra, chẳng phải lệ thuộc vào tay ông trời, thượng đế hoặc một đấng nào ban bố, tháo gỡ sự ràng buộc trong tâm của chúng ta về tôn giáo, để giúp cho chúng ta chuyển hóa tự thân vươn lên mà thành tựu. Còn không, nếu mà trừng phạt rồi là thôi hết rồi, thôi đời rồi, xong rồi, và ta cứ bị những tư tưởng như vậy tự kỷ ám thị và suốt cuộc đời như một kẻ ăn mày van xin đời sống tâm linh để những đấng ở trên cao đó tỏ tình thương và ta cứ quỵ lụy như một lão già ăn mày đây đó suốt kiếp này tới kiếp qua mà chẳng bao giờ thoát khỏi kiếp ăn mày, ăn xin ấy!

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm nói về viên hồng ngọc. Có một người bạn khổ cực vô cùng, trong một lúc say, gặp một người bạn xưa đã nhét một viên hồng ngọc vào cạp quần. Trải qua một thời gian trở về lại cái xóm đó, người bạn thấy người bạn của mình vẫn nghèo khổ và nói rằng: “Bạn ơi, sao bạn lại sống cơ cực như thế? Dạ minh châu ta nhét vào cạp quần năm xưa, sao không lấy ra xài?”. Và khi người bạn nghe vậy, sờ vào cạp quần thấy viên dạ minh châu mới ngỡ ra rằng: “Trời ơi! Vậy mà ta không biết, ngay đây ta có mà không biết. Cả cuộc đời cứ cơ cực mãi cho đến khi bạn nhắc lại lần thứ hai mở ra thì thấy nhẹ nhàng!”.

Đức Phật là người bạn kia đã đi vào cuộc đời của chúng ta! Ngài thấy chúng ta là những người say trong ngũ dục, Ngài thấy chúng ta là những người say ở trong thân xác nghiệp chướng này, trong tham dục, tham ái, Ngài thấy mỗi một ngày chúng ta cứ uống vào những thể loại độc dược để giết chết mình đó là tham – sân – si, Ngài thương quá và Ngài nhét vào trong tâm của chúng ta viên dạ minh châu của trí tuệ. Nhưng chúng ta cứ quen thói cũ gọi là “ngựa quen đường cũ”, chẳng thấy đường mà đi, cứ lần mò theo dấu vết xưa, cho tới khi ngày hôm nay, cho tới khi các bạn có đủ thiện duyên nghe lại khi Đức Phật trở về với chúng ta, nhắc nhở cho chúng ta rằng: “Trí tuệ dạ minh châu đã được trao tặng rồi, sao cứ lần mò trong luân hồi đau khổ?”, chạm vào trong chánh niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, ta mới thấy thật là uổng cho bao nhiêu ngày tháng qua cứ lần mò trong tăm tối, nay thể nhập vào chánh niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán ta thấy thật là nhẹ nhàng!

Các bạn! Phật đã trở lại với chúng ta, Phật đã ghé thăm chúng ta trở lại, Phật đã thấy chúng ta say trong ngũ dục, tham dục, tham ái, đã uống độc dược tham – sân – si tự giết hại cuộc đời của mình, đã nhét vào trong tâm trí tuệ viên mãn và năng lượng từ bi, ta quên, ta vẫn khổ, chẳng nhẹ nhàng! Nay Phật lại trở lại nhắc nhở cho chúng ta điều đó, nếu chạm vào trong chánh niệm từ bi và trí tuệ là chạm vào dạ minh châu, năng lượng viên mãn tự giải thoát. Hãy chạm vào đi, hãy chạm vào trong chánh niệm, hãy chạm vào trí tuệ và từ bi vốn đã có, Phật đã trao tặng cho chúng ta qua pháp môn tu Thiền Mật Song Tu!

Các bạn! Những ngày tháng cuối, rất cần chúng ta trở lại với sự chân thật và thành kính, sự khiêm tốn sờ lại tâm của mình, trong cái tâm đã có dạ minh châu Phật cài đặt vào đó. Như người nghèo khổ kia đã được người bạn nhét vào cạp quần viên dạ minh châu lúc say, khi ta say trong tham – sân – si, khi ta say trong ngũ dục, tham ái, Phật đã tới trong cuộc đời khi say đó, tặng ta dạ minh châu trí tuệ và từ bi, nên đời sống nhân sinh trong kiếp này được nhẹ nhàng. Nếu các bạn muốn chọn sự tu nhẹ nhàng, hãy trở về sờ vào viên dạ minh châu trí tuệ và từ bi trong chánh niệm hơi thở của Thiền Mật Song Tu, các bạn sẽ thấy một pháp tu thật nhẹ nhàng, phù hợp với mọi hoàn cảnh sống của người tại gia chúng ta! Hãy ứng dụng ngay, để những ngày tháng cuối của năm này ta được nhẹ nhàng cung tiến tự thân đi vào ngưỡng cửa của sự an lạc trong năm mới đang chờ đón!

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Ngài đã tìm thấy một phương tiện vi diệu để sự tu của chúng con được nhẹ nhàng. Ngài đã dạy trạch pháp là chọn lựa một pháp môn phù hợp nhẹ nhàng để tu nhưng đưa đến sự hiệu quả an nhiên và tự tại viên mãn. Nguyện xin mỗi một để tử chúng con biết Chánh Tư Duy, thắp sáng đuốc Tuệ, khơi nguồn Từ Bi, thể nhập Chánh Niệm để thấy được dạ minh châu Phật đã trao tặng cho chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts