Search

Bài 2198. Một Khối Trần Duyên | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Uyên đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Xin mời mọi người chúng ta cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chuẩn bị đồng tu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở quán chiếu thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Đồng nguyện cho quê hương Việt Nam và thế giới mau thoát khỏi đại dịch, cho hàng Phật tử chúng con tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Chúng con cũng nguyện siêu cho chư vị hương linh luôn theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Nguyện xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!

Chúng ta hãy thành tâm đón nhận năng lượng Từ Bi và thắp sáng Trí Tuệ của mình. Cuộc đời kiếp người này là lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy Từ Bi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(15:17) Mô Phật! Các bạn! Chúng ta ở trên căn nhà tâm linh của YouTube và Facebook, hai phương tiện đó đưa Bảo Thành gặp gỡ các bạn đồng tu. Có nhiều bạn Bảo Thành đã gặp mặt nhưng vẫn có nhiều bạn chúng ta chưa gặp nhau ở ngoài đời, nhưng đã gặp nhau ở trên hai trang này rồi. Sự gặp gỡ phát tâm hoan hỷ tới với nhau bằng tinh thần tôn trọng, thông cảm, hòa mình vào với dòng pháp của chư Phật, đồng ngồi xuống và chúng ta tu với nhau. Mỗi một ngày chúng ta tu như vậy và tình thân của đồng đạo càng khắng khít hơn bởi hiểu được chân lý Đức Phật dạy qua sự chia sẻ bằng văn tự đời thường của các Phật tử tại gia. Ở đây gọi là chữ “duyên”, nhưng là pháp duyên đồng hành trên con đường tu. Pháp duyên đồng hành trên con đường tu, có duyên mới gặp được nhau, còn không có duyên suốt cuộc đời có cố tìm cũng không bao giờ gặp nhau đâu.

Chủ đề “Một Khối Trần Duyên”, chữ “duyên” của cuộc trần hay chữ “duyên” trong đạo đều là một điều gì rất linh thiêng đặc biệt. Nếu chúng ta quán chiếu thấy rõ thì chữ “duyên” kia là điều kỳ diệu trong Phật giáo. Nhìn trên thế giới này, một khối trần duyên có sự tương quan mật thiết giữa con người với con người trong gia đình, sinh ra trong gia đình, ta có ông bà, có cha mẹ, có anh chị hoặc các em, chỉ nhìn trong gia đình thôi ta đã thấy một khối trần duyên gắn bó trong tình thương. Cái duyên của gia đình làm ông bà, làm cha mẹ, cái duyên làm con cái, anh chị em đó, cháu chắt, dòng họ đấy không phải lúc nào cũng được trải thảm đỏ để đón mời nhau trong sự vui vẻ, có những lúc gập ghềnh chông gai sỏi đá, tình cảm có những lúc có sứt mẻ, có va chạm nhưng rồi cũng vì nhân duyên của người thân, ta sẵn sàng tha thứ và bỏ qua. Và vòng tay của mỗi người vẫn rộng đủ để ôm, để che chở, để đùm bọc, để dắt dìu, dù là trần nhưng duyên vẫn đẹp bởi ít nhiều gì đã là con người, ai trong chúng ta cũng có sự suy nghĩ, gạn lọc và lựa chọn làm sao đó cho cái duyên trần của chúng ta kết thành một khối tinh hoa ở giữa cuộc đời tràn đầy những thử thách.

Chúng ta từ xưa đến giờ cứ lẫn lộn chữ “duyên” của cuộc trần: duyên cha, duyên mẹ, duyên vợ, duyên chồng, duyên huynh đệ, anh em, duyên bạn bè, chòm xóm, duyên các bạn đồng tu, duyên người cùng ngõ, duyên kẻ cùng khổ,… ta cứ lẫn lộn, bởi rằng chữ “duyên” đó được nói hình như lẫn vào chữ “ái”, nhiễm ái tạo khổ. Và trong chữ “ái” thêm chữ “dục” là đắm chìm trong ái dục, khổ. Câu hỏi: Duyên cha, duyên mẹ, duyên vợ chồng, người thân đó có phải chăng là cái khổ hay chỉ là một khối nợ của cuộc đời tạo cho chúng ta phiền não khổ đau?

Đức Phật – người đã từ bỏ cha mẹ nhưng chẳng từ bỏ. Ngài chỉ xa lìa dòng tộc, quyền lực, vàng bạc châu báu, muôn sự ở đời để đi tìm, tìm cái chân lý làm sao hiểu thấu chữ “duyên” của con người với con người, để có thể tăng triển nhân duyên đó, thoát ra khỏi cái khổ của lão, bệnh và tử. Dưới cội bồ đề Ngài đã hiểu và thông được lý nhân duyên. Nhân duyên ở trong đời, lý nhân duyên đó, đó là nói với cuộc trần, nói với đạo gọi là lý duyên khởi. Tóm gọn trong lý duyên khởi đối với Phật tử tại gia của chúng ta nó như vầy: “Có cái này thì sẽ có cái kia!”, đơn giản lắm nhưng mà không phải như chúng ta đang giỡn đâu! Có cái này thì có cái kia là một chân lý tối hậu, nếu chúng ta có thể suy nghĩ cho thật kỹ mới thấy nó thật là siêu mầu. Ứng dụng được có cái này thì có cái kia, ta sẽ hạnh phúc thôi. Và chúng ta sẽ tri ân cả một khối trần duyên trong cuộc đời khi chúng ta có ông bà, có cha mẹ, có vợ, có chồng, có người thân. Có cái này thì có cái kia!

Như chúng ta thường nói có vợ chắc chắn là phải có chồng, đã gọi chữ “vợ” là phải có chồng, có cha chắc chắn phải có mẹ. Đơn giản! Nhưng phải đi vào chiều sâu lý duyên khởi có cái này có cái kia, chúng ta mới lìa xa được cái khổ bằng cách làm sao để cái kia có mà làm cho cái này được vui! Vợ có cãi, chồng mới chửi mắng, chồng có lộn xộn, vợ mới cằn nhằn, chúng ta thấy, con không ngoan, cha mẹ mới sầu muộn, biết bao nhiêu những thứ đơn giản như vậy thôi, có thất bại nhất định có tổn thất. Những chuyện như vậy thật là rõ trong cuộc đời, có cái này thì có cái kia, chẳng phải rằng ta cứ đổ thừa: “Có ông nên chuyện này mới xảy ra!”, “Có bạn nên chuyện này mới rắc rối!”. Cộng thêm một câu thật là hay mà Bảo Thành chiêm nghiệm thấy nó đơn giản nhưng tuyệt vời: “Có cái này thì có cái kia, cái này diệt thì cái kia cũng diệt!”. Tức là muôn sự ở đời, ta gọi là muôn hiện tượng ở đời từ vật chất, không gian, vũ trụ học cho tới tình cảm của con người, cảm xúc của con người đều nương nhau mà khởi dậy và cũng nương nhau mà triệt tiêu, nó là vô thường, nó tới nó đi, có cái này cái kia tới, cái kia tới rồi đi, thì cái kia cũng sẽ biến mất trong cuộc đời.

Nhìn từ một góc độ đơn giản thôi các bạn, chúng ta đừng có chẻ nó ra, xẻ nó ra quá nhiều những mảnh vụn, tìm bới lộn xộn, chỉ nghĩ đơn giản: “Nếu có cái này thì có cái kia!”! Tại sao trong những cuộc lộn xộn của gia đình, của cha mẹ với con cái, của vợ với chồng, của người thân, của bạn đồng đạo, đồng tu, của người ở đời cùng công sở, cùng hãng xưởng, cùng văn phòng, cùng thôn cùng xóm cãi cọ nhau, tranh đấu nhau hoặc là luôn luôn xỉa xói, tìm cách hạ bệ nhau, sống không hòa đồng,…? Nếu có những cái như vậy, thì dĩ nhiên phải có cái kia, cái kia tức là sự chống đối, sự chống kình, vậy Đức Phật dạy có cái này có cái kia tức là nếu có đau khổ phiền não dĩ nhiên phải có hạnh phúc và an lạc, cái nghệ thuật là chúng ta có nhìn thấy ở bên kia có hạnh phúc và an lạc, và chuyện gì ta có thể tác động vào để khơi nguồn cho hạnh phúc và an lạc hay không? Hay chúng ta lại đổ dầu vào lửa, viện vào câu có cái này có cái kia, có lửa đổ dầu cho nó cháy luôn? Mà thực sự ở trên đời nhiều khi có những cá tính nó ngược ngạo, nếu vợ chồng một trong hai người giận rồi, ông chồng hoặc bà vợ nhiều khi còn đổ dầu, mua loại xăng tốt đổ vào cho nó mau cháy, thế là nhà cửa tiêu tan. Biết bao nhiêu khối trần duyên trong cuộc đời không bền vững chính là bởi vì lửa đang cháy mà đổ thêm dầu, chứ ai dừng lại một bước, lùi lại một bước nhìn trời cao đất rộng, hiểu được chân lý của Phật, có nguyên nhân tạo lửa cháy thì cũng có nguyên nhân tạo cho lửa tắt?! Đây là một trạng thái cần phải tư duy để chúng ta thêm bớt, như người mẹ biết nấu ăn trong nhà bếp, biết nêm nếm những hương vị để cho món ăn được nấu ra, nó đầy đủ hương vị ngon, để cả nhà ăn khoái khẩu, thích thú mà trở thành dưỡng chất nuôi thân, đó là cái tài khéo léo của người mẹ biết nấu ăn. Chúng ta nếu theo lời Phật dạy, sẽ trở thành một người nấu cái hương vị của cuộc sống một cách trọn hảo, bởi biết gia giảm phù hợp, để cái này khởi lên nếu theo chiều hướng bất tịnh, xấu, không tốt, ta biết nêm nếm những hương vị trong sự đối tác với con người đó trong cuộc đời, nhất định hương vị của cuộc sống sẽ tỏa thơm mọi nơi mà thôi. Chúng ta đã làm được điều đó, nhưng chúng ta không chú tâm thôi!

Nhớ thuở nhỏ khi còn bé, mỗi khi ra ngoài đường hoặc đi học, chúng ta làm những chuyện sai hoặc bị bạn bè làm cho bực mình, khó chịu, buồn, tủi, nhỏ mà, chạy về nhà khóc. Nhiều khi gặp mẹ, ôm chầm lấy mẹ khóc, mẹ làm cái gì đâu, mẹ đâu có xua đuổi, mẹ cũng không chửi, mẹ cũng không tìm bới, mẹ không mắng mỏ. Bảo Thành còn nhớ hồi rất nhỏ, mỗi một lần cảm xúc bực bội, buồn, chạy về ôm mẹ, mẹ cũng ôm. Mà cái động thái đầu tiên mà Bảo Thành còn nhớ, mà Bảo Thành kinh nghiệm thấy rằng tất cả mọi người mẹ đều làm như thế, tức là ôm con vào lòng, xoa cái đảnh đầu nói nhẹ nhàng: “Sao vậy hả con?”. Chỉ một câu “Sao vậy hả con?” thôi và một vòng tay ôm, và một bàn tay thoa lên trên đầu, miệng nhẹ mỉm cười, ánh mắt trìu mến nhìn xuống, thế là đứa con đang buồn đó, cảm thấy nhẹ nhàng, lồng ngực dễ thở và bắt đầu tâm sự cả một khối trần duyên lộn xộn ở ngoài đời khi va chạm với bạn bè hoặc những chuyện rắc rối. Và rồi thế là sao? Nó nhẹ lòng! Tình yêu của mẹ, sự quan tâm, sự thông cảm!

Nếu cái duyên gọi là tình ái trong cuộc đời là xấu, thì chúng ta phải nhìn rõ trong cuộc đời này, có biết bao nhiêu cái gương của ông bà ta đã yêu thương tới 100 năm tuổi, có biết bao nhiêu cái gương của cha mẹ đã sống chung mọi khó khăn, đấu lưng chung cật vượt qua tất cả mọi sự thử thách trong cuộc đời để tồn tại nuôi dưỡng con cái thành nhân, thành người, thành tài. Ta thấy biết bao nhiêu những gia đình vợ chồng, dù có cãi cọ, dù có gặp nhiều chuyện lộn xộn, nhưng cuối cùng một trong hai người vợ hoặc chồng đã biết nêm nếm hương vị của cuộc đời vô, để rồi món ăn tinh thần lộn xộn kia, cuối cùng cũng được hầm lại, hâm lại và có đủ hương vị của vợ chồng sống tiếp. Tình cảm của con người, của bạn bè cũng như thế. Nếu chúng ta biết gia giảm hương vị tương tác trong cuộc sống bằng cái chân lý của Đức Phật dạy có cái này thì có cái kia, cái này diệt cái kia diệt, nếu chúng ta biết diệt đi tất cả những sự chướng, sự ngang trái, sự đố kỵ, sự chấp trược, sự xỉa xói, sự đàn áp, sự mất tôn trọng, thì nhất định những sự lộn xộn, sự va chạm trong tình cảm giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, người thân và muôn người trong xã hội sẽ đẹp thôi.

Chúng ta cứ lấn cấn trong cái duyên là nợ, để rồi đôi khi nói những lời thật là nặng: “Tôi nợ của bà!” hoặc là “Tôi nợ của ông!”, chúng ta hay nói như vậy mỗi khi chẳng biết dừng lại để quán chiếu có sự lộn xộn sẽ có sự bình an nếu khéo. Nhưng chúng ta lại vội đổ thừa! Nhiều khi con cái nó ngỗ nghịch, người ta nói: “Ôi cha, món nợ của cuộc đời!”. Vợ chồng, con cái, cha mẹ, mọi người, khi chuyện giải quyết không được, ta đổ thừa và nói những lời thật là nặng: “Ôi, món nợ của cuộc đời!”, văn hoa là “Một khối trần duyên!”.

Chúng ta – người học Phật, Đức Phật dạy cho chúng ta dùng trí tuệ như ngọn đèn chiếu sáng, dùng tâm từ bi để quán chiếu nhân duyên. Từ bi là tình thương lớn, không có chấp, không có dính mắc, không có phân biệt, không có chướng ngại. Từ bi là tình thương thật lớn và biết san sẻ để làm cho mọi sự khổ đau phiền não của nhau giảm bớt và triệt tiêu. Từ bi chỉ có thể có được và khởi lên ở trong lòng của mỗi người bằng trí tuệ mà thôi, tức là nhìn thấu, nhìn thấu nhân duyên gặp gỡ nhau trong cuộc đời chẳng phải là một món nợ truyền kiếp nhiều đời, mà là nhân duyên để có thể gặp nhau chia sẻ, đồng hành, vượt khó để thành tựu. Nếu ta có cái nhìn cục bộ như người đời thường nói: “Cha mẹ, vợ chồng, con cái là nợ và nợ”, tại sao ta không xả, tức là chúng ta không xóa chữ “nợ” đó được? Nếu là nợ thì có thể xóa được mà?!

Ở trên đời này có biết bao nhiêu khối nợ chồng nợ chất, người ta vẫn trả nợ và xóa được. Ta biết nợ thì ta trả, để xóa nợ, để hết nợ. Nhưng không! Ta cứ dùng chữ “nợ” đó như là nợ đời, nợ tình, nợ duyên,… hết nợ, hết nợ, chia tay, bỏ nhau. Không phải! Không phải nợ để rồi chờ đến hết, ta chia tay, ta xoay lưng lại với nhau. Nhưng nếu đã là nợ, thì ta phải làm cái gì để chuyển cái nợ đó thành ân tình. Trong nhà Phật có đạo tứ ân: ân cha mẹ, ân vợ chồng, ân huynh đệ, ân những người có duyên gặp gỡ ta trong cuộc đời. Là ân chứ không phải là nợ! Ân nghĩa, nếu biết chuyển nợ thành ân nghĩa thì tuyệt vời quá! Ở đời chữ “nghĩa”, chữ “ân” là hai cái chìa khóa đưa ta thăng hoa bay bổng trên nền trời cao rộng. Các bạn! Nhìn kỹ lại, soi xét lại cuộc đời của ta, ta có thấy ai đó trong cuộc đời là món nợ trần duyên hay không? Ta vẫn bị ám ảnh bởi đời cứ khắc đi khắc lại chữ “nợ” làm ta sợ. Đối với Bảo Thành đều là ân nghĩa hết, nếu ta nhìn sâu!

Nếu ta nhìn sâu và quán chiếu rõ, thì cha mẹ là những bậc ân nghĩa. Phật dạy đạo tứ ân mà, ân cha mẹ. Nếu có ân cha mẹ phải có ân vợ chồng, ân anh chị em, ân bạn bè, ân chòm xóm. Bởi vì chữ “ân” tổ quốc đó nó bao trùm tất cả ân nghĩa của tình cảm con người gặp gỡ nhau, dù một giây một phút hay cả đời này đến đời sau đều là ân nghĩa chứ chẳng phải nợ. Cái nợ chỉ là cái bề mặt bên ngoài người ta sơn phết lên để làm cho chúng ta sợ, để rồi muôn sự bất thành ta đổ thừa cho cái nợ như là có chỗ vịn vào, để không nhìn thấy lỗi lầm của mình, để khỏa lấp lầm lỗi của ta. Nếu bạn cứ dùng chữ “nợ” là bạn đang khỏa lấp những lỗi lầm của mình, bạn chưa thực sự muốn dành thời gian nhìn rõ có cái này có cái kia, cái này diệt cái kia diệt, để chúng ta tìm ra cái kia đẹp hơn để làm, để cái này xấu nó bị mất đi, để chúng ta tìm cái kia đẹp hơn để tăng trưởng, để cái này diệt, cái kia nó không còn nữa.

Trong Tứ Thánh Đế, có khổ là có hạnh phúc, ta nhìn thấy rõ ràng rồi! Có trái ngang là nhất định sẽ có thuận hảo nếu chúng ta khéo! Nếu nhìn vào chữ “nợ”, ta không bao giờ phát huy chữ “khéo” bởi ta luôn luôn coi người ta như kẻ làm cho ta khổ và đặt mình lên một chỗ cao hơn là sung sướng, là tốt đẹp, là đàng hoàng, là không có sai. “Nó là con nợ của tôi!”, “Nó là người nợ của tôi”, “Nó là món nợ đời của tôi!”,… nợ tình, nợ tiền, nợ đủ mọi thứ,… và cứ cái nợ đó, ta đổ thừa cho người khác tạo khổ và phiền não cho chúng ta. Người Phật tử tại gia không phải là phải cắt ái, lìa xa tất cả 35:54 mà ta tương tác trong sự tôn trọng bằng cái lý duyên khởi của nhà Phật, mang cái ánh sáng trí tuệ nhìn thấu, để tăng trưởng hương vị từ bi gia giảm vào trong mọi mối lương duyên cuộc trần ta đang tiếp xúc với mọi người. Hai hương vị tuyệt vời nhất là hương vị của hương từ và hương bi. Hương từ bi có chất liệu làm giảm đi sự căng thẳng, tăng trưởng sự an lạc và giúp cho chúng ta tạo ra được muôn trùng những cảm giác hạnh phúc vui sướng trong cuộc đời. Hai hương vị hương từ, hương bi này, như người đầu bếp, mỗi người chúng ta biết gia giảm vào trong sự tương tác của cuộc đời tạo ra muôn sự khó khăn phiền não đối nghịch nhau, thì những chuyện kia nó sẽ bị triệt tiêu, nó mất, nó không còn. Người học Phật khéo, khéo ở chỗ nhận định được điều đó chỉ bằng trí tuệ mà thôi. Bởi vậy từ muôn đời muôn kiếp ta sinh ra từ vô minh thiếu trí tuệ, nên ta không nhận ra được hương vị của từ và bi. Hương từ, hương bi là những hương liệu tuyệt vời của nhà thiền, của Phật. Khi thắp sáng được trí tuệ, ta mới nhận ra trong căn nhà vô minh tăm tối của cuộc đời, bao nhiêu những mối giao hảo cứ lộn xộn chống kình, tai họa tới chính là bởi vì cuộc đời của chúng ta thiếu đi hương từ, hương bi.

Học Phật cũng y như học cách nấu đồ ăn của người mẹ trong bếp. Ta vào trong cái bếp của cuộc đời, biết nấu những món ăn tuyệt vời trao tặng cho nhau bằng hai dữ liệu tuyệt vời Phật trao tặng đó là hương từ, hương bi. Nhớ, khi vào nhà bếp của cuộc đời đương đầu với một khối trần duyên rắc rối trùng trùng duyên khởi mà xưa giờ người đời cứ gán chữ “nợ” để ta đổ thừa muôn trăm sự lỗi lầm thuộc về người, còn ta trong sạch, tốt đó là sai. Phật dạy chớ nhìn lỗi người và nhìn lỗi mình, nhìn cho rõ lỗi của mình, sửa sẽ thành công. Nếu bạn còn dùng chữ “nợ” trong cuộc đời để gán ghép đối với vợ, với chồng, với những mối tình cảm cha mẹ, ông bà và người thân, ta là người đang soi mói lỗi lầm của người khác, nâng cao cái tôi của mình, cái cống cao ngã mạn mà chẳng nhìn thấy được lầm lỗi sai trái của ta để sửa. Với hương từ, hương bi và trí tuệ, chúng ta là người thật khéo nhìn thấy được trong cuộc sống này những món ăn tinh thần thiếu hương từ bi và trí tuệ luôn luôn là lộn xộn, và chữ “nợ” là không cần thiết phải sử dụng và ứng dụng trong ngôn từ nói chuyện với những người thân, với những người quen ta gặp ở trên đời. Gặp bất cứ một người nào, nhà Phật nói phải có duyên lắm mới gặp, cái duyên đó là cái duyên của ân của nghĩa để gặp, còn cái nợ là sự gượng ép ở đời đối với những ai không muốn nhìn vào sự thật. Duyên gặp nhau trong sự đồng tu là một cái duyên thiện hảo, ta biết ân nghĩa với các bạn đồng tu, chúng ta là người đầu bếp giỏi. Trong cuộc sống, ta có cha mẹ, ta đừng nghĩ rằng cha mẹ nợ ta, cho nên phải mang ta vào đời hoặc ta có con cái gặp chuyện gì đó, ta gọi là món nợ, đó là sai. Ta phải luôn luôn nghĩ rằng cái nhân duyên trong cuộc trần giữa những con người với nhau, dù có máu huyết, có dòng tộc hay chỉ là ở đời đều là ân nghĩa mang tới chữ “duyên” để gặp. Duyên này là lý duyên khởi của cuộc đời, biết gia giảm cho đúng, cái này có cái kia sẽ có, tôi có bạn sẽ hạnh phúc thôi. Nếu tôi biết gia giảm hương 40:30 từ bi thì cha mẹ tôi sẽ hạnh phúc thôi, nếu tôi biết gia giảm hương vị từ bi đúng trong mọi sự tương tác, tôi có con cái, có vợ chồng, có bạn bè, có bạn đồng tu, có xã hội, có con người tôi đang tương tác đều là ân nghĩa nhân duyên đặc biệt. Nếu biết gia giảm hương từ, hương bi thì trong mọi khối trần duyên của cuộc đời sẽ được thăng hoa đi tới sự tuyệt hảo, trọn hảo trong tình nghĩa để đồng hành trong cuộc đời này. Đừng mang chữ “nợ” gán ghép vào để rồi làm cho nhau cảm thấy nặng nề khó chịu!

Các bạn! Nếu có nợ thì xé, nếu có nợ thì trả, nếu có nợ thì hoàn lại cho người ta, chứ đừng đổ thừa nợ. Trong tất cả những cái nợ của cuộc đời chỉ là một cách nói để trốn tránh trách nhiệm, lầm lỗi sai trái của chúng ta, hoặc là một cách làm mờ đi lý trí, đào sâu để nhận diện ra trong ta vẫn có ánh sáng trí tuệ. Cho nên chữ “nợ” làm cho chúng ta mất đi cơ hội thể nhập vào trí tuệ của mình để thấy được hương từ, hương bi là vi diệu Phật đã trao.

Bảo Thành xưa đến giờ cũng có thói quen cứ đổ thừa là nợ khi gặp những chuyện lộn xộn của người này đối xử với mình thì chúng ta nói: “Ôi thôi, tôi mắc nợ!”. Đó cũng là một cách an ủi. Nhưng cách an ủi đó không hoàn toàn tích cực mấy, bởi vì an ủi như vậy là tâm lý để cho chúng ta dịu xuống thôi. Và chúng ta không có cơ hội tìm sâu để thấy rằng ta vẫn có một khả năng cao hơn để không nhìn thấy chữ “nợ” mà nhìn thấy chữ “duyên”, chữ “ân”, chữ “nghĩa” để thể nhập vào trí tuệ. Mỗi khi bạn nói: “Ôi, đó là nợ!”, thì bạn không có tích cực đi vào bên trong thể nhập vào trí tuệ. Nhưng nếu bạn nhìn thấy đó là ân nghĩa, đó là duyên, thì bạn sẽ thể nhập vào trí tuệ để quán chiếu, để nhận rõ được mối giao hảo, nhân duyên ta gặp được người trong cuộc sống.

Từ đó mà Bảo Thành không bao giờ dùng cái thương hiệu nợ để ghép vào những sự lộn xộn ngang trái trong cuộc đời, bởi nó không có tích cực, nó tiêu cực dữ lắm. Và chúng ta ngày hôm nay chia sẻ như vậy. Chúng ta những ngày cuối năm này lật qua một trang mới của cuộc đời mình, nhìn đi, ta không nợ của ai và chẳng ai nợ của ta hết, chẳng ai nợ ta. Chẳng ai là của nợ ta mà tất cả đều là ân vì duyên mà tới, nếu biết gia giảm hương từ, hương bi, nếu biết thể nhập vào trí tuệ, ta nhìn rõ muôn sự gọi là lộn xộn trái ngang ở đời có đó, thì vẫn có sự bình an thuận hảo nếu biết gia vị thêm từ và bi. Và nếu như có sự ngang trái ở cuộc đời, thì chúng ta có thể diệt được sự ngang trái đó, chẳng phải là cần phải tiêu diệt, chỉ cần thêm hương từ, hương bi. Tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc đời, bạn cứ y công thức thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, thêm một chút hương từ, thêm một chút hương bi, nhất định muôn sự ở đời bạn sẽ gọi là thuận buồm xuôi gió.

Những ngày cuối năm, ai ai trong chúng ta cũng muốn thuận buồm xuôi gió để con thuyền của cuộc đời hướng tới năm mới tràn đầy những điều tốt đẹp. Ngay bây giờ nếu muốn làm được điều đó, ta phải xóa chữ “nợ” trong tâm thức và cài đặt vào chữ “ân”, chữ “nghĩa”, khéo khéo mang thêm hương từ, hương bi vào nhà bếp của cuộc đời, thắp sáng ngọn đèn trí tuệ để nhìn thấu chẳng nợ của ai, chẳng ai nợ mình, mang hương từ bi mà rải tới muôn nơi, muôn khối trần duyên trong cuộc đời sẽ trở thành ân, thành nghĩa, sẽ trở thành con đường trải hoa, trải thảm để ta đi lên trên đó, bởi trên đó có hương từ, hương bi, có ánh sáng của mặt trời trí tuệ, có sự hiểu rõ lý duyên khởi của nhà Phật: “Có cái này thì có cái kia, cái này diệt cái kia diệt!”. Nếu chúng ta tăng trưởng hương vị từ bi vào cuộc đời, thì mọi sự rắc rối của cuộc đời sẽ bị triệt tiêu. Và dĩ nhiên, khi cái này triệt tiêu, thì muôn sự đau khổ cũng sẽ triệt tiêu. Khi thêm hương vị từ bi vào cuộc đời, cái này đã thêm có, thì sự hạnh phúc, gần gũi, ân nghĩa, sống biết chia sẻ và sống đúng với cái tình nhất định sẽ hiển lộ trong cuộc đời!

Đạo Phật không trốn tránh, không phải cắt lìa, mà đạo Phật là chúng ta phải nhìn thấu được! Cho nên ngày nay trở đi, chúng ta hãy cố nhìn thấu vào mọi điều mà ta gắn cái mác, cái thương hiệu là nợ, ta hãy lột ra và bỏ đi. Ta đổi vào trong đó là ân và nghĩa! Một người tới chửi ta, cũng mang ân mang nghĩa họ. Bởi nhờ họ chửi mà ta mới phát hiện ra trong ta vẫn còn có năng lượng từ bi, vẫn còn có trí tuệ nhìn thấu. Hoặc một người chửi ta mà ta sân ta giận cũng là ân nghĩa, bởi nhờ họ chửi ta, mà ta mới tìm ra rằng ngủ ngầm trong tâm ta có mầm mống chủng tử của tâm sân, tâm giận, tâm tham, tâm si. Ta cám ơn họ, bởi nhờ họ tới, họ chửi, họ tạo ngang trái mà ta nhìn ra ta còn có từ bi yêu thương, ta nhìn ra ta còn có tham sân, giận dữ để ta sửa. Ta phải mang ân họ! Nhìn theo góc độ ân nghĩa như vậy, thì ánh mắt của ta mới là mắt thương nhìn cuộc đời, mắt từ bi, mắt yêu thương, phẩm hạnh của Bồ Tát. Chỉ thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ cho đúng, ứng dụng lý duyên khởi của nhà Phật một cách rất bình thường trong đời sống Phật tử tại gia, đừng đào bới ý nghĩa quá cao siêu!

Bạn còn có cha, còn có mẹ, bạn còn có vợ, có chồng, có chị em, con cái, có người thân,… chúng ta đang sống trong mối lương duyên tình nghĩa giữa con người với con người, chẳng phải gọi là diệt ái, bỏ ái để cầu mong một sự giải thoát khỏi sanh tử, nhưng ân nghĩa trong cuộc đời đối xử đúng với nhau cũng chính là những hương vị để giải thoát ra khỏi luân hồi, vậy, sau khi giác ngộ, Phật còn dạy chúng ta cái hiếu đạo với cha mẹ, dạy chúng ta cái đạo nghĩa của vợ chồng, của huynh đệ, của con người với con người mà. Cho nên hiểu thấu được tình nghĩa giữa người với người bằng ân bằng nghĩa, chẳng bằng nợ, thì nhất định muôn khối trần duyên của cuộc đời đều là những vườn hoa cho chúng ta thưởng lãm trong những ngày tháng qua mau.

Thời gian trôi qua nhanh lắm! Đừng để những sự trái ngang ở đời biến thành món nợ để chúng ta trù dập nhau, để chúng ta chê bai nhau, để chúng ta khinh thường nhau, để chúng ta mù lòa con mắt không phát hiện ra trong ta vẫn còn có trí tuệ, vẫn còn có tâm từ bi đang ẩn hiện nơi Phật tánh. Hãy cho mình một cơ hội nữa thay đổi chữ “nợ” thành chữ “ân”, chữ “nghĩa” để muôn khối trần duyên trong cuộc đời đều là ân nghĩa cho ta phát hiện ra trí tuệ và từ bi, phát hiện ra tâm tham – sân – si còn tàng ẩn, để sửa, để đổi, để hoàn thiện cuộc sống của mình đúng như ý nghĩa có cái này thì có cái kia, có ngang trái, có sự chống kình đấu đá nhau thì nhất định phải có sự thuận hảo hòa hợp, tương tác tốt đẹp. Chỉ cần làm sao nhìn thấy điều đó để khơi dậy, thay vì đổ dầu, đổ xăng vào lửa, ta đổ nước vào, nước từ bi yêu thương, ta biết thêm hương vị từ bi thì nhất định ta sẽ thành nhà đầu bếp nổi tiếng của gia đình. Gia đình êm thôi, gia đình sẽ tốt là nhờ người đầu bếp biết nấu, mỗi một người có cái ý tưởng là một đầu bếp chính biết gia giảm hương vị tương tác trong cuộc đời. Mà nếu gia đình hạnh phúc, xã hội sẽ bình an, nếu gia đình không có nền tảng của hạnh phúc, thì sự tu ở đời chỉ là sự trốn tránh mà thôi, trốn tránh trách nhiệm của cuộc đời. Gia đình cần phải tạo ra được một môi trường hạnh phúc, mà muốn vậy, đừng đổ thừa cho nhau là khối nợ trần duyên của cuộc đời, mà hãy nhìn một cách tích cực hơn, tới với nhau là vì ân vì nghĩa, gặp gỡ nhau là vì nhân duyên thiện hảo. Cách nhìn đó tích cực hơn, giúp cho chúng ta sống tốt sống đẹp. Nguyện chúc cho muôn người thay đổi được cách nhìn này, để không tự ám ảnh mình bằng chữ “nợ” khi mọi người tương tác với ta không có phù hợp, mà luôn luôn nhìn thấy chữ “ân”, chữ “nghĩa”, để biết cố gắng nhìn sâu, để thấy được ta có hương từ, hương bi, thấy được tâm ta vẫn sáng, thấy rõ được tâm sân giận, si mê của ta vẫn còn, để từ đó ta biết tu tập chuyển hóa, mang lại sự yêu thương, sự dung hòa giữa người với người ở bên ngoài và giữa vợ chồng, cha mẹ, tất cả những người thân trong gia đình.

Các bạn, hãy đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau!

Thưa Phật! Trong những sự rắc rối của gia đình, của con người, chúng con thường hay xua đuổi nhau bằng câu “của nợ”, chữ “nợ” nặng lắm, làm cho mọi người đau vô cùng. Chúng con chẳng tới với nhau vì nợ mà gặp gỡ nhau vì ân vì nghĩa. Nguyện xin chư Phật gia trì cho chúng con biết sống đúng với ân nghĩa của cuộc đời, biết gia giảm hương Từ, hương Bi và thắp sáng đuốc Tuệ để cuộc sống luôn luôn là một con thuyền thuận buồm xuôi gió đi về hướng tương lai tốt đẹp.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay nếu có tạo được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Xin chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts