Search

Bài 2168. Sức Sống Loài Cỏ Dại | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Uyên đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy một lòng thành kính quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam và thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Và hồi hướng cho tất cả các bạn đồng tu cũng như nhân loại đang mắc bệnh, có đầy đủ phước báu để bệnh tật tiêu trừ, thân tâm thường an lạc. Chúng con cũng nguyện siêu cho chư vị hương linh nương theo ánh từ quang của Đức Phật Di Đà theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Mỗi một người chúng ta như những hạt nước từ trời rơi xuống mặt đất lẻ loi, nhưng vì nhân duyên đặc biệt, vẫn tìm về với cội nguồn của chân tâm, trở về với dòng sông Từ Ái và Trí Tuệ, để trở về với biển Tuệ mênh mông vô tận trong từng hơi thở Chánh Niệm. Mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang sẽ đưa các bạn đồng tu, chúng ta cùng trở về với dòng sông Trí Tuệ và Từ Bi để mang nước Cam Lồ Tịnh Thủy Lưu Ly Từ Bi và Trí Tuệ tưới tẩm tới tất cả mọi cuộc sống đang hiện sinh trong cõi này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, ta thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:31) Mô Phật! Các bạn! Chỉ trong bảy biến với mật chú đại từ đại bi Mu A Mu Sa và mật chú trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mỗi người chúng ta đã khởi tâm hoan hỷ trở về với cội nguồn, gắn kết với mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, để từ cái thân tứ đại này đây, chúng ta đón nhận được hồng ân của Tam Bảo, năng lượng vi diệu chuyển hoá vào thân tâm. Nếu giữ được chánh niệm từ bi – trí tuệ thanh tịnh hóa thì nhất định chúng ta sẽ có tràn đầy năng lượng để sống. Và hiện tại Bảo Thành cảm nhận được thật nhiều năng lượng tới với mình từ đấng từ ân. Chúng ta không khác nhau. Chỉ cần trở về với chánh niệm của hơi thở, thành kính đón nhận qua hai mật ngôn Thiền Mật song tu chánh niệm hơi thở, nhất định mỗi người chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều thật nhiều năng lượng vào cuộc sống. Đây là điều hiển nhiên cho những ai thành kính, thành tâm thực hành sự tu tập này.

Các bạn! Chúng ta thuở còn bé, ai ai cũng nhìn lên trên trời hoặc nhìn qua ngưỡng cửa của nhà mình, ai cũng vậy, mơ ước rằng làm sao đó, ta từ một em bé nhỏ, dù là bé gái hay bé trai, vươn mình đứng dậy như Thánh Gióng để trở thành một người lớn, để có thể chứng tỏ cho cha mẹ thấy mình đã lớn, đã khôn và tự lập, tách rời xa mẹ trong cuộc sống của chính mình. Ai cũng có cái suy nghĩ như vậy, không ai tránh khỏi đâu. Bảo Thành có, các bạn cũng sẽ có và đã có. Rồi thì sao? Khi lớn lên, thật nhiều lúc chúng ta không muốn lớn nữa, chúng ta muốn trở về tuổi thơ như em bé. Bởi khi đã lớn, từng bước chân đi vào cuộc đời gai góc, hầm hố, thử thách, vấp ngã, thành công, muôn màu sắc của cuộc đời làm cho chúng ta mệt mỏi bởi sự thành công phải cố gắng thật nhiều và sự thất bại chẳng mong cầu cũng ập tới. Sự đối xử của muôn người với ta, trong mắt của họ, ta không là gì. Họ coi thường, họ chà đạp, đủ thứ cảm giác nó như bỏ vào trong cái thùng xóc ngược xóc xuôi, ôi đau đớn… Thế là mơ ước từ cái tuổi lớn đó, trở về với tuổi thơ. Nhỏ thì muốn lớn, lớn thì cứ muốn bé mãi, cứ ngược cứ xuôi trong những cảm xúc của cuộc đời, để cái qua đi, ta níu kéo, để cái chẳng bao giờ trở lại, ta lại mơ ước. Lơ lơ lửng lửng ở cõi trời mộng mơ với những điều hoang tưởng như vậy, ta đã đánh mất cuộc sống hiện tại.

Dấu ấn của cuộc đời để lại trong mỗi một chúng ta toàn là thương tích, toàn là những vết bầm. Nhìn cho kỹ thì đâu đâu cũng thấy bóng tối u ám. Người ta đã không nhìn mình như thế, người ta đã không đối xử với mình như điều mong muốn. Và biết bao nhiêu những mơ ước của cuộc đời để thành công, để thành tựu, để vươn lên hầu như chưa được là bao. Thế sự vần xoay, muôn điều bất như ý cứ như bão tố quật ngược quật xuôi mà cuộc đời nhỏ bé của chúng ta đã bị dập vùi một cách tả tơi. Có khi nào ta nghĩ bầu trời đang đổ mưa, bão tố đang ập tới, bước chân nhỏ ta đi có còn đi mãi hay không, hay lại ngoảnh đầu nhìn lại để than vãn? Có lẽ trong cuộc sống, ta hay ngoái cổ nhìn lại và than vãn về mệnh đời của chính mình.

Một chủ đề tuyệt vời của ai đó đã gửi về hôm nay để nhìn thấy. Nói đến sức sống của loài cỏ dại, chúng ta tự hỏi mình có còn sức sống để vươn lên, để vươn lên thoát ra khỏi cảnh tù túng, đau khổ, phiền não, bất an, thất bại hoặc cảnh mà ta đang chán ngấy bây giờ hay không? Hãy nhìn thoáng qua trong cuộc đời, ai cũng từng nhìn thấy những loài cỏ dại đây đó, dù cho mưa dầm, bão tố, lũ lụt, dù cho người ta có chà đạp, cuốc lên, quăng nó đi, dù người ta có thể xóc gốc ngược lên và đốt chết nó, dù cho cuộc đời bỏ quên, chẳng quan tâm, dù cho muôn người không bao giờ xác nhận cái giá trị thực của nó, nhưng loài cỏ dại vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi trên hành tinh này mà chẳng cần sự quan tâm của bất cứ một người nào. Nó chẳng cần sự chăm sóc của bất cứ ai, dù hoàn cảnh là thuận hay nghịch, dù hoàn cảnh và con người có đối xử với chúng một cách thậm tệ, căm phẫn, thù ghét, nó vẫn tồn tại, nó vẫn vươn lên, nó vẫn xanh, vẫn tươi và vẫn nở hoa dại bên lề đường của cuộc đời. Sức sống loài cỏ dại mạnh như vậy, các bạn thấy rồi.

Để trồng được một bụi hoa đẹp, để trồng được một cây kiểng, một cây ăn trái, một vườn rau, chúng ta đã loại bỏ hoàn toàn các loài cỏ dại và dồn quá nhiều sức để chăm sóc cho những loài hoa, cây, rau quả. Nhưng nếu qua một ngày, hai ngày, ba ngày ta không chăm sóc cho chúng, thì những loài được lựa chọn trồng trọt kia sẽ bị chết thôi. Nhưng loài cỏ dại ta loại bỏ ra khỏi khu vườn của chúng ta, ta đào, ta bới, ta nhổ, ta quăng lên rồi ta phơi khô, ta đốt. Ta muốn tiêu diệt tận cùng chúng nhưng chúng vẫn vươn lên, vẫn sống và mãi mãi vẫn xanh vẫn đẹp. Dưới nắng trời, dưới cơn mưa, trời mưa, âm dương, muôn điều tự tại của thiên nhiên, cỏ dại kia vẫn đón nhận trong cái cõi tồn sinh khó khăn nhất mà mỗi người chúng ta chưa bao giờ từng phải trải qua, như thân phận của loài cỏ dại trong cuộc đời. Chúng vẫn sống, vẫn đẹp.

Và đúng vậy, tất cả các loài cỏ dại dù không có ý nghĩa gì đối với loài người chúng ta nhưng chúng có một tầm quan trọng trong sự bảo tồn thiên nhiên, thăng bằng của khí hậu. Phủ trên mặt đất và nương vào lòng đất mẹ để tồn sinh trong mọi điều kiện khắc nghiệt để giữ được độ ẩm cho đất, để giữ được nước và có thể thâu hút nước để tránh đi sự lũ lụt trong cuộc đời. Cỏ dại có ích vô cùng mà mấy ai có thể nhận ra? Muôn điều trong thiên nhiên này có còn đẹp mãi, khí hậu có trong lành và muôn thú từ những loài thật nhỏ li ti như côn trùng đến những loài lớn đều tồn sinh nương vào loài cỏ dại mà con người luôn luôn muốn hủy diệt chúng. Chúng có một sức sống mãnh liệt.

Còn chúng ta, nay nói đến cái vườn của cuộc đời, Chư Phật dạy hãy quán chiếu tâm địa như đất để có một sức sống mãnh liệt, bồi dưỡng chẳng phải cho loài hương hoa thơm ngát hay cây trái ta lựa chọn mà cho tự thể thiên nhiên Phật tánh của chúng ta. Nhưng mấy ai trong chúng ta nhìn ra cái chiều sâu đấy? Chúng ta cứ trau chuốt cho những loài cây, những loài hương hoa của cuộc đời trong miếng cơm manh áo, trong tiền bạc, danh vọng và địa vị. Chăm sóc, chăm sóc cho tới hơi thở cuối cùng, nhưng những loài ấy, những thứ ấy chẳng bao giờ tồn tại, bởi hơi thở đi, chúng liền lìa bỏ ta mà đi. Nhưng chúng ta đã vì chăm sóc cho những thứ đó – vật chất, tiền tài, quyền lực của thế gian mà chúng ta đã không nhường tay với cái sự sống của Phật tánh, chúng ta tìm đủ mọi cách để lãng quên, để tiêu diệt. Dùng toàn bộ thời gian trong cuộc đời tô điểm cho những điều hư mất, hão huyền, không bao giờ tồn tại mãi mà chẳng có thể mang theo được.

Các bạn có thấy không, cỏ dại kia dù có tiêu diệt, dù dưới mọi hoàn cảnh khắc nghiệt vẫn sống; có một loại không phải là cỏ dại, loại đó là loại thể tánh thanh tịnh của Phật vốn có trong chúng ta; dù cho muôn đời vô lượng kiếp ta chẳng bao giờ chăm sóc, ta trù dập, ta lãng quên, ta bỏ rơi, thậm chí mà ta chăm sóc quá nhiều cho cuộc sống của vật chất lẫn tinh thần, để rồi tìm đủ mọi cách tiêu diệt nhưng tánh thanh tịnh của Phật tánh vẫn luôn luôn tồn tại và có sức mạnh vươn lên để hiển lộ trong cuộc đời mỗi khi cần, mỗi khi có. Sức mạnh đó còn có sức sống hơn cả loài cỏ dại mà chúng ta nhìn thấy. Bởi miền đất tâm địa của chúng ta, nếu biết lắng nghe và nhìn cho rõ, vẫn thấy được hương hoa Phật tánh vươn lên từ bao nhiêu vấp ngã, bao nhiêu tủi nhục, phiền não của cuộc đời.

Phải nhận ra sức mạnh và phải nhận ra sức sống mãnh liệt của thể tánh thanh tịnh vốn có trong ta, để từ đấy, chúng ta mới xác định lại giá trị tối ưu của cuộc đời cần phải chăm sóc là cái gì. Phải chăng là hương hoa sớm nở tối tàn? Phải chăng là cây trái trồng rồi lại chết? Hãy nhìn đi, cỏ dại đâu ai chăm mà nó vẫn mọc! Hãy nhìn đi, Phật tánh của chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu kiếp luân hồi sinh tử từ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tới sáu nẻo luân hồi trầm luân đau khổ, nhưng Phật tánh không bao giờ bị tận diệt, vẫn luôn luôn ở cùng trên mảnh đất tâm này! Nếu ta biết trở về, đừng lãng quên Phật tánh nữa, đừng hắt hủi, đừng trù dập, đừng tiêu diệt bằng cách lao đầu vào trong đam mê của sắc dục, của tài danh thì nhất định chúng ta sẽ có một cơ hội tìm về với sức sống mãnh liệt, trong suốt, thanh tịnh, an yên, tự tại để có thể gắn kết mật thiết và bước từng bước song hành trên những dấu chân an lạc mà Như Lai Phật Tổ đã in vào trong tâm thức của kẻ Phàm phu như chúng ta.

Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy chán chường trong cuộc sống bởi bao nhiêu điều bất như ý cứ xảy ra? Bạn có biết những lần như vậy là bởi vì bạn quá chăm  chút cho cái tôi, cho những loài hoa mà tưởng rằng có sắc hương đẹp trong đời; nhưng đó chỉ là huyễn giả, nó chỉ là hoa giả mà thôi, còn loài hoa thật từ đất tâm, từ đất Phật vốn có trong ta, chẳng một lần chúng ta chăm sóc? Và bạn có biết rằng những điều bất như ý đó đã làm tổn hại đến cảm xúc, tình cảm, mối quan hệ của chúng ta với gia đình, cộng đồng và xã hội? Nhưng nếu các bạn biết trở về chăm sóc cho vườn tâm của mình, thể tánh thanh tịnh đấy, thì không những bạn có thể có được sự liên kết mật thiết, gắn bó hơn với ông bà, cha mẹ, gia đình và người thân trong tình yêu không có dính mắc, trong lòng từ bi biết san sẻ và quan tâm. Và đặc biệt hơn, là chúng ta còn có cơ hội gắn kết mật thiết, liễu thông những lời dạy của Chư Phật nữa.

Phật không xa, Phật ở trong tâm nhưng cần phải khơi dậy để trở về sống. Đừng để cho những thứ ta đam mê rồi vác vào ở trong đời sống này, chất chồng cao như núi mà ngồi vọng tưởng, dệt mộng mơ hão huyền. Người học Phật là người phải nhận ra được sức sống mãnh liệt vẫn luôn luôn còn ở nơi chúng ta; đó là thể tánh thanh tịnh. Dù cho bao nhiêu lần, bao nhiêu năm tháng qua, tâm của bạn đã tối mò, lòng của bạn đã rối bời, phiền não, đau khổ của những đoạn trường đi qua chất chồng, kín hết ở trong tâm, thì nhớ rằng thể tánh thanh tịnh ở nơi cuộc đời trong tâm của chúng ta vẫn luôn luôn có, không bao giờ bị tiêu diệt. Vậy đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta không xứng đáng. Loài cỏ dại còn có sức sống mãnh liệt để vươn lên, loài cỏ dại còn có hữu ích cho cuộc đời, giữ được môi trường sống, môi sinh thanh tịnh cho cả vũ trụ này. Và chúng luôn luôn chẳng cần ai chăm sóc, vẫn vươn lên tự lực cánh sinh, tự thắp đuốc, tự vươn dậy để sống. Người ta quăng bỏ nó ở đâu thì chính ở chỗ đó, nó vẫn vươn lên để sống. Thể tánh thanh tịnh của chúng ta, dù cho mỗi người chúng ta không quan tâm, trù dập, lãng quên và bỏ rơi, nó vẫn luôn luôn hiển lộ nơi ta. Và Phật đã nhìn thấy điều đó, nên Phật đã nhắc nhở cho chúng ta rằng trải qua vô lượng kiếp luân hồi sanh tử, thể tánh thanh tịnh của Phật tánh nơi chúng ta vẫn luôn luôn hiện hữu, chẳng bao giờ bị huỷ diệt.

Chúng ta sống, muôn điều đều phải theo quy luật của vô thường thành – trụ – hoại – không, nhưng thể tánh thanh tịnh của Phật thì bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng bất giảm. Dù cho có trải qua vô lượng kiếp mà tội lỗi, mà nghiệp chướng ta tạo ra như thế nào đi nữa, thì thể tánh ấy vẫn luôn luôn tồn sinh, tồn tại. Trở về thể nhập với thể tánh đó, là trở về để xoay chuyển vòng xoay vận mệnh của mỗi người, để phá tan đi ngục tù của những cảm giác đau đớn trong thất bại hoặc những điều bất như ý, hoặc những nỗi đau khổ hay nỗi niềm của kiếp người, để có thể thoát ra ngục tù ấy, bước vào một đời sống mới, thanh tịnh tuyệt đối hơn. Và bạn có biết không, khi bạn đã tự phá ngục tù đó ra để bước vào cuộc sống thanh tịnh, thể nhập vào với Phật tánh, bạn sẽ được Đức Phật mời bạn lên ngồi đồng một toà sen giác ngộ với Ngài. Cái chỗ là chúng ta tu tập Thiền Mật song tu là tự phá tan đi cái cửa ngục tù của mình. Cái chỗ là chúng ta tu Thiền Mật song tu là nhận ra sức mạnh mãnh liệt của sự sống nơi thể tánh thanh tịnh của Phật nơi chúng ta. Để chúng ta thể nhập vào đó, có sức mạnh vi diệu, phá tan đi mọi sự ràng buộc của nghiệp ác, của bất thiện. Để được Đức Phật mời ta vào tham dự bữa tiệc giải thoát với hương vị của pháp.

Các bạn! Ai trong chúng ta mà không có những nỗi niềm riêng? Ai trong chúng ta không có những cái vấp té, muốn trở về sống mãi với tuổi thơ? Ai trong chúng ta lại không một lần muốn vươn lên, thoát khỏi cái tuổi em bé để trở thành người lớn? Cứ ngược cứ xuôi, nhưng dù xuôi ngược như thế thì cái dấu tích của nỗi niềm đau khổ, phiền não vẫn luôn luôn ám ảnh cuộc đời chúng ta. Sao cứ phải vùi đầu vào trong đó? Trở về thể tánh thanh tịnh chẳng phải là trở về để sống với loài cỏ dại. Nó trở thành cỏ dại là bởi vì con người không nhận ra giá trị của chúng.

Trên đời này, muôn vật, muôn loài thể hiện sự sống đều do nhân duyên đặc biệt mà hiển lộ để cho chúng ta nhìn thấy và chạm được. Tuy nhiên con người có dính mắc, có chấp trược, thấy điều gì như ý thì chọn lựa, chăm sóc, những điều gì không theo như sở thích thì ruồng bỏ, chà đạp, thậm chí còn muốn huỷ diệt chúng. Có bao giờ bạn biết trở về chăm sóc cho vườn tâm? Có bao giờ bạn biết trở về chăm sóc thể tánh thanh tịnh? Coi như là một loài cỏ dại đi, không bao giờ chết, các bạn! Thể tánh thanh tịnh đồng nghĩa với sự thiếu quan tâm của mỗi người như loài cỏ dại, hay đồng nghĩa với đời sống vật chất này, chúng ta không ưa mang vào, bởi vì khi mang thể tánh thanh tịnh vào rồi, chúng ta – mỗi người sẽ nhìn thấy lầm lỗi và sai phạm của mình quá rõ. Đừng sợ hãi nhìn thấy sự lầm lỗi, sai phạm của mình. Bởi khi ta nhìn thấy sự sai phạm, lầm lỗi bất thiện nơi ta, là ta đã hoàn thiện cuộc sống thanh tịnh đấy.

Cho nên thể tánh thanh tịnh của Phật giúp cho chúng ta có một cái nhìn viên giác viên thông vào tận cõi lòng sâu thẳm của quá khứ vô lượng kiếp qua nơi ta, nhìn thấu rõ từng những bất thiện nghiệp, những ác nghiệp, những lầm lỗi, những sai phạm của chính mình, để không còn nhốt mình vào trong những điều đó để vùi đầu sống trong tăm tối nữa. Mà biết dùng sức mạnh của tự tánh thanh tịnh, phá vỡ ngưỡng cửa ngục tù đó đi, mà bước ra thong dong, tự tại. Để rồi Phật sẽ mời ta ngồi trên pháp tòa cùng với Ngài. Bởi Phật luôn quan tâm tới chúng ta.

Nếu mỗi người chúng ta không tự quan tâm đến mình thì thật là uổng cả cuộc đời sống trên dương thế này chỉ đắm chìm vào những thứ vụn vặt của những cảm xúc vật chất lẫn những cái tinh thần mà thôi. Quên đi một phần sống thiêng liêng cao cả hơn đó là đời sống tâm linh, đời sống của Phật tánh. Một tặng phẩm vô giá có sức sống mãnh liệt giúp cho chúng ta an nhiên và tự tại đó chính là tâm Phật, mà trong tâm Phật thì thể tánh thanh tịnh là nguồn lực, là sức mạnh vô biên, mãnh liệt vô cùng. Dù bạn ở bất cứ một hoàn cảnh nào, nếu bạn nhìn thấu được điều đó thì bạn sẽ có được đủ nội lực để vươn lên sống – sống hạnh phúc và bình an, sống để thành tựu pháp an lạc trong cuộc đời và san sẻ tới muôn người.

Nếu bạn chưa bao giờ có cơ hội nhìn thấy sức sống của loài cỏ dại thì nhân dịp này, bạn hãy đi một chuyến dã ngoại trong bìa rừng, trong hang núi, tới đâu đó,… Hãy nhìn đi! Cỏ dại ở khắp mọi nơi. Cỏ dại hay là chúng ta dại, chẳng nhận ra giá trị của chúng? Chúng ta quá dại dột, không nhận ra giá trị của Phật tánh, để rồi chúng ta đã ruồng bỏ Phật tánh như loài cỏ dại, quăng bừa quăng bãi, đào gốc bới đi, thiêu rụi, tiêu diệt. Ta thật dại dột bởi không nhìn ra cái giá trị. Ba đời Chư Phật đều nhìn thấy giá trị của Phật tánh để chứng đắc được cái tâm không còn có quái ngại, quái ngại cố và không bị khủng bố dưới mọi hình thức hiện trạng của cuộc đời đối đãi với các vị đấy. Để các vị đấy thong dong và tự tại bước về cõi Niết Bàn an vui ngay chính cuộc đời khi họ hiện hữu trong thế gian. Chúng ta quá dại dột, đã khước từ đi sức sống mãnh liệt, thanh tịnh của Phật tánh, mà vùi đầu vào trong cái khối hư nát, thối rữa của ngục tù bất thiện nhiều đời trong ái dục, trong tài danh, trong quyền lực.

Ta không phải nói như vậy để quá tiêu cực trong cuộc sống từ bỏ những cái rất bình thường, nhưng ta nói như vậy để nhận ra trong muôn sự bình thường của cuộc đời, cái cõi đời của cuộc sống này cần phải ứng dụng, cần phải hành, vẫn có một điều vô giá mà ta xưa đến giờ chưa bao giờ chăm sóc; đó là Phật tánh thanh tịnh. Chúng ta chưa nhận ra giá trị của Phật tánh thanh tịnh, chúng ta vẫn coi như một thứ dư thừa trong cuộc đời, như những loài cỏ dại cần phải hủy diệt. Mà có hủy diệt được đâu?! Những điều gì ta không huỷ diệt được thì phải nhìn nhận và tìm ra cái dụng của chúng. Phật tánh không bao giờ bị huỷ diệt! Từ vô lượng kiếp qua, lăn trôi trong luân hồi đau khổ, nào có bị huỷ diệt? Sao chúng ta không một lần nghe theo lời Phật, công nhận rằng trong ta có thể tánh thanh tịnh, có Phật tánh, để một lần ghé vào trong Phật tánh đó, để tìm hiểu, để sống với cái bản thể bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm? Ta không muốn sống với điều bất sanh diệt, bất cấu tịnh, những điều không bao giờ nằm trong quỹ đạo của vô thường, thường hằng bất biến. Mà chúng ta lại muốn chui vào sống trong những cái vô thường sanh diệt tới lui từng sát na. Cho nên chúng ta cứ khổ mãi, khổ mãi mà thôi. Muốn thoát khổ thì phải nhận ra những gì ta đang cưu mang, ôm ấp, muốn có, muốn thành tựu được đều là vô thường. Và muốn hạnh phúc, thoát khổ, chúng ta phải nhận ra cái thường hằng bất biến, bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng bất giảm và luôn luôn hạnh phúc; đó chính là Phật tánh. Đây, ở trong đây, ở trong ta, không ở đâu xa! Cái nhìn thấy như vậy là cái nhìn của điểm khởi đầu, rất quan trọng! Không nhìn thấy thì chẳng có điểm khởi đầu, không có khởi đầu thì không thể thoát ra mà bước vào.

Sức sống loài cỏ dại mãnh liệt vô cùng, và thể tánh thanh tịnh của Phật không có một thế lực đen tối của bất thiện nghiệp nào, ác nghiệp nào có thể tiêu diệt được. Bạn muốn lựa chọn một cuộc sống đắm chìm trong cõi vô thường sanh diệt đau khổ hay bạn muốn lựa chọn một con đường bước vào cõi bất tăng giảm, bất sanh diệt, bất cấu tịnh; đó là sự lựa chọn của mỗi người. Quyền lựa chọn đó đều thuộc về riêng mỗi chúng ta. Nhưng hầu là người, có trí tuệ, có suy nghĩ, có kiến thức, ta biết phải lựa chọn một cuộc sống như thế nào.

Hãy bình tĩnh một chút! Và các bạn biết không, chánh niệm hơi thở sẽ giúp cho chúng ta bình tĩnh, sẽ giúp cho chúng ta sáng trí ra, sẽ giúp cho chúng ta có đủ nghị lực sống và có đủ tầm quan sát cuộc đời của chính mình. Để từ đó biết lựa chọn một cách sống tốt đẹp hơn. Thay vì vùi đầu vào trong đống rác rưởi của tiền tài, của tình cảm, của danh vọng, của địa vị – những thứ gọi là mau hư mất trong cuộc đời, những thứ gọi là vô thường sanh diệt kia, thì chúng ta sẽ có cơ hội nhận thức được bản thể thanh tịnh của Phật vốn có trong ta, để chúng ta bắt đầu sống với cái sức mạnh bất diệt đó.

Đừng đối xử với Phật tánh như loài cỏ dại cần phải tiêu diệt. Nhớ, sức sống loài cỏ dại mãnh liệt vô cùng. Sức sống thanh tịnh của Phật tánh bất sanh diệt, không thể huỷ diệt đâu. Hãy nương náu vào đó để sống, để mọi sự đau khổ, phiền não, bất như ý tạo ra, sẽ có cơ hội thăng hoa và chuyển hoá! Để bạn luôn sống an vui và hạnh phúc, và để trong cuộc đời ngắn ngủi này, chúng ta thực sự nhận ra giá trị cao cả của chính mình, dù là phận hèn của kiếp người đang long đong lận đận trong muôn trùng của những cảnh sống không như ý.

Hãy vươn lên, chúng ta có sức sống mãnh liệt như vậy nơi Phật tánh! Hãy vươn lên, bởi chúng ta có thể tánh thanh tịnh nhìn thấu, nhìn rõ! Hãy vươn lên, bởi chúng ta biết rằng chúng ta không bao giờ bị huỷ diệt bởi những chướng ngại bất như ý trong cuộc đời đang vùi dập chúng ta! Mỗi người chúng ta đều có thật nhiều cơ hội để vươn lên bởi Đức Phật đã ghé ngang cuộc đời, trao truyền cho chúng ta những pháp bảo vi diệu. Thiền trí tuệ và thiền từ bi là hai pháp thiền viên thông viên giác tuyệt vời, là phương tiện siêu thế để bạn có thể nhận ra một con đường mới, một giá trị vốn tồn có ở trong ta mà bao nhiêu kiếp qua đã lãng quên.

Đừng dại dột vùi đầu vào trong bóng tối để mỗi một ngày trôi qua lại than vãn với muôn người. Sống phải biết mỉm cười thật tươi, sống phải biết hoan hỷ và vui. Hạnh phúc thay cho những ai hiểu thấu lời Phật. Hạnh phúc thay Phật đã tới trong cuộc đời của chúng ta. Hãy trở về với Phật, sống với tự tánh Phật thanh tịnh, sống để mỉm cười trước muôn nghịch cảnh của cuộc sống, sống để mở rộng vòng tay nhân ái và yêu thương, sống biết che chở cho muôn người và biết che chở cho chính ta.

Như vậy thì những tháng ngày của những đoạn trường cay đắng sẽ chẳng còn có chỗ đứng trong những cảm xúc riêng tư của mỗi người. Bạn lựa chọn cuộc sống như thế nào? Hãy suy nghĩ và trả lời với chính mình!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi!

Thưa Phật! Kiếp người của chúng con yếu đuối vô cùng. Thấy đó, biết đó, hiểu đó, nhưng không đủ nghị lực để vươn lên, vẫn đắm chìm trong miền u tối, đau khổ. Chúng con thành kính nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con có sức mạnh như loài cỏ dại biết vươn lên để tồn sinh, biết thể nhập vào Phật tánh để thấu rõ. Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu nếu tạo được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts