Search

Bài 2165. Oằn Mình Trăn Trở | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Hãy nhất tâm hướng về ba ngôi Tam Bảo thường trụ để chúng ta bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Thưa Phật! Hôm nay chúng con thành tâm lễ kính mười phương Chư Phật với một lòng thành kính. Nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng và gia trì đặc biệt tới các người bạn đồng tu của chúng con đang lâm vào trọng bệnh cũng như tất cả những người thân, người quen biết có lương duyên hiện hữu trong cuộc đời cũng đang bị những căn bệnh trầm kha. Xin Chư Phật rủ lòng thương, ban rải hồng ân che chở, gia hộ để tất cả những người bạn đồng tu, những người bạn của chúng con và mọi chúng sanh đều được năng lượng đó giúp cho bệnh tật tiêu trừ để rồi tinh tấn tu học, vượt qua mọi chướng ngại. Xin Chư Phật chứng minh!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi! Nghĩ đến những bạn đồng tu, thân nhân, người quen đang lâm bệnh, chúng ta đón nhận năng lượng vi diệu từ mười phương Chư Phật gắn kết với các Ngài bằng Trí Tuệ và sự tự lực cầu đạo giác ngộ. Hồi hướng cho tất cả vượt qua mọi chướng ngại của cuộc đời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(15:04) Mô Phật! Các bạn! Mỗi một ngày chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều thông tin từ những người thân yêu hoặc là trên các trang mạng nếu như chúng ta ưa thích đọc. Mỗi một thông tin dù lành hay dữ đều tạo ra những cảm xúc vui buồn trong cuộc đời. Trong những ngày qua, dù không thông báo cho nhau biết, nhưng Bảo Thành vẫn cảm nhận được một số bạn đồng tu đang lâm trọng bệnh. Hoặc một số người mới quen đang bệnh những cơn bệnh trầm kha, chưa tìm ra nguyên chứng.

Đời sống của con người có biết bao nhiêu chuyện lui tới, để rồi trong mỗi chúng ta cứ trăn trở, lo lắng. Chủ đề này ngày hôm nay đưa đến một cảm xúc dâng trào, bởi thật sự ở đời người có thật. Có thật những sự trăn trở! Mà không phải trăn trở nhẹ nhàng đâu. Chủ đề cần phải suy nghĩ: “Oằn Mình Trăn Trở”.

Bạn ơi! Có khi nào ở trên giường vào buổi đêm tối, khi mọi người đã đi sâu vào trong giấc ngủ, riêng một mình bạn vẫn trăn trở oằn qua oằn lại, thao thức mãi, chập chờn, không thể ngủ? Có không? Có!

Từ thuở đi học, trước những ngày thi, ta cũng trăn trở oằn qua oằn lại, bởi một vài ngày nữa sẽ đi thi để ra trường, để đậu vào những cái trường tiếp tục trên con đường học. Và cuộc đời của chúng ta là một trường học, cứ phải thi và vượt qua thử thách mỗi một ngày. Suốt cả cuộc đời cho tới khi gần nhắm mắt vẫn trăn trở cho những người còn lại: “Liệu rằng khi ta đi, người còn lại như là chồng vợ, con cái hay người thân, cháu chắt sống sẽ ra sao?”. Khi còn thở, còn sống, trăn trở mãi trong cuộc đời vì miếng cơm, miếng áo, vì sự nghiệp, vì sức khỏe, vì những sinh hoạt của đời thường. Khi sắp ra đi thì oằn mình trăn trở, lo lắng cho người còn lại. Nhưng chúng ta thật sự quá thờ ơ với cái gốc của muôn sự đang tạo ra cho những gì gọi là lo lắng, sợ hãi, trăn trở cho cuộc đời. Ta chỉ lo xua đuổi, ngăn chặn những cái ngọn mà thôi, như người thấy hoa có sâu, chỉ đi cắt lá mà chẳng tìm hiểu nguyên nhân sâu từ đâu tới, để có thể chuyển hóa tận gốc. Cho nên cắt hoài, một vòng xoay ngược lại, sâu vẫn bò đầy, lá vẫn héo úa và hoa chẳng bao giờ được trổ, được nở, được khoe sắc, khoe hương. Cuộc sống của chúng ta lận đận quá! Trăn trở, lo lắng cho muôn điều nhưng không bao giờ nghĩ đến cái gốc để có thể chuyển hóa tận cùng, mà quá thờ ơ.

Hôm nay, chủ đề này nhắc tới, để chúng ta thấy rằng mỗi một con người đều có một trách nhiệm với cuộc sống, với cuộc đời của ta và những người ta yêu thương. Ai ai cũng có một sự trăn trở riêng, nhưng nếu để thấy rõ thì ta phải công nhận rằng, chỉ có những người mẹ mới luôn luôn oằn mình trăn trở, lo lắng cho các con. Lo lắng từ thuở con chưa nhập thế vào bào thai, đến khi cưu mang con trong bụng, 09 tháng 10 ngày trăn trở từng giây từng phút, trông chờ và lo lắng cho con. Đến khi sanh ra, cả cuộc đời của người mẹ lại oằn mình trăn trở, lo lắng làm sao đó cho đứa con mình có thể ít nhất là thành nhân, rồi sau đó là thành tài, thành danh. Mỗi một lần chúng ta nhìn vào đôi mắt của mẹ, những hằn sâu ghi khắc ở trong đó. Dù ánh mắt vẫn long lanh như sao trời, mà chúng ta nhìn kỹ sẽ thấy những vầng mây đen bao phủ trong sự trăn trở, lo lắng cho các con.

Đối với những con người đang lâm bệnh hiện thời, trăn trở vô cùng. Bởi khi có sức khỏe, mấy ai nghĩ tới một ngày nào đó ta sẽ bị bệnh và bệnh đó như thế nào. Và khi bị bệnh rồi, ta lo lắng, trăn trở, có chút bình an nếu có tín tâm tu học vững chãi, còn không, là sợ hãi đầy mình. Trên giường bệnh tưởng là yên, có bác sĩ chăm sóc. Đúng! Nhưng về phần tâm thì lo lắng quá cỡ.

Những cơn dịch bệnh quét ngang hành tinh này trong những năm qua, đã đưa người ta trở về sự trăn trở từ những cái gốc xảy ra dịch bệnh. Thế giới cứ đổ thừa vòng quanh cho đất nước này, đất nước kia tạo ra những con vi trùng đó. Dù là con người có tạo ra nó hay không, thì nhớ rằng tất cả đều là do ác nghiệp nhiều đời cộng hưởng. Không có chuyện gì đương nhiên mà tới. Hoặc do thiên nhiên mà tới thì cũng do cộng hưởng ác nghiệp nhiều đời tạo ra. Nhưng ít nhất dịch bệnh đã đưa con người tới để suy nghĩ rằng: “Cuộc đời vô thường thực sự, có đó rồi mất đó”. Chúng ta thực sự luôn luôn bị rơi vào tâm trạng lo lắng, sợ hãi, trăn trở mãi trong cuộc đời về thật nhiều thứ, từ vật chất để bảo tồn đời sống của con người tới tinh thần để giữ được sự thăng bằng trong cuộc sống. Hai điều đó, ta trăn trở mãi, rồi thờ ơ với đời sống tâm linh, mà Đức Phật dạy, tất cả đều do tâm mà hình thành.

Các bạn có khi nào nói với mình và những người khác: “À, bạn biết không? Người đó thật may mắn, sinh ra trong một gia đình có phước báu, cha mẹ giàu có, làm ăn được. Từ đó họ có gia tài cho những người đó học hành”. Đúng! Được nền y tế cao hơn, chăm sóc ở môi trường thuận lợi hơn. Bạn biết không, dù bạn sinh ra trong gia đình giàu có, đầy đủ phước báu hay sinh ra bên lề đường, bị quăng bỏ vào sọt rác, hình ảnh nào đưa tới cuộc đời chính thống của bạn tới với cuộc sống này, đều là do nghiệp của bạn. Chẳng phải họ muốn sinh ra ở gia đình đó là họ sinh. Rồi lại có người sinh ra ở những quốc độ tốt đẹp hơn. Cũng có những quốc gia nghèo khổ, ta thấy như ở bên Phi Châu. Có thật nhiều con người sinh ra, quần áo không có mặc, đồ ăn cũng không có, tiều tuỵ theo tháng ngày, sinh ra để chờ sự chết tới. Các bạn nhất định đã nhìn thấy những hình ảnh ở bên Châu Phi rồi. Hoặc những hình ảnh của những con người sinh ra ở vùng xa xôi cách trở, hẻo lánh, phải đào, phải bới để có được miếng ăn, sống như loài thú. Lại có những con người sinh ra trên đống vàng, thừa hưởng vô số phước báu. Những điều khác biệt đó, đều là do mỗi một người chúng ta bởi tâm tạo mà ra, tâm thiện hay tâm ác. Chúng ta lo xa mà chỉ lo ở bên ngoài, chẳng lo ở bên trong.

Nhìn lại thuở xưa, các mẹ của chúng ta, không những chỉ lo cho đời sống vật chất của con cái, mà hình ảnh của các mẹ như Bồ Tát, Thánh Hiền, luôn luôn lấy đạo đức làm sự chuẩn mực trong đời sống, vun trồng những phước báu, để có được những phương tiện trong cuộc đời mà trao tặng lại cho những đứa con. Các mẹ hồi xưa, các mẹ năm xưa và các mẹ ngay bây giờ vẫn luôn luôn và luôn luôn và chỉ có mẹ thôi, chỉ có mẹ thôi, luôn sống bằng đạo đức của các bậc Thánh Hiền, của cha mẹ, ông bà, của những người xưa để lại. Bởi các mẹ biết, qua các mẹ, con người mới có thể được đặt bàn chân trên hành tinh này, và chỉ qua các mẹ, con người mới có cơ hội hiện thân trong cuộc đời. Và chỉ có các mẹ mới hiểu được cái tầm cao phải lo lắng trong sự trăn trở như thế nào, để xếp đặt cho những người con có một cuộc sống hạnh phúc. Và bất cứ một người mẹ trên thế gian này, đều luôn luôn lấy đạo đức là nền tảng xây dựng ngôi nhà cho những đứa con qua mẹ mà vào cuộc đời.

Từ đó, chúng ta thấy rằng, mẹ là tất cả cuộc đời của chúng ta. Nhưng mẹ thật là tài, bởi mẹ dù theo tôn giáo này hay tôn giáo kia, thậm chí mà mẹ không theo một tôn giáo nào, thì tất cả các mẹ cũng luôn luôn theo cái đạo đức để nuôi dưỡng con cái của mình. Không có một người mẹ nào trên thế gian này mà không có đạo đức. Không có một người mẹ nào trên thế gian này mà không sống với tâm đạo của mình. Người ta có thể bỏ nhau, mọi sự có thể rời xa bạn, nhưng chỉ có mẹ không bao giờ bỏ bạn và mẹ không bao giờ rời xa bạn. Muôn sự mà chúng ta oằn mình trăn trở, nếu như sà vào vòng tay của mẹ, thì sự trăn trở đó, sẽ liền tiêu biến.

Chữ “mẹ” ngày hôm nay không còn đọng lại ở trong hai từ “Mẹ ơi” đã nuôi dưỡng ta, mà mẹ ở đây là mẹ của tất cả, mẹ của các pháp. Mẹ ở đây chính là từ bi và trí tuệ. Trí tuệ và từ bi là mẹ của muôn pháp. Trí tuệ và từ bi là mẹ của muôn chúng sanh. Và khi chúng ta trở về với trí tuệ và từ bi, nhất định muôn sự trăn trở của cuộc đời, dù đang mang thân bệnh, khó khăn về kinh tế, trắc trở về những mối tình, muôn sự lo lắng vụn vặt của thế nhân, đều được xếp đặt lại thứ tự, tuần tự để ta có thể nhìn thấu mà bắt đầu trở lại, sống trong hạnh phúc.

Bạn đang lo lắng điều gì? Bạn đang oằn mình trăn trở về điều gì? Nhìn cho rõ nơi mẹ của chúng ta luôn luôn có trí tuệ và từ bi. Trí tuệ và từ bi, và mẹ của chúng ta là một. Mẹ là hiện thân của Phật, Bồ Tát. Mẹ là hiện thân của từ bi và trí tuệ. Khi chúng ta trăn trở và đau khổ chính là những lúc chúng ta đã chạy xa vòng tay của mẹ. Khi chúng ta trăn trở, oằn mình lên trong những cơn đêm, oán thán với trời đất, chính là những lúc ta đã lìa xa trí tuệ và từ bi. Ai đó trong cuộc đời muôn nẻo ngược xuôi đang trăn trở ngoài kia, hãy nhớ, trở về với trí tuệ và từ bi, muôn sự lo lắng kia dần sẽ lắng xuống và vạn sự trắc trở sẽ dần hanh thông. Đây là chân lý!

Các bạn! Đức Phật dạy cho chúng ta giáo lý của Ngài thật cao siêu nhiệm mầu, nhìn rõ được tận gốc của những điều ta lo lắng, trăn trở trong kiếp người, để chuyển hóa. Không phải chạy vòng vòng, vòng vòng để cắt tỉa những lá úa, lá héo, lá sâu, mà không nhìn ra cái gốc nguyên nhân tạo ra nó. Để rồi cả cuộc đời ta đi theo chiều hướng lòng vòng, loanh quanh. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt? Hãy trở về với cội gốc của Chư Phật dạy, để đừng loanh quanh, loanh quanh nữa, chóng mặt té sụp xuống, một cuộc đời đã kết thúc và chẳng làm được gì, để rồi tái sanh trở lại trong sự lo lắng và sợ hãi. Luân hồi cứ thế xoay vần, thật khó thoát ra. Luân hồi cứ thế xoay vần, thật khó thoát ra cho nên chúng ta phải trở về bài dạy của Đức Phật – một trong những pháp của Đức Phật dạy đó là Tứ Chánh Cần.

Trong 37 phẩm trợ đạo, Đức Phật dạy Tứ Chánh Cần, chánh cần tức là tinh tấn; cần tức là tinh tấn – bốn điều cần tinh tấn; tứ tức là bốn; chánh là chánh tâm – bốn điều phải dùng chánh tâm tinh tấn. Thực ra bốn điều tinh tấn này trong Bát Chánh Đạo gọi là Chánh Tinh Tấn. Trong Chánh Tinh Tấn có bốn điều ta cần phải làm và thực hiện thì muôn sự trăn trở ở cuộc đời này, muôn sự khổ ở cuộc đời này, thử thách ở cuộc đời này, đau đớn ở cuộc đời này sẽ đoạn diệt được ngay. Để trở về với sự thái an, tự tại, không còn chướng ngại trong cuộc sống, dù phải đương đầu với muôn nghịch cảnh đang tới với chúng ta. Và tinh thần này có trong người mẹ, người mẹ nào cũng tinh tấn.

Nhìn đi! Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, mẹ của chúng ta luôn luôn nỗ lực để vượt qua. Vượt qua tất cả! Để nơi vòng tay của mẹ là vầng thái dương che chở và soi đường, để nơi vòng tay của mẹ là biển trời mênh mông vô tận của tình thương, gội rửa những phiền não cho con cái. Tứ Chánh Cần – bốn điều cần phải tinh tấn, sự nỗ lực vượt trội luôn luôn hiện thân nơi mẹ của chúng ta.

Đây là trong Kinh Trung A Hàm. Một thuở, Đức Phật gặp ông A Nan và nói rằng: “Hãy cố gắng, hãy cố gắng tinh tấn trong bốn điều. Điều thứ nhất là những điều ác đã xảy ra, thì phải thật nỗ lực tìm đủ mọi thứ để ngăn chặn, không cho nó tái phát, và những điều ác chưa xảy ra, thì phải nỗ lực tinh tấn, quán chiếu sâu sắc để nhìn rõ, để ngăn chặn, không cho nó trổ mầm; đây là hai điều”. Phải chăng điều này có ở nơi mẹ?

Bảo Thành đã được nghe biết bao nhiêu người mẹ chia sẻ rằng: “Bảo Thành ơi! Lo lắng cho đứa con như vầy, lo lắng cho con như kia”. Bởi người mẹ theo dõi và nhận ra mọi sự thay đổi từng giây phút trong cuộc đời của những người làm con. Mẹ luôn lo lắng! Và mẹ muốn che chở cho chúng ta, nên mẹ trăn trở trong cuộc đời, và mẹ đã tìm ra cách làm sao ngăn chặn được điều đó. Ông bà, tổ tiên, Thánh Hiền cổ đức, Chư Phật đã dạy cho chúng ta ngăn ngừa được những việc ác, không để cho nó tới, và dứt bỏ ngay những việc ác ta đã hành, thì nhất định đó là phương thức chuyển hóa mọi sự trắc trở trong cuộc đời, để lo lắng, phiền muộn không còn tới, hoan hỷ, hạnh phúc dâng trào.

Thế nên chúng ta thấy, không có người mẹ nào mà không từ bỏ những việc ác, ngăn chặn những việc ác tới với con của mình. Không có một người mẹ nào mà không khuyên răn người con của mình đừng tái phạm những chuyện ác nữa.

Bảo Thành cũng là con người, cũng là phận làm con, các bạn cũng là phận làm con, dù bạn có là cha, là mẹ, là bậc có quyền danh hay là ông, là bà đi nữa, thì các bạn vẫn là con. Và khi là con, ta vẫn luôn luôn còn nhớ sự trăn trở, lo lắng của mẹ chúng ta. Là làm sao khuyên răn chúng ta đừng bao giờ tái phạm những chuyện ác và luôn luôn ngăn chặn những chuyện ác chưa tới, đừng để nó xảy ra.

Đức Phật dạy pháp này rồi, cha mẹ của chúng ta không nói đây là lời của Phật. Tứ Chánh Cần tức là bốn điều cần tinh tấn mà đây là hai điều chúng ta nghe, tức là hai điều tinh tấn: không để pháp ác tái phát và ngăn chặn nó bộc phát; không để nó tái phát trở lại khi đã xảy ra và ngăn chặn nó bộc phát khi nó chưa xảy ra. Mẹ đã làm điều đó dù mẹ không dùng những văn tự của Phật giáo, của Thế Tôn một cách mượt mà, trau chuốt để nói cho chúng ta nghe. Nhưng chúng ta nhớ, những điều đó, mẹ đã làm, tất cả các mẹ đã làm, đều đúng theo tinh thần Tứ Chánh Cần trong 37 phẩm trợ đạo Đức Phật dạy, trong phương pháp tu tập của Bát Chánh Đạo tức là Chánh Tinh Tấn.

Mẹ đã tinh tấn để khuyên răn các con đừng để cho tội ác đã hành đã làm, tái tạo lại một lần nữa. Và mẹ luôn khuyên chúng ta phải tránh xa, đừng để cho tội ác xâm nhập vào đời sống của mình dưới mọi hình thức. Vậy mẹ đang dạy giáo lý của nhà Phật dưới ngôn ngữ của tình thương, của người mẹ, của sự khuyên răn, của sự dạy bảo, của một nền giáo dục Thánh Hiền, một nền giáo dục Phật Đà mà không xưng danh là Phật, là tôn giáo, mà chỉ tỏ lộ bằng tình thương mà thôi.

Rồi Đức Phật lại nói với ông A Nan: “Đó là hai điều. Còn hai điều nữa tức là những điều thiện mà chưa xảy ra, những pháp thiện mà chưa xảy ra trong cuộc đời, phải tinh tấn, phải nỗ lực tạo mọi điều kiện để pháp thiện đó, ta có thể thực hành được, và những điều thiện đã xảy ra thì phải tinh tấn nỗ lực trưởng dưỡng, vun trồng, để nó luôn luôn hiện hữu và tồn tại trong cuộc đời”. Cộng lại là bốn.

Ác có hai điều: đã xảy ra và chưa xảy ra; thiện có hai điều: đã xảy ra và chưa xảy ra, gọi là bốn. Đối với cái ác, phải luôn luôn tinh tấn, phải cố gắng hết mực, truy tìm cội nguồn ngăn chặn, không cho xảy ra, và không để cho nó xảy ra. Đối với điều thiện, phải luôn luôn tinh tấn nuôi dưỡng để những điều thiện đã được thực hành, được vun trồng, được xây dựng tiếp tục, và chưa thực hành thì nhất định phải thực hành cái pháp thiện đó. Đó gọi là bốn, mà Phật ngữ gọi là Tứ Chánh Cần – bốn điều cần phải nỗ lực, có nghĩa bốn điều ta cần phải tinh tấn tu học. Bốn điều này đều có nơi mẹ của chúng ta. Và nhất định phận làm con khi nhìn thấy, ta không thể để cho mẹ của mình oằn mình trăn trở, mà ta cần phải hợp tác với sự giáo dưỡng, khuyên răn, giáo dục của mẹ với chúng ta.

Nếu từ thuở nhỏ là một sự tự nhiên mẹ giáo dưỡng ta học, thì lớn lên, ý thức được, ta luôn luôn phải biết lắng nghe mẹ. Bởi mẹ luôn khuyên chúng ta từ bỏ việc ác, ngăn ngừa việc ác, làm việc thiện và phát triển tinh thần ấy. Mẹ đã dạy giáo lý của Phật cho chúng ta ngay từ thuở còn cưu mang ở trong bụng. Trước khi chúng ta nhập thai của mẹ, mẹ đã đi tới những nơi thờ tự thuộc các tôn giáo mẹ theo, để cầu nguyện, để cầu xin rằng: “Khi con tới với mẹ…”. Và khi con qua mẹ để vào trái đất này, sống như một kiếp người, thì hãy tới với những điều thiện hảo nhất. Và các mẹ luôn luôn cầu xin Chư Phật, cầu xin trời đất, cầu xin muôn vị linh thiêng gia độ cho người con ấy tới với cuộc đời phải có đầy đủ mọi phương tiện thiện lành để sống. Và sau đó, suốt cả cuộc đời cho tới hơi thở cuối cùng, mẹ vẫn luôn luôn, luôn luôn oằn mình trăn trở, lo lắng cho con cái. Sao phận làm con của chúng ta, vẫn tác nghiệp ác mà quên việc thiện, để cho cả cuộc đời của mẹ, trước, sau và ngay bây giờ, cứ mãi mãi trăn trở, oằn mình ra lo lắng cho những đứa con như ta? Bất hiếu, bất hiếu, bất hiếu!

Hôm nay nghe bài này để nhắc nhở cho chúng ta về giáo lý của Phật mà mẹ đã ứng dụng ngôn ngữ tình thương của loài người để khuyên răn, nhắc nhở: “Này con ơi, này những người con của mẹ ơi! Những chuyện sai trái ở đời, những chuyện ác ở đời con đã làm, thì cố gắng ngăn chặn, đừng tái lại nữa. Còn những chuyện ác con chưa làm, thì cố gắng nỗ lực nghiên cứu, học hỏi, để đừng bao giờ tạo điều kiện cho nó phát sinh”. Nhất định các bạn và Bảo Thành đã từng nghe lời khuyên răn của mẹ như vậy. Và mẹ cũng nhắc nhở rằng: “Ồ con à! Những điều đó là điều tốt, con đã làm. Cố gắng, cố gắng làm thêm. Đừng bao giờ hời hợt!”. Và mẹ cũng đã dạy: “Còn như những điều tốt đẹp con chưa làm, thì cố gắng làm đi con!”. Điều đó thân quen, ngọt ngào. Mẹ là hiện thân của Phật qua biển tình lênh láng yêu thương, gội rửa mọi phiền não cho chúng ta. Mẹ là mặt trời trí tuệ. Vậy trong mẹ đã có trí tuệ và từ bi. Và có nghĩa, trong mẹ đã có Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Có nghĩa sáng hơn, là trong mẹ đã có Thiền Mật song tu, vốn đã hành trong suốt chiều dài cuộc đời làm người, khi mang thân kiếp là người mẹ.

Nghĩ tới nhiêu đó để chúng ta thấy rằng, chúng ta phải thực hiện theo lời mẹ, và như vậy ta đã tu Phật pháp, như vậy ta đã tu Thiền Mật song tu, như vậy ta sẽ tiếp sức cho mẹ tăng long phước thọ mà sống đời với con cái; một hình thức báo hiếu siêu mầu theo đúng tinh thần của Phật pháp. Và chúng ta đã hành được Tứ Chánh Cần trong 37 phẩm trợ đạo của nhà Phật. Hay nói đúng hơn, chúng ta đã thực hiện đúng lời Phật đã dạy ông A Nan cần phải tinh tấn. Đúng hơn nữa, ta đã thực hành đúng Bát Chánh Đạo gọi là Chánh Tinh Tấn.

Bạn tìm gì trong cuộc đời khi học Phật? Pháp gì cao siêu nhiệm mầu hơn mẹ của chúng ta? Bạn tìm gì nơi những pháp vi diệu để gọi là chứng đắc thần thông? Thần thông sao bằng tâm yêu thương và trí tuệ của mẹ? Mẹ chính là thần thông, mẹ chính là Bồ Tát, mẹ chính là vị Đại Sĩ Thiên Thủ Thiên Nhãn ứng hóa thân dưới mọi cảnh giới để che chở cho chúng ta vào đời. Mẹ có ngàn mắt ngàn tay, mẹ là trí tuệ, mẹ là từ bi, và mẹ là Thiền Mật song tu, mẹ là Mu A Mu Sa, mẹ là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Hôm nay tại nước Mỹ, đang tiến dần về giữa tháng 11, thu đang tàn và sắp sửa chạm tới mùa đông. Không khí đã đổi thay, ngoài trời đã lạnh lắm, lá đã vàng và đang rụng dần dần, cây kia sẽ trơ trọi. Nguyện muôn điều ác sum suê trong cuộc đời của những người con lầm lỗi được một lần chuyển mình từ thu qua đông. Để những điều ác đó có thể rụng rơi, để tâm trở về cội, và ta có một lần nữa có cơ hội nhìn xuyên suốt pháp của Phật, pháp của Thánh Hiền cổ đức, tình yêu thương trí tuệ của mẹ hiển lộ trong tâm. Để biết tri ân mẹ, thương yêu mẹ hơn. Để không còn để cho mẹ oằn mình trăn trở trong cuộc đời nữa.

Đừng đợi đến phút cuối, khi mẹ không còn trên cuộc đời, lúc đó chúng ta mới quay ngược lại quá khứ để khóc than cho phận số. Mẹ vẫn còn đây, yêu thương mẹ tức là yêu chánh pháp của Như Lai. Yêu thương mẹ tức là nghe mẹ khuyên răn và thực hiện. Những việc ác đã xảy ra, ngưng ngay và đừng tạo điều kiện cho những mầm mống ác chưa xảy ra, có cơ hội phát triển trong cuộc đời. Những điều thiện đã hành, tinh tấn và làm theo. Và luôn khơi lòng từ bi và trí tuệ, để cho những mầm mống thiện lành được gieo vào cuộc đời. Thì muôn sự oằn mình trăn trở của mẹ sẽ hết, và tất cả các bạn nếu như đang trăn trở trong cuộc đời về những chuyện đang xảy ra với mình, nhìn về cái gốc thiện – ác y như Phật dạy, buông bỏ điều ác, hành điều thiện.

Các bạn đều biết ác là gì, thiện là gì. Ngăn chặn những điều ác đã tạo, ngăn chặn những điều ác ta chưa tạo, tức là tăng trưởng phước báu. Hành được những việc thiện ta đã làm, tiếp tục khơi nguồn cho những việc thiện chưa làm được hình thành, bạn đang tăng trưởng phước báu. Thì những sự trăn trở trong cuộc đời về thân bệnh, về tài chánh, về công danh sự nghiệp, về những phần lo lắng trong cuộc sống, sẽ dần dần được đoạn diệt, và bạn sẽ có được đời sống tự tại.

Nguyện cho chánh pháp của Chư Phật được nhận diện thật rõ bằng các sự thực hành bình thường thôi, nhưng đạt đến sự phi thường, diệu mầu, đó chính là buông bỏ việc ác, tinh tấn việc thiện, siêng năng mà thành, thì nhất định các bạn và Bảo Thành sẽ không còn oằn mình trăn trở trong cuộc sống về những điều bất như ý đã, đang và sẽ xảy ra cho chúng ta. Và cũng là một điều quan trọng với tinh thần đấy, ta đã là người con có hiếu đạo, thực hiện đúng với giáo pháp của Phật, để cho mẹ của chúng ta tăng long phước thọ, sống đời với con cái.

Nguyện cho tất cả những ai đang oằn mình trăn trở, lo lắng cho phận đời nhỏ bé của mình được trở về với nguồn cội của pháp thiện, tránh xa pháp ác, để có được năng lượng yêu thương thực sự và có được trí tuệ nhìn xuyên suốt.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải – Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – Từ Bi!

Thưa Phật! Chúng con nhất định sẽ nghe theo Ngài dạy, buông bỏ vạn sự ác, thực hành muôn điều lành trong tinh thần Tứ Chánh Cần – bốn điều tinh tấn, trong Bát Chánh Đạo: Chánh Tinh Tấn. Để không còn phải oằn mình trăn trở và cũng không để cho mẹ phải oằn mình trăn trở trong suốt cuộc đời bởi lo lắng cho phận làm con. Nguyện hồi hướng cho các mẹ tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, đoạn diệt phiền não, sống đời an vui.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Sự đồng tu nếu có được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả bạn đồng tu và những người thân quen đang lâm trọng bệnh đầy đủ phước báu, gặp thuốc hoặc thầy để được hết bệnh. Cũng hồi hướng cho mẹ được tăng long phước thọ, đoạn diệt phiền não, sống đời an vui cùng với các con.

Xin Chư Phật chứng minh, gia trì!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts