Search

Bài 2136. Dấu Chân Mờ Dần | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Mời tất cả chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ, Chánh Niệm trong hơi thở, khởi nguồn cho từ bi để quán chiếu thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Chúng con cũng hồi hướng công đức, nguyện cầu cho quê hương Việt Nam của chúng con và trên toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Nguyện cho tất cả chư hương linh vì dịch mà ra đi được vãng sanh cảnh an lành.

Xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Luôn nhắc nhở rằng, lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Chánh Niệm hơi thở để quán chiếu. Quán chiếu trí tuệ và từ bi, mỗi chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng ngay lúc này và tại đây. Luôn hồi hướng tới các đấng bậc sinh thành, gia đình, bạn bè, xã hội và cộng đồng, nhân loại. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:14) Mô Phật!

Các bạn! Hôm nay, thứ hai đầu tuần sau cuối tuần nghỉ ngơi, nhưng có lẽ rằng chúng ta chẳng thể nghỉ ngơi được bởi mọi người đang phải đối diện với đại dịch hiện tại. Nghỉ là gọi vậy, nhưng thực tế, chúng ta cứ phải lo lắng, suy nghĩ về những chuyện sẽ xảy ra. Là con người, ai cũng phải lo lắng, ngoại trừ khi còn bé thơ, sống dưới sự chăm sóc của cha mẹ, hầu hết, ta hồn nhiên, muốn gì được đó và ai trong chúng ta cũng thầm ước mong sao có thể trở về thuở thơ ấu để những nhọc nhằn, lo toan trong cuộc đời, để những lo âu, phiền muộn trong cuộc sống không tới với chúng ta. Nhưng mấy ai trong chúng ta có đủ pháp thần thông trở ngược lại quá khứ để hưởng được cái phước của một thời thơ ấu đâu. Quá khứ cứ mờ dần mỗi một ngày và hình như tương lai còn mờ hơn thế nữa, đặc biệt trong thời hiện đại mà ngay lúc này đây, bao nhiêu điều chúng ta không thể làm được thì tương lai hình như nó đã tắt lịm, còn quá khứ nó hiện thật rõ để chúng ta cứ hoài thương nỗi nhớ của một thời quá khứ đã qua đi.

Chủ đề “Dấu Chân Mờ Dần”, có lẽ có mấy ai trên đời này để ý cái dấu chân của mình đâu. Nếu có cơ hội, nhưng chắc có lẽ khó trong thời đại này, ngoại trừ các bạn làm một buổi dã ngoại đi tới những khu phố đi bộ. Ở Việt Nam hình như đã có những thành phố mà người ta không cho xe cộ đi vào, chỉ dành riêng cho đi bộ thôi. Nếu bạn có cơ hội đi tới khu phố đi bộ để khám phá thì bạn không thể thấy được dấu chân huống chi là mờ dần với hàng trăm ngàn những bước chân vội vội vàng vàng, ngang dọc dọc ngang. Nếu bạn nhìn xuống những bàn chân của họ bước đi, bạn sẽ tối mặt tối mày, thậm chí mà có thể té xuống bởi cuống cuồng trong những bước chân ngang dọc ở cõi đời.

Rồi thì sao đây? Trên thế giới, những thành phố lớn, người ta đi bộ là bởi vì đi xe tới chỗ đó khó, cho nên hầu hết là đậu xe ở xa rồi đi bộ. Đi bộ trong những hầm của những chuyến xe lửa, xe điện. Trên thành phố, họ đi vội vội như phi tên bắn để có thể kịp tới chỗ làm.

Những dấu chân của thời đại ngày nay, thời đại văn minh, thời đại mà con người lên tới cung trăng, lên tới sao Hỏa, thoát ra khỏi Trái Đất và vũ trụ này, vậy mà những bàn chân của con người vẫn thật thô sơ, thô thiển ở trong những cái năng lượng vội vã tìm kiếm, mưu cầu tiền tài, danh vọng, địa vị hay chỉ thỏa mãn cảm xúc, cảm giác của chính mình. Thì còn đâu, thì còn đâu cái dấu chân an lạc của Thế Tôn trong cuộc đời?

Chúng ta nhớ, Đức Phật là bậc giác ngộ thuở không phải là không có xe. Thời đó có xe bò, xe ngựa rồi nha các bạn! Xe bò, xe ngựa cũng gọi là xe. Vào thời đó, xe bò, xe ngựa thuộc hàng văn minh rồi. Nhưng Đức Phật vẫn chọn phương pháp kinh hành tức là đi bộ. Có lẽ không phải là thô sơ quá, Ngài không biết tận hưởng cái văn minh, nhưng bậc giác ngộ thong dong và tự tại, từng bước chân an lạc của đấng đại giác đại ngộ như đóng dấu vào mặt đất của trần gian, truyền tải cái năng lượng từ bi và yêu thương, trí tuệ, in dấu ngàn đời cho những chúng sanh nào đó có cơ hội nhìn thấy dấu chân ấy, dấu chân của bậc giác ngộ, nhất định sẽ lần theo dấu chân của Ngài, bước tới để tận hưởng được sự an lạc và hạnh phúc.

Dấu chân an lạc của đấng giác ngộ thật quan trọng, nhưng chúng ta thường lần theo những cái cao quá. Cao hơn cả dấu chân của bậc giác ngộ, thượng đỉnh lên trên cái đầu để tìm những thức uyên bác, mầu nhiệm mà quên rằng dù là kiến thức, suy nghĩ cao tột cùng hay một bước đi rất bình thường, cái quan trọng vẫn là sự an lạc nơi cuộc sống.

Ta đi làm sao thật an lạc, như đặt bàn chân xuống ôm ấp mặt đất thân yêu, để giữa đất và ta, giữa ta và trời, Thiên – Địa – Nhân có thể hòa hợp, dung thông, chẳng phân chia. Dù là trời cao cao vô tận, dù là đất gần gần tận trước mắt, dù là thân này đi nữa thì giữa thân này, con người này, giữa mặt đất này và trời cao kia phải là một, dung thông với nhau, chẳng phân cách, chia ly. Đặt được dấu chân như vậy, thong dong như thế, tự tại như đấng giác ngộ thì nhất định, chúng ta chẳng cần gì. Bởi vì sao? Bởi bước chân đó đã in dấu đầy đủ của bậc trí tuệ có từ bi vô cùng.

Chúng ta ngưỡng mong rằng còn có thể nhìn thấy những dấu chân an lạc của những bậc tôn túc như thuở xa xưa khi tới chùa, ta phưởng phất thấy được hình bóng của một vị tôn túc Tăng hoặc Ni, dưới màu áo nâu sồng, từng bước chân nhẹ nhàng đang đi thật chậm rãi, tịch tĩnh, có thể đang quét rác ở trên sân chùa hay đang kinh hành trong đại điện với tướng hảo nhẹ nhàng thanh thoát. Bận rộn bôn ba trong cuộc đời, trầm kha lo lắng về tài vật, về cuộc sống cơm ăn áo mặc thì khi chúng ta bước vào cửa thiền môn, cửa chùa, tịnh thất, am xá, hầu như sự an lạc của dấu chân những bậc tôn túc ấy làm cho bao nhiêu phiền muộn, lo lắng phải tiêu tan.

Nhưng ngày nay, thật hiếm có! Ngay cả dấu chân của chúng ta cũng không còn in trên mặt đất, nói chi đến nó mờ dần. Vì sao? Vì dịch bệnh, chúng ta không còn đi được nữa.

Một thời đại văn minh mà phải tù túng tại chỗ. Bao nhiêu sinh hoạt đời thường không còn. Con người chẳng thể đi, dấu chân chẳng thể in, lấy gì để mờ? Đó không phải là vấn đề chúng ta cứ đào bới để tìm hiểu như bốn chữ “Dấu Chân Mờ Dần” theo thể thức của văn chương thơ phú mà nói thực tiễn hơn, cửa thiền môn, cửa nhà chùa, am thất, ngay cả những nơi thờ tự của các tôn giáo khác đã phai mờ dần những dấu chân của những tín đồ theo tôn giáo đó. Bởi vì đại dịch, chân không bước xuống đúng chỗ một ngày thì ngày sau cũng chẳng còn, huống hồ 01 tháng và đã trên 02 tháng, và nói đúng hơn trên cả 02 năm trời rồi, ai ai cũng rất sợ vì dịch mà chẳng tới chùa, tới cơ sở tôn giáo, ai ai cũng vì dịch mà sợ, không dám bước ra ngoài tung tăng, nhẹ bước. Sợ quá! Sợ đến mức mà người ta không còn nghĩ đến Phật, không còn nghĩ đến những bậc thiêng liêng, không còn nghĩ chùa, không còn nghĩ nơi thờ tự là những nơi có thể tới nương nhờ vào đó để lấy lại sự bình an, để có thể đặt bàn chân xuống ghi khắc cái dấu chân nơi cửa thiền môn, đánh dấu những sự an lạc vốn có ở trong cuộc đời.

Chúng ta thực sự đã đánh mất sự an lạc của cuộc sống rồi, cũng chỉ vì dịch mà thôi!. Và rồi từ đó đã khởi lên một sự suy nghĩ tạo thành một khái niệm sợ. Sợ không dám đi!. Và vào những buổi chiều hay những ngày cuối tuần, thưa thớt ở những cảnh thiền môn, chùa chiền, những nơi thờ tự, hình như vắng bóng hẳn những tín đồ theo Phật giáo hoặc các tôn giáo khác. Hàng Phật tử của chúng ta cũng chẳng còn nghĩ tới đến chùa. Hầu hết là tại gia để tu, bởi dịch mà. Và cũng vì đó mà hình như ta không sử dụng cái chân của mình nữa. Ngồi một chỗ, nhưng sự đời không dễ. Ngồi một chỗ để thiền như các bậc tu thì có lẽ đã hay, nhưng chúng ta lại ngồi một chỗ ngóng trông cái gì đó của những ngày tháng chưa dịch, của những ngày tháng đã qua trở lại để chúng ta lại được vui.

Có khi nào các bạn hỏi: “Ta sẽ làm gì khi dịch đã không còn nữa?”, “Điều đầu tiên bạn muốn làm là gì?”.

Nhiều bạn có thể ước rằng khi hết dịch, tôi sẽ đi chơi cho thỏa mãn. Khi hết dịch, tôi sẽ đi du lịch. Khi hết dịch, tôi sẽ đi ăn đi uống, tôi sẽ đi mua sắm cho thỏa thích, tôi sẽ đi gặp bạn, sẽ đi họp bạn,…Nếu như được ghi xuống thì theo cái cảm tính của con người khi hết dịch, chúng ta chắc có lẽ cũng lòng vòng ở những thứ đó. Nhưng ngược lại, khi hết dịch thì vẫn còn thật là nhiều người đau khổ bởi họ chẳng cầu mong đi thăm, đi chơi mà họ sẽ bước ra tại nghĩa trang để thăm cái phần mộ chưa một lần được đào xuống cho người thân trong đại dịch, hoặc chỉ biết quỳ gối khóc ròng, nhìn lên hũ tro cốt của người thân.

Mấy ai trong chúng ta có cái suy nghĩ khi hết dịch làm một chuyến tâm linh như ghé ngang một ngôi chùa, trở lại sự sinh hoạt bình thường với tôn giáo của mình?

Ủa, mà sao phải đợi đến hết dịch? Ngay bây giờ chúng ta đang nghĩ gì?

Nếu chúng ta thực sự không kinh hành trên con đường an lạc trí tuệ – từ bi thì dấu chân của tâm đức nơi mỗi người sẽ chẳng khắc ghi được trong cuộc đời, làm sao có thể tăng trưởng được phước báu, chuyển hóa được nghiệp ác nhiều đời ta đã tạo?

Chúng ta vì dịch, vì sự quay cuồng và bị xoáy vào vòng xoáy của cuộc đời, những lúc như thế này, thay vì thế thì chúng ta tịch tĩnh lại, nhìn vào trong tâm, bước ngược lại vào ở bên trong để nhìn cho rõ, nhìn cho rõ sự vô thường của cuộc đời, nhìn cho rõ cái bản ngã của mình để thấu được những niềm đau nỗi khổ có được trong ta, nguyên nhân tới từ đâu, để dù không đi thì dấu chân an lạc, bình an của Chư Phật vẫn từng bước, từng bước đang đi ngược lại dòng thời gian, đến để gặp bạn.

Đây là cái thời tuyệt vời nhất, chẳng phải vì dịch làm cho chúng ta sợ mà gọi ngược là tuyệt vời. Tuyệt vời bởi đây là hoàn cảnh đặc biệt ngàn năm mới có một thuở để chúng ta có thể trở về với tự tánh. Bởi hoàn cảnh không thể làm những chuyện rất đời thường của con người mà làm những chuyện phi thường của kiếp nhân sinh, đó là trở về tiếp xúc với cội tâm an lạc ở trong mình, ở trong đời. Một thời đại phi thường như thế để làm một chuyện phi thường như vậy, sao chúng ta lại không tác động vào để bắt đầu?

Có cơ hội lúc nào hơn lúc này đây, lúc mà chúng ta, mọi người có thể không cần phải làm gì nữa, chỉ cần nghĩ về cái tâm của mình, bởi những điều ta muốn làm cũng không thể làm được thì chi bằng ngồi tại chỗ nơi trú xứ, nơi nhà của mình, nơi địa phương của mình tịnh tâm đôi chút, nhớ về lời Phật, để trải miền đất tâm ra, quét sạch hết đi và đón mừng Đức Thế Tôn bước trở lại cuộc đời của chúng ta, in dấu chân an lạc của Ngài vào trong tâm. Các bạn nhớ, nếu bạn có thể chạm vào dấu chân của Ngài, nếu bạn có thể đặt bàn chân của bạn vào dấu chân an lạc của Phật thì cuộc đời của bạn có phước vô cùng. Muôn sự khổ chẳng thể còn tới lui với bạn!

Hãy quét sạch miền chân tâm! Hãy sẵn sàng đi! Vẫn còn rất kịp cho chúng ta. Đừng cứ ngồi đó mà mơ ước nếu một mai khi dịch bệnh đã hết, chúng ta sẽ làm gì và hãy trả lời với mình rằng ngay trong thời đại dịch, chẳng thể làm những chuyện mà chúng ta cần phải làm trong kiếp nhân sinh, phá toang cửa tâm thức, quét sạch miền đất tâm và ngồi xuống thong dong, tự tại pha một tách trà, có thể nói: “Phật ơi, con đã sẵn sàng! Con xin cung thỉnh Ngài bước vào cuộc đời của con, in dấu chân an lạc của Ngài trong miền đất tâm này đây, để con có thể in dấu chân của con trong lòng bàn chân an lạc của Phật, để dấu chân Phật ôm ấp cuộc đời con, che chở cho con”.

Chỉ có thế! Một khái niệm đơn giản, đừng cầu kỳ ở những pháp tu cao siêu nhiệm mầu ở những văn tự gọi là thông suốt, siêu xuất mà hãy trở về với những cảm xúc rất người, nói những ngôn ngữ bình dị: “Phật ơi! Xin hãy vào cuộc đời của con”.

Có khi nào bạn dám nói một cách đơn giản như vậy không, lột trần như vậy không? Có khi nào bạn dám nói một cái ngôn ngữ tuổi thơ như hồi xưa: “Mẹ ơi, mẹ ôm con đi!”?. Các bạn có nhớ không? Thuở rất thơ, thuở rất trẻ, cái thuở mà chân thật vô cùng, ta gặp mẹ ta dám nói: “Mẹ ơi, ôm con đi!”. Chỉ có như vậy thôi, khi mẹ ôm vào, ta hạnh phúc vô cùng. Lớn lên, chữ nghĩa cao, văn tự cao gọi là siêu siêu rồi, ta đến với Phật, ta tác bạch những văn tự mà đọc ra sao nó sáo rỗng. Những lời tế, những lời văn chương, Phật đâu cần những ngôn ngữ lượm lặt để rồi lắp ghép lại với nhau như một khúc nhạc rap để tấu trình lên Phật cho nó hay đâu?! Mà chẳng phải nói rằng Phật cần mà phải nói là ta rất cần trở về với cái tánh thơ của chính mình, nói một lời thật nhẹ: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời của con để cuộc đời con như một mảnh đất, một mảnh đất như thuở xưa, mảnh đất của chân tâm hồn nhiên và thanh tịnh, lại một lần nữa trong đại dịch này, được in dấu chân của Phật”.

Bạn nhìn kỹ trong tâm của bạn đi! Dấu chân bậc giác ngộ, dấu chân an lạc của Phật đã mờ dần trong tâm bởi sự lo lắng và sợ hãi, sự khủng hoảng của tinh thần, vật chất.

Có lúc nào trong thời bình, cái thời mà các bạn cảm thấy như hòa bình đó, mà đói đã tới với các bạn, tiền không có, gạo cũng không? Có cái thời nào mà các bạn thấy quyền lực của biết bao nhiêu con người có quyền chà đạp lên những người yếu như thứ dân? Có khi nào bạn thấy tham nhũng tràn lan từ những người tổ trưởng khu phố, chủ tịch, ấp, phường, xã mượn cái quyền danh chặn đứng mọi thứ để có thể cầu lợi cho họ mà quên lãng làng xóm, nhân dân của họ đâu? Thời đại dịch, ta có cơ hội thấy được tấm lòng của tất cả mọi người được phơi bày ra, tâm tham hoặc là tâm từ bi, trí tuệ hoặc là vô minh. Lúc này đây, ta có cơ hội thấy được. Và nếu như một thời mà ta có cơ hội thấy được vô minh và trí tuệ, từ bi và tham – sân – si, ta lại tĩnh tâm, lắng đọng, sàng lọc để quán chiếu thì đúng là cơ hội ta đang tu thiền thực sự mà không qua những mẫu tự của thiền môn, huyền ngữ văn chương mà qua cái tâm cảm bình thường chân chất, chân thật và hồn nhiên: “Phật ơi! Xin hãy bước vào cuộc đời của con. Phật bước vào cuộc đời của con để con được in dấu chân Phật – dấu chân an lạc vào trong tâm. Dù cuộc đời này không còn như xưa, dù tương lai mịt mờ không thấy nhưng ít nhất hiện tại, con vẫn cảm thấy ấm cúng ở trong lòng bởi Phật đã bước vào cuộc đời của con”.

Nếu bạn một lần dám nói một câu đơn giản như vậy: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời của con”, nhất định Phật sẽ tới.

Không cần một pháp thiền cao siêu. Không cần một pháp tu gọi là Mật Tông, Kim Cang, Đại Thừa huyền bí. Không cần phải đi qua sự thực tập của thiền quán Vipassana, Tứ Niệm Xứ hay niệm Phật cho đến khan cổ, hay đọc Kinh râm ran cả ngày, mỏ chuông rình rang. Chỉ cần cái tâm chân thật nói một lời thật thật, thật thơ, thật hồn nhiên: “Phật ơi! Xin hãy bước vào cuộc đời của con”.

Ngay lúc này, nếu bạn thành tâm và nói ở trong tâm đó, chứ còn các bạn nói ra ngôn ngữ nữa thì tuyệt vời. Nói đi, bạn nói đi: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời của con”.

Nếu bạn có thể và dũng cảm nói một câu đơn giản như vậy: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời của con” thì bạn sẽ có khả năng nhìn thấy dấu chân an lạc của Phật rõ dần, hiện rõ dần trong cuộc đời, chẳng mờ nữa đâu.

Chúng ta nghĩ đi! Có phải rằng Bảo Thành và các bạn đang cần sự an lạc? Sự an lạc chỉ có thể tới từ Phật mà thôi! Mà Phật là trí tuệ và từ bi. Nếu bạn có thể mời: “Phật ơi! Bước vào cuộc đời của con”, bạn có thể chuyển ngữ, dịch cho nó rõ hơn là trí tuệ và từ bi trong từng Chánh Niệm hơi thở, đó là hiện thân của Phật đang bước vào cuộc đời. Thay vì ngồi đó mà hãy nói: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời của con đi, để dấu bước chân an lạc của Ngài có thể in dấu trong cuộc đời” thì bạn có thể ngồi đó thở trong Chánh Niệm, tịch tĩnh quán chiếu tâm từ bi, tâm trí tuệ thì hóa thân của Chư Phật sẽ hiển lộ, bước vào cuộc đời, đặt chân an lạc trên miền đất tâm của bạn.

Bạn có nghe kịp không? Hãy ngồi xuống! Hãy ngồi xuống đây trong tĩnh lặng! Dù không gian ngoài kia bao trùm những sự hoảng sợ, lo âu của dịch bệnh, của công ăn việc làm, lo toan trong đời sống, hãy ngồi xuống!

Hãy ngồi xuống trong Chánh Niệm hơi thở, hãy quán từ bi và trí tuệ thấy pháp vô thường sanh diệt, tức là mở cửa tâm thức nói một lời chân chất: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời của con”!. Bạn làm được những điều đó, bạn luôn có Phật trong tâm. Bạn làm được điều như vậy thì dấu chân an lạc của Phật càng ngày càng rõ, chẳng mờ dần đâu.

Bạn có biết không, nếu bạn được đặt chân của bạn vào trong dấu chân an lạc của Phật, đau khổ sẽ biến ngay, tai họa sẽ chẳng còn, hạnh phúc sẽ tràn đầy, an lạc sẽ luôn có. Và để có dấu chân an lạc của Phật không bị mờ dần mà hiện rõ ở trong tâm thì hãy nói đi: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời của con bằng Chánh Niệm của hơi thở”. Chánh Niệm hơi thở là con đường viên giác và trên con đường viên giác Chánh Niệm hơi thở đó, dấu chân của trí tuệ và dấu chân của từ bi, dấu chân phải là bàn tay phải, dấu chân trái là bàn tay trái đặt vào với nhau trong sự tọa tĩnh của thiền định, Chánh Niệm của hơi thở, quán chiếu của từ bi và trí tuệ, bạn sẽ diện kiến Phật ngay trong tâm.

Đừng để cho sự lo lắng, sợ hãi của dịch, đừng để cho những ước mơ một mai khi dịch đã hết, ta sẽ làm gì để cứ xây mãi những lầu đài mơ ước của dịch bệnh tiêu tan để thỏa mãn những điều không thể làm trong ngày hôm nay, mà làm đổ sụp cái ngôi nhà Chánh Pháp ở trong tâm để quên đi rằng hiện tại ngay bây giờ, Chánh Niệm trong hơi thở, quán chiếu trí tuệ và từ bi là trở về với cội nguồn của chân tâm, là đón nhận Phật vào cuộc đời của chính mình để Phật in dấu vào miền đất tâm dấu chân an lạc của Thế Tôn, của bậc giác ngộ tới với cuộc đời của ta!

Sao chúng ta lại để cho dấu chân an lạc của Phật mờ dần trong cuộc đời? Nếu không thể tới chùa, nếu không thể tới các cơ sở tôn giáo theo tín ngưỡng mình tin thì chúng ta có thể trở về với ngôi tòa Chánh Niệm hơi thở, với ngôi chùa của chân tâm hiện hữu ở nơi đây bằng Chánh Niệm hơi thở và từ bi, bằng một câu triệu thỉnh vi diệu vô cùng đó là: “Phật ơi! Xin hãy bước vào cuộc đời của con”, và chúng ta, trong Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu từ bi và trí tuệ, mười phương Chư Phật, Thánh Hiền đều hiển lộ ở trong một niệm, một niệm Chánh ngay bây giờ, tại đây, chỗ này, hoan hỷ vô cùng.

Đây là sự thật nếu bạn thực tập thì bạn đã chứng minh rằng thốt lên một lời chân thật nhất như còn thuở rất thơ: “Mẹ ơi! Xin ôm con vào lòng” thì bây giờ như người trẻ thơ đã được trở về với cha của mình, ta nói: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời, xin ôm ấp con, xin che chở cho con”. Và trong hơi thở Chánh Niệm quán chiếu từ bi – trí tuệ, nó thể hiện được cái tinh thần mời gọi Đức Phật một lần nữa trong đại dịch, bước vào và ghé ngang thăm cuộc đời của các bạn để dấu chân an lạc của Ngài được in dấu trong miền đất tâm của bạn.

Nếu bạn đang hoang mang, hoảng sợ, nếu bạn đang mập mờ chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai thì ít nhất ngay bây giờ bạn phải biết, bạn phải biết biết cái tánh biết trong Chánh Niệm hơi thở, biết được trí tuệ và từ bi là mấu chốt để nhìn rõ vô thường, vạn pháp sanh diệt, và bạn phải biết rằng dấu chân an lạc của Phật không thể mờ dần bởi đại dịch nhưng sẽ hiện rõ dần dần trong cái tâm giữ được Chánh Niệm.

Trí tuệ và từ bi quán trong Chánh Niệm hơi thở là lời triệu thỉnh cao cả nhất để mời Phật bước vào cuộc đời của bạn dù bạn đang không thể đi đâu được. Thế gian có thể ràng buộc bạn, nghiêm cấm bạn, thân xác không có thể đi nhưng tâm hồn của bạn, tâm linh của bạn, ý tưởng của bạn vẫn có thể vươn lên trời cao bay bổng tận hư không để gặp Phật trong ngay Chánh Niệm hơi thở tự tại của từ bi – trí tuệ quán.

Bạn đang tìm kiếm gì? Mấy ngày qua ở Việt Nam đang rục rịch sẽ mở cửa, biết bao nhiêu bạn trẻ và biết bao nhiêu người lớn tuổi hân hoan vui mừng, chờ đón: “Ôi, sắp sửa hết dịch rồi, tôi sẽ được đi ngược Nam xuôi Bắc, tôi sẽ được đi tới miền này miền kia, đi du lịch cho thỏa mãn, đi ăn đi uống, đi chơi, đi chợ, đi mua sắm, đi thăm người này đi thăm người kia”. Chắc cũng có một số bạn hoặc quý vị khi hết dịch, tôi sẽ trở về chùa, tôi sẽ đi gặp thầy, gặp sư phụ của mình, các bậc tôn túc hoặc thăm cha thăm mẹ. Ở trong đó vẫn có những người chẳng thể đi đâu được bởi khi hết dịch họ buồn lắm, bởi người thân chẳng còn nữa.

Nhưng đó là những cảm xúc của con người bình thường khi hết dịch thôi! Người ta chưa mở cửa kìa! Bởi vì vừa mở, họ đã khóa. Mở – khóa, mở – khóa thấy chóng mặt. Nhưng nếu ý tưởng của bạn chỉ đắm chìm trong sự mơ ước rất tầm thường của con người để thỏa mãn những điều không thể làm trong quá khứ bởi đại dịch thì bạn đã coi thường bạn quá nhiều!

Trong ta vẫn còn những việc thật phi thường có thể làm được qua cái hơi thở bình thường của Chánh Niệm từ bi – trí tuệ quán. Một hơi thở bình thường đó thôi, trong Chánh Niệm đó mà bạn có thể triệu thỉnh được Phật bước vào trong tâm thì phải chăng một con người tầm thường với hơi thở tầm thường, chúng ta đã làm được chuyện phi thường là triệu thỉnh được Phật vào trong cuộc đời để Ngài in dấu bước chân an lạc của đấng giác ngộ vào miền đất tâm của chúng ta?

Hãy dõng mãnh và nói rằng: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời của con để trong lúc này, dù dịch có phong tỏa tất cả nhưng tâm của chúng con luôn hướng đến Phật. Chúng con chưa thể đến chùa, chưa thể đến thiền thất, am thất, tịnh xá để tu cùng các bậc sư phụ hoặc các bậc tôn túc nhưng chúng con lại phước báu may thay, có thể trở về ngôi nhà của Chánh Kiến nơi tự thân để mời Phật vào cuộc đời, in dấu an lạc trong đời hèn mọn kiếp người này đây”!

Cần lắm những lời chân thật, cần lắm những tâm sự hồn nhiên, không màu mè sắc tướng, không văn tự cao siêu mà chân thật như chính mình! Nói đi các bạn, hãy nói cùng với Bảo Thành đi các bạn, là: “Phật ơi! Xin bước vào cuộc đời của con và qua Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, con mời Phật vào cuộc đời, xin Ngài hãy in dấu chân an lạc vào cuộc đời của con để những miền đau thương, u uất nơi kiếp sống này được xóa mờ đi và in lại ở đó dấu chân an lạc của Phật”. Chúng ta có khả năng làm được điều đó và hãy làm ngay!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

Thưa Phật! Chúng con xin mời Phật bước vào cuộc đời của chúng con trong Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, xin dấu chân an lạc của Ngài in dấu trong miền đất tâm này, để nương vào dấu chân an lạc đó, đấng bậc sinh thành là cha mẹ, là ông bà, gia đình, cộng đồng, xã hội luôn luôn được tỏ rõ sự an lạc đó vẫn còn ở trong tâm nơi mỗi người khi trở về với Chánh Niệm, nguồn từ bi và trí tuệ.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức cho tất cả mọi chúng sanh phước báu nếu có được trong sự đồng tu ngày hôm nay để tất cả đồng thành Phật đạo. Và hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng ta và thế giới mau thoát khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts