Search

Bài 2123. Thần Tượng Một Người | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Lượng đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, kênh Facebook Chùa Xá Lợi!

Giờ đồng tu đã tới, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo, giữ thân tâm thanh tịnh để bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương và thắp sáng đuốc tuệ cho chúng con để chúng con quán chiếu thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở thấy được thực tướng các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng đồng hồi hướng Chư Phật gia trì đặc biệt cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới thoát khỏi cảnh đại dịch để muôn người trở về sống bình an.

Xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Với mật ngôn thiền từ bi Mu A Mu Sa và mật ngôn thiền trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, hòa nhập vào với Chánh Niệm hơi thở trong từng giây phút, mỗi một người, mỗi một bạn đồng tu, chúng ta sẽ đón được thật nhiều tha lực để cùng với sự tự lực cầu đạo giác ngộ nơi chúng ta biến thành năng lượng vi diệu để quán chiếu, nhìn thấu, nhìn rõ, tăng trưởng sự hiểu biết để buông, để bỏ, để tự tại và an nhiên.

Luôn nghĩ đến những đấng bậc sinh thành, gia đình, cộng đồng, xã hội, nhân loại, hãy san sẻ và lan tỏa mọi thể loại năng lượng thanh tịnh nhất trong sự đồng tu tới với nhau.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(17:36) Mô Phật!

Các bạn thân mến! Chúng ta cùng phát nguyện đồng tu với nhau mỗi một ngày, dù cho sự bận rộn của cuộc đời không bao giờ ngừng thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ ngừng sự đồng tu bởi mọi người đều thấy rõ chí nguyện đồng tu là để tăng trưởng trí tuệ, lan tỏa yêu thương, trưởng dưỡng và nuôi nấng cuộc đời của chúng ta và tất cả những người thân, bạn bè, chúng sanh hiện hữu trong cuộc đời.

Trên con đường tiếp cận ánh sáng và khởi nguồn cho yêu thương đi tới mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời, thông thường, chúng ta bị muôn sự ở đời lôi kéo, khó có thể tự chủ, tập trung với thời gian cho phép giữa những cơn lốc xoáy của cuộc đời xoay vần, vậy nên sự đồng tu là một sự sách tấn lẫn nhau để nhắc nhở, để thúc đẩy, để cùng nhau vượt qua những trở ngại bình thường trong cuộc đời để chúng ta vững niềm tin, tiếp tục trên con đường tu để tìm về với tự tánh nơi cuộc đời của chúng ta.

Chủ đề hôm nay là một chủ đề chia sẻ để cho chúng ta nhìn rõ hơn một mặt của cuộc đời, một hiện tượng trong cuộc sống, một sự việc mà xưa đến giờ luôn luôn có và nó rất cần có, nhưng phải nhìn ở góc độ và ứng dụng như thế nào để trở thành thiện mỹ, còn không nó sẽ phá hoại cuộc đời của mỗi người và còn tiêu diệt người ta thương yêu, chủ đề là “Thần Tượng Một Người”.

Không phải bây giờ mà xưa lắm rồi, xưa như trái đất, khi con người có được ý thức sống trong một tập thể nhỏ rồi lớn hơn, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, và thần tượng một người là một nét đẹp của văn hóa hình thành nên xã hội. Ai trong chúng ta, Bảo Thành và các bạn, thuở nhỏ, thanh niên, thiếu niên, trung niên hay lão niên, chúng ta vẫn luôn luôn thần tượng một người nào đó, bởi người đó có khả năng vượt trội, có trí tuệ, có điều gì hay, có điều gì đó mà ta thấy hợp, ta mơ ước rằng ta làm được như họ, từ đó ta thần tượng họ, nói nhẹ hơn thì như một người mẫu để ta nương vào hình ảnh đẹp, trí tuệ, khả năng, cái đặc biệt của người ấy để chúng ta tiến lên, thành tựu những ước mơ.

Cha mẹ nào cũng muốn con cái có những thần tượng đúng. Đúng với đạo đức, đúng với trí tuệ, chân thiện mỹ tốt đẹp để con mình nương vào những thần tượng cao cả hoặc những thần tượng tốt đẹp, mô phạm để học, để nghiên cứu, để vươn lên. Và nếu như hỏi rằng các bạn và Bảo Thành có thần tượng một ai không? Chắc chắn là có, chắc chắn là có!

Hồi Bảo Thành học Phật, Bảo Thành luôn luôn thần tượng Thầy Tổ, là một vị mô phạm, một vị xuất trần thượng sĩ mẫu mực để từng ly từng chút trong sự học hỏi, nghiên cứu để thành người, Bảo Thành luôn luôn nương vào Thầy Tổ để có thể sửa mình, uốn nắn đi theo con đường của Thầy Tổ. Chúng ta khi đi học hoặc khi bắt đầu tuổi 13, 14, 15, thanh niên, thanh nữ, chúng ta bắt đầu lớn lên, thường trông vào một ai đó như thần tượng có thể là một thầy giáo, cô giáo, có thể là cha, là mẹ, là chú, bác hoặc một bậc xuất gia hay một bậc thiện tri thức hay một cái gương của những bậc anh hùng trong dân tộc, các bậc Thánh hoặc là gương của những ai đó trong xã hội, chúng ta thần tượng họ và đặt để họ trong trái tim, trong tâm trí để vươn lên.

Đối với thời đại ngày nay, khi mà thông tin đại chúng lan tràn, chỉ một giây, một phút, mọi thông tin đều có thể nhận biết và đọc qua, mỗi người đều có những thần tượng khác nhau, có người thì thần tượng về âm nhạc, cho nên một người nghệ sĩ sáng tác nhạc hay trở thành thần tượng của họ hoặc một ca sĩ hát hay trở thành thần tượng của họ bởi vậy họ mới có nhiều fan (người hâm mộ). Hoặc một nhà khoa học gia, một nhà xã hội học, một nhà chính trị gia hoặc một bậc xuất trần thượng sĩ, hay một bậc xuất gia đi tu, cũng có thể là người bạn, người thầy, cũng có thể là ai đó về tất cả mọi bộ môn ta đang học hoặc những bậc ấy có những điều rất đặc biệt để rồi ta muốn nương vào vị đó để ta tu, nhưng dần dần, trong sự kính trọng tột bậc đi đến chỗ thần tượng, thần tượng con người đó. Thần tượng không phải là xấu, nó là một nét văn hóa đẹp, bởi ai cũng có thần tượng, ai cũng có một người mẫu trong tâm để noi theo, đó là vị thần tượng của chính ta. Biết bao nhiêu con người thành công khi hỏi người mẫu trong tâm, vị mà bạn thần tượng để vươn lên là ai thì họ cũng luôn luôn kể cho nhau nghe về một vị nào đó họ thần tượng để rồi họ thành công, cho nên thần tượng hoàn toàn không xấu nếu như chúng ta ứng dụng đúng sự thần tượng một con người để vươn lên thành tựu bằng cách nương vào điều vượt trội của đấng đó để chúng ta cố gắng học mà tiến lên thì đó là một cách thần tượng chuẩn mực, đúng, rất được khuyến khích mọi người chúng ta nên có một thần tượng trong cuộc đời để vươn lên làm mô phạm cho cuộc đời của mình. Còn nếu như chúng ta hiểu lẫn lộn thần tượng một con người là chúng ta dựa vào họ, nương vào họ và đặt để tất cả cuộc đời vào cho họ để họ quyết định, nói gì ta nghe, sai gì làm đó để biến ta thành nô lệ của thần tượng, đó là một nét văn hóa xấu, biến tướng.

Đặc biệt là trong xã hội ngày nay, chúng ta thần tượng hóa một người nào đó dưới sức mạnh lan truyền của thông tin trên các kênh đại chúng Facebook, Zalo, mạng YouTube lôi kéo, lôi kéo như cả một cơn sóng cuộn tất cả mọi người vào trong phong trào, để rồi khi chúng ta thần tượng một người nào đó, ta bị mê muội, ta bị mù lòa, ta bị cuồng mà từ ngày nay ai cũng hiểu, gọi là fan cuồng. Khi là fan cuồng rồi thì cái sai, cái đúng không còn là chuẩn mực của một vị thần tượng để ta noi theo vươn lên mà chúng ta biến con người đó, một người nào đó thành một vị Thần chiếm cứ ở trong lòng để chúng ta cuồng mà sẵn sàng bảo vệ vị thần tượng đó, dù sai.

Đây là một vấn nạn và làm cho nét văn hóa thần tượng hoặc người mẫu, hoặc chúng ta nương vào một vị mô phạm để tiến lên 27:30 bị biến tướng. Hiện tượng này đã thấy, bởi các bạn thấy rồi, khi chúng ta là fan cuồng thần tượng một người nào rồi, chúng ta bảo vệ người đó hết mực. Chúng ta bắt đầu tạo mọi điều kiện để nâng người đó lên đỉnh cao của tất cả và nếu ai đụng đến vị thần tượng của chúng ta thì ôi thôi xong, xong rồi, chúng ta sẽ dìm họ xuống, chúng ta sẽ đánh cho họ, sẽ đốn cho họ ngã xuống, gục xuống và thiêu cháy, thiêu rụi những con người đó bằng mọi hình thức. Các bạn thấy, chiến tranh trên mạng thật ghê gớm chỉ vì thần tượng của mình mà thôi!

Thần tượng một người, Đức Phật thấy và biết được, thuở Đức Phật còn sống, Ngài là một bậc minh tuệ, trí tuệ, nói để cho người xưa và nói để cho ngày hôm nay ta nhận ra, Đức Phật là một bậc kỳ tài, là một bậc trượng phu, thượng sư, Ngài giỏi lắm, giỏi đến mức mà ai cũng ngưỡng mộ Ngài và ai cũng đón nhận Ngài như một vị thần tượng noi theo, nương vào để học, để được che chở, để được dìu dắt. Nhưng Ngài không bao giờ, không bao giờ chỉ dạy, hướng dẫn cho những người theo Phật là phải tin tưởng tuyệt đối vào Phật để Phật có thể cứu họ, mà Đức Phật luôn khuyên họ hãy tự làm ốc đảo của riêng mình, hãy tự đứng vững trên đôi chân của mình, nếu có vấp té, vịn ngay nơi đó tự thắp đuốc mà đi. Dù thần tượng Phật, Phật biết, nhưng sự thần tượng Phật không phải thần tượng một con người như một vị Thần. Ta phải hiểu rằng, thời đó, khi thần tượng Phật, Phật luôn luôn dạy cho họ: “Phật là giác ngộ”, cho nên thần tượng Phật là phải luôn luôn lấy sự giác ngộ tự thân của mình làm chuẩn mực nương vào đời sống của Phật để tiến lên.

Trong Kinh Kalama thời đó, Kinh Kalama là có bộ tộc Kalama, họ gặp Đức Phật và hỏi Phật rằng: “Thưa Phật! Những vị thầy tu Bà La Môn giáo nói rằng phải tin họ và chỉ có họ mới là những người có trí tuệ giảng dạy và những lời của họ mới là lời có thể cứu rỗi, hướng dẫn mọi người, cho nên họ nói luôn luôn đúng, còn những người khác sai”. Những vị thầy Bà La Môn thấy được muôn người kính trọng, thương yêu, thần tượng họ, nên đã bẻ bánh lái của niềm tin, hướng người ta tới tin tuyệt đối vào họ để rồi khước từ tất cả những ai có những cái nhìn có trí tuệ đứng đắn. Nhưng khi hỏi như vậy, Đức Phật chẳng nói rằng những Bà La Môn kia sai và rồi nói mình đúng, mà Đức Phật dạy cho họ rằng phải dùng trí tuệ để trải nghiệm tất cả những sự nghe, sự thấy. Để rồi sự trải nghiệm bằng trí tuệ sẽ đưa chúng ta đến sự quyết định đúng đắn để noi theo. Cho nên đừng theo một truyền thống lâu đời được truyền lại, đừng vội tin một cuốn Kinh được chép từ ngàn năm xưa, đừng vội bỏ tất cả để lao mình vào đối với những bậc Tôn sư, Tổ sư hoặc những phong tục tập quán, hoặc những điều được khẳng định là đúng của các tông phái, môn phái, giáo phái, pháp môn, mà phải lấy trí tuệ làm đầu. Chúng ta thần tượng Phật, tức là phải nhìn trí tuệ của Phật để noi theo trí tuệ và con đường thành tựu được trí tuệ đó, đó là thần tượng đúng. Nhưng nếu chúng ta thần tượng Phật mà coi Phật là đấng cứu thế thì đó là sự thần tượng sai.

Xã hội ngày nay nhiều sự thần tượng về tất cả những môn học, nhưng đối với Phật tử chúng ta, đôi khi chúng ta thần tượng một vị thầy nào đó thì ta tôn vinh vị thầy đó là đúng dù những vị thầy đó là những bậc xuất trần thượng sĩ tức là từ bỏ trần gian, xuất gia đi vào con đường của tâm không dính mắc, nhưng chúng ta thần tượng một vị xuất trần thượng sĩ như vậy, một vị xuất gia như vậy để ta tôn các vị đó lên ở bậc cao nhất, từ đó trong sự thần tượng phát sinh tình cảm cá nhân riêng, để cho vị thầy đó là thầy của tôi, chùa đó là chùa của tôi, để rồi thầy không phải của tôi, chùa không phải của tôi, có sự ngăn ngại, có sự phân biệt, có sự chia cắt và từ đó, vị thầy được thần tượng nơi trái tim của Phật tử đã biến thành một vị Thần để chúng ta nhắm mắt mù lòa lao vào tin theo, nói gì nghe đó, sai gì làm đó, thì như vậy chẳng còn là con đường thần tượng Đức Phật đúng mức bằng trí tuệ mà thần tượng một người hay thần tượng Đức Phật bằng tâm si. Tâm si đó là tâm chấp thủ, bám víu, là tâm của ái dục, chẳng biết lấy trí tuệ làm đầu mà lấy cảm xúc che mờ lý trí để từ đó dấn thân vào một con đường quờ quạng, phá hoại những cái cao cả nhất nơi vị mà ta tôn sùng, thần tượng.

Phật dạy luôn luôn phải lấy trí tuệ làm đầu, đừng để lòng ngưỡng mộ của mình cao quá, đừng để sự thần tượng hóa quá lớn rồi chúng ta lấy cảm xúc của tình cảm chiếm đoạt luôn vị thần tượng đó, biến họ là của tôi, thầy của tôi. Khi chữ “thầy của tôi” đã ngang nhiên chiếm cứ tâm trí của chúng ta, và tất cả là của ta rồi thì thế giới này nhỏ bé, tầm thường và chỉ có vị đó là cao cả nhất, cho nên trên mạng, các trang cổng thông tin Facebook, Zalo, YouTube thường gặp thấy những comment (bình luận) chê bai, phỉ báng thầy này thầy kia, pháp môn này pháp môn kia, tông phái này tông phái kia, dù có bắt nguồn từ bậc cao cả Thế Tôn là Đức Phật nhưng rồi tới đời chúng ta, khi thần tượng một vị thầy, khi thần tượng một pháp môn, khi thần tượng một tông phái, chúng ta đã trở thành nô lệ cho vị thầy đó, tông phái đó, pháp môn đó, dù rằng vị thầy đó, tông phái, pháp môn đó không bao giờ muốn như vậy, nhưng chúng ta là người khi thần tượng như thế đã để cho tình cảm riêng tư chiếm cứ gọi là lòng tham ái phát triển quá nhanh, đột biến gen di truyền từ gen Phật thánh thiện, hiền lương thành gen của ma vương giận dữ, tham si, và cứ như thế, trên những dòng comment của những trang mạng, ta thấy sự tranh giành, tranh đấu, phỉ báng, chê bai, gièm pha, dìm hàng những vị thầy khác, pháp môn khác, tông phái khác, tôn giáo khác. Giữa tôn giáo 36:31 đấu đá, chê bai, dìm hàng, gây nên hận thù. Giữa tông phái, giữa các thầy, giữa các giáo phái, giữa các pháp môn cũng như vậy. Không hẳn chỉ có Phật tử mà trong hàng xuất gia đã vượt quá sự thần tượng là noi theo gương đức hạnh, noi theo những kiến thức vượt trội để đặt mình vào khuôn mẫu học, cố gắng để vươn mình đứng dậy tự thắp đuốc mà đi, biến thành ốc đảo tự sáng thì nay đã biến mình thành nô lệ. Rồi những bậc xuất gia, những vị Phật tử bắt đầu tôn vinh pháp môn, giáo phái, pháp phương tiện, vị Thầy Tổ của mình, không biết là Tổ của Kim Cương Thừa, của Mật Thừa, của Đại Thừa, của Nguyên Thủy, của Thừa Thừa gì đi nữa gọi là Phật Thừa, Tam Thừa, Tứ Thừa, Ngũ Thừa, Nhất Thừa, Đại Thừa, ui cha nhiều thứ Thừa lắm, và rồi cái gì cũng thừa thãi hết bởi vì nó được xen kẽ bởi sự thần tượng, tôn sùng quá đáng, không hiểu rõ gọi là nương vào để vươn lên mà thần tượng để được cứu rỗi, ban ơn. Nó sai từ giây phút đó, từ chút xíu lệch lạc đó để rồi tranh đấu, đấu đá, mang tôn giáo ra so sánh, phỉ báng nhau, mang pháp môn ra để so sánh, phỉ báng nhau, mang các bậc Tổ sư ra để đặt bậc này cao hơn, lớn hơn, khinh thường các tông phái, môn phái, pháp phương tiện khác nhau bởi họ đã lệ thuộc vào pháp môn đó, các bậc Tổ sư đó, các giáo phái đó, các tôn giáo đó do chính thần tượng. Thần tượng nhiều thì mê, mê thì si, thì vị thần tượng đó thành ngẫu tượng cho họ tôn thờ, chẳng phải là một bậc mô phạm để noi theo.

Ta thấy những tình cảnh đó xảy ra trên mạng thật là nhiều. Ngay các Phật tử gọi là thuần thành đã quy y, giới thứ tư là không vọng ngữ, nói dối, đâm thọc, đâm bị thóc, thọc bị gạo, thế vậy mà ở trên mạng, khi đụng chạm đến những vấn đề gì hoặc khi đưa đến một điều chia sẻ về những góc độ nhìn, hiểu, thấu trong cuộc đời để chúng ta có thể viên mãn chân lý ta đang theo mà không hài lòng thì liền chém ngay, mà ở trên mạng gọi là chém gió đến chảy máu, chết người. Dù chỉ là mang tiếng chém gió nhưng chẳng tiếc nuối những ngôn từ sắc bén, phỉ báng, chê bai, độc ác vô cùng. Hở một chút là chê, là phỉ báng, là than, là thấy tội nghiệp cho nhóm người đó, nhóm dân đó. Rồi còn than: “Ôi, dân này dân kia bị đô hộ bởi tôn giáo, bởi tông phái, bởi chế độ, bởi quốc gia, bởi thế hệ, bởi ý thức hệ”, cứ như thế, họ chẳng nhìn thấy rằng họ đang thần tượng một mẫu mực nào đó của riêng họ để rồi chẳng còn nhìn thấy chân lý chung từ Phật dạy.

Đức Phật dạy hãy lấy trí tuệ làm gốc, lấy trí tuệ như gen di truyền gốc để phát triển đúng đắn, đừng để đột biến gen thành ngoại lai tư tưởng, từ đó thần tượng quá mức. Thần tượng đúng chuẩn mực là chúng ta tôn sùng một vị có kiến thức, có mô phạm, có đức hạnh, có giáo dục, có một sự vượt trội để chúng ta vươn lên, như thần tượng một bác sĩ giỏi thì người đó sẽ học thành bác sĩ giỏi, thần tượng một vị luật sư, một vị kiến trúc sư, một vị nhạc sĩ, hoặc một đấng Tôn sư nào đó, thì chúng ta học hỏi theo để vươn lên chứ chẳng phải để vị đó cứu chúng ta. Ví dụ như thần tượng của chúng ta chính là cha mẹ. Dĩ nhiên cha mẹ nuôi dưỡng chúng ta rồi, nhưng mà cốt lõi thần tượng với cha mẹ như trong đạo gia tiên của chúng ta là thần tượng những vị tiên nhân, tôn sùng và chúng ta noi theo tiên nhân trong gia phả cha mẹ của chúng ta chính là bởi vì đức hạnh của Cửu Huyền Thất Tổ, của cha mẹ, ông bà, ta thần tượng những đấng bậc đó, ta tôn thờ và chúng ta noi theo gương đức hạnh để sống, để vươn lên để thành tựu. Chúng ta thần tượng Phật là chúng ta thần tượng trí tuệ viên mãn của Ngài để thúc đẩy chúng ta vươn lên học hỏi, tu, thực chứng trong sự trải nghiệm bằng trí tuệ và từ bi để đạt được như Ngài thì là thần tượng đúng. Chúng ta không nên thần tượng Phật, thần tượng một vị Tôn sư, một giáo phái, một pháp môn phương tiện nào đó để rồi biến pháp môn phương tiện, giáo phái đó, bậc Tôn sư đó thành một bậc Thần quyết định sự sống của chúng ta và biến mình thành nô lệ, sai đâu làm đó, nói gì thì nghe theo.

Phật dạy, ngay cả lời của Đức Phật nếu ta thần tượng Phật đúng mức thì mọi sự dạy dỗ, khai thị, những lời nói của Phật, những ngôn từ của Phật, Phật khuyên chúng ta phải lắng nghe cho thật rõ, dùng trí tuệ để tư duy, rồi từ đó thực hành trải nghiệm, thấy đúng để theo. Chúng ta bị bệnh thần tượng hóa sai cách để rồi biến tướng như ngưỡng mộ một vị thầy của chúng ta, thần tượng vị thầy đó rồi, khi vị thầy đó còn sống, ta không bao giờ để tai của ta nghe được những lời khai thị của những vị thầy khác, dù sự khai thị của thầy mình là thần tượng của ta và những vị thầy khác đều là nói về những điều Chư Phật dạy nhưng nhất định: “Không! Không! Không!”, chỉ nghe theo thầy của mình mà thôi, cho nên giữa thầy của mình và những bậc Tôn sư khác, những bậc xuất trần khác đã có một sự ngăn ngại thì làm gì tụng Kinh Tâm Kinh Bát Nhã, tâm không có ngăn ngại?

Có ngăn ngại! Giữa chùa này với chùa kia có ngăn ngại, giữa thầy này với thầy kia có ngăn ngại, không phải là chùa ngăn ngại với chùa, thầy ngăn ngại với thầy mà hàng Phật tử của chúng ta đã tạo ra sự ngăn ngại và rồi đôi khi cũng có các vị thầy vì Phật tử tạo ra sự ngăn ngại đó cảm thấy mình được đưa lên một tầm cao trong lòng của quý Phật tử thì lại tự tạo ra ngăn ngại cho các Phật tử của mình như nhóm các bậc Bà La Môn đã nói với những người theo họ rằng chỉ có những vị thầy Bà La Môn là họ mới nói về chân lý đúng đắn nhất và chính xác nhất, không còn ai nữa, từ đó tạo nên một luồng bão tố ngăn ngại cuốn trôi đi tất cả những người khác. Đó là nói về vị thầy thần tượng còn sống, đôi khi vị thầy thần tượng của chúng ta đã viên tịch rồi, chúng ta cố chấp thủ, bám víu vào vị thầy đó, không cho phép mình nương theo các vị thầy khác để tu.

Một vị thầy đã mãn thọ, đã ra đi, chẳng thể còn thân phương tiện giáo dưỡng chúng ta, dù lời dạy của các bậc ấy, các đấng ấy còn ghi khắc trong thâm tâm của chúng ta, nhưng một vị thầy còn sống, còn hiện hữu là thân giáo, là ánh đuốc, là ngọn đèn mang chân lý của Phật khai thị vẫn rất cần cho mỗi người của chúng ta khi còn hiện hữu trong cuộc đời. Thần tượng vị thầy còn sống, bám theo suốt cuộc đời, thần tượng vị thầy đã chết để suốt cuộc đời chẳng đón nhận ai, đó là một sự mờ hoặc tâm trí của chính mình, thần tượng quá đáng, đột biến gen, làm cho tâm thức của chúng ta mù lòa đen tối, gây ra chiến tranh, gây ra ngăn ngại, gây ra bảo thủ, gây ra chấp trược, mà ở đâu có chấp thủ ở đó có vô minh. Thần tượng để biến mình thành một người cố chấp là tự phá hủy cả một bầu trời, cả mặt trời trí tuệ kiến thức vốn có nếu học được.

Chúng ta phải rất cẩn thận trong sự thần tượng một người. Thần tượng đúng mức là thần tượng để noi theo như Phật dạy là biến mình thành một ốc đảo tự sáng và nhận rõ thần tượng vị ấy là chúng ta phải tự lực cánh sinh, tự đứng vững trên đôi chân của mình thắp đuốc lên mà đi, té đâu vịn đó đứng dậy tự thắp đuốc mà đi thì sự thần tượng đó là thần tượng chuẩn mực, đứng đắn. Còn thần tượng làm mờ lý trí, chấp, bám víu vào để rồi biến cảm xúc, cảm tình của ta với vị ấy để chiếm cứ vị ấy, để chiếm cứ đấng đó, để bảo vệ đấng đó bằng sự mù quáng kiến thức thì đó là một sự thần tượng tai hại, không đúng.

Chúng ta hãy tự giáo dục bản thân và làm gương cho những giới trẻ cũng như những người đang có duyên gần gũi với chúng ta, đừng để tình cảm, cảm xúc riêng tư của ta đối với một vị thầy, đối với một người nào đó để biến họ thành thần tượng mà chúng ta bám vào để họ cứu rỗi, để họ bảo bọc, che chở cho ta thì đó là sai. Bởi không một ai có thể che chở, bảo bọc cho ta bằng chính những nghiệp của chúng ta tạo ra. Nghiệp của ta tạo ra sẽ tiêu hủy ta bởi đó là nghiệp ác, nghiệp của ta tạo ra sẽ che chở cho ta đó chính là nghiệp thiện, thần tượng một người là noi theo gương đức hạnh để vươn tới tầm cao trong sự thực tu, thực chứng để chứng đắc được đức hạnh như đấng thầy, như chư vị đó mà ta thần tượng để ta tự thắp đuốc, tự đứng dậy, tự vươn lên. Hãy tránh xa những cơn cuồng bão của sự thần tượng quá mức trở thành fan cuồng để rồi chê bai, để rồi dìm hàng, để rồi đấu đá, để rồi không tiếc một ngôn ngữ, một lời nói thô ác nào, sẵn sàng phóng lên như hỏa tiễn mang thêm bom nguyên tử bắn phá tứ tung trên mạng.

Các bạn! Hiện tượng đó đã thấy. Tất cả các thể loại bom nguyên tử, bom về chất độc, các loại sinh học có sẵn trên đầu ngón tay của chúng ta. Mười đầu ngón tay là mười trái bom sinh học nguyên tử độc hại vô cùng, có thể bấm một cách thật lanh lẹ để phóng những ngôn từ độc ác vô cùng lên trên mạng gây đau khổ. Chiến tranh mạng bằng ngôn từ sinh học và bom nguyên tử đã được mười đầu ngón tay của chúng ta bắn liên tục không bao giờ ngăn ngại, gây khổ khôn chừng. Hãy lên trên mạng sẽ thấy, không những trang mạng xã hội mà những trang mạng Phật giáo, thấy những luồng tư tưởng, những sự độc hại vô cùng bằng ngôn ngữ trong những chỗ comment, chúng ta sẽ thấy. Vẫn vỗ ngực là Phật tử thọ Năm Giới quy y Phật – Pháp – Tăng thế nhưng những ngôn từ trên đó chẳng có một ngôn từ nào theo khuôn mẫu của Giới, của trí tuệ, của từ bi, toàn là những ngôn từ các bạn tự kiểm tra sẽ thấy, độc hại vô cùng. Và rồi chúng ta nhớ, theo Phật, lấy trí tuệ làm đầu! Thần tượng Phật là chúng ta noi theo gương đức hạnh của Ngài, nương theo bóng từ bi – trí tuệ của Ngài để tự thành tựu. Chỉ có ta mới cứu được ta và chỉ có ta mới mang ta thoát khỏi luân hồi sanh tử. Phật là người khai thị, là bậc thầy dẫn đường, còn đi qua, vượt qua, tới được hay không phải là chính mỗi người chúng ta. Nếu thần tượng Phật đúng như vậy thì ta đã thần tượng đúng, nếu thần tượng vị thầy của mình, những bậc thiện tri thức, những pháp môn, những tông môn mà ta theo thì chúng ta không bao giờ có ngăn ngại, chúng ta đã đúng. Đừng để cho tinh thần Kim Cang Thừa, tinh thần Đại Thừa, tinh thần Tiểu Thừa, Phật Thừa, Nhân Thừa hoặc các sự khác biệt của các vị Tổ sư mà ta có phước duyên học thấy phù hợp, tạo ra bức tường thành biến tướng thành thần tượng cao ngất để rồi chê bai những pháp môn, những tông môn, những cách phương tiện tu tập khác của những ai phù hợp nhân duyên với họ, để biến mình trở thành người luôn luôn phỉ báng, chê bai, gièm pha, đâm thọc, coi thường để tăng trưởng sự ngạo mạn bởi chính vì ta đã thần tượng sai cách để không còn là người tự đứng dậy thắp đuốc mà đi, tự sáng cho bản thân, nối bước bậc Tổ sư, Minh sư, Chư Phật trở thành một vị mô phạm thân giáo trong cuộc đời mà đã biến thành bóng hình của loài quỷ dữ sừng mọc ở khắp tứ chi, năm ngón đều có độc dược, mười ngón đều có sự nguy hại tạo ra những ngôn từ bất hạnh nhất cho những người ở trên mạng.

Chiến tranh mạng là có thật khi bị thần tượng hóa, các bạn hãy lên mạng để có cơ hội chứng kiến những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất đang ở trên mạng hiện thời dù ngay trong mùa đại dịch này.

Hãy trở về với tâm chân thật nhất và hãy nhớ Phật dạy, thần tượng đúng mức là noi theo gương đức hạnh bậc mô phạm để trở thành ốc đảo tự sáng để tự thắp đuốc mà đi và để vịn vào chỗ ta té xuống, đứng dậy, tu, sửa và hoàn mãn cuộc đời theo đúng như lời Đức Phật dạy.

Các bạn! Đó gọi là thần tượng một người đúng cách.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào bàn tay Từ Bi, chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận năng lượng vi diệu của Phật để tự thắp đuốc mà đi.

Thưa Phật! Chúng con hiểu rõ được sự thần tượng một người là cao quý, khi nương theo đời sống mô phạm của vị ấy, thân giáo của vị ấy để tu để tự sáng để tự thắp đuốc để tự làm ốc đảo của tự thân, nhưng không mê muội, đắm chìm, nghe theo để biến mình thành nô lệ.

Xin Phật gia trì cho chúng con biết thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, biết thiền trí tuệ, biết thiền từ bi, biết tự thắp đuốc biến mình thành ốc đảo của tự thân.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra được chút phước đức nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo và cho quê hương Việt Nam của chúng con cùng toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts