Search

Bài 2091. Vùng Tối Tâm Thức | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Thưa Phật! Đất nước Việt Nam nhỏ bé, quê hương của chúng con đại dịch đang phát triển tràn lan dữ dội, lòng người hoang mang, sợ hãi, bóng đêm bao trùm, tiếng than thở biết bao giờ mới hết đại dịch. Trong pháp quán vô thường sanh – diệt, nguyện xin Chư Phật ban rải tha lực Phật điển, năng lượng từ bi và thắp sáng đuốc tuệ để mỗi người chúng con quán chiếu cho rõ để cùng nhau tăng trưởng phước báu vượt qua đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Tất cả chúng ta hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và từ bi nuôi dưỡng trí tuệ của mình. Chánh Niệm hơi thở vào ra tịch tĩnh, an trú tâm nơi năng lượng từ bi của Phật và với cái nhìn bằng trí tuệ nơi bậc giác ngộ, mỗi người chúng ta sẽ dần dần vượt qua mọi chướng ngại, thử thách trong cuộc đời để thấy rõ các pháp vô thường biến hiện liên tục trong từng giây phút.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Thứ hai ngày đầu tuần, sau thứ bảy, chủ nhật cuối tuần nghỉ ngơi, chúng ta lấy lại sức, năng lượng dồi dào, thần trí sáng suốt, không biết mọi người đều có cảm thấy như vậy hay không? Chắc có lẽ không! Mỗi một người ở một hoàn cảnh khác nhau và nơi mỗi hoàn cảnh đó, chúng ta có những sự việc phải đương đầu cũng hoàn toàn khác biệt. Dù là bận rộn sớm chiều liên tục mỗi một ngày cho đến suốt cuộc đời thì các bạn ơi, dòng trôi của thời gian sẽ không bao giờ ngừng mà nó cứ lặng lẽ trôi qua và chẳng để lại một dấu ấn gì trong ta. Các bạn! Vốn dĩ cuộc đời là vô thường tới lui trong từng giây phút thì nào có chuyện gì mách báo rằng nó đi tới đâu, vì nó là vô thường. Trong sự vô thường tới lui đó, chúng ta đã bị cuốn trôi vào trong dòng trôi của vọng niệm cộng hưởng bởi những cơn cuồng phong bão tố tạo thành những cơn sóng vùi dập chúng ta vào trong vùng tối của tâm thức, của vọng thức, lặn ngụp trong đó, đuối, đau khổ, buồn nhưng không sao tìm để thoát ra được.

Với chủ đề hôm nay là “Vùng Tối Tâm Thức”, vùng tối tâm thức tức là vọng niệm, vọng thức và dĩ nhiên chúng ta vẫn có Chánh Niệm của sự tỉnh thức nhưng nó mờ ảo, yếu đuối đến nỗi ta không nhận ra được nó để chẳng đủ sức vươn mình đứng dậy, bước ra khỏi vùng tối tâm thức, vọng niệm, vọng thức của chúng ta. Nếu mỗi người chúng ta để ý cho thật kỹ, trong vùng tối tâm thức của vọng niệm, nó khởi lên liên tục không bao giờ ngừng nghỉ và những vọng niệm đó lẫn lộn trong sự hơn thua đúng – sai, chúng thật là khôn khéo tìm đủ mọi cách như những tên trộm có đầy đủ đồ nghề, hiểu thấu được người gia chủ, lần mò chui vào trong ổ tâm thức ấp ủ để sinh sôi nảy nở, đến khi quá nhiều thì bộc phát ra, thế là dòng trôi của vọng niệm như một khối mây mù sương dày đặc để rồi người pháp lữ đồng hành với cuộc đời của chúng ta chẳng phải là Chánh Niệm nữa mà là vọng niệm, vọng thức. Do đó mà Bảo Thành và các bạn thường là tăng đau khổ và phiền não, bớt đi niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

“Vọng niệm”, hai chữ đó cần phải nhìn thật rõ! Vọng niệm rất khôn, nó thì thầm với chúng ta như một nhân tình nhỏ bé làm mê mẩn thần trí, làm cho khờ dại tâm thần của chúng ta, để rồi chúng ta xuôi tay soãi nằm theo năm tháng để cát bụi cuộc đời vùi lấp trong đau thương và sầu muộn. Con người vốn bị vọng niệm lôi kéo thường xuyên để rồi chúng ta khó có thể dừng lại để nhìn vào Chánh Niệm là tánh biết vuông tròn. Từ đó, ta hờ hững, ta xoay lưng và lạc dần vào trong vùng tối tâm thức, lạc mãi, khó có thể quay trở về trong đời sống Chánh Niệm. Vốn dĩ tánh chúng ta là những người thích nghe, thích nhìn, thích chạm và có cảm xúc, và nếu như để ý thật kỹ, mỗi người chúng ta rất dễ bị cuốn trôi vào trong sắc tướng của thân đẹp – xấu, tốt, cao lớn – lùn bé, khỏe – yếu, hoặc bị lôi kéo vào trong những cảm thọ của cảm xúc, những nhận thức, những kiến thức, những ý thức của đời người mà nhà Phật gọi là trong ngũ uẩn, năm cái uẩn đó. Ta thường bị những hiện tượng đó áp đảo, lấn chiếm, xô đẩy, trù dập, cưỡi lên trên ta và xỏ mũi điều khiển ta hơn thua. Chính sự hơn thua và đúng – sai biến ta thành những nhà ảo thuật gia biến tướng muôn hình vạn trạng lẫn lộn trong mọi ngõ ngách của cuộc đời, dần dần ta chẳng biết mình là ai nữa. Nó cứ đảo ngược đảo xuôi như một nhà ảo thuật rồi nó lại nhập vai như những nhà đạo diễn xếp đặt để những diễn viên kỳ tài hóa trang và đóng vai đến mức rằng ta chẳng còn là ta mà ta đã vọng niệm để vùi đầu vào trong vùng tối của tâm thức, làm những chuyện một cách hoàn toàn không còn chủ động. Ta đã đánh mất mình, ta đã lạc đường mà không hay.

Các bạn thấy, nếu các bạn đi du lịch từ vùng này tới vùng khác, chúng ta rất thích đi với những đoàn của những công ty hoặc với những cá nhân riêng biệt, họ là hướng dẫn viên du lịch, những người đã được đào tạo, nghiên cứu, biết được những địa danh, địa điểm, vùng miền khi chúng ta muốn tới, để khi tới đó, họ giới thiệu và thông dịch. Nếu như chúng ta là người ngoại quốc thì người ngoại quốc thông dịch cho chúng ta hoặc những người ngoại quốc tới Việt Nam thì các anh em thông dịch Việt Nam sẽ thông dịch những thông tin từ tiếng Việt thành tiếng Anh. Nói chung là các anh em làm trong vấn đề du lịch thường phải là những người thông dịch. Tư tưởng lầm chấp trong vọng niệm, trong vùng tối của tâm thức mỗi người không khác gì người thông dịch. Không chỉ có một mà chúng ta có năm người thông dịch đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức của ngũ uẩn. Sự nhìn thấy sắc tướng bên ngoài thôi là chúng ta đã thông dịch miên man vô tận để phân biệt cái tốt và cái xấu, cái đẹp. Rồi những cảm thọ, cảm xúc của chúng ta lại có một anh thông dịch về cảm xúc vui – buồn, sướng – khổ. Tri thức, kiến thức, nhận thức cũng lại có một anh thông dịch nữa và rồi đi tới chỗ chúng ta suy nghĩ, hành động đều có một anh thông dịch. Đại loại là năm anh thông dịch này không hợp với nhau bởi chỉ là sự biến dạng của vọng niệm, của vọng tâm, của vọng thức. Cho nên, những anh chàng thông dịch này luôn luôn tranh chấp nhau, ai cũng muốn chứng tỏ mình là tài ba, dịch đúng cho nên thường chê bai những người khác thông dịch. Rồi các anh thông dịch này trở thành hý luận, tranh luận, đấu luận, hơn thua ta đúng, họ sai. Anh thông dịch về sắc tướng thì luôn luôn thể hiện rằng ta có cái nhìn viên dung về thân xác này là mình, là tốt, hiểu rõ. Anh thông dịch về cảm thọ thì cũng tranh giành, muốn đưa mình lên đằng trước, đẩy lùi đi anh thông dịch về sắc tướng. Sắc, thọ, hành, tưởng, thức là năm anh thông dịch lúc nào cũng tranh chấp, muốn chúng ta để ý đến năm anh thông dịch này và năm anh thông dịch này không phải là dịch Kinh Phật. Và thưa với các Phật tử, các bạn, dù là thông dịch Kinh hay thông dịch theo ngũ uẩn hay tự thông dịch cho chính mình hiểu được thì chúng ta thường phạm vào điều là mình mới là người có kiến thức, có trí thức về ngôn ngữ, dù rằng đó là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba, không phải mẹ đẻ, vậy mà ta luôn luôn cho bản dịch của mình là bản dịch sát nghĩa, bản dịch gốc, bản dịch đúng bởi kiến thức, trí tuệ của ta là hoàn hảo, còn những người khác là sai. Từ đó, ta không có được Chánh Niệm trong sự chuyển ngữ để hiểu thấu nhân duyên của từng người nghe, mà cứng ngắc trong điều chấp thủ của chính ta.

Vọng niệm tới chính bởi chúng ta chấp vào những sở đắc, những điều ta thủ đắc là đúng, ta chấp vào đó, từ đó tạo cơ hội cho vọng niệm vươn mình biến tướng thành những anh thông dịch ngã mạn, kiêu căng, vỗ ngực xưng tên coi ta là đúng, coi thường mọi người. Vùng tối của tâm thức chính là vọng niệm. Nó không đơn giản như các bạn suy nghĩ đâu! Nó ẩn, núp, biến dạng, thay hình y như Covid bây giờ. Dịch đó biến tướng cho nên các nhà khoa học gia lúc nào cũng phải nghiên cứu để có thể ngăn chặn và ngăn ngừa, còn nếu không, sự biến tướng của Covid sẽ nguy hại vô cùng, gây chết, gây thương tổn không những về thân mạng, tinh thần và tất cả mọi mặt trong cuộc sống của xã hội. Vùng tối của tâm thức, vọng niệm của chúng ta còn nguy hại hơn Covid bởi nó giết chết phước báu của chúng ta, nó chôn vùi chúng ta trong Tam Đồ khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Sự tranh giành của những anh thông dịch nơi ngũ uẩn vỗ ngực xưng tên lúc nào cũng thể hiện mình và luôn luôn chê trách, khen chê đúng – sai. Các bạn để ý một chút thì trong Bảo Thành và các bạn có tánh khí vọng niệm mê thức dồn dập, bởi mấy khi Bảo Thành và các bạn chấp nhận người khác là đúng đâu. Nhìn một việc gì cũng đã thông dịch ra theo chiều hướng suy nghĩ của riêng mình, chẳng bao giờ nhìn như nhìn, thấy như thấy bản thể tự tánh của pháp sanh – diệt từng giây phút đang hiển hiện mà chỉ chụp lấy như một anh thông dịch mơ hồ, khiếm thị, quờ quạng để chụp lấy những vấn đề xảy ra rồi dịch bừa dịch bãi, vỗ ngực xưng tên cho ta là đúng, chê bai muôn người rồi dần dần bị dìm vào vùng tối của tâm thức, hết thuốc chữa.

Là Phật tử, là người tu pháp giải thoát khỏi đau khổ, nếu chúng ta không có Thầy, không có những bậc thiện tri thức hoặc không đủ phước báu gặp được sự hướng dẫn cặn kẽ thì sự tu tập của chúng ta sẽ trở nên mơ hồ, không rõ. Sự tu tập đó không khác gì chúng ta chỉ như người bịt mắt bắt dê, săn đuổi cái bóng, chạy thật nhanh để chụp cái bóng của mình. Khi còn nhỏ, các bạn có khi nào chơi bắt cái bóng của mình chưa? Chạy nhanh lắm, nhưng không thể nào bắt được cái bóng của mình. Sự tu trên con đường giải thoát, nếu không hướng dẫn cặn kẽ để phá chấp, phá mê thì chúng ta lại rơi từ vùng mê thức này, vọng niệm này vào trong vùng tối của tâm thức, mê thức khác mà không hay. Hóa ra bịt mắt bắt dê, rượt bóng đuổi hình cả đời cho tới chết mà không bắt được. Chúng ta cứ biến mình thành những nhà thông dịch tài ba thấy người, nhìn tướng mặt là dịch rồi, dịch cái sầu, cái khổ, cái vui, cái buồn, cái hên. Nghe một tiếng là dịch dịch dịch ầm ầm, dịch một hồi còn hơn là đại dịch nữa. Đi tới đâu là để làm chết đi cảm xúc giữa người với người, vậy mà cứ tán tụng bản thân là người biết chuyển dịch ngôn ngữ tinh thông, nhưng thật ra đang quá chấp, chấp vào ý nghĩa cao siêu rằng ta thông thái, hiểu biết, đủ phước gặp Thầy, gặp Tổ đúng nên dịch đều đúng, còn những người khác dịch sai.

Các bạn thân mến! Đã là thông dịch có nghĩa rằng khi dịch đã thông từ người này qua người khác rồi thì nguy hiểm chết thôi, cái đó gọi là đại dịch, là dịch đại đó các bạn. Ở đời, đại dịch nguy hiểm như vậy nhưng cuộc sống của chúng ta cứ dịch đại để tôn vinh mình thì nguy hiểm biết bao. Chúng ta cứ đeo đuổi bắt bóng, bắt hình, tu kiểu đó cho tới khi mệt rồi không chạy, không đuổi được nữa, đứng tại chỗ, cái bóng nó đứng yên thì ngồi xuống chạm vào cái bóng thì lại tưởng rằng mình đã hiểu, cho cái bóng đó là mình, là ta nhưng nó vẫn chỉ là cái bóng mà thôi. Vọng niệm là cái bóng mà ta đuổi, mệt ta đứng, nó lại tỏ lộ để rồi ta cứ lầm tưởng cái bóng là mình. Cái bóng của sắc, của thọ, tưởng, hành, thức, cái bóng của chấp thủ, của vọng niệm, của vọng thức bao trùm, biến ảo như các nhà ảo thuật, nó tranh giành như những nhà thông dịch dịch đại, đại dịch.

Cuộc đời này không có một ai lừa bịp siêu đẳng bằng chính tâm thức vọng niệm đen tối của chúng ta. Nó lừa đảo ta kinh khủng mà ta không nhận ra. Trên con đường tu, ta phải nhận diện ra được điều đó, vùng tối tâm thức chính là vọng niệm. Và nhớ rằng trong ta vẫn có Chánh Niệm nhưng nó yếu ớt, nó quá yếu, cái định của Chánh Niệm còn quá yếu, chưa đủ mạnh để thấy rõ cuồng phong bão tố của vọng niệm, vọng thức kéo tới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những khoảng lặng của thời gian tịch tĩnh chập choạng thể nhập vào trong Chánh Niệm và thấy được những điều không hay kia như một người không phải bị xao xuyến, thổn thức tràn ngập trong tâm hồn như thuở đầu mới biết yêu mà là một người đã từng trải nghiệm về chính bản thân, nhận diện rõ mình cho nên tịch tĩnh nhìn, đón nhận, quan sát một cách chín chắn hơn. Những giây phút như vậy không nhiều, bởi vì sao? Bởi từ muôn đời muôn kiếp ta chất chứa vọng niệm vào trong tâm và ta mang hình bóng của vọng niệm tưởng lầm là chính mình, nay nếu đã nhận rõ mình như thế nào thì mỗi người chúng ta phải tinh tấn siêng năng tu tập để có được một cái định thật vững để trụ được trong vùng tối tâm thức, bật đèn trí tuệ thắp sáng mà đi thì chúng ta sẽ hạnh phúc vô cùng. Do đó trên con đường học Phật, ta không thể hờ hững một giây một phút mà phải liên tục thường xuyên, mà ngôn ngữ nhà Phật gọi là miên mật, tức là liên tục. Không thể học một ngày, hai ngày hoặc nhờ ai học ké để rồi có những hàm vị cao như tiến sĩ nọ, tiến sĩ kia mà không bao giờ học. Nhiều khi chưa tốt nghiệp cấp 1, cấp 2 hoặc cấp 3, chẳng bao giờ bước vào thềm đại học bởi có tốt nghiệp được cấp 1, 2 đâu mà vẫn có vi bằng hoặc là học vị tiến sĩ là bởi vì nhờ người khác học. Có bằng tiến sĩ mà hóa ra kiến thức của mình như những tử sĩ đã chết rồi, chẳng biết gì.

Con đường học giải thoát không phải là thu gom kiến thức như những anh chàng thông dịch dịch đại, dịch phóng lên theo suy nghĩ của mình mà luôn luôn tìm cách chê bai người khác để tôn vinh bản thân. Anh chàng thông dịch vọng niệm rất nguy hiểm! Anh chàng thông dịch vọng niệm này luôn luôn tôn vinh tự ngã, chẳng bao giờ thấy được vô thường, lừa chúng ta, bịt mắt chúng ta, bịt mắt bắt dê, săn hình bắt bóng suốt cả cuộc đời từ kiếp này qua kiếp sau. Nhận định được điều đó, chúng ta phải đuổi ngay anh thông dịch của vọng niệm đi, rồi trở về với Chánh Niệm hơi thở, chúng ta phải tu, phải tinh tấn, chúng ta sẽ có cơ hội như Đức Phật dạy tức là tự thắp đuốc lên mà đi. Chứ còn không, ta bị xỏ mũi bởi vọng niệm, ta bị lừa gạt bởi những lời lừa bịp số một của những người thông dịch mang danh vọng niệm vỗ ngực xưng tên thông dịch, là dịch đã thông vào người rồi, là dịch đại thành đại dịch đó các bạn, nguy hại vô cùng.

Vùng tối tâm thức nhận rõ được bởi tinh tấn siêng năng tu tập Chánh Niệm hơi thở sẽ giúp cho chúng ta nhận định ra được vọng niệm thường lui tới, nhưng vốn ở trong ta vẫn có Chánh Niệm, tánh biết tròn đầy để nhận rõ. Trong Kinh Đức Phật dạy, Kinh Người Thích Sống Một Mình, Người Biết Sống Một Mình dạy cho chúng ta luôn luôn phải tỉnh thức, Chánh Niệm hiểu thấu được vọng niệm như một người thông dịch dịch đại, đại dịch nguy hiểm để chúng ta không bao giờ vội vàng dịch hoặc nhảy vào vùng đại dịch như vậy đến khi chết không kịp thức tỉnh mà chúng ta phải biết tinh tấn quán chiếu bằng Chánh Niệm, không nhìn thấy bóng mà tưởng mình rồi chấp vào trong đó để cả cuộc đời đeo đuổi, ôm ấp, làm tăng thêm khí khái tự cao, tự mãn, luôn biết khinh người, chê người mà chẳng bao giờ biết chính mình là ai. Từng ngôi lời, từng hành động thường trách móc, chê bai chứ nào biết được chữ “tùy duyên” hoặc là quán chiếu nhân duyên để thấy được sự khác biệt do những căn cơ, nghiệp thức của từng người để biết phương tiện diệu dụng mà đánh thức theo chiều dài thời gian phước báu của từng người, từng chúng sanh vốn có để được nhẹ lòng mà cứ gom tất cả mọi người vào cùng một mặt phẳng gọi là đồng hết. Để rồi từ đó cứ y như vậy mà đóng mộc, đóng khuôn theo cái chấp thủ, bám víu của mình để biến mọi người thành một dạng, dạng đó gọi là dạng thông dịch không đúng chỗ biến thành đại dịch ngang trái.

Trong thời kỳ đại dịch lan tràn, mỗi một người chúng ta bị giãn cách ngồi tại nhà, chúng ta đã được ngồi yên một chỗ bởi bao ngày tháng qua, chúng ta cứ bị dòng trôi của cuộc đời kéo đi như con cò lặn lội đêm hôm, tìm bắt đủ thứ, khổ lắm, thì nay ta có cơ hội dừng lại dòng trôi của thời gian và bớt thật nhiều sự lôi kéo của vọng niệm. Tự vấn lương tâm, soi lại chính mình để không bị những vọng niệm của những ông thông dịch vọng niệm kia lôi kéo, hấp dẫn, thì thầm, dụ dỗ mà có nhiều cơ hội cho chính mình ngồi tĩnh lặng tiếp xúc với Chánh Niệm, sống với hiện tại trong từng hơi thở để nhìn lại mình trong thời gian giãn cách này và hiểu rằng ta đã lạc, ta đã bỏ mất Chánh Niệm quá lâu rồi. Chỉ chạy theo vọng niệm, vọng thức, mê tâm, mê thức bao nhiêu năm qua, cuồn cuộn như một dòng trôi bị nhận chìm xuống trong những điều chấp bám vào ngũ dục và những điều ta ưa thích để rồi lạc đường, trơ trọi trong sanh tử mà không hay. Nhìn ở một mặt tích cực hơn thì Covid đại dịch tới, sự giãn cách giúp cho mỗi người chúng ta có cơ hội dừng lại tất cả để một lần kiểm điểm, nhìn rõ rồi hiểu thấu cuộc đời là vô thường sanh – diệt tới lui từng giây phút, còn đó mất đó ai hay để chúng ta biết lựa chọn cho mình những điều gì cao quý hơn để làm mà không còn ôm đồm quá nhiều. Chúng ta chỉ là những người copy kiến thức, copy trí tuệ, sao chép tổng hợp để tự vỗ ngực cho mình là nhà thông thái. Đó chính là vọng niệm, vọng thức để rồi bị anh vọng thức, vọng niệm đó cột chặt tay chân, kéo đầu lê trên mặt đất tìm bóng bắt hình và cho là mình nên cứ khổ hoài. Cho là mình tức là có cái ngã tướng. Nhìn rõ vô thường để phá ngã, phá chấp, ly dị hẳn với nhà thông dịch của vọng niệm, vọng thức để nhà thông dịch vọng niệm, vọng thức đó không dịch đại, không bắt tay với những điều lầm tưởng, không rõ, chấp trược để gây tai hại cho chúng ta nữa mà chúng ta trở về với Chánh Niệm của hơi thở, nương bóng từ ân của Chư Phật mười phương đón nhận năng lượng tình thương, thắp sáng đuốc tuệ để đứng dậy tự thắp đuốc lên mà đi trong Chánh Niệm hơi thở. Và Đức Phật dạy nếu một người sống Chánh Niệm mà đạt được một phần tỉnh giác, tức là giác ngộ được một phần của cuộc đời thì trí tuệ của họ sáng, những người trong vùng tối có thể nhận ra. Y như bật đèn sáng, ta nhìn rõ đường để đi, chẳng cần khi đèn đã sáng mà cứ chỉ nữa. Bởi đèn đã sáng, người ta sẽ thấy đường để đi tùy theo căn duyên. Còn đèn chưa sáng mà chỉ, mù chỉ với mù sao thấy đường để đi các bạn? Vùng tối tâm thức là vọng niệm, vọng thức vốn luôn tồn tại trong mỗi người chúng ta và là một khối đen dày đặc phủ kín cuộc đời tạo thành những anh thông dịch giả dối, lừa bịp kinh khủng, chỉ biết chấp đúng – sai để vỗ ngực xưng tên lừa đảo chúng ta. Vọng niệm là một anh lừa bịp kinh khủng, là một nhà ảo thuật gia biến tướng, là một diễn viên kinh dị, nguy hại, đội lốt vai đó mà hại người vô cùng.

Khi chúng ta thấu được vùng tối của tâm thức, chúng ta sẽ tránh xa bằng cố gắng thực tập Chánh Niệm hơi thở. Thiền từ bi, thiền trí tuệ trong Chánh Niệm giúp cho chúng ta đẩy lùi được vọng niệm, vọng thức. Giúp cho chúng ta thắp sáng được miền chân tâm nhìn rõ vạn pháp vô thường sanh – diệt, chẳng hợp đồng với những anh thông dịch dịch đại để mang những cơn dịch bệnh của kiến thức, của ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức để tiêm nhiễm vào cuộc đời của chúng ta, giết chết ta từ vô lượng kiếp qua.

Hãy một lần đứng dậy trong Chánh Niệm hơi thở, từ bỏ vọng niệm là những anh thông dịch nguy hiểm, những tên lừa bịp siêu đẳng để chúng ta trở về với cội nguồn mà Đức Phật dạy đó chính là đời sống Chánh Niệm, sống Chánh Niệm trong hiện tại. Rất quan trọng, cần phải thực tập! Và thời gian giãn cách đại dịch là cơ hội ngàn năm một thuở để mỗi người chúng ta tự vấn lương tâm, giãn cách với dòng trôi của vọng niệm, ngồi tại chỗ để lựa chọn cho mình những điều cao quý hơn vốn vẫn còn có trong ta để thực tập phát huy, sống hạnh phúc, an vui và nhất định với cách sống trong Chánh Niệm như thế, mỗi người chúng ta sẽ tăng trưởng được năng lượng tích cực để đẩy lùi đại dịch ngay trong tâm. Khi tâm thái được an nhiên tự tại thì dĩ nhiên cơ thể sẽ khỏe và những thể loại vi trùng kia sẽ khó xâm nhập bởi hệ thống chống dịch của chúng ta sẽ mạnh hơn, miễn nhiễm. Vạn pháp do tâm tạo. Một phần nương nhờ vào trí tuệ, kiến thức của những nhà khoa học gia chế tạo ra thuốc và vắc xin, một phần vẫn phải là tự tâm của chúng ta thể nhập vào Chánh Niệm để tăng trưởng năng lượng tích cực hơn, tránh xa vùng tối của tâm thức mờ hoặc, hù doạ, tăng thêm sự sợ hãi.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới quê hương Việt Nam của chúng con, nguyện xin Chư Phật gia hộ để mau thoát khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts