Search

Bài 2084. Đi Vào Ngõ Cụt | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Hồng Nghĩa đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi và thắp sáng đuốc tuệ cho mỗi người chúng con để chúng con có đầy đủ sức mạnh quán chiếu, nhìn thấu vạn pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng đồng nguyện Chư Phật luôn luôn gia trì, soi sáng cho người dân Việt Nam của chúng con có đầy đủ nghị lực và sức mạnh đương đầu với hiện trạng đại dịch để cùng nhau đồng tâm làm phước thiện vượt qua chướng ngại ngày hôm nay.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Hãy luôn luôn ghi nhớ trong lòng lời Phật dạy, lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi làm nhiên liệu để nuôi dưỡng trí tuệ của mình. Trở về với Chánh Niệm hơi thở mật ngôn Mu A Mu Sa là chúng ta khởi nguồn cho năng lượng từ bi từ Chư Phật ban rải xuống cuộc đời của mỗi người. Từ đó với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Chánh Niệm của hơi thở từ bi được chuyển vào trong tâm nhìn rõ mọi sự, thắp sáng đuốc tuệ, liễu thông vạn pháp vô thường. Chúng ta hãy luôn lắng nghe thân tâm của mình trong giờ phút Chánh Niệm hơi thở và cũng luôn luôn nghĩ tới tất cả mọi người yêu thương của chúng ta, đặc biệt cho quê hương của mình, mang tất cả mọi phước báu có được trong sự đồng tu hồi hướng cho nhau.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Đời sống của mỗi người chúng ta không phải chỉ có đôi lần nhưng thật nhiều lần chúng ta phải đương đầu với chướng ngại và thử thách trong cuộc sống. Chướng ngại trên con đường làm ăn để tự lo cho gia đình và bản thân, thử thách trên con đường tự lập sự nghiệp và thử thách giữa cuộc đời, giữa những mối giao hảo giữa người với người trong gia đình và xã hội. Chướng ngại trong mọi sự mà chúng ta sinh hoạt hàng ngày, giữa người với người bất chợt gặp nhau trong cuộc sống, giữa người với người trong cộng đồng, xã hội, giữa con người trong gia đình, thân tộc, đôi khi còn chướng ngại với vật, với cảnh trời, với cây, với đá. Vậy nên có đôi người khi té xuống thì giậm chân chửi trời chửi đất: “Tại sao lại để tôi vấp vào mà té?”

Cho nên không phải chướng ngại và thử thách chỉ tới với ta qua người với người thôi, mà còn tới với ta qua hoàn cảnh, qua thời gian, qua vật, qua thiên nhiên, qua tự tại. Sự chướng ngại đó luôn luôn tới. Cái gốc của sự chướng ngại tới là bởi vì chúng ta không nhìn rõ được sự việc, nên khi nó xảy ra, ta liền cho rằng đó là sự chướng ngại do người ta hoặc vật, hoặc thiên nhiên gây ra. Và ai cũng có sự chướng ngại, thử thách luôn tới, ghé ngang cuộc đời như gõ cửa mà bước vào một cách tự do không cần đợi chúng ta mở. Chỉ gõ cửa rồi bước vào, không cần ta mở thì đã ngồi ở bên trong.

Chủ đề: “Đi Vào Ngõ Cụt”, nhất định các bạn và Bảo Thành chỉ không phát hiện ra rằng chúng ta đang đi vào ngõ cụt mà thôi. Chứ còn ai trong chúng ta nếu phát hiện ra rằng mình đang đi vào ngõ cụt thì nhất định sẽ quay đầu để thoát ra. Chính vì biết đi vào ngõ cụt đó mà thật nhiều người trong chúng ta đã thoát ra khỏi cảnh chướng ngại, thử thách, cùng đường bí lối, tưởng như đã kết liễu, nhưng ta biết được nên vội vòng trở lại để rồi tự tại mà đi ra. Bảo Thành và các bạn đã bước ra và tái tạo lại cuộc đời thật nhiều lần bởi khi đi vào ngõ cụt của mọi thứ trong cuộc đời, từ trong kiếp người, sự thành tựu về vật chất, kiến thức cũng như về sự tu luyện của tâm linh, nếu như nhận thức ra ta đi vào ngõ cụt thì nhất định, ta sẽ biết hồi đầu thị ngạn, hồi đầu để tìm được bến bờ mà bước lên, không cố đâm đầu vào ngõ cụt. Nay chúng ta nói về đi vào ngõ cụt mà Bảo Thành và các bạn đều không biết, vậy làm sao Bảo Thành và các bạn nhận diện ra chúng ta đang đi vào ngõ cụt của cuộc đời, ngõ cụt của tâm linh để biết dừng lại? Chúng ta cần phải biết!

Sự sống luôn luôn có sự tương tác giữa người với người trong xã hội mỗi một ngày. Xã hội nhỏ bé từ gia đình và xã hội lớn hơn ngoài cộng đồng, không ai tách biệt ra khỏi xã hội tại gia đình và cộng đồng để riêng một mình trên cõi trời lơ đễnh. Không thể sống được! Đã gọi là con người thì sự liên đới giữa cộng đồng nhỏ nơi ta sinh sống ở gia đình và cộng đồng lớn ngoài xã hội luôn luôn cần có và rất cần sự mật thiết. Đi vào ngõ cụt trong đời sống đó chính là chúng ta không còn nhìn thấy một việc gì hứng thú để tạo ra niềm vui cho nhau, từ đó trong gia đình và xã hội luôn luôn lủng củng, tranh chấp, cãi cọ, xỉa xói. Đi vào ngõ cụt là chúng ta luôn luôn nhìn thấy lỗi lầm của những người ta tương tác, từ đó luôn trách móc, oán thán. Đi vào ngõ cụt là chúng ta không còn nhớ và cảm nhận được niềm vui của cuộc đời. Cái chất mặn chát khi xô xát lại bắt đầu lăn trên những vết thương của cuộc sống, làm xót xa thêm, đó là đi vào ngõ cụt. Đi vào ngõ cụt là biết bao nhiêu lầm lỗi của nhau, chẳng ai dám tự thân nhận ra để sửa đổi mà cứ giấu giếm, lấp liếm bằng mọi thứ để lại tiếp tục hành động những điều sai trái đó, là đang đi vào ngõ cụt. Đi vào ngõ cụt là trong cuộc sống chẳng nhìn thấy một tia hy vọng gì của ngày mai, và cứ vùi đầu vào trong những khúc mắc đen tối để tranh chấp, gây sự, ngõ cụt đó thực sự đã rõ. Đi vào ngõ cụt là chẳng biết phải làm gì nữa, không biết phải làm gì và cứ để cho thời gian xoay vần trong những việc vụn vặt, loay hoay loay hoay như con cóc ngồi trong hang, chẳng thể một lần thoát ra để thấy được mặt trời sáng. Và cứ như thế, ngõ cụt của cuộc đời làm cho bản thân của mình chán nản, sa hết mọi tinh thần, sức mạnh, năng lượng tiêu tán, gia đình bắt đầu tan rã, tình bạn bắt đầu chia xa, giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái chẳng có thể tiếp xúc với nhau bằng sự hòa hảo, tình bạn dần dần vắng người và cuộc sống trở thành đơn lẻ, cô quạnh, cái kết là thân thường hay yếu ớt, tinh thần bị suy giảm và sức khỏe chẳng còn được như xưa, ảnh hưởng đến thân tâm thật nhiều.

Các bạn xem lại thử xem, chúng ta đang rơi vào tình cảnh đi vào ngõ cụt bởi có những tâm cảm như vậy hay không? Đó là nói đến mối giao hảo trong cuộc sống. Trong công ăn việc làm, biết bao nhiêu thứ mà các bạn có thể đang đi vào ngõ cụt để không nhìn thấy từng bước, từng chặng đường để đi tới sự thành công trong sự nghiệp mà cảm thấy chán nản khi làm việc chẳng thấy hạnh phúc, bình an, chẳng thấy công việc có một sự thích thú, kích thích bạn trên con đường làm việc để gây dựng sự nghiệp. Gặp những đối tác thì chẳng còn năng động, luôn luôn chối quẩy, tìm đường thoái lui. Gặp những sự việc cần phải giải quyết thì chần chừ, đánh mất cơ hội, gặp những con người cần phải tiếp cận thì cứ ngơ ngơ, ngáo ngáo, chẳng biết phải làm sao. Đó là trên con đường làm ăn, nếu bạn rơi vào tình trạng như vậy nghĩa là bạn đang đi vào ngõ cụt của con đường làm ăn.

Trong cuộc sống, giữa tình người, nếu thấy gần gũi mà lạnh lùng, chẳng thể nói một điều gì thì mối tình cảm đó, dù là tình cảm giữa trai gái, tình cảm giữa cha mẹ, tình cảm giữa vợ chồng, bạn bè, đồng môn, sư đệ thì đều đang đi vào ngõ cụt. Bởi khi gặp nhau, ta cảm thấy lặng đơn, chẳng biết phải nói gì, tìm đủ mọi cách để bơi bơi đi xa, chẳng muốn tiếp cận. Còn nhiều lắm, thật là nhiều, cuộc sống của con người, cảm xúc của con người đa dạng mà chẳng có thể liệt kê hết được tất cả những cảm xúc chúng ta đang đi vào ngõ cụt. Nếu các bạn tinh tế quán chiếu nhìn thấu thì các bạn sẽ nhận ra chúng ta đang đi vào ngõ cụt của cuộc đời làm kiếp con người để chúng ta biết dừng lại và tái tạo lại sự sống mới an lành hơn.

Còn nói về con đường tâm linh, nhất định có những dấu hiệu để báo cho chúng ta biết rằng trên con đường học Phật pháp hoặc tu tập tâm linh, ta đang đi vào ngõ cụt. Dù bạn là người xuất gia với những địa vị thật cao, hoặc là bạn xuất gia với những hàm vị thật cao, đứng đầu một tổ chức lớn, giáo hội lớn, một tông phái lớn hoặc chánh môn, được gọi như vậy. Hoặc chỉ là những Phật tử bình thường hay những người đang nghiên cứu, thực tập giáo pháp của Chư Phật, chẳng phân biệt. Nếu trên con đường tu luyện chân lý ấy mà các bạn rơi vào tình cảnh khi gặp chướng ngại đối nhân xử thế trên con đường hành đạo mà bạn cứ chán nản, than vãn, quở trách thì đó là bạn đang đi vào ngõ cụt của con đường tâm linh dù bạn đã được hoằng truyền giáo pháp cao thâm mọi nơi. Bởi bạn là người đi truyền giáo, đi truyền pháp hoặc là bạn đã được thọ nhận những giáo pháp mà theo như bạn gọi là tuyệt đỉnh, cao lắm. Bạn đang tu, bạn hãnh diện về pháp môn đó mà bạn rơi vào tình cảnh khi gặp chướng ngại than van, quở trách, bới móc, than phiền, tặc lưỡi, nhìn lỗi người, chẳng thấy lỗi mình là bạn đang đi vào ngõ cụt. Dù trên tay có viên dạ minh châu, dù trong tâm được Lễ Quán Đảnh hay được Lễ Truyền Đại Thủ Ấn gì đi nữa thì bạn đang đi vào ngõ cụt.

Con đường tu tập Phật pháp có thật nhiều dấu hiệu để chúng ta nhận ra. Nhưng khi nhìn thấy chướng ngại trong cuộc sống, đương đầu với chướng ngại trong cuộc sống, người tu tập Phật pháp ở bất cứ ngôi vị là Phật tử, tín hữu hoặc là người đi theo Phật giáo, giáo đồ, bạn gọi tên gì tùy sở thích, hoặc bạn là người xuất gia, hãy nhớ, nếu cứ than van, tặc lưỡi, trách móc, mất đi phương hướng, chẳng định được ta phải làm gì, làm một chút mà tưởng như lớn lao vô cùng, tự khen mình chê người, tự thấy lỗi của người mà chẳng bao giờ thấy lỗi lầm của ta, chỉ thấy giáo pháp của ta là cao thâm mà không nhìn thấy phương tiện tuyệt vời nơi pháp môn người khác học. Nhìn đâu cũng thấy sai, nhìn lại mình thì thấy hay và khen ngợi bản thân quá lố là ta đang đi vào ngõ cụt của sự tu tập đời sống Phật pháp và tâm linh.

Sự việc này xảy ra thật nhiều! Trong hàng Phật tử chúng ta tu, rồi khi chúng ta đang tu theo pháp môn Thiền Mật hoặc pháp môn Mật Kim Cương Thừa, Tịnh Độ, Thiền Chỉ, Thiền Định, Thiền Quán, Trì Chú, Tụng Kinh, hoặc tu theo Thiền Vipassana hoặc Thiền Tứ Niệm Xứ, tất cả, mà các Phật tử khi gặp chướng ngại thường chối quanh chối quẩn, chẳng nhận ra lỗi lầm của chính ta mà chỉ bơi bơi, bới móc vào lỗi lầm của người khác rồi bắt đầu thị phi, đâm thọc, nói thêm nói bớt, tán tụng mình quá cao, giảm giá trị của người khác xuống và rồi đè bẹp, giẫm nát lên họ bằng những hành vi, những ngôn ngữ ứng dụng, bằng những luồng suy nghĩ được ký thành văn tự để bêu riếu, để đè bẹp, để chê bai. Và cứ như thế, dựa vào chỗ của ta để tạo ra muôn điều phiền não cho người khác, nhưng chẳng ngờ rằng những điều đó là phiền não của chính ta và tổn phước, đó là bạn đang đi vào ngõ cụt.

Ngõ cụt của tâm linh còn hiển lộ thật rõ hơn nơi các bậc xuất gia khi gặp chướng ngại trong cuộc đời, lẩn trốn, thoát ly khỏi chùa chiền, ngao du trong hàng Phật tử. Chẳng có lòng dũng cảm để vượt qua chướng ngại, sống trong tập thể của Tăng thân với yết ma, sám hối, nhìn rõ, soi tỏ để sửa rồi tiến lên như lời Phật dạy mà tránh xa sinh hoạt của Tăng thân, thích tiếp cận với hàng Phật tử, đồ chúng, thích nương nhà Phật tử ở, tiếp cận Phật tử để vui, chẳng một lần muốn dấn thân bước vào con đường của Tăng thân. Dù là thân xuất gia mà chỉ luôn luôn đi sống trong những môi trường chẳng phải là xuất gia, như tại gia của hàng Phật tử, đó là chẳng đúng Giới đúng Luật, chứng tỏ ta đang đi vào ngõ cụt. Có thể 01 ngày, 02 ngày, bất quá 03 ngày nhưng với một thời gian thật dài trú ngụ nơi hàng Phật tử tại gia, nơi đó có sự sinh hoạt của vợ của chồng, của con cái, của làm ăn, của muôn sự, không cần biết lý do gì, người xuất gia như vậy, dù có được thọ nhận giáo pháp cao siêu đi đến sự giác ngộ thì người đó cũng đang đi vào ngõ cụt của tâm thức đen tối.

Khi xưa, các Chư Tổ gặp chướng ngại, không sống trong chùa chiền, tịnh thất lớn, không sống trong thiền viện thì cũng sống trong hang, trong cốc, trong thất tự thân một mình để sống, để tu, chẳng phải sống trong căn nhà ấm êm có hàng Phật tử chăm sóc để chôn vùi chí nguyện bằng sự thỏa mãn rằng ta đã được người khác chăm mà không tự mình chăm sóc cho đời sống bằng đời sống của vị xuất gia, đó là đang đi vào ngõ cụt. Còn nữa, biết bao nhiêu thứ, người xuất gia mà thích tiếp cận với hàng Phật tử ngày đêm, tạo nên những mối tình cảm riêng tư để nuôi dưỡng lợi phẩm về tinh thần, về vật chất, về cảm xúc để được ca ngợi thì đó cũng là đang đi vào ngõ cụt. Hàng xuất gia của chúng ta bơi mãi, bơi mãi, khi gặp thử thách chẳng dám đương đầu để chuyển hóa mà chối quanh chối quẩn, tìm đủ mọi thứ đổ lỗi cho người rồi vùi đầu đi mãi, sống gần gũi với hàng tại gia để có được lợi dưỡng trong cuộc sống.

Các bạn! Biết bao nhiêu cảnh đang đi vào ngõ cụt như vầy của hàng Phật tử cũng như hàng xuất gia nơi cuộc đời của con người cũng như cuộc đời đi tầm cầu chân lý. Đối với hiện trạng Việt Nam hiện tại, chúng ta đang gặp đại chướng nghiệp trong hoàn cảnh đại dịch lan tràn khắp nơi, nếu nhìn rõ, các bạn sẽ nhận ra trong hoàn cảnh, trong nghịch cảnh, trong đại dịch có một sự sợ hãi kinh khủng, kiểm lại đời sống suy nghĩ, hành động của mình, các bạn sẽ thấy các bạn đang đi vào ngõ cụt. Nếu như các bạn chần chừ, chẳng biết phải làm gì, thẫn thờ trong nhà, đó là dấu hiệu bạn đang đi vào ngõ cụt. Nếu các bạn than vãn hàng ngày, bắt phone lên, nhắn toàn những thông tin trái chiều, tiêu cực để tạo hoang mang cho bản thân, tăng tốc và tạo hoang mang cho những người khác thì bạn đang đi vào ngõ cụt. Nếu bạn không thấy được ngày mai tươi đẹp hơn để cố phấn chấn lên để sống hạnh phúc ngay tại gia đình, để chờ một ngày bước ra cửa và trở về cuộc sống bình thường thì bạn đang đi vào ngõ cụt. Nếu bạn cứ suy nghĩ vẩn vơ, không biết phải làm gì để lợi ích cho bản thân và mọi người thì bạn đang đi vào ngõ cụt, bạn đang đi vào những cung bậc của sự trầm cảm để rồi thân xác tiều tụy, tinh thần tiêu tán và hại tới sức khỏe. Những dấu hiệu đó là những dấu hiệu đưa tới sự lục đục trong gia đình, vợ chồng cứ càm ràm, rồi thấy cái gì cũng túng cũng thiếu, thấy cái gì cũng như là áp mặt sát vách tường, chẳng thấy được đường đi, giận hờn, cau có, bực bội, trên khuôn mặt lúc nào cũng sân giận, khó chịu thì bạn đang đi vào ngõ cụt.

Rồi thích ngồi trên phone, trên bàn phím loan tải những thông tin không có lợi cho tất cả những người đang bị giãn cách, bạn đang đi vào ngõ cụt và dồn cả tập thể, cả xã hội vào hố đen của sự cùng đường bí lối để tự chôn mình xuống mồ sâu của sự sợ hãi. Đó là những dấu hiệu mà các bạn đang đi vào ngõ cụt trong thời đại dịch hiện tại. Nhưng nếu các bạn nhìn kỹ lại, các bạn đang bước lên trên một con đường rộng lớn hơn, chẳng đi vào ngõ cụt bằng những dấu chỉ và hành động sau đây, thì dù đại dịch lan tràn khắp khu phố ta ở, khắp nơi ta sống, chỗ này chỗ kia, giăng dây chặn đứng, không cho đi lại giữa phường, giữa phố, giữa người với người mà bạn vẫn tìm được những thông tin tốt đẹp của những cơ sở, của những tập thể, của những cá nhân, của những hội đoàn, của những nhóm làm từ thiện, loan tải tin tức đó tới tất cả mọi người dưới mọi hình thức để người gặp khó khăn nhận biết được nơi đó có sự trợ lực để vượt qua rồi họ tới đó lãnh nhận, đó là những tín hiệu vào một ngày mai tốt đẹp hơn và một tia sáng của sự vượt qua ngục tối của đại dịch đang tới thật gần với mọi người. Dấu hiệu tích cực tuyệt vời!

Nếu bạn thấy bạn hoan hỷ, bạn làm từ thiện bằng mọi điều bạn có thể có ngay trong khi bạn đang thiếu nhưng biết chia sẻ thì đó là dấu hiệu ta đang bước trên đại lộ, không phải là đại lộ kinh hoàng mà đại lộ của sự giải thoát đến tòa sen an lạc cho muôn người. Nếu trong thời kỳ đại dịch này, bạn biết gọi phone, nhắn tin thăm hỏi cha mẹ, ông bà, người thân bằng những lời thật tích cực và tươi vui để rồi sách tấn nhau cùng vượt qua thì đó là dấu hiệu của những con người đang đi vào con đường để tiếp cận với hạnh phúc, chẳng phải rơi vào ngõ cụt của cuộc sống. Nếu bạn biết phải làm gì, biết lắng nghe Sở Y tế, chính phủ, cộng đồng, xã hội đưa ra những phương pháp và đề án giãn cách tại chỗ để dịch không lây lan mà sống thật an vui, hòa ái với cha mẹ, bạn bè, người thân trong gia đình thì đó là những tín hiệu tuyệt vời của người nhận ra chân lý Phật pháp ngay trong gia đình hiện tại bởi đại dịch đang lan tràn. Bố thí, từ thiện, phóng sanh, sống an vui và hạnh phúc, sống tránh những sự ẩu đả, tranh chấp, bới móc nhau, nếu bạn làm được những điều đó thì bạn đang đi vào một con đường thật tuyệt vời. Hơn thế nữa, dấu hiệu cao cả hơn đó là dù cho đại dịch có bao trùm cả thôn xóm thì bạn vẫn tự tại an nhiên trong Chánh Niệm của hơi thở, để Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Mật song tu hoặc Kim Cang, Tịnh Độ, Trì Chú, đọc Kinh hoặc dưỡng tâm tánh trong hơi thở bình thường vào ra, đó là những dấu chỉ tuyệt vời của người đã nhận rõ ra con đường Bát Chánh Đạo, giữ đúng Chánh Tâm, Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, đi đến sự Chánh Hành Động để Tinh Tấn cho có được Chánh Niệm hơi thở, để làm đúng Chánh Nghiệp, Chánh Mạng của mình trong cuộc đời.

Các bạn thân mến! Chúng ta là những người cần phải sống tỉnh giác, đặc biệt trong thời đại dịch này để nhận rõ những dấu chỉ chúng ta đang dồn nhau vào ngõ cụt để chặn đứng, và nhận thấy những điểm sáng là ta đang đi thoát ra khỏi hang cùng đen tối của đại dịch để đi vào một nơi sáng đẹp hơn của ngày mai sắp tới. Từ thiện dưới mọi hình thức, có thể giúp đỡ nơi thôn xóm những người khó khăn, những người nghèo khổ, những người neo đơn, những người già, bệnh tật hoặc giúp đỡ những trung tâm dưỡng lão, trung tâm mồ côi, trung tâm mà nơi đó các em bị bệnh hiểm nghèo, tật nguyền, trung tâm cơ nhỡ, trung tâm bệnh phong, biết bao nhiêu những trung tâm của các Ma Sơ, của các Sư, các Thầy, của các Hội Từ Thiện, một nơi nhỏ bé đang dung dưỡng hàng trăm con người cần đến sự giúp đỡ. Nếu chúng ta không thể tự thân đưa tới thì có thể gửi, nếu không thể gửi thì cũng có thể loan tin tức tốt đẹp tới muôn người để những ai có tấm lòng có thể biết được và giúp đỡ, đó chính là dấu chỉ của một đoàn người học Phật đang thoát ra khỏi ngõ cụt của cuộc đời để tiếp cận với ánh sáng của giác ngộ bằng những hành động, nghĩa cử thanh cao, cụ thể trong thời đại dịch. Phước báu sẽ tới với các bạn và phước báu hơn là các bạn đừng chống chế lại những phương pháp của Bộ Y tế cũng như của chính phủ hoặc của ai đó có thẩm quyền đưa ra. Chúng ta hãy giữ theo những luật đó, giãn cách tại gia, như là nhập thất tu tâm, sống thiểu dục tri túc, bớt tiêu bớt xài, bớt tất cả, thúc liễm thân tâm, trưởng dưỡng tâm tánh để cười tươi, để tràn đầy năng lượng nhìn rõ chúng ta phải làm gì cho ta và cho người, cho cộng đồng, xã hội bằng những hành động dù rất nhỏ cũng tạo ra được phước báu vô lượng.

Các bạn! Dấu chỉ đó là dấu chỉ không chỉ cho các bạn mà cho cả xã hội, cộng đồng Việt Nam cũng như trên thế giới đang thoát ra khỏi ngõ cụt tăm tối của đại dịch. Hãy nhìn thoáng như vậy và hãy xác định lại là ta đang rơi vào ngõ cụt hay ta đang bước trên con đường rộng lớn thênh thang của chân lý nhiệm mầu Đức Phật đã dạy cho chúng ta.

Các bạn! Tùy theo từng thời, tùy theo từng lúc, tùy theo từng hoàn cảnh, dù là người trong xã hội, người xuất gia hay người đang đương đầu với đại dịch, hoàn cảnh nào, chỗ nào cũng vậy, đều có những dấu hiệu để báo cho chúng ta biết được ta đang đi vào ngõ cụt. Những dấu hiệu đó tự tung là sự sợ hãi, sự ca thán, than trách, sự chê bai, sự bới móc thị phi, u ám tâm hồn bằng ngôn ngữ, tư tưởng và hành động, rồi làm ô nhiễm đến những người khác, thấy lỗi của người, chẳng thấy lỗi của mình, tránh xa mọi thứ mà tiếp cận với những điều mình mong muốn. Luôn luôn sống tiếp cận những chỗ được gọi là thỏa mãn cảm xúc riêng của chính mình, để rồi tiếp cận và lân cận những nơi, những chỗ, những người chỉ phục vụ để thỏa mãn cảm xúc của mình và luôn luôn nghĩ vớ nghĩ vẩn, chẳng có chiều hướng nghĩ sâu nghĩ xa, luôn luôn thấy tinh thần cục bộ, đụng đâu hư đó, đụng đâu khó chịu đó, đụng đâu than đó, trách đó và không có được sự suy nghĩ sáng sủa, nhìn để vượt qua mà chỉ luẩn quẩn, loanh quanh như con gà quẩn cối xay, thủ chấp những điều mình ưa thích và tự làm mình sung sướng với những điều mình hiện đang có mà chẳng nghĩ đến ai, chẳng có hành động cụ thể để làm. Còn nếu các bạn giữ đúng tâm và sự hành động của Phật dạy qua Mười Pháp Thiện, điều quan trọng thường xảy ra và luôn luôn cần phải làm hàng ngày đó là tâm thiện lành được thể hiện bằng đời sống Chánh Niệm quán chiếu thấy rõ các pháp vô thường sanh – diệt, để từ đó đưa ta đến những sự hành động, suy nghĩ và nói năng theo tâm từ thiện, tâm bố thí, tâm giúp người, tâm biết làm sao ban vui cứu khổ, tâm biết san sẻ và yêu thương, tâm nghĩ đến cộng đồng, tâm nghĩ đến xã hội, tâm nghĩ đến muôn người vượt khó khăn, vươn lên để thành tựu, tâm biết đứng dậy sau khi té để tiếp tục từng bước thành tựu được những điều mơ ước.

Các bạn! Mười Pháp Thiện của Phật dạy là 10 bước căn bản nhất cho đời sống tại gia cũng như xuất gia để chúng ta đưa mình thoát ra khỏi ngõ cụt tăm tối của những sự suy nghĩ hoặc những kiến thức vụn vặt của loài người chưa được giác ngộ mà ta đã tự cột chặt mình vào. Các bạn! Hãy tự thoát ra bằng Mười Pháp Thiện của nhà Phật đã dạy, nhất định các bạn và Bảo Thành sẽ không bị rơi vào ngõ cụt tăm tối.

Mục bài hôm nay nói về: “Đi Vào Ngõ Cụt” tản mạn khắp mọi góc độ cảm xúc của người tại gia, người xuất gia và đặc biệt trong thời kỳ đại dịch như một sự gợi ý cho chúng ta thấy rằng trái đất bao la, cuộc sống muôn hình vạn dạng nhưng chúng ta 44:24 tựu chung vẫn có những điểm cần phải nhận rõ và thật sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày để tự sách tấn đúng như Chánh Tinh Tấn theo tinh thần Bát Chánh Đạo để chúng ta vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống, chứ không lùi lại để thỏa mãn cảm xúc của mình bằng cách tiếp cận với những điều chỉ tăng trưởng cảm xúc thỏa mãn những điều yêu thích của ta mà không dám vượt lên, vượt lên và vượt qua để đón nhận sự thành tựu sau khi chinh phục được những chướng ngại của bất thiện nghiệp của ma chướng, của những nhân quả nhiều kiếp đang trỗi dậy trong ta. Còn nếu không thì nhất định ta đang đẩy mình vào ngõ cụt của tăm tối, nơi đó luân hồi sanh tử, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là cái kết chúng ta sẽ đi vào trong ngày mai khi kết thúc cuộc đời này mà thôi.

Các bạn! Hãy cố gắng tinh tấn, đừng đi vào ngõ cụt, nhận ra những dấu hiệu như Bảo Thành vừa nói để giúp cho chúng ta mau chóng thoát ra khỏi để trở về với đời sống an lạc hơn. Trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, luôn giữ vững niềm tin để vượt qua, luôn thấy Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền mười phương hiển ngự trong cuộc đời, luôn đón nhận được năng lượng tình thương, tha lực Phật điển, luôn tiếp cận được với Chư Phật, Chư Bồ Tát, luôn thấy được trí tuệ tỉnh giác để thấy được vạn pháp vô thường sanh – diệt để không lao mình vào ngõ cụt của đau khổ.

Các bạn! Hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

“Thưa Phật! Biết bao nhiêu lần chúng con đã lao đầu đi vào ngõ cụt của cuộc đời và từ đó tạo ra biết bao nhiêu bất thiện nghiệp, gây ra sự khổ đau, phiền não cho bản thân và muôn người. Nay hiểu thấu, chúng con nguyện trở về với Chánh Niệm hơi thở, Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn, Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để đón nhận năng lượng tình thương của Chư Phật, thắp sáng tuệ giác của mình, nhìn rõ mọi pháp vô thường sanh – diệt để chuyển hóa mọi khổ đau và phiền não, để thoát ra khỏi ngõ cụt tăm tối của vô minh, bước vào ánh sáng của giác ngộ, tiếp cận với Niết Bàn tự tánh chân như. Nguyện xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh và dắt dìu chúng con trên con đường tu luyện.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta đồng tu xong rồi. Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin hồi hướng công đức này cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và cho quê hương Việt Nam của chúng con có đầy đủ phước báu thoát ra khỏi đại dịch hiện tại.

 Nguyện xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts