Search

Bài 1222: Không Còn Lòng Vòng – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Mỹ Thắm đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook chùa Xá Lợi. Hôm nay thứ hai đầu tuần tại tổ đình chùa Xá Lợi ở tiểu bang Maryland, chúng ta cùng đồng tu với nhau. Đã tới giờ, mời các bạn quy ngưỡng thân tâm của mình về với ba ngôi tam bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Mu A Mu Sa. 

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Mô Phật, Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu cùng với Bảo Thành ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook.

Các bạn thân mến, ngày xưa, khi Đức Phật nói về tất cả các pháp phương tiện rộng lớn, để độ cho chúng sanh ở khắp nơi. Chúng ta vẫn còn rất mường tượng, bởi ở trong một rừng cây chúng ta sợ lạc đường không biết hướng đi. Trong một rừng pháp phương tiện vô tận, con người sợ hãi bởi không biết rằng pháp nào là pháp phù hợp với chúng ta. Nhưng Đức Thế Tôn chẳng hề đưa pháp tới cho chúng ta rồi ngài bỏ đi biền biệt, để ta lạc lõng trong rừng pháp phương tiện vô tận của ngài. Ngài tới với từng con người trong thời còn hiện tiền trên thế gian, tới với từng chúng Phật tử căn cơ khác nhau. Truyền dạy những pháp phương tiện khác biệt, phù hợp với căn duyên của người đó. Và ngài hướng dẫn cho người đó thực hành, bằng sự quán chiếu nhân duyên của từng người. Và như vậy, đệ tử của Phật từng người, từng người, thứ lớp thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc đời. Chúng ta đồng tu với nhau, là chúng ta tự nguyện đi tới một sự quyết định thật thông thái, sự quyết định đặc biệt cho một kiếp người hiện tại. Để chúng ta cùng đồng hành với lời của Chư Phật, cùng tu luyện, cùng ấn định cho mình có một chân giá trị tuyệt đối bằng tình thương đích thực nghĩ về bản thân của mình để làm sao cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Và khi mỗi một các nhân chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa, nương vào hùng lực, giáo lí của bậc giác ngộ khai thị cho chúng ta để thực tập, nhất định cuộc đời của mỗi người chúng ta sẽ có ý nghĩa. Và ý nghĩa đó được lan tỏa đích thực bởi sự thực tập và cuộc sống của chúng ta. Là sự chứng minh thật là rõ pháp Phật nhiệm màu.

Đồng tu rất quan trọng. Với cái hiện đại, phương tiện sẵn có ở đời, chúng ta đồng tu ở mọi nơi bằng một phương tiện như thế, ta có thể diện kiến nhau trên màn hình nhỏ. Và rồi chúng ta sẽ cùng nhau hùn phước với phước báu vốn có, nhất định sẽ có một ngày chúng ta gặp lại nhau. Nhưng ít nhất ở trong chiều không gian vô tận này, ta vẫn gặp nhau ở trong tâm thức thiện lành của người con Phật. Các bạn, Thiền mật Song Tu Thất Bảo Huyền Môn là một pháp môn gọi là thiền mật giữa thiền của chánh niệm hơi thở, chúng ta thiền quán, quán chiếu nhận định được thật rõ những điều đang hiện diện trong chánh niệm hơi thở, trong hiện tại. Để lấy sự chánh niệm trong hiện tại đó, ta từ từ gom tâm vào đề mục của chánh niệm hơi thở và chúng ta lấy tâm trụ ở trong chánh niệm hơi thở đó để định được tâm, làm chủ được tâm. Đây là phương tiện để tu tập, làm chủ tâm của mình để tâm có thể làm chủ tất cả mọi cảm xúc, tất cả mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. 

Tất cả các pháp thiền của nhà Phật, tất cả các pháp phương tiện tu của nhà Phật, mục đích duy nhất là làm sao ta làm chủ được cuộc sống, làm chủ được cảm xúc, làm chủ được dòng nghiệp thức của mình giữa thiện và ác. Để tăng trưởng sự hạnh phúc, an lạc ngay ở trong kiếp này. Do đó thiền mật an trú trong chánh niệm hơi thở vào ra, với hơi thở thật là sâu, chúng ta dưỡng khí, nuôi thân. Và với sự tương tác với tha lực Phật điển, tha lực từ trường yêu thương của Chư Phật qua mật chú Mu A Mu Sa, mật ngôn vi diệu đưa sự gắn kết giữa ta và Chư Phật gần gũi hơn trong cuộc sống. Và những ai tu tập pháp môn này, sẽ an chú trong sự an lạc của chánh niệm hơi thở. Và có sự tương tác, giao thoa giữa tự lực của tâm cầu đạo, giác ngộ của mỗi chúng ta và tha lực Phật điển, năng lượng từ trường đại từ, đại bi của Phật hòa nhập vào trong cuộc sống. 

Đề mục chánh niệm và nương vào năng lượng yêu thương của Phật, rải tâm tư của Phật tới chúng ta và từ chúng ta lan tỏa cho mọi người sẽ làm cho cuộc đời của chúng ta tỏa hương sắc, thanh tịnh, thiện lành ngay tại nơi đây và lúc này. Đề mục các bạn gửi về hôm nay để chúng ta cùng với nhau tham khảo đó là không cần lòng vòng. Không cần lòng vòng nữa các bạn, đi thẳng, đi thật là thẳng, đi ngay đường thẳng lối để trở về với chân như miền đất tâm an nhiên. Đừng đi lòng vòng, chóng mặt té xuống, cuộc đời luẩn quẩn trầm luân lâu hồi. 

Mời các bạn đặt bàn tay, bàn tay phải được gọi là bàn tay Trí Tuệ đặt vào lòng bàn tay trái, gọi là bàn tay Từ Bi, ta lấy Trí Tuệ và Từ Bi vận hành bảy biến vi diệu Mu A Mu Sa, mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ, để chúng con có sự hiểu biết mà không cần lòng vòng nữa. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú, Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật, các bạn thân mến, thuở xa xưa, khi chúng ta còn thật là nhỏ, tầm nhìn chưa được rõ, sự hiểu biết cũng chưa thông. Bởi mới vào đời hoặc đang lớn, cần có thời gian để thu nhập kiến thức, hiểu rõ về cuộc sống. Cuộc sống về vật chất, cuộc sống về tinh thần rồi trong vật chất, tinh thần đó, ta học hỏi, nâng cao kiến thức về cả hai mặt, nhưng không có nhiều thời gian để tu dưỡng kiến thức về đời sống tâm linh của chúng ta. Chỉ có khi nào chúng ta đau khổ, khi nào chúng ta buồn phiền, thất bại, khi nào chúng ta phải chia tay với người yêu thương bởi người đó đã giã từ cuộc đời ra đi. Hoặc khi chúng ta thất bại hoàn toàn về kinh tế, về học thức, về quyền danh, về tình cảm. Hoặc là chúng ta đổ vỡ hoàn toàn, hoặc đổ vỡ một phần ở trong những phương diện của cuộc đời. Lúc đó dưới sự mà ta hiểu rõ, không còn làm chủ được nữa, ta mới đi tới đời sống tâm linh như các chùa chiền, am thất, đi tìm tới Đức Phật, đi tìm tới Bồ Tát Thánh Hiền. Để cầu xin các ngài như thương xót cuộc đời của chúng ta để cứu rỗi hoặc là để khai thị, hoặc để hướng dẫn hoặc cũng có thể căn duyên cao hơn. Chính trong sự đời ngang trái đó, ta tìm tới chân lý của nhà Phật, để tìm hiểu, để tu tập và từ đó là một nguyên nhân. Nói đúng hơn là nhân đó mà tạo được quả thiện bởi tâm tầm cầu một con đường giải cứu chính mình. 

Các bạn thân mến, nhưng trong con đường đi tìm đó không phải ai cũng dễ dàng thoát ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn đâu. Đề mục không còn lòng vòng nói đến rằng, chúng ta cứ lòng vòng mãi ở trong cuộc đời. Xã hội ngày hôm nay với sự chạy đua tốc độ quá nhanh, nhanh đến mức mà chúng ta thấy chóng mặt. Do đó, khi giao tiếp với một ai có nhân cách, có tánh tình ăn nói mà cứ lòng vòng ta sẽ mệt lắm bởi không có thời gian. Mà đúng như vậy, ở trên đời này ai có tánh và nhân cách lòng vòng chúng ta mệt mỏi dữ lắm. Bởi vì họ cứ lặp đi, lặp lại, xoay vần mãi sự việc đó, bản thân của họ không thể thoát ra khỏi vòng tròn của sự lẩn quẩn tư tưởng, việc làm và hành động, suy nghĩ và lời nói. Tiếp cận với những người có tánh khí như vậy riết ta cũng sẽ bị lây nhiễm cái lòng vòng đó. Và từ đó, ta bị lây nhiễm một cách không thể ngờ được bởi những người đó đôi khi rất gần gũi với chúng ta. Có thể là cha mẹ và cũng có thể là vợ chồng, con cái hoặc những người bạn thân tri kỉ hoặc những người chúng ta giao tiếp thường hằng trong mỗi ngày. Nó bị lây nhiễm không biết rồi đến cuối ngày ta lòng vòng như họ lúc nào không hay. Câu tục ngữ của người Việt nói, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, gần người lòng vòng ta cũng lòng vòng như họ mà không hay. 

Kinh pháp cú Đức Phật dạy nên tiếp cận với những bậc thiện tri thức hơn là tiếp cận với những con người có đầu óc u mê, lòng vòng, tăm tối. Phật khuyên chúng ta như vậy, bởi Phật nhìn rõ Bảo Thành và các bạn là con người, là phàm phu, chưa thể làm chủ được môi trường sống bởi tâm chưa thể làm chủ. Khi ta chưa làm chủ được tâm, làm chủ được cảm xúc, làm chủ được những tư tưởng, lời nói và hành động ở bên ngoài tác động, thâm nhập vào trong tâm của chúng ta. Chúng ta cần phải thật khôn ngoan lựa chọn cho mình một môi trường sống phù hợp, đó là kề cận bậc thiện tri thức, kề cận môi trường sống thanh tịnh. Còn không những bậc không phải là thiện tri thức, những môi trường không thanh tịnh dễ ô nhiễm vào cuộc đời và từ đó ta sẽ lòng vòng. Lòng vòng ở trong thế gian này đã bao lâu rồi các bạn. Người ta nói đời ngắn hay đời dài rồi cũng sẽ chết, mãi mãi chẳng thể về. Đó là cái nhìn thật ngắn gọn của những con người chưa có tầm nhìn thật là xa. Chưa hiểu rõ vòng tròn của luân hồi trong sáu nẻo tam đồ hổ lật ngược, lật xuôi, không có điểm nào dứt khoát thoát ra được. Bởi ta không nhìn thấy trên một vòng tròn luân hồi đó nên cứ tưởng hình như nó là một đường thẳng đi từ xanh đến tử kết liễu là hết. Đối với cái nhìn của bậc giác ngộ là Đức Bổn Sư ngài nhìn thấy từ điểm sinh ra và rồi chết đi chưa phải là một đoạn đường dài như thế rồi hết mà đó chỉ là một điểm khởi đầu cho một vòng tròn luân hồi trầm luân, đau khổ. Chính vì đó, làm sao để nói cho Bảo Thành, các bạn và chúng sanh nghe thấu hiểu được. 

Ta mắt bị cận, bị mờ, bị mù, không thể thấy được giữa hai điểm đó chỉ là những chấm nhỏ, những chấm nhỏ trên vòng tròn luân hồi mà cứ tưởng một đoạn đường kết thúc từ đó là hết. Cho nên giữa đoạn đường sanh tử, hết đó ta thả và làm những chuyện ô nhiễm, những chuyện sai trái, tội lỗi, tạo nghiệp mà không hay. Đức Phật đã nhìn ra thấy vòng tròn luẩn quẩn trong luân hồi đó gây khổ mà ta không biết nên ngài đã dạy cho chúng ta để thoát ra. Y chang như nếu như chúng ta có em bé, tầm nhìn của em bé mới lớn chưa thấy, chưa thông, chân chưa vững, óc chưa có sáng suốt để nhìn, bởi mới sinh ra ở trong đời. Nên cuộc sống của đứa trẻ đó chỉ lòng vòng trong cái nôi của mẹ, lòng vòng trong gia đình, tập bước, tập đi lòng vòng mãi, không thể thoát ra bởi cái cửa đóng kín. Cửa sổ thì cao nhìn không đủ tầm cao thoát ra bên ngoài và cửa lớn, cửa chánh thì kín, khó thoát. Chúng ta cũng vậy, những cửa sổ của ngũ căn, chúng ta chưa đủ để nhìn thấy ngoại cảnh, pháp ở bên ngoài. Chỉ là vô thường, ta cho nó là đúng, ta cho nó là hiện tại và luôn luôn nó hiện diện trong cuộc đời. Và từ đó ta cứ cố vươn lên để nhìn qua năm cửa của ngũ căn đó, ngũ căn đó, lòng vòng mãi, đắm chìm mãi. Và cửa chánh, cửa chánh để đi thoát ra khỏi sự lòng vòng trong căn nhà của ngũ uẩn, của thân tâm, của những tư tưởng này chưa được mở. Bởi muôn đời ta đã tự khóa kín và chìa khóa mất rồi, mở không được nên mù lòa nữa, rồi tăm tối nữa, bị nhốt ở trong căn nhà của ngũ uẩn này. 

Đối với các vị thánh và Bồ Tát, đối với các vị có sự an lạc và hạnh phúc như trong kinh, tâm kinh nói, quán chiếu ngũ uẩn là không. Còn ta không thể cho là không mà luôn luôn nhận định rằng nó là có. Bởi thế ta cứ lòng vòng từ sai lầm này đến sai lầm khác. Các bạn, không phải cuộc đời nó quá tiêu cực như vậy. Nói như thế không phải để chúng ta phủ nhận cuộc đời, nó là tiêu cực, nó không tốt. Đối với con mắt giác ngộ của Phật, đời người và thân người là phương tiện vi diệu. Đã gọi là phương tiện vi diệu thì chúng ta nếu thông được chân lí, lí lẽ này và thực tập, ứng dụng để sử dụng được phương tiện vi diệu. Ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc, không lòng vòng trong vòng vô minh nữa. Cho nên lời của Phật không phải tiêu cực và Phật giáo không phải là một tôn giáo tiêu cực, nhưng là một tôn giáo thật tích cực. Bởi dạy cho chúng ta ứng dụng và diệu dụng được kiếp người này để hoàn hảo cuộc đời và có được những giây phút hạnh phúc, an lạc ngay tại gia đình, xã hội, ngay trong hiện kiếp này. Không trông chờ những điều ta làm cho kiếp sau mà những gì ta làm ngay trong lúc này. Hiện tiền, quả báo, phước lành tới với chúng ta ngay tại chỗ. Phước quả nhãn tiền chẳng chờ kiếp sau, các bạn. Không còn lòng vòng là thấu lý được lời dạy của Phật, hiểu thấu được chân lý. Bất cứ một chuyện gì chúng ta muốn hiểu, chúng ta phải nhận diện được nó.

Và cuộc sống Chư Phật dạy, nếu không nhận diện được khổ đau thì chúng ta cứ lòng vòng mãi trong cuộc đời tăm tối. Chìa khóa đầu tiên để không còn lòng vòng nữa là chúng ta, Bảo Thành và các bạn phải nhận diện ra sự có mặt của khổ đau trong cuộc đời. Chúng ta có khổ, chúng ta có đau, chúng ta có phiền não nhưng chúng ta không có nhận diện được nó bởi không có thời gian nhận diện, không đầu tư thời gian nhận diện, không có chú tâm nhận diện ra sự khổ đau đó. Mà sự khổ đau, phiền não đó nó xâm nhập vào cảm xúc của chúng ta và chúng ta chỉ có cảm xúc đau khổ, phiền não. Những cái vui bất chợt tới, cái buồn bất chợt tới, nó cứ như vậy đảo lộn như con thoi. Lúc đầu đông, lúc đầu tây, lúc bắc, lúc nam ngược xuôi bốn bề mà ta chẳng còn nhận định được, chóng mặt, xoay vần trong khổ đau mà không nhận diện ra được nó. Chìa khóa để không còn lòng vòng phải ngay từ điểm này, xuất phát từ điểm này chúng ta phải dũng mãnh, chúng ta phải có sức mạnh, phải có tầm nhìn. Tầm nhìn của tâm chân thật, trí tuệ, hiểu biết để nhận diện ra sự có mặt của khổ đau trong cuộc đời của chính mình. Các bạn hỏi tại sao phải nhận diện ra khổ đau trong cuộc sống. Bởi các bạn nếu không nhận diện ra khổ đau của mình thì các bạn sẽ không nhận diện ra nguyên nhân tạo ra khổ đau và chúng ta sẽ bị lâm vào bệnh đổ thừa. Trời ơi, ông chồng ổng làm tôi đau khổ quá, cha mẹ làm cho tôi phiền não quá, bạn bè làm cho tôi khó chịu, đau khổ quá. ra đường vấp té, trời đất, ai để cục đá ở đây để tôi té đau, khổ quá. Rồi ra đường lỡ mà đi lạc đường cũng đổ thừa chính phủ, nhà nước, cơ quan giao thông, không có biết cách làm những bảng chỉ đường để cho tôi lạc đường. Rồi ăn một thứ gì vô đau bụng cũng đổ thừa người nấu đồ ăn dở quá không biết nấu, làm tôi đau bụng. Thậm chí tới một nhà hàng sang trọng ăn một món ta không thích thì cũng chê nhà hàng này nấu dở, chứ không nghĩ rằng ta không thích.

Ở đời muôn sự, ta luôn đổ thừa bởi nguyên nhân tác động từ bên ngoài gây ra cho ta khó chịu, khổ đau và phiền não. Chứ chúng ta không bao giờ học như lời Phật dạy để nhận diện ra sự khổ đau, phiền não và nguyên nhân đó do chính tâm chấp trượt, phân biệt của ta. Mà hình như chúng ta đổ thừa cho người khác gây ra sự khổ đau cho ta nó nhẹ nhàng, nó dễ hơn, nó thoải mái hơn. Và rồi nó đi thâm nhập vào gen di truyền trong dòng máu của ta từ ngày đầu đến ngày cuối của cuộc đời, ta tự nhồi sọ, ám thị, lòng vòng trong tư tưởng rằng ta không bao giờ đau khổ và phiền não. Và trong cuộc đời của ta, không có đau khổ và phiền não, có chăng là người khác tạo ra chứ ta hoàn toàn hoàn hảo. Đó gọi là tự hào về cái tôi của mình quá đáng, để rồi không nhận diện ra khổ đau do chính mình gây ra. Và bởi vì không nhận diện ra sự khổ đau có mặt trong cuộc đời do chính ta gây ra thì ta không tìm ra được nguyên nhân đó để chuyển hóa nên ta cứ lòng vòng, lòng vòng, lòng vòng mãi. Lòng vòng như một câu hát đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt của ông Trịnh Công Sơn. Và thực sự không biết rằng tâm ý của ông ta như thế nào, nhưng câu này cũng có lý. Cuộc đời của chúng ta cứ đi lòng vòng mãi và đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt, chúng ta cứ lang thang mãi, mỏi mệt mãi mà Đức Phật tới gõ cửa và nói rằng “ Con ơi, con đi lòng vòng rồi đó”, thì chúng ta la lên, ca thán, đau khổ, phiền não, nói “Không, tôi không có lòng vòng, Phật ơi con không có lòng vòng, con nhìn rõ được”. Không chúng ta thật sự đã và đang đi lòng vòng trong cuộc đời. 

Nếu không bình tĩnh ngồi xuống được sự khai thị của những bậc thiện tri thức hoặc một lần tự mình tìm tòi, học hỏi chân lý của Đức Phật dạy thì chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi sự lòng vòng này đâu. Các bạn nhìn kĩ lại đi, trong cuộc đời từ khi có nhận thức và kiến thức, tự hào về bản thân và cái học của mình. Các bạn nhìn kĩ đi, đã bao nhiêu lần các bạn đã đổ thừa cho người khác gây khổ cho các bạn. Đã bao nhiêu lần các bạn đã đổ thừa cho người khác gây ra tai nạn cho các bạn. Câu chuyện mà chúng ta đi ra ngoài đường vấp té thôi, ta không bao giờ nhìn nhận cái khổ đau của sự vấp té đó và nhìn thấy nguyên nhân ta đi không nhìn đường nhưng luôn luôn đổ thừa ai đó để cái gì đó vấp té, ai đó đặt để cục đá, sợi dây hoặc ai đó làm điều gì đó gây loạn tâm mà ta vấp té. Ta luôn luôn, con người luôn luôn đổ thừa. Căn bệnh đổ thừa là một căn bệnh truyền nhiễm. Bảo Thành có căn bệnh đó, chắc chắn các bạn cũng có. Chính vì trong chúng ta có căn bệnh đổ thừa truyền kiếp. Nó truyền nhiễm trong truyền kiếp và nó luôn luôn đáo hạn trở lại liên tục không bao giờ dứt hạ. Chính lẽ đó, chúng ta cứ lòng vòng hoài trong luân hồi. Chữ luân hồi ở đây chẳng phải nói là sanh tử luân hồi. Luân hồi tức là cái lần đi lần lại những lầm lỗi chấp trượt của chúng ta mà không thoát được. Hiểu đơn giản, bởi vì Bảo Thành và các bạn là những chúng sanh, là con người bình thường, chưa phải bậc thánh. Và chúng ta không thể tu tập để chứng đắc thành quả thánh. Nếu không chứng đắc được sự nhận ra khổ đau của chính mình, nhận diện ra nó và sửa. Nếu không có hạnh phúc và bình an thì thôi đừng nghĩ tới vấn đề phải thoát thành Phật, thành Thánh, thành Tiên. Đầu tiên là phải giải thoát ta khỏi sự lòng vòng trong những quan niệm, những khái niệm, những phong tục, tập quán, những kiến thức không còn phù hợp. Làm sao chúng ta có thể nhận ra, chúng ta phải mang chân lí của Phật để soi lại tất cả những kiến thức ta đã học, những phong tục ta đã đón nhận, những thói quen tập quán nơi vùng miền ta sinh sống. Mang kiến thức của Phật thì chúng ta sẽ nhận rõ giữa lăng kính của sự giác ngộ Phật đã truyền dạy qua giáo lý của ngài. Chúng ta nhất định sẽ nhìn rõ để tránh đi sự lòng vòng mà lỡ chúng ta lòng vòng rồi, nhận diện được sự khổ đau, nhận diện được nguyên nhân gây ra khổ đau đó, chúng ta sẽ có một lần dũng mãnh, dứt khoát tất cả mọi tội lỗi sai trái của mình để nằm thẳng tâm, nằm thẳng con đường của mình đi tới sự giải thoát, không lòng vòng nữa. 

Các bạn, cho nên chìa khóa vẫn trở lại để tránh sự lòng vòng trong cuộc đời để chồng mệt mỏi, để vợ bất an, để cha mẹ đau khổ, để xã hội loạn lên. Mỗi một cá nhân chúng ta phải đi ngay, đi thẳng, đi cho ngay, về cho thẳng, nói cho ngay, nghĩ cho thẳng, hành động cho ngay thẳng đừng lòng vòng. Mà muốn có sự ngay thẳng đó thì chúng ta phải nhận diện ra sự khổ đau và nguyên nhân gây ra sự khổ đau đó bằng đầu tư thời gian nhìn, đón nhận khổ đau tới với ta và nhận diện ra rằng do ta tạo ra. Rồi từ đó tập trung thời gian nhìn cho thấu, nhìn cho rõ, nhìn bằng trí tuệ và hiểu biết, nhìn bằng sự tha thứ và bao dung, thì tự nhiên tâm ta sẽ thẳng. Cái nhìn của ta sẽ rộng và sẽ xa, để rồi từ đó ta không còn lòng vòng trong những mớ suy nghĩ luẩn quẩn của những kiến thức đổ thừa nữa, mà ta sẵn sàng đứng lên chịu trách nhiệm về cuộc đời, nhận rõ khổ đau hiện diện trong mình và nhìn ra nguyên nhân đó để đầu tư sức mạnh trong chánh niệm hơi thở, để có được kiến thức tư duy, để làm sao chúng ta có thể giải thoát bản thân thoát ra khỏi sự lòng vòng của tư tưởng, của nền văn học đổ thừa. Nền văn học, nền kiến thức, phong tục đổ thừa bây giờ nó đi thâm nhập vô trong xã hội rồi. Các bạn cứ thấy đi, ngay mùa lũ lụt ở miền trung hiện tại đây thôi, chẳng ai chấp nhận nguyên nhân. Từ trên xuống dưới, ai cũng đổ thừa lòng vòng và cuối cùng chỉ có những vòng tay nhân ái, bao dung, độ lượng. Chẳng nhìn vào điều đó mà chỉ thấy rõ nhưng không cần phải than vãn, dốc lòng mang sức ra kêu gọi sự giúp đỡ cho người nghèo. Còn những người có quyền lực, có sức mạnh, họ không nhìn nhận, họ không nhận diện ra sự khổ đau của người dân miền Trung. Họ không nhận diện ra nguyên nhân cho nên họ cứ đổ thừa qua, đổ thừa lại, để hết năm này đến năm sau lũ vẫn về và dân vẫn khổ. Đó là lũ về với người dân miền Trung. Còn lũ của sự lòng vòng trong tâm thức của những con người không nhận diện ra khổ đau, nó dâng tràn ở trong tâm cảm, nó trào ở trong tim, nó làm cho khóe mắt thông và làm cho những giọt nước mắt chảy hoài không có ngưng. Cơn lũ đó mới là nguy hiểm bởi mỗi một người trong chúng ta cứ lòng vòng hoài, trốn tránh trách nhiệm với bản thân và không bao giờ có đủ dũng lực nhận diện ra khổ đau tiềm tàng trong con người, cuộc sống của chúng ta để chuyển hóa và thay đổi. Do vậy mà ta cứ đi lòng vòng, lòng vòng mãi. 

Các bạn, Đức Phật tới là giúp cho chúng ta thoát ra khỏi vòng tròn sanh tử bằng sự khai thị nhận thật là rõ. Ngài nắm tay của chúng ta dắt ra khỏi căn nhà tù túng của ngũ uẩn, của ngũ dục, của sự đam mê chấp trượt, của sự lòng vòng trong cái tâm đổ thừa dính mắt của tự ngã, tôn vinh bản thân của mình. Và ngài chỉ tay cho chúng ta thấy ánh sáng được mặt trăng của pháp Phật nhiệm màu để noi theo ánh sáng đó, chúng ta từng bước bước ra thẳng lối để đi về miền đất chân như, tịch tĩnh, an nhiên và hạnh phúc. 

Các bạn, chúng ta nên thực tập trong chánh niệm hơi thở. Sống một đời sống chánh niệm để nhận diện ra sự khổ đau có mặt trong cuộc sống của chúng ta. Và với hơi thở chánh niệm quán chiếu đó, chúng ta sẽ làm chủ được tâm của mình. Thiền là làm chủ tâm, thiền là để có tâm chánh định, làm chủ được và chúng ta khi tương tác bởi những giác quan của mình với bên ngoài, chúng ta nhận diện ra bằng với tâm được làm chủ động đó. Và nương vào nước thanh lương tịnh thủy, năng lượng từ trường yêu thương từ bi của Phật để chúng ta có sức mạnh yêu thương. Yêu thương bản thân của mình bằng con mắt trí tuệ, bằng tầm nhìn chánh niệm để nhận diện khổ đau và tìm ra nguyên nhân gây ra khổ đau đó. Và cũng bằng năng lượng từ bi đó ta sẵn sàng tha thứ cho tội lỗi, lầm chấp của ta để gội rửa uế trượt do ta tạo ra bởi bất thiện nghiệp. Để chúng ta xây dựng lại một nền tảng đức hạnh dựa trên tầm nhìn của chánh niệm của hơi thở, quán chiếu thật rõ, nhận diện khổ đau, thấy được nguyên nhân, mang lòng từ bi của Chư Phật, năng lượng từ bi của Phật, thay đổi đắp mới cuộc đời bằng ánh mắt trí tuệ viên thông để nhìn thấy con đường thẳng đi vòng nữa để làm gì các bạn. Đã thấy được con đường thẳng đó rồi thì các bạn đừng lòng vòng nữa hãy mạnh dạn lên. Bởi chúng ta có bạn, có đồng môn, chúng ta có thầy, chúng ta có Bồ Tát Thánh Hiền, Long Thần Hậu Pháp, chư Thiên, chúng ta có Chư Phật Mười Phương luôn luôn tiếp cận với cuộc đời của chúng ta. Và sẵn sàng, các vị đó sẵn sàng đưa tay ra để chúng ta nắm lấy tay của các ngài mà bước ra sự lòng vòng trong khổ đau của cuộc đời , trong luân hồi sanh tử để đi một đường thẳng tắp, được gọi nhân sinh kiếp người này đi tới cảnh giới của tuệ giác viên thông, hạnh phúc và bình an. 

Các bạn rất cần và cần lắm những con người nhận diện ra sự khổ đau. Mỗi một người khi nhận diện ra sự khổ đau của mình trong cuộc đời của mình và nhận diện ra nguyên nhân gây ra khổ đau đó, là đóng góp tích cực vào sự hòa bình cho bản thân, cho gia đình, cho thế giới và cho xã hội. Cho nên không thể ngồi ở đó mà cầu cho thế giới hòa bình khi mỗi người không nhận diện ra sự khổ đau vốn có mặt trong con người của chúng ta. Không thể ngồi đó mà cầu cho thế giới hòa bình khi mỗi người chúng ta chưa nhận diện ra được sự khổ đau và nguyên nhân gây ra khổ đau đó nơi chính chúng ta. Khi nhận diện ra sự khổ đau có mặt, nguyên nhân tạo dựng ra sự khổ đau, chuyển hóa nó bằng chánh niệm đời sống, bằng năng lượng từ  bi, bằng lòng bao dung và tha thứ thì chúng ta là sứ giả hòa bình ngay tại gia đình. Đời sống giữa vợ chồng sẽ không có chiến tranh, giữa con cái luôn luôn hòa hợp, giữa cha mẹ luôn luôn thái bình và xã hội nhất định sẽ có được sự bình an. Cho nên mỗi một con người chúng ta, mỗi một cá nhân của chúng ta như Bảo Thành và các bạn, thật nhỏ bé, nhỏ hơn hạt bụi nhưng vẫn đóng tầm quan trọng trong nền hòa bình thế giới. Nếu như chúng ta sống một đời sống chánh niệm tu tập hơi thở thiền mật song tu, chánh niệm Mu A Mu Sa để nhận diện ra sự khổ đau hiện hữu trong cuộc đời của chúng ta. Và nhìn rõ được nguyên nhân đó, không đổ thừa nữa, mang ánh sáng trí tuệ của Phật chiếu vào, mang năng lượng từ bi của mười phương Chư Phật rải vào trong cuộc đời, tưới tẩm và nuôi dưỡng đời sống chánh niệm để khổ đau ta nhận diện ra, nguyên nhân gây ra khổ đau ta thấy rõ, ta sửa. Để tâm ta nhìn cho thẳng, lời ta nói cho thẳng, hành động của ta cho thẳng để không còn vùi đầu vào trong sự lòng vòng của vô minh, tạo tội và đổ thừa nữa. 

Các bạn trở về với đời sống gia đình đi, các bạn cứ đổ thừa hoài. Chuyện gì sai hoặc chuyện gì buồn, chuyện gì không đúng thì một là chồng đổ thừa cho vợ, hai là vợ đổ thừa cho chồng, hoặc là con cái đổ thừa cho cha mẹ. Phật dạy, mỗi một đời sống của một cá nhân, tốt xấu đều là do thiện nghiệp và ác nghiệp của người đó tạo ra từ kiếp trước và kiếp này. Nhận diện ra sự khổ đau đó để tránh sự đổ thừa. Đã bao nhiêu con cái đổ thừa sinh ra trong gia đình nghèo khổ của cha mẹ, biết bao nhiêu cha mẹ đổ thừa sinh ra trong gia đình con cái nó bất tuân. Chúng ta cứ đổ thừa mãi và để tôn vinh cái tôi của mình lên bản ngã của mình lên. Càng như vậy càng vùi đầu vào trong vòng tròn luẩn quẩn của tâm thức không có trí tuệ. Hôm nay đây, Bảo Thành và các bạn hãy mạnh dạn lên đón nhận ánh sáng trí tuệ của Phật. Đón nhận năng lượng từ trường yêu thương của Phật qua chánh niệm đời sống và hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa để chúng ta có một cái nhìn chánh niệm. Chánh niệm tịch tĩnh quán chiếu để nhìn rõ và nhận diện ra sự khổ đau đang có mặt trong đời sống của mỗi người và nhận diện ra nguyên nhân gây ra khổ đau đó để chuyển hóa.

 Chúng ta nhớ rằng, mỗi một người như chúng ta. Bảo Thành và các bạn đều là sứ giả của hòa bình ngay trong gia đình và cuộc sống. Dù rằng cuộc đời của chúng ta rất tầm thường, rất nhỏ bé, bé hơn hạt bụi, nhỏ hơn vi trần nhưng vẫn đóng một vai trò thật quan trọng, thật tuyệt vời. Do đó những hạt bụi nhỏ như vi trần của cuộc đời chúng ta, hãy gánh lấy trách nhiệm mang lại hòa bình cho thế giới và hãy hãnh diện rằng chúng ta là sứ giả của sự hòa bình, bằng đời sống chánh niệm hơi thở, bằng đón nhận năng lượng từ bi của Phật và bằng sự dũng cảm nhận diện ra sự khổ đau có mặt trong cuộc đời. Và chúng ta tìm hiểu, quán chiếu để thấy được nguyên nhân đó. Để không còn đổ thừa cho ai nữa. Các bạn không còn lòng vòng nữa nghe các bạn. Hãy trách nhiệm bằng đời sống chánh niệm, hãy dũng mãnh bằng trí tuệ, hãy yêu thương và bao dung bằng năng lượng từ bi để thế giới có được hòa bình, và chúng ta xứng danh là sứ giả hòa bình trong ngay kiếp có mặt trên thế giới này ngày hôm nay. 

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi chúng ta vận hành bảy biến vi diệu Mu A Mu Sa. 

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh và khai mở trí tuệ, để cho chúng con không còn lòng vòng trong luân hồi sanh tử vô minh nữa. Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú, Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật, các bạn hỏi tại sao đồng tu với Bảo Thành cứ Mu A Mu Sa, rồi cứ hít vào, thở ra, phình bụng , hóp bụng. Chúng ta đồng tu, chúng ta ngoại trừ vấn đề tham khảo đề mục và chia sẻ ngôn ngữ để hiểu về những góc cạnh trong đời sống của người Phật tử tại gia chúng ta, của người Phật tử bận rộn, của người Phật tử mà không có nhiều thời gian ưu tiên đi tới chùa tu tập từng giờ, từng phút. Các bạn, các bạn hỏi là đúng, bởi vì học hỏi, học là phải hỏi. Mu A Mu Sa chúng ta cứ phải Mu A Mu Sa suốt đời thôi các bạn à. Các bạn hỏi tại sao Mu A Mu Sa là gì mà cứ phải Mu A Mu Sa suốt đời. Trong Phật giáo gọi là gì, chúng ta có niềm tin , tín, nguyện hạnh. Khi chúng ta tin vào tam bảo, chúng ta thực hành những hạnh từ thiện và những hạnh đức của cuộc đời, chúng ta phải phát nguyện. Nguyện làm những điều đó, Mu A Mu Sa là một lời nguyện mà Phật dạy cho chúng ta luôn luôn nguyện như vậy. Vậy Mu A Mu Sa có ý nghĩa nguyện là gì. Mu A Mu Sa có ý nghĩa là, chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ, đại bi xuống cho muôn loài chúng sanh. Các bạn thử hỏi thế giới này sẽ như thế nào nếu không có lòng từ bi của mỗi người đối xử với nhau và đặc biệt là không có năng lượng từ bi tới từ Chư Phật. Cho nên Mu A Mu Sa có nghĩa chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ, đại bi xuống cho muôn loài chúng sanh. Chính vì ý nghĩa của châm ngôn cao cả này mà chúng ta sẽ phải Mu A Mu Sa mỗi ngày để đón nhận năng lượng từ bi, để xin Chư Phật rải tâm từ xuống cho chúng ta. Chúng ta tu rải tâm từ là nguyện rải tâm từ mà hành ác thì lấy từ ở đâu mà rải, lấy bi ở đâu mà rải. Chúng ta là phận người còn xen lẫn giữa ác và thiện, giữa đúng và sai, vẩn đục lẫn lộn. Cho nên ta đón nhận năng lượng từ bi của Phật để gội rửa tánh ác, điều sai trái tội lỗi của ta. Để chúng ta được thanh tịnh sạch sẽ và từ đó lan tỏa năng lượng từ bi của Phật. Cho nên ta phải Mu A Mu Sa phát nguyện liên tục.

Sự phát nguyện này cũng là một phương pháp, là một đề mục để chúng ta mang tâm trở về với lòng từ bi của Phật và của ta. Khi chúng ta trụ vào trong năng lượng từ bi tâm sẽ định lại được và chúng ta cùng vận hành với hơi thở chánh niệm vừa an trú trong chánh niệm hơi thở thật sâu xuống đan điền, khí hải, vùng sâu của luân xa 1,2,3,4,5,6,7 để kích hoạt năng lượng tự thể của thân, giúp cho thân khỏe mạnh. Hơi thở sâu phình bụng, thở ra từ từ hóp bụng, nó làm cho các kinh mạch vận hành đúng theo những điều cần thiết của cơ thể thì cơ thể sẽ khỏe, hết bệnh. Đây là điều tự nhiên. Sự vận hành cơ thể bằng khí và sự kích hoạt năng lượng vận động trong thân là một sự tu tập cần có trong cuộc sống bận rộn mà không còn chỗ và cơ hội tập thể dục, thể thao, không còn chỗ để sinh hoạt, không còn môi trường lành mạnh, rừng đã bị phá, thiên nhiên bị chấn động. Chỉ còn khu rừng thiên nhiên tự tại ở trong tâm mà thôi. Nếu các bạn không xây dựng, tái tạo lại rừng thiên nhiên tự thể bằng hơi thở chánh niệm đón nhận năng lượng từ bi của Phật Mu A Mu Sa thì các bạn đang phá hỏng môi trường tự nhiên trong cơ thể và cuộc sống của các bạn rồi. Thì các bạn sẽ có những cơn lũ của đau khổ phiền não dâng trào và các bạn sẽ bị nhấn chìm xuống, chết chìm ở trong cơn lũ đau khổ đó mà thôi. Do đó trong chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa rất quan trọng.

Bảo Thành và các bạn đồng tu là để chúng ta trong giờ phút nghe pháp và tham vấn về những đề mục quán chiếu trong cuộc đời như hôm nay. Không còn lòng vòng nữa nhưng vẫn tích lũy được hai mươi mốt biến, ba lần hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa. Vừa nghe vừa tu thật là thư giãn, nhẹ nhàng, có công năng hiệu quả cao, giúp cho thân khỏe, hết bệnh, giúp cho tinh thần trong sáng và giúp cho chúng ta giải tỏa những bế tắc trong những đề mục như không còn lòng vòng thì hôm nay chúng ta tu tập để thoát khỏi sự lòng vòng, không còn đổ thừa cho ai nữa. Mọi nguyên nhân tới với chúng ta đều do là ta chưa nhận diện ra được sự khổ đau có mặt trong ta. Và nguyên nhân đó, hôm nay chúng ta dũng mãnh trong chánh niệm hơi thở, nhận diện ra sự khổ đau có mặt trong đời sống của chính mình và tìm hiểu nguyên nhân đó. Để chúng ta chuyển đổi bằng lòng bao dung. Mang nước từ bi của Phật gội rửa, thay đổi nó để không còn lòng vòng trong sanh tử luân hồi của những nghiệp thức bất thiện ngay trong đời sống gia đình từ vợ chồng, con cái, cha mẹ, xã hội nữa. Và hãnh diện ta là sứ giả hòa bình, dù rất nhỏ bé, nhỏ hơn hạt bụi nhưng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền hòa bình thế giới. Nếu chúng ta nhận diện ra khổ đau, thay đổi nó và tìm hiểu được nguyên nhân thì chúng ta chính là sứ giả hòa bình cho thế giới này. 

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi vận hành bảy biến nữa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Để cho chúng con có trí tuệ nhận diện ra được khổ đau và nguyên nhân gây ra sự khổ đau đó để không còn lòng vòng trong sanh tử luân hồi nữa. Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm trì mật chú, Mu A Mu Sa. – 7 biến

Mô Phật, chúng ta đã đồng tu xong rồi, mời các bạn chấp tay vào hồi hướng công đức. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Mu A Mu Sa, con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực cho chúng con để có trí tuệ nhận diện ra khổ đau và nguyên nhân tạo ra khổ đau đó để chúng con thoát khỏi sự lòng vòng trong sanh tử luân hồi. Và xin khai tâm mở trí để chúng con trở thành những sứ giả, mang lại hòa bình trong thế giới ngay tại trong gia đình, mang lại hạnh phúc cho gia đình, mang lại niềm vui cho gia đình. Chúng con cũng hồi hướng cho các nguyên thủ các quốc gia, biết ngồi xuống từ bỏ cái tôi thành lập nên chính sách hòa bình trên thế giới. Nguyện cầu cho các khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra vacxin, thuốc chữa đại dịch. Cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới chữa lành bệnh nhân. Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai còn đang đau khổ, thoát khỏi khổ đau và cho những hương linh vừa tử vong được siêu sanh miền tịnh độ.

 Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts