Search

Bài 1195: Mở Cửa Chơn Tâm – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Mô Phật Bảo Thành kính chào quí Sư Cô và các bạn đồng tu. Chúng ta đang ở khu rừng Thiền Tổ đình Xá Lợi hôm nay vào một buổi sớm cuối mùa Thu. Trời thật là đẹp, gió nhẹ, chúng ta cũng có thể thấy được những chiếc lá vàng đang bay lượn trên gió và đáp nhẹ xuống đất. Và bây giờ các bạn ơi, đã đến giờ chúng ta đồng tu với nhau rồi. Mời các bạn chắp tay vào chúng ta qui ngưỡng thân tâm của mình  về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa. Chúng con nguyện Mười Phương Chư ban rải tha lực Phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Các bạn thân mến. Nhắc lại cho chúng ta Thiền Mật Song Tu Thất Bảo Huyền Môn đưa hơi thở từ mũi đi vào trong phổi, xuống sâu vùng luân sa số 1. Và ta dùng tánh thấy, thấy được hơi thở đi vào từ mũi, và tánh biết bụng mình phình ra khi hơi thở đi xuống dưới. Rồi cũng dùng tánh thấy thấy được hơi thở đi từ dưới đi ra khi thở và biết được bụng hóp vào, đồng thời trì mật chú vi diệu âm Mu A Mu Sa. Một vòng xoay của chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa giúp cho chúng ta thật gần gũi với đất trời thiên nhiên tự tại vốn có, tạo được do phước báu nhiều đời. Chúng ta hãy bắt đầu hơi thở và đi vào để mục chia sẻ hôm nay: Mở Cửa Chơn Tâm.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, chúng ta vận hành 7 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ, đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và khai mở 7 luân sa để cho chúng con có đủ tuệ giác (chánh tuệ) hiểu thấu được ý nghĩa của đề mục Mở Cửa Chơn Tâm hôm nay. Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu luân sa trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 lần)

Mô Phật. Các bạn vừa hít thở 7 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa với hơi thở chánh niệm vào ra đi qua mũi xuống sâu lồng ngực và đi xuống luôn sa số 1. Từ đó chánh niệm hơi thở, chúng ta nhẹ nhàng đón nhận sự sống từ thiên nhiên từ không khí. Hôm nay ngồi ở ngoài trời, giữa tượng đài Tam Thế Đức Bổn Sư, Ngài  Đại Chí Văn Thù với trí tuệ viên minh và Ngài Đại Hạnh Phổ HIền với hạnh từ bi để độ chúng sanh, trong khu rừng Thiền của Tổ Đình Chùa Xá Lợi tiểu bang Maryland. Không khí tươi mát của những ngày cuối Thu, gió cứ nhè nhẹ lùa qua những cành lá xanh để rồi hâm nóng năng lượng của cả một mùa xuân. Mùa hè đã đi qua làm cho lá vàng dần và rơi rụng. Dưới con mắt của tất cả chúng ta, nhiều người tán tụng lá vàng rơi rụng như một cảnh nên thơ của cuộc đời, thế vậy trong khúc hát người ta đã đặt để: con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô. Người học Thiền, người con Phật không nhìn lá vàng khô rơi xuống để rồi con nai vàng ngơ ngác đạp lên rộn ràng tiếng yêu, tiếng thơ mà người học Thiền nhìn thấy sự chuyển sinh, sự nối tiếp sự sống trong thiên nhiên trong bốn mùa xoay vần liên tục. Xuân, hạ, thu, đông, mỗi một mùa có một sự thể hiện, có một sức sống khác biệt.

Khi mùa xuân tới sức sống được trỗi dậy, được bung ra bởi những nụ tầm xuân, bằng hoa hé nở, bằng những lá xanh tươi khoe sắc màu, bằng hương trời ngây ngất. Mùa hè tới nắng ấm hơn tỏ lộ cái đẹp của hoa, của cây, của đất trời. Mùa thu lá vàng rụng, lại thể hiện cái đẹp nội lực thâm sâu ở từng cái rễ bám vào lòng đất trụ trong miền đất mà sẽ phải đón nhận băng giá, tuyết phủ lạnh lùng nhưng vẫn ấm áp vô cùng. Để rồi khi thu tàn, đông tàn, xuân đến thu về, hoa kia lại nở, lá này lại xanh. Quán chiếu sự vận chuyển liên tục như vậy và thấy thật rõ, các bạn, trong thiên nhiên, cánh cửa của thiên nhiên luôn mở rộng để đón chào và đón mừng muôn ngàn sự sống được khai sinh cho sự nối tiếp từ ngày này qua ngày kia, liên tục trong sự vận hành của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Lá rơi, lá rụng về nguồn. Trải qua một thời gian từ cội nguồn đó, lá lại trồi lên mầm xanh tươi. Thế vậy mà đất vẫn tịnh tĩnh ôm ấp những sự sống vào trong lòng, nhìn dòng đời trôi nổi qua lại thấy sự sống liên tục đổi thay mà đất vẫn y như vậy. Cho nên Đức Phật mới dạy cho chúng ta sự quán chiếu. Đất như người mẹ, ôm ấp muôn sự sống vào vòng tay nhân ái, để che chở, để dìu dắt và để khơi dậy một nguồn sống mới liên tục nối tiếp muôn đời không tận diệt. Cánh cửa của thiên nhiên giữa rừng núi, giữa rừng Thiền của Tổ Đình, chúng ta nghe được tiếng chim. Chúng ta nghe được tiếng gió xào xạc. Chúng ta cũng có thể nghe được, nhìn thấy được lá rơi, lá rụng và rồi tư tưởng của con người nếu phong kín lại như nhốt ở trong ngục tù đen tối. Sao chúng ta có thể nhìn thấy cảnh thiên nhiên đẹp như vậy. Sao chúng ta có thể nhìn thấy cây cỏ đẹp như vậy. Sao có thể chiếc lá xanh biến thành vàng rơi xuống đất trở thành rác nó cũng đẹp. Bởi rác đó là phân, là sức sống cho sự sống tiếp nối, không bao dừng, không bao giờ ngưng, không bao giờ tận diệt. Nó chỉ xoay chuyển. Nó chỉ chuyển hóa từ dạng thức này qua dạng thức khác, từ dạng xanh qua dạng vàng, rồi nó khô rồi lại chuyển thành nụ, thành sự sống vươn lên.

Các bạn, thiên nhiên là như vậy. Phật giác ngộ đã nhìn thấy một thiên nhiên tự thể vốn có trong thân xác của khu rừng thân tâm chúng ta đây. Đó là thiên nhiên tự thể của Phật tánh, nếu nhìn trong khu rừng của Tổ Đình ta thấy thiên nhiên, thì nhìn trong khu rừng của đời này ta thấy có một tự thể thiên nhiên của Phật tánh bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm luôn luôn hiện hữu từ đời này sang đời kia. Chuyển hóa dưới những dạng thân tướng khác biệt, hồi sinh trong sức sống của minh tuệ được đúc kết bởi Pháp Thiện mà Bảo Thành và các bạn tu luyện từ muôn đời cho đến hôm nay. Nếu trong chúng ta không đủ phước báu trong pháp thiện đã tu sao có thể mang được thân người ngồi giữa đất trời hưởng được sự tự tại thanh phú an nhàn như thế này.

Mở cửa tâm hồn hay Mở Cửa Chơn Tâm chẳng phải là một danh từ ngôn ngữ mỹ miều hay những ngôn ngữ được gọi là mỹ từ đặt ra cho văn chương. Bởi vì các bạn sẽ hỏi chơn tâm đâu mà mở, bởi đâu có cửa mà đóng, bởi tâm Phật mênh mông vô tận. Nhưng cửa chân tâm của ta, tâm phàm phu, tâm của cái tôi cống cao ngã mạn, tâm của cái tôi là trên hết đã tự tách rời phong tỏa ta. Từ đó ta không thể hòa nhập vào. Mở Cửa Chơn Tâm, đó là một cách nói ý nghĩa rằng chúng ta hãy hòa nhập trở lại với bản thể vốn có tự nhiên ở trong ta. Chúng ta đã rong ruổi chạy theo vật chất của cải, danh vọng tiền tài nơi thế gian, miếng cơm manh áo hàng ngày để rồi vùi đầu trong lo nghĩ của đời thường, quên mất bản thể vi diệu mà Chư Phật khai thị. Đó là Chơn Tâm. Đó là Phật tánh. Ta bỏ hình bắt bóng. Ta bỏ tâm Phật thường hằng bất biến, an nhiên tự tại để đi tìm tâm của cái tôi nhỏ bé vụn vặn trong đời với sân hận si mê, với tham chấp ái dục tràn đầy, để rồi chúng ta khổ. Mở cửa Chơn Tâm là một cách nói để cho chúng ta từ bỏ cái tôi như hôm nay ngồi giữa đất trời, đất trời mở rộng đón nhận Bảo Thành, Sư Cô Bảo Cơ, Sư Cô Bảo Hoa và Sư Cô Bảo Huệ. Chúng ta đang ngồi cùng với đất trời đây. Đất trời chẳng tách biệt với chúng ta, thiên nhiên trong khu rừng chẳng chia rẽ, luôn mở cửa để đón mời chúng ta. Vậy thì Mở Cửa Chơn Tâm hàm ý rằng mỗi người chúng ta phải phá tan cái tôi của mình. Bốn bức tường đã được xây dựng vững chắc ở trong ngục tù của sinh, lão, bệnh, tử. Để từ đó chúng ta được tự do thong dong như mây trời, như nước, như lá, như cây, như cỏ, như vạn vật vô tình, hữu tình mà trong 6 giác quan của chúng ta có thể cảm nhận được.

Bằng cách nào có thể hòa nhập với chân tâm thường hằng bất sanh diệt đó? Bằng cách chúng ta hòa mình vào trong hơi thở chánh niệm. Chỉ có trong chánh niệm hơi thở, con người mới có thể phá tan đi ngục tù tham ái, tham dục. Chỉ có trong hơi thở chánh niệm mình mới có thể xua tan đi tất cả những bóng đêm của vô minh. Chỉ có trong hơi thở chánh niệm mình mới có thể gội rửa được rác rưởi trong tâm thức nhiều đời chất chồng do bất thiện nghiệp. Chỉ có trong hơi thở của chánh niệm chúng ta mới có thể có tầm nhìn cao rộng giữa đất trời mênh mông vô  tận để thấy hằng hà sa cái đẹp của thiên nhiên dưới mọi dạng thể thân tướng khác biệt do nhân duyên và phước báu hình thành. Chỉ có chánh niệm hơi thở mới có thể đưa chúng ta tiếp cận được với trái tim của bồ tát, minh tuệ của Chư Phật, từ bi của những bậc giác ngộ, để từ đó hiển lộ và hiển bày, hòa nhập về cùng với đất trời bao la, về cùng với chân tâm thường hằng bất biến, bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm của Phật tánh mà Phật đã khai thị khi ngài giác ngộ.

Các bạn, cuộc đời vi diệu ở chỗ nếu chúng ta biết trở về phá tan đi tất cả những ngưỡng cửa của cái tôi của mình. Không phải mở được cửa mà phải phá tan đi cửa của cái tôi để cái tôi không còn cửa phong kín cuộc đời của mình. Để ta có thể tự tại ngồi dưới đất trời về với Phật tánh, ngồi giữa đất trời để đón mừng Mười Phương Chư Phật Bồ Tát, Thánh Chúng Di Đà hiện hữu trong một niệm của hơi thở mà tâm của chúng ta không bị loạn, không bị tán, thường trụ ngay chỗ này. Chỉ một niệm tịch tĩnh trong chánh pháp thì chúng ta có thể hòa mình vào tận hư không pháp giới, thấy được Phật, thấy được Pháp, thấy được Tăng, thấy được bản thể trong suốt của tánh kim cương không vẩn đục bụi trần, vốn có, vốn còn và đang ở trong trái tim của chúng ta.

Ở trên đời, phàm là con người phàm phu, ta thường moi móc cái sai, cái xấu và định lượng nhau ở chỗ lỗi lầm mà thôi. Chúng ta cứ mang cái sai, cái tội, đưa lên trước phô bày cho người ta thấy. Thấy về người khác, chứ còn tội lỗi nghiệp chướng của ta thì che kín. Chính vì điều đó, con mắt phàm phu đi trước con mắt Phật. Tánh phàm hiện diện giữa cuộc đời, chẳng có tánh Phật. Từ đó ta không thể trở về với Chơn Tâm Phật đã dạy.

Các bạn, hôm nay chúng ta nói đến Mở Cửa Chơn Tâm là chúng ta đi trở về, trở về để có tất cả, trở về để hòa nhập, trở về để trong tận Pháp Giới hư không đó, bất cứ phương trời nào, cõi giới nào, trong tam thiên đại thiên thế giới mênh mông vô tận ta đều có. Trở về với hơi thở của chánh niệm, trở về với chân tâm là trở về với Phật tánh, trở về với sự tự tại an nhiên, là trở về với cội nguồn của hạnh phúc, là trở về với an lạc, tịch tĩnh, không còn đau khổ và phiền não, không còn ràng buộc trong sanh tử, không còn làm nô lệ cho tham, sân, si. Chẳng còn vùi đầu, đắm chìm trong ngũ dục, chẳng còn tìm kiếm cơm áo gạo tiền, mà tất cả thứ đó hiển lộ từ từ theo nhân duyên phước báu và trí tuệ của chúng ta hiển bày để đáp ứng nhu cầu sống của kiếp người hiện tại. Các bạn, chân lý ngay chỗ này. Phật khai thị thật là rõ. Hằng hà sa những lời của Phật dạy, kinh điển dày cộm, văn chương được ghi, ký tự bằng những ngôn ngữ đặt để trong những ý nghĩa huyền diệu cao siêu nhưng đã là người tu Phật ta phải gọt bỏ tất cả. Ta phải gội rửa, ta phải lột đi tất cả những gì mà phàm phu đặt vào trong đó, để chúng ta chỉ hiểu một cách chân chánh theo lời Phật dạy là hơi thở.

Hôm nay ngồi ở đây, các Sư Cô và Bảo Thành hít thở không khí của mùa thu trong lành vô cùng. Và như lúc ngồi xuống các bạn nghe được tiếng xe lửa chạy qua như đưa những đoàn người về bến, mà khi cửa những toa xe lửa mở ra rồi tới bến, chúng ta có sẵn sàng tới để hòa mình vào, hoặc bước trở về nhà của chúng ta sau một cuộc hành trình dài bị phong kín trong những toa xe lửa? Cuộc đời mỗi một kiếp sẽ chẳng khác gì như một toa xe lửa phong kín mãi trong sự luân hồi của tham ái, ái dục. Đức Phật là đầu tàu đã dẫn đưa chúng ta từ bao nhiêu nẻo luân hồi, vượt qua biết bao nhiêu chặng đường gian khổ để khi tới bến bờ này đây của cuộc đời đầy đủ nhân duyên phước báu. Ngài đã mở cửa một trái tim nhân từ vô hạn của bậc  giác ngộ để đón mời chúng ta một lần nữa bước vào, không phải bước vào toa xe lửa của cuộc đời trầm luân ta tạo ra, mà bước vào mênh mông vô tận của lòng  từ bi mà Thế Tôn trao tặng cho con người. Bằng ánh minh tuệ, bằng tuệ giác mà Ngài đã nhìn thấu hết mọi cảnh khổ và thoát khỏi sanh tử. Các bạn hãy mở cửa ra và bước xuống, đừng thích thú ngồi trên chuyến tàu xe lửa để nghe tiếng còi kéo rên mãi trong cuộc đời bằng sự than khóc, bằng sự thống thiết kêu van cho mệnh đời đau khổ không may mắn của chúng ta. Chúng ta đều may mắn vì sinh ra làm người mang thân vi diệu, phương tiện. Đúng! vật chất, tài danh, tiền tài, của cải khác biệt do phước báu, nhưng chẳng khác biệt tính trí bình đẳng nơi Tâm Phật, nơi Chơn Tâm mà Đức Phật đã khai thị cho chúng ta. Bạn ôm một nhà cao cũng chẳng thể chôn xuống mồ được. Bạn ôm một chiếc xe mới cả tỉ cũng chẳng chôn xuống mồ được. Vàng bạc, châu báu, vợ đẹp, con khôn, gia tài kếch xù, chết có mang theo được đâu. Cái đó không thuộc về các bạn, cái đó thuộc về thế gian, phương tiện pháp để ứng dụng khi còn sống ở trên đời. Nhưng với tinh thần thiểu dục tri túc, sống vừa đủ ta hạnh phúc. Để rồi thăng tiến đời sống an nhiên tự tại, Mở Cửa Chơn Tâm để bước về miền đất Phật an nhiên, nơi đó vàng bạc châu báu vợ đẹp, con khôn, tài danh ở đời là thứ chẳng phải mang theo. Cái mang theo đó là gì? Chơn Tâm an lạc và hạnh phúc đó gọi là Niết Bàn. Về đi! còn có chi nữa mà rong ruổi ở ngoài đời, nhìn theo lá rụng, dệt mộng làm thơ. Về đi! còn gì nữa đâu mà nghe tiếng gió tựa như tiếng sáo, để vần thơ lại nối tiếp vần thơ, khúc ca lại hát, lòng mình lại vui, vui chi với tiếng gió ở đời, đẹp chi với lá vàng rơi rụng. Cuộc đời cứ vần xoay, bao nhiêu kiếp đã khổ rồi. Hôm nay Mở Cửa Chơn Tâm đây là Phật mở, chẳng phải Bảo Thành, chẳng phải các bạn.

Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã mở cửa chân tâm của Phật tánh mời gọi chúng sanh, trong đó có Bảo Thành và các bạn, trở về với miền đất Phật an nhiên tự tại để sống vui sống khỏe, sống hạnh phúc. Sống mà trong đó không của cải vật chất, tiền tài danh vọng, tham ái tham dục, để so sánh địa vị hơn thua. Mà chúng ta mang tình yêu thương, mang nụ cười biết sưởi ấm và biết dung thông với đất trời vô tận. Các bạn, chúng ta thấy chỉ trong một chốc lát thôi, chỉ trong một giây, lúc nãy còn có tia nắng chiếu xuống, hình ảnh khác. Tia nắng vừa lịm, hình ảnh khác, nắng lại lên hình ảnh khác. Vận khí đất trời thay đổi liên tục. Nếu chúng ta hòa mình vào với tánh Phật thì không sanh không diệt, luôn luôn hạnh phúc và bình an.

Các bạn thân mến, các bạn có bao giờ hỏi tìm gì trong cuộc sống của không? Các bạn thân mến! có bao giờ hỏi rằng mình đang tự nhốt mình vào suy nghĩ của sự tối căn do chưa được khai thị không? Để rồi có một niềm khao khát, mà khao khát đó cả cuộc đời đi tìm nhưng chẳng phải là sự giác ngộ mà là tiền tài danh, mà là gì? là nhà cửa, mà là vợ đẹp, là chồng là con là cái, để rồi tất cả những điều ta tìm đó lại chất chồng lên đôi vai gầy guộc xanh xao, làm cho xương mòn, làm cho da nhăn, làm cho đầu óc của ta tiều tụy, làm cho răng rụng, làm cho chân run rẩy, làm cho tóc bạc, làm cho cuộc đời cuối cùng lại nằm xuống vực sâu đen tối của mộ huyệt, để người ta phủ đất phong kín chẳng thể thoát ra.

Ý nghĩa cao cả đời người là gì? Hai chữ sinh ra ở trên đời, đi mãi đi mãi tới cuối con đường tự nhảy xuống hố để người ta lấp đất lên, rồi một vài tiếng nhạc, tiếng thơ hay tiếng khóc não nùng chia tay người đã mất. Vô nghĩa! Nếu cứ chờ ngày đó tới ta sống thật vô nghĩa. Các bạn, hãy sống Mở Cửa Chơn Tâm, là trở về hòa nhập mà phương pháp thật là đơn giản Bảo Thành đã nhắc lại với mọi người chúng ta, đó là hòa nhập với hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa. Sao như vậy? Bởi vì giữa đất trời mênh mông vô tận, pháp giới vô tận như thế, ta thỉnh Mười Phương Chư Phật rải cam lồ tịnh thủy Thanh Lương, cam lộ tịnh thủy, ân điển từ bi tha lực Phật điển, năng lượng từ bi của Phật bao trùm hết thế giới này. Trong đó có ta được thẩm nhập, được thấm nhuần, được gội rửa mọi uế trược, mọi cấu trược, tội lỗi, lầm chấp để thắp sáng đuốc tuệ. Để chúng ta cầm ánh đuốc minh tuệ của Phật đó mà đi trở về trong cõi sáng của Phật tánh. Để rồi chúng ta có thể mời gọi muôn muôn chúng sanh đang quờ quạng trong đêm tối kia. Hãy bước ra cùng với chúng ta bởi cửa Chân Tâm đã dược mở, do chính bậc Thầy của Nhân và của Thiên, tức là của trời người đó là Đức Bổn Sư. Ngài đã mở cửa chân tâm cho chúng ta rồi. Ta không cần phải mở cửa nữa. Chúng ta chỉ cần bước vào mà thôi. Bước vào đâu? Bước vào hư không pháp giới, bước vào trong hơi thở chánh niệm để hòa nhập với tất cả, để sống bình an, để rời xa đau khổ, để không còn vô minh lấn át, để không còn tham sân si hủy diệt, để không còn ngũ dục phủ lên cuộc đời, để không còn tham ái tham dục gây ra khổ đau và phiền não nữa.

Các bạn có nghe rõ không? Các bạn có nghe rõ không? Hãy lắng lòng đi các bạn! Có nghe được tiếng gió đang thì thào, đang thì thầm? Các bạn có nghe được cây đang đung đua trước gió hay không? Mạng sống của con người không khác gì chiếc lá kia đâu. Một cơn gió thoảng, gió rụng về đâu? Đời người ngắn lắm em ơi.

Sao ta cứ phải tranh đua để làm gì?

Thôi thôi hãy ngồi xuống gốc bồ đề.

Ngắm nhìn trời đất mênh mông!

Để làm gì ta biết không?

Để ta thấy được đất trời này luôn luôn mời gọi chúng ta hãy trở về với vô tận. Đó là Phật Tánh. Đừng chui vào cái hẹp hòi nhỏ bé của cái Tôi chính mình để tự hủy diệt trong hơi thở lầm chấp, trong ánh mắt tham dục, trong hành động của tham ái.

Các bạn, cuộc sống thật là ngắn, phải biết được điều đó để chúng ta trân quí từng giây phút mà trở về hòa nhập với hơi thở tự nhiên, với chánh niệm hơi thở, hòa mình vào với năng lượng từ bi năng lượng siêu thế của Chư Phật, để chúng ta chuyển hóa hết mọi khổ đau của mình. Để mình là hơi thở viên mãn, viên dung, thông tuệ với đất trời không ngăn ngại. Mời các bạn đặt lòng tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta vân dụng 7 bến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và khai mở 7 luân sa để chúng con nương vào hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa mà trở về với miền chân tâm tịnh tĩnh, an nhiên tự tại do chính Đức Phật đã khai thị. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra thở rất từ từ hóp bụng vào quán chiếu luân sa trì mật chú: Mu A Mu Sa. (7 lần)

Mô Phật.

Khi các bạn hít vào bằng mũi, các bạn đưa xuống bụng phình ra, chúng ta trì mật chú với hơi thở đi từ bụng này làm chấn động toàn thân, mang năng lượng từ vùng luân sa số 1 nối tiếp 2 tới số 7 trên đảnh đầu, làm cho hơi nóng từ lửa tam muội khởi nguồn từ luân sa số 1 hòa nhập vào trong khí hải đan điền phừng phực, bao trùm toàn thân, giúp cho thân của chúng ta thanh tẩy tất cả mọi uế trược, mọi trược điển, để người được khỏe. Đó là tu thân. Còn Tâm nương vào chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa được thanh tịnh, trong sáng, trong suốt để ta nhìn thấy thật rõ những nguồn tư tưởng, cảm thọ của chúng ta. Dù là xấu hay tốt cũng nhìn bằng cái Tâm từ bi, để từ đó năng lượng từ bi gội rửa, chuyển hóa mọi nguồn năng lượng bất tịnh và thanh tịnh dung thông với nhau, trở thành năng lượng từ bi mà thôi. Nếu chúng ta cảm ứng được điều đó gọi là Thân Thọ Niệm Xứ. Hòa nhập để cảm ứng với thân trong những cảm thọ từ tâm, từ thân, trong từng vùng miền trên cơ thể, trên từng vùng miền của tư tưởng, của tưởng thức, của mắt, của tai nghe mắt thấy, của cái cảnh ở bên ngoài tác động vào 6 căn để thấy nội cảnh hiện lộ dung thông trong năng lượng từ bi. Từ bi là năng lượng siêu thế mang lại sự sống cho muôn loài muôn vật và trường sinh bất tử, chỉ có từ bi mà thôi.

Các bạn hòa nhập vào năng lượng từ bi để gội rửa đau khổ và phiền não từ thân và từ tâm. Hơi thở cứ từ từ hít vào thấy bụng phình, biết bụng phình. Quán chiếu từng luân xa, cảm thọ từng cảm giác tác động từ thân tâm của chúng ta, và từ đó tâm ta trở về trong chánh niệm hơi thở, hòa nhập vào với chân tâm, với Phật tánh tự tại, hiển lộ được tuệ giác. Chúng ta tăng trưởng phước báu bằng Pháp Thiện, bằng bố thí, bằng phóng sinh, bằng tu tập chánh niệm hơi thở thì chúng ta sẽ có tất cả những điều gì cần có cho cuộc sống ở kiếp người này. Các bạn, cửa Chơn Tâm Phật đã mở rồi, không cần đến Bảo Thành và các bạn mở cửa Chơn tâm nữa. Phật giác ngộ, Ngài đã mở cửa Chơn Tâm, tức là mở cửa Phật Tánh rồi. Còn nhiệm vụ của chúng ta có nhân duyên học được Phật, có bước vào cửa Chân Tâm Phật mở hay không?

Bước vào đó bằng phương pháp nào? Bằng chìa khóa của chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Và hành trang chúng ta mang vào ở trong đó là gì? là pháp thiện, là từ bi, là bố thí, là phóng sanh, là chánh niệm hơi thở. Rồi hành trang đó được bao bọc che chở bằng gì? Bằng 5 giới: Không sát sinh. Không trộm cắp. Không tà dâm. Không nói dối. Và không bao giờ sử dụng các chất say làm cho ngu muội. Đây không phải là cái gì gọi là bảo chứng chắc chắn? Nhưng đây là sự khai thị của Phật, bất di bất dịch, luôn luôn chính xác. Nếu các bạn trở về với một niệm trong hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa và có thể giữ được giới cho rõ ràng, mà các bạn tích lũy được phước báu bằng hành thiện, phóng sanh, bằng trải lòng ra sống cho đúng bằng tinh thần của nhà Phật, hiểu thấu được nhân quả Thiện ác, bỏ ác hành thiện thì trong một niệm chánh của hơi thở Mu A Mu Sa, Tam Thiên Đại Thiên thế giới viên thành trong một niệm đó. Để Mười Phương Chư Phật hiển lộ trong niệm đó, bạn sẽ chứng thấy Phật trong chánh niệm hơi thở. Các bạn, chúng ta hãy trở về với cội nguồn đó. Chúng ta hãy trở về với chân tâm đó để chúng ta sống tịnh tĩnh an nhiên. Đừng sống vội, đừng sống nhanh, không phải nghe theo người ta, ngược lại với người ta là sống chậm.

Sống nhanh, sống chậm, sống từ từ, đó là cách nói của con người. Chúng ta sống làm sao? Chúng ta chỉ cần sống từ bi. Các bạn thấy chưa? Không cần phải đi ngược với dòng đời: Cuộc đời nó nhanh quá, sống chậm lại để hưởng. Dù bạn có sống chậm lại, những gì bạn gọi là thụ hưởng của thế gian này cũng qua đi mà thôi. Trong vòng xoáy của những cơn đại hồng thủy cuốn đi như vậy, chỉ cần sống từ bi trong cái thật chậm của từng hơi thở chánh niệm. Cũng chỉ cần sống từ bi, nhanh ta sống từ bi, chậm ta sống từ bi. Nhanh là cuộc đời, chậm là cuộc đời, từ bi là tâm của ta. Cho nên các bạn hãy sống từ bi là đủ. Trong bất cứ cái thế của cuộc  đời nào do phước báu nhân duyên đang ở chỗ đó, chỉ cần sống từ bi, chứ không cần sống chậm, sống nhanh. Nếu nơi đó là nhanh bởi vì các bạn đang ngồi trên một chuyến xe chạy 100km/1h, chậm thế nào được? Chỉ cần từ bi là được. Nếu các bạn đang đồng hành với một con rùa, nhanh là nhanh thế nào được? Chỉ cần từ bi là được. Hãy sống từ bi, đừng theo những mỹ từ của cuộc đời. Đừng sống chậm hay sống nhanh, mà theo ngôi từ khai thị của Phật. Tức là sống từ bi trong mọi cảnh giới của cuộc đời khi ta có phước báu nhân duyên trụ ở trong đó, nơi kiếp này. Sống từ bi là chân lý ta cần phải thực hành. Sống từ bi là điều ta cần phải tu, tu trong chánh niệm hơi thở các bạn.

Chúc các bạn liễu nghĩa được chân lý này để cửa chân tâm Đức Phật mở để chúng ta bước vào bởi cách sống từ bi chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa, để đoạn diệt và chuyển hóa mọi phiền não đau khổ từ Thân và Tâm, để mang hạnh phúc của chúng ta đón nhận được từ năng lượng từ bi của Phật mà rải ra, mà ban ra, mà trao ra, mà gửi gắm, mà tặng cho mọi chúng sanh khác. Đặc biệt là những người đang sống chung với chúng ta như cha mẹ đấng bậc sinh thành, vợ chồng, con cái hoặc những bậc sư trưởng, sư huynh, sư đệ, những người đồng môn đang sống chung, trải lòng sống từ bi. Đã gọi là sống từ bi thì vạn vật, chúng sanh đều hoan hỉ. Hòa nhập với chân tâm bằng cách sống hoan hỉ, bằng cách đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi. Mời các bạn!

Chúng con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và khai mở trí tuệ cho chúng con, để cho chúng con biết sống từ bi trở về với chân tâm thanh tịnh mà Phật đã khai thị. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào quán chiếu luân sa trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 lần)

Chúng ta vừa đồng tu xong rồi. Chúng ta hãy sống từ bi mà trở vào miền đất chân tâm thanh tịnh Đức Phật đã mở cho chúng ta để có hạnh phúc. Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa. Con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay để xin tha lực Phật điển từ bi năng lượng siêu thế để ban rải xuống cho mọi loài chúng sanh và cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết ngồi lại thành lập chính sách hòa bình, cho tất cả các khoa học gia ngành y, ngành dược, các bác sỹ, các y tá, y sỹ, nhân viên y tế ngành dược chế tạo ra được vacxin, thuốc trị bệnh đại dịch. Nguyện cầu cho những ai còn đau khổ. Đặc biệt Quốc độ quê hương Việt Nam của chúng con mọi người an vui, bớt phiền, bớt não, hạnh phúc an lạc. Cầu nguyện cho các hương linh tử vong được siêu sinh miền tịnh độ. Con xin Mười Phương Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts