Search

Bài 1180: Hơi Thở Luân Xa 5 – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Tuệ Minh đánh máy

Mô phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu mời các bạn quy ngưỡng thân tâm về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. 

Bảo Thành kính chào các bạn. Trong tất cả các pháp tu thiền, Đức Phật dạy trong Tứ Niệm Xứ, chúng ta luôn tìm một đề mục, để từ đó dùng tâm theo dõi đề mục đó, quán chiếu cho xuyên suốt để tâm dừng ngay đề mục đó, không còn đi lăng nhăng hoặc gọi là phóng tâm.

Danh từ Phật học, khi chúng ta quán thân gọi là quán thân niệm xứ. Chúng ta quán thọ của thân thì gọi là quán thân thọ niệm xứ. Đề mục chúng ta quán chiếu trong một tuần qua và tiếp tục đó là quán thân thọ niệm xứ của năng lượng tác động vào các luân xa vùng đạo nguyệt trên cơ thể.

Chính vì tâm trong hơi thở chánh niệm, quán chiếu thân thọ niệm xứ từ bảy luân xa, tâm của chúng ta luôn an trú trong những cảm thọ của thân do tha lực Phật điển tác động vào, không còn chạy tán loạn trong những suy nghĩ, lo lắng, bận rộn, những câu chuyện của đời thường. Đây là cách chúng ta an trú tâm trong hơi thở chánh niệm và quán chiếu thân của mình khởi lên những cảm thọ của tha lực Phật điển. Thay vì chúng ta cảm thọ như những hiện tượng từ da, từ chân đau đớn, ngứa ngáy, tác động từ tư tưởng các thứ. Chúng ta có một cảm thọ mạnh hơn, đó chính là tha lực Phật điển tác động vào luân xa, giúp cho tâm chú ý vào đó.

Cho nên những sự tác động của thân về những phần khác, của tâm về những phần khác lắng dịu, không nổi lên trên, không gây sự chú ý cho chúng ta. Chúng ta nhớ danh từ vậy thôi, nghĩa là quán thân thọ niệm xứ trong các luân xa.

Luân xa đầu tiên chúng ta đã nói trong ngày đầu đó là luân xa số một, nằm ở đằng trước xương cùng của chúng ta. Luân xa thứ hai ở dưới rốn một đốt ngón tay. Luân xa thứ ba ở trên rốn một ngón tay. Luân xa thứ tư ở ngay ngực vùng trái tim.

Hôm nay chúng ta học đến luân xa thứ năm nằm ở ngay xương đây, ngay cuối xương ức của mình, ở ngay phần cổ, ở dưới cổ, giáp với cái xương gọi là luân xa số 5, nguyên vùng huyệt đạo ở đây là luân xa số năm.

Thực ra tất cả các luân xa chạy dọc theo xương sống của chúng ta, tiếp cận với mặt ngoài, mặt ở đằng trước thân của chúng ta gọi là nhâm mạch, đằng sau gọi là đốc mạch, nhâm đốc, giữa nhâm và đốc, dọc theo cột sống từ xương cùng lên trên đảnh đầu của chúng ta là đại huyệt bách hội.

Nó là một trục tròn, để cho năng lượng giữa âm dương, nhâm đốc xoay tròn chuyển hóa. Cũng như, một đại lộ để lưu thông năng lượng trong cơ thể và trên đại lộ lưu thông năng lượng đó, chúng ta có bảy trạm, chia đều từ xương cùng đến đảnh đầu gọi là bảy luân xa. Hiểu thật đơn giản, chúng ta đừng lần mò theo những tư tưởng người khác đặt, vẽ vời rồng rắn, màu sắc, sắc tướng quá nhiều, để rồi chúng ta sa ngã vào những huyền ngữ cao siêu của con người đặt ra, nhưng chưa thật sự chứng đắc được những phần đó mà chỉ vẽ như năm người mù sờ voi, như họa sĩ vẽ ma, vẽ quỷ. Chúng ta phải đi chân thật, thực tập để cảm thọ với nhân duyên, chúng ta sẽ chứng ngộ từ từ. Chỉ nhớ rằng quán thọ, quán thân thọ niệm xứ là cách quán theo hơi thở chánh niệm, theo dõi những cảm giác, do tha lực Phật điển tác động vào trục lộ giao thông từ cổ, xương sống của chúng ta, bắt đầu từ mặt trước của xương cùng chạy dọc lên trên đỉnh đầu của bách hội, chia làm bảy phần, gọi là bảy luân xa.

Hôm nay ta chú ý đến luân xa thứ năm, ở ngay cổ. Mỗi một vùng luân xa, tức là vùng đạo huyệt, khi năng lượng tràn đầy nó y như con sông, khúc nào nước đầy thì ở đó có cá, có sự sống, mọi điều tốt đẹp luân lưu, điều hòa, khúc nào khô cạn thì không có sự sống, sinh linh và vạn vật. Năng lượng của con người chạy theo trục lộ từ mặt dưới của xương cùng tới đảnh đầu như một dòng sông. Nếu chúng ta dùng tâm dẫn ý tác động vào từng huyệt đạo, theo dõi tha lực Phật điển tới đó, y như dòng sông đầy ắp nước, có đầy đủ sự sống mà tưới mát sự sống cho tất cả mọi vùng miền nó chảy quanh. Và từng vùng miền trên cơ thể của chúng ta, như vùng ở dưới, luân xa số một, số hai, số ba, số bốn và số năm, thì những vùng này rất quan trọng cho sự sống của con người. Nếu năng lượng âm dương, nhâm và đốc điều hòa, nó tạo cho chúng ta có nguồn khí thanh tịnh, nó tạo cho tâm chúng ta an vui và tạo cho tâm của chúng ta biết dừng, biết dừng lại ở chỗ thanh tịnh để an trú ở nơi đó.

Các bạn nhớ, luân xa tại vùng cổ này đây là luân xa số năm. Nó tác động lên ý thức của ngôn ngữ và nó cũng tác động lên hơi thở đi vào châu thân nó là cửa khẩu, đưa ngôn ngữ cho thanh tịnh và cũng là cửa khẩu đưa hơi xuống đan điền số một. 

Do vậy mà khi chúng ta khai mở luân xa số năm, chúng ta có nhiều cơ hội để định lượng ngôn ngữ, và lọc năng lượng thanh tịnh đi vào châu thể của chúng ta.

Bây giờ chúng ta bắt đầu, nhớ rằng đây là luân xa số năm, khi chúng ta hít vào bằng mũi, chúng ta đưa thẳng xuống dưới, dùng tâm. Các bạn nhớ dùng tâm đưa hơi xuống luân xa số một. Luân xa số một, bây giờ mình nói cho rõ hơn, tất cả sự liên kết giữa các luân xa là một trục lộ chạy dọc theo xương sống của chúng ta, mặt bên trong tiếp giáp với nhâm đốc, tức là nhâm mạch là âm, khí âm, đằng sau là dương. Âm dương tương hợp, vạn sự sinh ra tốt đẹp, tâm thái sẽ thong dong. Khi hít vào các bạn đưa tâm xuống luân xa số một, rồi từ đó thở ra từ từ, phình bụng ra, thở từ từ thì tâm chúng ta chỉ theo dõi thôi, thay vì chúng ta nhớ thứ tự, chúng ta đếm năm số 1, 2, 3, 4, 5, là năm số thì hơi thở hết.

Hơi thở nó ra Mu A Mu Sa, thì chúng ta bắt đầu đếm từ luân xa số một, đếm số và các bạn nhớ ký tự của số chỗ đó, nó nằm ở vùng nào. Thay vì các bạn gọi, là luân xa số một, số hai các bạn chỉ cần nhớ trong đầu, trong tâm mình từ số một, hai là luân xa từ số hai, ba là luân xa từ số ba, bốn luân xa số bốn, năm luân xa số năm. Chúng ta đếm như vậy, mỗi lần hít vào đưa xuống dưới bụng dưới này bắt đầu ta thở và trì mật chú Mu A Mu Sa, thì lúc đó tâm của chúng ta đặt ở số một là luân xa số một đến số hai, số ba, số bốn, số năm. Cứ như vậy, phép quán thân thọ niệm xứ này giúp cho chúng ta an trú ở trong thân, sống với thân của chúng ta, không bị những sự lôi kéo ở bên ngoài, sống trụ vào trong thân và quán chiếu tha lực Phật điển tác động vô.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, chúng ta lấy trí tuệ và từ bi để bắt đầu.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải năng lượng Phật điển đại từ đại bi, khai mở luân xa số năm ở ngay cổ cho chúng con. Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra. Thở từ từ, trì mật chú, tâm theo dõi từ số một đến số năm, Mu A Mu Sa. (7 Biến) 

Chúng ta tiếp tục ngồi, lắng đọng, hơi thở trong chánh niệm, thở vào ra. Thiền Tứ Niệm Xứ hay ViPasSana là thiền thân, thọ, tâm, pháp. Ta quán chiếu bảy luân xa, là quán chiếu thân thọ niệm xứ. Quán thân, thân đang cảm thọ, qua luân xa của chúng ta.

Có nhiều cách nói ở đời, làm chúng ta phải suy nghĩ, nhưng nhớ rằng lời Đức Phật dạy, Đức Phật dạy là niệm Phật, Phật là tỉnh giác, giác ngộ, thanh tịnh. Chúng ta niệm là an trú trọng sự tỉnh giác, niệm là an trú, niệm Phật là an trú trong tánh giác của chúng ta, thanh tịnh.

Chánh niệm trong hơi thở, chánh niệm trong ngôn ngữ, chánh niệm trong đời sống, chánh niệm trong suy nghĩ, chánh niệm trong tương tác, chánh niệm khi ăn, khi uống, đi đứng, nằm, ngồi, suy nghĩ, cười, ngay cả khóc chúng ta cũng chánh niệm được.

Chánh niệm tức là an trú trong tất cả mọi sự hoạt động của con người, lúc vui cũng chánh niệm khi vui, buồn chánh niệm khi buồn. Cho nên đừng nghĩ rằng chánh niệm là chỉ có vui mà thôi. Chánh niệm tức là chúng ta an trú và tỉnh giác thật rõ tất cả những cảm thọ của thân của chúng ta.

Rồi nếu như chúng ta thấy buồn, ta biết buồn nhưng ta đổ thêm buồn nữa, một giọt buồn, hai giọt buồn, rồi nó trở thành hai, ba, bốn, năm giọt buồn, biến thành những nỗi sầu sâu thẳm.

Đó là quán chiếu chánh niệm theo chiều hướng xuống, tức là không hướng thượng, để buồn rồi còn đổ buồn vô, như lửa cháy còn đổ dầu.

Khi chúng ta chánh niệm hơi thở theo pháp thiền luân xa. Từng cảm thọ của cơ thể, của con người, buồn, vui, chúng ta đổ thêm vào đó nước thanh lương Phật điển tha lực, để tác động chuyển hóa như nước đục đổ thêm nước trong, đổ nhiều, đổ nhiều, nước sẽ thành trong.

Tâm đang buồn, thấy buồn, nhưng chúng ta lại thỉnh tha lực của Phật điển của Chư Phật vào trong những nỗi buồn, thì những nỗi buồn đó dần dần sẽ chuyển hóa khởi thành niềm vui. Còn nếu chúng ta đắm chìm trong suy nghĩ, tư tưởng đó, buồn đó, thì nỗi buồn sẽ buồn thêm và buồn ơi là buồn. Từ trong những buồn đó, ta sẽ bắt đầu có những suy nghĩ, có những hành động mà tư tưởng không được trong sáng, cái kết cuối cùng là gì, là chúng ta đã quyết định những vấn đề trong trầm uất, trong u buồn, trong giận dữ, không sáng suốt, thiếu đi cân lượng của tình thương, sự dung thông với mọi người trong tư tưởng, mà chỉ đi theo tư tưởng riêng biệt của mình cá nhân. Để từ đó ta tự phong kín tâm hồn của mình, như một kẻ tự nhốt vào trong ngục tù của tâm thức tự tù tội mình.

Và tư tưởng đó cũng làm cho các luân xa bị bế tắc, năng lượng trì trệ, không luân lưu, con người không có phấn khởi, và bệnh hoạn khi tới khó có thể lay chuyển. Người ta có câu: dù có chết cũng mỉm cười nơi chín suối. Tức là chết một cách an lành, biết mình chết, biết mình bệnh, nhưng tinh thần lúc nào cũng tươi cười, biết mình buồn, biết mình khổ, nhưng tinh thần lúc nào cũng an vui.

Chính vì chúng ta chú trọng an trú, sống tỉnh thức trong hơi thở chánh niệm, đón nhận tha lực Phật điển, nước thanh lương, cam lồ tịnh thủy, năng lượng siêu thế, từ bi của Phật rải vào trong các luân xa, tác động vào trong thân, từng vùng miền, làm cho toàn châu thân của chúng ta tươi, xinh đẹp, nhẹ nhàng, có phong thái, cốt cách không dính mắc. Cho nên các bạn nhớ rằng, chúng ta quán chiếu luân xa theo Thất Bảo là quán chiếu bởi tha lực Phật điển, là tác động tương tác, tương ưng.

Có thật nhiều những nguồn năng lượng, vi tế bên ngoài, nhưng bất tịnh, tiêu cực. Cục đá cũng có năng lượng, cây cỏ cũng có năng lượng, trời đất cũng có năng lượng, con người cũng có năng lượng, chúng sanh nào cũng có năng lượng, bất cứ một vật thể nào cũng có năng lượng. Chính vì thế mà ở đời người ta thường dựa vào đó để làm tiền. Người ta suy nghĩ ra thật nhiều thứ, người ta nhồi sọ chúng ta, để chúng ta bị ảnh hưởng rằng, cuộc đời, vận may hay vận rủi, thành công hay thất bại, vui hay buồn, khỏe hay bệnh hoạn, đều bị ảnh hưởng bởi năng lượng của vật chất.

Nhưng chúng ta đều là những người tu Phật, tâm không dính mắc, chẳng thể ảnh hưởng của năng lượng vật chất mà chỉ dung thông, dung thông với năng lượng siêu xuất, siêu thoát, siêu phàm từ bi của Phật. Ta không chọn năng lượng thể loại khác của phàm phu, ta chọn năng lượng từ bi của Phật, để chúng ta thẩm nhập, hòa nhập, dung thông nên một với năng lượng từ bi. Và nguồn năng lượng này tới từ tâm thanh tịnh không dính mắc, chẳng tốn tiền, không mất sức. Nhưng những năng lượng ở đời, người ta thích dùng làm ra tiền, theo những thủ thuật mà người ta đặt tên nghe có vẻ hay. Bởi vì dưới nền triết học, kiến thức của loài người, sếp văn tự cho xuôi, cho hay, cho đẹp, ta đọc dễ ưa, dễ thích. Bởi vì sao? tất cả những kiến thức đó đều được tuần tự, nhồi nhét vào tâm của chúng ta từ những ngày chúng ta sống khi va chạm vào đời, thu lượm kiến thức, ngôn ngữ trên sách vở, bạn bè, hoặc những người này nói, người kia nói, nghiên cứu trên những thông tin, mà chẳng bao giờ chúng ta nghiên cứu lời của Phật. Cho nên lời của Phật thì sai lệch, lời của phàm phu thì thấm đượm ở trong tâm. Có người còn nói năng lượng của đá, từ đó mới gọi là đá phong thủy đó các bạn. Ôi, biết bao nhiêu những con người qua thủ thuật này, bán đá phong thủy, lợi dưỡng biết bao, một cục đá nhỏ cũng mấy chục triệu, sơ sơ thì vài triệu.

Rồi thì những người buôn bán, thương mại, mua đá phong thủy, xếp cho hanh thông. Nhưng cuối cùng thì cũng có, có phong và có thủy, tức là phong không điều, phong không có điều, vũ không có thuận, dịp may chẳng tới, cũng tán gia bại sản. Bởi vì người ta xài tiền, xài tâm đặt để vào vật chất, đó gọi là thờ vật chất rồi, thờ cục đá rồi.

Quy y Phật không đi theo quỷ, thần, tiên, vật. Nay là thờ và quy y, quy là nương vào, quy y tức là nương vào, bây giờ ta lại nương vào sức mạnh của đá, của cục đá, của đất đá, mà vô tình coi chừng  lấy lầm cục đá của Tề Thiên, lại đi nương vào Tề Thiên, hóa ra khùng điên, các vị nhớ, chúng ta nhớ.

Ngoài vấn đề đá phong thủy, cây phong thủy, bây giờ lại quy y, tức là nương vào, nương náu vào sức mạnh của cây phong thủy, rồi của vật phong thủy, của tượng phong thủy, hình phong thủy, tranh ảnh phong thủy, cái gì cũng phong, cái gì cũng thủy.

Rồi trên đời này, ngay cả những người chế tạo ra đá phong thủy, hình phong thủ, tranh phong thủy, cây phong thủy. Chúng ta cứ nhìn vào họ đi, tất cả những thủy thủy, phong phong có làm được gì cho họ đâu. Giàu có, đúng là bởi vì họ có lợi nhuận bán đá phong thủy, cây phong thủy, tranh phong thủy. Và tất cả gì đó trang trí nội thất phong thủy, họ giàu là bởi vì họ buôn bán. Cái đó là đúng, đúng là bởi vì theo pháp thương gia buôn bán, chẳng đúng về phong, về thủy đâu các bạn.

Người cao tay ấn phong thủy đệ nhất trong truyện mà ai cũng biết, đó là Gia Cát Khổng Minh, thế mà cũng phải chết đó các bạn ơi. Thuật phong thủy của ông ta đâu bảo vệ ông ta được và đâu có thể đưa ông ta lên ngôi hoàng đế, chết cũng tản mạn ở vùng nông thôn xa xôi. Chẳng được ích lợi gì, mà cả cuộc đời thiêu chết, thiêu chết cuộc đời, năng lượng của mình vào phong thủy, mà không làm được gì hết các bạn. Phong thủy của đời người không tới từ đá, đất, cỏ cây. Phong thủy của đời người tới từ đâu, từ năng lượng từ bi, do đức độ, do sự thanh tịnh của mỗi một con người, làm cho năng lượng luân lưu trong châu thân của chúng ta, từ bảy luân xa thành bảy báu, bảy luân xa đó thành bảy báu, thành Thất Bảo Lưu Ly. Bởi vì khi bảy luân xa xoay chuyển, bởi tha lực Phật điển chứ không phải của đá, cây, của con người, của trời, của đất, của rồng, của rắn mà của tha lực từ bi các bạn à. Năng lượng từ bi là năng lượng siêu thế, thanh tịnh, nương vào năng lượng đó, từ mười phương Chư Phật tác động vào bảy kho báu của chúng ta là bảy luân xa thành Thất Bảo Lưu Ly.

Đức Phật Dược Sư được tán tụng dưới danh là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, bảy luân xa của chúng ta đón nhận tha lực Phật điển vào, thì nó cũng như lưu ly Dược Vương, để tự trị bệnh, giảm bớt căng thẳng của tâm, thanh tịnh thân tâm, chuyển hóa bệnh tật, giúp cho chúng ta an nhiên tự tại trong từng giây phút của cuộc sống. 

Do vậy, các bạn nhớ, khi tu luân xa Thất Bảo là lấy từ năng lượng từ bi tha lực Phật điển làm nguồn gốc chính tác động vào từng luân xa, dùng hơi thở chánh niệm quán chiếu thật là kỹ, đó gọi là thân thọ niệm xứ.

Thân thọ là cảm thọ của thân, niệm ra từng giây phút đó, nhìn vào nó, nương vào nó. Xứ là từng vùng miền, từng vùng, từng nơi, trú xứ, trú xứ của luân xa số một, trú xứ của luân xa số hai. Luân xa số một nằm ở trước xương cùng. Trú xứ luân xa số hai nằm ở vùng đan điền khí hải, dưới rốn một đốt ngón tay rưỡi. Trú xứ luân xa số ba nằm ở trên rốn một ngón tay. Trú xứ luân xa thứ tư nằm trên lồng ngực hay trái tim. Trú xứ luân xa thứ năm nằm ở vùng cổ. Dịch như vậy thật đơn giản, đừng viển vông, đừng xa rời thực tế, quán chiếu thật đơn giản, lời Phật thật vi diệu bởi đơn giản, nhưng hàm ý cao siêu, thẩm nhập được tức là sẽ có thể vượt lên trên tất cả.

Thân thọ niệm xứ tức là chúng ta quán chiếu từng giây phút những vùng luân xa, là trú xứ của luân xa, cảm thọ với tha lực Phật điển. Tất cả các luân xa của chúng ta đều nằm trên thân, đó được gọi là Thân. Giờ tới cảm thọ của năng lực tác động vào những vùng luân xa thì gọi là Thọ. Thân Thọ, thân của ta thọ, niệm là chú ý tới thân đang cảm thọ, xứ là vùng đó, trú đó, dịch như vậy cho đơn giản thôi. Đừng theo những chữ nghĩa triết học, tại vì tất cả những văn tự đều là pháp chế định, tức là chế và định mạch ý nghĩa. Có những người đọc chữ đó, chế được ra, chế và định nghĩa chữ đó, một nghĩa, rồi còn có người màu mè hơn chế chữ đó nhiều nghĩa, hằng hà sa số nghĩa, rồi mang chữ đó bao trùm cả thế giới này, coi như là hay nhất, cao nhất. Nhưng tất cả những ý nghĩa trong ngôn ngữ đó, trong chữ đó, hàm ý đều do ta đặt định vào.

Thân thọ niệm xứ đơn giản được dịch là quán chiếu cảm thọ của thân, tại vùng trú xứ luân xa số một, số hai, số ba, số bốn, số năm. Chúng ta đếm số một, hai, ba, bốn, năm và khi đếm số đó, ta nhìn vào vùng luân xa đó. Tâm nhìn, dùng tâm để nhìn theo dõi hơi thở vào ra.

Mu A Mu sa có 4 chữ:

Mu: Ta quán chiếu số một và số hai.

A: Ta quán chiếu số ba và số bốn.

Mu: Ta quán chiếu số năm và số sáu.

Sa: Ta quán chiếu số bảy.

Nhưng bây giờ ta học số năm thì quán chiếu tới số năm là được rồi

Mu là 1,2

A là 3,4

Mu là 5,6

Như vậy thì Mu A Mu là 1, 2, 3, 4, 5, 6

Bảo Thành có thể khai mở và cùng luyện với các bạn 7 luân xa cùng một ngày, nhưng chúng ta đi rất từ từ.

Người xưa nói là như thế nào, nhai kỹ thì thế nào các bạn, nhai kỹ thì no lâu. Nhai kỹ không có đau bao tử, mà cái no đó nó sẽ lâu hơn, tốt hơn. Mình học cũng vậy, không phải là lý thuyết, học rất từ từ để cho năng lượng lan tỏa. Các bạn nhìn trên hình ảnh, báo chí, thông tin các bạn biết rồi, nhưng đó chỉ là lý thuyết, để thực hành khai mở phải tuần tự, rất từ từ dung thông cùng với nhau, nương vào tha lực Phật điển, hỗ trợ để luân xa vận hành đúng, cho có sức khỏe, thì luân xa thực sự vận hành đúng bởi tha lực Phật điển. Dù các bạn có đang giận dữ, có đang khó chịu trong chốc lát, thì năng lượng thanh lương của Phật dung thông hoà nhập, làm giảm đi, cũng như nước đang nóng, nước sôi đó mà, các bạn đổ thêm nước lạnh nó nguội ngay.

Khi tánh khí của con người được sinh ra bởi tham, sân và si, ba chất liệu này luôn luôn có ở trong ta. Còn khi ba cái tham, sân, si này không còn trong ta nữa, ta thành thánh, thành Phật rồi.

Những người bình thường như Bảo Thành và các bạn, và đại chúng, tất cả mọi người, quý thầy, quý cô, mọi người đều có chất liệu tham, sân, si, nhiều hay là ít. Ta tu quán chiếu luân xa và quán chiếu thân tâm để phát hiện ra những cảm thọ tham, sân, si đó nó dâng trào lên, liền dung thông với các luân xa từng vùng đại huyệt. Có những người tức giận, người ta gọi giận quá mà tức ngực các bạn có nghe chưa? giận tới tức ngực, giận tới tím môi, giận đến đau cả bao tử, giận đến rung chân, giận đến đỏ mặt, nói câu bình thường như ta không để ý thôi, chứ khi giận tới tức ngực, tức là vùng luân xa số bốn này nó bị bế tắc. Nó tức ngực, nó lên không được nữa, trên hơi thở vô không được, dưới lên bị bế ngay đây, luân xa số bốn bị bế. Giận tới tức ngực, giận nhiều có người bị ngất, bị xỉu, thậm chí bị đột quỵ. Giận quá lâu ngày, giận ngầm, giận ngấm, giận ngâm, giận ngẩm rồi, ngấm vô từ từ rồi nó tức ngực, rồi ngâm ở trong ngực nữa.

Chắc đây là lần đầu bạn nghe thấy ba thể loại giận như vậy giận ngầm, giận ngấm, giận ngâm nguy hiểm lắm các bạn. Cho nên khi ta thấy mình giận ngầm là sắp chết rồi, mà nó ngấm vô là tiêu, mà ngâm nữa là xuống dưới, xuống mồ luôn.

Hơi phát hiện ra cái giận thôi, giận nhẹ nhẹ thôi, đừng có ngầm, đừng có ngâm một mình, mà mình phải tương thông với luân xa. Nếu tức ngực, luân xa số bốn này, mình hít vào một hơi đưa xuống dưới, thở từ từ dung thông với tha lực Phật điển. Để làm sao? nó không ngầm ở đây, nó không ngấm, không ngâm nữa mà nó thông, nó thông, nó thoát ra.

Và nếu như các bạn giận, mà giận đau cả bụng. Ôi cha biết rồi, đau bụng trên, tức là bụng trên là ở trên rốn mình đó, người ta gọi là đau bụng trên, đau bụng dưới đó các bạn, các bạn nghe không? Câu đó thường mà, dân gian hay sử dụng, ôi cha giận mà đau cái bụng trên là biết rồi luân xa số ba, mà giận mà đau, đau bụng dưới là luân xa số hai. Các bạn thấy không, còn giận mà đau luôn cả vùng dưới nữa là luân xa số một, có người giận mà đến đau đầu, có người giận mà nhức hai bên thái dương chạy qua bên luân xa số sáu. Con người sáu phần các bạn cứ để ý, các bạn sẽ thấy. Khi giận nếu các bạn phát hiện ra vùng nào nó đau, nó ngấm, nó ngầm, nó ngâm. Ngấm, ngầm rồi ngâm ở trong đó là tiêu rồi, là đang tự hủy hoại mình. Phát hiện ra và dung thông bảy luân xa đó bằng hơi thở chánh niệm Mu A Mu Sa.

Đừng có giận nha các bạn, mà có giận cũng không sao, đừng ngâm ở trong ngực, đừng ngâm ở trong bụng trên, đừng ngâm ở trong bụng dưới, ngâm riết nó ngấm vô, ngâm rồi nó ngấm, rồi dần dần ngầm xuống không tìm nữa, nó lắng xuống không tìm thấy nữa, đi vô rồi nó hòa nhập rồi. Người ta gọi giận, ngày nay danh từ trong y học người ta gọi là giận di căn đó các bạn, giận di căn ở trong thân, mà giận còn di căn ra hàng xóm, giận di căn ra mọi người. Đừng, cái giận di căn đó là giận ngầm, giận ngấm, giận ngâm, là nó di căn. Giận di căn như vậy hay cắt đứt sự liên lạc với nhau. Như cha mẹ giận con cái quá không tới thăm con cái. Như con cái giận cha mẹ, từ bỏ luôn cha mẹ, bạn bè giận nhau cắt luôn. Cái giận mà giận di căn đó thường hay cắt đứt sự liên lạc, tình thân, tình thâm. Người ta đánh giá giá trị tình cảm con người quá nhẹ, cho nên hễ giận là tắt liền, là cắt liền, bỏ liền, chúng ta phải bỏ thói quen đó.

Cho nên khi tu tập Thất Bảo Huyền Môn là khai mở tâm cho nó sáng, cho nó nhẹ nhàng, có giận thì cũng đừng ngấm các bạn nhớ. Nếu các bạn có ngâm thì ngâm thơ, ngâm nhạc, ngâm kinh, ngâm kệ, chứ đừng ngâm giận nha các bạn. Rồi các bạn có ngấm vô thì cũng ngấm vô cội nguồn tâm thức thanh tịnh, phải không? Rồi có giận mà có ngầm, thì ngầm tư duy, ngầm suy nghĩ, ngầm chánh niệm. Ngầm tức là âm thầm, nhẹ nhàng chánh niệm hơi thở. Mình dịch nó ra như vậy, cuộc sống đơn giản, đừng tự phong bế mình, đừng tự cột chặt mình. Học khai mở luân xa còn mang ý niệm rằng, chúng ta phải luôn luôn khai mở năng lượng cho cơ thể, khai mở tinh thần, khai mở cách suy nghĩ đừng cục bộ, đừng đóng kín, đừng tự nhốt. Khai mở cảm giác đừng để bế tắc, khai mở nụ cười cho tươi, khai mở ánh mắt cho lung linh, khai mở tạo tác cho dung thông, hòa hợp. Khai mở cuộc sống cho biết thương yêu, bao dung, đừng quá chỉ có mình mà thôi.

Các bạn, chúng ta tu mở luân xa với ý nghĩa cao lắm, không đơn giản chỉ có năng lượng như nhân điện đâu, không có đơn giản là chỉ có năng lượng tha lực Phật điển đâu, mà khi mở luân xa từng vùng là chúng ta khai mở bảy báu, trên đời có bảy báu, như Thất Bảo vậy. Trên cõi Di Đà có bảy báu, con người cao quý dữ lắm, cao quý là bởi thân người là phương tiện vi diệu, khai mở luân xa chúng ta sẽ đi tới sự thật nhẹ nhàng.

Các bạn nhớ đừng ngâm nha các bạn, đừng ngầm ở trong bụng, đừng ngâm, đừng ngấm, đừng gặm nhấm những nỗi đau của con người, nỗi khổ, nỗi buồn, nỗi giận, thông từng luân xa là thông tư tưởng.

Luân xa số năm ở ngay vùng cổ này mà thông, lời nói sẽ thông suốt, hơi thở sẽ thanh khiết, nó trợ lực. Có người còn bị tức, tức mà tức nghẹn cổ. Các bạn biết không, giận mà nó tắt ở ngay cổ này đó, thở không được. Các bạn chưa nghe người ta chửi, người ta giận, người ta cãi nhau, mà giận tới tức cả cổ, nghẹt cả cổ thở không được, té cái đùng một cái, có không. Nghe có vẻ nực cười nhưng trong thế giới này chuyện đó có thật. Nhiều người giận sân quá, giận tức ngực, đau toàn thân, thở không được, cứng cổ họng, nói không ra, đơ lưỡi luôn, nên đôi khi cắn vào lưỡi. Đó là những cái giận nguy hiểm.

Khi thông được luân xa số năm này, chúng ta môi sẽ tươi hồng không còn thâm, bởi đâu có giận nữa đâu. Tươi hồng không còn thâm sao, bởi vì nó thông rồi, thì oxy nó đi đầy đủ trong thân, hồng huyết cầu nó tươi nhuận những vùng môi, những vùng cần có. Con người sẽ đẹp thôi, đẹp từ trong đẹp ra, đẹp do tâm, tướng do tâm tạo, các bạn nhớ. Cái tâm mà được an hòa dung thông với năng lượng, để không còn tức, không còn giận, không còn ngâm, không còn ngấm, không còn ngầm, các bạn nhớ không. Không còn để những cái giận, cái sân, cái buồn, gọi là tham, sân, si gặm nhấm cơ thể đời sống và năng lượng của ta. Ta có phẫn nộ, ta có giận, ta có sân, ta có si, nhưng nó chỉ thoáng qua như một cơn bão, có thể mạnh như bão tố nhưng thoáng qua là hết, hoặc nhẹ nhàng như cơn gió làm tươi mát cuộc đời chứ nó không cuốn ta đi đâu. Ai trên đời cũng có tham, sân, si, giận hờn, nhưng nhớ hiểu được, nó chỉ tới qua nhẹ nhàng rồi đi, bởi trong ta bảy luân xa sẽ khai mở từ từ. Trung lộ giao thoa với tâm thức, đi từ xương cùng tới đảnh đầu của chúng ta, nuôi dưỡng châu thể, châu thân của chúng ta bằng năng lượng tinh khiết Phật điển, dung thông, luân xa số năm ở tại nơi đây. Năng lượng tại đây, dung thông ngôn ngữ thanh tịnh, đẹp, nụ cười sẽ tươi, và các bạn sẽ không còn nỗi niềm giận dữ làm tắc nghẽn ngay cổ của các bạn nữa. Chúng ta đặt bàn tay phải là trí tuệ, vào lòng bàn tay từ bi vận chuyển bảy biến, nhớ từng hơi thở chúng ta đếm từ số một.

Mu là 1, 2. A là 3, 4. Mu là 5. Rồi chúng ta Sa. Khi học hết 7 cái, chúng ta sẽ hiểu, còn bây giờ chúng ta đi như vậy cho dễ, Mu là 1, 2.  A là 3, 4. Mu là 5. Sa là cho hết hơi, nha các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và khai mở luân xa số năm vùng cổ của chúng con. Hít vào bằng mũi, phình bụng, thở từ từ, hóp bụng vào, theo dõi luân xa trì mật chú, Mu A Mu Sa -7 Biến

Mô Phật, khi từng luân xa khai mở, với từng âm của mật chú Mu, chúng ta theo dõi luân xa số một, hai. A số ba, số bốn. Mu số năm và để cho nó ra hết.

Hôm nay học năm luân xa, năng lượng sẽ khai mở từ trong luân xa luân chuyển, để không còn bị bế tắc. Các bạn, bế tắc hơi thở nguy hiểm đến sức khỏe, bế tắc năng lượng nguy hiểm đến khỏe của thân, khỏe của tâm, bế tắc toàn diện, nó đưa tới sự kiệt quệ của tinh thần, thể chất, suy nghĩ. Khi bế tắc năng lượng và luân xa toàn diện trong cơ thể bởi vì tức giận, tư tưởng ta không còn thông thoáng, thông suốt.

Ở trên đời có câu gọi là phùng mang trợn mắt, các bạn đã nghe câu đó chưa. Là giận đó, cãi nhau giận tới mức phùng mang trợn con mắt. Đó là bị bế tắc vùng luân xa số năm và số sáu, cho nên tròn mắt lên, nhiều khi phùng mang trợn mắt giận quá bị kinh phong giật. Các bạn thấy không, cắn vô lưỡi là luân xa số năm và số sáu. Khi chúng ta theo dõi cơ thể thấy từng phần cơ thể của chúng ta bị bế tắc, chúng ta định vị được từng luân xa, chúng ta an trú trong chánh niệm hơi thở, đón nhận nước thanh lương, tha lực Phật điển, tưới tẩm, tẩy rửa, gội rửa từng vùng đó, nó sẽ thông, người sẽ khỏe. Và khi chúng ta tương tác với ai đó, dần dần chúng ta có cảm ứng đạo giao, có sự tương thông, nhận biết, nôm na ở đời gọi là thần giao cách cảm. Không cần, chẳng cần những thứ đó, chỉ cần con mắt tinh tế của nhà Phật, tu trong pháp Thánh hiền, pháp thiện. Khi nói chuyện theo dõi mọi người qua tướng ta nhận thức ra tâm của họ bị bế ở đâu. Từ đó ta hồi hướng năng lượng vào từng phần cơ thể của họ, để giúp cho họ thông, y như người đẩy một cục đá lăn hoặc đẩy một chiếc xe ì ạch, nếu có một người nữa giúp đỡ đẩy, nó qua nhẹ. Các bạn thấy không, một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao, khi biết hồi hướng là năng lượng từ bi, thanh tịnh của mọi người cùng chụm lại với nhau sẽ có thể đả thông tất cả sự bế tắc tinh thần, đời sống của con người.

Các bạn nhớ, khi các bạn giận và sân, đừng ngâm ở trong lòng ngực, đừng ngâm ở trong bụng trên, bụng dưới, đừng ngâm ở trong đầu, ngâm trong đầu, nhức đỉnh đầu. Ngâm ở trên con mắt ngâm nhìn đời, đau ở hai thái dương, kéo ra trên hai con mắt nhìn mắt nó mờ. Ngâm mà ngâm ở trong cổ nó bế nói không ra, hư âm thanh. Ngâm mà để trong ngực thì đau ngực, đau ngực. Ngâm mà để bụng trên đau bụng trên, bụng dưới đau bụng dưới, để vùng nào đau vùng đó.

Cho nên đừng có ngâm sân giận, sân giận ngầm cũng không có tốt, ngâm một mình, ngâm một mình rồi ngấm vô, tĩnh tọa một mình giữa hư không, linh thông tuệ giác với Phật trời, để tâm thanh tịnh từng hơi thở các bạn à, sát na qua lại đều thấy hay, phải như vậy mới hay chứ đừng có ngâm, ngầm, ngấm nha các bạn.

Sống ở trên đời chúng ta thong dong tự tại. Khai mở hôm nay tới luân xa thứ năm rồi. Chúng ta hãy học, đừng bắt chước như Ông A Nan chỉ nghe, cho nhớ kinh, nhớ sách, nhớ điển, nhớ chữ, nhớ màu, nhớ sắc để khoe. Mà hãy trở thành người tu thực sự từng giây, từng phút để mang cái học, cái ngồi, thay vì ta ngồi đó, thay vì ta đang đây tiếp cận, ta dành một tiếng, một phút, chúng ta phải biến từng giây phút trong cuộc đời của chúng ta thành giá trị thanh cao, đừng để nó trôi lãng đãng ở ngoài không hay.

Không thì không, có thì có, mà đã có trong sự tu tập nhân duyên gặp, ta phải đầu tư vô để mang giờ đó, tiếng đó, phút đó, giây đó, thành tựu bằng sự thực tập gọi là pháp hành.

Đừng ngơ ngơ, hãy sống. Các bạn đã bỏ thời gian đồng hành với Bảo Thành bao nhiêu tháng qua, đặc biệt trong một tuần qua để tu tập, các bạn nhớ trong giây phút các bạn nghe, hoặc có nhân duyên nghe lại, hoặc bất chợt bắt gặp ở trên YouTube, chúng ta hãy mượn nơi thời gian có đó trên thế gian này, nương vào những điều nghe thấy, suy nghĩ tư duy, thấy đúng chúng ta thực hành để mang lại lợi lạc cho mình và cho muôn người.

Đừng coi như coi tuồng, đừng xem như xem tuồng, vỗ tay khen hay mà chẳng thực tập pháp hành, cuối cùng ta không làm được gì. Các bạn, chúng ta nhớ điều đó để đừng làm uổng phí thời gian của nhau. Và thời gian trôi qua, mỗi một khắc, một giây trong đời đều có một giá trị thanh cao trong Pháp thiện tu tập của chúng ta. Mời các bạn đặt tiếp bàn tay trí tuệ bàn tay phải, vào lòng bàn tay từ bi ta vận dụng bảy biến nữa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và khai mở luân xa số năm vùng cổ của chúng con. Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng, thở từ từ, hóp bụng vào, theo dõi luân xa trì mật Chú Mu A Mu Sa – 7 Biến

Mô Phật, chúng ta vừa xong bảy biến, và kết thúc 21 biến vi diệu âm khai mở luân xa số năm.

Các bạn thân mến, tu người ta gọi là tu hành, tu là phải hành, các bạn thực hành đúng, các bạn sẽ thành tựu. Và sự an yên tự tại của chúng ta hiện lên bằng đời sống được gọi là thân giáo.

Tu hành thì có thân giáo rõ ràng, ai cũng thấy. Hãy sáng như mặt trời, thong dong, tự tại giữa ban ngày. Đừng lẩn trốn trong bóng tối của sự sân giận, của si mê, của tham chấp. Các bạn, hãy là người vươn ra ánh sáng, là thú, là vật thì chui vào vùng tối tăm của tham, sân, si, quán chiếu cho rõ để sống đời an lành. Chúng ta hãy nối tiếp năng lượng thanh tịnh, từ bi của Phật vào cuộc đời và lan tỏa đến tất cả những người chúng ta yêu. Các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa. Đồng tu có tạo được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng đến các nguyên thủ các quốc gia, biết ngồi xuống thành lập chính sách hòa bình cho thế giới, không gây ra những chiến tranh nữa. Nguyện cầu cho tất cả các nhà khoa học gia, ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc xin cứu chữa đại dịch. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới, chữa lành bệnh nhân. Và chúng con cầu nguyện cho tất cả những chúng sanh, có người nào còn đang đau khổ, sân giận, buồn phiền. Đặc biệt dân tộc Việt Nam chúng con được tự do, hạnh phúc, hết buồn, hết khổ, hết đau, hết bệnh.

Nguyện cầu cho tất cả những vong linh vừa tử vong siêu sanh miền cực lạc. Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn