Search

Bài 1160: Đừng Vội Quên Ơn – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Đã tới giờ chúng ta đồng tu, kính mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta chuẩn bị đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát. Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh hiền, Bồ Tát Đại Hiếu Mục Kiền Kiên ban rải tha lực Phật điển, năng lượng từ bi tới mọi loài chúng sanh.

Các bạn thân mến! Hôm nay chúng ta đồng tu trong những ngày kề cận đại lễ Vu Lan nhớ về cha mẹ, nhớ về cửu huyền thất tổ, cội nguồn của kiếp người chúng ta sinh ra. Sự đồng tu hôm nay chúng ta quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo. Buông bỏ tất cả những sự bận rộn, phiền não trong cuộc đời, mang toàn bộ trái tim biết yêu thương, nhớ về đấng bậc sinh thành, cội nguồn trong gia tộc của nhân loại.

Hơi thở chánh niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa đi từ ngoài nơi khởi nguyên của sự sống, nơi vũ trụ bao la tận hư không pháp giới của mười phương chư Phật, đi qua mũi của phàm nhân chúng ta vào trong phổi xuống sâu xuống đan điền. Từ đan điền, hơi thở đó tích lũy oxy như cội nguồn sống của muôn vật, muôn loài. Và cơ thể chúng ta hấp thụ ở nơi đó, bụng phình ra khi chúng ta thở, chúng ta hóp bụng lại rất từ từ để cho sự sống của oxy ngấm vào trong máu đi vào từng tế bào. Và trong từng tế bào của chúng ta cảm nhận được năng lượng vi diệu siêu thế của sự sống, nơi cội nguồn tâm thức từ cửu huyền thất tổ, ông bà thấm vào trong từng tế bào, trong từng giọt mát, hơi thở của chúng ta. Sự sống cửu huyền thất tổ luôn còn mãi ở trong ta và hòa nhập vào với năng lượng từ bi mười phương chư Phật để khởi nguồn cho sự thanh tịnh tuyệt đốt trong ngày lễ Vu Lan, chúng ta hồi hướng lên cho tất cả những bậc sinh thành.

Các bạn, chúng ta hãy đặt bàn tay phải bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay trái bàn tay từ bi. Chúng ta đồng lấy trí tuệ và từ bi an trú trong chánh niệm hơi thở vi diệu âm Mu A Mu Sa. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con sống với tinh thần hiếu đạo Phật dạy mà đừng vội quên ơn đấng bậc sinh thành. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào trì mật chú Mu A Mu Sa.(7 lần)

Mô Phật! Các bạn thân mến, chỉ bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa, với lòng thành kính, chúng ta ngưỡng cầu lên ba ngôi Tam Bảo, Phật, Pháp và Tăng. Phật là đấng tự giác ngộ. Pháp là con đường đấng tự giác ngộ truyền dạy để nương vào đó chúng ta thực hành học hỏi, để chuyển hóa khổ đau đi tới sự hạnh phúc an lạc. Pháp là tập thể những cái lời chư Phật dạy tóm gọn lại, truyền dạy nơi kinh, nơi kệ, nơi băng đĩa, hoặc lời giáo dưỡng của các bậc tôn túc. Từ đó chúng ta thấy sự ảnh hưởng của Pháp còn lưu truyền trong tăng đoàn. Bởi tăng đoàn là những người xuất gia, là những người con của Phật, không những học, hiểu, thông mà còn hành để sống trong tinh thần hòa hợp. Trên nói, dưới nghe, dưới nói trên nhường, hòa hợp nhất nhất tâm quy về con đường giải thoát. Từ đó khi quy y về với Phật, Pháp Tăng, chúng ta có lợi lạc thật nhiều trên con đường tầm cầu đạo giải thoát.

Vi diệu âm Mu A Mu Sa mang chúng ta gắn kết chặt chẽ với ba ngôi Tam Bảo, tiếp được nguồn tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi để tăng trưởng trí huệ, hiểu rõ về nhân quả, thiện ác. Và từ đó chúng ta biết bảo hộ lục căn thân tâm, ngữ ý của mình trong những điều giới cấm mà Phật truyền dạy.

Hôm nay chúng ta vừa tiếp được ân điển của Phật vào trong cuộc sống này. Nói về chủ đề mà chúng ta quán chiếu “Đừng Vội Quên Ơn” Là con người hay là súc vật, ngay cả những sinh vật sống trên trái đất này thuộc các dạng được gọi là sự sống. Sự sống hiển hiện mà con người nhận ra được hay sự sống tàng ẩn ta không thể biết, cũng luôn luôn nhớ đến ơn nghĩa của cội nguồn, của nơi đang sống. Mà chúng ta có phước báu giao thoa với mọi người. Ân nghĩa trong tứ ân nó có nhiều thể loại ân nghĩa mà chúng ta đừng bao giờ vội quên ân. Như ân chư Phật, ân Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, ân thầy Tổ, ân cha mẹ, đấng bậc sinh thành, ân cửu huyền thất tổ, ân nghĩa vợ chồng, tình bạn, ân nghĩa người với người, người với vật, người với môi trường. Bởi vì có những môi trường sống ta đã biết ơn, nó đã tạo cho chúng ta có một đời sống lành mạnh. Người biết ơn luôn luôn nhìn thấy cái ân nghĩa khi mà họ có sự liên kết với tất cả thế giới này. Như hôm nay đúng vào ngày lễ Vu Lan, mùa Vu Lan hiếu hạnh. Chúng ta tóm lại trong chủ đề “Đừng Vội Quên Ơn”, nói đến các đấng bậc sinh thành nên chúng ta.

Các bạn thân mến! Dù các bạn hiện tại đang có cha mẹ sống chung hay sống riêng. Hoặc cha mẹ đã về trời, về với cõi Phật, hay đã tái sanh vào những cảnh giới khác. Trong trái tim của mỗi người chúng ta vẫn luôn luôn tưởng niệm cha mẹ, đấng bậc sinh thành còn sống với chúng ta, cũng như đấng bậc đã ra đi, không ai trong chúng ta có thể quên được. Bởi mỗi người chúng ta đều là con của mẹ, đều là con của cha. Không ai trong chúng ta vội quên ơn cha mẹ đâu. Chỉ có khác biệt là định nghĩa, tình thương và ân nghĩa sinh thành của cha mẹ đối với mỗi người khác quá. Có thể vì môi trường sống, như chúng ta khi còn nhỏ lớn lên cận kề cha mẹ, chúng ta thấy rõ được ơn nghĩa của cha mẹ nuôi chúng ta, dạy chúng ta. Thấy từng bước chập chững lớn lên và đi đều có bàn tay cha mẹ dìu dắt và dạy dỗ. Khi lớn lên nếu vì hoàn cảnh làm xa nhà, rồi chúng ta mới đầu về thăm một tuần về, hai tuần về, một tháng về, một năm về, nhiều khi nhiều năm mới về. Hoàn cảnh của cuộc sống mà, bôn ba mãi, cứ xa dần nơi chốn cha mẹ ở. Và tình nghĩa không bao giờ phai mờ, nhưng định nghĩa để nhớ ơn cha mẹ, một người ở xa và một người ở ngay kề cạnh cha mẹ nó khác dữ. Có những người ở quá gần cha mẹ hằng ngày, ơn cha mẹ đối với họ hình như khó nhìn và hình dung cho thật rõ, bởi vì kề cận quá. Lại có những người con xa xôi cách trở không thể gặp mẹ cha được, nhớ cha mẹ vô cùng, nhưng cũng chẳng thể gặp. Và lòng biết ơn cha mẹ được thể hiện qua nhiều góc độ, có những góc độ thương yêu cha mẹ, nhớ ơn cha mẹ. Khi cha mẹ còn sống, đang khỏe hoặc cha mẹ đã lớn tuổi về hưu đều nhất nhất mang lòng phụng dưỡng về vật chất, về tinh thần và về cách sống hiếu đạo rõ ràng theo truyền thống của gia môn, của phong tục tập quán, của quê hương sứ sở, của dòng tộc của mình. Tất cả những phương thức đền ơn đáp nghĩa với đấng bậc sinh thành như vậy đều đúng với sự giáo dưỡng của chúng ta. Chúng ta học từ cha mẹ cách đền ơn nghĩa với cha mẹ, chúng ta học trong học đường, xã hội, môi trường sống. Và mỗi một thời đại trôi qua, phương thức áp dụng của những người con đền đáp ân nghĩa mẹ nó khác biệt bằng hình thức. Nhưng trong trái tim của chúng ta luôn luôn không bao giờ vội quên ơn cha mẹ đâu. Tất cả, Bảo Thành và các bạn luôn luôn nhớ ơn cha mẹ. Nhưng thể theo lời của đức Phật, khi chúng ta nhớ đến ơn của cha mẹ sinh thành nên thân xác làm người này, ta phải làm gì để gọi là đứa con hiếu hạnh và biết ơn nhiều nhất.

Đức Phật dạy, tất cả những gì các bạn đã, đang và sẽ làm theo quan điểm hiểu biết của các bạn để đền đáp ân nghĩa sinh thành của cha mẹ đều đúng. Nhưng nếu như biết phối hợp vào lời của đức Phật, thì cái đúng đó không chỉ đúng trong một giây, một ngày, một tháng, một không gian, thời gian, một kiếp người, một phong tục, một tập quán, một nền văn hóa. Mà nó sẽ đúng đời đời kiếp kiếp, còn những cái đúng như của chúng ta nó chỉ hiện hữu trong cách nhìn riêng biệt của từng người, không ai giống ai. Cách của chư Phật đúng với tất cả và luôn luôn đời đời không bao giờ thay đổi. Như vậy, thì để nhớ ơn cha mẹ như đức Phật dạy, những người con chúng ta phải làm gì để đừng vội quên ơn như người đời thường hay trách cứ nhau. Đức Phật truyền dạy, nhớ ơn của các đấng bậc sinh thành nên ta là làm sao sống đúng với tinh thần nhân quả, để từ đó ảnh hưởng đến đời sống của cha mẹ, thấu hiểu được nhân quả thiện ác, mà đấng bậc sinh thành sẽ bắt đầu đi vào con đường tu tập tìm hiểu để viên thông giáo lý nhân quả. Để từ đó khi đấng bậc sinh thành viên mãn cuộc đời này, không còn đi vào con đường luân khổ của lục đạo luân hồi mà được tái sanh vào cảnh thiện lành nơi chư Phật. Đó là cách đền đáp ân nghĩa cao cả nhất, đúng pháp và phù hợp muôn đời không bao giờ thay đổi.

Còn nếu như chúng ta không quên ân nghĩa của cha mẹ, phụng hiến cha mẹ về tiền tài, vật chất, tất cả những điều đó cần lắm, cần lắm các bạn. Nhưng đừng quên sống một đời sống đức hạnh theo nhân quả và tiếp bước cho cha mẹ khi lớn tuổi an trú trong nhân quả, thiện ác. Để cuộc đời khi ra đi, nhân quả thiện như đôi cánh của thiện thần giúp cho cha mẹ bay mãi về cõi trời tây phương, nơi đức A Di Đà.

Các bạn, chúng ta nhân mùa Vu Lan noi gương đức đại hiếu Mục Kiền Liên, noi gương các bậc thánh hiền cổ đức, noi gương những bậc thầy đi trước, và cũng noi gương cha mẹ của chúng ta. Mỗi người hãy cố gắng tư duy trong chánh kiến về luật nhân quả, thiện ác của chư Phật, sống cho đúng. Thật gọn, trong đời sống của con người Việt chúng ta thường hay dùng câu: nếu mà hôm nay ta ăn mặn thì chút xíu nữa ta đã khát nước. Y như câu được lặp lại: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” Cha tức là ta bây giờ ăn mặn chút nữa ta khát nước và cái nghiệp tạo ra là cha sẽ tái sanh, sẽ tái sanh trong sự khát nước kia. Do đó hiểu rõ nhân quả thì ta sẽ ăn quả thiện và rồi tất cả những hành động, tạo tác, lời nói của chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái thiện lành để dâng về cho cha mẹ, thấu rõ nhân quả tái sanh cảnh thiện. Đây là phương thức mà chúng ta được học nơi đức Phật, để đừng vội quên ơn đấng bậc sinh thành, hành theo phương thức này, đấng bậc sinh thành đời đời sẽ có đầy đủ trí tuệ viên thông trong luật nhân quả viên mãn cuộc đời, tái sanh về cảnh Phật. Chẳng còn luân hồi đau khổ trong sáu cảnh của trần gian nữa.

Các bạn, chúng ta nói rộng ra một chút xíu. Đừng vội quên ơn, hiện tại trong cuộc sống của chúng ta, nhất định ai cũng từng trải qua tuổi trẻ đương thời còn trẻ, ai cũng hừng hực sức sống, ai cũng hừng hực trí tuệ và kiến thức. Người trẻ như cây măng mới chui từ lòng đất, sức mạnh vô biên. Và nó tưởng chừng như cao lên tới trời, chọc thủng bầu trời luôn. Đó là tư tưởng của cây măng. Người trẻ như thuở xưa Bảo Thành đã từng trải qua và các bạn cũng vậy, cũng như các bạn trẻ ngày hôm nay. Dưới cái nhìn và sự học hiện tại, chúng ta vươn ra khỏi tầm tay của cha mẹ. Đôi khi kiến thức hiện tại và điều ta học được, được gọi là kiến thức của loài người, hay kiến thức của Phật pháp, nói cho cao cho rộng, theo tầm nhìn của ta nhưng so sánh cho kỹ vẫn còn rất sơ sài. Thế mà ta lại có sự yêu cầu quá đáng về cha mẹ, là cha mẹ phải như vầy, cha mẹ phải như kia, cưỡng cầu cha mẹ phải theo những tư tưởng, giáo lý, hiểu biết, kiến thức của chúng ta. Từ đó những người tuổi còn trẻ thường hay có một tư tưởng áp chế cha mẹ, tuy không bắt cha mẹ phải làm, nhưng bị tù túng trong cách suy nghĩ lẫn lộn như vậy là không thấy cha mẹ đúng mấy. Từ đó não phiền gây ra, họ bực bội, khó chịu, khó có thể tự chế với cảm xúc của bản thân khi nghĩ về đấng bậc sinh thành.

Nhớ rằng khi chúng ta còn rất bé, còn rất nhỏ, khi chúng ta mới sinh ra cuộc đời, cha mẹ đâu có áp đặt ta vào một điều gì. Nương theo sức khỏe của thân, của trí tuệ dìu dắt, giáo dưỡng từng bước, từng bước, từng bước cho tới khi con khôn lớn mười tám, hai mươi tuổi đầu, có đủ kiến thức ở đời.. Chúng ta ở lứa tuổi như vậy, trung niên đó, ít có khi nào nhìn và thấu hiểu được ân nghĩa của đấng bậc sinh thành đâu. Do vậy mà chúng ta khi nhìn xuống cha mẹ, nhìn xuống cha mẹ, bởi vì kiến thức ta cao mà. Ta nhìn xuống cha mẹ thấy kiến thức, cách sống, cách hiểu biết của cha mẹ thấp thấp. Và từ đó, tâm ngã mạn chui khỏi lòng đất, tưởng chừng như đâm thủng cả trời kia. Cúi xuống nhìn cha mẹ, chứ chẳng biết quỳ xuống ngưỡng lên, thương yêu cha mẹ đâu. Các bạn tuổi trẻ không có sai, kiến thức ở đời không có sai, sức mạnh hừng hực không có sai. Nhưng chúng ta nhớ, giao thời của kiến thức bên ngoài, lượm lặt mang vô. Thuở giao thời mà chúng ta thâu lượm những cái gọi là hay nhất của đời người, đi vào tuổi trẻ để ứng dụng trong bước đường đời vẫn còn xa lắm, vẫn còn nhỏ lắm. Xa là xa với tầm nhìn yêu thương của cha mẹ, nhỏ là nhỏ với tình yêu cha mẹ dành cho chúng ta. Cho nên chúng ta đừng bao giờ mang kiến thức ở đời, kiến thức về con người mà tuổi trẻ mới học được để nhìn xuống cha mẹ mà hãy mang kiến thức yêu thương, tình yêu vô thượng của cha mẹ hiện hình trong kiếp người nơi ánh mắt, nơi lời nói, hành động của cha mẹ, chúng ta sẽ nhận ra chân giá trị. Bởi đức Phật nói như vầy: các con, khi các con nhìn vào trong ánh mắt của Thầy, ánh mắt của Phật, các con sẽ nhìn thấy ai, cái con sẽ nhìn thấy chính xác hơn là bản thân của các con. Trong ánh mắt của cha mẹ, trong đời sống của cha mẹ, trong tạo tác của cha mẹ, chúng ta nếu có cơ hội nhìn cho thật rõ, ta sẽ nhìn thấy chính bản thân của mình ở trong ánh mắt của cha mẹ, trong nụ cười của cha mẹ, trong vòng tay của cha mẹ, ngay cả trong những giọt nước mắt của cha mẹ nữa. Bởi vì sao, bởi vì ta là con của cha mẹ, bởi vì sao, bởi cha mẹ đã sinh ra chúng ta, bởi vì sao, bởi cha mẹ yêu thương ta vô cùng.

Cái nhìn bằng con mắt yêu thương, và cảm xúc bằng tình yêu chân thật sẽ giúp cho chúng ta tới thật gần với mọi người mà không thấy sự khác biệt. Đừng vội quên ơn, đây là một chủ đề thật lớn nếu nói rộng ra ở loài người. Nhưng nói gọn trong tình yêu của đấng bậc sinh thành đối với con cái, nó cũng đã đủ để bao trùm cả vũ trụ này rồi các bạn ơi. Đừng vội quên ơn cha mẹ, các bạn. Cha mẹ dù tới từ phương đông, phương tây, hay phương bắc, dù tới từ hoàn cảnh có gia thế, quyền quý giàu có, hay tới từ gia cảnh nghèo nàn, thô sơ, không có kiến thức, tới từ gia cảnh có lễ giáo, truyền thống, văn hóa được gọi là tôn vinh trong xã hội, hay tới từ gia cảnh nhà nông bình thường, với phong độ bình dân, hay tới từ những gia cảnh bệnh hoạn, nghèo hèn, đau khổ, cũng có thể tới từ những gia cảnh mà cha mẹ lâm vào những con đường không phù hợp với xã hội hiện tại, hay phù hợp với cách nhìn của chúng ta, nhưng con mắt của đức Phật nhìn thấu xuyên suốt mọi sự khác biệt từ thân tướng, hoàn cảnh sống, nghiệp thức của con người, thấy đồng một chữ duy nhất đó là hiếu hạnh của người con đối với cha mẹ qua tâm Phật, nhìn bằng lăng kính yêu thương.

Các bạn, nếu chúng ta thật sự là người biết yêu, biết yêu thật sự, biết yêu thương thật sự. Tất cả sự khác biệt hoàn toàn không có một chướng ngại cho chúng ta trở về với cha mẹ đâu. Để chúng ta đừng vội quên ơn cha mẹ, để có những lúc mà chúng ta nóng giận, bởi cha mẹ như thế này, cha mẹ như thế kia, dưới cái tuổi mà chúng ta còn trẻ muốn bỏ ra đi sống tự lập, bởi sống chung với cha mẹ cảm thấy có một sự ức chế, khó chịu trong cuộc đời. Nhưng chúng ta lại không nghĩ rằng, những sự khác biệt đó là chính vì chúng ta. Cha mẹ vẫn sống như vậy mà, cha mẹ vẫn như vậy từ thuở ta sinh cho tới lúc đó. Chỉ có thời là khi ta tới tuổi thu lượm được một số kiến thức ở đời, thấy bắt đầu có sự khác biệt. Chứ còn thuở chưa có kiến thức đó, cách sống của cha mẹ, cách nói của cha mẹ, cách hành xử của cha mẹ, gia thế của mẹ, cảnh sống của cha mẹ vẫn rất ư chúng ta thích thú. Nhưng khi chúng ta có được một số kiến thức phù hợp, gọi là chấp nhận được, chúng ta mang vào đặt để, từ đó đầu của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta, con mắt của chúng ta, lỗ tai của chúng ta, cái miệng của chúng ta, và hành động của chúng ta đã không còn đồng nhịp, đã không còn đồng bộ với cha mẹ nữa.

Nhà Phật nói tinh thần hòa hợp, sống hòa hợp, nói văn hoa một chút xíu. Từ đó tất cả mọi thứ chúng ta nhìn nơi cha mẹ, không có đồng nhịp, không có thể hòa âm phối khí, để khó chịu vô cùng khi gặp chuyện đó nơi cha mẹ. Khí gì, uất hận, bực tức, sân si nó trỗi dậy, đè kín ngực, hơi không xuống cũng chẳng đi lên, mặt đỏ gay giận dữ bỏ đi.

Trong mùa lễ Vu Lan, chúng ta đừng để những cảm xúc khác biệt như vậy, do thâu lượm kiến thức ở bên ngoài để nhìn thấy cha mẹ khác biệt, từ đó mà trong lòng cứ nổi sân, nổi giận. Chỉ trong một giây, một giây thôi các bạn. Các bạn vì kiến thức, hay vì một sự khác biệt của chính chúng ta, để rồi có những hành động ngỗ nghịch, có lời nói, có những tạo tác, có những suy nghĩ bất kính với cha mẹ. Đó cũng là đồng nghĩa quên ơn cha mẹ đấy. Chúng ta đừng nghĩ rằng chữ “đừng vội quên ơn” đó nó không có trong chúng ta. Mỗi khi chúng ta nói một điều thật là nặng làm cho cha mẹ đau đớn mà đôi khi vì thương con cái, không nói ra. Chính lúc đó ta đã quên ơn cha mẹ. Người quên ơn cha mẹ, cho nên thường hay nói, hay hành động, suy nghĩ và nhìn cha mẹ bằng những kiểu cách tạo khổ, làm cho cha mẹ đau đớn. Nhưng cha mẹ vẫn mỉm cười thế thôi. Vì sao? vì yêu, vì chỉ một chữ yêu con mà trăm bề gian khó, khổ cực. Thân này có chết đi, có phải chặt tay, có phải mổ tim, có phải cạn máu cũng sẵn sàng dâng hiến cho con, miễn sao con lớn thành nhân, thành tài.

Nếu gọi kiến thức ngày nay ta học đã thành tài, các bạn trẻ thân mến, chúng ta đừng vội quên ơn cha mẹ. Không cần biết cha mẹ của chúng ta với gia cảnh như thế nào. Chuyện đó không quan trọng. Lời của đức Phật: trong trái tim những đấng bậc sinh thành là cha mẹ chỉ có một dòng máu đỏ biết yêu thương con mãi mãi suốt cuộc đời, cho đến khi giọt máu cuối cùng còn luân lưu, cho tới hơi thở cuối cùng đang cạn dần. Quán chiếu điều đó, mỗi người chúng ta trân quý và phải sống đúng với tinh thần hiếu hạnh của phật dạy, bởi tinh thần hiếu hạnh của phật dạy không bao giờ nhàm chán, không bao giờ lỗi thời. Dù ngày hôm nay hay mãi mãi muôn đời sau, tinh thần hiếu hạnh của Phật vẫn luôn luôn phù hợp với mọi cảnh giới, mọi thời đại, thời gian và không gian khác biệt.

Các bạn thân mến, mùa Vu Lan tới, để chuẩn bị cho chủ nhật này các bạn cùng đồng hành với Bảo Thành, Tăng thân chùa Xá Lợi, kỷ niệm lễ Vu Lan, ngưỡng lên vị Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu, để chúng ta hồi hướng cho cha, cho mẹ. Các bạn nhớ, ta phải chuẩn bị gì, ta hãy chuẩn bị một tâm thái nhẹ nhàng, một tâm thái hiếu hạnh, hiểu đúng nhân quả và đừng vội quên ơn cha mẹ ở tất cả mọi góc độ. Kiến thức của ta nếu có, so sánh với tình yêu thương của cha mẹ nó chẳng bằng hạt bụi. Sự hiểu biết, suy nghĩ, đối đãi của ta gọi là thương cha, thương mẹ đó mà, nhưng mà lòng thương yêu cha mẹ của các bạn nó nhỏ lắm, nó không có so sánh bằng tình yêu của cha mẹ được đâu. Tình yêu thương của các bạn đối với cha mẹ đó, vẫn còn tình thương theo kiểu cách sắp đặt và cưỡng chế. Nghĩa là ta thương cha mẹ, thì cha mẹ phải như vầy, phải như kia. Nhưng chúng ta nhớ khi cha mẹ yêu thương ta không bao giờ ép buộc ta, ta sinh ra đời như thế nào, nhân duyên sao thì cha mẹ yêu thương như vậy. Các bạn, hãy quán chiếu thật rõ, những đấng bậc sinh thành là cha mẹ, các bạn sẽ nhận ra. Bởi vậy ở trên đời mới nói, khi làm cha, làm mẹ mới hiểu thấu được lòng cha mẹ. Nhất là các bạn vẫn còn đơn thân chưa lập gia đình, hay đang sống một mình, chúng ta phải suy nghĩ cho thật kỹ. Đừng để khi chúng ta đã làm cha mẹ rồi, không biết cha mẹ có còn với chúng ta hay không. Do đó mà chúng ta hãy trân quý những thời gian này, nhớ tất cả những gì suy nghĩ của chúng ta gọi là thương yêu cha mẹ, chẳng thể so sánh tình yêu của cha mẹ đối với chúng ta. Do vậy đừng vội quên ơn, bằng cách hành động, lời nói, ánh mắt, suy nghĩ, cử chỉ mà chúng ta luôn luôn nghĩ rằng cha mẹ như thế này, như thế kia. Mỗi một con người có một góc độ nhìn cha mẹ khác biệt rồi. Nhưng theo nhà Phật, đừng nên có cách suy nghĩ, lời nói, ánh mắt và hành động khác biệt đó. Bởi khi ta đã thấy ta khác biệt, hoặc cha mẹ đã khác biệt với chúng ta, như cái cành không còn nhận cái gốc, tự cắt lìa ra, cành đó sẽ chết. Khi chúng ta thấy quá khác biệt, chúng ta tự cắt sinh hoạt, suy nghĩ của ta xa rời với cha mẹ, tức là chúng ta đang đi vào cõi chết của cuộc đời. Đó cũng là một điều bất hiếu, và đã quên ơn cha mẹ rồi.

Các bạn hãy đặt bàn tay trí tuệ là bàn tay phải vào bàn tay trái là bàn tay từ bi. Chúng ta vận hành bảy biến từ bi chánh niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa. Để hồi hướng cho cha mẹ của chúng ta.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và chúng con nguyện, chúng con sẽ đời đời ghi nhớ và không quên ơn cha mẹ. Chúng con hồi hướng cho cha mẹ luôn luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật! Các bạn, chúng ta vừa nói đến tính hiếu hạnh mà đức Phật dạy, nghĩa hiếu hạnh, ơn hiếu hạnh, đạo hiếu hạnh mà đức Phật vừa dạy đối với đấng bậc sinh thành. Nhưng chư Phật dạy, không phải chỉ có cha  mẹ mới là đấng bậc sinh thành. Đã biết bao nhiêu lần từ khi bước chân vào cuộc đời sống, chúng ta đã thọ ân nghĩa nơi biết bao nhiêu con người. Có thể là người hàng xóm hay người cùng công xưởng, hay cùng làm việc chung một văn phòng. Cũng có thể là những vị thầy trong học đường hay ở trong những ngôi thiền đường, chùa chiền hay ở trong thế giới của người cư sỹ tại gia. Biết bao nhiêu những sự giúp đỡ, đó cũng là thọ ân. Mà nhớ rằng đức Phật dạy những ai tới với chúng ta có nhân duyen giáo dưỡng vào dạy dỗ chúng ta, vị đó đều là cha mẹ nhiều kiếp, nhiều đời hiện thân làm người gần gũi với chúng ta. Để rồi vẫn sẵn sàng nuôi dưỡng, giáo dưỡng chúng ta trên mọi phương diện của cuộc dời. Đó mới là cách nhìn viên dung của hiếu đạo đức Phật dạy. Đừng chỉ nghĩ cha mẹ ở nhà mới là cha mẹ. Chư Phật đã nhiều đời, nhiều kiếp nhìn tất cả các chúng sanh đều là cha mẹ nhiều đời của Phật, thế nên Phật luôn luôn giữ được hiếu hạnh. Chúng ta tương tác với cuộc đời, có những con người gặp gỡ trên một chuyến xe lửa hay một chuyến đò ngang, hay chỉ là một chuyến đi vui, đi phượt hay gặp nhau nơi công sở, bên lề đường của cuộc đời, vội chào một câu. Tất cả những chuyện gặp gỡ, xa hoặc gần, thân hoặc không thân. Các bạn thân mến, tất cả những điều đó, chúng ta nhớ rằng dù là sơ giao, hay là thâm giao, tri kỷ hay là kẻ thù, thì đều tới với nhau bằng nhân duyên của cha mẹ. Lực tình yêu của cha mẹ hấp dẫn kéo nhau tới để gặp, và có những cái nghịch vẫn là những bài học giáo dưỡng vô giá. Có những cái thuận cũng là những bài học giáo dưỡng vô giá.

Cấp độ của Phật giáo bao trùm cả thế giới, nhìn theo hướng đó, lòng sẽ rộng thênh thang vô bờ bến, không có chướng ngại. Và chúng ta sẽ luôn luôn phải đặt để mình là con. Đừng đặt để mình là cha, là mẹ để muốn tự tung tự tác đối nhân xử thế như là cha mẹ của người ta, kì lắm, sai rồi. Hãy đối xử với mọi người như mình là con của tất cả, đừng đối xử với mọi người như mình là cha người ta, như mình là mẹ người ta. Cha mẹ là những bậc đáng kính nhưng chưa đến phần chúng ta đối xử với họ như ta là cha mẹ của họ. Trên bầu trời cao rộng mênh mông này, chỉ có Phật là cha mẹ của muôn loài. Chúng ta nhìn thấy Phật trong mọi trái tim của con người, là chúng ta nhìn thấy cha mẹ trong mọi chúng sanh. Và chúng ta nhìn thấy cha mẹ nơi mọi chúng sanh chính là chúng ta đã thấy Phật hiện tiền trong cuộc sống. Phật an trú trong tất cả mọi chúng sanh, các bạn, chúng ta hãy trở về với nguồn hiếu đạo Phật dạy để sống thênh thang rộng lớn, như một người con ngưỡng lên cha mẹ, chứ đừng bao giờ sống như ta là cha, là mẹ người ta.

Mời các bạn đặt bàn tay phải trí tuệ vào lòng bàn tay trái từ bi. Chúng ta quán chiếu ân nghĩa này.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con không bao giờ quên ơn đấng bậc sinh thành mà luôn luôn tu luyện đúng nhân quả để hồi hướng cho cha mẹ được bình an, được hạnh phúc, được hết bệnh, sống đời với con cháu. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật! Chúng ta đã vừa hoàn tất hai mươi mốt biến vi diệu âm chánh niệm Mu A Mu Sa. Sự đồng tu đã kết, mời các bạn chắp tay vào chúng hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát. Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Đại Hiếu Mục Kiền Liên gia trì, rải tha lực Phật điển tới muôn loài chúng sanh. Nguyện cho mọi loài không bao giờ quên ơn cha mẹ, tu theo hiếu đạo đức Phật truyền dạy, hồi hướng cho đấng bậc sinh thành sống an vui, hạnh phúc, và trường thọ, ở đời với con cháu.

Chúng con hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia cũng hiểu thấu điều này thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cầu cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vaccine, thuốc chữa bệnh đại dịch. Cầu nguyện cho các bác sỹ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ luôn luôn yêu thương chữa lành mọi bệnh nhân. Cầu nguyện cho tất cả mọi người trên thế giới và quốc độ Việt Nam chúng con vượt qua được đại dịch, trở lại sống bình an và hạnh phúc. Hồi hướng cho các bậc tiên nhân, cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ đã vãng sanh nhiều đời, được siêu sanh tịnh độ.

Con nguyện xin chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts