Search

Bài 1144 : Sao Cứ Vội Vàng – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào Sư Cô Bảo Cơ, Eilleen, Bảo Thy, Bảo Nghy cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Đã tới giờ chúng ta đồng tu mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa. Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn, bắt đầu một tuần mới trong sự đồng tu với chúng ta. Các bạn thân mến, như tất cả muôn loài trên hành tinh trái đất này, đều cần phải tiếp nhận năng lượng để nuôi dưỡng. Và chúng ta cũng như mọi loài hằng ngày đồng tu để với tâm khiêm tốn, cúi mình xuống đảnh lễ Thế Tôn, đón nhận năng lượng đại Từ đại Bi của mười phương Chư Phật vào cuộc đời để nuôi dưỡng chúng ta trong từng giây phút của cuộc sống. Rất cao quý nếu mỗi người chúng ta sống trong ý niệm đặc biệt mà Đức Phật đã khai thị cho chúng ta. Năng lượng Từ Bi là năng lượng cao trọng nhất mà mỗi người cần phải tiếp nhận để nuôi dưỡng cuộc đời trong sự bình an và hạnh phúc.

Các bạn thân mến, hơi thở của Thất Bảo Huyền Môn đi vào từ mũi, nó đi xuống ngang phổi. Chúng ta hít vào thật chậm, và rồi chúng ta đưa xuống đan điền khí hải. Ở dưới đan điền khí hải đây, chúng ta sẽ phình bụng ra. Và khi thở, chúng ta nhớ thấy được hơi thở đi vào hoặc đi ra, phải biết được bụng hóp vào khi thở, phình ra khi hít vào. Khi chúng ta thở, chúng ta hóp bụng lại, đồng thời trì mật chú Mu A Mu Sa. Và một chu kỳ vận khí, trì niệm mật chú Mu A Mu Sa, mỗi người chúng ta sẽ đi qua sự trải nghiệm thực tế, đón nhận được tha lực Phật điển vào trong tâm của chúng ta. Các bạn nhớ, tha lực Phật điển rất quan trọng, phối hợp cùng với tự lực của chúng ta để đưa chúng ta tới sự thành tựu trong pháp quán chiếu tự thân của mình.

Giờ đây mời các bạn đặt bàn tay phải là bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái là bàn tay Từ Bi để chúng ta bắt đầu công phu. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực tiếp năng lượng Từ Bi khai mở Trí Tuệ để chúng con không còn vội vàng nữa trong cuộc đời này. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Bảo Thành kính chào các bạn. Hôm nay chủ đề chúng ta quán chiếu “Sao Cứ Vội Vàng” có lẽ bốn chữ này nó ăn sâu vào tâm của chúng ta. Biết bao nhiêu chuyện xảy ra, chúng ta được nhắc nhở, hãy từ từ lại, hãy chậm rãi, hãy vững chãi. Nhưng có lẽ bản tính con người của chúng ta được tái sanh bởi ba tâm Tham, Sân, Si, nó nhồi nhét chúng ta trở thành một con người sống không có sự tự chủ. Và chúng ta sống luôn bị những dòng nghiệp thức đó lôi kéo. Tạo nhân nào quả trổ như vậy, khó có thể tránh. Chúng ta đã để cho nghiệp đó nó dẫn đi. Chúng ta chấp nhận nó, phục tùng, làm tôi tớ cho nghiệp thức. Bởi vậy biết bao nhiêu người đã đầu hàng số mệnh của mình. Vội vội, vàng vàng từ ngày này cho tới ngày kia, vội vàng cả cuộc đời để khi chết rồi cũng vội vàng chôn vào lòng đất chẳng biết tái sanh về đâu, bởi tâm thức hoảng hốt, vội vàng quá, chết quá nhanh. Sống cũng quá vội, sống vội chết nhanh, hơi thở không kịp vào ra, thần thức u mê, ta biết về đâu?

Sao cứ vội vàng, có lẽ các bạn đã tự nói với bản thân, tự tư vấn, tự chất vấn và nói với mình rằng: Sao ta cứ vội vàng trong sự quyết định, quyết định này hoặc quyết định kia. Sao ta cứ vội vàng trong sự đối xử với nhau. Để những sự quyết định ta vội vàng không thành công mỹ mãn, để những sự đối xử với nhau trong vội vàng chẳng mang lại niềm vui. Sao ta cứ vội vàng, vội vàng từ sáng cho tới tối, trong giấc ngủ cũng chẳng yên, lại vội vàng trong hơi thở. Cứ như vậy ta vần xoay trong sự vội vàng, vội vàng tới, vội vàng đi, vội vàng làm việc, vội vội vàng vàng. Âm thanh đó vọng vào trong tâm, biết bao nhiêu những điều mà chúng ta đã đương đầu với, sao tháo gỡ được đây.

Chúng ta theo Đức Phật Bổn Sư, Ngài dạy cho chúng ta trong từng bước chân an lạc, Chánh Niệm, gạt bỏ sự vội vàng trong suy nghĩ, gạt bỏ sự vội vàng trong ngôn từ, lìa xa sự vội vàng trong hành động, cứ thật tịch tĩnh an nhiên. Nhưng mà trời ơi, tiếng than của chúng ta vẫn thấu lên trên kia, là làm sao tôi có thể bình tĩnh chậm rãi được khi cuộc sống xô bồ, nhiều thứ thử thách nó quay mòng mòng. Các bạn cứ ra ngã tư, ngã bảy, ra ngã ba của cuộc đời, người người qua lại, xe chạy vòng quanh thấy chóng mặt. Và đó là cuộc đời hiện tại, công việc cũng thế, sao có thể chậm rãi, thư thái an lạc được trong cuộc đời với vòng xoay liên tục như thế.

Có lẽ nhiều lần ta đã tự hỏi, sao cứ vội vàng như dòng đời xoáy quanh, ta không vội vàng, không kịp và thế ta lao đầu vào trong sự vội vàng đó. Tới thì không hẹn, chết thì chúng ta cũng chẳng có định kỳ. Chợt tới, chợt đi, cuộc sống không tự chủ, phiền não đau khổ chất chứa. Phật dạy hãy chậm rãi trong bước chân an lạc, hãy chậm lại, nhưng làm sao để chậm lại?

Trên chiếc xe vận hành của cuộc đời, nếu chúng ta không làm chủ được tốc độ cho an toàn, nếu phóng nhanh vượt ẩu, những con đường cấm khi đèn đỏ, ào ào lao tới, cái chết chắc chắn sẽ đợi chúng ta. Hãy chậm, chậm ở đây không hẳn là phải dừng lại. Sự không vội vàng không phải là mình đứng. Sự không vội vàng nói đến Trí Tuệ am hiểu, khi nào cần làm, khi nào không cần, chuyện gì cần, chuyện gì không. Buông cái không cần, và tác động vào cái cần thiết trong hiện tại. Đó sẽ tránh được sự không còn vội vàng, sẽ có được sự an nhiên và tự tại.

Có một câu chuyện kể rằng vào một thời chiến, bên cạnh một dòng sông, và có một lão phu. Lão phu cũng phải đi qua bờ dòng sông bên kia, để mua đồ, lương thực về cung cấp cho gia đình, bản thân, đôi khi mua thêm một vài gánh để mang về phân phát cho mọi người. Thời chiến mà, đồ ăn và vật dụng nuôi thân rất quan trọng. Trong một chuyến qua sông bên kia để mua đồ, vật thực về cho gia đình và chòm xóm của mình, có một cơn mưa chợt tới trong buổi chiều đang đợi để đi trở về bờ sông bên kia. Nước cuồn cuộn dâng lên thật là cao, trời đã sập tối lạng chạng, thời chiến tranh nguy hiểm vô cùng khi về tối. Có một nhà thương gia đi tới trạm đó muốn qua bờ bên kia, sợ hãi vô cùng bởi quân giặc sắp tới, và nước lũ dâng lên sợ quá. Anh ta cũng có đầy vàng bạc ở trên tay, đeo ở trên người, nói với ông cụ rằng: sao lão phu không qua bờ đi, giặc sắp tràn tới, nước lũ đang dâng, qua nhanh không chết. Lão phu vẫn thong dong tự tại ngồi dưới gốc cây, chẳng nói một lời. Còn nhà thương gia vội vội vàng vàng sợ hãi quân giặc đuổi tới cướp vàng, rồi sợ nước dâng lên cuồn cuộn không qua được nên cột chặt vàng bạc trên lưng, nhảy xuống dòng sông lội qua bên kia. Giữa dòng sông cuốn mạnh, vàng bạc bị trôi mất, tưởng chừng như chết, nhưng cuối cùng anh ta bơi được qua dòng sông sau nhiều tiếng vất vả vô cùng. Khi tới dòng sông bên kia, bờ đã lên được, anh ta ngồi đó thương tiếc số vàng. Nhưng lại nghi ngại tới lão phu ngồi bên kia, sợ giặc giết, sợ chết, nước lụt dâng lên khó có thể qua, ta là trai tráng vượt dòng sông kia cuồn cuộn như thế không nổi, vàng bạc đã mất hết rồi. Nhưng anh ta cố tình ngồi đợi lão phu coi như thế nào, nhưng rồi cuối cùng chỉ vài tiếng sau giông bão tan dần, giặc cũng chẳng tới và dòng nước kia, nước lũ đó cũng cạn dần, để rồi nước chỉ bằng đầu gối. Chập chờn trong đêm mập mờ, nhà thương gia thấy lão phu miệng mỉm cười, gánh gồng vật thực đi bộ qua dòng sông, nước dâng đến đầu gối. Khi lên tới trên bờ, nhà thương gia vội vàng hỏi lão phu rằng, tại sao lão phu lại ngồi ở đó mà không sợ giặc giết, tại sao lão phu phải đợi đến bây giờ mới đi qua. Lão phu ngồi xuống và nói cho thương gia rằng, thương gia là người xứ lạ mới tới đây, tôi đã sống bên bờ sông này cả cuộc đời. Tôi đã biết cả cuộc đời có kinh nghiệm, giặc chẳng bao giờ tràn tới đây, bởi đây là quê nghèo và nước lũ có cuồn cuộn theo năm tháng đi nữa, thì cũng vào giờ này, lúc này thường là sẽ tan biến mất, và dòng sông này thật là cạn tới đầu gối, thì chúng tôi đã hiểu được nguyên lý đó, nên sẵn sàng chờ đợi, chẳng sợ nước cuốn trôi, chẳng sợ giặc chạy tới. Chờ cho mưa tạnh, gió ngừng, dòng sông cạn dần, lội nước qua sông, và vật thực kia vẫn còn đầy đủ chẳng mất gì. Lúc đó nhà thương gia mới hiểu rằng, chính lão phu là người bản địa, thông thạo tứ thời bát tiết, mưa gió vùng này. Cho nên lão phu đã hiểu giờ nào nước lên, giờ nào nước xuống, giờ nào giặc tới, giờ nào giặc không tới. Cho nên sự bình tĩnh không vội vàng, bình tĩnh của lão phu thể hiện trên khuôn mặt, và rồi thực sự lão phu thật tịch tĩnh an nhiên gánh vật thực qua dòng sông nước bằng đầu gối để trở về làng cho gia đình, và cho muôn người.

Câu chuyện đó đánh thức cho chúng ta thấy rằng, sự vội vàng tới với con người là bởi vì ta từ xứ lạ mà tới như thương gia kia. Chẳng am tường dòng sông lên xuống, chẳm am hiểu giặc có về đây hay không. Nên khi tới đoạn đường đó, phía trước chạy giặc, ùn ùn kéo sợ quá, và rồi tới dòng sông thì nước lũ cuốn ầm ầm, cuốn trôi hết tất cả những điều châu báu, quý nhất lao xuống cái, dòng cuốn kia. Thế là mất hết, vẫn may là còn giữ lại mạng sống. Còn lão phu vẫn bình tĩnh ngồi gốc cây, chờ cho nước cạn để vượt sông qua bờ.

Như vậy sự vội vàng do tánh không biết, không hiểu, không tường, còn sự tịch tĩnh, không vội vàng do Trí Tuệ am tường được con sông, con nước, thời vận chiến tranh. Làm sao chúng ta hết vội vàng như lão phu kia? Chúng ta chỉ cần biết, chúng ta chỉ cần biết vận nước lên xuống, chúng ta chỉ cần biết nước dòng lên, dòng xuống, dòng ngược, dòng xuôi chúng ta đang đương đầu. Chúng ta chỉ cần sống quen thuộc, và hiểu rõ được môi trường sống chúng ta sẽ không còn vội vàng. Cho nên tánh biết ở đây chẳng phải là một sự thông thái quá cao, mà là một sự biết, hiểu rõ được qua sự quan sát. Lão phu đã sống cả đời quan sát dòng sông kia lên xuống khi nước lũ. Lão phu đã sống cả đời ở đó, biết giặc không bao giờ về, lão phu đã từng lội qua dòng sông nên tịch tĩnh an nhiên, chẳng vội vàng biết nước lên, nước xuống, khi nào bước qua, nên vật thực nuôi thân, gia đình, và chòm xóm vẫn đầy đủ, không bao giờ hao tốn.

Trong cuộc sống của chúng ta, để thực tập trở thành như lão phu, ta phải học theo Phật để nâng cao tánh biết của chúng ta trong vận mệnh dòng sông của cuộc đời trôi nổi lúc này, lúc kia, lúc nổi, lúc trôi, lúc xoáy, lúc cuồng. Ta phải học và phải biết, tánh biết này là một thói quen quan sát môi trường sống chung quanh chúng ta. Lão phu đã quan sát dòng sông, đã quen với dòng sông, là một thói quen quan sát, quán chiếu. Để rồi lão phu đã biết được hiện tượng tự nhiên một của môi trường.

Trong cuộc đời của chúng ta, sự tự nhiên của bất thiện nghiệp và của thiện nghiệp, của ác và thiện, của vui và buồn, của phiền não và đau khổ, bình an và những tất cả những cái được gọi là trái nghịch, tạo ra những sự sợ hãi cho chúng ta. Chúng ta quan sát thì đó là một sự tự nhiên, có buồn thì có vui, có phiền não có hạnh phúc, có đau khổ có bình an. Hiểu rõ dòng nước lên xuống như vậy, có lên phải có xuống, có sanh phải có diệt. Lão phu đã thấy nước cuồn cuộn lên biết rằng tới giờ nó sẽ xuống, bởi Ngài đã quan sát dòng sông đó. Đức Phật đã quan sát dòng sông tự thể kiếp người, thấy dòng sông vui buồn, sướng khổ, phiền não, hạnh phúc. Các bạn lúc lên lúc xuống, nên Ngài dạy cho chúng ta quan sát cảm xúc của mình bằng hơi thở Chánh Niệm, để làm chủ, hiểu rõ thời nào, lúc nào tánh sân trỗi dậy, ta bình tĩnh ngồi chờ cho nó qua đi. Chẳng cần học tác động làm chủ để làm chi, bởi sanh diệt mà, có sanh, có diệt mà, có sân tức là sẽ có hạnh phúc, sẽ có bình an, sẽ có yêu thương, có đau khổ, phiền não cũng như vậy. Nó là hai thái cực tồn tại song song, này lên kia bị xuống, thì hãy đợi cho nó xuống kia sẽ hiển lộ. Chỉ cần chúng ta bình tĩnh nhìn điều đó, dòng sông của cuộc đời lúc phiền não, đau khổ, lúc hạnh phúc, an vui, ta đã từng trải nghiệm. Miễn là ta hiểu khi nào, và trong hơi thở Chánh Niệm đó ta sẽ có sự an nhiên tự tại để không còn vội vàng tác động vô những nhân duyên khi nó trổ quả. Mà chúng ta chuyển xoay nó ở trong tâm để đón nhận bằng tánh hỷ của chúng ta. Để chờ đợi kiên nhẫn ngồi dưới gốc cây cho phong ba bão tố của cuộc đời đi qua, nước cạn rồi vượt, vượt sông mà về nhà.

Có những đoạn đường của cuộc đời, dòng sông cuộc đời sân hận, tham si nó trôi nổi, nó lớn, nó cuồn cuộn kéo tới. Các bạn cứ ỷ vào kiến thức, sức mạnh của mình nhảy xuống như nhà thương gia kia rồi biết bao nhiêu vàng bạc trôi mất. Cuộc sống còn đó nhưng mà trắng tay, tay trắng, nếu như dòng nước kia cuốn đi không thể về bên bờ, có lẽ sự sống cũng mất.

Đã bao nhiêu lần chúng ta có sự trải nghiệm rằng hầu như đã mất đi cuộc sống bởi cứ vội vàng quyết định những chuyện không hay. Từ chuyện tình cảm vợ chồng, ta quá vội vàng đặt bút ký ly dị, hoặc xé tan đi cảm tình trong gia đình khi gặp chuyện thử thách. Ta không bình tĩnh ngồi xuống như lão phu kia, biết rằng dòng trôi của cuộc đời đang cuồn cuộn, bình tĩnh ngồi xuống rồi sẽ cạn, bởi sân có tới thì rồi nó cũng diệt đi, để cho hạnh phúc nó nương vào mà hiện diện trong cuộc đời. Hãy sống chậm rãi trở lại bởi vì sự chậm rãi cho nhau một khoảng cách an toàn, cho nhau lòng bao dung rộng lớn, để chúng ta sống chân thật với cuộc đời, để có được sự chậm rãi và tịch tĩnh như thế, như lão phu kia cần phải quan sát cuộc đời, quan sát dòng sông, quan sát môi trường sống. Môi trường sống của chúng ta lệ thuộc vào nghiệp bất thiện, và nghiệp thiện trong tiền kiếp. Nói như vậy chúng ta không phải không thay đổi được. Để có thể thay đổi được điều đó, mỗi người chúng ta phải trở về quan sát dòng sông của cuộc đời trong tâm thức của chúng ta theo lời Phật dạy bằng hơi thở Chánh Niệm vào ra. Hơi thở Chánh Niệm vào ra của Thất Bảo Huyền Môn giúp cho chúng ta tăng trưởng Chánh định, để nhìn cuộc đời nổi trôi, phong ba bão tố kéo tới như dòng sông ngập nước kia, vẫn bình tĩnh, an nhiên trong năng lượng tình yêu, Từ Bi của mười phương Chư Phật tràn ngập vào trong chúng ta.

Do đó, pháp môn Thất Bảo Huyền Môn không phải là chúng ta nhảy xuống khi nước cuộn trào, mà bình tĩnh nhìn dòng sông trôi khi cuồn cuộn kéo tới bởi phong ba của sân giận. Để rồi hiểu rõ nguyên lí nhân duyên của nhà Phật, có này có kia, có những sự đau khổ, nhất định có hạnh phúc, có sân thì sẽ có lúc bình, bình an, bớt sân, hết sân. Quan sát nước thủy triều lên xuống của cuộc đời chúng ta, ta biết ngồi xuống chậm rãi hay biết đứng dậy mà đi. Cứ vội vội vàng vàng đêm tối mù mịt, sóng gió cuồn cuộn nước dâng lên cao, một mặt sợ giặc, một mặt tiếc thương vàng bạc, quăng mình xuống cuộc nổi trôi của cuộc đời kia, chết mất.

Hãy bình tĩnh, ta phải hiểu rằng trong cuộc đời chỉ có một tên giặc chúng ta còn không sợ, tên giặc này nguy hiểm vô cùng, đó là giặc chết. Đó là thần chết đến với chúng ta, là một tên giặc có thể cuớp đi mạng sống, Đức Phật dạy ta cũng chẳng sợ. Bởi vì khi các bạn sống tịch tĩnh, giặc thần chết kia không dám tới. Nó phải chờ sự cho phép của chúng ta nó mới dám tới, và khi chúng ta sống trong Chánh Niệm thì cái dòng trôi nổi của cuộc đời kia, nó sẽ từ từ cạn xuống như dòng sông, trở về bình thường, để chúng ta lội qua sông, tới được bờ về với quê nhà, Niết Bàn an vui. Đừng sống vội vàng nữa, hãy bình tĩnh trong hơi thở Chánh Niệm, hãy tiếp tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi, để chúng ta có Trí Tuệ quán chiếu cái dòng sông của cuộc đời vận chuyển trong bất thiện và trong cái thiện. Để biết rằng khi dòng bất thiện trổ quả, ta tịch tĩnh an trú trong hơi thở, nhìn nó trổ quả và mang năng lượng Từ Bi của Phật, để chuyển hóa chúng.

Các bạn, sự chuyển hóa nội tại ngay trong giây phút này rất quan trọng, và sự quán chiếu trong hơi thở giúp cho chúng ta trở thành vị lão phu kia. Biết nước lên, nước xuống để rồi chúng ta tịch tĩnh qua sông khi nào, khi nào mới qua sông. Nước dòng trôi sân giận, Tham, Sân, Si cuồn cuộn kéo tới hãy bình tĩnh ngồi xuống, nhâm nhi ly trà năng lượng Từ Bi, nhâm nhi ly trà Mu A Mu Sa, để chờ cho dòng sông Tham, Sân, Si kia lặng xuống rồi chúng ta qua. Đừng quăng mình xuống bởi thương tiếc vàng bạc, thương tiếc những cái gì ta gọi là có. Cái có ở trên đời duy nhất là tánh thiện mà thôi.

Đặt bàn tay Trí Tuệ bàn tay phải, vào lòng bàn tay Từ Bi, chúng ta an trú trong hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa, để chúng ta quán chiếu dòng sông của cuộc đời lên xuống tịch tĩnh, an nhiên trong gánh tha lực Phật điện không còn sợ hãi, vội vàng. Mời các bạn.

Chúng con nguyện muời phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng luợng Từ Bi khai mở Trí Tuệ để chúng con không còn vội vàng trong cuộc sống, mà sống tịch tĩnh, quán chiếu tâm thức qua hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng  vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật! Các bạn, chúng ta đã hiểu được mưa thuận gió hòa. Chúng ta đã hiểu được giá trị đón nhận tha lực Phật điển vào trong cuộc đời của chúng ta. Cũng một chữ thường than, sao cứ vội vàng? Rồi chúng ta lại có câu, giá như. Giá như đừng vội vàng thì muôn chuyện sẽ thành công. Giá như ta chậm lại một chút. Giá như ta đừng đối xử với vợ như vậy thì gia đình hạnh phúc biết bao. Giá như ta đừng nói nặng lời với chồng thì tờ kết hôn chẳng phải xé. Rồi giá như đối với cha mẹ, ta dịu dàng, nhẹ nhàng, hiếu đạo thì ngày nay cha mẹ vẫn còn đây. Giá như, giá như và cứ giá như như vậy mãi suốt cuộc đời nhưng ta chẳng biết ngừng lại. Các bạn, ta không thể ngồi đó than giá như ta đừng vội vàng, giá như sao cứ vội vàng.

Thương gia kia cũng là lặp lại chữ giá như đừng vội vàng, nếu ngồi xuống bên lão phu hỏi thật rõ ràng, rành mạch thì bao nhiêu vàng bạc kia không bị dòng nước lũ của cuộc đời cuốn trôi. Vàng bạc, tư lương vẫn còn, chỉ bình tĩnh một chút xíu, ngồi hỏi lão phu khai thị, thì nhất định lại có được cơ hội ngồi uống trà, ngồi nói chuyện để lão phu truyền dạy những kinh nghiệm của cuộc đời, quán chiếu trên dòng sông trôi nổi đó, để biết vận mạng mà đi qua an lành. Nhưng cái chữ giá như phải trả giá thật đắt, bao nhiêu tài vận đã mất hết. Các bạn có khi nào nói “giá như” chưa? Giá như em, giá như anh, giá như cha mẹ, giá như con cái. Đừng để chữ giá như, như một thương hiệu trong cuộc đời để chúng ta sẽ hối hận mãi mãi.

Người thương gia kia hối hận không kịp, và cuối cùng nghe lão phu kể cũng thốt lên giá như tôi biết nghe. Các bạn. Đức Phật đã tới trong cuộc đời qua tha lực Phật điển. Ngài ngồi ở ngưỡng cửa cuộc đời chúng ta, Ngài ngồi bên bờ sông trôi nổi của cuộc đời Tham, Sân, Si. Dòng cuốn đó cứ nhận chìm chúng ta mãi. Giá như bây giờ ngồi xuống nghe Pháp vẫn còn kịp các bạn, không có trễ đâu. Hai chữ giá như phù hợp trong hoàn cảnh của Bảo Thành và các bạn hiện hữu. Giá như bây giờ…, không còn giá như. Ngay bây giờ, chúng ta hãy ngồi xuống bên lão tiều phu, Đức Phật Bổn Sư và thưa với Ngài, xin hãy dạy cho con cách quán chiếu dòng sông của cuộc đời, nổi trôi trong Tham, Sân, Si để chúng con biết khi nào lội qua mà trờ về nhà Niết Bàn. Nhất định lão phu cả đời kia quán chiếu dòng đời sẽ hiểu thấu và truyền dạy kinh nghiệm cho chúng ta. Một cái kinh nghiệm quý báu của lão phu kia sẽ giúp cho thương gia không bị tổn hại, Và kinh nghiệm của một bậc thầy giác ngộ là Đức Bổn Sư còn quý báu biết bao nhiêu, để nếu học được ta không còn phải nói chữ giá như nữa. Hãy hồi hướng tâm nguyện này và chú ý đến những người ta yêu thương, để không phải ta thốt lên những chứ giá như mà tất cả người yêu thương của chúng ta không con giá như nữa. Mà sẵn sàng ngồi xuống trong lòng của Đức Phật Bổn Sư, để Ngài như một bậc Thầy, như một người cha, như một người ông nội, ông ngoại, thoa đảnh đầu của người con, người cháu và nói rằng, đây là cách quan sát dòng sông nổi trôi của Tham, Sân, Si. Bằng cách an trú trong hơi thở Chánh Niệm, vi diệu âm Mu A Mu Sa, đón nhận tha lực Phật điển, tăng Chánh kiến, Chánh ngữ. Tăng gì? Chánh định trong lòng để vững chãi trên dòng đời. Biết khi nào qua, biết khi nào dừng, biết khi nào tới, biết khi nào ở.

Các bạn, tánh biết sẽ tăng trưởng khi các bạn an trú trong hơi thở Chánh Niệm. Và tánh biết đó có thể lưu chuyển từ bạn tới những người yêu thương. Bởi Phật có tánh biết và tánh biết của Ngài sẽ tới với chúng ta nếu chúng ta lắng tâm lại, lắng nghe Ngài, đón nhận từ Ngài. Và tánh biết của ta được hiển lộ của lòng Từ Bi từ Phật cũng có thể chuyển trao cho tất cả những ai ta yêu thương, để họ nhận biết. Biết rất quan trọng, biết sẽ tịch tĩnh, biết sẽ chậm rãi, biết sẽ an nhiên, biết sẽ hạnh phúc, biết sẽ bình an. Còn không biết sẽ hoang mang vội vàng, không biết sẽ đau khổ phiền não, không biết sẽ mất tất cả như vị thương gia kia. Nhớ, khi ta biết không hẳn ta còn mang những vật thực nuôi thân cho ta, cho gia đình mà cho chòm xóm bên kia sông. Lão phu đã mang vật thực về cho muôn người. Ta theo lão phu Bổn Sư Thích Ca, ta sẽ mang vật thực, năng lượng Từ Bi của Phật vượt qua dòng đời trôi nổi tới cho những người ta yêu thương. Nhất là các bậc sinh thành, vợ chồng, con cái và những người chúng ta tương tác hằng ngày.

Hãy  đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi, lấy Trí Tuệ, Từ Bi quán chiếu. Hãy ngồi xuống trong cuộc đời này, nói chuyện với lão tiều phu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, để Ngài truyền dạy cho chúng ta kinh nghiệm quán chiếu cuộc đời. Và có tánh biết khi nào qua, khi nào ngừng, khi dừng, khi đi, để không còn vội vàng, để không còn thốt lên hai chữ giá như. Mời các bạn.

Chúng con nguyện muời phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng luợng Từ Bi khai mở Trí Tuệ để chúng con không còn vội vàng, biết ngồi xuống an trú trong hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Chúng ta đã thực hành sự đồng tu hai mươi mốt biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Chúng ta lãnh nhận được tha lực Phật điển vào trong cuộc đời. Dòng sông trôi nổi cuồn cuộn cuốn trước mặt, chúng ta cứ tịch tĩnh quán chiếu theo pháp thở Chánh Niệm này. Chúng ta sẽ học được của lão phu Bổn Sư Thích Ca những điều kinh nghiệm giác ngộ tuyệt vời, để không bỏ mạng trên dòng sông Tham, Sân, Si. Để không bị dòng sông Tham, Sân, Si cuốn trôi đi tất cả những gì ta có. Ta vẫn có thể vượt qua dòng sông bể khổ của cuộc đời, ta có thể lội qua bên kia bờ mà vẫn còn tất cả cho ta, cho người ta yêu. Hãy cố gắng suy tư, hãy cố gắng tư duy để chúng ta sống đúng với lời chân truyền của lão tiều phu, của lão sư ngồi bên lề của cuộc đời, dòng sông Tham, Sân, Si, bể khổ của chúng ta. Hãy học kinh nghiệm này để không còn vội vàng nữa. Mời các bạn chắp tay vào chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này đến tất cả những nguyên thủ các quốc gia, luôn luôn có được sự bình tĩnh, không vội vàng quyết định những điều sai, để thành lập nên chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cho các nhà khoa học gia, các nhà khoa học gia ngành Y, ngành dược bình tĩnh chế tạo ra được vaccine, thuốc chữa bệnh dịch cho mọi người. Nguyện cầu các bác sỹ, các y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới cũng như vậy. Con cầu nguyện cho tất cả mọi người chúng con đang đau khổ được đón nhận được tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi, sự gia trì của Chư Phật để chúng con từ bỏ sự vội vàng, biết tịch tĩnh ngồi bên lão tiều phu Thích Ca Mâu Ni Phật mà thỉnh Ngài chia sẻ kinh nghiệm vượt sông, vượt bể khổ của cuộc đời, để trở về với bờ bên kia, Niết Bàn an vui.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts