Search

Bài 1014: Thắp Sáng Niềm Tin – Mu A Mu Sa

Bài giảng

Đề mục hôm nay Thầy muốn nói về Thắp Sáng Niềm Tin. Khi ta hòa nhập với năng lượng đại Từ đại Bi, năng lượng siêu thế của Chư Phật vào thân, tâm sẽ giúp cho ta thắp sáng niềm tin vào ba ngôi Tam Bảo, niềm tin vào Nhân Quả và niềm tin vào cuộc sống của ta.

Trong cuộc sống của mỗi người vì những nghịch cảnh xảy ra không theo ý muốn, đôi khi, nghịch cảnh đó quá trầm trọng làm sa sút tinh thần, hao tổn khí huyết, thậm chí còn làm cho ta đi đến sự đau khổ tận cùng, không còn đủ sức để vươn dậy, mất đi lòng tin với mọi người, mất đi niềm tin với tất cả để rồi ta sống mà đắm chìm trong đau khổ, sống mà như chết.

Thắp sáng niềm tin vào ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng thắp sáng niềm tin vững chãi vào Nhân Quả để từ đó ta miên mật đặt trọn Tâm nguyện, Tâm hạnh của mình vào giữ Năm Giới, để miên mật thực hành Pháp Thiện, tăng trưởng phước báu tu tập Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn.

Tất cả mọi người chúng ta nên lưu ý, năng lượng siêu thế Từ Bi của Chư Phật khởi lên từ tình thương của Chư Phật đối với chúng sanh còn đang đau khổ. Chính vì tình thương đó mà chúng sanh là đối tượng của Chư Phật quang lâm xuống cuộc đời của mỗi người, để hóa độ cho từng người. Cũng như trong tình yêu, con cái là đối tượng của mẹ, của cha để dấn thân và hi sinh. Khi ta gần gũi với mẹ và được trưởng dưỡng, giáo dục bởi cha, mỗi một người con như chúng ta sẽ trưởng thành trong niềm tin về cuộc sống và rất hạnh phúc. Nhưng nếu ta vì một nhân duyên gì đó, không có cha hoặc không có mẹ, ta mồ côi, ta sẽ khổ, sống mất đi niềm tin, sống trong sự sợ hãi.

Thầy và các con đã từng đi từ thiện trong các trung tâm mồ côi, thấy biết bao nhiêu những đứa trẻ mồ côi khi ta vào thăm nó quấn quít, nó ôm, thương ta và khi ta rời bước đi xa, các em buồn, các em khóc, các em nhớ, như có sự níu kéo, ôm mãi vào trong hoặc giữ mãi bàn tay của Thầy. Trong các trung tâm mồ côi thiếu tình cha mẹ, cũng chẳng biết cha mẹ là ai nên các em mất đi niềm tin hoặc hiếm mới có một em nhận ra được số phận của mình và nuôi dưỡng niềm tin nơi tình thương của các Cha, các Sơ, các Sư Thầy, các Sư Cô hoặc các Mẹ bảo mẫu để sống và tồn tại.

Chúng ta nay có nhân duyên gặp được cha mẹ của mình là mười phương Chư Phật luôn tuôn tràn năng lượng siêu thế Từ Bi như mạch sữa của người mẹ cho con bú. Nếu ta siêng năng, tinh tấn tu tập thiền Thất Bảo Huyền Môn, tiếp năng lượng siêu thế Từ Bi của Phật, có nghĩa như người con có được cha mẹ gần gũi và luôn có đầy đủ sữa để nuôi dưỡng thân. Ta nhớ, cũng dòng sữa ấy nuôi thân to lớn, cũng dòng sữa ấy nuôi trí tuệ được khai mở, cũng dòng sữa đó nuôi tất cả mọi cơ phận, tế bào và kích hoạt mọi sự hoạt động trong thân của người con.

Do vậy, năng lượng siêu thế, đại Từ đại Bi là dòng sữa Cam Lồ Tịnh Thủy sẽ nuôi dưỡng tất cả những gì thuộc về con người để từ khi là thân phận con người, ta sống tròn với trách nhiệm đó, để ta thăng hoa đời sống hướng Thượng theo tinh thần của nhà Phật, để ta sống trọn vẹn với ý nghĩa là Phật tử, là con Phật, là chúng sanh có hữu duyên tiếp cận được với Phật Pháp.

Dòng sữa Cam Lồ do năng lượng siêu thế Từ Bi của Chư Phật có đủ những diệu lực vi diệu nuôi dưỡng tất cả, nuôi dưỡng phước báu để phước báu của mỗi con người làm giàu đời sống và tinh thần nơi kiếp người, làm giàu đời sống tâm linh nơi kiếp người để ta hòa quyện vào với năng lượng vi diệu đó, giúp ta thoát khỏi đau khổ của đời thường. Chính vì điều đó mà càng tu tập Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, mỗi người chúng ta lại càng gần với Chư Phật như những người con càng gần với cha mẹ, càng cảm giác được tình thương của cha mẹ bao bọc, che chở, dạy dỗ.

Tình thương đó ta càng gắn kết thì càng tiếp nhận được năng lượng siêu thế, năng lượng đó lại càng nuôi dưỡng ta, như ta càng sống gần gũi cha mẹ thì ta càng tăng niềm tin nơi cha mẹ yêu thương. Ta càng thực tập giáo lý của nhà Phật qua Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mu A Mu Sa tiếp cận với năng lượng siêu thế của Phật thì sẽ thắp sáng niềm tin của ta mạnh lên, vững chãi hơn với Phật − Pháp − Tăng, Nhân Quả. Ta sẽ hoan hỷ thực hành Năm Giới bởi ta hiểu thấu, hiểu rõ được nó. Ta không còn như một điều kiện bắt buộc: “Tôi phải giữ Năm Giới” để được cái này, được cái kia mà nó trở thành trách nhiệm, bổn phận của người con. Ví dụ như ta được cha mẹ nuôi nấng, trong lòng ta không còn nghĩ vì cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ, trưởng dưỡng ta mà ta phải nghe lời cha mẹ. Chính vì ta trải nghiệm được, cảm nhận được tình thương của cha mẹ và qua dòng sữa của mẹ nuôi dưỡng ta, qua những lời yêu thương của cha mẹ nuôi dưỡng ta, ta cảm nhận được điều đó mà ta có trách nhiệm nghe theo lời chỉ dạy của cha mẹ.

Đức Phật như người cha, Chư Phật mười phương như người cha thương yêu ta, luôn luôn ban rải năng lượng Từ Bi, siêu thế đó như dòng sữa để nuôi nấng ta. Khi ta đã thọ hưởng được luồng năng lượng đó ít nhiều vào trong thân, tâm thì cũng đã đủ nuôi dưỡng thân, tâm của ta. Thân bớt khổ, bớt đau, tâm càng ngày càng thanh tịnh, khởi lên những Chánh Niệm trong từng hơi thở của cuộc đời thì bổn phận của ta là phải nghe theo những lời chỉ dạy của Phật tức là cha mẹ mình. Lời chỉ dạy của Phật là Năm Giới của Phật ta phải giữ, Mười Điều Thiện ta phải làm. Do đó, nếu mỗi người chúng ta khi thực tập Pháp môn này sẽ thắp sáng niềm tin nơi Phật Pháp Tăng, tin sâu vào Nhân Quả, để ta như những người con có trách nhiệm thực hiện giữ Năm Giới mà Phật dạy, để làm tròn tình nghĩa cha, con, giữa Thầy và trò, để ta tin sâu vào điều đó mà hoan hỷ hành các việc thiện.

Khi ta thăm trại mồ côi, ta thấy các em ở đó thiếu sữa, thiếu đồ ăn, ta mang đồ ăn, sữa tới để hiến tặng cho các em, các em hạnh phúc, dù sữa và đồ ăn đó vừa đủ trong giây phút đó. Cũng như vậy, khi ta lãnh nhận được năng lượng siêu thế của Chư Phật đã làm tăng trưởng đời sống, thắp sáng niềm tin của ta vào Tam Bảo: Phật Pháp Tăng, vào Nhân Quả và giữ giới, hành thiện thì ta thấy những ai đó đang mồ côi trong pháp thiện, đang mồ côi, thiếu vắng ân điển, ân phúc, sự gia hộ của Chư Phật bởi dòng nghiệp thức của họ tạo nên đời sống như thế thì ta cũng phải là những người biết làm việc bố thí, đó gọi là bố thí Pháp. Mang sự hồi hướng, mang tâm hạnh của ta hướng về người đó để nguyện xin Chư Phật thương họ cũng như thương ta mà trao truyền cho họ năng lượng vi diệu, siêu thế Từ Bi để họ đón nhận được năng lượng đó, nuôi dưỡng phần Thân xác và phần Tâm của họ để họ sống trong sự an lạc. Có được, tu được, chứng ngộ được và đón nhận được thì ta đã hoan hỷ, hạnh phúc và bình an rồi nhưng không thể chỉ hoan hỷ, hạnh phúc và bình an cho riêng mình, ta đã thắp sáng được niềm tin trong cuộc đời thì ta cũng nên thắp sáng niềm tin cho những người khác.

Niềm tin của ta như ngọn đuốc, một ngọn đuốc chỉ sáng một góc nhỏ trong cuộc đời để dẫn ta đi từ tối đến sự Giác Ngộ. Nếu ta trao truyền ngọn lửa từ ngọn đuốc của ta thắp vào những ngọn đuốc khác, người người đều có ngọn đuốc và muôn ngọn đuốc đều được thắp sáng niềm tin nơi Chánh Pháp của Phật Pháp Tăng, nơi Nhân Quả và Giới hạnh, Pháp Thiện thì cả thế giới này sẽ bừng sáng để con người sống trong tỉnh thức, thấy rõ từng lộ đường mình đi qua, để hiểu rõ Nhân Quả, thấu và buông được để phát huy được tình thương tới với muôn loài chúng sanh.

Lòng tin vào Tam Bảo vốn có để ta gặp được Phật Pháp Tăng, niềm tin vào Nhân Quả đã có để tạo nhân cho ta giữ được Năm Giới, hành được Pháp Thiện, có nhân duyên với Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn và với sự tu tập như vậy, ta đã thắp sáng niềm tin vào Pháp môn này qua tin sâu vững chãi vào Nhân Quả, ba ngôi Tam Bảo, giữ Giới và hành Thiện thì nay ta càng tu, niềm tin của ta càng sáng. Khi niềm tin của ta càng sáng đời sống của ta sẽ thánh thiện hơn, sẽ hoan hỷ hơn, tốt đẹp hơn và ta không nhất thiết phải loan truyền cho người khác về Pháp môn này, nhưng mỗi một đời sống của ta hiện thực nơi gia đình, nơi xã hội sẽ được thể hiện bằng ánh sáng của Chánh Niệm, của hơi thở Chánh Niệm, của niềm tin nơi Tam Bảo, bởi Pháp Thiện và Giới hạnh ta giữ.

Tự thân của ta như một ngọn ốc đảo sáng chói cả trong một bầu trời u tối. Ánh sáng đó sẽ dẫn đường cho những người khác nhìn rõ. Trên phương tiện hiện có ngày nay, mỗi người chúng ta bấm chia sẻ những thông tin Phật Pháp trên toàn cầu có nghĩa là ta truyền lửa phát minh, lửa sáng của Hồng Ân Tam Bảo Từ Bi, năng lượng siêu thế đó tới cho mọi người.

Hồi xưa, khi gặp mặt ta mới được học, mới được truyền thọ. Ngày nay, chưa hẳn cần phải gặp mặt, cần phải tương tác giữa người với người, ta cũng có thể tương tác qua phương tiện. Diệu dụng phương tiện mà trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Đức Phật nói về Phẩm Phương Tiện, Chư Phật khéo léo sử dụng hằng hà sa nhiều phương tiện, để tất cả mọi chúng sanh, với căn cơ biệt nghiệp khác nhau, đều có thể lĩnh hội được năng lượng siêu thế Từ Bi của Phật. Phương tiện thời xưa của Đức Phật, ngày nay được hiển lộ rất rõ nơi phương tiện mà con người đang ứng dụng hằng ngày trong cuộc sống. Với phương tiện đó, mỗi một người chúng ta sẵn sàng, đã có được cơ hội thắp sáng niềm tin cho mình, niềm tin cho mọi người ở mọi nơi.

Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mật chú Mu A Mu Sa như Thầy thường nhắc nhở đó là nguồn năng lượng vi diệu, như nguồn sữa vô tận bởi tình yêu thương của mẹ trao truyền xuống cho con cái, dòng sữa đơn sơ như vậy, thuần khiết với tình yêu thương vô giới hạn, vô điều kiện đó đã nuôi dưỡng ta nên người. Tình yêu thương của Chư Phật là lòng Từ Bi vô cùng lớn và năng lượng siêu thế Từ Bi đó như mang mạch của nguồn sữa tiếp dẫn con người của ta, trưởng dưỡng con người của ta, nuôi dưỡng thân, tâm của ta trong Pháp Lạc tự tại của Phật. Và nhờ sự nuôi dưỡng đó mà mỗi người thắp sáng niềm tin sâu hơn vào Phật Pháp Tăng.

Phật là Bậc Thầy Vô Thượng, Pháp là con đường dạy dỗ ta đi đến Giác Ngộ, Tăng là sự hòa hợp không có chấp Ngã, chấp Tướng, chấp Pháp, sự hòa hợp sống trong tinh thần yêu thương, luôn san sẻ, đi trên con đường của Đức Phật chỉ dạy để đến với bờ Giác Ngộ và nhìn rõ Nhân Quả để chọn lựa nhân tốt thành quả tốt, từ bỏ nhân xấu để không tạo tác những quả xấu, để rồi vâng lời Chư Phật để giữ Giới, để ta nuôi dưỡng mình hướng Thượng hơn, trưởng thành hơn, thành tựu hơn, để ta sẵn sàng có được trí huệ, mang Tâm Từ Bi mà hành những Pháp Thiện như là sự hiểu biết, sự hiển lộ của Tâm Thiện, không có sự ràng buộc, lòng hoan hỷ làm việc đó để tăng trưởng phước báu cho mình và hồi hướng đến muôn người.      

Khi ta tu tập Pháp môn Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mu A Mu Sa, năng lượng siêu thế, Từ Bi của Phật sẽ tràn vào thân, tâm của ta, thắp sáng niềm tin thật là sâu vào ba ngôi Tam Bảo: Phật Pháp Tăng và Nhân Quả để ta hoan hỷ giữ Năm Giới, hành Pháp Thiện, không những như vậy, nó còn giúp cho mỗi người chúng ta vì một lý do gì đó mà mất đi niềm tin trong cuộc sống, có thể do thất bại trên thương trường mà mất niềm tin trong cuộc sống, có thể do thất bại nơi tình trường, đau khổ mà mất đi niềm tin giữa con người với con người, cũng có thể do một điều gì xâm hại đến thân xác mà ta không còn niềm tin, có thể xâm hại về tinh thần, tổn hại đến đời sống tâm linh, ta mất niềm tin trong cuộc sống, sợ hãi khôn cùng. Có nhiều sự thất bại trong cuộc đời, gây ra đau đớn từ thân xác đến tâm hồn, đến tinh thần, những sự đau đớn tột cùng đó sẽ làm cho ta, và đã làm cho ta mất niềm tin nơi con người, nơi các tôn giáo, nơi tất cả mọi hoàn cảnh tương tác với nhau. Ta run sợ, sợ hãi gây ra sự trầm cảm bệnh hoạn, gây mất niềm tin vào cuộc sống và vùi đầu vào trong đêm tối, sống trong sự khóc than, thổn thức của riêng mình, khó ai thấu được. Khi ai đó lâm vào tình cảnh như vậy thì mỗi người chúng ta nghĩ đến họ, thương đến họ và hồi hướng công đức đến họ và họ sẽ thắp sáng niềm tin vào cuộc đời này. Ta thắp sáng niềm tin vào cuộc đời đang đau khổ của họ, để từ đó khơi lại nguồn sống an lạc trong tự thân, gieo nhân duyên với Phật Pháp Tăng, để họ tin vào Nhân Quả. Bởi cũng do Nhân Quả của chính họ, họ bắt đầu thực hành Năm Giới, Pháp Thiện, gieo nhân duyên tu học thắp sáng niềm tin trở lại.

Mỗi người chúng ta nếu vì một sự va chạm nào trong cuộc đời mà mất đi niềm tin, niềm tin giữa bạn bè, niềm tin giữa vợ chồng, niềm tin giữa cha mẹ, ông bà, nhân quần xã hội vì sự tương tác gây khổ đau, vì sự mất đi uy tín, sự phản bội, vì sự lừa gạt, lọc lừa, tranh chấp, hận thù, ghen ghét, ghen tuông.  Tất cả những điều đó từng ngày tích lũy lại. Họ biết ta đã tha thứ và bỏ qua nhưng cứ dồn dập đối xử với ta như vậy. Ta đã không còn niềm tin với họ và đôi khi ta cũng không còn niềm tin với cuộc sống. Thì nay, ta có nhân duyên, phước báu tu tập Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mu A Mu Sa, ta đã thắp sáng niềm tin với Tam Bảo, Nhân Quả, giữ Giới và hành Thiện thì nó cũng thắp sáng niềm tin của ta vào cuộc sống, vào những người đã làm mất niềm tin của ta. Ta dần dần sẽ thắp sáng lại niềm tin với cuộc đời, tin trong Nhân Quả và nhờ Giới ta giữ, trí tuệ siêu phàm, năng lượng siêu thế của Phật sẽ như ngọn đuốc tuệ thắp sáng để ta vững chãi trên mọi nẻo đường ta đang kinh hành trong cuộc sống này.

Rất quan trọng trong ngay lúc này, trong thời này khi con người đang hoảng sợ, lo lắng chạy trốn, tự nhốt, hoặc tự ngăn chặn tới với nhau vì họ sợ lây nhiễm những điều bất thiện, bệnh hoạn thì chính là lúc ta cần phải siêng năng, tinh tấn tu tập để thắp sáng niềm tin vào Tam Bảo Phật Pháp Tăng, Nhân Quả, Giới và Thiện Pháp, để ta lưu truyền, truyền hoằng năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật. Ngồi một chỗ mà ta có thể hồi hướng đến muôn phương, muôn loài chúng sanh. Năng lượng siêu thế Từ Bi của Phật vượt qua cả không gian, thời gian, nó đến với tất cả muôn muôn loài chúng sanh đang lo lắng, sợ hãi, ngăn chặn nhau, tiếp cận nhau. Luồng năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật không ai có thể ngăn chặn được nếu mỗi một con người tự thanh tịnh thân, tâm của mình bằng giữ Năm Giới, hành Pháp Thiện, không phải đi từng nhà, từng nơi để gõ cửa nữa mà ta ngồi tại chỗ, quy hướng về Phật Pháp Tăng, tin sâu vào Nhân Quả, hành Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mu A Mu Sa là ta có thể tới mọi ngõ ngách trong cuộc đời của những chúng sanh mà mang phẩm vật vô giá là năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật để cúng dường, cống hiến, trao tặng cho muôn người. Đó là sự Thần thông Tự Tại trong lúc này, bởi ta tự tại, ta giữ được Năm Giới, tin sâu vào Tam Bảo Phật Pháp Tăng và Nhân Quả, ta hành Pháp Thiện mà ngồi tại chỗ, tự tại, an nhiên, hồi hướng công đức, tâm ta an lạc và ta nhờ sự an lạc do tiếp nhận được năng lượng siêu thế Từ Bi của Phật mà nay ta chúc lành cho muôn chúng sanh khác. Ta ngồi tại một chỗ nơi nhà của mình, nơi tư thất của mình, nơi Tâm Thanh Tịnh của mình để ta hồi hướng cho mọi người đều thắp sáng niềm tin vào cuộc sống này, đều thắp sáng niềm tin vào một ngày mai. Tất cả mọi sự khủng hoảng sẽ tan đi bởi không có một màn trời u tối mãi mãi như câu trong dân gian thường hay nói: “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Sau sự hoảng loạn của cuộc đời, ánh sáng Minh Tuệ của Chư Phật sẽ chiếu soi vào lòng người, do chính mỗi một người chúng ta khi có tu, khi đã tin vào Tam Bảo, Nhân Quả, ta giữ Năm Giới, hành Thập Thiện và ta tu tập thì nghĩa là ta luôn sống an lạc, không lo lắng, không sợ hãi, không oán trách, không than van. Ta hoan hỷ, đón nhận năng lượng siêu thế của Phật để hồi hướng, để chúc lành, để trao tới cho muôn người ở mọi nẻo đường thế gian này đang lo lắng và sợ hãi.

Hãy làm việc đó để thắp sáng niềm tin cho muôn người. Vào một ngày mai, Tà không thể thắng Chánh, ánh sáng của Tuệ Giác Như Lai bừng sáng như mặt trời, không có khối mây đen nào có thể che phủ được, có chăng cũng chỉ có thể phảng phất một giây lát, một sát na rồi phải tiêu tán ngay để nhường bước cho ánh sáng Minh Tuệ của Bậc Giác Ngộ chiếu soi vào lòng người, thắp sáng niềm tin vào Tam Bảo Phật Pháp Tăng, niềm tin vào Nhân Quả, hoan hỷ giữ Giới, thực hành Pháp Thiện, công phu tu tập Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mu A Mu Sa.     

Ta nên nhớ, trong cơn hoảng loạn, xoay cuồng làm cho rối rắm thân, tâm của từng con người. Mỗi một quốc gia, mỗi một con người dù là vô thần, có tôn giáo khác biệt, hiện nay, ngay bây giờ đều đang sợ hãi, đang rối loạn chính là lúc mỗi người chúng ta quay trở về với Pháp môn mình đang tu, quay trở về với Tâm Thanh Tịnh của chính mình, trở về với nguồn cội tâm linh, tôn giáo của riêng mình đang tin hoặc là vô thần thì cũng phải hướng lên trời cao để mỗi người chúng ta hồi hướng cho nhau, thắp sáng niềm tin.

Năng lượng siêu thế Từ Bi của Chư Phật có công năng khơi dậy niềm tin của tất cả mọi chúng sanh đang sống trong tăm tối, hoảng sợ, vô minh và đau khổ. Lúc này, con người không biết ngày mai sẽ ra sao, màn vô minh đang bao trùm cả thế giới loài người, chúng sanh đang hoảng sợ, hãy thắp đuốc của niềm tin nơi trí tuệ, nơi năng lượng siêu thế của Phật Pháp Tăng, Từ Bi của mười phương Chư Phật và ta hãy nghĩ đến những con người đang hoảng sợ trên thế gian này, ta hãy hồi hướng cho họ để họ thắp sáng lại niềm tin với ngày mai vì Tà không thể thắng Chánh, bất thiện không thể thắng được Tâm Thiện, điều Thiện.

Mỗi khi ta thấy người anh em của mình hoặc những người ta quen biết mất niềm tin vào cuộc sống hoặc mất niềm tin giữa người này với người kia, họ bị mất tất cả niềm tin, họ sống trong sợ hãi và đau khổ, ngay lúc đó, hãy trụ vào hơi thở Chánh Niệm, nghĩ về Tam Bảo thở ra bằng Mật chú Mu A Mu Sa và hồi hướng năng lượng Chánh Niệm, niềm tin đó tới cho người đó để người đó được thoát khổ, tìm lại niềm tin trong cuộc sống.

Đề mục hôm nay ta tu tập, quán chiếu trong phương pháp tu Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mật chú Mu A Mu Sa là Thắp Sáng Niềm Tin. Tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng, tin sâu vào Nhân Quả và hoan hỷ giữ Năm Giới và hạnh phúc được hành những Pháp Thiện để tiếp tục tu, hồi hướng đuốc Tuệ của Như Lai, hồi hướng năng lượng Từ Bi, siêu thế của Phật để thắp sáng niềm tin tới cho ta và cho người, những người đang hoảng hốt và sợ hãi trong thời đại ngày hôm nay.

Vấn đáp

1. Tổng hợp câu hỏi

1. Khi mình hồi hướng công đức tu tập của mình cho người khác thì mình có thể mở duyên tu tập Thất Bảo Huyền Môn cho họ không?

2. Khi ngồi tu với Thầy, con ngồi xếp bằng nhưng sao đầu gối bên phải con bị nhức?

3. Trước đây, con có thờ mẹ Quan Âm ở nhà, con hay cúng kiến hoa quả nhưng lúc đó không hiểu sâu về Nhân Qủa, con chỉ nguyện cầu những ước nguyện trong việc kinh doanh. Sau này, việc làm ăn không thuận lợi, trong lòng con khởi lên suy nghĩ là không tin vào Phật và Mẹ Quan Âm nữa vì con không làm gì hại ai, trong lòng luôn hướng Thiện muốn giúp đỡ mọi người mà lại gặp những trắc trở làm con đau khổ, bị trầm cảm trong một thời gian dài. Bây giờ, khi đã hiểu thì con sám hối nhưng vì đã nghĩ như thế, con luôn cảm thấy tội lỗi, con phải làm sao thưa Thầy?

4. Khi chạy xe, con hay nguyện cầu cho các vong linh thì con bị nhức đầu, vậy là con bị làm sao? Sau đó, khi chạy xe, con không dám nguyện nữa, có phải Tâm Từ Bi, bao dung của con còn nhỏ quá không?

5. Từ khi con tu tập với Thầy, mọi sự xung quanh con rất thuận lợi, khi có chướng ngại thì đều có người đến giúp đỡ con nhẹ nhàng vượt qua, thành ra trong Tâm con khởi lên sự ỷ lại, con nghĩ là mọi sự đều đã được sắp đặt hết rồi, mình không cần phải lo lắng gì nhiều cả. Con thấy sợ về vấn đề đó. Nếu như cứ ỷ lại như vậy thì sau này có thể sinh ra sự ngã mạn thì con phải làm sao?

2. Giải đáp

Câu 01. Khi mình hồi hướng công đức tu tập của mình cho người khác thì mình có thể mở duyên tu tập Thất Bảo Huyền Môn cho họ không?

Hồi xưa Đức Thế Tôn phải đi bộ bởi chưa có phương tiện, từ làng mạc thôn quê đến thành thị, từng con người một để gieo duyên và dạy dỗ, khai thị cho họ. Ngày nay, ta nhờ có phương tiện mà ngồi tại chỗ có thể chia sẻ, giới thiệu phương pháp này tới cho mọi người, rất tốt bởi Ý Thiện khởi lên, hành động Thiện chia sẻ trên Facebook, Zalo, YouTube, ta cũng tăng trưởng được phước báu bởi đó hạnh bố thí Pháp, ta gieo duyên cho người khác biết được Phật Pháp, để kẻ hữu duyên khi nhìn qua thực tập, lĩnh hội được điều này, đó là điều tốt.

Một phần nữa, nếu con thấy một người nào mất niềm tin vào cuộc đời mà con biết được, con cũng có thể dùng tâm nghĩ đến người đó, thực hiện Pháp môn này và hồi hướng năng lượng siêu thế của Phật tới người đó thì người đó sẽ đón nhận được sự hồi hướng này, dần dần họ sẽ tìm lại niềm tin trong cuộc đời để sống an lạc hơn.

Trong thời đại này, ta không còn nghĩ tới một cá nhân, một con người nữa mà ta nghĩ tới nhân quần xã hội, cộng đồng to lớn, nhân loại đang sống trên thế giới này. Do đó, khi ta chia sẻ những dòng Pháp thoại, sự tu tập như vầy thì tạo được phước báu vô cùng, bởi ta đang tu tập trực tiếp nhưng những người coi gián tiếp sau này trên những video này, họ cũng thực tập như Thầy trò mình, từ lúc đầu cho tới lúc cuối thì họ cũng đón nhận được năng lượng siêu thế của Phật để họ thắp sáng lại niềm tin trong cuộc đời, sống không còn trong lo âu, oán trách, sợ hãi và run sợ. Họ sống trong niềm tin vững chãi vào Tam Bảo, sống an lạc để chúc lành cho nhau, mặc dù phong ba bão tố của những con vi trùng ngoài kia (Covid−19) đang cuồn cuộn, ập vào tâm trí của họ qua các mạng xã hội.

Nếu mạng xã hội có thể lan truyền những thông tin gây sợ hãi, sao người con Phật ta không dùng những thông tin đại chúng đó để truyền trao những Pháp Thiện giữ cho lòng người được an lành. Khi tư duy điều đó, ta sẽ hoan hỷ và hãnh diện mỗi khi ta chia sẻ những thông tin này đến cho mọi người. Ta không còn sợ hãi rằng ta là người như thế này, ta là người như thế kia, nếu ta tin sâu vào Tam Bảo và có lợi lạc cho ta, ta chẳng sợ người ta nghĩ về ta như thế nào, mục đích duy nhất là ta muốn trao truyền Pháp này trong cơn hoảng loạn như kẻ rớt xuống sông đang chìm dần xuống đáy và sắp chết ngộp bởi nước, trong sự quờ quạng đắm chìm đó, ta đã quăng xuống cho họ một cái bè, một cái phao, một sợi dây. Mặc dù sức chúng ta chưa đủ để nhảy xuống bơi cứu họ, nhưng ít nhất ta cũng quăng cho họ một sợi dây mong manh nhưng vững chắc từ năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật. Cho nên, khi ta chia sẻ trên mạng truyền thông từ Facebook, Twitter, Instagram, Zalo, YouTube đó là ta đang quăng những sợi dây thật mỏng manh nhưng có diệu lực phi thường để hỗ trợ cho những người mất niềm tin vào cuộc sống ngày hôm nay tìm lại ánh sáng của niềm tin vào Tam Bảo để thoát ra và vượt qua đau khổ đó.

Câu 02. Khi ngồi tu với Thầy, con ngồi xếp bằng nhưng sao đầu gối bên phải con bị nhức?

Thầy ví dụ như vầy, bình thường con thấy nhà của con rất là sạch, rồi một hôm con đón Thầy về nhà chơi như một vị khách rồi bất chợt con thấy nhà con dơ thì con phải quét nhà, lau chùi nhà chứ con không thể đón Thầy ở nhà người khác đúng không?

Bây giờ, thân con bị đau là do Thân đau, Tâm bệnh là Tâm bệnh. Thân đau và Tâm bệnh đều do nghiệp quả của con, do nhân quả của con chứ không phải do Thầy tới mà chân con đau, nhà con dơ là nhà con dơ chứ không phải Thầy tới mà nhà con dơ khiến con phải lau chùi. Vì vậy, cái tốt là con rất vui khi đón Thầy mà con nhận ra nhà của con nó dơ, con phải lau chùi để ít nhất nhà tươm tất, sạch sẽ để đón Thầy. Khi con đồng tu với Thầy mà Thân con nó đau là khi Thầy và con ngồi xuống đồng tu, con đã nhận ra Thân của con có nghiệp quả và Thân bệnh này nó đang đau thì con phải làm cho Thân hết đau để Thầy tới, hoặc là Thầy tới sẽ làm cho Thân con hết đau là bởi Tâm Hoan Hỷ của Thầy đã tới, Tâm Hoan Hỷ của con đã tới, chính vì năng lượng con đón Thầy và năng lượng hoan hỷ của Thầy tới với con mà năng lượng siêu thế của Phật sẽ truyền vào thân, tâm của con để con hết đau, và ngay trong lúc này, chính sự hoan hỷ, hiểu biết của con và của Thầy, chân của con đã hết đau. Hết đau chưa con?

  • Dạ hết rồi Thầy ơi. 

Con thấy không, Tâm Hoan Hỷ, đang đau mà nó hết. Con nên giữ tâm thái như vậy, hoan hỷ mà nếu như nhà dơ khi mời Thầy thì dọn dẹp, đừng oán trách sao nhà dơ quá rồi quay qua chồng, quay qua con trách: “Sao tụi bậy để nhà dơ quá, Thầy sắp tới rồi”. Đừng nói vậy mà nói rằng: “Nhà tôi dơ, để đón Thầy tôi quét cho sạch” thì khi mình tu tập chân con đau: “Thầy ơi, chân con đau, Phật ơi, chân con đau nhưng bây giờ con đang tu, xin Phật ban rải năng lượng siêu thế, Từ Bi tới để con hiểu được đây là Nhân Quả, con hoan hỷ chấp nhận”. Khi con hoan hỷ chấp nhận nó, tự động nó sẽ hết đau còn con không hoan hỷ chấp nhận, con than vãn: “Trời ơi, đang tu mà đau chân quá” thì nó càng đau. Khi con đang tu với Thầy mà cảm giác chân nó đau thì con hãy: “Mu A Mu Sa, xin Phật ban rải Từ Bi, xin Thầy chứng minh con đang đồng tu mà chân đau, con hoan hỷ bởi chân đau đó là do nghiệp của con. Có thể kiếp trước con chặt chân ai, con bẻ chân chúng sanh nào đó, bây giờ nó đau, con xin thành tâm sám hối thì con hoan hỷ sám hối, nhận Nhân Quả đó, tức khắc nó sẽ tan biến ngay.”

Câu 03. Trước đây, con có thờ mẹ Quan Âm ở nhà, con hay cúng kiến hoa quả nhưng lúc đó không hiểu sâu về Nhân Qủa, con chỉ nguyện cầu những ước nguyện trong việc kinh doanh. Sau này, việc làm ăn không thuận lợi, trong lòng con khởi lên suy nghĩ là không tin vào Phật và Mẹ Quan Âm nữa vì con không làm gì hại ai, trong lòng luôn hướng Thiện muốn giúp đỡ mọi người mà lại gặp những trắc trở làm con đau khổ, bị trầm cảm trong một thời gian dài. Bây giờ, khi đã hiểu thì con sám hối nhưng vì đã nghĩ như thế, con luôn cảm thấy tội lỗi, con phải làm sao thưa Thầy?

Đức Phật dạy: “Cầu bất đắc là khổ”. “Khi chưa qua chưa phải là người, trong thói đời cười ra nước mắt”. Tại sao khi con người cầu mà không thành, người ta không nghĩ đến nhân quả của chính họ? Không những những người Phật giáo mà tất cả những người theo nhiều tôn giáo khác, họ chỉ chạy tới với Đức Chúa Trời, với Thần, Phật, Thánh, với Đấng tôn kính họ tôn thờ khi họ đau khổ để cầu xin các Đấng đó cứu khổ họ nhưng họ không hiểu vào Nhân Quả, biết do Nhân Quả nên sám hối, xin sự gia hộ, sự khai thị để vượt qua mà họ đã biến niềm tôn kính của họ, vô tình trong đau khổ biết Thần, Phật, Trời, Đất thành nô lệ cho những điều họ ước muốn rồi họ sai khiến.

Con hãy trở lại cảm giác lúc đó, con đã biến Mẹ Quan Âm như là một vị để con sai khiến. Thầy không nói con sai khiến nhưng mà ý tưởng cầu nguyện cũng như mình cầu phải phục vụ cho mình, phải ban cho mình, phải tới làm cho mình cái này, cái kia thì đồng nghĩa với việc sai khiến nhưng ý con không phải sai khiến, ý của con và của nhiều người cũng không sai khiến, điều khiển Phật và các Đấng thần linh nhưng bởi vì ta cầu mà không được thì ta bỏ. Đồng nghĩa rằng, mình đã chuyển biến những Bậc đó thành người làm việc để phục vụ cho nhu cầu riêng của mình, thay vì theo Nhân Quả, lời khai thị của Phật, ta hiểu được Nhân Quả trong lúc đó, ta sám hối và xin Mẹ Quan Âm chứng minh để gia hộ cho ta có diệu lực, năng lượng Từ Bi của Mẹ Quan Âm, dìu dắt ta nhìn rõ Nhân Quả và vượt qua để tu Thiện, giữ Giới tạo thành phước báu tăng trưởng.

Thứ nhất là ngừng nghiệp bằng Năm Giới, thứ hai là tu Pháp Thiện, hiểu được Nhân Quả, tăng trưởng phước báu chuyển nghiệp cũ để có được phước báu mà thành tựu. Con trong giai đoạn đó chỉ cầu cứu khổ mà không nhận ra lỗi để sám hối, không tu Pháp Thiện để tăng trưởng phước báu để chuyển nghiệp. Cho nên, nghiệp chưa chuyển thì không có phước báu, không có cái gọi là “hên”, hên tới cho công việc làm, hên tới để giải quyết những khúc mắc trong cuộc đời mà từ đó con nản chí, buồn phiền, tránh xa hoặc có những suy nghĩ không tốt.

Ngày nay, con nhận ra rồi, con đã tạo ra phước báu để chuyển hóa cuộc sống thêm an lạc mỗi ngày. Dĩ nhiên, phận làm con người khi nghĩ tới điều đó ta vẫn cảm thấy có lỗi, nghiệp đó vẫn còn, ta càng phải sám hối để chuyển hóa nó, ngừng tạo nghiệp bằng giữ Năm Giới, sám hối, chuyển nghiệp và tu Pháp môn này thì con sẽ có được năng lượng vi diệu của Phật, dần dần chuyển hóa được tất cả những nghiệp trong thời gian đó con đã tạo ra.

Câu 04. Khi chạy xe, con hay nguyện cầu cho các vong linh thì con bị nhức đầu, vậy là con bị làm sao? Sau đó, khi chạy xe, con không dám nguyện nữa, có phải Tâm Từ Bi, bao dung của con còn nhỏ qúa không?

Có một anh chàng nhậu dữ lắm, anh ta đi tới chùa, cứ thích đi tới chùa vì chùa hay cúng kiến đồ ăn mà kẻ nhậu thích tới chùa lấy đồ ăn để nhậu dù là đồ chay. Trước khi tới chùa anh ta nhậu nên tới chùa anh ta đã say và trong cơn say anh ta vẫn nhận ra anh ta say nên anh ta buồn lắm, anh ta hỏi: “Cứ tới chùa là bị say à?” nhưng anh ta không nhận ra rằng anh ta uống rượu mới say.

Như con nói, con chạy ngoài đường trưa nắng, con cũng bị say, đó là say nắng nên con không thể nói rằng khi con hồi hướng cho tâm linh, nghĩ về Tam Bảo con bị như vậy mà con phải nói con trước khi hồi hướng, lúc đang hồi hướng con đang say nắng nên say nắng đó ảnh hưởng tới não bộ, thần kinh, con nhức đầu. Người tin vào Nhân Quả hiểu rằng: “À, cái nhân của tôi là trưa quá nắng mà không đội nón cho đầy đủ nên tôi bị say nắng nhức đầu, thôi tôi ngồi vào bóng mát hoặc tôi cố gắng làm xong việc này đi thì tôi sẽ không nhức đầu, nhanh nhanh đi về” nhưng con lại nghĩ về hai, ba chuyện cùng lúc và con cứ ở ngoài nắng như vậy nên con nhức đầu thêm. Cái nắng đó làm con nhức đầu nên nhân đó là nắng, nhân đó không phải là vong linh, nhân đó không phải là do con tu tập hồi hướng. Tâm hồi hướng cho các vong linh, hít thở đều đặn trì Mật chú Mu A Mu Sa là năng lượng siêu thế của Phật giúp cho con. Nhưng dù có năng lượng của Phật đi nữa thì con dãi nắng dầm mưa thì nắng mưa kia cũng làm con bị đau đớn, khi hiểu được nhân đó mình mới: “À, thôi cố gắng đội nón cho nhiều, cho tốt vô, mặc quần áo đừng để ánh nắng ảnh hưởng đến thân”. Nên khi cơn bệnh, cái đau của con người, ta phải nhớ cái đau đó của Tứ Đại do thời thiết, không khí tạo ra thì ta hiểu được, còn không vô tình ta đổ thừa rằng: “Do tôi nghĩ về Phật, do tôi tụng Kinh này, tôi tu cái kia, tôi hồi hướng cho vong linh chưa đủ lực nên nhức đầu”.

Cũng như ông kia không thể thay đổi thực tế rằng ông say không phải vì Phật mà vì ông uống rượu, cũng như con say là vì con đi giữa nắng nên khi nhớ được như vậy, con cố gắng con tu tập, khi công phu của con miên mật, hơi thở đều đặn hơn, con hít vào, thở ra thành một thói quen rồi thì con có đi giữa trưa nắng đi nữa, chính vì con hít thở thật đều mà hơi thở đó mang đầy đủ Oxy nuôi dưỡng, nó đưa lên não bộ, thần kinh con tiếp xúc với hơi thở đầy đủ Oxy đó làm cho não bộ của con khỏe và cái nắng kia dù nắng cỡ nào đi nữa thì não bộ đầy đủ Oxy cũng giúp cho thần kinh được vững chãi, không bị nhức đầu.

Lần sau, nếu con tập thì con cũng phải hít sâu phình bụng thở ra từ từ tạo thành hơi thở tự nhiên của mình. Bây giờ, còn cưỡng ép mỗi khi ngồi tu tập con mới hít vô, phình bụng, thở ra từ từ nhưng con thực tập nhiều, con quen rồi thì hơi thở đó sẽ trở thành hơi thở thuần túy, quen thuộc tự nhiên của thân. Như Thầy bây giờ, lúc nào cũng hít sâu phình bụng, thở ra hóp bụng nó thành thói quen rồi thì con cố gắng công phu, sau này nó thành thói quen rồi, nó đầy đủ thì con đi nắng sẽ không bị nhức đầu nữa. Cái nhức đầu này không phải do vong linh mà bởi vì say nắng, mà bởi vì con tập chưa có đầy đủ nguồn năng lượng vô người nên cái nắng này vẫn mạnh hơn làm con nhức đầu. Nếu con tập đầy đủ hơn, năng lượng của Phật mạnh hơn thì năng lượng của nắng này sẽ không làm con nhức đầu.

Câu 05. Từ khi con tu tập với Thầy, mọi sự xung quanh con rất thuận lợi, khi có chướng ngại thì đều có người đến giúp đỡ con nhẹ nhàng vượt qua, thành ra trong Tâm con khởi lên sự ỷ lại, con nghĩ là mọi sự đều đã được sắp đặt hết rồi, mình không cần phải lo lắng gì nhiều cả. Con thấy sợ về vấn đề đó. Nếu như cứ ỷ lại như vậy thì sau này có thể sinh ra sự ngã mạn thì con phải làm sao?

Có những người viết lên Facebook, trên mạng là: “Số của mình có trời mặc định rồi cho nên cứ sống an nhiên, tự tại”, tức là số mệnh trời đất đã an bài như vậy mình cứ sống an nhiên tự tại, cái gì cũng sẽ có Trời lo. Câu đó là câu của dân gian nói, câu đó đúng nhưng phải hiểu đúng. Để sống an nhiên, tự tại con phải hành Thiện, Tâm vô quái ngại, phải hành Thiện mới tự tại được, người đã sống tự tại tức là người đã hiểu Đạo và thực hành được Đạo mới tự tại, còn người không hành được Đạo, Tâm có tự tại không? Thế nên, ông Trời ở đây tức là luật Nhân Quả, nếu con tu có đầy đủ phước báu thì phước báu đó tự chuyển hóa và mặc định cho cuộc đời của con hưởng được phước báu đó để chuyển hóa những bất thiện nghiệp từ kiếp trước hoặc kiếp này trổ quả nhưng quả này nhỏ hơn phước báu con có tại tiền nên phước báu nó chuyển hóa nên có quý nhân, tức là có những điều may mắn, may mắn là do phước báu tới, Thiện thì tạo thành Phước, Bất Thiện thì tạo ra Họa.

Chính vì công phu tu tập của con hành Thiện nay tạo thành một số phước báu mà phước báu đó có thể ứng hóa để con có được phước báu của Nhân Thiên, phù hợp để sử dụng trong cuộc sống. Khi con gặp tình trạng như ngày hôm nay, cái gì cũng có quý nhân, cái gì cũng có người tới giúp, đừng ỷ lại mà mình hãy tri ân công đức của mười phương Chư Phật và các vị Thầy đã hướng dẫn các con tu để kiến lập được phước báu nay tạo được quả Thiện mà hưởng, con nghĩ như vậy nó tốt hơn, đó là nghĩ hướng Thượng, còn con nghĩ: “Thôi, ông Trời mặc định hết rồi, số mệnh do Trời rồi”, con thả trôi với những tư tưởng đó thì con sẽ tổn phước mà khi phước hết rồi, con sẽ đau khổ dữ lắm. Người tu nên nhận biết là ta có phước báu, ta tri ân mười phương Chư Phật dạy cho ta, tri ân các Bậc Thầy đã dạy cho ta mà tạo ra phước báu đó. Lòng tri ân đó giúp ta gắn kết với Pháp môn mà ta đã học, gắn kết mật thiết hơn với các vị Thầy, với Chư Phật để ta tiếp tục trên con đường tu học như một vị hành giả đang tu các Pháp Thiện. Lòng tri ân rất quan trọng. Lúc đó, mình tri ân và tiếp tục tu học.

Thực hành

Các con quy hướng về ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng

Niệm 21 biến Mật chú Mu A Mu Sa để tiếp thu năng lượng đại Từ đại Bi, năng lượng siêu thế, Phật điển thanh tịnh từ mười phương Chư Phật vào thân xác và thân, tâm này.

Phát nguyện:

Chúng con nguyện Chư Phật mười phương rải năng lượng đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh để chúng con thắp sáng niềm tin, tin sâu vào Tam Bảo và Nhân Quả.

Trì chú:

Mu A Mu Sa. (21 biến)

Hồi hướng:

Chúng con nguyện Chư Phật mười phương rải năng lượng đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh, chúng con cũng hồi hướng công đức này tới tất cả mọi người để thắp sáng niềm tin vào cuộc sống.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts