Search

4112. Hạnh Phúc Không Cần Phải Chờ Đợi

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Dạ con kính bạch Thầy ạ!

Dạ Bảo Thành xin kính chào gia đình Phạm Gia Nutrition, anh Hổ, anh Sơn, cô MC khả ái cùng toàn bộ gia đình của mình đang hiện diện trên phòng zoom này. Bảo Thành hạnh phúc và rất hạnh phúc được gặp nhau lại một lần nữa trong buổi cuối tháng này, để san sẻ những giá trị sống đích thực trong cuộc đời của mình. Trước khi chúng ta chia sẻ mình hãy cùng nhau ưu đãi cho mình 30 giây trở về trong sự tĩnh lặng, lắng nghe cảm thức của mình, lắng nghe cảm xúc của mình, lắng nghe suy nghĩ của mình. Hít vào và thở ra chậm rãi, vững chãi trong 30 giây nha các bạn, để chúng ta trở về với chính nội tâm của mình và tiếp hiện năng lượng vi diệu của trời đất với với chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu!

Cám ơn quý ông bà anh chị em, cám ơn tất cả các bạn đã cho mình và cho cộng đồng Phạm Gia Nutrition trên zoom này có cơ hội gắn kết, lan tỏa năng lượng vi diệu của chánh niệm hơi thở. Dù chỉ 30 giây thôi nhưng có sự cộng hưởng lan tỏa của nhau, nhất định 30 giây đó sẽ tồn tại thật lâu trong tâm thức của mỗi người chúng ta. Hồi chiều nay Bảo Thành có nói chuyện với một người quen và người đó nhắc tới hai chữ quen thuộc với người Việt của chúng ta, đó là hai chữ cam chịu. Hình như sự cam chịu của con người đã được truyền dạy lại cho muôn thế hệ, khi phải đương đầu với những sự khắc nghiệt xảy ra dưới mọi hình thức, hiện tượng trong cuộc đời. Không biết từ đâu mà chúng ta luôn phải chịu, cam chịu, cam chịu, cam chịu cho tới chết. Đau khổ cũng cam chịu, ôm giữ ở trong lòng, buồn tủi cũng cam chịu, bị hắt hủi cũng cam chịu. Hình như chúng ta đã vô tình biến mình thành nô lệ cho những cảm xúc tồi tệ nhất bằng hai chữ cam chịu.

Chắc chắn mỗi người chúng ta cũng từng cam chịu những uất ức, những đau khổ, những phiền não, những oái oăm, những sự vu khống, hàm oan, chê bai, giễu cợt, khinh thường của người ngoài, cũng như người thân của chúng ta. Các bạn có khi nào cam chịu không? Có và chúng ta thấy rằng sự cam chịu đó hình như ngày hôm nay thế giới phát triển về tâm linh học, tâm lý học, người ta đã nhận ra sự cam chịu là tích lũy và đầu tư sự đau khổ dài hạn. Nó như một khối ung thư trong lòng của mỗi một người, chúng ta cứ cam chịu đấy. Hôm nay chúng ta nói hạnh phúc không cần phải chờ đợi và hạnh phúc không thể có được trong sự cam chịu những đau khổ mà ta đang trực diện đâu. Có một người có thể gọi là tri kỷ, có một người có thể gọi là bạn thân, có một người có thể gọi là thầy tùy theo bạn muốn gọi như thế nào. Vị ấy luôn luôn sẵn sàng đồng hành với chúng ta và dạy cho chúng ta thấy rằng thế giới này luôn luôn có hai điều xảy ra như ban ngày và ban đêm, đau khổ và hạnh phúc luôn luôn có mặt. Vì đó là ai? Chính là Đức Phật. Bạn muốn gọi Ngài sao cũng được.

Nhưng nếu bạn thật tâm muốn học hỏi để không cần phải chờ hàng ngàn năm, hàng trăm năm, hàng mấy chục năm để có được hạnh phúc. Mà bí kiếp đó là hạnh phúc ngay bên lề những khổ đau mà chúng ta đương đầu mỗi một ngày. Hạnh phúc luôn có mặt trong chúng ta, chỉ có điều chúng ta quá quan tâm đến sự phiền não và đau khổ, rồi dần dần không bao giờ công nhận hạnh phúc có mặt trong cuộc đời của mình. Từ đó mà hạnh phúc thiếu vắng, để cho đau khổ và phiền não luôn luôn ám ảnh, hiện diện, bao phủ toàn diện cuộc đời của mình. Phật dạy như vầy khi đau khổ là chúng ta đã đón nhận giặc ở bên ngoài vào để tàn phá tâm thức của chúng ta. Hạnh phúc luôn luôn hiện diện trong cuộc đời, chỉ cần nhận ra rằng đau khổ là khách không mời, chỉ ghé ngang qua rồi sẽ đi thôi, còn hạnh phúc chính là sự hiện hữu vốn có trong chúng ta. Do đó đừng chờ đợi hạnh phúc, đừng cam chịu số phận. Cần phải đứng dậy như Phật dạy té ở chỗ nào, dù đau đớn tới đâu mỗi người chúng ta cũng phải vịn ngay chỗ đó đứng dậy. Để tiếp hiện, để tiếp nhận, để tiếp cận với nguồn hạnh phúc đang hiện hữu trong cuộc đời. Đau khổ chỉ là khách, còn hạnh phúc là điều tất yếu có trong mỗi một con người.

Do đó các bạn đừng bao giờ nói với mình và đừng bao giờ nói với ai hãy chờ đợi một mai chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Hạnh phúc không chờ vào ngày mai, không chờ vào một điều gì, mà chúng ta cần phải làm để tạo ra hạnh phúc. Bởi hạnh phúc luôn có mặt và hiện hữu trong cuộc đời của chúng ta, chỉ cần chúng ta quay trở về bên trong, tiếp nhận, tiếp hiện và đón nhận thì hạnh phúc liền hiện diện ngay lập tức. Đó là điều tất yếu, không phải đây là một cách nói như một liệu trình tâm lý để an ủi nhưng là sự thực. Bởi chính Đức Phật đã thực tập và Ngài đã tiếp hiện được hạnh phúc, đặc biệt trong bài giảng đầu tiên Đức Phật dạy, Đức Phật dạy về cái khổ “Tứ Thánh Đế” đó các bạn. Nguyên nhân tạo khổ, hạnh phúc và phương pháp tạo ra hạnh phúc. Trong suốt 45 năm trời Đức Phật nói ta là người chỉ rõ sự khổ cho chúng sanh và chỉ cho chúng sanh nhận diện ra cái diệt tức là hạnh phúc đấy, diệt là hạnh phúc. Chỉ rõ sự khổ để nhận ra hạnh phúc vốn có trong chúng ta. 45 năm trời Đức Phật chỉ dạy như vậy, Ngài không dạy lễ bái.

Các bạn đọc kinh đi, toàn bộ kinh thời xưa Đức Phật còn ghi chép lại không một lần Đức Phật dạy lễ bái, cầu kinh, cúng kiến. Mà Ngài chỉ dạy cho chúng ta nhận ra cái khổ là không thật và tiếp hiện hạnh phúc vốn có trong mình. Để ngay cuộc đời này chúng ta sống an lạc và hạnh phúc, không cam chịu những cái khổ dằn vặt mình suốt chiều dài của cuộc sống, để chờ một mai hoặc may mắn đủ phước ông trời bay từ trên xuống cứu chúng ta, đưa về cảnh giới hạnh phúc hoặc một vị Phật, một vị Bồ Tát, một vị thần linh. Đạo Phật và con đường của Đức Phật dạy là con đường chân chính rõ ràng, hiểu thấu và nhận được kết quả hữu dụng ngay bây giờ, chỉ trong khoảng khắc 30 giây. Không nhất thiết phải kéo dài buổi tập cho thật dài, nhưng thực tập được 30 giây với chánh niệm thực sự để tiếp hiện cảm thức hạnh phúc của chính mình trong đời này, bạn đã là người luôn luôn tỉnh thức đấy. Đừng để cho đau khổ gây ra u mê và phiền não kéo dài, rồi nghe ai đó khoát lên mình, đè nặng trên vai hai chữ cam chịu suốt cuộc đời.

Đức Phật là người bạn thân, là tri kỷ, là Thầy, là người chỉ cho chúng ta thấy rõ cái khổ và thấy rõ nguồn hạnh phúc của chúng ta. Qua sự thấy rõ đó mà chúng ta tự tin hơn để phát triển một nền đạo đức, có sự hành trì thực tập để gom góp đau khổ, đốt nó đi bằng sự tỉnh thức và trãi rộng niềm an vui, an lạc bằng hơi thở của chánh niệm. Chỉ đơn giản vậy thôi các bạn ơi, rất đơn giản, đơn giản đến mức nó rất bình thường vì ai cũng thực tập được. Nhưng nó cao siêu đến mức phi thường, bởi ai thực hiện được sự tầm thường này, sự bình thường này sẽ đạt được sự phi thường trong đời sống. Nghĩa là không cần phải cam chịu đau khổ nữa, mà mở rộng tâm mình để tiếp hiện nguồn hạnh phúc vốn có trong mỗi người chúng ta.

Dù có nói trong suốt 45 năm trời Đức Phật cũng chỉ nói đến hai điều thật rõ là chỉ rõ cái khổ cho chúng sanh và chỉ cho chúng sanh làm sao tiếp cận được an lạc và hạnh phúc. Các bạn hãy nên nhớ thật rõ Phật không dạy cúng kính, Phật không dạy lễ bái, Phật không dạy những giáo lý, giáo điều. Mà Phật dạy cho chúng ta phương pháp nhận diện ra khổ và chuyển hóa những nguyên nhân tạo khổ, để tiếp cận với hạnh phúc trong cuộc đời. Do vậy con đường của Đức Phật dạy không nằm ở màn che con mắt của mình bằng sắc tướng, màu sắc của tôn giáo, mà là gì? Là đôi bàn tay biết mở ra màn che đó, vén màn che đó ra để nhìn thấy thế giới rộng lớn, chan hòa hạnh phúc và an lạc đang hiện hữu trong chúng ta. Đừng chấp nhận sự cam chịu để chuốc khổ vào cuộc đời, dày vò chính mình, làm cho muôn người yêu thương chúng ta phải phiền lụy. Hãy đứng dậy thật vững qua chánh niệm của hơi thở, tiếp cận, tiếp hiện, tiếp nhận năng lượng từ ái, sự an lạc và hạnh phúc vốn có trong chúng ta chỉ qua hơi thở chánh niệm mà thôi.

Có bình thường không các bạn? Trên đời này ai không biết thở vì không thở là chết, nhưng thở làm sao để hạnh phúc, thở làm sao để hết khổ. Thì chỉ có một phương pháp duy nhất mà Đức Phật dạy trong 45 năm trời khi còn tại thế, đó là thở trong chánh niệm. Hít vào thở ra thấy biết rõ ràng, ghi nhận rõ ràng, tánh biết trong hơi thở rất màu nhiệm, có năng lượng vi diệu, có sức mạnh phá tan vô minh. Chánh niệm hơi thở cũng là chìa khóa mở kho tàng hạnh phúc để cho chúng ta tận hưởng ngay bây giờ. Đức Phật dạy ở đâu có đau khổ ở đó có hạnh phúc, chỉ cần bạn đừng chú tâm đến đau khổ mà nương vào chánh niệm hơi thở, để ghi nhận hạnh phúc đang tàn hình trong vỏ bọc của khổ đau, mà đang hiện diện trong tâm thức của các bạn. Hãy lột cái vỏ đau khổ kia ra, nhân ở bên trong đó chính là hạnh phúc và an lạc. Chiêu thức vi diệu để có thể lột được vỏ đau khổ, mà tiếp cận đến an lạc và hạnh phúc đó chính là hơi thở của chánh niệm. Rất bình thường nhưng không tầm thường, rất bình thường nhưng vô cùng thi thường.

Các bạn, đó là 45 năm trời Đức Phật dạy, hôm nay chia sẻ với các bạn Bảo Thành muốn nhắc đi nhắc lại, hạnh phúc không cần phải chờ đợi, nhưng hạnh phúc chỉ cần mở rộng lòng nhìn cho rõ, tiếp hiện, tiếp nhận và tiếp cận. Thì chúng ta dù muôn sự xảy ra có gọi là đau khổ tới đâu, nguồn hạnh phúc vô biên kia cũng chuyển hóa hết. Để chúng ta ngay bây giờ tại đây, trên kiếp đời ngắn ngủi mong manh dễ vỡ, dễ mất của cõi giới vô thường này, Bảo Thành và các bạn luôn luôn hạnh phúc và an lạc. Dù cho muôn nghịch cảnh, muôn sự thử thách, muôn điều không như ý xảy ra ta vẫn vững chãi và bình an từng khoảng khắc của cuộc đời này. Đó là sự chia sẻ của Bảo Thanh và bây giờ chúng ta cùng san sẻ với nhau đi, ngắn gọn thôi. Chắc có lẽ thật bình thường nhưng dễ hiểu phải không quý ông bà, anh chị em. Cũng như mọi ngày chúng ta gặp nhau là để chia sẻ những giá trị kinh nghiệm sống rất thực tế, ứng dụng những điều Đức Phật dạy để chúng ta không lầm lẫn vào con đường cầu xin van lạy. Mà trở thành một con người tự chủ được cuộc sống, thành một con người vén màng bí mật, đập tan vô minh, lột hẳn sự đau khổ bao trùm chung quanh cuộc đời của mình, để tận hưởng giây phút hạnh phúc mà ta đang sống này. Rồi chị MC ơi, Bảo Thành chia sẻ như vậy thôi. Quý ông bà cô bác ơi, nghe rồi mình góp ý cho nhau để cùng nghe nha, rồi bây giờ Bảo Thành lắng nghe mọi người.

Dạ con rất là biết ơn thầy ạ! Cả nhà ơi hãy cùng Hà thả thật nhiều trái tim trên màn hình, để gửi lời biết ơn đến Thiền sư của chúng ta đã có một bài chia sẻ vô cùng là giá trị đúng không ạ. Hạnh phúc không cần phải chờ đợi như Thầy đã chia sẻ, hạnh phúc chỉ cần chúng ta mở rộng tấm lòng, mở rộng tầm nhìn của chúng ta để chúng ta cảm nhận được bằng phương pháp nhận diện ra cái khổ, bằng  phương pháp là chánh niệm hơi thở đúng không ạ. Thật sự ra ngày hôm nay rất là tuyệt vời, đối với bản thân của con thì con cũng nhận được rất là nhiều giá trị, là hạnh phúc không đến từ sự cầu nguyện và van lạy một cách vô minh. Như trước đây đúng với bản thân của con thì khi mà mình chưa biết đến Phật pháp, chưa biết đến những chân lý của Đức Phật, thì vẫn đang còn mê muội và vô minh. Để tin những lời mà cầu xin và bái lạy để cho mình có được cái này, được cái kia do lòng tham của mình, lòng sân của mình và lòng si của mình.

Ngày hôm nay được Thầy chia sẻ thì con rất là biết ơn đến Thầy. Tuy là rất là ngắn nhưng mà đã xâu chuỗi được gốc rễ của vấn đề trong cuộc sống, làm sao mà để chúng ta hạnh phúc. Chúng ta không cần phải chờ đợi, nó ngay ở chúng ta cảm nhận được và nhìn nhận nó như thế nào để đón nhận. Cho dù những điều mà bất như ý hay là những điều như ý đến, thì chúng ta luôn luôn có thể đón nhận, thì chắc chắn là hạnh phúc cũng chỉ là ở đây thôi đúng không ạ. Vâng ạ một lần nữa thay mặt phòng zoom và bản thân con, gửi lời rất là biết ơn đến Thầy ạ và bây giờ là thời lượng của chương trình để chúng ta cùng nhau tương tác với Thiền Sư. Thì kính mong quý cô bác và anh chị, có những chia sẻ hay những cảm nhận của mình như thế nào trong cuộc sống hàng ngày, thì có thể giơ cánh tay vàng lên để chúng ta có thể tương tác cùng với Thầy. Bởi vì có những bài học của cô bác anh chị, cũng là một bài học mà em nghĩ rằng cả phòng zoom được học thêm từ các cô bác anh chị. Thì có một câu nói là nhận rồi thì chúng ta lại cho đi đúng không ạ. Chúng ta nhận được rất là nhiều giá trị rồi thì bây giờ là đến lúc là cho đi, bằng cách chúng ta có những câu hỏi, những lời góp ý và những cảm nhận chia sẻ, thì chúng ta có thể giơ cánh tay vàng lên để có thể tương tác được với Thiền Sư của chúng ta. Vâng ạ, em thấy trong phòng zoom có cánh tay của chị Phạm Thị Quế. Ban tổ chức đã hỗ trợ mic cho chị Quế rồi đấy ạ, chị có thể mở lên giúp em được không ạ?

Con kính chào Thầy, con kính chào mọi người và kính chào mọi người trong phòng zoom. Hôm nay con được nghe bài giảng của Thầy lần thứ hai, lần trước thì con nghe bài giảng bát chánh đạo con cũng đã thấy thấm thía. Bây giờ con nghĩ con đi chùa con không có cầu xin gì hết, mà con chỉ nương vào bát chánh đạo của con để đi chùa. Thế nhưng mà con cũng nghe nhiều Thầy chia sẻ là nương nhờ vào hơi thở ra và hơi thở vào để tìm thấy hạnh phúc của mình. Con thực tập thì con thấy nó chả đâu vào đâu cả, con chưa nhìn thấy hạnh phúc mà khi thở ra thở vô. Hôm nay con muốn Thầy cho con biết rõ là sự an lạc và hạnh phúc nó sâu hơn một tí, để con hiểu được rõ và con thực hành. Để cho con thấy được hạnh phúc ngay tự tại và hạnh phúc của những lúc khổ đau, thì con nương nhờ vào hơi thở. Phần thứ hai nữa là con cũng là người theo tông phái niệm Phật để vãng sanh tịnh độ, thì con cũng nhờ Thầy giải thích cho con, khi mà nương nhờ vào hơi thở như vậy ngồi tĩnh lặng để nương nhờ hơi thở, vậy thì mình có niệm Phật được không ạ. Con cầu xin thầy giải thích cho con ạ, con kính Bạch Thầy ạ!

Dạ thưa cô Quế chúng ta đau khổ là bởi vì suy nghĩ khởi lên quá nhiều, hết chuyện từ đông qua tây, chạy vòng vòng suốt cả cuộc đời nên mình đau khổ. Đức Phật nói cả cuộc đời chỉ cho mình thấy được cái khổ, vậy khi cô khổ cô có thấy được cái khổ của cô là nguyên nhân gì không? Chúng ta rất khó thấy phải không, cho nên hơi thở chánh niệm, nương vào hơi thở chánh niệm để tâm của mình được tịnh, nhìn thấu được điều đang gây khổ cho chúng ta. Khi nhìn thấu được nguyên nhân gây khổ là hạnh phúc nó tràn ra thôi.

Có một câu chuyện như vầy là thực tế, có một anh kia cũng mới chia sẻ buổi chiều nay thôi. Anh ấy đau khổ dữ lắm, phiền não dữ lắm vì công ăn việc làm nó cứ chênh vênh, nó không có thành công mỹ mãn như điều mình mong muốn. Bên cạnh đó cũng có một người làm ăn như anh ấy buôn bán lại tấp nập đầy đủ. Anh mà đau khổ kia đó buôn bán không được, đầu tư một số tiền lớn rồi nhưng khi tìm hiểu thì chính nơi anh ta thuê để buôn bán đó là nơi không có tốt, vì ở đó có một người treo cổ chết và hai người tự tự chết đó tổng cộng ba người. Anh ta đầu tư vô mà anh không có biết thông tin đó và đồng tiền đầu tư quá nhiều, nay mới phát hiện ra thì dĩ nhiên dân vùng đó mà mình buôn bán thì người địa phương tới ăn uống thôi. Những tin đồn và những hình ảnh đó ám ảnh người khách tới ngồi ăn uống trong tiệm đó, rồi người ta không có tới, tới sơ là người ta bỏ đi. Nhưng anh đó lại tiếc tiền đầu tư, cô thấy coi cái khổ nó như vậy. Đầu tư vô mà đầu tư không đúng chỗ bởi vì thiếu thông tin, cho nên khi đầu tư vô cuối cùng phát hiện nơi chốn đó không thuận, vì người ta sợ buôn bán không được.

Bảo Thành nói có dám buông không? Buông một lần đau nhưng vẫn còn sức để vực lại. Bởi đồng tiền mất mà còn có sức khỏe, còn có trí tuệ. Ta có thể kiếm ra tiền bằng trí tuệ và sức khỏe của mình. Thay vì cứ tiếc đồng tiền đó và ôm giữ nó thì hao mòn sức khỏe, phiền não và đau khổ. Hình như anh ấy đã nhận ra thông điệp đó, vì cô biết không, trước khi để giải cái khổ đó, anh ta chạy ngược chạy xuôi mọi nơi để tìm những phương pháp tâm linh về phong thủy, về tâm linh, về đủ thứ để chuyển hóa. Nhưng làm sao được vì người đời nghe đến tin dữ đó mấy ai dám ngồi ở chỗ đó mà ăn đúng không? Chỉ cần buông và làm lại. Cái khổ trong cuộc đời là chúng ta vẫn hối tiếc, vẫn nuối tiếc khi đầu tư quá nhiều thời gian vào hoặc tâm tư vào, tình cảm vào, tiền bạc vào một cái gì đó và cuối cùng nó xảy ra không như ý. Nhưng ta không dám buông để làm lại, thì cứ ôm ấp mãi thôi. Để cái khổ đó nó cứ trọn vẹn nằm ở giữa sự suy nghĩ của mình, dày vò mình. Cho nên chánh niệm hơi thở mà Đức Phật dạy là giúp cho chúng ta có được chánh kiến, để nhìn rõ cái khổ đang dằn vặt mình, nhìn rõ nguyên nhân. Đôi khi người trong cuộc không nhìn rõ nhưng có đầy đủ sự phước báu, may mắn gặp được một ai đó gợi ý, thấu hiểu, liền ngộ ra. Nhưng điều đó là chúng ta phải chủ động tìm gặp tới với ai có nhân duyên để giúp chúng ta hiểu thấu.

Có một vị Thầy cao cả hơn mà không cần phải hỏi đó là chánh niệm hơi thở. Khi nương vào hơi thở của chánh niệm ta có chánh kiến trong sự chánh tư duy, nhất định ta sẽ nhìn thấu được cái khổ để từ đó dám buông, nhìn thấu để buông, nhìn thấu để xả. Cho nên chánh niệm hơi thở giúp ta có sự bình tĩnh, có sự đàm tĩnh, có sự tịch tĩnh và có được sự suy nghĩ sáng suốt, nhận ra điều gì đang gây khổ để đưa tới một sự quyết định tốt đẹp hơn, thay đổi vận số và số mệnh của mình. Cho nên cô cứ chỉ cần hít vào thở ra, nếu cô thấy cái khổ nó hiện ra cô cứ hít vào thở ra, nhận diện nó, nhìn cho rõ nó, ghi nhận rõ và cứ thực tập như vậy. Thì cô có được sức mạnh nhìn thấu, nhìn xuyên suốt cái khổ và tìm ra được nguyên nhân. Khi cô nhìn thấu được cái khổ, tìm ra được nguyên nhân tức khắc hạnh phúc nó sẽ tới mà không cần phải đầu tư tìm vào hạnh phúc, chỉ cần nhìn thấu cái khổ mà thôi. Đức Phật dạy như vậy và Ngài đã hành trì, Ngài đã thành công. Cho nên khi ngồi cô đừng tìm hạnh phúc, nếu cô tìm hạnh phúc hạnh phúc không bao giờ có, vì khi cô tìm hạnh phúc là cô đã trốn tránh đau khổ của mình, đã không nhìn đau khổ của mình.

Phật dạy trong 45 năm trời để chúng sanh nhìn thấu được cái khổ. Cho nên chánh niệm hơi thở là nhìn thấu cái khổ, mà khi nhìn thấu được cái khổ hạnh phúc tức thì sẽ hiện ra. Cô đừng truy tìm hạnh phúc nha cô, lần sau thử đi cô sẽ hạnh phúc ngay thôi, cứ nhìn rõ đau khổ đó thôi. Còn trong Tịnh độ tông, thưa cô là bởi vì chúng ta đa niệm, chúng ta phan duyên, niệm niệm của muôn sự quá khứ và những điều chưa tới trong tương lai nó phủ khắp như mây đen trên đầu. Mình nương vào hồng danh của Đức A Di Đà Phật, Ngài – A Di Đà Phật có nghĩa là vô lượng quang, nương vào hồng danh của đấng vô lượng quang tức là đầy tràn ánh sáng chiếu vào trong tâm thức, để thấy rõ hiện tượng đang xảy ra. Cho nên trong chánh niệm hơi thở cô có thể hít vào thật sâu, nghe hơi thở và đọc thật đơn giản Nam Mô A Di Đà Phật, lục tự chân ngôn hoặc đọc bốn chữ A Di Đà Phật. Nương vào hơi thở niệm Phật, nhất tâm niệm Phật để trở thành nhất niệm, bao nhiêu niệm nó rơi rụng hết chỉ còn nhất niệm. Một niệm duy nhất là hít vào phình bụng, thở ra A Di Đà Phật, nghe cho rõ âm thanh đó, nhìn cho rõ hơi thở đó.

Nếu cô quen niệm sáu chữ lục độ chân ngôn là Nam Mô A Di Đà Phật thì cô hít vô thật sâu và cô niệm Nam Mô A Di Đà Phật, thở hết, hít vào biết hít vào, thở ra niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Biết niệm như vậy thì tâm cô sẽ có được chánh niệm tỉnh giác và cô có khả năng nhìn thấu mọi đau khổ, vì A Di Đà Phật –  Đức Phật A Di Đà Ngài chính là vô lượng quang, niệm hồng danh của Ngài ta có được ánh sáng của trí tuệ nhìn thấu cái khổ của mình. Thưa cô chánh niệm hơi thở vẫn có thể ứng dụng hồng danh của đức A Di Đà Phật và niệm một cách rất chậm, đừng cố gắng niệm để đếm số cho nó nhiều nha cô. Ngày nay tiếp thị người ta nói rằng niệm 100 biến, 1000 biến mà đọc Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật không có hay. Bởi một niệm nhẹ nhàng thanh thoát thôi, trong Kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật dạy một niệm thôi mà lòng tin của mình có, sự thanh tịnh có, một niệm đó đã gặp được Đức A Di Đà Phật. Có nghĩa là gặp được sự an lạc và hạnh phúc rồi thưa cô Quế. Cô có nghe rõ không thưa cô?

Dạ con nghe rõ ạ! Dạ hôm nay con được hiểu thêm nữa khi về cái nương hơi thở để niệm Phật nữa ạ. Con cảm ơn Thầy rất là nhiều ạ!

Dạ thưa cô mình nhớ rằng chất lượng nha cô, số lượng không quan trọng đâu, đừng đọc một cái sâu chuỗi 108 biến, đọc như xe lửa chạy rình rình như vậy không có quan trọng. Hít vào chậm rãi rồi niệm Phật từ từ, như vậy mà cái chất nó rất là tốt thưa cô, cám ơn câu hỏi!

Dạ con cảm ơn Thầy ạ, dạ con kính bạch thầy ạ!

Dạ Mô Phật thưa cô!

Con rất là cảm ơn thầy ạ, rất là cảm ơn câu hỏi của cô Quế ạ và câu hỏi của cô cũng là những điều rất là thắc mắc trong phòng zoom của chúng ta. Một lần nữa rất là cám ơn cô, con chúc cô có chánh niệm hơi thở của mình và tập trung vào những cái giống như thầy đã chia sẻ, thì chúng ta phải biết cách thực tập và cũng đừng có dính mắc vào nó. Mình hãy quan sát và nhận diện nó và để đó và chúng ta không có dính mắc vào nó. Đức Phật thì phải mất 45 năm đúng không ạ thì mới tìm ra ra được cái sự an lạc và hạnh phúc. Vậy thì bây giờ một ngày như Thầy đã chia sẻ thì chúng ta cũng cần 5 phút thôi và việc hành thiền này nó là hít vào thở ra, nó là cả một hành trình chứ không phải là đích đến đúng không ạ. Cho nên chúng ta cứ thực tập hàng ngày, hàng ngày, cứ cảm nhận và an lạc vào nó thì tin chắc rằng cô Quế sẽ có ngày nhận được sự an lạc và hạnh phúc rất là nhanh ạ! Vâng ạ rất là cám ơn cô Quế rất là nhiều!

Cám ơn ban tổ chức ạ.

Dạ vâng ạ trên phòng zoom thì em thấy không còn cánh tay nào, cô bác anh chị ơi hãy tranh thủ đi ạ. Rất là tuyệt vời khi chúng ta càng có những câu hỏi cần chia sẻ, thì không những bản thân nhận nhiều giá trị mà tất cả cộng đồng của chúng ta đều được, nhất là trong phòng zoom của chúng ta 112 điểm cầu cũng nhận được rất là nhiều giá trị từ cô bác anh chị. Vậy thì chúng ta hãy mạnh dạn lên ạ, bởi vì ở đây thì Hà nghĩ rằng là giống như đang ở nhà thôi ạ. Thầy đã ngồi đây, Thầy đã cống hiến cho giá trị tuyệt vời như thế này đến với tất cả chúng con rồi, thì nghĩ rằng không có gì mà phải ngại ngùng đâu ạ. Chúng ta có một câu hỏi nào, thắc mắc nào từ mục đích để biết được những phương pháp để chúng ta thực hiện như thế nào cho nó đúng, để làm sao thực hiện để chúng ta không mất thời gian được không ạ. Chúng ta đừng có ngại ngùng, cho nên là cô bác anh chị tranh thủ, tận dụng đi ạ. Cũng có rất là nhiều những lời biết ơn cô cùng đến Thầy à, biết ơn rất là nhiều. Còn nếu mà không có câu hỏi nào thì chúng ta lại tiếp tục có những cảm nhận và Hà có thể là mời cô bác anh chị chia sẻ cảm nhận ngày hôm nay. Thì nghe bài giảng của Thầy thì chúng ta sẽ nhận được những giá trị gì, thì cũng có thể chúng ta được không ạ. Ở đây hình như là em thấy chị Thùy, chị Minh Thùy ơi, ngày hôm nay em thấy chị Minh Thùy rồi, chị Minh Thùy có thể bật mic lên để chia sẻ cùng với cả phòng zoom và với Thầy được không ạ?

Vâng ạ cảm ơn MC Lê Hà ưu ái cho Thùy ạ. Cả nhà nghe rõ Thùy nói không ạ? Chắc là hôm nay trời đẹp hơn hôm trước là tự nhiên nghe rõ quá. Con chào thầy Thích Bảo Thành!

Dạ chào cô Thùy!

Dạ vâng ạ, con là Thùy ở Quảng Bình ạ. Hôm nay con thực ra cũng đang trong vừa lúc nghe Thầy thì cũng có có tin nhắn một chút ạ. Thì con cũng là người mà trải qua rất là nhiều thăm trầm trong cuộc sống, cho nên con rất là thấm những điều mà thầy chia sẻ. Đặc biệt thì con là một huấn luyện viên sức khỏe, nhưng mà con cảm nhận là con cần phải gia tăng giá trị nhiều hơn, để có thể giúp cho những người khách hàng mình nhiều hơn. Cho nên khi con cảm nhận là con có những nỗi đau gì mà con gặp những khách hàng của con, họ có những nỗi đau giống như con thì con muốn chữa lành cho con và con giúp những người mà họ chạm đến cuộc đời con, họ cũng ít nhiều được chữa lành. Tất nhiên là không phải ở góc độ giống như Thầy chia sẻ, nhưng mà những gì con tiếp thu được, con lĩnh hội được và con chia sẻ lại, thì rất là nhiều người cũng đã ghi nhận. Thật sự con rất là biết ơn hạt giống nhân duyên của con đủ đầy để con có thể lĩnh hội được và truyền lại được những điều mình hiểu, để giúp những người đến với mình có sự bình an hơn giống như thầy chia sẻ ạ. Con rất là vui bởi vì là hôm nay Lê Hà cho con có cơ hội chia sẻ với cả nhà mình ạ và cảm ơn cả nhà đã lắng nghe Thùy ạ!

Dạ Bảo Thành suy nghĩ, rất biết ơn anh Hổ và anh Sơn đã tạo điều kiện cho Bảo Thành có được một đại gia đình thật lớn trong gia đình Phạm Gia Nutrition, cứ vào cuối tháng lại gặp nhau, đặc biệt là cô MC khả ái xinh xắn. Chúng ta nhớ rằng cuộc đời này mình cần phải biết chăm sóc cho đời sống của mình, đời sống về sức khỏe, thể chất, đời sống về tinh thần và đời sống về tâm linh. Nếu như mình không chăm sóc mình, thì trên đời này còn ai có thể chăm sóc cho mình được. Mình tới đây và mình gần với nhau để san sẻ những kinh nghiệm, để mỗi người phải tự giác đứng dậy chăm sóc cho mình. Vì khi chăm sóc sức khỏe cho mình là mình mang niềm vui san sẻ tới cho những người yêu thương mình, như ông bà cha mẹ hoặc vợ chồng con cái đúng không. Cho nên Đức Phật dạy cho chúng ta biết chăm sóc cho bản thân, hạnh phúc có thật và chỉ cần nhìn xuyên qua cái khổ, hạnh phúc nó hiện hình ngay thôi. Chỉ cần nhìn cái khổ đó như một huyệt đạo thật lớn, mình phong bế nó lại bằng cách nhìn thấu nó, thì huyệt mạch hạnh phúc nó lưu thông.

Bảo Thành hạnh phúc lắm và biết ơn anh Hổ, anh Sơn, biết ơn cô MC và biết ơn tất cả quý ông bà anh chị em, cho Bảo Thành có cơ hội là một thành viên trong gia đình lớn để chia sẻ. Chúng ta không giảng cho nhau nghe để vỗ tay khen hay, mà chúng ta san sẻ giá trị đích thực như cô MC nói để mang vào ứng dụng và thực hành. Để không vỗ tay khen người ta nói hay mà nhận được giá trị, giá trị đó mang về nhà mình thực tập và mình có trải nghiệm tốt, rồi mình san sẻ. Như chị Thùy dù ở Quảng Bình nhưng mình tập rồi mình chia sẻ cho những người ở trong vùng miền đó hoặc trong vùng miền mình có thể tiếp cận được trên Facebook, trên YouTube trên những phòng zoom. Phương tiện ngày nay rộng lớn chúng ta có thể gặp nhau trên màn hình một cách rất là dễ dàng, xin biết ơn chị. Dạ xin biết ơn tất cả!

Cám ơn Thầy, cám ơn Lê Hà!

Rất là cám ơn chị đã chia sẻ cảm nhận để cho Hà và cho tất cả mọi người nghe. Em nghĩ là những sự chia sẻ của chị là một bài học mà bản thân em và rất là nhiều cô bác anh chị nhận được từ giá trị của chị, một lần nữa rất là cám ơn chị Minh Thùy ạ. Tiếp theo em sẽ mời thêm một hai điểm cầu nữa để chúng ta chia sẻ cảm nhận được không ạ. Em thấy có điểm cầu của chị Đào Thị Hiền, chị Hiền ơi chị có thể chia sẻ cảm nhận trong buổi zoom ngày hôm nay không ạ? Em có thể mời điểm cầu nào nữa không ạ. Các anh chị có thể giơ tay cho em được không, bởi vì đôi khi mời nhưng mà nó không trúng thì nó cũng rất là kỳ quá đúng không ạ!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts