Search

4100. Tự Lực Chuyển Nghiệp

Tuệ Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý thầy quý sư cô và tất cả các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi tam bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con luôn tinh tấn tu học, hành trì Mật Thiền chánh pháp hơi thở để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống một đời tỉnh thức, hành trì các pháp thiện, hiểu thấu Vô thường, Khổ và Vô ngã. Chúng con cũng nguyện cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, và những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền và đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Chúng con cũng đồng nguyện cho đệ tử Bảo Duy mau hồi phục sức khoẻ và tất cả các đệ tử mọi người đang lâm bệnh đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc. Nguyện cho thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Hãy trở về với hơi thở. Hít vào và thở ra chậm rãi. Hít vào ta phình bụng, thở ra ta hóp bụng. Cảm nhận thật rõ và ghi biết thật rõ mọi cảm xúc của thân, mọi suy nghĩ khởi lên. Và hãy để tự nhiên hoà nhập vào trong hơi thở, đưa tâm vào tánh biết. Quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác và Thiện Lành qua các mật ngôn Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Ma Sa Ốp Uê, Sa Bi Mô U. Chúng ta hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, phình bụng ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn tiếp hiện năng lượng hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U(7 lần)

Các bạn đồng tu, Đức Phật dạy cho chúng ta một điều rất rõ ràng: những chuyện xảy ra cho mình đều tự mình gây tạo ra. Chuyện có xấu xa tới đâu, tồi tệ tới đâu cũng do mình đó, không phải ở người ta đâu, không phải ở người ngoài đâu. Chẳng phải ai mang tới. Và chuyện hạnh phúc, chuyện vui, cái chuyện sung sướng cũng do mình tạo, đều do mình hết. Và bên cạnh đó có cái sự cộng hưởng chung của cộng đồng, của người thân, của xã hội, của muôn loài. Đức thế tôn dạy cho chúng ta một phương pháp và không phải Ngài chế tạo ra để cho hàng đệ tử là chúng ta đó lệ thuộc vào Ngài, cầu cạnh nơi Ngài. Và Ngài cũng chẳng nâng tầm của Ngài lên cao để ta quỳ lạy van xin như một kẻ đầy tớ thiếu thốn mọi thứ chạy tới Phật để van nài. Từ xưa cho tới giờ, tất cả các tôn giáo đều truyền dạy cái tư tưởng rằng con người yếu đuối và tội lỗi, nhất định chẳng thể thành công để có được sự an vui hạnh phúc đâu. Và chết đi đau khổ lắm. Chữ “chết đi đau khổ” và sống thì không hạnh phúc, phiền não, nó ám ảnh chúng ta và họ lại mớm cho chúng ta rằng: không sao không sao, chỉ quỳ lạy van xin cái đấng ở trên cao, trời, Phật, Thượng đế, thần linh là xong.

Đức Phật giác ngộ nhìn thấy hình như điều đó không ổn, có điều gì đã sai. Bởi Ngài giác ngộ và nhìn thật rõ mọi sự ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta đều do ta tạo ra, Ngài thấu hiểu được cái luật nhân quả và sự chi phối của nó trong cuộc đời này. Ngài đã đi thật gần với mọi chúng sanh trong mọi thời đại, mang cái sự hiểu biết đó, cái trí tuệ đó dạy dỗ một cách rất tận tình và hướng dẫn cho chúng ta thực tập cho đúng để chuyển hoá những cái tai ương, những cái đau khổ, phiền não thành sự phúc báu, may mắn, hạnh phúc, an vui. Ngài không dạy cho chúng ta lệ thuộc vào Ngài đâu. Ngài là bậc thầy như một người bạn thật thân với chúng ta. Ngài dạy kèm cho chúng ta từng ly từng chút để thoát khổ. Cái cần là mỗi người phải tự lực học hỏi theo Ngài, phải tự lực mài dùi kinh sử, lời giáo huấn của Ngài để hiểu cho thấu và thực hành cho được thì nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ vui, sẽ sướng và hạnh phúc vô cùng. Bởi lúc ấy ta biết rằng: à, hoá ra Đức Phật dạy cho chúng ta thay đổi được vận mệnh của chính mình, vì hiểu thấu vận mệnh do chính ta nắm giữ trong lòng bàn tay, xấu tốt đều do ta tạo. Đây là điều tuyệt vời, nếu suy nghĩ cho kỹ chúng ta hạnh phúc. Nếu cái khổ, cái đau tới với mình, mình hiểu ngay đây là ta tạo ra. Bên cạnh đó, ta liền nhận thức rằng: Nếu ta khổ phiền não thì ta có khả năng thay đổi hành vi, lời nói, suy nghĩ để chuyển cái khổ, cái phiền não đó thành hạnh phúc và sung sướng. Tự lực tự cường, không lệ thuộc, không làm nô lê cho bất cứ một ai. Phật tới với đời của chúng ta, hiện thân là một người bạn thân, một quý nhân. Ngài rất hiền, từ tâm, dễ thương, dễ gần và lời của Ngài dễ nghe, cách dạy của Ngài dễ học. Nghiệp, có nghiệp xấu và nghiệp tốt, tạo ra cái lực gọi là nghiệp lực, thì sự tự lực, chủ lực hướng tâm hành trì các pháp thiện nhất định sẽ chuyển được mọi nghiệp lực trong cuộc đời nếu xấu. Đây là mấu chốt của người học Phật. Đừng nghĩ ta học Phật, ta tụng kinh ngày đêm để mong cái sự thương xót của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, các bậc giác ngộ, rồi các vị đó thương xót cứu vớt cho chúng ta. Mà chúng ta hãy nói đơn thuần hơn là chúng ta đọc kinh tức là đọc lời Phật dạy cách chuyển hóa nghiệp lực xấu thành nghiệp lực tốt. Người Phật tử tại gia mông lung biến hóa trong những ảo giác mong cầu quá nhiều, chẳng chịu đọc lời Phật dạy như một công thức ứng dụng, nhưng tụng lời Phật như một lời cầu mong sự thương xót. Vậy nên, bao nhiêu lâu nay, chúng ta học Phật như vậy, phước báu không tăng trưởng nhiều và phiền não vẫn còn.

Hôm nay mình nhắc nhở nhau đi để nhớ rằng tự lực chủ động mang lời Phật hướng dẫn khi đọc cho kỹ thực hành được đó thì ta sẽ chuyển được nghiệp lực xấu của mình. Không có khó đâu. Chủ Nhật vừa rồi, Bảo Thành tổ chức Lễ Hội Nhớ Ơn Mẹ tại chùa, quý sư cô, quý thầy và một số vị Phật tử ở xa về, mỗi người đều biếtlàm những cái món ăn khác biệt tùy theo cái vùng miền mà mấy vị đó tới. Có một người mẹ khả ái từ Florida xuống dưới này. Mẹ biết cách nấu đậu hũ đường thì nhìn sao nó dễ quá, rất dễ. Xay đậu nành ra, chắt lấy nước, đổ vô nồi nấu và khuấy nhẹ cho đặc lại thành đậu hũ đường ăn ngon và mát, đặc biệt trong mùa hè. Và trong lễ hội, mẹ ấy đã hy sinh đứng ở cái nơi thật nóng, nấu đậu hũ đường tới đâu là mọi người ăn hết tới đó. Vui quá! Rồi lại có một sư bà ở Vũng Tàu tới biết làm mắm tương đó. Ôi mới đầu ngửi sao mà nó thơm, thơm cả chùa đứng đâu cũng ngửi thấy, nhìn công thức sao nó dễ quá và thực hành được. Bảo Thành và quý sư cô trẻ đứng gần đó nhìn học thực hành. Thế thì Bảo Thành biết nấu và các công thức đó ghi nhận thật rõ. Nói như thế để thấy Đức Phật như người mẹ kia, Đức Phật như sư bà kia, Ngài tới với chúng ta, chỉ cần chúng ta chủ động tự lực đứng bên cạnh Ngài, nhìn Ngài hướng dẫn cách nấu đậu hũ đường để hương vị ngọt mát trong mùa hè. Đậu hũ đường của Phật dễ lắm, chỉ mang hơi thở vào lồng ngực, đi xuống dưới đan điền, trong Chánh niệm ghi nhận thật rõ và thở ra nhẹ nhàng hóp bụng vào, đón nhận tình yêu thương. Có thế thôi là tình yêu thương đó lan tỏa đến mười phương, ngọt còn hơn đậu hũ đường, mát còn hơn đậu hũ đường. Chẳng thể nói rằng mùa hè nóng ăn vào hết đâu, mà ở trong địa ngục nóng rát tới đâu thì đậu hũ đường của Chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm từ bi đều dập tắt lửa trong địa ngục tâm thức và làm tươi mát mọi chúng sanh, trong đó có ta.

Các bạn thấy không? Bảo Thành học nấu đậu hũ đường bởi đứng gần và chủ động, chủ tâm, đó gọi là tự lực. Và tha lực chính là cái kiến thức của người đã hiểu thấu, biết thật rõ chỉ cho mình. Ta có thể nói tự lực chủ động học hỏi, hành trì Mật Thiền Chánh niệm hơi thở sẽ đón nhận được tha lực có nghĩa là sự hướng dẫn của Phật qua kinh điển, qua các lời chia sẻ của các bậc đi trước. Như mẹ ở Florida đã đi trước cũng học của ông bà người thân thôi nay truyền lại cho quý thầy quý sư cô học được.

Và cũng như sư bà biết làm mắm tương, ăn thật là ngon. Nấu mắm ôi thơm quá, ăn mà thấy thèm, thấy ngây ngất tâm hồn, nhẹ nhàng thân xác dù tích cực dựng lều chõng cho ngày lễ. Cuộc đời nếu bạn có mệt mỏi, có đau khổ, có té sấp mặt xuống không thể đứng dậy, tô bún mắm của Đức Phật cũng có thể làm cho bạn khỏe đấy hết mệt. Bún mắm của Đức Phật đơn giản ở chỗ hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, quán chiếu Trí Tuệ, nhận rõ Vô thường, chỉ có thế. Công thức rất đơn giản thôi, bạn không còn mệt mỏi trong cuộc sống. Dù ở đời này bao nhiêu chuyện đẩy đưa vùi dập ta té sấp ngửa trong cái đỏ đen, thành-bại, khen-chê, tốt-xấu, được-có của cuộc đời, ta vẫn đứng lại và ta trở lại mạnh mẽ hơn, lợi hại hơn xưa. Vì sao? Vì bên ta có Phật, bên ta có bậc thầy của trời người, bên ta có một đấng vĩ đại vô cùng luôn luôn yêu thương gần gũi. Do đó, cái tự lực để chuyển nghiệp là tự lực hành trì tu tập, chứ không phải tự lực tới chùa cúng kiếng van xin, dìm mình xuống như một kẻ đầy tớ tội lỗi để mong rằng sự thương xót của bề trên mà thay đổi số phận. Mà cái tự lực phải là lắng nghe lời của Phật, giáo lý của Phật, phương pháp hành thiền của Phật, tu tập của Phật để biết rằng muôn sự ở đời này đều có thể chuyển hóa được bởi đều do ta tạo ra. Đứng dậy làm chủ cuộc đời, đó là điều Phật khuyên bảo dạy dỗ chúng ta. Phật muốn chúng ta tự chủ tự lập, chứ không phải lệ thuộc. Bạn ơi, sao mình lại biến thành tôi tớ lệ thuộc để phục dịch cho tâm tham, sân, si? Sao không đứng dậy như một vị minh vương sáng suốt nhìn rõ nhìn thấy để thay đổi vận mệnh, thừa hưởng sự an lạc hạnh phúc trong cuộc đời?

Tự lực chuyển nghiệp bằng cách hành trì chánh niệm hơi thở thật dễ. Dễ còn hơn nấu đậu hũ đường, dễ còn hơn nấu mắm tương để làm bún mắm, dễ vô cùng. Bảo Thành đã học và thành công hoan hỷ. Các bạn đã thực hành và đã nếm thử hương vị của sự tự lực hành trì Mật Thiền, các bạn hoan hỷ. Vậy chỉ ngửi thấy hương vị của đậu hũ đường, của tương đã thích thì phải học, học thì phải hành, hành sẽ thành công, sẽ có hương vị đó để thưởng thức. Các bạn đã nhận ra cái giá trị của sự tự lực chuyển nghiệp của mình từ phương pháp Mật Thiền Chánh niệm hơi thở thì các bạn ơi hãy cố gắng, phải cố gắng, đừng giải đãi, đừng lười biếng. Người xưa nói muốn ăn mò vào bếp, Làm đi, ngồi đó mà hóng. Chúng ta đã lớn và được mẹ giáo dưỡng ,dạy dỗ đủ mọi thể loại yêu thích, đói bụng vào bếp nấu ăn. Chúng ta đã trưởng thành bởi ta đi qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc đời rồi. Nay đã gặp được mẹ hiền là đức bổn sư, đã gặp được bậc thầy là đức bổn sư dạy dỗ cho chúng ta chi li, chi tiết để chuyển hóa được nghiệp. Vậy thì Bảo Thành cùng các bạn chúng ta cố gắng tu tập cho rõ bằng sự tự lực hành trì Mật Thiền Chánh niệm hơi thở, biết, ghi nhận thật rõ cái năng lượng tình thương vô bờ trong chúng ta, sự sáng suốt vốn còn trong ta, sự tỉnh thức vẫn hiện diện trong ta và ta vẫn còn khả năng làm các việc thiện lành. Bấy nhiêu thôi đủ để chuyển hóa tất cả mọi nghiệp chướng đang hiện diện trong cuộc đời, mọi nghiệp chướng sẽ đến với chúng ta.

Xin mọi người hãy trở về với hơi thở Chánh niệm. Thưa Phật, xin gia trì cho con luôn tự lực hành trì Mật Thiền Chánh pháp, quán chiếu trong Chánh niệm của hơi thở về tâm Từ Bi, về Trí Tuệ, về sự Tỉnh Giác và các Pháp thiện.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn:

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 lần)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn