Search

4089. Ngọn Đèn Trước Gió

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập             

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buồi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hôm nay trong ngày đồng tu, chúng con nguyện hồi hướng công đức và xin chư Phật gia trì cho bạn đồng tu Trương Phú Vĩnh, 58 tuổi, pháp danh Bảo Phúc đang lâm bệnh, đón nhận năng lượng gia trì của chư Phật để bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu nhân quả, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện lành, quán chiếu thấy rõ vạn pháp Vô Thường, Khổ và Vô Ngã, xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải và lòng bàn tay trái, hãy trở về với hơi thở của chánh niệm. Quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, tiếp hiện năng lượng và hồi hướng cho muôn loài.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa và hồi hướng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật, các bạn đồng tu thân mến, mỗi một ngày để tồn tại trong cuộc sống này từng giây phút ta luôn thở, ngừng thở là chết. Dần dần ta thấy sống mà có chi phải lo, hơi thở là tất yếu của sự sống, thở để sống. Đức Phật dạy cho chúng ta không hẳn thở để sống mà thở để hết khổ, thở để hết phiền não, thở để chuyển nghiệp và thở trong chánh niệm từng bước đạt đến sự giác ngộ thoát luân hồi. Thói thường ở đời hơi thở quá dư, khinh thường chẳng chú tâm. Đức Phật nhìn vào đời sống của con người chìm đắm trong khổ đau, nhận thấy hơi thở phung phí trong muôn điều tìm tòi phục vụ cho cuộc sống, cho kiếp người. Người ta cứ nghĩ rằng đời này sẽ dài mãi, mà nào ngờ ai biết được ngày mai ngắn hơn, phút sau, giây sau ta còn hay mất.

Các bạn, đời người thật ngắn ngủi. Ngày hôm qua chúng ta nghe được tin một người em trong bạn đồng tu của chúng ta có người thân tuổi vừa 30 đã mất. Nhìn qua sự ra đi của người quen một câu hỏi được đặt ra, ai trong chúng ta có thể biết trước được ngày sau ra sao? Ai trong chúng ta có thể biết được lúc nào sẽ chết? Hãy dùng từ chết cho nó rõ đừng mập mờ, đã sinh ra là phải chết, lẽ tự nhiên là như thế. Nhưng cái chết tới với người hoặc nếu tới với ta, ta rất sợ. Các bạn có khi nào nhìn lại một chút, quán chiếu để thấy rằng sự sống của các bạn dài được bao lâu? Bạn có khả năng giữ mãi tuổi đời hay không? Mạng người mong manh như đèn treo trước gió. Hôm nay chúng ta đồng tâm hồi hướng cho một bạn đồng tu đang lâm bệnh trên giường mổ, sinh lão bệnh tử vần xoay đây đó mà ai cũng có dịp để trải nghiệm. Nhưng mấy ai tư duy sâu sắc để từ đó biết thở để hết khổ, biết thở để hết phiền não, biết thở trong chánh niệm để chuyển nghiệp, thoát luân hồi đâu. Chuyện rất thường nhưng vi diệu vì thế ta coi thường.

Tháng này là tháng Vu Lan, trên toàn thế giới các nước Phật giáo Đại Thừa đều nhớ về các đấng bậc sinh thành, cha mẹ, các Ngài đã sinh ra chúng ta. Đèn treo ở trước gió không sợ bằng nếu như chúng ta là kẻ bất hiếu. Bất hiếu là đáng sợ nhất, kẻ vô ơn, bất hiếu, phận làm con đó đày đọa suốt đời trong ngục tối u minh, đau khổ, hết phước. Điều đáng sợ thứ hai là chúng ta không bao giờ biết chăm sóc cho sức khỏe. Hiếu đạo thì chẳng sợ, hắt hủi cha mẹ, sức khỏe thì phung phí, bào mòn tuổi đời, vắt kiệt sức lực, kiếm được đồng tiền cho sung sướng để rồi khi bệnh hoạn lại mang tiền đó trả hết cho bác sĩ. Đời người như đèn treo trước gió một cơn gió thoảng là xong thôi “Mẹ già như chuối chín cây, gió đưa mẹ rụng”. Vậy thế mà khi mẹ, khi cha lớn tuổi rồi lòng hiếu thảo của ta cũng như đâu đó tìm chẳng thấy. Còn sức khỏe kia chẳng bao giờ biết chăm sóc, cứ hẹn lần, hẹn lần, đợi đi đến lúc đó, đến lúc ấy báo hiếu cha mẹ, đến lúc này, lúc kia rồi bắt đầu làm những việc tốt chăm sóc sức khỏe.

Cái gió của cuộc đời về sinh mạng nếu tới là phải đi, có chi đâu mà sợ. Sanh và diệt là lẽ thường, thành trụ hoại diệt là lẽ thường, thế nhưng ai cũng sợ, sợ cái đó mà lại không sợ sự hiện hữu đang xảy ra trong từng giây phút của cuộc đời. Gió sinh mạng thổi qua mất rồi, nhưng gió chướng của cuộc đời mỗi ngày thổi qua trong từng giây phút tương tác của cuộc sống, đã giết chết chúng ta liên tục mà ta không hay. Nhà Phật gọi là tâm mà bất tịnh như đèn treo trước gió, mà tâm bất tịnh như treo trước tám ngọn gió chướng. Tám luồng gió chướng đi song song với nhau như một cặp ở trong cuộc đời này làm cho chúng ta điên đảo khổ sở, làm cho chúng ta loạn tâm bất thường. Đó là khen – chê, Phật ví sự khen và chê như hai luồng gió xoay vần trong từng giây phút khi tương tác trong cuộc đời, nghiệm lại ta mới thấy sâu sắc. Không phải người Phật tử tại gia mà ngay cả người xuất gia, cặp gió chướng của khen chê làm điên đảo từng giây phút. Người ta khen thì điên đảo mất thế đứng, người ta chê thì cũng điên đảo, suy sụp.

Chắc chắn các bạn đã từng nghe tiếng khen của người ta tâng bốc và cũng từng bị đoạ đày bởi lời chê của người khác, xì xầm, xì xầm nhè nhẹ vậy đó. Mà luồng gió đó cuốn hút ta vào trong những cảm xúc phiền muộn. Hãy lắng đọng tâm hồn một chút các bạn, lắng nghe trong tâm thức đi, bạn sẽ có được sự cảm nghiệm thật rõ mình đã từng trải qua hai cơn gió này, cuốn hút vào trong những cảm xúc sầu đau, lời khen và tiếng chê. Gió này mới sợ, đèn tâm treo trước gió này mới đáng sợ, bởi nếu chết thì có gì để sợ bởi đó là hiển nhiên. Nhưng tạo ra điên cuồng và tạo ra nghiệp mới đáng sợ, vì sự chết khi tạo nghiệp sẽ đời đời vùi lấp trong vô mình. Bạn có khi nào bị chê, bạn có khi nào được khen không? Có!

Cặp gió thứ hai là tốt – xấu. Ở đời ta lựa cái tốt, ta chê cái xấu, khổ lắm, khổ lắm. Rồi thành – bại, rồi vui – buồn, thành và bại, vui và buồn, tốt và xấu, khen và chê là 4 cặp gió chướng mà ai ai cũng phải đương đầu mỗi một ngày. Chết chẳng đáng sợ, bệnh chẳng đáng sợ bởi là lẽ tự nhiên, nhưng trong sự khen – chê, thành – bại, vui – buồn, tốt – xấu kia nó là chướng ngại trong cuộc đời mà nếu tâm được huân tu, được luyện thì tám chướng ngại đó trở thành tám con rồng không phải hắc phong, không phải là gió đen, gió chướng cuốn hút ta vào trong đau khổ, mà là tám rồng đưa ta nên cõi trời thanh tịnh. Tâm được làm chủ mọi chướng ngại biến thành phương tiện vi diệu. Tâm được làm chủ mọi chuyện được cho là treo trước gió, mạng đời mong manh kia sẽ có được từng khắc nhiệm màu trong tâm thanh tịnh. Hơi thở chánh niệm rất quan trọng trong đời sống của ai đó có nhân duyên gặp được Phật – Pháp – Tăng.

Chánh niệm tỉnh giác là mấu chốt trên con đường tu không thể coi thường được đâu. Chánh niệm tỉnh giác để ta cần mẫn tinh tấn, mang nước từ bi tưới tẩm vào cuộc sống, chăm sóc cho chính mình, chăm sóc đời sống tâm linh, đời sống tinh thần, đời sống thể chất. Lấy cái nhìn sáng suốt để nhận biết đúng sai, tốt xấu, khen chê, thành bại và sống trong sự tỉnh thức để hành trì các pháp thiện, tám rồng gió chướng chẳng còn ngại ngùng nữa mà như con thuyền được lướt sóng tới bờ. Cuộc sống này lời Phật dạy không phải để chúng ta chạy trốn những chướng ngại, mà chánh niệm hơi thở, phương pháp tu luyện của mật thiền giúp cho chúng ta có sự tỉnh giác, có sự trong sáng, có tâm yêu thương rộng lớn và có cái nhìn thiện ác phân minh, bỏ ác hành thiện. Bốn pháp quán chiếu này đẩy lùi mọi sự sợ hãi trong cuộc đời, dù sống trong một giây một khắc mà tạo ra phước, ra công đức, hiểu được nhân quả, còn sống cả ngàn đời mà tối tăm chẳng biết gì.

Bạn có nghĩ như thế hay không? Chắc có lẽ ít, bận rộn quá mà, nào là phải ăn học cho thành tài, lấy vợ, lấy chồng, lăn xã, vùi đầu lo cho con cái, công ăn việc làm, gia đình. Chuyện đó dĩ nhiên, nhưng nếu chúng ta khéo thì trong sự bận rộn của đời thường ta sẽ không bị điên đảo và đời thường kia mọi chuyện xảy ra sẽ là viên kim cương thật sáng để cắt đứt mọi phiền ưu, đưa ta ngồi lên chỗ vững chãi của tâm thanh tịnh, mà tận hưởng năng lượng yêu thương luôn sáng luôn sáng, luôn tỉnh luôn tỉnh và luôn biết bỏ ác hành thiện. Tâm Từ bi, sự sáng suốt, sự tỉnh thức và biết hành thiện là bốn viên minh châu, kim cương vô giá của đời người. Bốn viên kim cương này đủ khả năng và sức mạnh để tiêu diệt và chuyển hóa bốn luồng gió chướng, từng cặp một tạo thành tám cơn cuồng phong hắc ám che mờ lý trí và vùi dập ta trong luân hồi sanh tử.

Bạn đang tu và Bảo Thành cũng đang tu cùng với các bạn, lấy chánh niệm làm đầu, lấy hơi thở làm gốc, lấy tâm quán làm đèn để soi dẫn mình vượt qua vô mình. Mỗi người trong chúng ta ý thức được điều đó sẽ tinh tấn lắm, sẽ siêng năng lắm và bất cứ một chuyện gì xảy ra trong đời tâm vẫn luôn luôn an lạc và hạnh phúc, tâm vẫn luôn luôn vững chãi và an yên, nụ cười vẫn tươi ở trên môi, ánh mắt vẫn sáng như mặt trời. Các bạn, hơi thở chánh niệm rất bình thường nhưng vi diệu, thở thì ai cũng thở để sống, nhưng thở để hết phiền não, thở để hết đau khổ, thở để không phải chỉ sống mà là thở trong chánh niệm để thoát luân hồi sanh tử, là sự thở của người tu luyện. Đức Phật dạy cho chúng ta thở trong sự tu luyện để làm chủ tâm. Bạn có hơi thở, Bảo Thành có hơi thở, nhưng thở làm sao đây? Hãy học mật thiền cho miên mật, tu cho đúng, hơi thở đó sẽ đi sâu vào bên trong tẩy rửa mọi ô uế trong cõi lòng, mà nhiều kiếp qua chúng ta đã tạo nghiệp chất chứa vào đó.

Vi diệu vô cùng, có năng lượng vi diệu để dưỡng tâm và thân, có năng lượng vi diệu để hồi hướng cho tha nhân, người thương, người gia đình, cho chúng sanh. Đừng coi thường hơi thở của chánh niệm tỉnh giác, đừng coi thường hơi thở của từ bi,  trí tuệ, đừng coi thường hơi thở của các pháp thiện lành. Nếu không khéo tu tập, tám luồng gió chướng như đèn treo trước gió, đời của bạn sẽ đảo điên trong từng khắc một, chẳng phải chờ đến chết hay bệnh hoạn đâu. Bao nhiêu lần chúng ta đã đi từ thiện đến tới những nơi bệnh hoạn, tới những nơi mà các người ấy, người bệnh đang chờ chết trong từng khoảnh khắc hoảng hốt và sợ hãi, ta tới làm từ thiện an ủi họ rồi về có ấn tượng gì đâu. Nếu có ấn tượng ta sẽ trân quý cuộc đời của mình và ta sẽ không bỏ phí, ta sẽ biết giá trị của hơi thở sống. Nhưng nhiều lần, nhiều năm gặp thật rõ những tai ương, những bệnh hoạn, những người đang chờ chết mà chúng ta vẫn dửng dưng với chính mình. Không nói nghiêm trọng để hù dọa nhưng nói rõ để ta thấy được giá trị ta đang sống, vận hành cho đúng để tâm được sáng, sống đời an vui. Sao cứ vùi dập cuộc đời trong lao khổ. Quán chiếu vô thường để thấy đời mong manh, quán chiếu vô thường để thấy ta không bao giờ biết được giây phút nào thần chết sẽ gõ cửa đưa ta đi.

Vậy nên sống trong chánh niệm không phải chỉ là tận hưởng cuộc sống, mà là sống cho sáng như kim cương, như ngọc, sống để thành tựu trí tuệ viên minh, sống để thành tựu tình thương lớn, sự tỉnh thức để phá mê, phá chấp, sự hiền lương để biết phụng hiến cho tha nhân, chăm sóc cho chính mình. Trách nhiệm đó không thể bỏ qua vì cuộc đời ta bỏ phế quá nhiều. Bạn nghĩ lại đi làm cho lắm tiền rồi trả bác sĩ, vì sao? Lao lực quá sinh ra bệnh. Không phải nói như thế để ta không làm, làm có tiền chẳng có lỗi nhưng sẽ lỗi với bản thân nếu vắt kiệt sức mạnh của mình, sức lực của mình khi còn trẻ lao vào tìm kiếm tài phú. Tuổi trẻ ai cũng như thế, đợi đến già mới tìm về cõi lành trong sự tu luyện muộn rồi, trễ rồi. Sự già không phải là 90 tuổi mới gọi là sự già, đôi khi mới còn trẻ măng thôi đã già, già nua trong cách suy nghĩ bởi cạn kiệt sức mạnh, sức bật. Hãy nhớ không phân biệt tuổi tác, chỉ cần khi đầu ta vẫn còn có khả năng nhìn rõ, nhìn thấu, thì chánh niệm hơi thở là phương tiện vi diệu để thoát khổ, để không như ngọn đèn treo trước gió mà dù phong ba bão tố tới cũng không bao giờ bị dập tắt.

Có một bà cụ dự lễ hoa đăng thời Đức Phật, nghèo lắm nhưng có đức hạnh, đèn dầu của bà chỉ có vài giọt dầu. Còn ở đó còn những người giàu kia chẳng có đức hạnh, mang cả xe dầu đốt ngọn đèn hoa đăng, một cơn gió thổi qua bão tố ập tới, đèn của tất cả những người nhà giàu đều tắt hết, nhưng ngọn đèn dầu hiu hắt của bà cụ có đức hạnh vẫn còn đó. Bạn có thấy chưa, người có đức hạnh đứng trước phong ba và bão tố, dù thân phận của ta rất bình thường nhưng chẳng bao giờ té ngã trước thử thách. Còn biết bao nhiêu người vỗ ngực xưng oai, một chút thử thách nghịch cảnh tới trong đời là đầu óc rối rắm, ngã gục rồi, như những ngọn đèn của các vị đại gia trong lễ hoa đăng. Chúng ta không phải là những vị đại gia có giàu, có tiền, có đèn lớn, có kẻ ăn người ở, nhưng chúng ta là những kẻ có đại tâm, đại tâm trong chánh niệm, đại gia không bằng đại tâm.

Các bạn thân mến, đèn treo trước gió tắt lúc nào không hay, hãy yêu thương cha mẹ của mình nếu như cha mẹ vẫn còn đây trong cuộc đời, bởi Vu Lan Đức Phật dạy về hiếu hạnh, mẹ già như chuối chín cây, gió rung mẹ rụng con thời mồ côi. Mình sẽ mồ côi đau khổ lắm các bạn, hãy hiếu thảo và biết chăm sóc cho bản thân của mình qua công hạnh mật thiền chánh niệm hơi thở. Chăm sóc tinh thần, tâm linh và thể chất, phát triển lòng hiếu hạnh một cách thật rõ bằng những sự việc rất bình thường trong sinh hoạt đời sống, để cha mẹ, quý ngài khi còn trên đời này chẳng phải là những ngọn đèn treo trước gió hoảng sợ, mà là những cơn gió mát nhẹ nhàng thoáng qua trong mùa hè nóng bức làm tươi mát cuộc đời của chúng ta. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Gió chướng của cuộc đời thật nguy hại, chúng con có thể bị vấp té và vùi dập mãi mãi trong từng giây phút. Xin chư Phật gia trì cho chúng con hiểu được giá trị của cuộc sống mà chúng con đang có. Biết đi vào con đường tu trong chánh niệm tỉnh giác của hơi thở, quán chiếu lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng cho nhau nhìn rõ u mê, vượt qua tăm tối và biết phụng hiến cho tha nhân.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn