Search

4007. Người Vô Tâm Tốt Hay Xấu?

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu.

Kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật tu tập, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức. Thể nhập vào Phật tánh chân như, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi trong trạng thái buông thư nhẹ nhàng, tay phải đặt vào lòng bàn tay trái, giữ cho thân, lưng, cổ, đầu ngay ngắn, buông lỏng toàn thân trở về với hơi thở của chánh niệm. Trong mật thiền ta trở về với chánh niệm của hơi thở, nương vào hơi thở giữ tâm thanh tịnh. Quán chiếu tâm Từ Bi qua mật môn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê và tâm Phật chân như qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Từng hơi thở vào ra phình bụng và hóp bụng, tổng trì các mật ngôn, chúng ta sẽ thanh tịnh hóa thân tâm của mình và tiếp nhận được năng lượng vi diệu của chư Phật, tiếp hiện được chân lý Phật qua chánh niệm của đời sống. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng và lan tỏa tới muôn người.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, khi hơi thở được hít vào và phình bụng ra, toàn châu thân của chúng ta tiếp nhận được năng lượng qua hơi thở này. Năng lượng là nguồn sống của mỗi người và của muôn sự sống. Không có năng lượng con người và sự sống không còn tồn tại được nữa. Mỗi một buổi sáng hoặc mỗi một thời gian đồng tu với nhau, hơi thở được chánh niệm, hít vào chậm rãi với tâm tỉnh thức, nhận rõ và biết được. Thân của chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng thật nhiều, giúp cho thân này mỗi ngày một cường tráng, khỏe mạnh. Chỉ có hơi thở thôi hít vào nhẹ nhàng chậm rãi, phình bụng và thở ra cũng chậm rãi, hóp bụng vào. Hệ tiêu hóa sẽ khỏe, cơ thể lúc nào cũng đầy đủ dưỡng khí, sinh khí và năng lượng.

Thân rất cần khỏe, dẫu vẫn biết cuộc đời này khi sinh ra, ai trong chúng ta cũng mang những chứng bệnh nào đó, có thể ngặt nghèo trầm kha, cũng có thể nhẹ nhàng đơn giản như nóng sốt, cảm. Nếu những chứng bệnh đó đã, đang, sẽ xảy ra mà chúng ta chẳng quan tâm đến sức khỏe này, chẳng khác gì có chiếc thuyền để vượt qua bờ kia, nhưng mỗi ngày chẳng chăm sóc, mà lại còn đục lỗ cho thủng, thì chỉ một đoạn đường thật ngắn nước sẽ tràn vào và thuyền sẽ chìm xuống. Ai khi thấy sức khỏe đã xuống rồi mới hiểu được và thẩm thấu sức khỏe rất quan trọng trong cuộc sống. Mật thiền giúp cho sức khỏe của chúng ta không phải bền vững mãi mãi không bao giờ bệnh, nhưng giúp cho chúng ta có sức khỏe của thân qua sự nuôi dưỡng của tinh thần và tâm linh trong chánh niệm. Hỗ trợ cho dù dưới bất cứ một hoàn cảnh thân bệnh nào, tâm an, tâm vui và hoan hỷ, thì chứng bệnh ấy cũng chỉ là cơn gió thoáng qua, chẳng làm cho ta phiền não đau khổ.

Các bạn, sức ép của cuộc đời không bao giờ nhường bước, trong thời đại này biết bao nhiêu thứ xảy ra, từ công việc làm trong sinh sống tới sự tương tác giữa cuộc đời. Nào có sự việc gì như ý và mãi mãi như ý của ta đâu, những điều bất như ý sẽ làm cho mình khổ. Phật đã dạy một trong những điều tạo ra khổ là bất như ý. Bạn và Bảo Thành đã từng trải qua biết bao nhiêu chuyện bất như ý rồi, mỗi lần như thế ta phiền não, ta khổ. Trong Kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật dạy, người luôn luôn để cho tâm tham tưởng, sân tưởng, hận thù, mọi thứ như vậy trào dâng thì nhất định chúng ta sẽ làm cho nghiệp phiền não, tức là sức nóng của phiền não nó thiêu rụi tâm can của chúng ta. Như vậy ta chẳng cần phải đợi đến kiếp sau để sinh vào những loại ác thú, mà ngay kiếp này khổ đã tới rồi, phiền não đã làm cho chúng ta chết rồi.

Nên Phật dạy cho chúng ta phải chú ý đến tâm của mình. Nhưng sức ép cuộc đời đã làm cho ta quên đi sự chăm sóc của tâm, mà chỉ lao đầu vào tìm kiếm những thứ rác rưởi, hư mất của cuộc đời. Để những cảm xúc vụn vặt kia đã làm cho trái tim của chúng ta chai đá, biến trái tim biết yêu thương, biết rung động, biết chăm sóc, biết lo lắng, biết san sẻ, biết yêu thương thành hận thù. Rồi sự hận thù đó đã làm cho trái tim chai sạn, vô cảm, vô tâm. Mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời đối với gia đình, cha mẹ, ông bà, đối với bản thân, vợ chồng con cái, xã hội, muôn người ta chẳng còn quan tâm, ta đã dần dần trở thành người vô cảm không còn cảm xúc và biến mình thành kẻ vô tâm. Người vô cảm và vô tâm sẽ làm cho bản thân của họ trở nên trơ trọi, như cái cây mục nát, khô cằn giữa sa mạc. Làm cho biết bao nhiêu những mối tương tác hàng ngày trong cuộc sống, giữa người và người, giữa người và cảnh, giữa người và tất cả chẳng còn.

Dưới sự sinh hoạt như vậy trong cuộc sống chẳng còn có ý nghĩa đâu và dĩ nhiên người vô cảm, vô tâm sẽ nguy hiểm cho bản thân và tác hại thật nhiều cho xã hội. Làm sao chúng ta vô cảm và vô tâm như thế, sức ép của cuộc sống, đó là dấu hiệu của sự trầm cảm. Hay những luật lệ không phù hợp, làm cho người ta không dám thể hiện tình cảm nữa. Ví dụ trên những đoạn đường đi vì có biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra, luật lệ cấm và có những luật lệ hình thành không bằng ngôn ngữ nhưng bằng sự trải nghiệm, đã làm cho trái tim của chúng ta băng giá, vô cảm, dẫn đến vô tâm.

Có sự đụng xe đó, người thân hay không thân chẳng biết, té bể cả đầu, gãy cả chân, cả tay, ta không dám tới để giúp đỡ họ vào lề đường mà cứ đứng trợn trừng con mắt nhìn họ, để vô tình có thể có những chuyến xe ngang qua, không có vô đúng như sự như ý, chẳng có quan tâm đúng mức lại cán lên họ. Vì sao? Vì luật đã đưa ra. Vì sao? Vì những hiện trạng như đôi khi vì tình thương, giúp đỡ, nâng đỡ người ấy vào lề đường hoặc chăm sóc cho người ấy, người nhà của người ta gặp thấy chẳng hiểu gì, nghĩ rằng mình đụng vào họ và đang hại người thân của họ. Thế là vì tinh thần giúp đỡ mà gây tai họa cho mình, nhiều lần sợ hãi, những lần sau thấy đụng xe, thấy tai nạn, thấy đánh nhau đứng ngoài trợn mắt nhìn thôi. Cứ như vậy dần dần chúng ta trở thành vô cảm và đi tới chỗ vô tâm, chẳng quan tâm đến những chuyện như thế.

Chuyện như vậy có ở trong cuộc đời, bởi chúng ta thấy những cuộc đánh nhau của trẻ thơ, của học trò thấy rõ ràng, chúng còn bé, còn thơ đánh nhau còn hơn phim giang hồ hảo hán, còn hơn cả máu nhuộm bãi Thượng Hải, vậy mà người lớn, những người ngang qua, ngang lại nhìn thôi. Chúng ta thấy đầy hết ở trong xã hội này, biết bao nhiêu chuyện đi xe quẹt nhau một chút, nhảy xuống đấm đá nhau ngay và chẳng ai can, nhìn đấy kẻ đổ máu, gãy răng, bể đầu vậy thôi, kệ họ, kệ, mặc kệ, mặc kệ họ. Chúng ta đã để cho hai tiếng mặc kệ họ đi, chuyện của họ mà vướng mắc làm gì, thì thầm mãi như con ma xó, nó tâm sự những chuyện không đúng rồi biến thành chân lý, cứ vậy ta thực hành đều sai trái mà không hay.

Một mặt khác nữa thường xảy ra trong cuộc đời đó là áp lực của cuộc sống, làm cho chúng ta vô cảm, vô tâm hoặc có những chuyện bị xâm hại mà trở nên chai đá, chai sạn, vô tâm, vô cảm. Dù ở dưới bất cứ một hình thức nào thì đó là một điều rất xấu, rất tồi tệ. Theo những nhà nghiên cứu về tâm lý học đi đến tình trạng vô tâm, vô cảm như vậy hại nhiều cho sức khỏe và hại nhiều cho đời sống tinh thần, tâm linh cũng như thế. Đó chính là dấu hiệu trầm cảm nếu không được chữa trị và sửa đổi, chuyển hóa do tự thân hoặc nhờ vào sự giúp đỡ bên ngoài để nhận diện ra mà thay đổi, dần dần sẽ trở thành trầm cảm nguy hiểm lắm.

Trong lời dạy của Đức Phật ai ai cũng thấy rằng sự vô cảm, vô tâm rất nguy hiểm. Nguy hiểm cho sự trầm cảm sẽ được tác thành gây bệnh hoạn, nguy hiểm hơn là tổn phước báu. Bởi vô tâm, vô cảm cũng là một tác nhân đồng hành với những nghiệp sát, điều này có. Bạn có khi nào có người chồng, người vợ, người quen, người thân hoặc bạn bè thôi, họ vô cảm đến mức mà lời nói của bạn họ không có phản hồi, tin nhắn của bạn họ chẳng bao giờ trả lời, thư của bạn viết chẳng bao giờ có hồi âm. Họ ngồi đó trơ trọi không có cảm giác, bạn có thấy đau lòng thế nào không? Có những người con vô tâm và vô cảm đến mức sống cùng với cha mẹ mà chẳng bao giờ có sự tương tác, lạnh lùng hơn ngủ đông dưới cả hàng trăm độ âm, làm cho trái tim gầy gò, làm cho trái tim héo mòn của cha mẹ trong bao nhiêu năm tháng nuôi dưỡng con, lại một lần nữa khô cứng bởi sự vô tâm, lạnh lùng của con cái.

Ta đang giết hại cha mẹ của mình mà không biết, chính vì ta vô cảm đưa đến sự vô tâm. Điều này nói có vẻ văn chương, nhưng thực tế đã xảy ra. Biết bao nhiêu những người con đã giết chết cha mẹ mình một cách âm thầm, từ từ do chính sự vô cảm, vô tâm. Trong tình nghĩa vợ chồng cũng như vậy, gia đình tan nát, con cái đau khổ chính là bởi vì chồng hoặc là vợ đã vô cảm, vô tâm. Biết bao nhiêu chuyện xảy ra cứ đổ thừa cho nhau, nhốt trái tim vào trong sự vô cảm, không có còn đồng hành với người mình yêu thương, để gia đình kia thay vì đầy ắp tiếng cười, tràn ngập hạnh phúc, thì là rác rưởi của sự hận thù. Và mùi hôi thối hận thù kia đã biến ta thành kẻ vô tâm chẳng còn cảm xúc. Cứ như vậy ta đi mãi và tìm kiếm trong cuộc đời này những hiện tượng làm đau lòng, giết hại nhau, phạm nghiệp sát một cách âm thầm từ từ chẳng ai chú ý, rất nguy hại.

Đức từ bi là bậc giác ngộ, Đức Phật bậc thầy của chúng ta, tôn chỉ điều căn bản khơi dậy và nhắc nhở chúng ta phải biết san sẻ tình yêu thương, nâng đỡ nhau vượt qua những nghịch cảnh đau khổ của cuộc đời. Trong hai chữ ta thường nghe, thường tụng rất đơn giản mà ít để ý và thực hành, đó là Từ Bi. Ta vẫn tụng niệm chữ từ bi cả ngày, đọc riết, đi đâu cũng thấy chữ từ bi và hỷ xả. Cửa chùa nào, cửa thiền môn nào, trên cổng, dưới đất, bờ tường, lư hương, chỗ nào cũng có từ bi hỷ xả. Ở nơi thiền môn, chùa chiền thường nhắc đó như một điều nhắc nhở chúng ta rằng, cuộc sống này nếu không có tâm từ bi, thì cuộc sống sẽ trở thành vô nghĩa và muôn sự sống sẽ chết đi thôi. Tại sao trong thiền môn, trong chùa, luôn luôn các bậc thầy, các vị tôn túc tìm đủ mọi khoảng trống ở trong chùa để khắc, để vẽ, để viết, để treo những bảng từ bi, từ bi và từ bi, đâu đâu ta cũng thấy hai chữ vàng ngọc ngà Từ Bi này. Thấy, biết, hiểu, đọc tụng to lắm, ông trời ở trên 36 tầng cũng đều nghe ta đọc từ bi, từ bi. Mà trong tâm của chúng ta nhìn lại chữ từ bi đó chẳng khác gì nước đổ lá môn trôi mất, không đưa vào cung cách ứng xử hàng ngày, mà ta thật sự là kẻ vô tâm, vô cảm.

Nếu bạn tu, nếu bạn muốn đi tới sự giác ngộ, nếu bạn gọi là học chân lý của chư Phật mà chẳng hành được hai chữ từ bi này, bạn đang trở thành con rối, con rối của chính mình, chẳng được gì. Dù kiến thức ở cuộc đời hay kiến thức Phật học thâm sâu cỡ nào, hai chữ từ bi không hành trì được, không thực hiện được, không ứng dụng vào trong cuộc sống, thôi bạn ơi đừng tu nữa, đừng khoác lên mình chiếc áo của nhà tu, chiếc áo của Phật tử khuôn mẫu của người học Phật, từ bỏ đi. Từ bi không hành được còn có nghĩa gì. Thực tập hạnh từ bi là san sẻ tình yêu thương và nâng đỡ nhau để chuyển hóa bớt đi sự đau khổ, là một phẩm hạnh cao cả mà các bậc giác ngộ là Phật, là Bồ Tát, những bậc thánh hiền, thiện tri thức, những người học Phật phải nhất như hiểu thấu và hành trì từng giây phút trong cuộc đời, trong những mối tương tác của cuộc sống.

Một trong những vị Bồ Tát tiêu biểu của người Việt gần gũi với chúng ta, thực hiện hạnh từ bi mà ai ai nhỏ lớn, già trẻ đều biết, đều học về Phật, đó là Mẹ Hiền Quan Thế Âm. Nam mô đại từ đại bi, chỉ hai chữ đó thôi mà Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát đã cứu khổ được muôn loài, đã chẳng còn phiền não và chuyển hóa được hết cho tất cả mọi loài chúng sanh. Bạn đang đau khổ và phiền não chính là bạn không có tâm từ bi, chính là bạn không biết san sẻ hạnh phúc của mình đối với tất cả những người trong cuộc sống, ta hờ hững, vô tâm, vô cảm. Bạn đau khổ và phiền não chính là bạn không có tâm bi, tức là chuyển hóa, giúp đỡ, nâng đỡ những sự thống khổ của những ai hoặc tất cả những chúng sanh ta có nhân duyên tiếp cận.

Các bạn, vô cảm và vô tâm là người không có tình thương và sự san sẻ hạnh phúc của mình, nâng đỡ những người cực khổ. Những người như vậy là những người chẳng tạo được phước đức và công đức. Những người như vậy thường để cho sự vô cảm và vô tâm làm cho mình triệt tiêu công đức, phước đức, làm cho nghiệp chướng dày thêm. Bởi trong Phật pháp người không có tâm từ bi, người ấy dĩ nhiên trong lòng tràn đầy hận thù, chẳng phải như ta thấy họ không có cảm giác. Vì hận thù, vì đau khổ, vì tham sân như Kinh Tăng Chi Bộ dạy, đã làm cho trái tim khô cứng lại, chẳng còn rung động trên những sự đau khổ phiền não của mọi người. Cứ như thế, với tâm cảm lạnh lùng như vậy ta đang tạo nghiệp mà không hay.

Trong đời sống này có biết bao nhiêu sự việc xảy ra tưởng chừng như vô tình, nhưng không, vì thiếu hiểu biết, thiếu trí tuệ mà chúng ta tự tạo nghiệp mà không hay. Nhất là vấn đề vô cảm và vô tâm trong các mối tương tác hàng ngày, đối với người yêu thương trong gia đình như các đấng bậc sinh thành, vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, tình bạn, xã hội. Chân lý của Đức Phật không cao vời ở chỗ xa tầm với, mà gần gũi với từng cung bậc rung động của trái tim, là rất người. Đã là con người ai mà không biết rung động trước những tình cảm đơn sơ, thuần tánh thiện.

Nhân thơ sinh, tánh bổn thiện.

Tánh thiện đó biết rung động và biết mang hạnh phúc của mình trao tặng cho tất cả những người mình có cơ hội gặp, biết đưa vai san sẻ, gánh vác, giúp đỡ, nâng đỡ những nhọc nhằn, đau khổ phiền não đối với tất cả.

Tâm bi là tâm biết chuyển hóa đau khổ của người khác, nâng đỡ họ qua những nghịch cảnh, chính là tâm biết bố thí, biết từ thiện đó các bạn. Tâm đó cũng là tâm phóng sanh, tâm từ thiện và tâm từ là tâm yêu thương rộng lớn, tâm của Phật, của Bồ Tát, của những bậc giác ngộ. Tâm của người muốn thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc. Tâm của người đang thoát mê tới bờ giác. Các bạn ơi, vô tâm và vô cảm, vô cảm đưa tới vô tâm là một điều rất xấu, rất tồi tệ, là một chứng bệnh trầm kha, trầm cảm. Đi đến sự vô tâm vô cảm như thế ta đang tạo nghiệp và chẳng còn phước báu, công đức nhiều dần dần sẽ mất thôi. Dù chúng ta có thừa hưởng vô lượng công đức, phước báu của người xưa hồi hướng, của ông bà cha mẹ để lại, của tự thân kiến lập. Nhưng hiện thời với sự vô tâm, vô cảm nhất định phước báu đó chẳng còn.

Người học Phật phải thực hành được tâm từ bi, đừng để mình trở thành vô cảm, vô tâm. Một lời nói nhẹ nhàng trong ái ngữ, đưa trái tim bị nhốt trong ngục tù của người ta sẽ thoát ra được. Một tin nhắn hồi âm trong sự tương tác một cách tử tế, sẽ làm cho tâm hồn đau khổ không còn chỗ đứng sẽ tung cánh bay lên bầu trời thật cao để tỏa sáng. Một hành động biết hồi đáp trong những nghĩa cử tương thân tương ái trao cho nhau, sẽ làm cho tình cảm bị tê liệt nhiều đời được phục sinh trở lại và sống an lành. Một miếng ăn, một ly nước, một trái cây trong vườn hái xuống trao tặng, một lời chân thành, một nghĩa cử, một suy nghĩ, một ánh mắt, một nụ cười, một cái bắt tay, một vòng ôm,.. tất cả những sự tương tác hàng ngày đó bằng tâm từ bi, chính là phẩm hạnh cao quý nhất để thoát khổ và lìa xa, đoạn diệt được phiền não, đưa ta tới hạnh phúc an vui, thân khỏe, tâm an vậy thôi.

Cầu kỳ chi những pháp môn bi diệu lòng vòng, lẩn quẩn với những Phật ngữ cao siêu huyền bí, đắm chìm trong những nghi thức lễ giáo, mà chẳng hiểu được thực tế tâm từ bi trong cuộc đời. Tất cả là vô nghĩa, bởi như vậy ta đang biến mình thành kẻ vô cảm, vô tâm và luôn luôn sợ hãi, luôn luôn trở thành kẻ sợ hãi. Trầm cảm đó, bệnh hoạn đang kéo tới chết lúc nào không hay. Hoặc sống cũng chẳng khác gì thây ma chập chờn trong cuộc đời, gây đau khổ cho muôn người. Các bạn, chúng ta hãy trở về hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Ngài đã dạy cho chúng con phải biết rải tâm Từ bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, để tưới tẩm cuộc đời của mình và tưới tẩm cuộc đời của muôn người, làm cho miền đất tâm được trổ hoa thiện lành. Chúng con nhất định sẽ không trở thành kẻ vô cảm, vô tâm, để thiêu rụi phước báu công đức nhiều đời, mà tích lũy từng chút từng chút phước báu dù rất mỏng qua sự hành trì tâm Từ bi mỗi ngày.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tình thương.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts