Search

3209. Từ Thiện Thế Nào Để Vừa Tạo Được Phước, Vừa Vui?

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu.

Kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật tu tập mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Chúng con cũng nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi với tư thế phù hợp cơ thể của mình, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ toàn thân trong trạng thái buông thư, thả lỏng. Trong mật thiền ta lấy chánh niệm hơi thở làm đề mục để quán chiếu tâm Từ Bi, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời Tỉnh Giác. Ba mật ngôn trì tụng trong hơi thở chánh niệm là mật ngôn Mu A Mu Sa, có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán tâm Trí Tuệ để thấu rõ được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán chiếu tâm Tỉnh Giác . Ba mật ngôn này tổng trì trong chánh niệm của hơi thở, mỗi người sẽ tiếp nhận được năng lượng tha lực của chư Phật. Chỉ cần với một lòng thành kính, chân thành tiếp nhận ai trong chúng ta cũng sẽ đón nhận được. Khi các bạn hít vào, hít vào bằng mũi phình bụng, thở bằng miệng, trì mật chú và hóp bụng vào, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, phình bụng, thở ra hóp bụng, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa tới muôn người.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Hãy giữ trạng thái yên tĩnh và an trú trong hơi thở vào ra, quán tâm Từ bi yêu thương, quán tánh sáng để nhìn rõ các pháp, các hiện tượng từ thân và tâm đều vô thường, đừng bám víu lưu giữ để tạo khổ, đừng xây dựng bản ngã. Quán chiếu sự Tỉnh giác hơi thở cứ nhẹ nhàng. Các bạn thân mến, mật thiền là một phương tiện tu tập cần phải nuôi dưỡng thân tâm qua sự hành trì mỗi ngày. Sự hành trì thực tập mỗi một ngày giúp cho thân và tâm hòa nhập vào với bản thể tự nhiên, kích hoạt được năng lượng vốn có trong ta, gắn kết với tha lực, năng lượng vi diệu của chư Phật để thanh tịnh hóa thân tâm của mình trong từng giây phút. Gạn lọc tất cả những từ trường năng lượng bất tịnh và thêm vào đó nguồn an vui, hạnh phúc, trí tuệ.

Chúng ta thường mắc vào những cái cao siêu huyền bí mà quên đi những cái rất bình thường. Cứ tưởng càng cao siêu cầu kỳ, càng thực tập theo những phương thức phức tạp là tạo được công đức vô lượng, là thành tựu. Có nào ngờ chỉ bình thường trong hơi thở chánh niệm, để lan tỏa tình thương, để tự sáng tâm trí và luôn luôn tỉnh táo trong mọi suy nghĩ,lời nói và hành vi là đã tạo được phước báu vô lượng rồi. Từ những pháp cao siêu ta tìm tòi trong cuộc đời, ta lại tự tạo ra những điều vô tưởng để gây rắc rối cho mình, cho mọi người, chẳng thể làm được những điều gì. Các bạn gửi và chia sẻ với Bảo Thành “Làm từ thiện như thế nào để tạo được phước báu nhiều và vừa vui?”.

Đã gọi là từ thiện mà từ xưa đến nay chúng ta cứ so kè, chúng ta cứ so sánh phải làm như thế nào để được vô lượng công đức. Ngay ở chỗ mà ta so sánh làm bằng cách nào để tạo được nhiều phước báu, phải chăng sự so sánh đó nó khởi lên từ tâm tham hay không? Tham có phước báu thật nhiều đó và cứ thế làm thế nào để tạo được nhiều phước, tạo được nhiều phước trong từ thiện người ta đã tính toán, đã mưu toan và bày vẽ ra quá nhiều thứ. Nào là làm từ thiện phải như thế này, phải như thế kia, phải giúp đỡ, phải cho mà không thấy người cho. Người mù không thấy làm sao mà cho. Cho mà không biết mình cho, không thấy mình cho, không cầu đền đáp. Rồi đặt ra những câu từ quá cao, bố thí từ thiện ba la mật, những chữ nghĩa cao siêu quá, đặt để ra nhiều cách quá, rắc rối quá. Càng đơn giản, càng đơn thuần, càng thuần chất bình thường nhưng đậm màu yêu thương là đủ. Chắc chắn các bạn đã từng nghe về từ thiện phải thế này, phải thế kia. Khi mà tính toán để phải nó bằng tâm tham, điều đó không phải nữa mà là trái rồi, sai rồi. Đơn giản chữ từ thiện các bạn ơi. Từ là mang hạnh phúc san sẻ, thiện là tâm thiện lành. Với tâm thiện lành, chân chất, yêu thương, ta mang hạnh phúc qua lời nói, ta mang hạnh phúc qua tài vật, qua tiền, qua sức lực, qua trí tuệ, qua sự viếng thăm, chăm sóc chân tình. Tâm làm được như vậy là tâm thiện được rồi, rất vui.

Bảo Thành đã chứng kiến thấy nhiều phái đoàn từ thiện, trước khi đi được dạo cả một khúc nhạc như khúc nhạc dạo đầu tư tưởng, làm từ thiện phải như vậy, phải như kia, rồi người đi từ thiện cảm thấy hình như bị thao túng bởi những cách xếp đặt tư tưởng không được tự nhiên. Cẩn trọng bởi điều kiện từ thiện tạo được phước đặt để ra quá nhiều, họ trở thành lúng túng, không còn tự nhiên vì có những câu nói từ thiện mà không đúng tổn phước. Ngay chủ đề đã nói làm từ thiện như thế nào để tạo được phước nhiều và vui. Tại sao phải suy nghĩ làm từ thiện như thế nào để tạo phước nhiều? Tâm tham, không đạt được thì sân, khó chịu, tạo nghiệp. Biết bao nhiêu phái đoàn và các bạn cũng đã từng làm từ thiện, có nhiều lúc mình cảm thấy không được vui, buồn nữa, vì cứ lúng túng trong suy nghĩ tạo phước cho thật nhiều. Từ thiện không so sánh về số lượng nhiều hay ít, mà từ thiện khởi lên từ chất lượng của tình thương nơi lòng thiện của mình, thiện lành của mình.

Trong phái đoàn từ thiện cùng với Bảo Thành, nhiều khi chúng ta có đến hai, ba, bốn xe buýt, có cả những trẻ thơ chạy tung tăng cùng với cha mẹ ông bà, có những cô là mẹ có con tay bế tay bồng, vẫn đi rất vui. Bởi khi đi từ thiện Bảo Thành không bao giờ khắt khe, nhắc nhở phải cẩn thận từ thiện cho đúng khuôn rập mẫu để tạo được thật nhiều phước. Mà hầu hết nhắc nhở mọi người hãy mang tâm yêu thương của mình, san sẻ với một tấm lòng rất chân thành vậy là đủ. Câu trả lời làm từ thiện như thế nào để tạo được phước nhiều và vừa vui? Vế thứ hai vừa vui thì có, còn làm từ thiện như thế nào để tạo được phước nhiều ta không nên suy nghĩ. Một đồng, một cắc, nhiều tiền, ít tiền, suy tính cho kỹ lưỡng kế sách làm từ thiện, thì đó gọi là mưu mô. Nhưng được mỹ từ của những văn tự trong kinh diễn tả làm cho chúng ta như kẻ khùng điên, mù không thấy, không thấy mình, không thấy người, tánh thấy ở nơi đâu.

Cho nên chúng ta hãy nhớ mình san sẻ hạnh phúc và mình trao tặng cho một ai đó, điều cốt yếu là tâm của mình phải vui khi trao. Khi mà bạn sân giận bạn cho người ta thật nhiều tiền, khi bạn khó chịu không được vui bạn giúp đỡ người ta, người ta không thấy vui mà còn khổ. Cốt lõi là phải vui, cho nên không làm từ thiện để được vui, để được phước, mà vui trong lòng bởi thấy được mình có nhiều phước báu hơn những người đang gặp khó khăn về tịnh tài, về sức khỏe, về muôn mặt của cuộc đời. Mang niềm vui sẵn có nơi ta tới an ủi, tới chia sẻ. Không cần phải nghĩ đến phước nhiều hay không, chỉ cần tâm thái vui như vậy và hành xử một cách rất tự nhiên là đủ. Người đi làm từ thiện không so sánh phương pháp để có được nhiều phước, như kẻ đi buôn để có được nhiều tiền. Dẫu rằng biết bao nhiêu những bài giảng phân tích chi li, là làm sao để có phước báu trong từ thiện, phước báo nhiều. Và vạch rành rõi những phương pháp để tạo ra phước, rồi chúng ta theo những phương pháp, thể thức đó để tạo phước. Dĩ nhiên trong những hành vi từ thiện đó với tâm thái mong cầu, không hay.

Có một chuyến từ thiền cùng với Bảo Thành thường có các em nhỏ cha mẹ dắt đi, dĩ nhiên những lúc như vậy các em đâu ý thức được là bố thí ba la mật, từ thiện mà không thấy người mình cho, không biết người mình cho, không thấy vật cho. Cứ lung tung loạn lên thì đâu có trong đầu của trẻ thơ. Các em rất hồn nhiên tới bên người bệnh, tới bên các em bé mồ côi, tới bên các ông bà cha mẹ bị bỏ rơi, tới bên những người bệnh hoạn, đau khổ, bất hạnh. Các em đâu có tính toán, chỉ rất vui, rất cười, rất hồn nhiên tới ngồi gần Bảo Thành hoặc là đứng nhìn với đôi mắt rất chân thật xem chuyện gì đây. Mấy em rất vui đó là phước rồi. Phước báu là chỉ cần đi tới với tâm thái vui thôi đã là từ thiện.

Ở bên Mỹ các trại dưỡng lão, các trung tâm cai nghiện, các nhà tù người ta không cần mình phải mang tiền tài, mang điều gì tới để cho tặng gọi là từ thiện. Rất hay có nhiều phương pháp đặc biệt, đôi khi họ nuôi một con mèo hoặc một con chó dễ thương tùy loại. Vào cuối tuần thay vì đi chơi đây đó, họ ôm con mèo hoặc con chó tới các trại dưỡng lão, họ ngồi với các cụ ông cụ bà. Chỉ một con thú dễ thương ngồi cạnh nói chuyện, có vậy gọi là tâm sự và mang thú cưng của mình tới cho các bậc làm cha mẹ nơi đó có thể vuốt ve, vui vẻ, hạnh phúc, chỉ có thế thôi, đó là từ thiện. Họ chẳng nghĩ đến phước báu, người phương tây có phải đạo Phật đâu, họ không nghĩ đến phước báu, họ chỉ nghĩ rằng giữa người với người có tâm yêu thương và mang sự yêu thương ra để an ủi những người lớn tuổi, ngặt nghèo, đơn thuần như vậy và họ nhất hồn nhiên, tự nhiên. Các bà cụ, các ông cụ thấy người xa lạ tới với tâm thái như thế họ vui lắm. Họ được ôm những con mèo, con chó, vuốt ve cả nửa tiếng đến một tiếng tràn đầy sinh khí. Người tới thăm viếng các cụ già nơi các trại dưỡng lão cũng rất vui, họ về nhà họ tràn đầy năng lượng, họ hoan hỷ, chẳng một mưu mô tính toán tạo phước gì hết. Họ thấy được đối tượng ai là người họ đến thăm, họ biết được bản thân của họ đến thăm viếng và họ nhận diện thật rõ sự thăm viếng của họ tới với những cụ ông, cụ bà kia là tình người, không có tính toán, rảnh là họ đi.

Nơi các trại cai nghiện họ cũng tới để thăm, để lắng nghe. Nơi các trại tù họ cũng tới để lắng nghe và san sẻ. Gặp bão tố, bão lụt, động đất, họ chẳng bao giờ ngồi tính toán làm từ thiện như thế nào để tạo được nhiều phước mà vừa vui. Từ những trẻ nhỏ họ đã được giáo dục làm từ thiện rồi, bỏ ống từng xu, từng cắc, khi nhà trường các cô giáo nói ở đó có động đất, có sóng thần, có hỏa hoạn cần giúp đỡ, các em liền mang từng ống tiền cắc đưa tới cho các cô, các thầy làm từ thiện. Khi chỉ biết như vậy trên thông tin của đại chúng thôi, các quỹ từ thiện đều nhận được những tấm lòng rất đơn giản, người ta gửi tiền về, người ta gửi đóng góp vật thực, lương thực, quần áo về. Vì thấy giông bão, thấy hỏa hoạn, thấy động đất người ta san sẽ. Họ luôn luôn vui, họ không có tính toán cách nào từ thiện, họ chỉ biết trao đi bằng tấm lòng và tâm chân thành. Ở đất nước đó như ở Mỹ Bảo Thành ở, không những người dân, trẻ em luôn luôn biết cho đi mà xã hội luôn có một ngân quỹ thật lớn để trao tặng cho những quốc gia, cho những vùng miền khi gặp tai họa hoặc cần sự giúp đỡ.

Nhưng ở những đất nước khác chúng ta hầu hết phải tự phát giúp đỡ, bởi chưa có ngân khố rõ ràng để trợ lực cho người dân. Thì từ thiện trong nhà Phật của chúng ta thay vì là một hạnh cao cả vô cùng, khởi lên từ tâm thiện lành và trao đi cho nhau, để mang hạnh phúc của riêng mình tặng cho người ta. Ta cứ ngồi gõ trên bàn phím tính toán, chê bai như vầy mới được từ thiện, như kia mới được từ thiện, làm như thế có được phước đâu. Rồi từ ấy mà những người khởi tâm làm từ thiện họ sợ, không khéo từ thiện chẳng được phước mà còn mang họa, họ không dám. Từ thiện tạo được phước đơn thuần là khởi lên từ tâm thiện lành và trao tặng trí tuệ, trí lực, công sức, thời gian, tịnh tài, vật chất cơm áo, thuốc men cho những ai đó mà ta có duyên biết được họ ở trong những hoàn cảnh.

Buổi chiều ngày hôm qua, các bạn đồng tu nói Bảo Thành mình đi thăm một cô bệnh nhân trong nhóm ở nhà thương Đồng Nai, Bảo Thành rất vui đi thăm cùng với các bạn. Lần đầu tiên trong cuộc đời đi đến nhà thương vào nơi ung thư, thấy nhà thương cao chất ngất, chỗ đó 12 tầng thang máy, nhưng nhìn xuống tòa nhà phía dưới Bảo Thành đếm thử lúc đứng đợi các bạn gửi xe, đếm thấy nhà thương cao đến 18 tầng chưa kể những tầng dưới. Đi vô nhà thương đông như hội, thang máy chật cứng bước vô là thang máy không còn chỗ đứng. Vô phòng thăm bệnh đâu cũng vậy nhà thương như hội, hội buồn vì những bệnh nhân đều là người thân vô đó, vào trong đó chỉ san sẻ tâm sự với tấm lòng rất chân thành, với tình thương rất thực sự, lắng nghe cô bệnh nhân chia sẽ sách tấn khuyên bảo giữ vững tâm. Trong phòng ấy có bốn cô bệnh ung thư hết.

Khi tâm sự với người quen thì nghe được tiếng đằng sau gọi và mời Bảo Thành tới, cô nói “Thầy ơi, xin hãy tới với cô ấy”

Bảo Thành xoay lưng thấy cô ấy tới và nói chuyện mới biết cô ấy bị ung thư, ung thư mà không thể nằm được các bạn, ngồi nó không thể dựa vào đâu, toàn thân đau đớn, tiếng nói thì còn trong trẻo. Thấy tới thăm người thân của mình cô ấy cũng gọi mình, chỉ cần xoay nâng bước ba bốn bước ngồi cùng với cô và Bảo Thành đã ngồi với cô ấy tâm sự, cùng cầu nguyện và chia sẻ rất hạnh phúc. Chỉ có vậy thôi nhưng trong lòng của Bảo Thành tràn ngập hạnh phúc, trong lòng của cô ấy cũng vui lắm dù thân bệnh, bệnh đến mức mà những phần cơ thể của cô nó mềm, nó tả tơi rồi, không thể bơm thuốc, không thể làm gì nữa, ngồi đó chỉ để chờ, chờ cái gì các bạn biết rồi. Nhưng cô ấy rất can đảm, khi tâm sự không nhiều nhưng chân thành. Sự thăm viếng những bệnh nhân là một hành vi thanh cao, một nghĩa cử tuyệt vời, chẳng tính toán mưu mô được phước hay không. Các bạn, khi các bạn không còn tính toán làm như thế nào, từ thiện như thế nào để được phước báu thật nhiều và để được cái này, được cái kia, được vui. Đi làm từ thiện còn tính toán được phước cho thật nhiều và được vui nữa, lợi cả đôi bề, lợi cho mình không. Cái gì cũng có lợi, cả cuộc đời vơ vét đủ thứ rồi, nay muốn trao tặng cho một người điều gì ấy, lại còn muốn vơ vét thêm phước báu cho đầy đầu, lại còn muốn thao túng thêm niềm vui cho riêng mình, phải vui, phải được phước. Sao chúng ta lại tự làm khổ mình trong những lý luận kiểu tăng trưởng những điều ham muốn.

Chia sẻ rất chân thành đối với các bạn, làm từ thiện như thế nào để tạo được phước báu nhiều và vừa vui, ý tưởng ấy không nên nghĩ tới, bỏ đi. Chỉ cần biết rằng ai đó khi ta biết được họ túng thiếu, có chút gì cũng được trong lòng vui mang tới. Hiện tại ai đó đang sầu muộn, bi ai, có chút thời gian ghé ngang để thăm hỏi, an ủi. Ai đó đang bị túng quẫn, không tìm được đường đi, ta biết được ghé qua lắng nghe và góp ý bằng tình thương. Ai đó đang thiếu chút vật chất, cần một ký gạo, mớ rau, ta có được vui ghé ngang trao cho họ. Ai đó đang cần một tấm áo chẳng phải mới, chỉ là dư ra của ta để đắp vào cho thân được ấm vào mùa đông, được kín, được nhẹ nhàng, được có cái đắp vào thân, ta ghé ngang trao tặng cho họ. Ai đó cần thuốc, cần nước, ai đó cần thăm viếng, ai đó cần chia sẻ điều gì bạn có với tâm rất vui và hạnh phúc. Nhớ cốt lõi mà tâm phải vui mới đi làm từ thiện, tâm buồn, tâm sân ở nhà đi, tự xử cho nó vui đã rồi hẳn đi làm từ thiện. Còn buồn, tâm sân giận, tính kế đi làm từ thiện cho có phước nhiều để được vui, không có chuyện đó đâu, kiểu đó là kiểu nói để hấp dẫn chúng ta tăng trưởng tâm tham, từ thiện phải hồn nhiên.

Hồi xưa trong kinh có một em bé, thấy Đức Phật đi ở đó, thì trong lòng khởi lên hình như là khởi lên thấy Phật hay, thấy Phật đẹp, thấy Phật dễ thương. Trẻ thơ mà, nói với mẹ rằng “Mẹ ơi, con muốn cái bông để con chạy ra con tặng cho Phật”.

Người mẹ trao cho người con một bông hoa và em đó chạy tới tặng cho Phật. Chắc có lẽ trẻ thơ mà, đâu có văn vẻ cung kính như kiểu chúng ta mong muốn, chỉ với tấm lòng rất thành, rất hồn nhiên đưa cho Phật, nói chữ tặng thì nó cầu kỳ, đưa cho Phật bông hoa, Phật nhìn Phật cười, vậy mà em ấy thừa hưởng được nhan sắc thật đẹp sau này. Trong lòng của em đâu có tính toán rằng phải làm từ thiện để có phước nhiều và được vui, trong lòng của em đâu tính toán là cúng, từ cúng nghe ghê không, cúng cho Phật, dâng cúng cho Phật một bông hoa để được sắc đẹp đâu. Rất tự nhiên, chính sự tự nhiên của một trẻ thơ, “Mẹ ơi cho con bông hoa để con cho người kia” Chỉ có vậy nhưng tâm rất thành, rất chân thật nên phước báu vô lượng và cô bé ấy thật được an vui.

Suy nghĩ như vậy ta thấy hạnh phúc không? Tại sao cứ cầu kỳ rồi quy mô tính toán kế hoạch, kế sách. Nhiều người đi từ thiện còn quy mô rộng lớn, tính kế sách cho rõ, lập ra cái này cái kia để tạo được phước. Chẳng cần đâu các bạn ơi, bỏ đi suy nghĩ rằng làm từ thiện như thế nào để được phước báu nhiều và vừa vui. Tại sao ta cứ phải làm cái chuyện mà có được cho ta, ta đi để trao tặng cho người mà lại nghĩ có được cho ta. Ta mong cầu quá đáng mà không đúng nghĩa, bởi nó từ tánh tham tổn phước, những cách suy nghĩ như vậy tổn phước. Các bạn, hãy chân thật, với tâm chân thật và yêu thương, với tâm thật thiện ta trao cho nhau những gì trong khả năng của ta. Như vậy bạn đã là một người hiểu đúng lời của Đức Phật, không vụng về trong những từ ngữ cao siêu huyền bí, những phương pháp rắc rối của người đời tạo ra, mà chỉ với tâm thật vui và biết yêu thương để san sẻ. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Chúng con đã tính toán quá nhiều, ngay trong từ thiện cũng còn tính toán. Nguyện xin Ngài gia trì cho chúng con biết nuôi dưỡng tình thương và nuôi dưỡng tâm chân thật, để phụng hiến cho muôn người mà chẳng mong cầu một điều gì có được cho bản thân qua nghĩa cử ấy.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts