Search

3205. Công Dung Ngôn Hạnh

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu.

Giờ tu đã tới rồi, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho hàng đệ tử chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp Phật, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ và hàng đệ tử chúng con được tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi theo tư thế mà cơ thể phù hợp, tay phải đặt vào lòng bàn tay trái, giữ lưng, cổ, và đầu cho ngay thẳng, mềm mại, buông thư, thả lỏng. Trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào bằng mũi, phình bụng, chậm rãi nhẹ nhàng, thở từ từ hóp bụng vào tổng trì mật ngôn, quán chiếu Từ Bi – Trí Tuệ và Tỉnh Giác qua mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê. Ba câu mật chú này có nghĩa là Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác quán. Quán chiếu với chánh niệm của hơi thở, mỗi người chúng ta sẽ tiếp nhận và tiếp hiện được năng lượng, tha lực Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác của chư Phật, chư Bồ Tát. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tiếp hiện năng lượng Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, hồi hướng và lan tỏa tới cho muôn người.

Hôm nay chúng ta cũng đặc biệt hồi hướng cho bạn đồng tu đang bị bệnh được gặp thầy gặp thuốc, đầy đủ phước báu, bệnh tật tiêu trừ.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Các bạn, hãy giữ tư thế buông thư, hít thở vào ra, sự nhận xét tánh biết hiển ngự giữa hai chân mày, quán chiếu thấy cho thật rõ. Hơi thở vào ta biết vào, hơi thở ngắn ta biết ngắn, hơi thở dài ta biết dài. Thở ra ta hóp bụng nhẹ nhàng, ta biết ta hóp bụng, ta biết hơi thở ngắn, hơi thở dài. Luôn luôn giữ tánh biết của mình hiện diện, thể nhập vào trong hơi thở, cảm nhận và nhận biết mọi hiện tượng xảy ra nơi thân và những tư tưởng, suy nghĩ khởi lên nơi tâm. Chỉ biết là được và luôn luôn theo dõi hơi thở vào ra trụ ở nơi ấy, tịch tĩnh, an nhiên, tự tại. Tiếp hiện và đón nhận năng lượng tha lực Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác với một lòng thành kính, chân thành, chân thật. Các bạn, với tâm thái như thế, hiện diện trong giây phút này đây, chúng ta đã hòa nhập cùng với chư Phật, chư Bồ Tát, hòa nhập vào với đất trời, vũ trụ, thiên nhiên, hòa nhập vào với chính bản thể của sự sống hiện diện ngay đây qua hơi thở. Cứ miệt mài chạy mãi, cứ miệt mài rong ruổi mãi, cứ miệt mài chụp bắt hình bóng mờ ảo, huyễn giả của muôn sự đời ta cho là thật. Giây phút này cần phải nhận diện thật rõ những điều ấy chỉ là phương tiện hiện hữu trong từng giây phút mà thôi, chẳng bền vững, chẳng chắc chắn, chẳng tồn tại.

Tâm hoan hỷ, trí tuệ, tánh biết đón nhận mọi phương tiện ứng dụng hài hòa trong cuộc sống, dù ở cảnh đời như thế nào, dù ở quốc độ nào, dù ở đâu, dù nghịch cảnh có xô đẩy, dù bão tố có ập tới, dù muôn trùng những điều không như ý cứ luôn luôn hiện diện trong cuộc đời. Bạn và Bảo Thành vẫn tươi, vẫn đẹp, vẫn thoải mái, vẫn thong dong, vẫn buông thư và biết xả bỏ những điều chẳng cần khi đã qua đi. Các bạn, đời sống ngắn dài thì không ai biết được về chính cuộc đời của mình. Nhưng nếu liên kết thành một chuỗi thì chuỗi thời gian trôi qua, nghe chữ chuỗi nhanh, ngắn, dài, chậm tùy thích nhưng ít nhất trong chuỗi thời gian của cuộc đời mà chúng ta có thể đo được nó ngắn dữ lắm, nó không có dài đâu, chẳng dài. Và chẳng ai biết được mình sẽ bước được tới đâu trong chuỗi thời gian tạm gọi là cuộc đời của chính mình. Cho nên sao ta lại vùi đầu trong đam mê, trong tục lụy, phiền não, khổ đau để mà đi thất thểu, rên siết, khóc than. Mà không đi một cách tự tại, bước từng bước chân trong chánh niệm hơi thở để được mặt đất ôm ấp che chở, để chúng ta có thể gắn kết chặt chẽ với mặt đất này, giao tiếp với mặt đất trong sự giao thoa cảm ứng. Và biết tri ân tất cả những điều gì đang hiện diện trong cuộc đời của mình để vui, để đi ngẩng đầu lên ngắm sao trời, cúi xuống nhìn hoa, cỏ dại bên đường, hoặc nhìn thẳng về phía trước đón ánh bình minh nhẹ nhàng.

Cách sống nào cũng chỉ là một đời, nhưng sống để vui, sống để tự tại, sống để hạnh phúc, sống mà muôn nỗi khổ tới rồi phải đi chẳng có thể bám vào nơi tâm. Cách sống đó là cách sống nên lựa chọn để mà sống. Trong mật thiền chánh pháp Phật, chúng ta, các bạn đồng tu trân quý từng giây phút đang còn được sống với hơi thở, ta trân quý từng giây phút mà tha lực Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác của những mật ngôn ta tổng trì qua hơi thở, tiếp nhận được năng lượng của Phật, của Bồ Tát. Thong dung với muôn loài, chẳng ngăn ngại, gần gũi với vũ trụ, tự tại với thiên nhiên, hòa nhập với chính mình, rất hay. Sự tu này giúp cho chúng ta sống thật ngay trong chánh niệm hiện tại, sự tu này giúp cho chúng ta tìm lại được chính mình, sống trong Tỉnh giác, sống trong Trí tuệ, sống trong Từ bi.

Không có một chuyện gì trên đời này ngồi đó để ngửa tay lên trời mà xin, để rồi đâu đó nó rụng vào tay, không có. Nhân quả là định luật được Đức Phật giác ngộ và khám phá ra. Nhân quả ấy cho do chính ta gây ra hoặc tạo dựng, chúng ta cần phải chủ động để gieo nhân gặt quả, đừng phũ phàng với bản thân để bỏ cuộc đời của ta thành hoang phế, mà phủ phê với những điều bỡn cợt rồi đau khổ phiền não tràn ngập. Hãy biết tự chăm sóc cho bản thân, trân quý đời sống này. Đời sống ngắn ngủi lắm, không có dài đâu, phải biết trân quý và ứng dụng đời sống ngắn ngủi của ta làm lợi lạc cho chính mình. Lợi lạc về mặt an lạc, bình an, lợi lạc về mặt hạnh phúc, vui vẻ. Rác rưởi của phiền não, đau khổ, của những sầu bi ai oán, giận hờn, ghen tuông sẽ làm hôi thối cuộc đời của mình. Ta nhất định phải nhận ra để trở thành người biết lượm rác trong tâm, gội sạch mọi uế trược, làm mới tâm hồn và đời sống.

Các bạn, mật thiền chánh pháp Phật, một phương tiện nhiệm mầu, khi thực tập đúng với tâm thành kính, chân thành ta sẽ nhìn rõ được mình nhiều hơn như ngọn đèn được bật lên sáng tỏ, sẽ nhìn thấu vì lúc ấy màn đêm sẽ dần tan, mọi sự sẽ sáng ra. Mật thiền chánh pháp Phật có năng lượng vi diệu là bởi vì chúng ta dùng tự lực, một lòng quyết tâm nỗ lực, tinh tấn trong Chánh Định của Chánh Niệm để giữ tâm có được Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, ứng dụng ngôn ngữ thiện lành, sử dụng nghề nghiệp tốt đẹp và giữ cho thân mạng sống cho đúng, thì nhất định mỗi người chúng ta sẽ tốt. Có những cái đơn giản và bình thường nhưng phước báu thật nhiều, nhưng nhiễu nhương thay chúng ta chẳng để ý, mà đắm chìm trong những chuyện gọi là phi thường, huyễn ảo, để rồi ta trở thành người bất thường, khùng điên. Chính vì tự lực như vậy đó mà ta có được cảm ứng với tha lực của chư Phật mười phương.

Người ta nói tu mật thiền là tham đắm vào tha lực, cách nói này sai. Tha lực là lực ở bên ngoài, chúng ta đang sống với tự lực cầu sinh trong chánh niệm, luôn phải nương vào tha lực của thiên nhiên, của đất, của trời, của mặt trời, không khí, nước, cây cỏ, muôn thực vật, động vật, của tất cả. Luôn luôn phải đón nhận tha lực, tha lực là gì? Là cái lực, là năng lượng bên ngoài ta tiếp nhận vào bên trong, do tự lực chủ động tác ý thiện mà đón nhận. Hiểu như vậy bạn mới thấy thông tuệ, nhẹ nhàng, còn không ta bị ám ảnh bởi Kinh sách và nhiều người nói tha lực không được, phải tự lực. Bởi vì người ta nghĩ tha lực là thần thông, nhưng đối với Bảo Thành tha lực là năng lượng chúng ta tiếp nhận từ bên ngoài, tự lực là năng lượng ta khởi lên. Tự lực và tha lực là năng lượng cảm ứng trong ngoài, ta, trời Phật, vũ trụ thiên nhiên, thế giới xung quanh chúng ta.

Trong mật thiền có tự lực và tha lực, tự lực khởi lên từ tâm thiện để nương vào Phật – Pháp – Tăng, để trọn đời giữ năm giới và tôn chỉ hành được mười điều thiện. Thể nhập vào trong hơi thở, kích hoạt tình thương để lan tỏa, thắp sáng đuốc tuệ để nhìn thấu, buông xả và đánh thức mình trong trạng thái tỉnh giác, thức tỉnh, không u mê, đó là tự lực. Tự lực ấy sẽ cảm ứng được tha lực, vi diệu lắm các bạn. Trong khi chúng ta tu, mỗi người chúng ta sẽ tiếp cận được thật nhiều năng lượng gọi là tha lực ở bên ngoài, nơi các bậc Giác Ngộ, nơi thiên nhiên tự tại, vũ trụ, muôn loài, muôn vật cùng với ta hòa nên thành một, chẳng phân biệt, ngăn ngại. Trở nên một rất hay, cái hay này chỉ có cảm nhận được do những ai một lòng thành kính, chân thành, chân thật đón nhận trong mật hạnh, trì hạnh hằng ngày.

Hôm nay, một bạn gửi về để Bảo Thành nói và chia sẻ về bốn chữ “Công Dung Ngôn Hạnh ”. Công dung ngôn hạnh, bốn chữ này là bốn chữ vàng, bốn chữ đức của người xưa, người ta gọi là tam tòng tứ đức. Công dung ngôn hạnh là tứ đức, bốn điều tạo ra công đức, phước đức của người xưa. Nhưng tuổi trẻ của chúng ta hiện nay với ngôn ngữ thời đại được cập nhật hóa từng giây phút, những mặt chữ mặc định cho những ý nghĩa cuộc đời tới và đi quá nhanh. Cho nên thế hệ của chúng ta, đặc biệt các bạn trẻ bốn chữ công dung ngôn hạnh nó xưa quá, nhìn mặt chữ nó cũ quá. Đọc ra cái âm thanh nó cổ kính, nó huyền thoại, nó mơ hồ, nó phong kiến, nó chẳng hợp, quan tâm để làm gì, lặp lại để nó lập dị hay sao? Và thế bốn chữ tứ đức công dung ngôn hạnh ta chẳng bao giờ chuyển ngữ thành ngôn ngữ hiện đại, hoặc chuyển ngữ để hiểu được coi Đức Phật có nói về công dung ngôn hạnh hay không?

Nếu các bạn trẻ ngày nay từ mười mấy tuổi đến độ ba mươi tuổi, nghe câu công dung ngôn hạnh hờ hững lắm. Hoặc lớn hơn nửa thì cũng chẳng còn hợp, 50 đến 60 nghe vậy thôi chữ của cổ nhân, chữ của nhà nho thời này có hợp đâu. Bởi chúng ta nhìn mặt chữ để đoán mò mà chẳng phân tích để hiểu thấu. Đã gọi là bốn điều tạo công đức, tạo phước báu thì ngàn đời tuy ngôn ngữ có thể xưa, mặt chữ có thể cũ nhưng ý nghĩa luôn luôn phù hợp mới gọi là lời của bậc Thánh, mới gọi là lời dạy của bậc Giác Ngộ. Nếu nhìn về lịch sử một chút xíu thì ta nhận ra bốn chữ công dung ngôn hạnh là của thầy Khổng Tử. Thầy Khổng Tử chắc chẳng ai biết vào thời nào đâu, rồi khi nói tới chữ tam giáo là gọi là Lão giáo, Khổng Giáo, Phật giáo. Ba cái giáo này hồi xưa gọi là tam giáo.

Các bạn trẻ, nghe sơ thôi có một chút dữ liệu để chúng ta lướt qua mà trở về với kỷ nguyên mới, ý nghĩa rõ hơn trong thời đại ngày nay của bốn chữ công dung ngôn hạnh. Nếu lịch sử để lại bài học thì lịch sử vẫn nói thật rõ về tam giáo của Lão giáo, Phật giáo và Khổng Giáo. Ba cái gọi là tôn giáo này hình như nếu mà đúng, thì cũng được thành lập vào cùng một thời cách nhau khoảng chừng 20 năm thôi, chẳng có xa nên cùng một thời đại. Lịch sử ghi Lão Tử sinh ra trước Đức Phật khoảng chừng 5 năm, nghĩa là Đức Phật sinh ra sau Lão Tử khoảng 5 năm. Còn thầy Khổng Tử sinh ra sau Đức Phật 15 năm. Thì so với Lão Tử, Khổng Tử cách 20 năm, cách Đức Phật 15 năm. Ba vị này đều có những ý tưởng và sự đột phá về nền giáo lý ứng dụng vào lễ nghi, đời sống, xã hội trong con người Á Đông của chúng ta, đời sống xã hội. Lão Tử và Đức Phật nghiêng về tôn giáo nhiều hơn còn Khổng Tử nghiêng về đời sống của con người, trật tự của xã hội, văn hóa. Cả 3 sự nghiên cứu, hiểu biết, thông suốt của các Ngài, đặc biệt của Đức Phật thời ấy đều lan tỏa, ảnh hưởng tới nhau.

Người xưa các bậc hiền triết, các bậc đạo sư, các bậc có kiến thức rộng, thường luôn luôn khiêm tốn hạ mình nghiên cứu, vân du đây đó để học. Như Đức Phật của chúng ta cũng từng học đến 3 vị thầy, 2 vị thầy trước đó và học cùng 5 anh em Kiều Trần Như rồi mới tổng kết tất cả những điều đã học. Thuở nhỏ thì Ngài cũng đã học được cùng với biết bao nhiêu vị giáo sư mà vua Tịnh Phạn mời về dạy. Ngài tổng kết, nghiên cứu, tổng hợp và tự lực tu hành để khám phá ra chân lý của nhân quả, cho nên đức hạnh của Ngài lan tỏa thật rộng. Thầy Khổng Tử cũng còn rất trẻ, chúng ta cứ nhớ rằng khi Đức Phật giác ngộ ngài 37 tuổi thì Ngài Khổng Tử mới có 22 tuổi, một thanh niên lực lưỡng, trẻ đầy sự khám phá, có dũng khí và cứ thế thầy Khổng Tử cũng lớn dần theo sự lan tỏa của Đức Phật. Cho nên những lời dạy của Ngài Khổng Tử theo nho giáo, theo chữ hán cũng tích lũy từ những kiến thức nơi các bậc thầy đi trước, những vị đã giác ngộ. Và bốn chữ  “Công dung ngôn hạnh” người ta đã ghép cho chữ nho là cổ hũ nên bỏ, chẳng nghiên cứu để tìm hiểu mà coi thường.

Các bạn, chữ “Công” được ông bà mình đặt cho là gia chánh tức là phải biết thêu thùa, đàn ca, làm việc bếp núc, đặt nặng về những điều đó. Nhưng đối với Bảo Thành nhìn vào lời của Đức Phật và ngôn ngữ hiện thời thì chữ công chẳng phải là thủ công. Mà chữ công là một nghệ thuật sống khéo léo, hài hòa trong tương tác giữa vợ chồng, giữa ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuốc, cộng đồng và xã hội. Một cuộc sống thật khéo để hài hòa hết mọi người. Một cuộc sống thật khéo để khi ăn nói được mọi người thương mến. Một cuộc sống thật khéo để bớt thù thêm bạn. Một cuộc sống liên đới với cộng đồng xã hội nhân quần, làm lợi người, lợi mình. Cái khéo đó là phải tu tập đó các bạn ơi, khéo đó chẳng phải là biết may mặc, thêu dệt, đờn ca rồi nuôi con các thứ. Ngày xưa như vậy là cái nhìn rất gọn bởi phụ nữ thời ấy chỉ như vậy mà thôi. Nhưng ngày nay trên các chiến trường của những vị thương gia, biết bao những nữ anh hùng, nữ giám đốc, nguyên thủ, tổng thống. Chúng ta thấy, phụ nữ ngày nay ở muôn mặt đều hiện diện bởi trí tuệ rất cao. Cho nên chữ công ở đây nó không còn nằm trong sự mặc định của người xưa, mà chuyển thành thật rõ như lời Phật dạy cho người phụ nữ. Một trong 7 điều những người phụ nữ cần đó là sự khéo léo, khéo nói, khéo ăn, khéo ở, khéo tương tác, khéo sống, khéo hòa hợp, khéo chăm sóc cho mình và những người khác, hay lắm.

Chữ công được Khổng Tử đặt vào tất cả những hàm ý sự khéo léo mà Đức Phật đã dạy. Ngày nay nếu dịch giải cho rõ hơn ở thời đại này, thì không hẳn người phụ nữ nữa, mà tất cả mọi người đều cần phải thật khéo trong cuộc sống. Để tâm sân giận, tham của ta đó, u mê khờ khạo của ta và của người không có cơ hội thoát ra mà chằng chịt, cột chặt chúng ta. Chữ công như vậy đó các bạn, chữ công như vậy mới là chữ mà mỗi người không thể bỏ qua, mỗi người cần phải trân quý, suy nghĩ. Phật dạy về chữ công như thế, chữ công là khéo léo, biết hằng thuận, biết tùy duyên, biết hòa hợp, biết san sẻ, biết cống hiến, biết chăm sóc và biết tự lực đứng dậy để lợi người, lợi ta. Đó là chữ công Khổng Tử tóm gọn lại trong hàm ý quá lớn Đức Phật dạy, mà ngày hôm nay khi khai thác chữ công này các bạn thấy, thì ra chữ công vẫn còn hữu dụng, chẳng phải về mặt chữ nhưng về mặt ý nghĩa. Nếu ta sống không khéo, các bạn thấy đi hậu quả là gì?

Nói đến chữ “Dung” thì người xưa gọi là dung nhan, cho nên thường lựa chọn những người có dung nhan đẹp. Công dung ngôn hạnh thường là để cho lá ngọc cành vàng, ám chỉ cho con vua, con quan, con tể tướng, những người giàu sang, đẹp, chữ dung đó là chữ dung vứt bỏ vào xó nhà. Chữ dung mà Ngài Khổng Tử đặt tay viết lên chữ đó là bao hàm ý nghĩa của Đức Phật, của những bậc Thánh hồi xưa để lại. Chữ dung đó là cái đẹp của tâm hồn thoát ra nơi oai nghi, đi đứng nằm ngồi, nơi vẻ đẹp tâm hồn của nội tâm, nội lực hiểu thấu, có trí tuệ tỏa sáng nơi mỗi một người dù nữ hay nam, đó mới gọi là chữ dung. Các bạn, người ta cứ thích cái đẹp ở bên ngoài, cái đẹp đó là cái đẹp của vô thường hư mất, tới rồi đi. Nhưng cái đẹp tâm hồn nơi mỗi một người thoát ra, cái đẹp ấy dù cho ngàn năm, dù cho vô lượng kiếp cái đẹp của tâm hồn vẫn tỏa sáng và tồn tại.

Cho nên chúng ta phải hiểu được chữ dung chẳng phải nói về nhan sắc, đừng nói về nhan sắc để rồi đổ dồn tiền bạc đi sửa sắc đẹp động vào khuôn mặt, cắt bỏ thân xác, đắp vào những cái như ý. Cái đẹp đó cũng là một cái đẹp nhưng chỉ là bề ngoài, thời gian nhẹ trôi qua trong một thoáng thôi thì cái đẹp mà ta cố vun trồng, đắp kia nó để lại biết bao nhiêu tàn tích, dấu tích, thương tích của những dị tật đau đớn nơi tâm hồn, nơi thể xác. Nói như vậy không phải chúng ta không được làm đẹp ở bên ngoài, không được tân trang thân xác này. Nhưng nói như vậy để thấy quan trọng hơn là cái đẹp của tâm hồn, là sự cao quý mà Đức Phật dạy, là cái mà Khổng Tử dùng chữ dung, dung nhan. Dung nhan ấy bây giờ ra sao? Dung nhan ấy là dung nhan của tâm hồn, của cái đẹp thanh cao. Bây giờ là hiện tại, dung nhan ấy là vô lượng kiếp qua, tâm hồn của vô lượng, thần thức của vô lượng kiếp qua bây giờ là hiện tại ra sao? Đấy, các bạn thấy không, cho nên đừng hờ hững với chữ của nhà nho hoặc theo phong trào chữ nho là phong kiến, là tụt hậu, không, không.

“Vô cổ bất thành kim”, không có quá khứ, không có cổ nhân, không có kinh nghiệm người xưa ta cũng trở thành người đồ đá thôi, là người nguyên thủy của hiện đại chứ có biết gì đâu. Những gì ta biết đều là tiếp cận học hỏi, tiếp nhận tri thức người xưa.

Chữ “Ngôn”, ngôn là ngôn ngữ. Đức Phật dạy về khẩu nghiệp, nói thêu dệt, nói đâm thọc, nói thô ác, nói thêm bớt, đâm bị thóc thọc bị gạo, đầy hết từ xưa cho đến nay. Nói đến chữ ngôn người ta chê, không phải đâu, người phải khéo ăn, khéo nói đó các bạn, Chánh Ngữ trong Bát Chánh Đạo, đó chính là ngôn. Các bạn, về mặt ngữ nghĩa ta vẫn phân biệt, Nho giáo, Khổng giáo, Phật giáo, tôn giáo này, tôn giáo kia, phong kiến, hiện đại cứ như vậy rồi tranh giành mà bỏ qua, chẳng thấu lý, hàm ý bên trong để rồi hờ hững. Chứ còn ta chuyển ngữ cho đúng, chữ ngôn chính là Chánh Ngữ, ái ngữ, những ngôn ngữ thanh cao, thiện lành được thể hiện trong cuộc sống.

Nhất ngôn khả dĩ hưng bang

Một lời mà ứng đúng thì cả quốc gia được lợi, một lời không đúng thì tan hoang cả nước nhà, ngôn rất quan trọng. Đừng đổ lỗi cho chữ nho để rồi ta chẳng hiểu mà tu luyện đời người.

Hãy nhớ thầy Khổng Tử cũng là một vị thầy, một vị thánh nhân nghiên cứu học hỏi bởi vì thầy Khổng Tử đã từng tìm thầy Lão Tử để học và học được nền văn hóa của nhà Chu để tiếp tục phát triển cho tới ngày nay. Thầy Khổng Tử cũng âm thầm nghiên cứu kinh điển, lời xưa, giáo nghĩa uyên thâm của các bậc thầy giác ngộ. Thì lời của Đức Phật, Thế Tôn nhất định phát triển, lan tỏa khắp vùng Á Đông của chúng ta, thì dĩ nhiên Ngài Khổng Tử cũng học được. Những bậc thầy vẫn còn lưu truyền lại cho hậu thế những kinh nghiệm cao quý để thực hiện mà sống, đều là những người có tấm lòng khiêm tốn, hiếu học, biết tiếp nhận, không bao giờ ngã mạn. Câu chuyện về thầy Khổng Tử chúng ta thấy một em bé đắp thành cát mà Ngài đi ngang qua bảo em nó tránh cho ngựa đi.

Em đó nói “Ông không nhìn thấy đây là thành hay sao, ngựa tránh thành hay thành tránh ngựa?”.

Ngài Khổng Tử thấy một em bé nói đúng ý nghĩa dù chỉ là thành cát em đang đắp chơi. Thấu nghĩa, thấy kinh ngạc, mến yêu, nhường bước, khiêm tốn học được từ một em bé như vậy thì thầy Khổng Tử đã tổng hợp chữ ngôn trong công dung ngôn hạnh.

Còn chữ “Hạnh” là đức hạnh đó các bạn. Người phải có sự khéo léo và có tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ, biết dùng ái ngữ, chánh ngữ với hạnh đức, thì công dung ngôn hạnh người ấy cũng làm đúng lời Phật dạy mà. Chuyển ngữ thành nho giáo hiện tại thì thật dễ rồi, hãy khéo sống bằng ý thiện lành, lan tỏa vẻ đẹp tâm hồn, ứng dụng lời hay ý đẹp trong ngôn ngữ của tình thương và luôn tu dưỡng đức hạnh. Người ấy chẳng nam, chẳng nữ mà là của mọi người cần phải tu dưỡng, để có được tứ đức tức là bốn công đức lớn trong cuộc đời. Tứ đức là như vậy, ý nghĩa thật đơn giản nếu chúng ta nghiên cứu, chúng ta hiểu, chúng ta chẳng còn bị những ai đó dẫn dắt nho giáo là đạo phong kiến, là học phong kiến, không. Dĩ nhiên trong phong kiến, hiện tại hoặc quá khứ muôn điều được học, được lưu truyền đều có cái còn ứng dụng được và cái không cần ứng dụng nữa.

Nhưng nói về đức hạnh, nói về nhân cách, nói về giáo dục, nói về cách sống như thế nào để nâng tầm có ý nghĩa lợi mình, lợi người thì các bậc thánh nhân, các bậc giác ngộ đều thấu. Cho nên công dung ngôn hạnh chẳng chỉ ám chỉ cho nhà nho của Khổng Tử dạy. Những gì Khổng Tử dạy gọi là Nho giáo, những gì Lão Tử dạy là Lão giáo, những gì của Phật dạy gọi là Phật giáo. Các bạn, ta phải mở rộng, không ngăn ngại, nhìn tỏ một chút, thấu một chút để nhẹ nhàng. Trong bất cứ một thời đại nào luôn luôn có những người dẫn dắt chúng ta sai ý về mặt ngôn ngữ để phỉ báng, chê bai.

Vô cổ bất thành nhân

Không có người xưa ta vẫn tay trắng, trắng tay như người nguyên thủy của thời đại mới, mần mò trong những điều chẳng thể hiểu. Nhưng nhờ người xưa còn để lại mà ta được đi học từ thuở nhỏ, được tiếp thu kiến thức, kiến thức đó là của ngàn năm xưa, của bao nhiêu đời xưa, ông cha, những bậc thánh nhân, những bậc giác ngộ còn lưu truyền. Nhờ đó mà ta không mần mò trong tăm tối.

Các bạn, công dung ngôn hạnh cần phải được chuyển ngữ phù hợp theo thời đại như Bảo Thành vừa gợi ý, để các bạn nghiên cứu, tìm học, để các bạn khai mở, ứng dụng, để đừng về mặt ngữ nghĩa mà chê bai nho giáo. Mà hãy nhớ rằng thầy Khổng Tử là một vị thầy luôn luôn nghiên cứu học hỏi rất khiêm tốn. Và trong bốn chữ  “Công dung ngôn hạnh” hàm ý cao siêu, tàng ẩn lời dạy của Đức Phật, của các bậc thánh nhân xưa, mà Bảo Thành nói lại ý nghĩa thời đại cho nó dí dỏm dễ hiểu hơn. Công dung ngôn hạnh có nghĩa hãy sống một đời sống khéo léo bằng các pháp thiện lành trong tương tác, để vẻ đẹp của tâm hồn thoát lên làm cho muôn người dễ thương, dễ mến ta, và hòa hợp với muôn người bằng ngôn ngữ dễ nghe gọi là ái ngữ, chánh ngữ đó, những ngôn ngữ thanh cao, chan chứa tình thương và tô điểm cuộc đời bằng đức hạnh. Chỉ có vậy thôi, đúng mà, thời đại ngày nay nếu ai chẳng nam, chẳng nữ mà là người hiểu thấu, ứng dụng, học hỏi, nghiên cứu và thực thi được, thì nhất định cuộc đời của người ấy sẽ là một khúc khải hoàn ca để đưa ta về trong sự an lạc và hạnh phúc. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con thường dễ bị vướng mắc bởi những sự dẫn dắt của người ngoài, mà từ đó đả phá, chê bai những lời dạy của những bậc cổ đức, thánh nhân thời xưa. Rồi những lời ấy đã bị chúng con quẳng vào xó nhà, chẳng màn tới. Với tâm khiêm tốn, chân thành, thành kính, hiếu học và với trí tuệ Phật soi sáng có sự tỉnh thức hiện hữu trong Chánh Niệm, với tình thương lan tỏa, ngôn ngữ không ngăn ngại của mọi thời đại. Ý nghĩa bao trùm ở trong đó vẫn được diễn giải đúng, để chúng con thực hành mang lại lợi lạc trong cuộc đời của chúng con và tất cả những người chúng ta đang có cơ duyên đồng hành trong cuộc sống này. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng Trí tuệ, sống đời Tỉnh giác.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts