Search

3194. Cho Đi Để Có Cuộc Sống Tốt Hơn

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh Youtube, Facebook và Zoom.

Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết miên mật hành trì mật thiền chánh niệm hơi thở, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống một đời Tỉnh Giác trong từng hơi thở để quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào thở ra nhẹ nhàng chậm rãi, toàn thân buông thư, lưng, đầu, cổ giữ cho thẳng. Hãy nhớ rằng Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong mật thiền chánh pháp Phật, mỗi một hơi thở vào ra chúng ta quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh Giác quán trong chánh niệm hơi thở, gắn kết với chư Phật, chư Bồ Tát, với vũ trụ, với tự thân. Tiếp nhận năng lượng, chuyển hóa nghiệp chướng và nuôi dưỡng cuộc sống của tinh thần, tâm linh, lan tỏa và hồi hướng cho muôn loài. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng và lan tỏa tới muôn người.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu mến yêu, hôm nay Bảo Thành đang ngồi tại Đại Hùng Bảo Điện Chùa Xá lợi tiểu bang Pennsylvania, trong lòng cảm thấy thật hạnh phúc bởi trong từng hơi thở vào ra chánh niệm để cảm nhận tương thông, gắn kết với Phật, với Bồ Tát, với trời đất, với vũ trụ, với tự thân của mình trong trạng thái buông thư toàn diện, nhẹ nhàng, an nhiên. Và Bảo Thành tiếp nhận được thật nhiều năng lượng thanh tịnh tràn đầy nơi thân tâm, sự hỷ lạc dâng tràn, trong lòng cảm thấy thơi thới. Chắc chắn tất cả các bạn trong giờ phút này đang tĩnh tọa mật thiền chánh niệm trong hơi thở, tổng trì mật ngôn Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác, các bạn cũng nhận được năng lượng như Bảo Thành, nhận được. Năng lượng khi nhận được từ trời Phật, từ vũ trụ trong trạng thái buông thư, an nhiên, tự tại, không vướng mắc, làm cho thân này được khỏe, tinh thần được tịch tĩnh, trong sáng. Dĩ nhiên khi thân khỏe, tâm sáng, cuộc sống của chúng ta sẽ tốt hơn mỗi một ngày.

Cuộc đời như một dòng sông trôi mãi, có những khúc quanh co gập ghềnh, cũng có những lúc mà khúc sông ấy thẳng, nhẹ nhàng đầy phù sa, dòng nước đục, dòng nước trong vẫn nổi trôi, thế nhưng dòng sông kia luôn luôn cứ chảy mãi và mang tất cả của thiên nhiên cho thiên nhiên. Dòng chảy của cuộc sống là một sự vận hành mang những điều ưu tú, tốt đẹp nhất từ chỗ này bồi đắp vào chỗ khác, như phù sa của dòng sông. Đó là cách nói nhưng nhìn cho rõ thiên nhiên này luôn biết cho đi, thiên nhiên không giữ lại bất cứ một điều gì, bởi trong cõi trời đất này đều là vô thường sanh diệt. Nếu có mà không biết cho đi thì nó cũng tận diệt mà thôi, nhưng khi biết cho đi là đã biết tự chăm sóc, bồi đắp cho những khiếm khuyết của chính mình, để tăng trưởng đời sống và làm cho đời sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Các bạn, chủ đề “Cho đi để làm cho đời sống tốt hơn”, điều này rất đúng!

Bạn cứ nghĩ đi, từ thuở mình mới sinh ra, chúng ta chỉ nhận mà thôi, nhận tình thương nơi cha nơi mẹ, nhận sự cho đi cả cuộc đời của mẹ cha, cho ăn cho uống, cho ăn cho học, cho tất cả và ta là người nhận sự cho đi của cha mẹ, mà như hôm nay ta thành người, thành nhân. Đó là cái nhìn đơn sơ mộc mạc, nhưng mỗi người chúng ta luôn luôn đón nhận được sự cho đi của tất cả. Hành tinh nhỏ bé này đã cho ta sự sống qua hơi thở, qua nắng mưa, cây cối rau quả, ta cứ nhìn đi tất cả trong thiên nhiên này đã ưu đãi cho ta, để ta đón nhận và được sống tốt hơn mỗi ngày. Cứ nghĩ thử mỗi một sự sống, mỗi một vật sống đều tách rời nhau, không biết cho đi, thì chẳng có gì tồn tại ở trên thế giới này. Ta thay đổi chữ cho đi theo một cách gần gũi hơn, tức là chăm sóc cho chính mình. Cho đi để cuộc sống tốt hơn dịch theo chữ bình thường Bảo Thành hiểu là hãy chăm sóc cho chính mình, bằng cách hiến dâng để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.

Bạn có nghĩ rằng chúng ta đã được cha mẹ, người thân, xã hội, cộng đồng, thiên nhiên, hiến dâng quá nhiều cho chúng ta hay không? Có! Qua sự đón nhận kiến thức ở đời, sự sống, tình yêu thương, qua vật chất, tinh thần và tâm linh, những điều cao quý của kiến thức khoa học, xã hội được truyền lại từ nhân loại nói chung đều là sự cho đi, sự hiến dâng của người xưa và ta là người tiếp nhận để tồn tại, sống và làm tốt hơn cuộc đời của chính mình. Hãy nhìn một chút xíu nữa vào cuộc sống này, bạn tồn tại được chính là bởi vì thiên nhiên nơi ta đang sống đã cho ta một hơi thở vào ra, có đầy đủ dưỡng khí oxy nuôi dưỡng. Nhỏ nhỏ nhìn thế thôi rất bình thường, nhưng thấy trong cõi trời, cõi đất, cõi người này chúng ta luôn có sự giao thoa tương tác, để chăm sóc cho tự thân qua hành động hiến dâng cho đi. Cho đi để có cuộc sống tốt và đẹp là ý nghĩa cao cả mà các bậc đứng đầu các tôn giáo, hoặc ông bà cha mẹ chúng ta, hoặc ngay chúng ta dạy dỗ con cái của mình, là luôn luôn phải biết cho đi. Thôi, bây giờ chúng ta dùng chữ cho đi đó là chăm sóc cho bản thân mình, cho đi là chăm sóc cho cuộc sống tốt đẹp.

Có một kẻ keo kiệt cả cuộc đời chỉ biết vơ vét và anh ta không bao giờ biết cho, biết giúp đỡ, biết hiến dâng và như thế đi đâu anh ta cũng sợ hãi người ta sẽ lấy đồ của anh ta, đi mua bất cứ một thứ gì anh ta cũng keo kiệt, trả giá và sợ mua với giá cao. Cho nên dù rất giàu, cuộc sống của anh ta vẫn rất khổ sở, bởi ngày đêm lo lắng mất của, đi đâu cũng sợ bị lừa gạt. Một hôm Diêm Vương hỏi anh ta “Anh có của cải nhiều như vậy mà không xài, thì khi ta mời đi anh mang được gì?”

Anh ta sợ Diêm Vương nói như vậy là lừa gạt để lấy đồ của anh ta, anh ta nói với Diêm Vương “Cái gì của ta sao ta không thể mang đi, cả cuộc đời ta tần tảo làm được, ta không thể cho ai lấy đi”

Diêm vương ngồi bên bàn kia cười nâng chén trà và nói “Những điều ông suy nghĩ rất đúng với quan điểm của ông, nhưng hoàn toàn không đúng khi ngày mà ông ra đi theo ta về cõi bên kia thế giới.”

Ông ấy chẳng bao giờ tin, ông ta bắt đầu cho những người làm đóng thùng tất cả của cả, buộc chặt vào chân, vào người và thách đố Diêm Vương rằng “Nếu ta chết mà không mang đi được tất cả những gì ta có, ta không mang đi được tất cả những gì ta có thì nhất định, ta là người không bao giờ chấp nhận điều ấy, bởi những điều ta có là của ta sao không thể mang, và điều đó khẳng định rằng trên thế gian này những gì chúng ta tìm được, chúng ta có là luôn luôn thuộc về của ta, ông đừng lừa gạt.”

Thế rồi khi ông ta mất đi, thật sự khi tỉnh dậy trong một cõi mơ màng, huyền ảo nào đó, ông thấy trơ trọi. Diêm Vương lại đến thăm gõ cửa, ông ấy sợ hãi, ôm ấp tất cả những gì tưởng là có cột bên mình, nhưng sờ soạng hoài ông ta mới nhận ra bên cạnh ông ta hoàn toàn chỉ là sự trống vắng, không có một thứ gì tồn tại. Diêm Vương lúc ấy mới mời ông ta trở về cõi trần để nhìn của cải của ông ta, nhà cửa của ông ta và ông ta thấy con cháu ở trong nhà đang đấu tố lẫn nhau, của cả của ông ta đang giằng xé bởi những người con và cháu trong gia đình, ông ta hối tiếc vô cùng.

Điều này chẳng phải là câu chuyện bình thường đâu, Bảo Thành còn nhớ trong một câu chuyện mà Bảo Thành đọc qua, câu chuyện ấy trong cuốn kinh thánh của đạo Thiên Chúa, nói về một ông nhà giàu không bao giờ biết cho đi. Có một kẻ ăn xin đi vào nhà của ông ta, đồ ăn của ông ta thảy xuống dưới cho chó ăn, nhưng người ăn xin ấy xin ông ta không cho. Khi ông ta chết đi ở dưới địa ngục không còn một thứ gì, đau khổ vô cùng. Nhìn lên trên thiên đàng mới thấy kẻ nghèo năm xưa mà bị hắt hủi không cho miếng ăn ở trên thiên đàng, ông ta khổ sở quá mới xin người ăn xin đang ở trên thiên đàng kia một giọt nước, nhưng người trên thiên đàng không thể cho và người đang ở dưới địa ngục, kẻ giàu keo kiệt kia xin ông ta hãy về và dạy nói sự thật cho con cháu của ông ấy biết, để ngày sau không vướng vào con đường lao lý, khổ sở trong địa ngục như ông ta. Nhưng rất tiếc âm dương hai cõi làm sao để nói cho nhau nghe.

Bảo Thành mượn những câu chuyện này để đánh thức sự suy nghĩ của mỗi người, đừng nghĩ rằng khi chúng ta cho đi là mất, mà phải nhận định rằng cho đi là chăm sóc cho cuộc sống của mình. Bạn trồng cây bạn phải cho cây phân nước và một môi trường sống tốt, và cây sẽ cho lại bạn hoa trái. Trong cuộc đời này cho đi là biết chăm sóc. Bạn trồng cây bạn không phải là cho cây uống nước, cho phân, mà biết chăm sóc những điều kiện cần thiết cho cây. Bạn khi hiến dâng cho mọi người, biết cho đi những điều bạn có, tức là bạn đang chăm sóc cho cuộc sống của bạn tốt hơn. Hãy nghĩ chỉ đơn giản vậy thôi, đừng cầu kỳ văn tự giáo lý cao siêu, triết học cho nhiều, để rồi chỉ đắm chìm mà chẳng thực tập. Đối với Bảo Thành càng nghĩ đơn giản càng dễ thực tập, đây nhìn vào ngay bây giờ các bạn, cho đi là chăm sóc cho mình và chăm sóc cho cuộc sống mình tốt hơn.

Bạn đang ngồi đây cùng với Bảo Thành, bạn biết cho bản thân của mình thời gian rõ ràng, trong một khuôn khổ để tu hành mật thiền chánh niệm hơi thở, đó chính là cho và cái cho này tức là biết chăm sóc cho đời sống của tinh thần, tâm linh và thể chất. Nhìn như vậy mới thấu rõ, rồi từ đó ta mới thấy được sự liên đới mật thiết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, với trời đất. Không có một thứ gì tách rời ra khỏi tất cả mà tồn tại được, luôn luôn nằm ở sự gắn kết trong sứ mệnh biết trao đi, biết cho đi, biết hiến dâng và hành động đó là tự chăm sóc cho cuộc sống của mình tốt hơn. Chúng ta thường cứ ki bo ôm ấp mãi và câu ở đầu môi là không có thời gian, tôi không có để cho, đợi, đợi, đợi đến bao giờ để có để cho, đợi đến bao giờ bạn hết bận rộn để cho mình một thời gian, một không gian, một giây phút tĩnh lặng trở về để chăm sóc cho đời sống của mình tốt hơn. Cho đi là chăm sóc cho tự thân, cho đời sống tốt hơn, phải nghĩ như vậy, phải thay đổi cách suy nghĩ. Đừng nghĩ rằng cho đi là mất, mà hãy nghĩ rằng cho đi là chăm sóc cho chính mình.

Trong một chuyến từ thiện, nhiều người nói với Bảo Thành ít có khi nào đi từ thiện bởi nghèo túng, không bao giờ có dư để cho. Bảo Thành có một số bạn đồng tu, cư sĩ đồng tu, trong những chuyến từ thiện có nhiều bạn không có gì để cho và ban tổ chức, các Thầy còn cố gắng bỏ tiền túi ra để thuê xe, mời gọi những người không có gì để cho đồng hành trên chuyến từ thiện ấy. Khi tiếp cận với những cuộc đời nghèo khổ, bệnh hoạn, neo đơn, mồ côi, bất hạnh, họ nhìn thấu cuộc sống hơn và họ nhận lại được sự nhận thức cao cả để tôn quý, tôn trọng. Đời sống của họ đã được ưu ái dành trọn bởi trời đất, ban, cho tặng họ một cuộc sống ổn định, không dư để cho nhưng đủ để không trở thành một cuộc đời bất hạnh đây đó. Trên những chuyến xe như vậy, Bảo Thành thường hỏi “Bạn đã cho những người kia, những cuộc đời kia thứ gì?”

Họ nói “Không có gì để cho”.

Các bạn thân mến, thật ra tất cả các bạn ấy đã cho thật là nhiều, cho sự an ủi, cho thời gian thăm hỏi. Ta cứ quan niệm cho là phải cho tiền, cho của, mấy ai nghĩ rằng cho ở đây là chăm sóc cho đời sống tốt hơn, cho tinh thần, cho lời nói, cho vật chất, cho kiến thức, cho thời gian, cho sự chăm sóc. Mà chữ cho đó nhà Phật gói trọn trong chữ gọi là bố thí, bố thí ba la mật, bố thí đứng đầu tất cả các pháp tu. Trong lục độ ba la mật – 6 con đường đi đến sự chứng đắc được đạo quả, mang lại sự hạnh phúc và an lạc, thì bố thí đứng đầu. Nâng cấp chữ bố thí cho đúng hơn gọi là cúng dường, cúng dường là hiến dâng, bố thí là trao tặng, định nghĩa lung tung quá, lôi thôi quá. Đối với Bảo Thành hiến dâng, cúng dường mang ý nghĩa kính trọng khi hiến dâng, chữ hiến dâng bình dị hơn.

Đức Phật đã biết cúng dường hằng hà sa số chúng sanh từ vô thỉ vô chung, để thành tựu được sự an lạc và giác ngộ, đó chính là cho cuộc sống tốt hơn đấy. Chính vì thọ ân trời đất, thọ ân đàn na tín thí, muôn loài chúng sanh mà khi đi đến sự nhìn thấu được sinh lão bệnh tử, gây ra đau khổ phiền não cho chúng sanh. Ngài lại hiến dâng cho đi luôn cả cuộc đời, thân mạng của Ngài trên con đường tầm cầu đạo giải thoát và trong suốt 45 năm trời Ngài vẫn là bậc dẫn đường để cho, để hiến dâng, để trao tặng cho nhân loại, cho con người, cho chúng sanh một con đường đi tới để thoát khỏi khổ đau phiền não.

Các bạn thân mến, cho đi là làm cho cuộc sống tốt hơn, chăm sóc cho cuộc sống tốt hơn bằng nghĩa cử thanh cao, biết hiến dâng. Đây không phải là một khái niệm, là một chân lý thực sự, mỗi một người trong chúng ta trong những ngày đầu năm qua không nghĩ sâu sắc, nhưng hành động lì xì cho nhau được trao truyền từ đời ông bà mình, để rồi ngày nay ta vẫn làm nghĩa cử đó lì xì. Lì xì tức là trao đi, tức là hiến dâng, tức là cho. Bạn có nhìn thấy khi người được nhận lì xì, bao lì xì của bạn đó, họ hạnh phúc, họ vui cỡ nào và khi nhìn thấy những người mình lì xì cho họ vui chúng ta cũng hạnh phúc, vui lắm. Lì xì là cho đi, lì xì là hiến dâng, lì xì là bố thí, lì xì là cúng dường, lì xì là chăm sóc cho đời sống của mình tốt hơn trong mối liên hệ mật thiết với tất cả những người ta có nhân duyên đang sống chung trong xã hội này, trong kiếp người này. Đấy, chỉ như vậy thôi, đừng lòng vòng nữa. Lì xì, ta hãy lì xì cho nhau những ngôn ngữ tốt đẹp, những lời chúc phúc. Ta hãy lì xì cho nhau những hành vi nhân ái. Ta hãy lì xì cho nhau những điều ta có bằng sự san sẻ tịnh tài, vật chất, tinh thần, kiến thức. Rất nhiều thứ chúng ta đều có dư để lì xì cho nhau.

Nếu nhận ra sự lì xì, sự hiến dâng, sự cho đi, sự cúng dường, sự bố thí, sự trao tặng là chăm sóc cho cuộc sống của mình tốt hơn, ta sẽ tích cực làm, điều này rất đúng. Bạn hãy suy nghĩ đi, bạn hãy suy nghĩ, bạn nhận được lì xì là nhận được sự hiến dâng của người ta và tập tục cao thượng của ông bà truyền lại, ta lại biết lì xì cho người khác. Tiếng Việt của mình lì xì, cho đi, bố thí, cúng dường, hiến dâng, được dùng trong từ gọi biếu, biếu cho nhau, rất hay. Nhiều thể loại ngôn ngữ quá, nhưng đồng một nghĩa cử là biết trao đi để cuộc sống của mình tốt hơn. Thiên nhiên cho, trao tặng, hiến dâng cho ta quá nhiều. Trời Phật trao tặng cho ta quá nhiều. Ông bà, cha mẹ trao tặng cho ta quá nhiều. Vũ trụ này trao tặng cho ta quá nhiều. Và nếu như chúng ta biết trao tặng cho nhau những điều ta có, dù rất đơn giản là một vòng tay nhân ái, một nụ cười yêu thương, một ánh mắt gắn kết không vướng mắc, tràn đầy năng lượng tha thứ, thì nhất định các bạn ơi, các bạn đang biết chăm sóc đời sống của bạn cho tốt hơn.

Bảo Thành thích cách nói đơn giản cho đi là chăm sóc cho cuộc sống của mình tốt hơn, như bạn đang cho mình những giây phút để chăm sóc cho tự thân qua mật thiền chánh niệm, qua hít vào thở ra, qua quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Bạn cho mình thời gian như vậy để tiếp nhận năng lượng và rồi bạn rải tới muôn loài, tức là nhận và cho, nhận và trao ra. Càng cho đi là càng chăm sóc cho cuộc sống tốt hơn, càng trao ra là càng nhận được nhiều hơn. Dòng sông luân lưu nước trong sạch mang sự sống tới muôn nơi, bị ngăn chặn thành hồ, thành ao, nó không luân lưu là sẽ hôi, nó sẽ thối, nó sẽ bốc hơi và nó sẽ cạn dần.

“Cho đi là chăm sóc cuộc sống của mình tốt hơn”, đừng bao giờ ki bo ôm ấp. Diêm Vương gõ cửa, ngày cuối cùng ấy từ bỏ cuộc trần này bạn chẳng thể mang được gì đâu, để như kẻ giàu một miếng ăn không dám cho kẻ nghèo, chết xuống địa ngục rồi nhìn lên thiên đàng xin một giọt nước cũng không được. Cho đi là chăm sóc cho cuộc sống của mình tốt hơn, ngay hiện tại và mãi mãi sau này trong cuộc sống tâm linh đừng trở thành kẻ keo kiệt. Các bạn, hãy trở về với hơi thở của mật thiền.

Thưa Phật! Vạn pháp đều vô thường sanh diệt, chẳng có một điều gì tồn tại mãi, chỉ có tình thương để lại đời khi mỗi người chúng con biết hiến dâng, biết bố thí, biết cúng dường, biết trao tặng, biết cho đi, biết chăm sóc đời sống của mình cho tốt hơn. Xin chư Phật gia trì cho chúng con luôn luôn có một trái tim mở rộng.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, rải tới muôn nơi.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts