Search

3192. Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi Để Thành Công

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh Youtube, Facebook và Zoom.

Hôm nay mùng 5 Tết Quý Mão, chúng ta trở lại sự tu luyện mật thiền chánh pháp Phật. Giờ tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính thưa chư Phật mười phương, chư Bồ Tát! Hôm nay mùng 5 Tết Quý Mão, đệ tử chúng con trở về với sự tự tại của những ngày vội vàng đầu xuân, nguyện xin chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự mình đứng dậy, mở rộng lòng yêu thương, thắp sáng trí tuệ, sống đời tỉnh thức. Quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, tất cả những người yêu thương đã quá vãng nương bóng từ ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư tái sanh cảnh thiện lành. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm, vào ra chậm rãi, nhẹ nhàng hít thở, thong dong tự tại. Những ngày đầu xuân mọi người cẩn cẩn ghi nhớ lời Đức Phật dạy, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, lấy Từ Bi lan tỏa và nuôi dưỡng tình yêu thương. Mật thiền chánh pháp Phật quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tiếp nhận năng lượng yêu thương của chư Phật ban rải xuống cho chúng ta. Quán chiếu tâm Trí Tuệ để nhận rõ các pháp vô thường, khổ, vô ngã và quán chiếu tâm Tỉnh Giác để năm mới này mỗi người chúng ta đều sống trong sự tỉnh thức, yêu thương và trí tuệ.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa tới muôn loài, muôn người.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến. Hôm nay chúng ta dành toàn bộ thời gian nói về chủ đề các bạn gửi “Vượt qua sợ hãi để thành công”. Rất tuyệt vời! Rất tuyệt vời trong những ngày đầu năm Quý Mão 2023, chúng ta chia sẻ về sự sợ hãi và làm sao để vượt qua sự sợ hãi, đưa đến sự thành công trong cuộc sống. Thành công về mọi mặt, về kinh tế, về tình cảm, về cách sống xử thế ở đời, thành công sự an lạc hạnh phúc, thành công trên con đường chuyển hóa để thành tựu được sự an lạc, an vui trong cuộc sống.

Sợ hãi như tên trộm thường rình rập chúng ta mỗi một giây phút trong cuộc đời, ai trong chúng ta không hẳn chỉ có một tên trộm mà có hàng trăm, hàng ngàn tên trộm, đại diện cho biết bao nhiêu những sự sợ hãi tới. Sợ mất tiền mất của, sợ không thành công, sợ con cái hư hỏng, sợ bệnh tật, sợ nền kinh tế lung lay, sợ chồng ăn nhậu, sợ vợ hư, sợ sợ đủ thứ. Dĩ nhiên ngày đầu xuân ai cũng muốn đẹp, nhìn vào gương để soi hình trong ấy, thấy trên khuôn mặt có một chút khác thường, trên mái đầu có một vài sợi tóc bạc, sợ già. Xuân tới thì vui, hoa nở và sự chúc tụng mừng vui ở mọi nẻo đường, khu phố, gia đình, con người. Nhưng vẫn có những người rất sợ vì một năm mới tới chứng tỏ một năm đã qua, cái già đang tiếp cận. Nhiều cái sợ vu vơ, nghe người ta đồn, nghe người ta nói, sợ! Người ta không nói, không nhìn cũng sợ, vì trong cuộc đời này có biết bao nhiêu sự sợ hãi. Thị phi ở đời làm sợ, người ta nói xấu – sợ hãi, người ta không hỏi thăm mình cũng sợ, người ta hỏi thăm mình cũng sợ, rồi nhìn trước nhìn sau hình như ai đó luôn nói xấu, luôn tạo ra những điều hình tướng nguy hại đến ta, chẳng qua là bởi vì ta không nhìn rõ.

Như câu chuyện có một anh chàng kia mất viên hột xoàn, anh ta sợ mất viên hột xoàn lúc nào cũng nắm chặt ở trong tay, ngủ cũng vậy, đi đứng, nằm, ngồi cũng thế. Nhưng một hôm thức dậy không thấy viên hột xoàn đâu, nhìn ra cửa sổ thấy một người bạn đi từ xa anh ta thốt lên “Ôi trời ơi! Cái tướng thằng bạn của mình sao giống tên ăn trộm quá!”

Người bạn đi gần tới vẫy tay, anh ta mới lại thốt lên “Ôi trời ơi! Cái tay nó vẫy đúng là một kẻ ăn trộm lành nghề, nhìn bàn tay vẫy điêu luyện chắc là ăn trộm số 1”.

Người bạn tới gần cửa sổ mỉm cười, anh ta trong đầu lại “Ôi trời ơi! Sao mỉm cười giống tên ăn trộm thế!”

Và người bạn lướt qua cửa đi mất, anh ta thấy bóng dáng sao mà nhanh, mới thấy mà mất rồi, đúng là kẻ trộm cao tay nghề. Anh ta bực mình đấm xuống cái gối, vì người bạn tin tưởng lâu nay đúng là kẻ trộm, nhưng khi đấm cái gối quá mạnh anh ta thấy cái gì cộm cộm ở dưới, lật ngược lên thấy viên hột xoàn mới nhớ đêm nắm mỏi tay sợ mất, để xuống gối để ngủ cho yên, nhưng sáng dậy thức quên mất tưởng mất.

Chiều người bạn đi làm về, từ xa đã thấy người bạn anh ta thốt lên “Ôi trời ơi! Sao người bạn hiền lành tử tế, thân thiện, tướng đi đúng là kẻ hiền lương”

Người bạn đi tới gần gần vẫy tay, anh ta lại thầm “Ôi trời ơi! Sao cái vẫy tay đúng là người thân thiết, là người có tâm thiện quá trời, cái vẫy tay sao như lời mời gọi chân thành”

Người bạn đi gần cười một cái, anh ta lại “Ôi trời ơi! Nụ cười tươi như hoa sen!”

Và rồi anh ta lướt qua cửa đi về nhà, người bạn lại khen “Ôi trời ơi! Sao một bóng dáng mới lướt qua mà ngàn đời không thể quên được, một người bạn thân tri kỷ như thế”

Các bạn, câu chuyện kể như thế để thấy rằng trong đời có ta cũng sợ mất, mất ta cũng sợ đủ thứ, để rồi tâm nghi ngờ, ngờ đúng ngờ sai mà đâu có ngờ chính mình đã không thấy được điều mình đang có. Chính mình không thấy được điều mình đang có, bởi mình sợ mất và giấu kỹ, vùi vào dưới gối của vô minh, u mê, sợ hãi sẽ tìm tòi tới với chúng ta. Y như lời Đức Phật dạy về tám luồng gió chướng: Khen – Chê, khen cũng sợ các bạn ơi, sợ người ta khen đểu, chê thì sợ hãi đau khổ. Tốt – Xấu cũng vậy, tốt cũng sợ, sợ mai nó không còn tốt, nó hư hao, mà xấu thì cũng sợ. Khen – Chê, Tốt – Xấu, Thành – Bại, Được – Mất, đó là tám điều Đức Phật thấy thường xảy ra trong cuộc sống của mỗi chúng ta và chúng ta đều sợ hãi, bởi tám điều ấy Phật gọi tám điều gây ra chướng ngại, tám luồng gió chướng, ma chướng, ma tức là chướng ngại, tám sự chướng ngại gây ra phiền não đau khổ.

Bảo Thành nhớ một câu chuyện của Tổ và ông cụ khi còn sống kể thuở Bảo Thành còn rất nhỏ về thầy Khổng Tử. Một hôm thầy Khổng Tử cùng các đệ tử đi ngang một chỗ kia, thấy một cậu bé đang ngồi ở chung quanh một đống cát và cậu ấy đang đắp cát làm cái gì ấy. Đệ tử của Khổng Tử mới nói cậu phải tránh ra cho thầy Khổng Tử đi ngang qua, ngài đang cưỡi ngựa không là sẽ đạp vô cậu. Cậu ấy ngước mặt lên nhìn và nói với Khổng Tử rằng “Ông có thấy tôi đang làm gì không?”

Thầy Khổng Tử rất là giỏi, nhìn thấy mới nói “À! Hóa ra là cháu đang đắp thành bằng cát”

Cậu bé nói “Như vậy thì người và ngựa tránh thành hay thành cát tránh người và ngựa”

Khổng Tử ngộ ra thốt lên “Trời ơi! Một cậu bé hiểu thấu chân lý ngựa người phải tránh thành, chứ thành không tránh người ngựa”

Các bạn, chính vì cậu hiểu thấu chân lý là người ngựa phải tránh thành, mà cậu bé ngang nhiên ngồi giữa đường đắp thành cát, chẳng sợ thầy Khổng Tử. Hiểu thấu sẽ giúp cho chúng ta phá tan mọi sự sợ hãi, hiểu thấu để buông, hiểu thấu để có sự dõng mãnh đứng dậy không sợ. Hiểu thấu chân lý thoát khỏi sanh tử luân hồi. Hiểu thấu lòng người để xử lý trong các mối tương tác phù hợp an vui. Hiểu thấu sự đời để biết được sự trung thành, sự phản bội, khen – chê, thành – bại, được – mất, tốt – xấu. Hiểu thấu cần có trí tuệ, người trí tuệ thì hiểu thấu. Hiểu thấu được chân lý sẽ không còn sợ. Chân lý trong mật thiền chúng ta tu ứng dụng vào được như cậu bé xây thành, đó chính là chánh niệm hơi thở. Trong chánh niệm của hơi thở mật thiền, ta dùng nhiên liệu của tâm từ bi yêu thương, ta dùng trí tuệ của mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta dùng sự thức tỉnh trong mỗi một ngày, một giây, một phút. Để xây thành Từ bi, thắp sáng Trí tuệ, sống đời Tỉnh giác, an nhiên tự tại.

Đây chính là sự ứng dụng của mật thiền, thấu được chân lý của vô thường ta chẳng sợ gì nữa, bởi chuyện tới rồi sẽ đi, người ta nói rồi sẽ hết. Có sanh thì có diệt, có nói xấu chắc là có cái đẹp, chắc chắn, có xấu thì có tốt, họ có chê chắc chắn có khen, có thành chắc chắn có bại, có được nhất định sẽ có mất. Thấu được chân lý vô thường trong 8 điều điên đảo mộng tưởng kia, mọi pháp đều sanh diệt, mọi hiện tượng đều tới rồi đi, có chi mà phiền não vùi đầu để than thở. Chúng ta tu là hiểu thấu lý vô thường để không sợ. Nhất định hôm nay mùng 5, phía trước là tương lai mịt mù của biết bao nhiêu lời chúc tốt đẹp, chúc trăm năm hạnh phúc, chúc thành công, chúc đủ mọi thứ. Các bạn cứ nghe đi người ta chúc tiền vô như nước mà ra như từng giọt cà phê, tiền vô cửa trước cửa sau bịt kín không ra. Người ta chúc tiền, chúc tài, chúc lộc, chúc sức khỏe, chúc chúc muôn thứ. Nhưng nào ai trong chúng ta sẽ khẳng định được điều chúc mừng ấy là sự thật thành công đâu, vẫn lo sợ, bởi ai thấu được mình bằng chính lòng của mình.

Nghe những lời chúc tốt đẹp mà trong lòng buồn tủi. Bởi ta thấy được tình cảm của ta như thế nào, thấy được chồng, được vợ, được cha, được mẹ, ông bà người thân. Người ta chúc những lời tốt đẹp, tăng trưởng tài lộc, mà ta thấy được kinh tế, tiền tài của ta như thế nào. Người ta chúc cho ta mạnh khỏe, nhưng ta biết được ta bệnh hay không. Những lời chúc hào nhoáng chẳng một chút gì gọi là sợ hãi, họ tuôn ra chúc túi bụi trong ngày tết, làm cho mình hứng không kịp. Nhưng rồi sự sợ hãi lại chiếm lấn cơ tâm của chúng ta. Hiểu thấu được vô thường qua mật thiền chánh niệm của hơi thở, quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, giúp cho chúng ta thấu lý được mà buông bỏ vạn sự, sống tự tại và an nhiên, tăng trưởng phước báu và công đức. Để muôn sự lành sẽ tới với chúng ta, sự lành sẽ tới khi có phước, khi có đức, bởi tăng trưởng các pháp thiện trong cuộc sống. Hãy làm điều thiện tránh xa việc ác, để tâm thanh tịnh, phước báu tràn đầy. Điều dữ sẽ tới nếu như cuộc đời của chúng ta thiếu các pháp thiện  làm các việc ác, thì nhất định điều dữ luôn tới, sự sợ hãi không bao giờ chấm dứt.

Cậu bé đã nói đúng lý bởi thấu lý trời đất ngựa người tránh thành. Những điều xấu tai họa sẽ tránh chúng ta nếu như chúng ta biết xây thành từ bi, nếu chúng ta biết thắp sáng trong cái thành từ bi đó là trí tuệ và nếu chúng ta sống một đời sống tỉnh thức để nhìn thấu vạn sự qua đi mà buông, không vướng mắc. Mật thiền chánh niệm có công năng vi diệu, có sức mạnh đột phá khỏi vô minh, để tạo một nhịp cầu bước qua mọi sự sợ hãi để đi đến sự thành công. Bởi ta biết vô thường, khổ, vô ngã luôn thường trú trong chánh niệm, tỉnh giác trong từng giây, trí tuệ trong từng phút, yêu thương trong từng ngày.

Các bạn, còn có gì để sợ và sợ hãi nếu có ghé qua cũng thoảng như cơn gió rồi đi mất, ở trong ta còn lại là sự tự tại, như cậu bé ngồi giữa thành trì đắp bằng cát. Không thấu được chân lý bạn sẽ sợ, sợ bởi quyền uy, sức mạnh của người khác, sợ bằng đủ mọi thứ người ta thị phi, nói xấu, người ta khè bạn cũng sợ nữa, sợ lắm! Bạn cứ nghĩ đi, còn đã thấu lý dù là thành cát kia ngựa người còn phải tránh, dù là thành cát kia đắp bằng bàn tay nhỏ bé ngựa người phải tránh. Dù bạn nghiệp chướng thật là nhiều, nếu bạn biết cách bằng bàn tay chân thật, yêu thương và từ ái qua mật ngôn Mu A Mu Sa – Từ bi, qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Trí tuệ, vô thường, khổ, vô ngã, thấu lý qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê – Tỉnh giác. Thì bạn nhỏ tới đâu, nghiệp dày tới đâu, cái thành được xây dựng đó rất vững chãi, những người có quyền, có uy, thị phi, khen – chê, tốt – xấu, thành – bại, được – mất, có đổ xuống đầu bạn, ầm ầm kéo tới từ các hướng bạn vẫn vững chãi, chẳng sợ. Bạn thành công bởi vì bạn có phước như ông bà nói “Có Đức Mặc Sức Mà Ăn”. Tu mật thiền tăng trưởng công đức, tăng trưởng phước báu, làm sao để chúng ta nhận được chân lý, thấu được chân lý để không còn sợ hãi như cậu bé.

Lại một câu chuyện nữa được nghe kể trong lịch sử, hồi nhỏ Bảo Thành học về một danh tướng của nhà Trần. Thời ấy khi còn trẻ chàng thanh niên ấy tên là Phạm Ngũ Lão, Phạm Ngũ Lão ngồi bên lề đường đan giỏ, suy nghĩ về việc nước bởi thời ấy quân Nguyên Mông chiếm lấn bờ cõi nước Việt chúng ta. Chàng thanh niên Phạm Ngũ Lão ngồi đan giỏ bên lề đường, Đức ông Trần Hưng Đạo mà chúng ta thường gọi là Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương thời nhà Trần, đi ngang qua cùng với lính quân lính dẹp đường, bởi vì Đức Ông Thánh Trần đi ngang ai cũng phải tránh đường, không thể ngồi cản đường như thế. Khi lính đi gần tới Phạm Ngũ Lão chẳng hay biết vẫn ngồi đan giỏ, người lính kêu đi dời cũng không dời, người lính lấy giáo đâm thủng qua đùi mà chàng trai Phạm Ngũ Lão không hay biết, vẫn suy nghĩ việc cứu nước. Tới tai Đức Thánh Trần, Đức Thánh Trần hỏi thì biết cậu ấy đang suy nghĩ về vận nước, tập trung suy nghĩ vận nước mà giáo đâm qua đùi chẳng hề hay biết, chẳng sợ. Các bạn, đây là một câu chuyện thật lịch sử của Việt Nam thời nhà Trần.

Bảo Thành mang ý nghĩa này để thấy rằng dù người ta có đâm vô trong tim, đâm xuyên qua đùi như lính dùng giáo đâm, anh chàng trai trẻ Phạm Ngũ Lão chẳng sợ, bởi vì sao? Bởi thương nước, thương dân, bởi đang tập trung vào sự suy nghĩ cứu nước, khi tập trung vào sự suy nghĩ cứu nước chẳng còn sợ hãi. Đức Phật dạy đúng, nếu các bạn tập trung, đưa tâm tập trung vào trong hơi thở của mật thiền vào ra trong chánh niệm, các bạn cũng suy nghĩ về cứu thân thoát khỏi luân hồi sinh tử, cứu thân khỏi sự sợ hãi của cuộc đời. Thì giông tố có tới bạn chẳng một chút sợ hãi, bạn sẽ nhìn thấu được vận nước nổi trôi, bạn sẽ nhìn thấu được căn cơ nghiệp thức của bạn, bạn sẽ nhìn thấu được tất cả những điều gì xảy ra trong cuộc đời của bạn và bạn sẽ có được trí tuệ để giải quyết vấn đề đó một cách thấu đáo.

Như anh chàng thanh niên đan giỏ Phạm Ngũ Lão thời nhà Trần và như chúng ta, những đệ tử miên mật tu tập, ngồi xuống như anh chàng kia Phạm Ngũ Lão bên lề đường đan sọt. Chúng ta ngồi xuống bên lề của cuộc đời, đan từng tâm ý trong chánh niệm hơi thở, mang chỉ của tình thương Mu A Mu Sa, mang kim của trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mang tâm thức tỉnh giác của Ma Sa Ốp Uê, để đem sự nhìn thấu mà buông, sợ hãi nào có còn sợ gì nữa.

Các bạn có nghe rõ lời Bảo Thành chia sẻ hôm nay không? Ta đã có đủ phương tiện Phật trao, chỉ Từ bi yêu thương Mu A Mu Sa, kim Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và tâm thức bàn tay tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê. Hãy đan đi, hãy đan chiếc áo len của Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác đắp lên người để sưởi ấm trái tim nếu như cô quạnh, phản bội, đau khổ, thị phi, được mất, tốt xấu, khen chê, thành bại đang chiếm cứ tâm hồn làm lạnh giá. Thì áo len của Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác sẽ sưởi ấm, sẽ đắp ấm, sự sợ hãi của muôn điều vừa kể, chẳng thể nào làm lạnh cóng trái tim của bạn. Các bạn ơi, đạo Phật là đạo hiểu biết bằng trí tuệ, như cậu bé hiểu được người ngựa tránh thành. Đạo Phật là đạo tập trung để làm chủ tâm như Phạm Ngũ Lão tập trung vào vận nước mà giáo đâm qua đùi không biết đau. Hơi thở của mật thiền đưa tâm về sự tỉnh giác, hơi thở của mật thiền kích hoạt tình yêu thương, hơi thở của mật thiền thắp sáng trí tuệ.

Bạn cứ ngồi mà liệt kê muôn sự sợ hãi ở đời đi, bạn sẽ thấy Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, phương tiện vi diệu mật thiền đủ diệu lực phi thường để chuyển hóa muôn sự sợ hãi, đưa bạn đến sự thành công trong năm mới. Đừng ảo tưởng, đừng ngồi đó, đừng chần chừ, đừng như mùa xuân tới ta tới chùa, tới miếu, tới đình, tới chỗ gọi là đền thánh thần, van xin một vài quẻ xăm nói qua nói lại, rồi thỉnh này thỉnh kia để mang lại may mắn. Những điều đó là hư ảo, là lừa gạt, là giả dối, không đúng. Nó chỉ là phương tiện ở đời trấn an tâm lý, chẳng phải đạo giải thoát bằng trí tuệ, tỉnh giác, yêu thương. Đức phật không hề dạy những điều ấy, nhưng phong tục tập quán thói đời đã lặp đi lặp lại chúng ta đã quen và vẫn là như là cầu may, người tu Phật không cầu may.

Hiểu thấu như cậu bé để ngựa người tránh thành, hiểu thấu như lời Phật bằng trí tuệ, vạn pháp đều buông bỏ. Tám sự chướng ngại trong cuộc đời chẳng thể làm bạn sợ hãi, tập trung vào hơi thở mật thiền như Phạm Ngũ Lão giáo đâm qua đùi chẳng đau. Nếu bạn đi vào chánh niệm của hơi thở thì muôn sự phiền não sói vào trong đầu của bạn vẫn tự tại, mỉm cười an vui. Phật dạy thật đúng bởi Ngài là bậc giác ngộ, có trí tuệ nhìn thấu và thực tập rõ ràng, đưa đến sự thành công, chẳng mơ màng viễn ảo cầu lụy một ai.

Trong năm mới này chúng ta cần phải tập trung để tâm được làm chủ, cần phải huân tu để rèn luyện tâm như Phạm Ngũ Lão. Suy nghĩ về vận đời nổi trôi của chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi sóng ngầm của sợ hãi và giải thoát chúng ta khỏi chướng ngại của cuộc đời. Sự suy nghĩ tập trung như vậy cần phải nương vào phương pháp vi diệu mà chính Đức Thế Tôn đã tập, đó chính là chánh niệm hơi thở. Mật thiền chánh niệm hơi thở là một phương pháp đi vào tạng mật, năng lượng vi diệu vốn có nơi mỗi chúng sanh qua hơi thở của chánh niệm. Quán chiếu tâm Từ bi – Mu A Mu Sa, mật ngôn này có sức mạnh phi thường, đẩy lùi vô minh, chữa lành các vết thương trong cõi lòng của ta và của người. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có sự sáng để soi dẫn con đường ta đi, nhìn thấu được mọi hiện tượng đều vô thường sanh diệt tới lui, vướng mắc vào sẽ khổ, tôn cao bản ngã sẽ đau đớn. Cho nên vô thường, khổ, vô ngã là ba điều căn bản mà chỉ có tình thương mới nhìn thấu và sự tỉnh giác trong Ma Sa Ốp Uê, năng lượng siêu việt này giúp cho mỗi người hành mật thiền chánh niệm hơi thở, tăng trưởng được trí tuệ hiểu biết như cậu bé xây thành cát, dõng mãnh tự tại không sợ hãi Như Phạm Ngũ Lão, để thấu chân lý mà đưa mình ra khỏi sợ hãi, thoát khỏi luân hồi sanh tử và đau khổ.

Không cần biết bạn là ai trong cuộc đời này, sự sợ hãi luôn tới với chúng ta, sự sợ hãi chúng như những kẻ trộm rình rập, quật ngã chúng ta. Chúng đèo bòng trong tâm và đào tường khoét vách, gieo rắc muôn sự sợ hãi để đêm ta ngủ không yên, ngày ta lo lắng sợ hãi. Các bạn, sống một đời sợ hãi là thiếu trí tuệ, sống một đời sợ hãi là thiếu tập trung. Ta cần phải làm chủ cuộc đời để không sống sợ hãi nữa bởi có trí tuệ nhìn thấu. Ta cần làm chủ tâm để không sợ hãi nữa, bởi tập trung cho mật thiền chánh niệm hơi thở. Rất cần, rất cần sự nỗ lực đúng mức, tinh tấn và cái nhìn sáng suốt, suy nghĩ rõ ràng, chúng ta sẽ có một đời sống an vui thực sự. Chẳng cầu, chẳng ước, chẳng mong một đấng thần linh nào ban bố, trao tặng bởi Đức Phật đã thọ ký, khẳng định rằng mỗi một người trong chúng ta đều có sức mạnh đứng dậy bằng sự hiểu thấu, phá tan sự sợ hãi bằng sự tập trung, để có sức mạnh đột phá những chướng ngại đang xảy ra, hiện hữu hoặc sẽ tới với cuộc đời của chúng ta.

Các bạn, sợ hãi chuyển hóa, phá vỡ hay thấu rõ sợ hãi để thành công là đúng, nhưng đúng qua sự tu luyện, chẳng đúng qua sự ban bố, không ai ban bố được cho ta mà chỉ có ta tập luyện mới thành tựu được điều ấy. Các bạn, chúng ta hãy trở về hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Bát phong suy tám luồng gió chướng gây sợ hãi cho chúng con, chỉ có trí tuệ nhìn thấu và sự tập trung liên mật trong chánh niệm mới phá đi được sự sợ hãi, mới tạo được sự vững chãi như Thái Sơn và thong dong như mây trời của tâm thức chánh niệm hơi thở. Trong năm mới ngày mùng 5 Tết Quý Mão, chúng con, các bạn đồng tu nguyện xin chư Phật ban rải năng lượng tình thương, gội rửa mọi phiền não đau khổ và bế tắc của cuộc đời. Nguyện chư Phật thắp sáng trí tuệ để chúng con có được tri thức rõ ràng, kiến thức rõ ràng, trí tuệ rõ ràng, nhìn thấu mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời và luôn giữ mình trong sự tỉnh thức. Xây cất thành trì Trí tuệ – Từ bi – Tỉnh giác và tập trung miên mật trên mọi nẻo đường qua hơi thở của chánh niệm.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts