Search

3187. Cha qua đời một năm nay, mẹ con đau khổ và không thiết sống nữa, con phải khuyên mẹ làm sao?

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên các kênh YouTube, Facebook và phòng Zoom. Giờ đồng tu đã tới rồi, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền Chánh niệm hơi thở để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà, cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho tất cả những người thân của chúng con luôn luôn hoan hỉ, bình an và hạnh phúc. Nguyện cho thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Mời các bạn ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể của mình. Giữ lưng cho ngay thẳng, cổ, đầu cho ngay ở trạng thái buông thư, buông lỏng toàn thân. Trở về với hơi thở của Chánh niệm, hít vào ta phình bụng, hít bằng mũi chậm rãi, thở ra ta hóp bụng chậm rãi và tổng trì mật ngôn:

Mu A Mu Sa – Có nghĩa gắn kết và quán tâm Từ Bi,

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Có nghĩa quán tâm Trí Tuệ,

Ma Sa Ốp Uê – Quán tâm Tỉnh Giác.

Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán, mật hạnh cao siêu của mẹ hiền Quan Âm, sự thực tập trong Chánh niệm hơi thở quán chiếu, mỗi người chúng ta sẽ tiếp nhận được thật nhiều năng lượng thanh tịnh để gội rửa, chuyển hóa ác nghiệp nhiều đời, mang lại sức khỏe tinh thần sáng suốt và đời sống tâm linh thăng tiến. Hãy nghĩ về tất cả và bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Các bạn đồng tu thân mến! Chỉ một tuần nữa thôi mùa xuân sẽ tới. Mùa xuân sẽ tới và năm mới sẽ tưng bừng. Hãy nhìn ra ngoài đường ngoài phố, rần rần mọi người tưng bừng ngày hội Tết. Nơi đây nơi kia, quanh phố phường nơi ta sống, hương thơm tỏa khắp nơi. Người người bận rộn ngược xuôi, hoa trái, cây kiểng và những món đồ cần thiết sẽ được sắm sửa mang về nơi bàn thờ đã được lau chùi sạch sẽ với một lòng thành kính dâng lên chư Phật, chư Bồ tát cùng cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà. Và chuẩn bị nghinh xuân, đón mừng bạn bè xa gần đến chúc Tết để có được những buổi sum vầy ăn uống trong tình người thật vui. Thật là vui!. Mùa xuân vui bởi vì ai cũng thấy mùa xuân tới. Mùa xuân vui bởi ai cũng cảm được xuân cận kề. Mùa xuân vui, bởi ai cũng chạm được vào mùa xuân và trong lòng cứ thơi thới bay bổng. Vẫn biết xuân tới rồi xuân đi, nhưng bao nhiêu mùa xuân tới là bấy nhiêu mùa ta vui, ta hạnh phúc. Bởi người người từ phương xa đều trở về quê nhà, nơi mái ấm của gia đình, dâng hương lễ Phật, dâng hương lên cho ông bà cha mẹ. Rồi ngồi đó nơi cái bàn thuở nhỏ, thuở xưa ta được cha mẹ mớm, nuôi dưỡng thành người, một bữa cơm ấm cúng trong đầu xuân ngày mới. Ngày mới của năm mới, mọi người đều làm mới cuộc sống và có những ước mơ mới cho đời thêm đẹp thêm vui. Mùa xuân sẽ rất buồn nếu như ai đó không chuẩn bị cho mình một chút gì gọi là những thứ cần thiết cho mùa xuân. Xuân đó sẽ trống vắng, xuân đó thật sự rất buồn. Chẳng ai muốn mùa xuân có sự ảm đạm u buồn. Dù không có cũng cố mà lần cho ra để không ít thì nhiều, không nhiều thì ít hương vị xuân. Từ người giầu có đến người bần hàn, từ người có nhà cao cửa rộng đến người nằm ở ngoài lề đường kia vẫn ấm lòng khi xuân tới dù chỉ một chút chuẩn bị cho xuân về trong những cái tình cảnh khác nhau của mỗi người.

Mật Thiền Chánh niệm hơi thở chính là mùa xuân của tâm linh, không về mỗi một năm một lần. Nhưng mùa xuân của Mật Thiền Chánh niệm hơi thở là xuân trong từng giây từng phút, trong từng khoảng khắc của mỗi một người chúng ta khi còn biết hít vào thở ra. Khi còn có tánh biết hít vào thở ra thì Mật Thiền Chánh niệm hơi thở là xuân. Xuân của mùa giác ngộ, xuân của mùa giải thoát, xuân của sự hoan hỉ và an lạc. Năm mới tới, xuân tới, ta sắm sửa, ta lần mò đủ mọi cách để sắm sửa thì xuân Mật Thiền Chánh niệm hơi thở, xuân của sự giải thoát, xuân của hạnh phúc và an lạc, của Trí Tuệ và Từ Bi, nhất định không thể làm ngơ bỏ qua mà không sắm sửa cho mình những suy nghĩ trong sáng, thánh thiện, không sắm sửa cho mình những ngôn ngữ ảo diệu nhân ái, dễ thương, không thể không sắm sửa những hành vi bác ái, trân quý, đùm bọc, san sẻ.

Các bạn! Không ít thì cũng phải lần cho ra dù chỉ một niệm khởi lên, dù chỉ một chữ, một lời, dù chỉ một hành vi rất nhỏ, thì xuân ấy, thì xuân Mật Thiền Chánh niệm hơi thở an lạc hạnh phúc, bình an, Trí Tuệ, hạnh phúc, Tỉnh Giác, giải thoát có ngay, có ngay nơi mỗi người chúng ta. Đừng bỏ qua khi xuân về, đừng bao giờ quên sắm sửa khi xuân tới. Mỗi người chúng ta mang ý niệm đó quán chiếu để thấy Chánh niệm hơi thở trong Mật Thiền mang lại mùa xuân tươi sáng tưới tẩm tinh thần, linh hồn và thể xác đầy đọa trong cõi vô minh nhiều kiếp. Để một lần nữa xuân của giải thoát, Từ Bi, an lạc, Trí Tuệ, yêu thương trổ mầm có lộc để lan tỏa. Nếu ai đó đã quên đi một mùa xuân thì nhất định coi như đã úa tàn. Nếu ai đó chẳng sắm sửa cho mình một chút gì trong xuân thì xuân ấy thật là xuân buồn, u ám. Và nếu như ai đó chẳng thể trở về với Chánh niệm hơi thở, xuân của Mật Thiền thì làm sao có được giải thoát an lạc, và hạnh phúc xa vời chẳng với tới, đau khổ và phiền não sẽ đầy ắp.

Các bạn! Nhìn trong khía cạnh đó để Bảo Thành và các bạn trân quý trong từng hơi thở, ta biết hít vào ta biết thở ra, ta biết trong ta vẫn còn tình thương lớn. Ta biết hít vào ta biết thở ra và ta biết trong ta vẫn còn nguồn sáng của Trí Tuệ. Ta biết hít vào, ta biết thở ra và ta biết ta đang thức tỉnh để nhận thấy muôn điều kỳ diệu, muôn điều tuyệt vời, hằng hà sa những phép lạ đang xảy ra chung quanh ta nơi ông bà, nơi cha mẹ vợ chồng con cái, nơi cộng đồng xã hội và nơi thế giới ta đang tồn sinh mà rất may đủ phước có đầy đủ những cái cần thiết trong cuộc đời.

Các bạn! Bất cứ một việc gì, bất cứ một vật gì, bất cứ một hành vi, suy nghĩ, một lời nói nào, chúng ta cũng phải lựa chọn cho mình cái đẹp nhất. Y như xuân thôi, ra chợ xuân mua hoa, bông về, chẳng thể cứ mua đại bông hoa héo tàn không đẹp. Ta chọn lựa thật kỹ các loại hoa, bông cho đẹp, cho xanh, cho tươi, có nụ, có lộc, có hoa đầy đủ mang về. Sao ta không thể lựa những cái ngôn lời như nụ như hoa, như lộc trên môi miệng để trao cho nhau trong từng giây từng phút tương tác? Mà cứ hằn học, đào bới những cái ngôn từ héo úa, thô ác sắc lẻm như gai, như gươm, như dao để rồi một đời tuôn ra ngàn đời đau khổ? Chỉ vậy thôi! Nghĩ cho kỹ đi, ta sẽ trân quý tình người vẫn còn đây trong ta. Và nhất định trong môi miệng sẽ nở hoa, và không có chỗ nào cùng đường bí lối mà không thể thoát ra. Hãy cho nhau một chỗ thật đẹp, trải thảm của những tâm ý thiện lành để đưa nhau về nơi tận cửa ngõ của ngôi làng yêu thương Từ Bi bằng những ngôn từ thân thương. Và hãy dắt dìu nhau qua những chặng đường thăng trầm để trở về ngồi trên cái bàn có đầy đủ những món ăn của Chánh niệm mà mỗi người chúng ta đều có thể tận hưởng được và san sẻ hồi hướng cho nhau.

Các bạn ơi! Chúng ta vẫn biết xuân tới rồi xuân đi. Xuân tới ta vui vô cùng, xuân đi hình như sẽ buồn. Xuân tới và xuân đi, xuân tới vui, xuân đi buồn nhưng đó là định luật Vô Thường. Dù có buồn thì Vô Thường cũng sanh diệt tới lui, chẳng ai có thể có ý níu kéo và giữ mãi mùa xuân, mà chẳng ai cũng có thể xua đuổi xuân đi mãi. Xuân đi rồi xuân về, người tới rồi người đi. Đúng như thế. Một bạn đã hỏi rằng: “Cha của bạn đã mất mẹ của bạn đau buồn khổ chẳng thiết sống nữa muốn chết để theo cha, phải khuyên mẹ sao đây?

Một câu đơn giản, Vô Thường xuân tới xuân đi, biết vậy đấy nhưng con người là con người, con người là hữu tình, con người có tình cảm. Vật đi còn thương tiếc đau đớn huống chi là người đi mãi ngàn năm chả thể gặp, vô lượng kiếp chẳng thể có thể đồng sinh trong một cảnh để có thể gần gũi. Trong lòng của những người hữu tình như Bảo Thành và các bạn sao không đau buồn? Và người vợ trăm năm khi thề kia, chồng mất đi làm sao mà vui được? Bao nhiêu ân nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu thăng trầm trong đau khổ phiền não, bao nhiêu sung sướng trong hạnh phúc thành công vẫn còn đây mà chồng đã ra đi. Làm sao có thể sống? Làm sao có thể vui? Làm sao có thể cười? Như xuân về hoa kia chẳng có nước, chẳng có phân, chẳng có đất, dù là xuân, hoa cũng chẳng tươi chẳng nở. Dù là sống nhưng chồng đi rồi thì tươi, thì vui, thì nói như bình thường làm sao được? Con người hữu tình có tình cảm. Hình như Phật giáo đã được cài đặt cái khái niệm phải diệt dục toàn diện, nghĩa là phải diệt cái tình, cái nghĩa ái, cái tình cảm đối với ông bà, đối với cha mẹ, đối với vợ chồng con cái, đối với thầy trò, bạn bè, phải diệt được cái ái đó, cái tình cảm đó mới giải thoát. Phật giáo đã được ai đó cố tình hoặc vô tình cài đặt cái thương hiệu phải diệt hết mọi tình cảm mới mong cầu sự giải thoát. Điều ấy nó làm cho chúng ta phải nhìn thấy bao nhiêu con người mặt lạnh như tiền chỉ vì chữ tu của nhà Phật. Khi ông bà cha mẹ, khi vợ chồng con cái, khi người thân bạn bè ra đi, họ giữ vững cái tâm thái gọi là học Phật, đạo thiền cao ngất, mặt lạnh như tiền, chẳng thể hiện cái chút gì gọi là động lòng trắc ẩn. Cách tu như vậy đúng hay sai, tùy người suy nghĩ. Và có lẽ khi gặp một người mẹ, một người vợ chồng mất, bạn hỏi mẹ đã mất chồng, mất cha, chẳng muốn sống. Cảm giác đó nếu ai như không ở trong cuộc làm gì có? Đứng ở ngoài xa vạn dặm nói gì thì nói nhưng hãy cẩn thận, vì khi xảy ra cho ta, ta mới có được một lần cảm giác và lúc ấy trong lòng sẽ như họ mà thôi. Người thân mất đi đây là một sự mất mát vô cùng lớn đối với người còn ở lại. Người thân mất đi đó là sự mất mát tột cùng đối với tất cả chúng ta. Đã là người hữu tình, giây phút chia tay với người yêu, với người thương, với ông bà cha mẹ, với chồng, với vợ, đau đớn, đau đớn lắm. Và cái đau đó không thể xóa mờ được. Và cái đau ấy đối với người trọng ân trọng nghĩa, đặc biệt đối với người con Phật, nhất định không thể để mờ phai trong quên lãng. Nhưng nhớ phải nhớ như thế nào? Đó là cách cần phải suy nghĩ.

Người tu thiền hay tu Phật được mặc định bởi thế gian, bởi những cái tông phái, bởi những con người gọi là đã giải thoát mà vẫn lẩn quẩn trong chấp mê thường hay nghĩ: Đạo Phật là phải diệt ái nên mặt họ lạnh. Đối với tình chẳng có si nhê. Nhưng những cách như vậy chẳng khác gì đóng băng bề mặt bên ngoài mà bên trong lửa dục của cảm tình thiêu đốt không nguôi. Hãy nhìn hình ảnh của Đức Thế Tôn của Đức Phật. Ta không nhìn hình ảnh của một bậc Hòa thượng, Thượng tọa, Tôn túc, Tăng Ni mà nhìn thẳng vào hình ảnh của Thế Tôn Đức Phật của chúng ta: Ngài có cảm tình không? Nếu người xuất gia không có cảm tình thì nhìn vào đời sống của Phật đi. Phật mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, thấy vậy vẫn luôn luôn thương mẹ, hằng đêm vẫn đi lên cung trời để gặp mẹ trong cái sự nhập vào thiền định thật sâu. Đức Phật là người có cảm tình đấy cho nên khi thấy đệ tử bị bệnh kiết lỵ, nằm một mình không ai chăm sóc, Ngài đã tới, Ngài đã ôm ấp người đệ tử đó. Hôi thối vô cùng vì bệnh kiết lỵ nhưng chẳng sợ cái mùi xú uế, tắm rửa cho đệ tử của mình, đặt lên giường đàng hoàng và mớm cho đệ tử ăn. Tình cảm như vậy mà! Đức Phật là một bậc Giác ngộ nhưng có tình cảm vô cùng. Vì sao? Vì chỉ một thuở đi ngang khu rừng, nhìn thấy cái đống xương trơ trọi bên bìa rừng chẳng có ai chôn, Ngài đã khóc. Phật đã khóc các bạn ơi! Khóc vì thương tiếc, khóc vì thương vì lòng trắc ẩn, khóc vì có tình cảm với những đống xương trơ trọi bị quên lãng bên bìa rừng. Nước mắt của Phật có giá trị. Và khi cha của Ngài mất Ngài cũng trở về đưa vai vác một đoạn đường để tiễn đưa cha đi. Nhìn qua hình ảnh đơn giản như vậy thôi ta đã thấy Ngài là người có tình cảm. Biết bao nhiêu người chửi rủa Ngài, biết bao nhiêu người hù dọa, vu oan giáng họa muốn giết Phật, nhưng Phật có tình cảm với chúng sanh, tha thứ hết, chẳng bao giờ trách, vẫn bao dung ôm ấp. Dùng cái tình thương và sự suy nghĩ sáng suốt của một bậc Giác tuệ để tỉnh thức những hận thù, những con người đang hăm he giết chết Ngài.

Cuộc đời của Đức Phật bốn mươi lăm năm trời là một áng văn vi diệu của tình thương của tình cảm. Nước mắt của Ngài có thể từng giọt từng giọt rơi xuống khi nhìn thấy đống xương của ai đó, thì nhất định một người chồng ra đi mãi mãi ngàn năm vô lượng kiếp không thể gặp lại nữa, sao không buồn, sao không khóc? Ta buồn ta khóc, ta thương ta tiếc, cũng như Phật thôi đâu khác gì? Nhưng thưa với bạn khác một chỗ: Phật có tình cảm nhưng không bi lụy, vì Ngài là bậc Giác ngộ. Ngài vẫn tỏ lộ tình cảm thương yêu đối với mẹ, đối với đệ tử, đối với người không quen biết như chỉ những mẩu xương trơ trọi bên bìa rừng, đối với cha, đối với tất cả mọi người Phật đi ngang cuộc đời của họ, Phật đều có tình cảm nhưng không dính mắc bi lụy. Bởi Ngài thấu được luân hồi sinh tử trong cái cõi Vô Thường tới lui này. Chúng ta nếu có thể khóc, nếu có thể buồn, nhưng không dính mắc, hiểu thấu được Vô Thường thì cái buồn cái khóc đó, ta đã như Phật. Rất hay! Nhưng không phải đương nhiên ngang nhiên đùng một cái mà thành như thế. Phải tu luyện mà thành! Nay trở về với người mẹ, khi nói rằng: “Chẳng thiết sống nữa, đau khổ quá khi chồng mất”, cái cách sống này chứng tỏ người mẹ chưa từng trải qua sự tu tập miên mật để thành tựu được cái Trí Tuệ nhìn thấu Vô Thường. Giọt nước mắt, sự thương yêu, sự nhớ, chả thiết sống, rõ ràng nói cho ta thấy mẹ vẫn còn dính vào cái vòng tục lụy bi ai của sự dính mắc ngàn năm đối với vợ vợ chồng chồng. Trong tình cảnh này, đừng nói lên những cái điều cao siêu ảo diệu về Vô Thường, về diệt ái, về những cái điều gì với mẹ. Bởi mẹ đã trải qua sự tu tập vững trãi đâu?

Một thuở có một cô kia thời Đức Phật có con chết, đau khổ vô cùng đi đây đi đó, và cuối cùng gặp Phật khóc năn nỉ: “Phật ơi cứu con! Con của con chết rồi xin Ngài hãy làm cho nó sống lại!”. Trong tình cảnh như vậy không khác vì mẹ của mình, đau khổ chẳng thiết sống. Tin vào Phật cứu sống con của mình nhưng Phật lại nói: “Này cô ơi, hãy mang cái đèn dầu ấy đi tới nhà nào họ có ngọn lửa nơi cái đèn của nhà họ mà chưa từng có người chết nơi gia đình ấy thì hãy xin một chút lửa thắp sáng mang về đây, ta sẽ chữa cho con của cô sống lại ngay”. Thế là cô ấy đi khắp làng cuối xóm, ngày qua tháng lại, không một nhà nào tới mà không có một người đã mất, không ông cố bà cố thì ông bà ngoại, tới cha tới mẹ, vợ chồng con cái hoặc họ hàng, nhà nào cũng có người chết. Cô ấy về nói với Phật: “Thưa Ngài! Nhà nào cũng có người chết rồi, con tìm không ra”. Phật mới nói: “Tìm không ra nhà nào không có người chết thì con mình chết là lẽ bình thường của sanh tử, của Vô Thường”. Rồi Phật giảng bài Kinh “Vô Thường” quán chiếu sinh, lão, bệnh, tử, sống chết liền liền ngay trong từng giây phút của những khoảng khắc hít vào thở ra. Cô ấy đã giác ngộ.

Cô ấy không thể giác ngộ khi cái phút đầu tới với Phật và Phật giảng ngay bài thật dài. Nhưng cô ấy giác ngộ bởi đã đi từng nhà qua nhà lại. Bao nhiêu gia đình đều chứng kiến được nhà nào cũng có người mất. Đây là bài học mà người mẹ của chúng ta, cha mất, chồng của mẹ mất đau khổ chẳng thiết sống. Những người làm con cần phải làm nguôi ngoai cái sự đau khổ nặng trĩu trong tâm hồn của mẹ bằng cách tạo điều kiện dắt mẹ đi chơi, đi du lịch. Mà đừng du lịch để hưởng phước nơi cái những cảnh đẹp của trời đất. Lòng buồn, lòng sầu chồng mất, cha mất, làm sao có cái cảnh nào đẹp để mà vui được? Nhưng hãy dắt mẹ đi du lịch tâm linh, tức là dắt mẹ đi tới nơi những đền, chùa, miếu, thất, rồi ra thăm cha thường xuyên có thể ở nơi chùa để tro cốt, ở nơi những thánh địa chôn cha, để mẹ có cơ hội tiếp xúc với nền giáo lý Vô Thường của Phật, để mẹ có cơ hội đảnh lễ chư Phật, để mẹ có cơ hội tiếp xúc đối với những bậc Tôn Túc để nghe qua giáo lý của nhà Phật, để mẹ có cơ hội chiêm bái chư Phật mười phương và tiếp cận với hàng xóm với sự chết quanh ta mỗi ngày. Gần gũi với mẹ, chia sẻ tình cảm và đưa mẹ đi qua từng chặng đường để có sự trải nghiệm như người phụ nữ mất con kia. Thì nhất định ngày qua tháng lại mẹ sẽ thấm được chân lý Vô Thường: “Ai rồi cũng mất”. Hãy nhìn ngoài nghĩa địa đi, đọc tên biết bao nhiêu người cho hết, ngày nào cũng có người chết người chôn. Hãy vào trong nhà thương đi sẽ thấy người bệnh, người đi rồi người vào. Bằng cách đi để trải nghiệm, bằng cách tới những nơi tâm linh để nhận ra cái chân lý “Vô Thường” và bằng sự an ủi tận tình của con cái, thật nhẹ nhàng lắng nghe sự tâm sự đau khổ của mẹ, chăm sóc cho mẹ bằng tình yêu chân thật, sưởi ấm trái tim của mẹ bằng tình yêu thật lớn và thắp sáng Trí Tuệ cho mẹ bằng sự tịch tỉnh, đừng rối đầu rối trí. Như vậy, dần dần mẹ cũng như người phụ nữ kia sẽ được Đức Phật khai thị ở trong tâm bài học “Vô Thường” về sinh, lão, bệnh, tử, tới lui trong cõi trần. Hồi hướng công đức cho mẹ, chăm sóc cho mẹ. Và nhất định một ngày nào đó mẹ sẽ nhận ra: “Cha thân xác đã ra đi nhưng cha vẫn còn hiện hữu ở trong con, bởi dòng máu của cha vẫn còn có trong dòng máu của con cái, của cháu chắt”. Nhận thức cao siêu như vậy sẽ được tỏ lộ bằng sự quan tâm thật sự của những người con còn thương mẹ. Đừng để mẹ một mình côi cút khi cha mất khi chồng mất, để mẹ đắm chìm trong những cái u sầu nặng trĩu, nhất định mẹ sẽ không thoát được.

Chúng ta cứ vội vội vàng vàng, gặp những tình cảnh của mẹ như vậy thật là vớ vẩn, vơ vét được vài chữ trong Kinh oai oai rồi nói: Mẹ ơi, Vô Thường mà. Sống trên đời phải có mất, phải có chết, phải có được, phải có tới có lui, thao thao bất tuyệt, rồi bật lên những cuốn Kinh cứ Vô Thường rỉ rả. Trong tăm tối đau khổ tận cùng khi mất chồng khi mất người yêu, những cái lời đó thật khó đánh thức. Hãy học theo gương gương của Phật, nếu như người phụ nữ kia mất con đau khổ tới với Phật và xin Phật cứu sống con của mình mà Đức Phật cũng giảng một bài thật dài, nhất thì định người đó sẽ không cam chịu đâu. Nhưng Phật đã cho người ấy một hy vọng bằng cách đi tìm ngọn lửa của nhà nào chưa có người chết. Chúng ta truyền lửa cho mẹ và dắt mẹ đi tới những nơi tâm linh gặp những bậc Tôn Túc, có sự khéo léo về phương tiện và giải thích để từ từ mẹ sẽ thấm được qua từng chặng đường in dấu trong sự trải nghiệm nhìn thấu về sự chết trong cõi nhân sinh. Nhất định mẹ sẽ tìm lại mùa xuân trong từng khoảnh khắc còn đang thở vào thở ra. Nhất định xuân này mẹ sẽ vui bởi cuộc đời của mẹ còn lại trong từng giây phút đều là mùa xuân thật tươi thật đẹp khi tỏ ngộ lý Vô Thường trong sanh tử, khi nhận ra giá trị của cuộc đời: ai rồi cũng phải ra đi, nhưng khi còn sống thì phải sống như thế nào để tưởng niệm người đã ra đi. Đừng mang giáo lý cao cả áp chế lên đầu của mẹ trong khi mẹ đang đau khổ. Đức Phật tới với thế gian, Ngài thật khéo ăn khéo nói, khéo phương tiện, để chúng sanh không buồn, không sân, không khổ, không não, để chúng sanh hoan hỉ và hạnh phúc. Phật đã khai thị cho chúng sanh vượt qua. Chúng ta cũng như thế, người học Phật và các bạn đồng tu cần phải học sự khéo léo của Phật để bất cứ một sự việc gì xảy ra chúng ta thật khéo để giữ được sự an lạc hạnh phúc cho chính mình và cân bằng trạng thái cảm xúc an lạc hạnh phúc cho những người xung quanh.

Các bạn ơi! Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Không xa đâu, mới trong vòng hơn một tuần nay, một người bạn tu của chúng con, ông nội đã ra đi. Một người bạn tu của chúng con, chị dâu cũng vừa ra đi và trên thế giới này biết bao nhiêu người cũng vừa ra đi. Cái chết thật rõ, hiện thật rõ và chúng con nay đã rõ: sống chết là lý Vô Thường, nhưng là người hữu tình nhất định sẽ đau khổ khi mất mát. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con biết Chánh niệm hơi thở, biết miên mật tu tập để vững chãi, để trong từng giây phút quán chiếu thấu rõ, để làm chủ cảm xúc khi được khi mất.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng lan tỏa cho nhau, và hồi hướng cho tất cả những ai bệnh hoạn đều được phục hồi nhanh chóng, viên mãn theo sở nguyện và phước báu thành tựu được.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts