Search

2234. Không Cần Chạy Trốn Não Phiền

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chùa Xá Lợi.

Giờ tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống cho mọi loài chúng con. Chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con tinh tấn tu học, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để nhìn thấu, nhìn rõ vạn pháp vô thường sanh diệt, khổ và vô ngã. Xin Chư Phật tác đại chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta cùng tác ý. Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát; lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong từng hơi thở Bảo Thành và các bạn giữ tâm Chánh niệm, một lòng đón nhận năng lượng tình thương từ mười phương Chư Phật và hồi hướng tới cho tất cả mọi người chúng ta yêu thương.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, hôm nay là ngày thứ sáu nhưng cũng là ngày thứ hai Bảo Thành có mặt tại tiểu bang Minnesota tại chùa Xá Lợi – ngôi chùa nhỏ ở tỉnh lẻ trong thành phố Brooklyn Park. Cuộc đời của con người chúng ta thường không thể dừng lại ở một chỗ, vì có nhiều nhân duyên và vì hoàn cảnh sống của cuộc đời ta phải đi đây đi đó. Bảo Thành cũng không khác các bạn, cũng đi đó đây với tâm nguyện hộ trì Tam Bảo. Với khả năng, với tâm tư nguyện vọng dấn thân, phù hợp với những điều kiện mình có thể làm. Chẳng màng đến chuyện to hoặc chuyện nhỏ, chỉ cần làm sao ta vẫn tiếp tục sứ mệnh mình phát nguyện. Trên con đường đây đó, chỗ này, chỗ kia và tiếp xúc với quý Phật tử, quý cộng đồng, thì những người có nhân duyên gặp gỡ, luôn luôn có những sự hòa thuận vui vẻ. Để cuối tuần là ngồi xuống uống trà, hủ hỉ tâm sự cuộc đời và chia sẻ với nhau những tâm tư nguyện vọng của mình. Nhưng cũng không thể tránh khỏi những chuyện khác ý, trái chiều, tạo ra những sự phiền não riêng cho mình và cho người. Trên con đường vòng quanh, nhất định bụi bặm, phiền não cuộc đời sẽ dính vào trong tâm của chúng ta. Thường chúng ta chú nguyện và hồi hướng cho nhau phiền não đoạn diệt.

Chủ đề hôm nay: “Không cần chạy trốn não phiền”. Phiền não đoạn diệt có phải chăng là nó tự diệt? Hay chúng ta phải xoay lưng lại với não phiền? Hay chúng ta phải vội vàng chạy trốn những não phiền đang hiện diện trong cuộc đời của chúng ta?

Người ở trong Thiền đường, người ở trong Chùa, trong Tịnh thất. Người ở trong xã hội tại gia là Phật tử, chúng ta dù ở nơi đâu, chốn nào? Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: “Dù có trốn lên trời, có vào hang động, giữa hư không hoặc chui xuống dưới biển, trốn sâu ở trong rừng, bất cứ nơi đâu ta có thể tới để trốn, để ẩn, thì cũng không thể thoát khỏi nghiệp khi nó trổ quả”. Nghiệp trổ quả không ai trốn được, phiền não hay đọc ngược lại là não phiền là kết quả của những nhân bất thiện nhiều đời ta gieo rắc vào cho nhau. Phải nhận định thật rõ những não phiền tới trong cuộc đời của chúng ta, dù có nhiều lúc ta nghĩ: “Tôi có làm gì đâu mà anh gây phiền, gây não cho tôi? Tôi chẳng làm gì hết mà phiền não nó tới?” Đó là những tiếng kêu vu vơ thiếu hiểu biết. Chính xác như lời Phật nếu ta đã được học. Mọi sự việc tới lui trong cuộc đời mang hương vị của yêu thương, hay những màu sắc của hạnh phúc, lẫn lộn với những ngang trái phiền não đều từ do nhân quả, do nghiệp ta tạo ra mà tới. Chẳng ở trên trời do ông trời đổ xuống đầu của chúng ta. Cũng chẳng phải do không có nguyên cớ gì để người ta tới gây phiền não, đều có nhân duyên bởi nghiệp thuận hoặc là nghịch; ác hoặc là thiện mà nó xảy ra. Nó trổ quả khi hội đủ nhân duyên, môi trường sống.

Trong xã hội ngày xưa và hiện thời, gặp những chuyện não phiền trong gia đình giữa vợ chồng. Mặc dù vợ chồng có ngồi xuống nói chuyện với nhau, nhưng hầu hết không nhìn rõ được nguyên nhân, thường mang một chứng bệnh truyền kỳ nào đổ thừa tại anh gây phiền não, tại em gây ra những chuyện như vậy. Và cứ tại anh rồi tại em, tại vợ rồi tại chồng, cứ tại đi tại lại cuối cùng là sao? Ta tải về trong tâm cả một khối phiền não do không nhìn ra nguyên nhân, đẩy qua đẩy lại, đi đến sự chán chường, khinh bỉ, chê bai lẫn nhau. Và rồi một thoáng mai thức dậy tách cà phê pha cho người, người chẳng còn. Cửa khép hờ, bóng dáng cũng đã đi xa, người đã ra đi, người bỏ trốn, người ta chạy trốn các bạn ạ. Cuộc đời thiếu gì những ông chồng chạy trốn những cô vợ gọi là gánh nặng của sự não phiền. Ông chồng đã chạy trốn mà thiếu gì những cô vợ phải bỏ nhà ra đi, bởi não phiền quá nhiều phải chạy trốn. Hình như chạy trốn là con đường duy nhất để giải thoát. Chuyện này có! Họ kết thúc mối giao hảo tình nghĩa của vợ chồng, có con hoặc dù chưa có con. Sống một ngày hay sống cả trăm năm, người ta vẫn sẵn sàng chạy trốn khỏi não phiền. Có những cụ ông tám, chín mươi tuổi chân đi không còn được nữa, mà vẫn còn phải kêu con cháu nó kiệu, nó chở, nó mang đi xa bởi phiền não. Ngược lại cũng có những cụ bà chống gậy mà bỏ đi, bởi ông nhà gây phiền não quá chịu không nổi, mấy mươi năm đầy đọa não phiền tràn ngập – trốn thôi! Tình nghĩa của cha mẹ, con cái, bạn bè, con người sống với nhau não phiền nhiều bỏ trốn, chạy trốn.

Hồi còn rất nhỏ Bảo Thành ở với Tổ Sư Bảo Trượng. Ngài là một vị Thiền sư. Cái đẹp nhất của Ngài là nụ cười thật tươi. Cái đẹp nhất của Ngài là vòng tay nhân ái. Cái đẹp nhất của Tổ Sư là chuyện gì cũng được, sao cũng được hết. Nhưng ngôi sao Trí Tuệ của Ngài không bao giờ lu mờ trước những phong ba bão tố, đau khổ não phiền của cuộc đời. Dù cuộc đời của Tổ đã từng trải qua hàng trăm ngàn những hiện tượng đau lòng trong chiến tranh, trong chém giết của sự phân biệt chủng tộc. Bởi Ngài sống ngay ở biên giới Campuchia và Việt Nam. Nụ cười của Ngài luôn tươi, chẳng bao giờ tắt như ánh sao trời luôn luôn sáng hiện hữu. Tổ dạy cho Bảo Thành rằng: “Con ơi! Sau này con rời xa thầy, chiếc thuyền độc mộc mà thầy trao cho con qua tấm pháp tu tập bao nhiêu năm qua sẽ phải vượt qua sóng lớn của biển khơi. Trong mọi sự khởi đầu của con nhất định sẽ có thật nhiều, thật đông bạn bè thân hữu và đệ tử cùng ngồi trên. Nhưng bão tố ở biển khơi không bao giờ dừng, và mỗi lần con ngoảnh mặt lại nhìn những người đồng thuyền thì đã vơi đi, đã bớt đi nhiều người, bởi sóng lớn họ rất sợ hãi. Họ sẽ thà rằng nhảy xuống biển Đông bơi vào bờ, hơn là tiếp tục vượt sóng để qua bờ bên kia. Và nhất định sẽ có lúc con chỉ còn một mình ngồi trên thuyền thôi. Nhưng nhớ! Người đầu thuyền, người đầu tàu, người lái thuyền, người tài công không thể vì sóng gió mà nhảy xuống trốn đi, để lại cho bao nhiêu người hoang mang sợ hãi ngồi trên thuyền. Dù chẳng còn ai thì người tài công, người đầu thuyền vẫn phải vững chãi thong dong tự tại nối sóng mà đi”. Câu nói đó gần bốn mươi năm trời sống ở Mỹ, Bảo Thành đã có thật nhiều cơ hội nếm được những hương vị cay đắng, rớt vào những hầm chông, ngủ trên gai góc, nước mắt đã chảy, máu cũng đã rỉ ra, và trên môi cũng mặn đắng thật nhiều lần, nhiều năm trong cuộc đời. Nhưng mỗi một ngày trôi qua, lời của Tổ dạy vẫn còn văng vẳng ở trong tâm. Ánh sao đêm tinh tú trên bầu trời rực sáng, nụ cười của Tổ vẫn hiện diện. Thế là Bảo Thành vẫn tiếp tục đi. Cứ trải qua một đoạn đường lại nhiều người nhảy xuống thoát ly khỏi con đường Bảo Thành đang vươn tới. Nhưng không sao! Bởi trên nền trời cao vẫn có ánh tinh tú diệu vời của Tổ, ngàn sao của Bồ Tát, mặt trời Trí Tuệ của Chư Phật – chẳng sợ! Để đạt được sức mạnh tương đối như thế Bảo Thành đã phải đương đầu với biết bao nhiêu thử thách, trực diện với biết bao nhiêu não phiền của những người thật thân, của những Phật tử, của những đệ tử thật gần. Nhưng chính lời chúc phúc và khai thị của Tổ đã làm cho Bảo Thành luôn vững vàng ngồi trên đầu tàu, con thuyền nhỏ độc mộc năm xưa. Một mình đi mãi rồi cũng gặp được tri kỷ, cũng gặp được các bạn đồng tu, cũng gặp được những người yêu thương sẵn sàng ngồi đồng thuyền đưa bàn tay ra lướt sóng để tới bờ kia cùng với Bảo Thành.

“Không Cần Chạy Trốn Phiền Não”, không cần chạy trốn những não phiền trong cuộc đời các bạn ơi! Não phiền đối với ta đều do nghiệp của ta. Cả cuộc đời của Đức Phật là tấm gương, Ngài không bao giờ chạy trốn những não phiền gây ra, từ trong cung đình điện ngọc nơi vua cha, từ trong Tăng thân, Tăng đoàn Ngài tạo ra, từ trong cộng đồng dân chúng sống đương thời, từ nơi quan quyền vua chúa hoặc các bậc thầy, tôn giáo khác. Đức Phật chẳng phải là ngôi sao trên bầu trời mà Ngài là ánh sáng của hằng hà tinh tú Thiện nghiệp vô lượng kiếp, kết tinh phát luồng phát quang chiếu sáng cho cõi đời. Thế nên mọi phiền não tới với Ngài hằng ngày, hằng giờ Ngài vẫn nhìn chúng. Và từng hạt bụi não phiền tới với Ngài, Ngài nhìn rõ, Ngài nhìn thấu và bụi bặm của phiền não liền biến thành phước báu, Ngài mang ra trao tặng cho tất cả các chúng sanh.

Cuộc đời chúng ta thường khi gặp phiền não đau khổ chướng ngại đối với nhau, ta không bao giờ biết ngồi xuống để nhìn cho thấu. Nhìn thấu để hiểu, hiểu để thương, để thông cảm đồng hành chung. Chúng ta quá vội vàng phán xét, tìm tòi cái sai của người mà không ngồi xuống cùng với người để nhìn về đồng một hướng. Nhìn cho thấu những hiện tượng đang xảy ra để hiểu, từ đó phát triển tình thương gắn bó, mà là xoay mặt quay lưng, vội vàng dọn đồ cắm cổ chạy trốn. Hiện tượng này cứ xảy ra mãi. Và những ai chạy trốn khỏi não phiền thì có khi nào thoát khỏi phiền não đâu? Không! Bởi phiền não đâu từ bên ngoài tới, chẳng từ trên trời rơi xuống do ông trời ổng giáng, ổng phạt chúng ta. Cũng chẳng phải do ma vương, quỷ dữ, nó ở đâu? Câu hỏi cần được đặt ra và tư duy.

Có một câu chuyện ở một ngôi chùa kia. Thuở sinh thời của một vị lão sư già trong ngôi chùa thật nhỏ dựa vào vách núi, Ngài ngồi thiền tu luyện ở ngôi chùa đó, Phật tử xa gần dần dần biết tới và thường tới lễ Phật thỉnh giáo Ngài, Ngài chỉ cười thôi. Ai cầu, ai xin, ai muốn hỏi gì Ngài cũng chỉ cười, dựa vào vách núi có chỗ dựa rồi Ngài cười. Thấy tâm tánh Ngài hiền chẳng nói gì nhiều, hình như cũng không nói chỉ biết cười. Ai nói gì cũng cười. Người tâm đức, hiền lương như thế Phật tử xa gần tới đóng góp chùa xây dựng tương đối lớn, đẹp, nguy nga. Lúc này có nhiều thầy tới để xin ở trong ngôi chùa đó, bởi thấy lão sư không có đệ tử, sống có một mình, nhưng lại được phước báu xây dựng chùa lớn. Các vị thầy xa gần cũng như các vị sư cô bắt đầu lui tới xin trú ẩn đồng tu. Chính vì sư thầy lớn tuổi kia chỉ biết cười và hồi sơ khai nghèo khổ, chẳng có mấy ai đi vô học để làm đệ tử, nên khi quý thầy, quý sư cô tới để thường trú, khác tông môn, khác phái, khác cách tu hành, rồi khác cả sự suy nghĩ làm việc. Mà vì lão sư kia chẳng khi nào ngồi hội họp lại, đặt ra một cái chung và gò bó những vị thầy, vị sư cô tới. Do đó, những vị thầy, vị sư cô kia khi tới chẳng tự xếp đặt, chẳng tự quy hướng về con đường chung của chùa, nên nhiều chuyện xảy ra phiền não. Khi trình với vị sư lớn tuổi Ngài chỉ cười thôi. Và đã nhiều lần, nhiều năm, các thầy tới, các cô tới rồi trốn chạy bởi những phiền não. Phiền não từ những người tới ở, phiền não từ Phật tử tạo ra. “Con trình cho ông thầy”, ông thầy cũng chỉ nhìn cười mà thôi. Lâu dần người ta thấy rằng hình như ông thầy đó bị điếc, hình như người điếc chỉ biết cười. Chúng ta cũng cẩn thận nếu chuyện gì cũng cười coi chừng bị người đời cho là điếc. Vị sư kia đã bị quý thầy, quý cô và mọi người nói rằng ông ta điếc, tai đã bị điếc thật sự rồi, chẳng nghe thấy gì, cho nên gặp chuyện gì cũng cười được. Bao nhiêu người tới cũng là bấy nhiêu người phải chạy trốn ra đi, bởi sự phiền não nơi ngôi chùa họ cho là quá rắc rối mà vị sư không giải quyết, họ bỏ trốn, họ đi. Trải qua một thời gian dài vị sư cũng đã tới tuổi sắp sửa phải về cõi xa, nên để lại thông điệp truyền cho mọi người có một buổi họp để trao truyền quý giá nhất mà cả cuộc đời vị sư kia thành tựu được khi xây ngôi chùa dựa vào vách núi.

Thuở xưa, thuở mà dạ lam còn hoang vắng, tiêu điều. Từ thuở đó cho tới thuở mà ngôi chùa hùng vĩ nguy nga, muốn kêu gọi tất cả các Sư Thầy, Sư Cô, các vị mà đã ghé ngang đây một thời về để truyền trao lại cao quý nhất trước khi ra đi. Các vị Thầy kia, các vị Sư Cô kia nghe được thông điệp đó vui mừng nghĩ rằng: “Bởi thời xưa ta chạy trốn bởi não phiền, nhưng giờ thầy đó sắp chết rồi, truyền trao chắc là ngôi chùa đó phải về tay của ta”. Cho nên mọi người đổ về và Phật tử cũng tề tựu về. Bởi ngày đó được thông báo rộng rãi ai cũng biết, nên Phật tử mà bao nhiêu đời, năm tháng qua hộ trì cho vị lão sư này đều về để nghe thầy của mình truyền trao cao quý nhất là gì và cho ai. Thấy hiện diện nhiều quý thầy, tăng, ni họ đều nhận ra các thầy, tăng, ni, đó cũng một thời ở đây rồi bỏ đi. Và khi họ bỏ đi thường để lại là sự than phiền, về sự phiền não, sự não phiền xảy ra trong chùa. Nhưng giờ phút này ai cũng có mặt đầy đủ, đến giờ vị thầy lớn tuổi kia mới ngồi chậm rãi cũng lại cười. Chúng hỏi đủ thứ nhưng Ngài chỉ cười và cuối cùng Ngài bắt đầu nói. Truyền trao quý nhất trong cuộc đời làm sư xuất gia của Ngài thì ai cũng ngóng chờ Ngài gọi tên mình lên để trao chùa. Tâm thái con người là như thế. Vị sư mới nói nhưng trước khi nói thì nụ cười thật tươi. Ngài nói chậm rãi: “Đã bao nhiêu năm qua, ta học hạnh lắng nghe, chẳng nói một lời chỉ biết nghe để hiểu, để thấu, và thương”. Khi nghe tới đây ai cũng chột dạ, hóa ra ông thầy này không có bị điếc, nghe được, nhưng không nói chỉ cười. Lão sư lại tiếp tục: “Chính vì ta chỉ có nghe để cho thấu rõ để hiểu, để thương, mà ngày nay ta có một gia tài vô giá muốn để lại cho những ai có nhân duyên”. Nói tới đây các thầy, các sư cô đều nhổm người vươn tới phía trước, như sắp sửa được lãnh gia tài của ngôi chùa nguy nga, hùng vĩ này. Ai trong tâm cũng mong rằng phần đó sẽ thuộc về mình. Và Ngài lại tiếp: “ gia tài cao quý nhất ta để lại chính là ta đã hiểu hạnh phúc và bình an tới từ tâm. Não phiền và đau khổ cũng từ tâm mà ra. Ai không chạy trốn khỏi căn nhà chân tâm thì phiền não sẽ im ắng, hạnh phúc sẽ lan tỏa, và bình an sẽ chiếu sáng”. Ta muốn chuyển lại cho tất cả rằng: “Đừng bao giờ chạy trốn căn nhà chân tâm hiện hữu nơi chính cuộc đời. Phiền não từ tâm ra, hạnh phúc cũng từ tâm mà ra”. Chỉ có thế, Ngài cười lần cuối, đôi mắt khép hờ, khép hờ lại, hơi thở nhẹ dần dựa vào vách núi ra đi thật nhẹ nhàng.

Câu chuyện này Bảo Thành nghe được từ Tổ dạy, từ thuở còn rất nhỏ Tổ hay kể chuyện. Nay thấy chủ đề: “Không Cần Chạy Trốn Não Phiền” nhớ mồn một ở trong tâm. Nhớ lời Tổ truyền và cũng nhìn lại cả một quãng đời gần 45 năm sống ở nước ngoài, trải qua hàng trăm ngàn những thử thách. Nương vào câu chuyện sự khai thị của Tổ, Bảo Thành vẫn còn giữ được nụ cười. Tuy nhiên nụ cười của Bảo Thành nhiều lúc cũng héo dữ lắm, nhưng phải biết chăm sóc, tưới tẩm để nó tươi trở lại sau những ngày nắng bỏng khô hạn để nó thêm chút tươi tươi đó mà.

Các bạn đồng tu thân mến! Chúng ta thực sự có cần phải chạy trốn não phiền hay không? Không phải chân lý vì lão sư kia nói là Ngài giác ngộ hiểu đâu mà Ngài là người học Phật. Phật dạy: “Phiền não từ tâm, hạnh phúc, an bình cũng từ tâm”. Ngài đã phát nguyện tịnh khẩu cho cả cuộc đời xuất gia, để chiêm nghiệm chân lý mật truyền của Phật qua Kinh, “Vạn pháp do tâm tạo, não phiền hay hạnh phúc cũng do tâm”. Chẳng phải từ người mang tới, cũng chẳng phải từ trên trời rơi xuống, ập xuống. Chính vì vậy, từ thảo am nhỏ dựa vào vách núi, cho tới khi Phật tử xa gần tới cúng dường để tạo thành một ngôi chùa nguy nga, hùng vĩ, dựa vào núi. Nhưng đối với vị lão sư kia chỗ dựa vững chãi nhất để có thể có được nụ cười tươi vẫn chính là chỗ dựa của chân tâm. Bao nhiêu năm trời gặp não phiền, sự than trách, đấu tố, hơn thua, thọc mạch, để mang Ngài ra như một vị quan tòa hành xử để cho họ được đúng, mà phán cho kẻ khác bị sai. Ngài cũng chỉ cười. Cười riết mà người ta nói Ngài bị điếc. Nhưng trong cái điếc, người đời đặt để cho Ngài, Ngài có ánh sáng của chân tâm chiếu soi, để nhìn thấu. Và từ đó mới có gia tài vô giá do sự đốn ngộ của bao nhiêu năm trầm tĩnh, tịch tĩnh lắng nghe, để nhìn thấu những sự phiền não, ai oán, xảy ra ngay trước mặt. Nhưng Ngài vẫn dựa vào vách núi cao của chân tâm, nơi vững chãi nhất của đời người nên chẳng bị đốn ngã, vững chãi ngồi nhìn.

Trong thời gian trôi qua, bao nhiêu người tới đều trốn chạy, nhưng Ngài vẫn đó chẳng chạy trốn não phiền. Học được điều này qua bài học đây Bảo Thành và các bạn nhất định phải tác ý như pháp mà vị lão sư đã dạy. Nguyện không chạy trốn mọi não phiền xảy ra đối với ta vì tất cả đều do tâm ta tạo. Não phiền tới là do tâm ta khởi nguồn bất thiện từ nhiều đời; hoặc trong kiếp này tạo môi trường cho nó trổ quả. Hạnh phúc tới, cũng là nơi tâm của ta hành nhiều Thiện nghiệp và ta tạo điều kiện cho những nhân thiện, nhân từ bi yêu thương trổ quả. Phải trở thành người nông dân thôi các bạn! Biết nhổ gai, lượm sỏi đá, biết bón phân và tưới nước để cho những hạt giống Thiện có cơ hội trổ mầm và dọn sạch những não phiền nó trỗi dậy ở trong tâm. Đức Phật giác ngộ nói về chữ “Tâm” cả một đời. Người học Phật như chúng ta mà không quay về chữ “Tâm” để tu, để thực nghiệm, để trải nghiệm thì chẳng có thể nào thoát khỏi não phiền được. Kinh Pháp Cú đã dạy: Trốn lên trên trời ư? lẩn vào trong hang động ư? chui xuống biển khơi ư? hay vào rừng sâu núi thẳm mà thoát khỏi được não phiền khi nghiệp nó trổ ư? Câu trả lời là: không! Chúng ta nhất định phải trở thành một anh hùng vô địch dựa vào tuyệt chiêu, tuyệt kĩ mà Phật trao – đó là Chánh niệm. Chánh niệm có sức mạnh vi diệu, để có thể trở thành lưỡi kiếm cắt đứt mọi sợi dây phiền não nơi tâm. Chánh niệm cũng là ánh sáng vi diệu rọi soi vào mọi ngõ ngách tăm tối nơi tâm, để ta nhìn rõ, để ta thấu, để ta hiểu và ta thương. Khi người nhìn thấu, hiểu và thương, người đó không bao giờ chạy trốn, không bao giờ bỏ lại sau lưng những người yêu thương của mình, đồng đội của mình, bạn đồng tu của mình, thầy trò của mình, thật vững chãi, thật kiêu hùng. Dù cho phía trước bão tố và phong ba có ập tới, người vẫn đứng đó mỉm cười yêu thương. Bởi người nhìn thấu được não phiền từ tâm.

Các bạn! Mọi não phiền tới với cuộc đời của chúng ta, đều từ tâm ta tạo mà ra, và mọi hạnh phúc an vui có khởi lên, cũng từ tâm ta mà khởi. Đừng trốn chạy, hãy trực diện trở về với tuyệt kỷ vi diệu Phật trao truyền là “Chánh niệm hơi thở”. Trong Thiền Mật Song Tu, Chánh niệm Từ Bi Trí Tuệ quán là pháp phương tiện vi diệu, để cắt đứt mọi phiền não do tâm tạo, để đón nhận hạnh phúc an vui cho tâm khởi. Thiền Trí Tuệ là Kim Cang, là thanh kiếm Kim Cang. Thiền Từ Bi là biển thương mênh mông vô tận gội rửa hết. Thiền Trí Tuệ, thiền Từ Bi trong Chánh niệm hơi thở, rất tuyệt vời cho những ai muốn tâm khởi lên sự hạnh phúc và yêu thương và muốn cắt đứt đi sự phiền não do tâm tạo ra bởi bất thiện nghiệp.

Hãy quay về; quay về; quay về và đừng bao giờ chạy trốn căn nhà chân tâm của chúng ta. Không cần chạy trốn nha các bạn, đã có Chánh niệm hơi thở là Pháp Bảo vi diệu. Đã có thiền Trí Tuệ và Từ Bi, Thiền Mật Song Tu – Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang – Mu A Mu Sa. Từng ngày tháng qua, phiền não sẽ vơi dần, hạnh phúc sẽ khởi nguồn. Các bạn cười lên, chúng ta hãy cười.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái.

Thưa phật! Chúng con nguyện không chạy trốn khỏi căn nhà chân tâm khi phiền não ập về. Bởi chúng con hiểu và thấu được rằng phiền não do tâm tạo. Cũng nơi tâm ấy sẽ khởi nguồn yêu thương, hạnh phúc và bình an. Xin Phật thương chúng con, gia trì cho chúng con tình tấn, vững chãi. Thiền chánh niệm Từ Bi Trí Tuệ quán để thành tựu được pháp an lạc và đoạn diệt được phiền não nơi tâm.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. Nam Mô TàMô TàMô ĐaRaHoang (07 biến)

Hồi hướng:

Thưa phật! Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay, nếu tạo ra được chút nào, tới mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts