Search

Tham Vấn Phật Pháp 7

Bảo Lượng đánh máy, Bảo Phước biên tập

Câu Hỏi

Câu 01: Thưa Thầy, Có người nói thế giới là sự vận hành của năng lượng vũ trụ, là sự hợp nhất của Thân Tâm ý, vậy cũng đồng nghĩa năng lượng mà hằng ngày mình tu tập và quán chiếu cũng là để hòa với sự vận hành chung đó phải không thưa Thầy. Vậy trở về với niết bàn có phải là trở về hòa cùng năng lượng của vũ trụ không ạ?

Câu 02. Mỗi khi gặp bế tắc hoặc khó khăn trong cuộc sống, con thường quán chiếu đến những mảnh đời bất hạnh, khó khăn hơn mình rất nhiều mà con đã gặp hoặc biết. Khi đó con thấy hạnh phúc với những điều mình có và cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn họ, con không còn bế tắc nữa. Nhưng cái việc con cứ nhìn thấy sự khó khăn của người khác để làm con thấy dễ chịu hơn như vậy có tốt không? Đó có phải là mình vui trên cái sự đau khổ của người khác không?

Câu 03: Dạ Thưa Thầy, khi con tu tập thì trí con được khai sáng, con có nhiều sự ngộ ra trong đời và trong đạo. Nếu xét về mặt tâm linh thì có thể hiểu là do sự gia trì của chư phật. Nhưng xét về khía cạnh khoa học thì có thể lý giải như thế nào ạ?

Câu 04. Khi con đang có một chuyện gì đó bực bội trong lòng thì con phải nói ra, đôi khi phải lớn tiếng một chút thì con mới trở lại bình thường được còn không thì nó cứ khó chịu trong người. Dạ con xin thầy chỉ cho con cách để có thể chuyển hóa tình trạng này?

Câu 05: Thường khi con người ta cái Tôi quá lớn vì là do tiền kiếp hoặc đời này, có thể nói là do nỗi đau quá nhiều, do không được yêu thương, không biết thể hiện tình yêu thương với những người thân yêu và những người xung quanh. Tỏ ra thích thể hiện, thích mạnh mẽ, thích độc đoán chẳng qua là vì che đậy sự khiếm khuyết kia. Nhưng mây tầng nào hút mây tầng đó, nên bản thân con cũng là một kẻ đáng được yêu thương và chính tự thân con cũng cần học cách mới biết cảm thông và chia sẻ. Nên con không đủ năng lượng để chuyển hóa người chồng, người thân kia, dù con biết rằng con phải biết từ bi và buông bỏ. Nhưng nói là nói vậy nhưng hiện trạng chính con là người cũng đau bởi cái Tôi cũng còn quá lớn và những nguyên liệu nuôi cái Tôi của chính mình như sự ngạo mạn, ngã mạn, bất cần, độc đoán, tham sân si, cũng còn rất nhiều vậy làm sao con có thể chuyển hóa đối phương khi chính con sinh ra không phải là người cứu rỗi. Con cũng chỉ là tu để sửa chính mình, nhưng con lại bị công khích và phỉ báng quá nhiều về sự học tu để sửa cho chính tự thân tốt hơn. Xin thầy cho con những lời pháp để con tĩnh lại tự thân mình và không bị dằn vặt bởi sự mĩa mai và thị phi ạ. Mô Phật.

Câu 06. Khi áp dụng giáo lý của Phật vào trong vấn đề giáo dục cho trẻ nhỏ thì con có gặp một chút khó khăn khi dạy cho chúng biết chuyện nào nên làm và không nên làm. Ví dụ như con dạy chúng không sát sanh và dẫn trẻ đi phóng sanh, cháu rất thích nhưng trẻ lại có xu hướng không thích những người câu bắt, đánh lưới trên sông vì theo trẻ đó là việc không nên làm, trẻ cho họ là những người xấu. Trong trường hợp này con không biết phải giải thích làm sao với trẻ, xin thầy chỉ dạy?

Câu 07: Thưa Thầy, Có người nói tu là quay về bên trong là thanh lọc chính tâm mình. Bỏ bớt chấp trược sân si…buông tất cả để lòng mình mọi sự trong như mặt hồ đêm trăng rằm thì mới thấy ánh trăng dưới nước. Nghĩa là ta phải thanh lọc tịnh được tâm ta thì phật tánh mới xuất hiện. Vậy cũng có người nói tu giữa đời thường mới là tu. Tu giữa đời thường, tu tại gia, từ bi buông bỏ, nhưng ngày phải đối mặt với nhiều thị phi, chấp trược, hĩ nộ ái ố. v.v …phải vượt qua chính điều đó thì mới gọi là tu. Mà thường cảnh sinh tâm. Hình ảnh làm tâm ta gợn sóng, nếu vậy tịnh ở đời là rất công phu. thưa thầy như thế nào là đúng ạ. Mô phật.

Tham Vấn

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Hôm nay thứ bảy, ngày chúng ta đồng tu trong chương trình “Sống Trong Chánh Niệm”. Và như mọi thứ bảy, chúng ta trở về với tâm thanh tịnh, quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, nương vào hùng lực Từ Bi và Trí Tuệ của Đức Bổn Tôn Như Lai, chúng ta đồng trì danh hiệu của Ngài, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo. Nguyện một lòng hồi hướng cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã quá vãng nhiều đời hoặc mới viên tịch theo nghiệp thiện lành đã tạo ra để tái sanh về cảnh giới an vui.

Chúng ta cũng hồi hướng tới ông bà, cha mẹ, những người thương yêu, bạn bè và mọi chúng sanh đang hiện diện trong cuộc đời này tăng trưởng phước báu, sống đời an vui, tu tập pháp Phật nhiệm mầu.

Ta đồng hồi hướng cho các bạn đồng tu biết sách tấn nhau, dù dưới một pháp môn tu tập nào đều kiên nhẫn và giữ được Chánh Định, niềm tin tưởng vào pháp môn ấy để nhìn thấu được các pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Giờ đây mời các bạn, chúng ta bắt đầu cùng với Bảo Thành trì tụng danh hiệu của Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Đại Bi Chú. (01 biến)

Vãng Sanh Chú. (01 biến)

Thất Bảo Huyền Môn. (01 biến)

(15:57) Mô Phật!

Các bạn thân mến! Trong Đời sống Chánh Niệm vào mỗi một cuối tháng, Bảo Thành và các bạn cho nhau một khung thời gian ấm áp như những người thật thân, có nhân duyên tới với Phật pháp để Tham Vấn Phật Pháp. Đây là lần thứ bảy, tính ra đã 07 tháng rồi. Còn rất trẻ, còn rất sớm trong chương trình này. Đây không phải là một chương trình để giải mã những mật ngữ cao siêu, huyền bí, thâm diệu. Đây cũng không phải là một kênh trong chương trình này để diễn giải chân lý nhiệm mầu trong Kinh điển, cũng không phải là nơi trả lời thâm diệu những câu hỏi về Kinh một cách chuyên môn bởi ở trên mạng có biết bao nhiêu những bậc Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni tôn kính, cao cả đã hiến dâng cả cuộc đời cho sứ mệnh truyền bá Phật pháp bằng Kinh điển, mọi thắc mắc từ những góc cạnh nhỏ cho tới lớn, chi li, ngắn gọn cho tới triết học sâu xa của Phật giáo đều có các đấng ấy đã từ lâu giảng giải, diễn nghĩa cho chúng ta rồi. Chúng ta, mọi người đều nên tạo cho mình một nhân duyên để được tham vấn qua các chương trình ấy. Nhưng trong chương trình của Bảo Thành là một chương trình rất bình dân, nhẹ nhàng như quán cóc bên lề đường. Bạn có thể ghé ngang khi nhìn quanh nhìn dọc không thấy một cái quán sang trọng nào cận kề, nhưng lại phù hợp nhân duyên, ngồi ở quán cóc dưới một cái ghế đẩu chồm hổm thưởng thức một ly café nhẹ nhàng vào buổi sáng thứ bảy trong những câu hỏi thật chân thật, thật chơn chất, thật bình dị để có những lời chia sẻ cũng rất dân dã, mộc mạc nhưng chan chứa tình người. Chẳng cao siêu nhưng đủ để thấm từng giọt café vào ngày thứ bảy cuối tuần để ngâm nghi cho một tuần mới bắt đầu tới tràn đầy thêm năng lượng bởi quanh ta vẫn có những con người đồng cảm, những con người thân thương dù chưa một lần gặp nhưng có thể, có thể ngồi lại bên quán cóc dưới vệ đường bôn ba, tận hưởng một ly café, nói đôi lời chân thật.

Chào các bạn! Và bây giờ chúng ta hãy cùng tham vấn với nhau, chia sẻ những điều có thể biết. Các bạn có thể gửi câu hỏi lên kênh Facebook Chùa Xá Lợi mà các bạn đang coi hoặc là ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn để chúng ta có thể cùng nhau nghe câu hỏi đó để rồi cùng chia sẻ dưới cái góc nhìn mà có thể ứng dụng vào trong đời sống của những người bình thường ngồi quán cóc nhỏ, uống ly café, ngâm nghi suy nghĩ Phật pháp.

Nếu các bạn có những thắc mắc vào những điều gì hoặc có sự chia sẻ gì, Bảo Thành xin lắng nghe.

Mô Phật!

(20:00) Câu 01: Thưa Thầy! Có người nói thế giới là sự vận hành của năng lượng vũ trụ, là sự hợp nhất của Thân Tâm Ý, vậy cũng đồng nghĩa năng lượng mà hằng ngày mình tu tập và quán chiếu cũng là để hòa với sự vận hành chung đó phải không thưa Thầy? Vậy trở về với Niết Bàn có phải là trở về hòa cùng năng lượng của vũ trụ không ạ?

Khi nói tới hai từ “Vũ trụ” và “Năng lượng vũ trụ”, quá cao siêu, quá lớn. Ai trong chúng ta có thể mường tượng ra vũ trụ như thế nào? Mỗi người có lẽ chỉ nhỏ như con ếch lọt vào cái giếng thật sâu, nhìn lên trên trời tưởng bằng cái vung. Trời và vũ trụ như cái vung ở trên mặt giếng, chúng ta đang nằm trong hố sâu của sự suy diễn kiến thức và ngôn ngữ của riêng mình. Dù là tự mình tư duy, suy nghĩ hay lượm lặt văn chương chữ nghĩa “Theo như người ta nói”, “Theo như học giả đó nói, đã viết”, “Theo như bậc, bậc nào đó diễn giải”, chúng ta theo. Theo người lý giải hoặc theo mình tự sáng tác theo những dòng tư tưởng, suy nghĩ của chúng ta. Nhưng thân phận của những ai đó lý giải hoặc thân phận của chúng ta lý giải cũng như con ếch nằm dưới đáy giếng.

Đức Phật không lý giải nhiều! Đức Phật không lý giải nhiều trong cuộc đời của Ngài 45 năm truyền đạo khi giác ngộ về một thế giới mênh mông vô tận về cảnh giới Niết Bàn, về địa ngục, về tất cả. Về một thế giới cao siêu của đấng nào, đấng nào đó. Tất cả những diễn giải đó trong những duy thức luận học hoặc trong những kiến học của loài người sau đời Đức Phật, hàng đệ tử đồ chúng miệt mài trong Kinh tự, sắp xếp theo tư tưởng, ý nghĩ của mình. Dù vẫn gọi là thông dịch hoặc diễn giải nhưng chiều sâu của sự thông dịch và diễn giải ấy, dù đấng, bậc ấy có thông tuệ tới đâu cũng vẫn nằm trong cái tầng hiểu biết của con người chưa giác ngộ. Nhưng vẫn đấu lý với nhau rằng ta thông dịch đúng, ta diễn giải đúng, còn họ là sai, hình như đó là chứng mắc kẹt của tất cả mọi người chúng ta, nơi đó có Bảo Thành và các bạn.

Cái danh từ ngày nay thường dùng mà không phải người Phật giáo, ngay cả những người làm thương gia, buôn bán để sách tấn, thúc đẩy, khuyến khích để cho người đó thích rồi vươn lên làm giàu, thoát khỏi kiếp khổ hoặc thành công một vấn đề gì. Danh từ “Năng lượng của vũ trụ” ngày nay như một cái thương hiệu để quảng bá ở mọi góc phố, ở mọi con đường, ở trong tâm của mỗi người mà ai đó đang muốn vươn lên để thành tựu về kinh tế hoặc vượt qua cái khổ, hoặc để thành tựu điều mơ ước. “Năng lượng của vũ trụ” bao gồm tất cả. Mà hình như, chúng ta thường là chẳng nguyện với Phật chứng minh, chẳng nguyện với trời đất, mà cái thương hiệu “Năng lượng vũ trụ” nó thúc đẩy mọi người là hãy hướng tới năng lượng vũ trụ và trong cái năng lượng vũ trụ đó sẽ đưa chúng ta thành tựu tất cả. Thậm chí có cả những bậc xuất gia nói rằng, trong vũ trụ này có nguồn năng lượng và chỉ cần hướng tới, nguyện thành tựu, hòa nhập với bản thể của năng lượng vũ trụ đó, ta sẽ có được tất cả và thành bất sinh bất tử, ta hết bệnh, ta khỏi toàn bộ.

Nhưng cả cuộc đời Bảo Thành, theo như thiển kiến, tức là sự học hỏi thật nhỏ, đọc trong Kinh, chưa một lần Đức Phật tôn vinh cái năng lượng của vũ trụ, chưa một lần Đức Phật nói hòa mình vào với năng lượng của vũ trụ và nương vào vũ trụ để thành tựu, để thành công, để có được cái này, có được cái kia. Và Phật trong 45 năm trời, không dùng thời gian 01 năm, 01 ngày, 01 tháng, 01 giờ, 01 giây, 01 phút để diễn giải về năng lượng vũ trụ. Nếu có thì trong Kinh đã nói và ta đã nguyện rồi: Nam Mô Năng Lượng Vũ Trụ Toàn Năng xin hãy chọn con. Ta đâu có chữ “Nam Mô Năng Lượng Vũ Trụ trong Phật đâu.

Nhưng cái năng lượng của vũ trụ trở thành một thương hiệu, một cái trend (xu hướng) mà hình như giới trẻ, những người mới lập nghiệp làm ăn trong những cấp độ siêu xuất muốn trưởng thành nhanh để giàu có gọi là đa cấp, nhân cấp thì thường hay dùng cái năng lượng vũ trụ và những nhà diễn giải gọi là triết học thương mại hoặc những MC thương mại, họ đánh bóng cái năng lượng vũ trụ để tăng trưởng thêm niềm mê, sự đam mê để hối thúc, để mọi người trẻ hoặc là già rồi mà muốn thành công sau cả cuộc đời chẳng làm gì, toàn thất bại, nhảy vào vùng đam mê quay cuồng trong ngọn lửa của đa cấp, nhân thật nhiều những con số tiền tài, danh vọng, địa vị để cuối cùng biến vũ trụ, năng lượng của vũ trụ thành như một vị Thần để cầu tài, cầu tiền, cầu tình. Để cuối cùng, quên luôn Thượng Đế nếu theo Thiên Chúa. Quên luôn Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền nếu theo Phật. Quên luôn những đấng mình tôn thờ trong tôn giáo của mình để hình thành nên một đấng mới, đấng đó chính là năng lượng vũ trụ.

Các bạn bấm từ khóa “Năng lượng vũ trụ” ngày nay nó trở thành một thương hiệu hấp dẫn vô cùng. Nó như một cái model, một fashion mà làm cho ai ai cũng thích, đặc biệt là giới trẻ trong những quốc độ, trong những đất nước trơ vơ, bơ vơ trong nền tảng vững chắc về kinh tế hoặc muốn làm giàu đột biến. Đột biến như đột biến gen của những loài hoa lan, bình thường có giá trăm ngàn cây, nay có thể bán mấy chục tỷ. Cuối cùng, tìm ra những loài đột biến gen, đột biến gen của hoa lan kia chỉ là giả tạo, đánh lừa. Đánh lừa để làm gì? Để rửa tiền! Và chúng ta, từ khóa “Năng lượng vũ trụ” chỉ là sự đánh lừa cảm xúc, đánh lừa suy nghĩ để rửa, mà không phải rửa tiền, để rửa đi những khả năng không chịu học hỏi kiến thức để vươn lên một cách chân chính, để thành tựu một cách thật nhanh và rồi từ đó, chúng ta tự tẩy xóa tất cả mọi đức hạnh, niềm tin vốn có, vốn dĩ được truyền dạy đơn giản từ ông bà, cha mẹ, từ những bậc Thánh Tổ, những bậc cổ đức ngày xưa để chạy theo một vị Thần mới của thời đại, đó là vị Thần năng lượng vũ trụ hoàn hảo. Nhưng mấy ai trong chúng ta có thể thấu được hai chữ “Vũ trụ” này đâu. Mấy ai trong chúng ta với cái nhìn hạn hẹp của mình có thể nhìn thông được vũ trụ bao la. Mấy ai trong chúng ta với kiến thức được nhồi nhét thật nhiều từ sách vở, từ băng dĩa, từ nghe diễn giải từ những diễn đàn kinh tế hay triết học, không gian, năng lượng học, vũ trụ, nghe như vịt nghe sấm, hiểu như ta chấp nhận, nhưng mấy ai chứng rõ được và thấu được vũ trụ này như đấng giác ngộ là Phật đâu.

Vậy mà cứ tung hô, tung hô “Vạn tuế” cái từ ngữ “Vũ trụ”, “Năng lượng vũ trụ” để rồi lao đầu vào quên hết nền đạo đức căn bản để sa đà, ngã vào vùng đam mê, tham chấp. Đối với Đức Phật, cuộc đời của Ngài dạy đơn giản, chúng sanh khổ, phiền não, Phật tới để giải khổ và phiền não. Phật tới để giúp cho con người hạnh phúc và bình an. Phật tới để chỉ ra một chân lý rằng điều gì tạo ra khổ và sự tồn tại từ kiếp này qua kiếp sau mang theo cái khổ đó chỉ là năng lượng nghiệp thức của Ác và Thiện. Bạn chẳng cần phải suy nghĩ về cái năng lượng vũ trụ cao siêu, mường tượng như những nhà triết học phương Đông hoặc Tây phương, hoặc những triết học thương gia thời đại gắn mác vào từ đó quá cao để hấp dẫn, để có cái lực hấp dẫn mà ngày nay còn có cái từ gọi là “Hấp dẫn năng lượng”. Nếu phát ra cái tâm ham muốn, nó hấp dẫn người khác ham muốn, mà cái từ đó hình như các bạn làm ăn trẻ, các bạn trẻ làm ăn thích lắm. “Định luật hấp dẫn của vũ trụ”. Đấy! Là một cụm từ nữa. Cái định luật hấp dẫn nó kéo người ta vào, cho nên nó tăng trưởng tâm tham, năng lượng tham lên làm ta hấp dẫn tức là chiêu cảm, ta muốn giàu, ta muốn giàu, ta muốn giàu, ta muốn có, có, có, có tình, tiền, tài, danh vọng, địa vị, ta cứ như vậy ta thúc đẩy sự tham muốn, năng lượng đó, cái năng lượng muốn đó nó hấp dẫn để làm mê hoặc chính ta và mê hoặc những người khác.

Trong Phật giáo, cái từ “mê” là đã sai. Dù bạn hòa mình ra cái được gọi là tưởng như năng lượng của vũ trụ hoặc là sự hấp dẫn năng lượng thì cũng khởi lên từ cái tâm mê, vọng. Vọng tức là không nhìn rõ, mê. Hai từ khóa này bạn bấm vào trong những chương trình diễn giải qua những diễn đàn thương mại của tuổi trẻ, đặc biệt Việt Nam ngày nay sử dụng thật nhiều từ khóa “Định luật hấp dẫn năng lượng” và “Định luật năng lượng của vũ trụ” để cho bạn trẻ hòa mình vào năng lượng của vũ trụ đó, hấp dẫn mọi người với điều ước, điều đam mê, lòng nhiệt huyết của sự làm giàu và thành công. Để rồi biết bao nhiêu những họa sĩ ngôn ngữ đã vẽ, sơn vào màu sắc của sự tham muốn trên khuôn mặt của mỗi người chúng ta như một anh chàng hề đi vào thế giới này hấp dẫn những người khác đeo đuổi dòng đam mê trong cái vọng thức chẳng biết Chánh – Tà, Thiện – Ác, bởi chỉ có một lòng nhiệt huyết duy nhất là làm sao thành đạt được những điều ham muốn của chính mình, nhưng chẳng bao giờ phát tâm đến sự ý nguyện giải thoát khỏi đau khổ và phiền não. Do đó, cả cuộc đời bị đốt cháy trong ngọn lửa như con thiêu thân bay vào lửa Tham – Sân – Si của cái định luật mới sáng tác ra đó là “Luật hấp dẫn năng lượng”, “Năng lượng vũ trụ”. Và cái hấp dẫn năng lượng, năng lượng vũ trụ ngày nay đã biến thành một đối tượng huyền bí để người ta cầu, để người ta xin, để người ta thành, mặc dù chẳng mang một cái mẫu mực, hình thức, ngôn ngữ, tôn giáo mà nó chỉ là nghệ thuật đảo ngược ngôn ngữ để làm cho người ta mê, chẳng khác gì như những người mê tín dị đoan mà ta luôn luôn, ta luôn luôn phê phán họ thì nay ta lại trở thành người mê tín dị đoan bởi cái trò đảo ngược của thế gian trong ngôn ngữ. Người ta không muốn mình bị dị ứng với những ngôn ngữ của mê tín dị đoan nên bắt đầu tô son, trét phấn cho một thể loại ngôn ngữ mới, đó là ngôn ngữ “Năng lượng vũ trụ” hoặc “Hấp dẫn năng lượng” để lôi kéo chúng ta đi vào một sự mê tín dị đoan.

Các bạn cứ nghĩ lại, thật nhiều các bạn trẻ ngày nay tôn vinh cái hấp dẫn năng lượng. Để khi đi làm ăn, khi đi buôn bán, khi làm một việc gì như buôn bán đa cấp, buôn bán những chuyện này chuyện kia, hấp dẫn, hấp dẫn người khác thì đó chỉ là trò hề của những con người có chiến thuật, có chiến thuật Marketingđể hấp dẫn, lôi kéo người khác vào vùng đam mê để xài tiền, để phung phí cuộc đời của họ và làm cho chúng ta có thêm một phần lợi ích về vật chất. Đó không phải là con đường của Thế Tôn, chẳng phải là con đường của Phật giáo. Cho nên các bạn phải cố gắng đừng để lầm lẫn để biến năng lượng vũ trụ hoặc là định luật hấp dẫn năng lượng thành một đấng vô hình, trá hình dưới cái hình thức ngôn ngữ ảo diệu như một con người được hóa trang, son phấn đầy đủ, chụp một cái hình đẹp, đẹp tới mức mà không thể tưởng tượng được, nhưng nó không phải là cái nét trung dung, chân thật của con người đó. Khi lấy nước rửa đi, hóa ra mới nhìn thấy rõ cái khuôn mặt thật.

Các bạn đã thấy trên YouTube hoặc Facebook có những đoạn video hoặc ngay cả bạn nhìn thấy những tấm hình của các bạn mà bạn quen biết, đôi khi đi chụp những cái hình đẹp, bắt đầu Makeup, tức là trang điểm lên, nó hoàn toàn xa lạ, có cái nét giống giống như người đó nhưng mà kiêu kỳ, đẹp, kiều diễm lắm, nhưng hóa ra cái mặt mộc thì nó vẫn chân thật, đẹp một cách ngây thơ, chân chất. Nhưng ngày nay, để thể hiện cái đẹp của mình, người ta đã hóa trang, và trong cuộc sống, để đưa vào vùng đam mê, người ta đã hóa trang ngôn ngữ của thương mại thành Thượng Đế mà không ai biết, đó là “Năng lượng vũ trụ” và “Định luật hấp dẫn của vũ trụ”, “Hấp dẫn của năng lượng”.

Các bạn thân mến! Những điều bạn vừa hỏi, nó xảy ra hàng ngày ở mọi nơi tại Việt Nam và trên thế giới. Đó không phải là chân lý của Đức Phật, cách suy nghĩ như vậy không đúng. Nhưng nó rất đúng đối với những con người thích làm giàu hoặc không đi vào sự căn bản vững chắc của chân lý của Đức Phật.

Các bạn cứ đọc trong Kinh và các bạn cứ hỏi những bậc cao Tăng nói về đời sống của Đức Phật hoặc các bạn tự nghiên cứu sẽ thấy, Phật không bao giờ nói đến sự hấp dẫn năng lượng hoặc là năng lượng vũ trụ. Phật chỉ nói đến năng lượng của nghiệp Thiện và Ác, mà cái ngôn ngữ thường sử dụng trong Phật giáo gọi là nghiệp lực của Thiện và Ác. Tức là một tạo tác Thiện và Ác tạo nên một cái lực, cái lực đó sẽ giữ những thông tin của chúng ta như phần mềm của máy và phần cứng của máy vi tính. Phần cứng của máy vi tính sẽ giữ mọi thông tin mà ta dùng cái app của phần mềm để đón nhận, để tạo ra rồi nhét vào phần cứng, giữ ở trong đó. Cả phần mềm và phần cứng này giữ thông tin đó thì khi máy vi tính chết đi, thông tin sẽ vẫn còn nếu như chúng ta có thể lấy được phần mềm nhét vào phần cứng. Cho nên nhiều cái máy vi tính bị hư thì những nhà sửa chữa máy vi tính có thể có khả năng gỡ ra và tìm trong cái phần cứng của cái máy vi tính đó, lấy ra phần mềm rồi đưa vào một cái máy vi tính khác. Mà ngày nay để bảo toàn những thông tin đó khỏi mất, khỏi bị hacker phá, chúng ta thu những thông tin đó vào USB của mình, nhét vào cái USB đó, nhỏ chút xíu thôi, và rồi nếu chúng ta chuyển qua một máy vi tính khác thì toàn bộ sẽ có trong máy vi tính khác, mặc dù khác tướng nhưng toàn bộ thông tin qua bên đó.

Ngày nay phone còn hay hơn nữa. Cái phone cũ ngày xưa, toàn bộ thông tin của chúng ta, hình ảnh, video hoặc những số phone không qua được phone mới, ta phải ngồi bấm bấm lại mà nếu không nhớ, lỡ bấm không hết thì nó mất luôn. Nhưng ngày nay phone hay quá! Nó có sự cảm ứng để rồi chúng ta chỉ cần bật cái phần này, bật cái phần kia, để nó gần nhau là tự động nó chuyển. Còn nếu chúng ta mà có Google Email Account (tài khoản Google Email), ta chuyển mọi thông tin lên trên đó thì qua cái kia, ta chỉ bấm cái phone mới, ta chỉ bấm cái Google Account, toàn bộ thông tin phone cũ đi qua. Các bạn thấy không? Toàn bộ thông tin đi qua cái phone mới, đó chính là nghiệp lực được chuyển tiếp từ kiếp này qua kiếp sau, từ hành vi này tới hành vi sau có sự ảnh hưởng, cho nên đối với Phật, nếu các bạn đã học Phật, đừng để từ khóa “Năng lượng vũ trụ” hoặc “Hấp dẫn năng lượng” lôi kéo các bạn vào mê thức mà hãy nhìn thẳng vào rằng, nguồn năng lượng của nghiệp Ác, của nghiệp Thiện, của tạo tác, hành vi, ngôn ngữ, tư tưởng Ác và Thiện tạo thành năng lượng và cái năng lượng đó, nó sẽ ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta để tạo ra khổ hoặc là hạnh phúc. Để tạo ra họa hoặc là phước, tức là may mắn.

Phật dạy, những tạo tác, hành vi và suy nghĩ Thiện lành tạo ra một cái nghiệp lực Thiện, nghiệp lực Thiện đó mà chữ tượng trưng trong nhà Phật gọi là “phước báu” sẽ giúp cho chúng ta tạo được sự hoan hỷ, hạnh phúc. Còn nếu như tạo trong sự đam mê, Bất Thiện từ lời nói, việc làm, đi ngược lại chân lý của cuộc sống thì sẽ gây ra khổ và bất an cho các bạn. Cho nên Bảo Thành khuyên các bạn đừng đi vào vùng đam mê hấp dẫn của những cái danh từ, ngôn từ của từ khóa thương mại hiện đại ngay tại trong nước là “Năng lượng vũ trụ”, “Hấp dẫn năng lượng” để lao đầu vào lo làm giàu mà quên lo làm giàu đời sống đức hạnh của chính mình. Đời sống của Phật giáo, đức hạnh của Phật giáo là xa lìa những mỹ từ ảo diệu được tô điểm bởi những con người có thể phủ lấp lên đó những điều độc hại trong cái tâm mê, mà hãy trở về với tâm của Phật, lột trần những cái bản ngã được nhào lộn bằng đất sét, bằng sự đam mê, ham muốn màu sắc của ngôn ngữ để thấy được cái chân thực tướng của cuộc đời ảnh hưởng do suy nghĩ, lời nói và hành động Tốt hoặc là Xấu, Thiện hoặc là Ác để tạo thành cái năng lượng và năng lượng đó như năng lượng phần mềm được chuyển từ ngày này sang ngày sau, từ kiếp này qua kiếp sau. Để chúng ta bị khổ, bị đày đọa, oan gia trái chủ hay được hưởng cái phước, gọi là hưởng phước để có sung sướng và bình an.

Hãy tránh xa những ngôn ngữ hiện tại trong thương mại như “Năng lượng vũ trụ”, “Hấp dẫn năng lượng” và trở về một cách chân chính, nhớ thật rõ chỉ có hai nguồn năng lượng mà người Phật tử cần chú ý, năng lượng của Ác nghiệp và năng lượng của Thiện nghiệp. Để không cần phải hòa mình vào với năng lượng của vũ trụ, mà hòa mình vào với năng lượng của Thiện nghiệp để có hạnh phúc và bình an, có phước báu để thành tựu. Đừng chui đầu vào cái hấp lực của năng lượng Bất Thiện để cả cuộc đời đau khổ.

Năng lượng của vũ trụ, hòa mình vào với vũ trụ tức là hòa mình vào với cát bụi. Hấp dẫn năng lượng là hấp dẫn vào lòng đam mê, vào vùng xoáy của vô minh. Cho nên các bạn nhớ, hãy trở về và hiểu giáo lý của Phật một cách chân thật, phá tan đi sự ảo tưởng, phá tan đi ảo tưởng của ngôn ngữ ảo diệu của “Năng lượng vũ trụ” hay của “Hấp dẫn năng lượng”.

Ở đây Bảo Thành không nói tới vấn đề phân tích về cái chữ nhưng mà các bạn phải chân thật với chính mình. Hai từ khóa “Năng lượng vũ trụ” và “Định luật hấp dẫn năng lượng”, bảo toàn năng lượng ngày nay trở thành một cái trend (xu hướng) cho những bạn trẻ làm ăn muốn giàu lớn mà chẳng tăng trưởng kiến thức chân chính như nghề nghiệp Đức Phật đã dạy Chánh Mạng, Chánh Nghiệp. Cho nên đừng đi vào vùng lốc xoáy đam mê của vô minh, mà hãy lột trần, giũ bỏ. Một là lấy nước rửa sạch cái mặt của mình, đừng trang điểm nữa. Đừng trang điểm bằng ngôn ngữ, đừng để cho những người diễn giải về thương mại trẻ để tạo dựng nên một tôn giáo vật chất trong những từ khóa đó.

Có những bạn trẻ ngày nay ngồi cầu, cầu cái năng lượng vũ trụ, nguyện với năng lượng vũ trụ, phát cái tâm năng lượng vũ trụ, hấp dẫn năng lượng để làm giàu, để có khách, để mua hàng nhanh, để rồi tuổi trẻ tài cao, tiền vô thật nhiều, chết xuống mồ sâu, chẳng mang được gì.

Thầy đã nói xong. Mô Phật!

(43:34) Câu 02. Mỗi khi gặp bế tắc hoặc khó khăn trong cuộc sống, con thường quán chiếu đến những mảnh đời bất hạnh, khó khăn hơn mình rất nhiều mà con đã gặp hoặc biết. Khi đó con thấy hạnh phúc với những điều mình có và cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn họ, con không còn bế tắc nữa. Nhưng cái việc con cứ nhìn thấy sự khó khăn của người khác để làm con thấy dễ chịu hơn như vậy có tốt không? Đó có phải là mình vui trên sự đau khổ của người khác không? Xin thầy khai thị!

Sự lật lừa của ngôn ngữ làm cho chúng ta rối đầu. Khi chúng ta gặp trở ngại, đau khổ, bất trắc trong cuộc đời, ta nhìn thấy nghĩa là nhìn quán chiếu, có nghĩa là theo dõi những mảnh đời bất hạnh hơn ta để thấy rằng mình còn may mắn để từ đó mình cố gắng vươn lên. Đồng thời cũng là một cách quán chiếu để tăng trưởng lòng nhân từ, tình yêu thương, bác ái, hay nói đúng hơn là lòng từ bi, san sẻ yêu thương với người bởi ít nhất khi ta như vậy nhưng ta vẫn có nhà có cửa, có cha có mẹ, ta còn có ngũ căn lành lặn, chân tay, tứ chi tốt đẹp và kiến thức. Đó là cách nhìn để so sánh với người khác, không phải so sánh như vậy để vui thú với cái khổ của người ta nhưng so sánh để chúng ta thấy rằng ta vẫn còn may mắn, đừng ngồi đó mà than mà hãy trỗi dậy để trở thành một ốc đảo tự sáng rồi lại tiếp tục san sẻ.

Như vậy, nhìn người mà thấy được ta, nhìn ta để biết người nào hơn ta. Ở đây không phải là sự hơn mà quán chiếu để thông dung với mọi người, để chia sẻ và đồng bộ với mọi cảm xúc. Cho nên khi bạn đau khổ, phiền não, trở ngại, nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh và đặt để mình với họ ở trong ngữ cảnh, khung cảnh khác nhau và thấy mình còn may mắn hơn thì đừng ngồi đó mà than, vươn lên để được sống rồi san sẻ với những người bất hạnh hơn ta thì điều đó là một lý tưởng thật tốt. Những điều bạn đã làm là đúng. Đừng để cho cái suy nghĩ rằng, nếu như vậy thì có phải chăng là vui sướng trên niềm bất hạnh của người khác hay không? Xin trả lời là không phải.

Nếu bạn nhìn để sửa mình để đứng dậy và rồi phát tâm từ bi, Bồ Đề giúp đỡ những người đó thì đó là ý nghĩa cao cả, đúng. Bảo Thành khuyên rằng bạn hãy tiếp tục làm những chuyện đó. Đừng để lăn tăn những dòng suy nghĩ như kia. Bạn đâu có lợi dụng người nghèo nào đâu. Bạn đâu có lợi dụng người khổ đau, bất hạnh hơn bạn đâu. Bạn chỉ nhìn vào cảnh của người để thấy mình còn may mắn. Từ đó vươn lên, phát tâm thiện, đứng dậy trỗi mình và rồi san sẻ với mọi người. Đó là điều Chân – Thiện – Mỹ mà bạn đang làm.

Bảo Thành khuyên bạn hãy tiếp tục.

Cám ơn bạn!

(46:40) Câu 03: Dạ Thưa Thầy, khi con tu tập thì trí con được khai sáng, con có nhiều sự ngộ ra trong đời và trong đạo. Nếu xét về mặt tâm linh thì có thể hiểu là do sự gia trì của Chư Phật. Nhưng xét về khía cạnh khoa học thì có thể lý giải như thế nào ạ?

Thuở xưa, người ta có đèn dầu, đèn dầu tức là cái đèn, có dầu, có tim đèn, có bóng đèn. Rồi mình không có lửa, mình qua hàng xóm mình nói: “Anh ơi! Em có đèn rồi, có dầu đầy đủ mà không có lửa. Nhà anh có lửa, có đèn, cho em một chút đi, để tỏ lòng em sẽ biết ơn”. Mình qua mình xin vậy thì người ta châm ngọn lửa vào rồi mình mang về nhà.

Khoa học thật là chuẩn xác, ta có cái đèn, ta có dầu, mượn ngọn lửa, xin ngọn lửa mồi vào và bây giờ ngọn lửa trong đèn của các bạn đó, là lửa của ai? Lửa mồi từ người bạn nhưng hiện hữu là lửa trong cái đèn của bạn, đúng không?

Sự gia trì của Phật tức là người bạn gia trì bằng cách mồi lửa qua cái đèn của bạn. Mà khi cái đèn của bạn đã mồi rồi thì lửa nó bắt đầu cháy nhờ cái tim đèn và dầu và ánh sáng được tỏa ra. Chư Phật gia trì cho các bạn như người mồi lửa, người thắp lửa, nếu bạn không có dầu và có tim đèn, tức là không có Phật tánh và cái tâm với chí nguyện cầu giải thoát, bạn nương vào lửa của người hàng xóm để đèn mình tự sáng. Sau khi đèn mình sáng rồi, đó là đèn của mình. Nhưng nhân duyên vẫn có sự liên hệ, đó là mồi lửa hàng xóm làm đèn ta sáng. Mồi lửa của trí tuệ Chư Phật làm trí tuệ ta được sáng chính là bởi vì ta có cái tim Chánh Niệm và ngọn đèn Phật tánh.

Hy vọng bạn hiểu được một cách đơn giản theo sự giải thích của Bảo Thành. Hãy tiếp tục!

Nếu đèn bạn bị lu thì đổ thêm dầu Chánh Niệm của từ bi. Nếu tim đèn bị cháy mất, không còn thì hãy gắn cái tim đèn của trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Và rồi để thắp sáng, hãy qua người hàng xóm trong cuộc đời, người hàng xóm cao quý nhất chính là Đức Phật Thích Ca. Xin người hàng xóm Thích Ca rằng: “Thưa người hàng xóm Bổn Sư Thích Ca! Con có đèn, tức là thân mạng của cuộc sống thanh tịnh, con có dầu tức là Chánh Niệm hơi thở, con có tim đèn tức là trí tuệ vốn có, nhưng xin người hàng xóm Bổn Sư cho con mồi cái lửa trí tuệ viên thông của Ngài để đèn con được thắp sáng”. Và khi Ngài đã mồi lửa cho chúng ta qua sự gia trì thì ánh sáng trong ngọn đèn Chánh Niệm hơi thở và trí tuệ của ta chính là ánh sáng của ta được mồi từ Đức Phật.

Giải nghĩa như vậy đủ cả về khoa học, đủ về triết lý cũng như đủ về chân lý Phật đã dạy.

Mô Phật! Cám ơn các bạn!

(50:01) Câu 04. Khi con đang có một chuyện gì đó bực bội trong lòng thì con phải nói ra, đôi khi phải lớn tiếng một chút thì con mới trở lại bình thường được, còn không thì nó cứ khó chịu trong người. Dạ con xin Thầy chỉ cho con cách để có thể chuyển hóa tình trạng này?

Theo như tâm lý học cũng như Phật học, ức chế quá, ta phải thốt ra để cho nó tỏa ra. Nhưng chúng ta có một cái tật hơi sai, đó là ta phải lớn tiếng. Dù không mang cái suy nghĩ tức giận, sân si để cho được gọi là xả stress, xả nó ra, nhưng xả cái bực bội của ta ra, ta lại xả chỗ đông người. Đông người đó lại không phải là người xa lạ mà hầu hết là cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân, bạn bè không à. Cho nên, ta xả rác trước mặt mọi người, ta được nhẹ nhàng nhưng người khác lại bị phiền não và đau khổ.

Bởi vậy ở nước Nhật có câu chuyện và có cái business tức là có cái thương mại rằng, người ta thành lập những cái phòng thật lớn, có chén, dĩa, có đồ trong đó, hoặc cái phòng cách âm để rồi cho những người tức giận, bực bội vào trong đó đập ly, đập chén hoặc vào cái phòng la cho to lên và rồi họ được thoải mái.

Và đúng, trong nhà Phật cũng vậy. Khi bực bội dưới cái thân người khó chịu, ta xả ra, nhưng ta xả ở chỗ nào? Chỗ thanh tịnh hay xả nơi những con người có tâm thanh tịnh thì không ảnh hưởng đến họ mà được tiếp sức và chúc phước. Cũng như khi ta gặp vấn đề, ta xả ra bằng cách gặp những người cố vấn. Vấn đề về gia đình, cố vấn về gia đình. Vấn đề về hôn nhân, cố vấn về hôn nhân. Vấn đề về bệnh tật, đau khổ, để xả ra tâm phiền não, ta tìm cố vấn như bác sĩ cố vấn hay cố vấn tâm lý, hoặc cố vấn về tâm linh như các bậc hòa thượng. Những vị đó là có sự chuyên môn, được đào tạo sư phạm rõ ràng. Nên khi chúng ta xả ra, to tiếng với họ, họ vẫn tịch tĩnh, an vui để trung dung nhiếp để chuyển hóa và hướng dẫn chúng ta. Nhưng nếu chúng ta xả điều đó, to tiếng điều đó trước mặt những người chưa có sự chuẩn bị thì chúng ta sẽ tạo cho họ sự phiền não và đau khổ.

Có hai vấn đề, vấn đề thứ nhất là mỗi người chúng ta thường phải tương tác hằng ngày với muôn người và người ta luôn luôn xả stress cuộc đời của họ, tức là xả rác ra. Vậy thì ta phải tập nguyện cái tâm Mu A Mu Sa là tâm Đại Từ Đại Bi và Trí Tuệ Bát Nhã, Lăng Nghiêm là trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để chúng ta trở thành một vị tâm linh học có sự bao dung, che chở lớn để rác rưởi của đời người khác xả rồi, ta có khả năng chuyển hóa và lau chùi sạch sẽ để ta không có bực mình, khó chịu mà ta có thể giúp cho họ.

Vấn đề thứ hai là ta phải nhận thức rằng, sự xả rác của ta đối với người chưa có sự chuẩn bị sẽ gây tạo khổ. Thôi thì im lặng hoặc xoay vào cái phòng kín của mình, hướng đến tôn tượng của Phật, giáo lý của Phật, Phật – Pháp – Tăng, hướng đến sự tu luyện trong Chánh Niệm hơi thở là xả rác trong Chánh Niệm hơi thở thì vẫn nhẹ nhàng thoải mái hơn.

Có nhiều phương pháp nhưng hai phương pháp vừa nói là phương pháp tuyệt hảo nhất giúp cho chúng ta tăng trưởng phước báu, đời sống thanh tịnh. Còn những phương pháp mà ta cứ lớn tiếng với mọi người chưa có chuẩn bị, nhẹ cho ta mà phiền cho người, rồi cái phiền cho người tạo thành oan gia, mai mốt họ sẽ tạo phiền lại ta mà thôi.

Mô Phật!

(53:49) Câu 05. Thường khi con người ta cái tôi quá lớn vì là do tiền kiếp hoặc đời này, có thể nói là do nỗi đau quá nhiều, do không được yêu thương, không biết thể hiện tình yêu thương với những người thân yêu và những người xung quanh. Tỏ ra thích thể hiện, thích mạnh mẽ, thích độc đoán chẳng qua là vì che đậy sự khiếm khuyết kia. Nhưng mây tầng nào hút mây tầng đó, nên bản thân con cũng là một kẻ đáng được yêu thương và chính tự thân con cũng cần học cách mới biết cảm thông và chia sẻ. Nên con không đủ năng lượng để chuyển hóa người chồng, người thân kia, dù con biết rằng con phải biết từ bi và buông bỏ. Nói là nói vậy nhưng hiện trạng chính con là người cũng đau bởi cái tôi cũng còn quá lớn và những nguyên liệu nuôi cái tôi của chính mình như sự ngạo mạn, ngã mạn, bất cần, độc đoán, Tham – Sân – Si cũng còn rất nhiều. Vậy làm sao con có thể chuyển hóa đối phương khi chính con sinh ra không phải là người cứu rỗi. Con cũng chỉ là để tu để sửa chính mình, nhưng con lại bị công kích và phỉ báng quá nhiều về sự học tu để sửa cho chính tự thân tốt hơn.

Xin Thầy cho con những lời pháp để con tĩnh lại tự thân mình và không bị dằn vặt bởi sự mỉa mai và thị phi ạ!

Có một anh chàng kia có một tảng đá thật là cứng, nhìn xấu lắm, đặt ở trước cửa nhà. Người ta chở xuống, đặt ở trước cửa nhà như một vật trang trí. Ai cũng cười: “Sao anh khờ vậy? Lại đi mua cục đá mà búa đập không bể, để ở trước cửa làm chi cho nó không đẹp?”.

Anh chủ nhà chỉ có cười mà thôi. Lỉnh kỉnh vài ngày sau, có một anh chàng vác cái búa và cái đục tới, rồi cứ đục đẽo cái tảng đá trước cửa nhà anh ta, gây ra tiếng ồn ào khó chịu cho người hàng xóm. Người ta tới người ta chửi: “Anh khờ, anh có tiền anh ỷ vậy sao? Anh mua cục đá về, rồi bây giờ để cho người ta đập vỡ ra ồn ào, khó chịu quá. Anh thật là khờ!”.

Anh chàng này cũng chỉ cười. Nhưng trải qua một thời gian dài, hàng xóm để ý trong tiếng ồn ào đục đẽo của một khối đá vô tri cứng ngắc kia, dần dần hình thành lên một hình hài của một cái tượng, một cái tượng tuyệt đẹp, tượng đó là tượng của vị Bồ Tát. Mọi người lúc này mới ngỡ ra và ai đi ngang không xem cục đá vô tri, xấu xí kia, ai đi ngang cũng chẳng chửi tiếng ồn ào đục đẽo nữa mà ai đi ngang cũng thầm nguyện, vái lạy tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm.

Bạn! Nếu bạn có cái tôi lớn như một khối đá vô tri, cứng ngắc nhiều đời đúc kết lại, hãy mượn một người tạc tượng để mang đục, búa tới tạc cái khối tôi vô tri cứng của bạn thành một cái tượng mới. Người tạc tượng đó là ai? Chính là giáo pháp của Đức Phật Thích Ca. Và khi bạn biết rồi, giáo pháp của Phật Thích Ca đang tạc lên một cái hình hài mới trong cuộc đời của bạn qua cái khối đá vô tri, cứng ngắc của cái tôi, nó gây ra những cái tiếng làm cho cha mẹ, người thân khó chịu. Phải không các bạn?

Đúng! Ai cũng gặp trường hợp đó. Nhưng thời gian sau, khi cái khối đá vô tri của cái tôi quá lớn của bạn được tạc lên hình hài của một vị Bồ Tát tại thế trong cuộc đời, sống biết yêu thương như giáo pháp của Phật dạy thì bạn đã trở thành ứng hóa thân của Bồ Tát. Người ta sẽ thầm nghĩ: “Ui cha, cái cô ấy, cái anh ấy, ngày xưa chỉ là một người thô lỗ hoặc cái tôi quá lớn, mà nay có một đời sống như một vị Bồ Tát”. Đó gọi là Thân giáo!

Đau có đau, ồn ào có ồn ào nhưng nếu không có cái búa, cái đục thì khối đá vô tri của ta, cái tôi quá lớn của ta sao có thể thành hình hài Bồ Tát?

Hãy nương vào pháp của Phật và thỉnh Đức Phật tới tạc cuộc đời của bạn qua những giáo lý mà bạn đang học. Hơi khó trong lúc đầu, làm cho hàng xóm khó chịu khi nhìn thấy tảng đá đó. Khó trong lúc đầu bởi sự ồn ào, người ta thấy người tạc tượng đục và đẽo. Nhưng nếu cuộc đời không đục và đẽo, làm sao nên hình hài?

Hãy cố gắng! Hãy tâm niệm rằng, đời tôi như thế, nay có phước duyên đồng tu với Phật, đồng tu với những vị đồng duyên, tôi không phải là người như họ nghĩ, nhưng tôi sẽ nương vào giáo pháp của Phật để tạc cuộc đời của tôi thành một hình ảnh mới và cứ cố gắng sống với Thân giáo, sống bằng lòng từ bi và sự yêu thương. Và thường hít vào thở ra, quán tức là từ bi quán, trí tuệ thông dung, và hãy sống với lòng từ, tình yêu thương và trí tuệ hiện hữu của mình.

Chẳng cần phải cứu rỗi ai hết! Chồng chẳng cần cứu. Thân tự sáng, chồng sẽ thấy, chồng thấy rồi chồng sẽ sửa. Thân tự sáng, nhà sẽ thấy, nhà sáng rồi thì cả nhà được sáng. Đừng quá vội vàng! Sự tu của ta là phải chuyển hóa được chồng, chuyển hóa được cha mẹ, ông bà.

Phật đời xưa, khi Ngài giác ngộ cũng chẳng chạy về và dạy giáo lý cho vua cha Tịnh Phạn, cho thân tộc trong cung vương của Ngài mà Ngài cứ làm cái sứ mệnh Thân giáo truyền dạy và rồi thắp sáng được. Cho nên cuối cùng, bà dì của Ngài, ngay cả vợ của Ngài, con của Ngài và những bậc thái tử trong cung vua thấy Thân giáo của Phật sáng láng, lộng lẫy với đức hạnh thanh tịnh, tinh tuyền, nên sẵn sàng bỏ ngôi vua, thái tử mà theo.

Bạn hãy sống với Thân giáo đức hạnh từ bi, yêu thương và trí tuệ, chồng sẽ bỏ cái chỗ đứng ngang ngược để đi theo nếp sống mới mà bạn đang sống. Gia đình sẽ thấu rằng: “À! Chẳng phải là cái tôi vô tri cứng ngắc kia mà là một tôn tượng Bồ Tát di động đang đồng hành với toàn gia đình”.

Cám ơn bạn! Mô Phật!

(1:00:36) Câu 06. Khi áp dụng giáo lý của Phật vào trong vấn đề giáo dục cho trẻ nhỏ thì con có gặp một chút khó khăn khi dạy cho chúng biết chuyện nào nên làm và không nên làm. Ví dụ như con dạy chúng không sát sanh và dẫn trẻ đi phóng sanh, cháu rất thích nhưng trẻ lại có xu hướng không thích những người câu bắt, đánh lưới trên sông vì theo trẻ đó là việc không nên làm, trẻ cho họ là những người xấu. Trong trường hợp này con không biết phải giải thích làm sao với trẻ, xin Thầy chỉ dạy?

Khi trẻ nhìn thấy thì bắt chước và học. Khi thấy chúng ta phóng sanh thì thương chúng sanh, và rồi từ đó thấy những người sát hại chúng sanh thì cho những kẻ kia là xấu, điều đó bình thường, không có gì phải sợ hãi. Giữa ranh giới Thiện và Ác, Tốt và Xấu, hãy để cho trẻ nhỏ phát triển điều đó, rồi từ từ ta chuyển hóa từ sự ghét bỏ những người đi câu cá, giết hại chúng sanh thành cái tâm thương yêu bởi vì họ không biết họ đang làm chuyện đó làm tổn hại đến chúng sanh.

Nhưng hiện tại bây giờ, bạn đừng để cho cái tâm ghét tăng trưởng quá nhiều, bạn hãy mớm cho con cái của bạn rằng: “Đi phóng sanh là không phạm sát sanh, có ý nghĩa rằng là chúng ta bảo vệ sự sống của mọi loài và khi những ai không bảo vệ sự sống của mọi loài, họ không phải là ác, là xấu mà họ chưa biết rằng chúng sanh cũng có những cảm xúc như thế”. Cho nên chúng ta hãy mớm cho con cái còn trẻ của mình rằng: “Hãy thương những người kia bởi họ chưa biết để rồi cố gắng làm sao nghĩ tốt về họ rằng là do họ chưa biết, hướng đến họ vì họ chưa biết thì sự suy nghĩ về họ khi họ chưa biết, hướng đến họ khi họ chưa biết đó, chỉ nghĩ và nghĩ như vậy thôi sẽ giúp cho con có được tâm thiện, và tâm thiện thương xót cho những người mà họ chưa biết đó, sẽ giúp cho họ một ngày nào đó nhận thức ra. Cũng như con là vì mẹ đưa con đi phóng sanh nên con nhận ra được, thì nhất định những người đó sẽ có một ngày thấy con đi phóng sanh mà thấy rằng việc sát sanh của họ không phù hợp, họ sẽ ngừng”.

Cho nên, đừng để cháu bị lấn qua cái bước rằng phóng sanh là điều tốt để rồi ghét toàn bộ những người còn đang sát sanh, mà phải thương những người còn đang sát sanh bởi họ chưa nhận ra phóng sanh là bảo vệ môi trường sống cho mọi loài, sát sanh là giết chết môi trường sống cho mọi loài. Phải khéo sử dụng ngôn ngữ phù hợp. Tùy theo con cái của các bạn nói thể loại ngôn ngữ nào, tâm lý như thế nào, ở hoàn cảnh như thế nào, bạn cố gắng nghiên cứu, đừng để con của bạn ghét những người còn đang sát sanh mà hãy dạy cho con của bạn hãy thương những người đang sát sanh bởi vì họ không làm chủ và biết được họ đang làm chuyện đó là tạo khổ cho chúng sanh.

Cám ơn bạn!

(1:03:42) Câu 07. Thưa Thầy! Có người nói tu là phải quay về bên trong, là thanh lọc chính tâm mình, bỏ bớt chấp trược, sân si, buông tất cả để lòng mình mọi sự trong như mặt hồ đêm trăng rằm thì mới thấy ánh trăng dưới nước. Nghĩa là ta phải thanh lọc, tịnh được tâm ta thì Phật tánh mới xuất hiện. Vậy cũng có người nói tu giữa đời thường mới là tu. Tu giữa đời thường, tu tại gia, từ bi buông bỏ nhưng ngày ngày phải đối mặt với nhiều thị phi, chấp trược, Hỷ – Nộ – Ái – Ố, v.v…phải vượt qua chính điều đó thì mới gọi là tu. Mà thường cảnh sinh tâm, hình ảnh làm tâm ta gợn sóng, nếu vậy tịnh ở đời là rất công phu. Thưa Thầy! Như thế nào là đúng ạ?

Thời giờ đã hết rồi, câu hỏi này chắc có lẽ là câu hỏi cuối mà Bảo Thành sẽ trả lời!

Các bạn! Khi trời mưa, bạn đi ra sẽ ướt thôi, nhưng mặc lên cái áo mưa, bạn sẽ không ướt. Khi trời nắng, bạn đi ra đội cái nón, đầu không bị nắng. Tu cũng như vậy! Tu là biết dùng phương tiện để che chắn cho bạn khỏi bị lây nhiễm những điều bất thiện, ô uế.

Tu ở trong chùa hay tu ở trong nhà, gia đình cũng tốt hết. Nhưng người xưa thì cứ lập cái giá trị rằng, thứ nhất là tu tại gia bởi ở gia đình gặp nhiều chuyện thử thách, thứ nhì mới tại chợ, thứ ba mới tại chùa, đó là cái cách nói thôi. Nhưng mà dù ở nhà, ở chợ hay ở chùa cũng ở trong đời mà thôi! Mà ai đang ở trong đời, ở trong đời ở cái góc cạnh là tại gia đình hay tại chợ, tại chùa cũng luôn luôn bị ảnh hưởng bởi trời mưa, trời nắng.

Người đi tu để giữ tâm cho sạch như người đi ra mưa, biết mặc áo mưa. Người đi tu để giữ cho tâm thanh tịnh như người đi ra trời nắng, biết đội mũ. Áo mưa là Chánh Niệm hơi thở, mũ che đầu là trí tuệ, hãy thực tập hơi thở Chánh Niệm từ bi và hãy thắp sáng trí tuệ của bạn. Dù bạn ở gia đình, ở chợ, hay ở chùa thì mưa nắng ở cuộc đời dù có dội xuống, bạn không bị ướt, bạn không bị nắng, đó gọi là tu. Vậy thì tâm bạn sẽ được tĩnh, được sạch, được thoải mái cho đến khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, tức là không bị cảm nắng, không bị ướt mưa. Để không bị cảm nắng, ướt mưa cho tâm thanh tịnh thì chúng ta mặc áo mưa của Chánh Niệm từ bi quán, đội cái nón của trí tuệ Lăng Nghiêm, Bát Nhã thì điều đó, dù bất cứ hoàn cảnh nào, bạn cũng sẽ tự tại.

Cho nên hy vọng các bạn thấu được điều này, thực tập thử. Đừng so đo tại nhà, tại chợ hay tại chùa bởi chúng ta vẫn còn ở tại nơi cuộc đời thật nhiều thử thách. Chùa, chợ, nhà cũng như nhau. Khác ở chỗ là cảnh mà thôi! Còn tâm chúng ta phải trực diện với những cảnh đó. Dĩ nhiên, cảnh tác động vào tâm chứ cảnh không sinh tâm. Tâm là tâm, nhưng mà nhìn cảnh, tâm dính vào. Mặc áo mưa để nước mưa không dính vào người, đội nón để nắng không chiếu vào đầu sẽ cảm. Áo mưa Chánh Niệm hơi thở các bạn! Mưa gió cuộc đời sẽ không làm bạn ướt. Cái mũ trí tuệ thì nắng của cuộc đời không làm bạn say. Say nắng, say mưa chẳng còn xi nhê gì nữa, bạn sẽ thành tựu.

Cám ơn bạn đã hỏi!

——————————————–

 Chúng ta sẽ ngừng ngày hôm nay ở đây và nếu còn câu hỏi nào, chúng ta để đợt sau. Bảo Thành chân thành cảm ơn các bạn và một lần nữa nguyện chúc Chư Phật luôn gia hộ cho chúng ta, có nghĩa là thắp sáng đuốc tuệ của chúng ta và khi chúng ta đã thắp sáng thì đó chính là trí tuệ của mình nương vào ánh sáng của Chư Phật.

Chúc một ngày cuối tuần an vui đến mọi người.

Hồi hướng công đức này tới tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Mô Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts