Search

Tham Vấn Phật Pháp 13

Bảo Giác Tường đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Câu 1: Con kính chào Thầy, con có một câu hỏi liên quan đến việc thực tập khai mở luân xa. Khi con thực hành theo lời Thầy dạy, con cảm thấy đầu con bị đau nhức ong ong, liệu đó có phải là năng lượng mà Thầy nói hay không ạ? Thực tập thêm một lúc, con thấy có một luồng khí mát chạy ra phía dưới chứ không phải là một luồng khí ấm, liệu đó có phải là năng lượng Thầy nói khi thực hành luân xa không ạ? Và khi mang bầu thì việc thực hành luân xa có ảnh hưởng gì không tốt không ạ? Con cám ơn Thầy. (Bảo Ngân)

Câu 2: Thưa thầy! Con biết là con có rất nhiều lỗi chưa sửa được. Con nhận thấy con không xứng đáng để học Phật, bởi vì con biết lỗi của con, đó là tập khí xấu, mà nhiều lần con không sửa được. Bên cạnh đó nhờ học Phật mà con nhận ra, có lần con đã chiến thắng nó trong chánh niệm tỉnh giác rất an lạc. Nhưng vì con đã không tinh tấn, dẫn đến việc phạm lỗi. Dạ thưa thầy! con nguyện sẽ học Phật đời đời kiếp kiếp, nhưng những lỗi lầm tập khí xấu của con khiến con thấy con không xứng đáng vì con đã học không tốt, nhưng dù thế nào thì con cũng vẫn học Phật, dạ thưa Thầy nói rõ về trường hợp của con chưa sửa lỗi mà vẫn học Phật thì con có phạm vào lỗi cấm gì không ạ? (Vân Dương)

Câu 3: Trong quá trình con làm từ thiện, người nhà lên tiếng là sao con không cho người nhà, anh chị em con, họ cũng không giàu có gì. Rồi cháu con cũng còn nhỏ, sao con không cho nó mà con đi cho người ngoài. Người nghèo bên ngoài rất nhiều, con cho sao cho đủ, cho hết? Con thì nghĩ rằng anh chị em gia đình của con mặc dù không giàu có, nhưng họ cũng không đến nổi phải khốn khổ. Còn rất nhiều người ngoài kia lâm vào cảnh đời bất hạnh, cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Con nên ứng xử như thế nào cho hợp lý trong hoàn cảnh này ạ? Con xin Thầy khai thị cho con. Con cảm ơn Thầy! (Van Ho)

Câu 4: Con chào thầy, con nhờ thầy giải đáp về việc liên quan đến cuộc sống trong công việc ạ. Nếu con làm trong môi trường công ty, và con cảm nhận công ty có những chính sách không có lợi lắm cho người lao động hoặc khách hàng, bản thân con cũng đã có những góp ý cho sếp nhưng sếp không ghi nhận và không thay đổi, thì khi người lao động hoặc khách hàng bức xúc và trách móc công ty cũng như người làm, việc đó có ảnh hưởng đến phước báu của con không ạ? Con có thể làm gì để giảm việc ấy ạ. Con lấy ví dụ như mình làm trong sale trong công ty, công ty có chạy một chương trình với những lời quảng cáo che giấu một phần sự thật, gây hiểu nhầm cho khách hàng. Con đã có góp ý những cách khác, vừa có lợi cho công ty và vừa tăng giá trị cho khách hàng, nhưng sếp không chú ý. Khi khách hàng không nhận được những lợi ích như quảng cáo nói thì họ quay lại trách người sale và công ty, lâu dần công ty sẽ mất khách hàng. Như vậy thì con có đang một phần tạo nghiệp không ạ? Và làm sao để tránh được ạ? (Bảo Ngân)

Câu 5: Dạ thưa Thầy, nhà con có nhiều mạng nhện giăng khắp nhà, mỗi khi dọn dẹp thì con hay lấy chổi quét cho sạch mạng nhện. Nhưng khi đó nhìn thấy mấy chú nhện chạy tán loạn do bị mất nhà, mất tổ con thấy tội lỗi quá, vì đã phá tổ của các chú nhện. Nhưng nếu không quét mạng nhện thì nhìn căn nhà rất mất thẩm mỹ. Xin Thầy khai thị cho con một cách vẹn cả đôi đường ạ

Câu 6: Thưa Thầy, làm cách nào để con có thể quán chiếu nhận thức của mình, để biết buông bỏ và không bị những ác Nghiệp của mình dẫn dắt.

Câu 7: Xin Thầy khai thị cho con biết như thế nào là CHẤP KIẾN THỦ và làm cách nào để chuyển hóa CHẤP KIẾN THỦ. Con cám ơn Thầy khai thị

Câu 8: Con chào thầy, con xin có câu hỏi về việc làm thiện, hay làm phước ạ. Có quan điểm làm việc thiện, và có tính toán hợp lý để cân bằng cuộc sống riêng của mình và người thân để vẫn có thể đương đầu với những rủi ro và sự không may xảy ra. Nhưng có quan điểm là cứ đóng góp và làm việc thiện hết mình, hết cả những gì trong khả năng của mình có, như có 10 đồng thì đóng góp hết 9.5 đồng, và tin tưởng rằng với cái tâm hướng thiện như vậy và không sợ sệt tương lai, với phước báu lớn, mình sẽ vượt qua hết mà không cần phải tính toán hay cân nhắc gì đến rủi ro hoặc khó khăn trong tương lai. Nhờ thầy khai sáng cho con ạ

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi.

Trong đời sống Chánh Niệm ngày thứ 7 với chương trình Tham Vấn Phật Pháp số 13, chúng ta trước hết sẽ tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú Và Thất Bảo Huyền Môn. Mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và thắp sáng đuốc Tuệ để chúng con thiền Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu trong Trí Tuệ và Từ Bi để thấy rõ các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Cùng đồng nguyện cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch, nguyện siêu cho chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh. Chúng con nguyện xin Chư Phật chứng minh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Hôm nay chúng ta gặp nhau trong chương trình tham vấn về Phật pháp với những câu hỏi trong đời thường của các Phật tử tại gia. Chúng ta bận rộn trong chương trình Tham Vấn Phật Pháp của Bảo Thành cùng các bạn đồng tu không phải để lý giải hoặc tìm tòi những thắc mắc về kinh điển trong Tam Tạng đại kinh, giáo lý Đại Thừa hoặc các bộ kinh A-hàm. Nhưng chúng ta với những thắc mắc rất thường trong cuộc sống là làm sao chúng ta có thể ứng dụng Phật pháp vào trong cuộc đời của mỗi người. Vậy nên chương trình Tham Vấn Phật Pháp được thành lập để với mục đích chia sẻ cách tu tập hằng ngày thôi. Vậy nên hôm nay đã là buổi thứ 13. Mỗi một tháng Bảo Thành trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi cũng như trên các trang điện tử, đặc biệt là Website thatbaohuyenmon.org. Chúng ta chia sẻ để giải tỏa những khúc mắc rồi mang vào thực hành. Và giờ đây là giờ Bảo Thành lắng nghe sự chia sẻ cũng như thắc mắc của các bạn. Mời các bạn.

Dạ Mô Phật, con Bảo Nghy kính đảnh lễ sư phụ, quý thầy, quý sư cô, kính chào toàn thể anh chị em đồng tu.

Câu 1: Con kính chào Thầy, con có một câu hỏi liên quan đến việc thực tập khai mở Luân Xa. Khi con thực hành theo lời Thầy dạy, con cảm thấy đầu con bị đau nhức ong ong, liệu đó có phải là năng lượng mà Thầy nói hay không ạ? Thực tập thêm một lúc, con thấy có một luồng khí mát chạy ra phía dưới chứ không phải là một luồng khí ấm, liệu đó có phải là năng lượng Thầy nói khi thực hành Luân Xa không ạ? Và khi mang bầu thì việc thực hành Luân Xa có ảnh hưởng gì không tốt không ạ? Con cám ơn Thầy khai thị. Mô Phật! 

Trả lời: Mô Phật! Ở trong năm trước, Bảo Thành đã có liên tục bảy ngày nói về phương pháp tu tập để đánh thức toàn bộ năng lượng tự thể vốn có qua các huyệt mạch mà được gọi là Luân Xa – bảy đại huyệt. Trong con người của chúng ta cũng như mọi vật đều có nguồn năng lượng tự nhiên vốn có, chúng ta sống là nhờ năng lượng. Vận hành năng lượng vốn có nơi cơ thể như một phương tiện để trưởng dưỡng, nuôi dưỡng sức khỏe, năng lượng điều hòa, năng lượng bình an sẽ tới với chúng ta. Năng lượng rối loạn, sự bất an sẽ tới và làm cho chúng ta đau khổ. Hiện tại ngày nay, chúng ta rất cần chú tâm đến sự nuôi dưỡng nguồn năng lượng thanh tịnh của cơ thể vốn có trong các đại huyệt, đặc biệt là các Luân Xa, nó giúp cho sức khỏe của chúng ta, nó giúp cho tinh thần của chúng ta. Thật nhiều các bạn nói Phật giáo là con đường giải thoát, sao còn đắm chìm vào những nguồn năng lượng như thế. Vẫn biết đây là điều nói đúng, nhưng bao nhiêu lâu bạn còn dịch chuyển từ điểm A đến điểm B, phương tiện giao thông càng thô sơ bạn đi càng lâu, phương tiện giao thông càng tân tiến, bạn nhẹ nhàng dễ tới. Ngày xưa đi bộ, rồi đi thuyền, rồi đi xe đạp, honda, xe máy, xe hơi, thậm chí những đoạn đường xa từ châu lục này tới châu lục kia, người ta đi máy bay. Như vậy ta phải nhận thức rằng năng lượng của Luân Xa vốn có trong ta là một phương tiện hiển nhiên, hiểu thấu, vận hành đúng giúp cho sức khỏe để sức khỏe của thân này là phương tiện chúng ta nương vào thân mạnh khỏe, tâm an lạc mà tu, tu sửa thân tâm, sửa thân để thân này nó có thể phát huy được tác dụng.

Nguồn năng lượng trong các Luân Xa là một trong những tài nguyên phong phú và là vốn tự nhiên ở trong thân người, không nên khước từ mà nên học khai thác đúng mức để lợi lạc cho đời sống. Có thời gian chúng ta phải diễn giải thật dài, nhưng tóm gọn qua câu hỏi và qua những bài về Luân Xa Bảo Thành đã nói, con người có bảy huyệt đạo chính, gọi là bảy Luân Xa. Tính từ chỗ giao thoa giữa hai kinh mạch Nhâm và Đốc, tức là âm và dương ở ngay xương cùng, đó là Luân Xa số 1. Luân Xa số 2 ở ngay đan điền khí hải dưới rốn. Luân Xa số 3 ở trên rốn khoảng chừng một ngón tay. Luân Xa thứ 4 ở ngay trái tim. Luân Xa thứ 5 ở ngay cổ. Luân Xa thứ 6 ở ấn đường. Luân Xa thứ 7 ở trên đỉnh đầu. Bảy điểm này là bảy điểm giao thoa của nguồn năng lượng cơ thể. Nếu nói rằng trên trục lộ giao thoa năng lượng này là con đường chính ngắn gọn để chúng ta đi từ Luân Xa số 1 tới Luân Xa số 7 trên đỉnh đầu, từ đó lan tỏa ra toàn thân, hỗ trợ cho sức khỏe, là trục lộ ngắn gọn, nhanh và tốt cần chú ý để không lạc vào những ngõ hẻm, tổn hao sức khỏe. Do đó khi bạn vận hành đúng theo sự hướng dẫn của những cuốn video đợt trước nói về bảy Luân Xa, chúng ta sẽ phát hiện ra tuần tự mỗi một hơi thở đi vào ra ứng hóa trong tâm quán chiếu từng Luân Xa, thì tâm làm chủ trong chánh niệm hơi thở sẽ hướng dẫn cho nguồn năng lượng tự kích hoạt và mở ra đi theo chiều xoáy như vậy lên trên đỉnh đầu. Y chang như đi xe, khi chưa quen, tốc độ nhanh ta choáng váng, có người phải say sóng và rồi say xe, phải uống thuốc cho hết say không bị ói. Khi bạn cảm thấy tốc độ năng lượng Luân Xa đưa lên đỉnh đầu quá nhiều và rồi nó xoáy làm cho choáng váng. Không sao, bạn cần phải uống thuốc chống say sóng. Liều thuốc uống chống say sóng là gì? Là các bạn hít và thở chậm lại một chút xíu, đừng tăng tốc, chậm lại nhẹ nhàng hơn. Xe chạy nhanh, dễ say sóng thì nay ta hít chậm lại, thở từ từ, từ từ. Chú tâm trên đỉnh đầu – tức là Luân Xa số 7 cuối cùng, và khi tới Luân Xa số 7 đó, ta thở hơi mạnh một chút từ miệng làm cho năng lượng có thể thoát ra nhanh và mạnh hơn thì đầu bạn sẽ hết quay, hết chóng, hết nặng ở trên đầu.

Còn nếu bạn cảm giác được luồng khí lạnh đi xuống cũng không sao. Con người có hai luồng khí âm và dương, nóng và lạnh giao thoa. Khi bạn đưa lên trên đầu, hơi thở lên trên đầu và bạn thở ra từ miệng đó, thì có một luồng khí lạnh và nóng giao thoa tùy theo âm, dương, nóng, lạnh nó mạnh hơn thì bạn cảm giác được điều đó. Nếu bạn cảm giác nó đang đi xuống, không sao, cũng cứ từ từ hướng tâm đi từ Luân Xa số 1, số 2, số 3, số 4, số 5, số 6 đến số 7 và thở ra. Dần dần hơi lạnh đó sẽ vận hành theo sự tự chủ của tâm dẫn khí từ Luân Xa số 1 đi lên mà sẽ tuần hành đi theo hướng đó. Bất cứ một sự thực tập nào cũng cần phải thực tập rất từ từ để thuần phục, thuần phục được hơi thở, thuần phục được năng lượng đi đúng hướng, có lợi cho sức khỏe.

Khi đặc biệt các phụ nữ mang thai thì sự thực tập Luân Xa đều đặn, đúng mức, vừa, nhẹ nhàng, nhịp nhàng hòa hợp với sức khỏe của mình sẽ giúp cho người mẹ bảo toàn được năng lượng của cơ thể, phù hợp để nuôi dưỡng thai nhi. Bởi thai nhi lúc đó rất cần năng lượng thanh tịnh, trầm tĩnh, bình an, vui vẻ, tươi tắn của người mẹ. Khi tu tập Luân Xa trong chánh niệm hơi thở của Thiền Mật Song Tu – Thất Bảo Huyền Môn, chúng ta sẽ kích hoạt được năng lượng tình yêu và thắp sáng Trí Tuệ. Nếu bạn đang mang thai, bạn tu tập thì thai nhi sẽ thừa hưởng được năng lượng thanh tịnh và được đánh thức sự hoạt động của trí tuệ thật sớm khi còn trong bào thai, rất tốt. Có điều bạn phải lắng nghe cơ thể của bạn phản ứng để những hiện tượng nó hơi căng quá, như dây đờn, Đức Phật nói, căng quá nó bị đứt – chùn quá nó không, thì vừa vừa sức lực của mình, đừng cố quá và đừng giải đãi quá, cứ đều đặn, nhẹ nhàng thôi thì rất tốt cho sức khỏe.

Mọi hiện tượng xảy ra với bạn đều là hiện tượng rất bình thường, điều chỉnh một chút tức là hơi thở chậm, nhẹ và tập ít đi, rồi khi xả ra bằng miệng ở Luân Xa số 7, bạn thở ra hơi mạnh một chút để cho năng lượng có thể thoát ra nhẹ nhàng, bớt xoay trên đầu. Còn hơi lạnh tự động nó sẽ ấm trở lại, âm dương tương hợp hòa quyện trong Luân Xa xoay chuyển. Và nhất định nếu các bạn là nữ mang thai, tốt cho con cái. Không những như vậy mà đối với người bị những căn bệnh tự thân, dù là bệnh trong nội tạng, lục phủ hoặc là những căn bệnh đau nhức. Tất cả mọi bệnh hoạn, ngoài vấn đề có sự giúp đỡ can thiệp của y học về tây y hoặc đông y, thì sự trợ lực trong vấn đề tu tập Luân Xa, tăng trưởng năng lượng sẽ hòa hợp với giải pháp của tây y và đông y để giúp cho chúng ta kích hoạt được các thể loại thuốc về tây y cũng như đông y. Các phương pháp châm cứu hoặc các phương pháp mà ta đang được trợ giúp sẽ phát huy hiệu ứng nhanh hơn để giúp cho chúng ta. Cho nên, nếu dành thêm thời gian để tu tập về Luân Xa, rất tốt cho sức khỏe đối với mọi người. Mô Phật!

Câu 2: Câu hỏi thứ 2 là một câu hỏi rất trăn trở. Thưa thầy! Con biết là con có rất nhiều lỗi chưa sửa được. Con nhận thấy con không xứng đáng để học Phật, bởi vì con biết lỗi của con, đó là tập khí xấu, mà nhiều lần con không sửa được. Bên cạnh đó nhờ học Phật mà con nhận ra, có lần con đã chiến thắng nó trong chánh niệm tỉnh giác, rất an lạc. Nhưng vì con đã không tinh tấn, dẫn đến việc phạm lỗi. Dạ thưa thầy! Con nguyện sẽ học Phật đời đời kiếp kiếp, nhưng những lỗi lầm tập khí xấu của con khiến con thấy con không xứng đáng vì con đã học không tốt. Nhưng dù thế nào thì con cũng vẫn học Phật. Dạ thưa Thầy nói rõ về trường hợp của con chưa sửa lỗi mà vẫn học Phật thì con có phạm vào lỗi cấm gì không ạ? Dạ Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Trong cuộc sống mỗi người chúng ta thường hay nói “tôi ở đời, tôi có tội nhiều, giới nào cũng phạm hết, cho nên chưa xứng đáng để học”, đó là cách nói sai, suy nghĩ hoàn toàn sai khởi lên từ tà kiến, tức là những sự suy nghĩ của chướng ngại cho bản thân. Chính vì ta đang sống ở cõi luân hồi là kiếp người luôn luôn có cả hai mặt tích cực và tiêu cực, tốt và xấu, tội lỗi và dễ bị cám dỗ cũng như có bản thể thanh tịnh của Phật tánh. Khi Phật giác ngộ khám phá ra trong một đống rác rưởi tội lỗi bất thiện nghiệp của chúng sanh, vẫn còn bản thể thanh tịnh của Phật tánh. Đây là mấu chốt để chúng ta thấy rằng ngoài tánh xấu, ta còn có tánh thiện. Ngoài tội lỗi, sai lầm, ta còn bản thể thanh tịnh. Gọi là chuyển hóa thì không thể một ngày, hai ngày mà có thể chuyển hóa hết được. Một nhà bếp nấu mà mười ngày không rửa không lau thì sự lau chùi nó cần có nhiều thời gian. Tốt nhất là ngày nào nấu nướng xong, phục vụ cho bữa ăn gia đình xong, mọi người cùng đồng rửa, lau chùi cho sạch ngày đó. Và tốt nhất là khi ta tu đạo Phật mà nhận ra lầm lỗi, ta sửa, ta lau, ta chùi từ từ. Ngày mai cũng nấu bếp nữa mà, rồi ngày mai cũng dơ nữa mà, rồi ta sẽ lau chùi nó lại sạch. Cái bếp có dơ nhưng phục vụ đồ ăn xong ta lau chùi nó sạch. Cuộc sống trôi qua từng giây phút, cũng giây phút dơ dáy của cái tâm, nhưng nhận biết lau chùi ngay rồi lại tiếp tục dơ, lại sạch. Cũng như ta chuyển hóa và tu là thấy dơ – chùi lau, lại thấy dơ – chùi lau cho tới khi nào ta có đủ nghị lực và sức mạnh làm chủ, không làm dơ nữa thì ta bớt chùi.

Cho nên đừng đợi khi sạch sẽ rồi mới tu, mà sự tu do Đức Phật dạy là giúp cho chúng ta nhận thức được sai lầm, cám dỗ, tội lỗi của mình trong từng sát na lặp đi lặp lại và chúng ta lập chí nguyện giải thoát khỏi lầm lỗi để khỏi đau khổ và xắn tay áo lên lau chùi nó từ từ. Hãy cho phép mình sai phạm trong những lỗi lầm thường nhật khó cưỡng để rồi soi nhìn cho rõ và sửa nó một cách từ từ cẩn thận để đừng quá sức tạo sự chán nản, bỏ cuộc. Bạn đã có một sự trải nghiệm đang tu, bạn đã tu Phật và bạn đã nhận thấy và thấy rõ lầm lỗi của bạn, bạn sửa nhưng bạn vẫn tái phạm, không sao. Quan trọng là bạn đừng bỏ cuộc, tiếp tục tu, cố gắng tinh tấn, kề cận với các bậc thiện tri thức, những bạn hiền đồng tu để khuyến khích sách tấn, để dìu dắt nhau vượt qua. Và đặc biệt là bản thân của bạn phải nhận thức ra rằng, đừng bao giờ bỏ cuộc trước những lầm lỗi của chính mình, bởi lầm lỗi nào cũng là những bài học đắt giá. Và trong bài học đắt giá, nếu nghiên cứu, sửa cho đúng thì thành những sự tích cực, những ưu điểm, những ưu tú của mình. Lầm lỗi không đáng sợ, sợ nhất lầm lỗi biết mà không sửa, bạn đã biết, bạn vẫn tiếp tục tu, bạn phát nguyện tu, bạn cố gắng sửa, bạn nhất định dần dần sẽ thuần hóa được những sự bất thiện của bạn, và đứng trước mọi cám dỗ của cuộc đời, bạn có đủ năng lượng để chuyển hóa.

Cho nên, những chuyện xảy ra đối với bạn là chuyện rất bình thường đối với tất cả mọi người. Những bậc xuất gia như Bảo Thành đây cũng thường xuyên đương đầu với thật nhiều cám dỗ, có những lúc cũng xiêu xiêu, tưởng rằng một cơn gió nhẹ thổi qua là té cái rụp rồi. Nhưng nhờ công phu tu tập thường xuyên, ta xiêu xiêu một vài phút, một vài giây, thậm chí một vài ngày, một vài tháng, một vài năm nhưng cuối cùng vẫn có thể vực dậy mà vượt qua. Chúc cho bạn đừng bao giờ đầu hàng trước mọi thử thách. Sự phát nguyện của bạn sẽ được chúc phúc bởi khi bạn cố gắng giữ giới, bạn giữ giới được thì dù có tội lỗi, cám dỗ tới với bạn, thì bạn luôn luôn có sự hộ trì của ba ngôi Tam Bảo – Phật Pháp Tăng, bạn luôn luôn có sự hộ trì của Long Thần Hộ Pháp, Chư Vị Thiện Thần. Chư Vị Thiền Thần đó luôn luôn gần gũi bạn để che chở bạn. Hãy giữ giới và năm giới đó bạn giữ được và thường xuyên hành mười điều thiện chánh niệm đời sống, nhìn rõ những vấp ngã, cám dỗ và tội lỗi, Chư Vị Thiện Thần luôn kề cận giúp đỡ bạn. Mô Phật!

Câu 3: Trong quá trình con làm từ thiện, người nhà lên tiếng là sao con không cho người nhà, anh chị em con, họ cũng không giàu có gì. Rồi cháu con cũng còn nhỏ, sao con không cho nó mà con đi cho người ngoài. Người nghèo bên ngoài rất nhiều, con cho sao cho đủ, cho hết? Con thì nghĩ rằng anh chị em gia đình của con mặc dù không giàu có, nhưng họ cũng không đến nỗi phải khốn khổ. Còn rất nhiều người ngoài kia lâm vào cảnh đời bất hạnh, cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Con nên ứng xử như thế nào cho hợp lý trong hoàn cảnh này ạ? Con xin Thầy khai thị cho con. Con cảm ơn Thầy!

Trả lời: Mô Phật! Có một câu nói mà thường đăng trên các bức tường của thông tin đại chúng nói về từ thiện “Từ thiện cho nhiều vào mà chẳng biết nuôi nấng cha mẹ”. Cái câu đó làm cho mọi người chựng lại, không dám làm từ thiện, bởi vì cứ nghĩ phải dốc lòng lo cho cha mẹ, bà con, cô bác, người thân, lo cho tận tụy rồi hãy nghĩ đến từ thiện mới phù hợp. Như sự thắc mắc của bạn đúng, đó là cách nói của người đời. Hãy quán chiếu tất cả, bạn nghe cho kỹ, tất cả mọi chúng sanh, Phật dạy hãy quán chiếu và nhìn kỹ tất cả mọi chúng sanh. Mọi chúng sanh đây có cả thú vật nữa các bạn nha, không phải chỉ có con người, loài người đâu. Tất cả mọi chúng sanh đều là cha mẹ bảy đời, nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta. Nhưng sanh ra làm người, đối tượng được gọi là cha mẹ tức là đấng bậc sinh thành cho ta cơ hội hiện thân trong kiếp này, ta luôn coi trọng, nó che mờ không còn quán chiếu thấy sự liên kết, liên đới của mọi chúng sanh như cha mẹ nhiều đời nữa. Và anh em bà con của chúng ta, ruột thịt con cháu của chúng ta cũng nằm trong vòng tròn có giới hạn rằng ông bà cha mẹ anh chị em con cháu thân tộc mới là người thân, còn những người khác là xa lạ. Hãy lo cho người thân trước rồi hãy lo cho người ngoài. Điều này chỉ đúng trong suy nghĩ của loài người, nhưng không đúng trong tinh thần của nhà Phật. Dĩ nhiên, nếu như cha mẹ của mình, người thân của mình quá nghèo khổ và người đời cũng quá nghèo khổ, không hẳn chỉ dốc lòng lo cho cha mẹ và người thân. Chúng ta nếu có khả năng nên lo cho tất cả mọi người với khả năng phù hợp.

Có những bạn đôi khi chẳng biết có trách nhiệm với đấng bậc sinh thành, với gia đình người thân con cháu đâu. Mặc dù cha mẹ người thân con cháu rất là khổ nhưng mà không bao giờ tới cho tiền hoặc là cho của, vật chất, thăm hỏi đâu, họ không bao giờ nghĩ tới. Nhưng họ lại khởi tâm làm từ thiện với những người ở bên ngoài và vì đó mà họ bị khiển trách. Nhưng các bạn có biết không, cuộc đời là hai chiều, đôi khi ta chưa phát được tâm để báo hiếu với cha mẹ, chăm sóc cho người thân, nhưng ta lại phát tâm được để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ở bên ngoài, từ đó nó ảnh hưởng đến suy nghĩ, cách sống của chúng ta. Rồi sẽ có một ngày bạn đủ phước duyên để nhìn lại và sự phước duyên đó sẽ khơi dậy sự suy nghĩ trong sáng hơn để bạn thăng bằng trên việc từ thiện. Nghĩa là bạn sẽ có ngày quay về làm tốt đẹp hơn từ gia đình nơi cha mẹ người thân rồi lan tỏa đến bên ngoài. Cho nên có những người đi từ ngoài trở về bên trong nhà, có những người đi từ bên trong đến bên ngoài. Dù đi ở ngoài vào bên trong, hoặc từ trong gia đình ra bên ngoài cũng đừng bên nặng bên nhẹ, chúng ta phải thăng bằng đầy đủ để đối xử một cách bình đẳng tánh trí. Dĩ nhiên không thể bỏ đói cha mẹ hoặc những người thân mà làm việc ở bên ngoài, nhưng nếu chúng ta chưa có cảm giác giúp đỡ người thân mà lại có cảm giác giúp đỡ người ngoài, cứ làm bởi đó là nhân duyên tác thành nên hành động từ thiện của bạn với phước duyên vốn có. Nuôi dưỡng điều thiện đó, dần dần bạn sẽ có chiều hướng nghĩ và giúp những người nhà với khả năng. Cho nên nếu như người nhà, cha mẹ và người thân không đến mức đói, vẫn có thể tự túc lo cho bản thân của họ được, nay ta có một chút phần dư dả rất khiêm tốn để làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh thì không thể so sánh rằng không nên làm chuyện đó mà phải giúp đỡ những người thân.

Các bạn nhớ, mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Sự giúp đỡ của người ngoài, dù là của cha mẹ hay con cái, người thân hay không thân đều xuất khởi từ tấm lòng thiện của họ nếu có nhân duyên, họ sẽ tới. Cho nên hãy suy nghĩ thật kỹ, nhất là những người nhà, đừng chê trách những người thân khi làm từ thiện bên ngoài. Hãy chúc phúc cho họ để hưởng được phước gọi là tùy hỷ, tùy hỷ mà cúng dường, tùy hỷ mà hành thiện. Thấy con cháu, người thân trong nhà làm thiện ở bên ngoài, ta không đến nỗi nghèo cũng đừng trách, ta cứ sống với những điều ta sống, tùy hỷ hồi hướng công đức với việc thiện đó thì sẽ tăng trưởng phước báu cho chính mình. Và người làm phước kia cũng đã trọn hảo tình nghĩa để có đầy đủ phước báu quay trở lại sau này nếu có dịp cần giúp đỡ, họ sẽ giúp đỡ ta. Nhưng ta đừng chê trách họ bằng những câu quá nặng “cha mẹ, anh em, con cháu trong nhà không giúp, đi giúp người ngoài”, đó là cách nhìn của tà kiến, sự chướng ngại tổn phước báu và rồi đi tới sự chia rẽ, tạo ra tự ti mặc cảm cho chính mình. Mô Phật!

Câu 4: Con chào thầy, con nhờ thầy giải đáp về việc liên quan đến cuộc sống, đến công việc ạ. Nếu con làm trong môi trường công ty, và con cảm nhận công ty có những chính sách không có lợi lắm cho người lao động hoặc khách hàng. Bản thân con cũng đã có những góp ý cho sếp nhưng sếp không ghi nhận và không thay đổi, thì khi người lao động hoặc khách hàng bức xúc và trách móc công ty cũng như người làm, việc đó có ảnh hưởng đến phước báu của con không ạ? Con có thể làm gì để giảm việc ấy ạ. Con lấy ví dụ như mình làm trong sale trong công ty, công ty có chạy một chương trình với những lời quảng cáo che giấu một phần sự thật, gây hiểu nhầm cho khách hàng. Con đã có góp ý với những cách khác, vừa có lợi cho công ty và vừa tăng giá trị cho khách hàng, nhưng sếp không chú ý. Khi khách hàng không nhận được những lợi ích như quảng cáo nói thì họ quay lại trách người sale và công ty, lâu dần công ty sẽ mất khách hàng. Như vậy thì con có đang một phần tạo nghiệp không ạ? Và làm sao để tránh được ạ? Mô Phật!

Trả lời: Trong nhà Phật gọi là sự cộng nghiệp. Khi chúng ta bắt tay với một người nào đó làm một việc sai, dù cố tình hay vô tình cũng tạo nghiệp. Trong hoàn cảnh thật là khó giải quyết khi bạn làm với một công ty, lệ thuộc vào sếp của mình điều hành công việc, điều phối công việc và bạn chỉ là người phải làm việc mà thôi. Tiếng nói của bạn chưa đủ mạnh trong quyền lực danh phận ở công ty để người gọi là sếp lắng nghe, sửa đổi dù những lời của bạn góp ý đúng và có lợi cho công ty cũng như lợi cho khách hàng. Chúng ta nhớ rằng, Đức Phật thuở xưa Ngài là bậc giác ngộ, nhưng Ngài sinh ra cùng với một người anh em họ là Đề Bà Đạt Đa, người này luôn chống kình. Bậc giác ngộ là Phật luôn nói và hướng dẫn cho ông Đề Bà Đạt Đa những tư tưởng tốt, thế nhưng ông ta luôn luôn chống đối lại, mặc dù những lời của Phật có hữu ích và tốt đẹp, nhiều người nghe và thực hành đều mang lại kết quả. Nhưng riêng ông Đề Bà Đạt Đa không bao giờ nghe. Để rồi có những lúc khi gặp ông ta, Phật đã tránh và Phật dạy rằng, nếu gặp người chướng duyên, cũng như tránh voi chẳng hổ mặt người. Đó là câu nói của chúng ta thường hay ứng dụng. Tránh người ngang tàng không nghe, chẳng có gì để hổ mặt, khó là bạn đang làm trực thuộc dưới công ty đó, lời góp ý của bạn chưa được sếp lắng nghe. Bạn hãy cố gắng tịnh tâm, đừng vì điều đó mà khó chịu, hồi hướng công đức cho người đó với điều bạn có thể làm được. Và năng lượng hồi hướng công đức đó, vẫn giữ vững lập trường, suy nghĩ của mình, đừng để lập trường, suy nghĩ của sếp dần dần thay đổi cách suy nghĩ của bạn. Giữ vững lập trường, suy nghĩ của mình, hồi hướng cho người đó và rồi sự làm việc như vậy bạn sẽ không tạo ra nghiệp bởi bạn làm đúng, bạn không làm sai, giữ vững lập trường. Cái người mà tác động lên kế hoạch sai kia họ mới tạo nghiệp.

Tuy nhiên, bạn phải khởi tâm nhìn theo một chiều hướng khác. Nếu làm ở trong công ty đó quá dài quá lâu, bạn ảnh hưởng dần dần xuôi theo tư lợi của vật chất, của hãng xưởng mà lừa gạt những người khách, tiêm nhiễm tư tưởng đó để biến tư tưởng của sếp hòa nhập vào tư tưởng thay đổi lập trường của mình. Mưa lâu thấm đất, ta thấm vào tư tưởng đó là bạn đã bắt đầu tác ý vào để tạo nghiệp cho mình. Cho nên Phật dạy, có những lúc tránh voi chẳng hổ mặt người, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ, nếu như bạn làm ở công ty đó quá lâu rồi và công ty đó luôn luôn làm những điều sai trái với lương tâm để tăng trưởng lợi nhuận mà bạn là người sale – tức là phải đương đầu với khách, phải chịu trách nhiệm nhưng không thể thay đổi thì suy nghĩ thật là kỹ nên chuyển qua một chỗ khác hài hòa hơn. Thay vì tiếp tay, sau khi đã biết mà mình còn vẫn tiếp tục tiếp tay cho sếp để làm những chuyện đó để gây phiền não cho khách tới với chính chúng ta và dần dần công ty đó sẽ không có phát triển được đâu. Nhưng khi chúng ta nhận định được rồi, bạn khuyên một thời gian thật dài, bạn đưa ra kế hoạch rằng làm như vầy, như vầy, như vầy và dĩ nhiên nếu thế của bạn chưa đủ, tiếng nói của bạn chưa đủ để sếp nghe thì lời khuyên chân thật nhất là bạn hãy chuyển qua một công ty khác. Ở đời cần nhất là làm được những điều gì phù hợp với tánh thiện để tâm được an, lòng được vui, không phải làm được công việc gì mà quá nhiều tiền để rồi lệ thuộc vào sự sai khiến hoàn toàn sai trái, như vậy sẽ tạo nghiệp trong sự cộng nghiệp chung. Bạn suy nghĩ kỹ và sự quyết định của bạn sau một thời gian thật dài suy nghĩ tác động, nếu không có sự thay đổi của công ty, thì bạn hãy thay đổi thế đứng và làm việc của bạn với công ty khác. Mô Phật!

Câu 5: Dạ thưa Thầy, nhà con có nhiều mạng nhện giăng khắp nhà, mỗi khi dọn dẹp thì con hay lấy chổi quét cho sạch mạng nhện. Nhưng khi đó nhìn thấy mấy chú nhện chạy tán loạn do bị mất nhà, mất tổ con thấy tội lỗi quá, vì đã phá tổ của các chú nhện. Nhưng nếu không quét mạng nhện thì nhìn căn nhà rất mất thẩm mỹ. Xin Thầy khai thị cho con một cách vẹn cả đôi đường ạ. Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Thường câu hỏi này nó cứ lập đi lập lại bởi cuộc sống của con người vì vệ sinh, vì sức khỏe, đôi khi có những loài vật sống trong nhà, nó không có tạo ra sự sạch sẽ, ta cần phải di chuyển chúng đi. Bạn chỉ cần khởi tâm rằng vì sức khỏe nên di chuyển chúng đi qua một chỗ khác để chúng sống trong môi trường thiên nhiên. Bởi vậy, nếu bạn khởi được tâm thiện như thế và tác ý hành động đúng chân lý nhân quả của Phật thì bạn hãy tìm một phương pháp nhẹ nhàng, chuyển đời sống của những mạng nhện ở trong nhà qua đời sống ở bên ngoài một cách thật nhẹ, đừng tổn hại đến sinh mạng của chúng, thì điều đó sẽ tạo được phước báu. Còn nếu như bạn nói nhà tôi dơ quá, mạng nhện như vậy tôi cần phải lau chùi, dang tay làm quá mạnh tổn hại đến sức khỏe hoặc là đôi khi đến thân mạng của chúng, chúng ta tạo nghiệp đấy, mặc dù rất là nhỏ. Phật nói, việc phước, việc tốt dù rất nhỏ, đừng bỏ qua, việc ác dù rất bé, đừng làm. Cho nên bất cứ một việc gì ta cần phải làm đều có cái lợi và cái hại. Nếu Chánh Niệm hơi thở ta sẽ biết phương pháp tốt đẹp hơn, phù hợp hơn để hành động tạo được phước. Cho nên Chánh Niệm có Trí Tuệ ta sẽ suy nghĩ ra được phương pháp làm sao xử lý vấn đề đó một cách hay hơn để tạo phước.

Cho nên lần sau nếu bạn lau nhà, thấy mạng nhện nhiều thì bạn hãy nghiên cứu thử coi phương thức nào mà không tổn hại đến thân mạng của nhện rồi dời chúng ra khu vườn có cây ở đằng sau, đằng trước hoặc chỗ nào đó phù hợp với môi trường sống của thiên nhiên để chúng một lần nữa được sống với thiên nhiên. Và hành động như vậy cũng là pháp phóng sanh đó các bạn, thay vì các bạn lau quá mạnh tổn hại đến sinh mạng, bạn dời chúng qua một môi trường khác, thì đó cũng là pháp phóng sanh. Mô Phật!    

Câu 6: Thưa Thầy, làm cách nào để con có thể quán chiếu nhận thức của mình, để biết buông bỏ và không bị những ác nghiệp của mình dẫn dắt ạ? Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Trong bùn có sen, trong sen cũng có bùn, đó là cách nói của Phật học. Trong cuộc đời này có phàm và trong cái phàm này có thánh, trong ác nghiệp có thiện nghiệp, trong sự phiền não có sự thanh tịnh. Phật dạy, chỉ cần tập Chánh Niệm hơi thở và nương vào phương tiện nền tảng của hơi thở phát triển đạo đức của con người dựa trên năm giới để khơi lòng từ bi lan tỏa đến mọi người và thắp sáng sự suy nghĩ của mình đúng với tinh thần nhân quả của Phật gọi là Trí Tuệ. Chỉ như vậy, đơn giản thôi, ngày qua tháng lại bạn sẽ tăng trưởng được nội lực, sức mạnh đó gọi là định lực – chánh định đó, thì định lực đó dù có xảy ra bao nhiêu chuyện sau này bạn cũng vững. Nhưng để đạt được chánh định đó, bạn phải luôn luôn tinh tấn tu tập. Vậy nên chúng ta có sự đồng tu miên mật mỗi ngày. Dĩ nhiên là Bảo Thành luôn luôn hiện hữu trong sự đồng tu này. Có các bạn tu được một ngày hai ngày rồi ngưng, một tháng hai tháng rồi tập tiếp. Không sao. Bảo Thành vẫn ở đây làm gương để sách tấn mọi người. Miễn là sau khi nghỉ ngơi bởi mệt mỏi, bạn vẫn ngồi dậy tu tập với Bảo Thành thì lâu dần bạn sẽ có được chánh định, có được sức mạnh nội lực thâm hậu để chuyển hóa mọi bất thiện nghiệp khi nó xâm hại bạn bằng cách trỗi dậy khi môi trường phù hợp, bởi chúng luôn ngủ ngầm trong ta.

Vậy lời khuyên chân thật nhất là bạn cố gắng thực tập. bất cứ một sự tu tập nào, sự tu hành nào cũng đưa lại kết quả, chỉ cần ta kiên nhẫn. Vậy nên để chuyển hóa những ác nghiệp của mình, sức mạnh của ác nghiệp trỗi dậy điều khiển chúng ta, thì chúng ta phải tập cách tu Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán một cách từ từ để thẩm nhập vào được. Như cái cây nó mọc lên, khi mới mọc một cơn gió mạnh có thể gãy, nhưng nếu nó có thể trụ vững, cứ thế mọc, cứ thế mọc thì sau này dù có gió mạnh đi nữa cây vẫn vững được. Cái tâm của chúng ta có tâm phàm lẫn lộn với tâm Phật ở trong đó, có tâm phiền não lẫn phần tâm thanh tịnh. Chánh Niệm hơi thở Trí Tuệ – Từ Bi là giúp cho chúng ta thẩm nhập vào thể tánh thanh tịnh của Phật tánh để có thể đứng vững trên mọi thử thách của cuộc sống một cách từ từ, qua sự lập đi lập lại sự tu tập Chánh Niệm hơi thở. Mô Phật!

Câu 7: Xin Thầy khai thị cho con biết như thế nào là CHẤP KIẾN THỦ và làm cách nào để chuyển hóa CHẤP KIẾN THỦ. Con cám ơn Thầy khai thị ạ. Mô Phật!

Trả lời: Các bạn! “Kiến” tức là nhìn, nhận xét của ta đó, nhận thức của ta. Con người nhận thức của mình luôn luôn đúng, còn nhận thức của người luôn luôn sai. Bởi có chất tự cao, nên muôn kiến thức, nhận thức của ta luôn luôn đứng ở thượng hạng, còn kiến thức của người thì thấp tè. Và từ đó trong tương tác, ta thiếu đi sự thông cảm và tôn trọng. Đó gọi là “kiến chấp”. Để chuyển hóa được kiến chấp, Đức Phật nói, luôn luôn đối xử với nhau bình đẳng. Bởi chúng ta chấp vào kiến thức của mình, cái nhìn của mình và đối xử với người ta khác đã không còn tánh bình đẳng. Và để có thể đối xử được bình đẳng với mọi người để phá kiến chấp, không tranh luận, không phiếm luận, không luận bàn, không tranh cãi, chúng ta tu Từ Bi. Chánh Niệm Từ Bi giúp cho chúng ta biết yêu thương, trí tuệ quán để nhìn thấy mọi đối tượng mà chúng ta tương tác hằng ngày đều có bản thể thanh tịnh của Phật tánh, đều sẽ là Phật sẽ thành trong tương lai. Từ đó bản thể thanh tịnh của ta luôn luôn trực diện với bản thể thanh tịnh của người, chứ không mang kiến thức ra để so đo, từ đó chấm dứt kiến chấp.

Phương pháp mà Bảo Thành tự tập lâu ngày, hồi xưa và ngay bây giờ Bảo Thành vẫn còn có kiến chấp, nhưng độ dày và độ mỏng khác biệt từng ngày từng thời. Để có thể bào mòn kiến chấp của mình quá nhiều thành mỏng hơn để rồi có thể chạm vào di chuyển chúng đi, Chánh Niệm hơi thở của Thiền Mật Song Tu mà Bảo Thành thực hiện bốn mươi mấy năm trời rất hữu dụng. Nó giúp cho mình trầm tĩnh, có sức mạnh, có năng lượng và nội lực để nhìn thấu qua sự quán chiếu chúng sanh đều bình đẳng. Từ đó biết sự lắng nghe để hiểu thấu người khác và thông cảm đối với họ, đón nhận họ vào cuộc đời của mình trong tương tác như họ là, chứ không muốn họ thành y như mình. Ở đời nếu bạn ra ngoài mà bạn thấy một người khác y chang như bạn, bạn sẽ khó chịu lắm, lúc đó nhàm chán lắm bởi ai cũng giống ai. Cho nên khi đối xử bình đẳng, bình đẳng tánh và trí, chứ không bình đẳng suy nghĩ và cách nhìn, tánh trí thanh tịnh bình đẳng nhưng cách nhìn và hành xử đều khác nhau. Tới một vườn bông, bạn thấy nhiều màu sắc, bởi chính sự màu sắc rực rỡ khác biệt làm cho vườn bông đó thêm đẹp. Cuộc sống, sự khác biệt giữa con người nhưng nếu được lắng nghe và thông cảm thì thế giới này sẽ đẹp lắm. Hãy nhìn ra cái đẹp của sự khác biệt trong lối suy nghĩ và hành xử qua sự biết lắng nghe và thông cảm. Nên thực tập hạnh lắng nghe để nhĩ căn – tức là lỗ tai của bạn được an yên bằng cách luôn luôn Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu đến Từ Bi – Trí Tuệ quán, Hải Triều Âm Quán của Mẹ Hiền Quan Âm. Bạn hãy tới với đức hạnh của Mẹ Hiền Quan Âm học cách lắng nghe, hiểu và thương, thông cảm để san sẻ, nhất định đó là phương thức chuyển hóa kiến chấp của bạn. Mô Phật!

Câu 8: Con chào thầy, con xin có câu hỏi về việc làm thiện, hay làm phước ạ. Có quan điểm làm việc thiện, và có tính toán hợp lý để cân bằng cuộc sống riêng của mình và người thân để vẫn có thể đương đầu với những rủi ro và sự không may xảy ra. Nhưng có quan điểm là cứ đóng góp và làm việc thiện hết mình, hết cả những gì trong khả năng của mình có, như có 10 đồng thì đóng góp hết 9.5 đồng, và tin tưởng rằng với tâm hướng thiện như vậy và không sợ sệt tương lai, với phước báu lớn, mình sẽ vượt qua hết mà không cần phải tính toán hay cân nhắc gì đến rủi ro hoặc khó khăn trong tương lai. Nhờ thầy khai sáng cho con ạ. Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Cách làm thiện đó cũng tốt, nhưng nếu không suy nghĩ đến sự rủi ro trong cuộc đời thì cách làm thiện đó là cách làm thiếu trí tuệ. Đức Phật nói, khi chúng ta có tiền thì chia làm năm phần, một trong năm phần đó là làm việc từ thiện. Đây là lời dạy của Đức Phật. Một trong năm phần sử dụng tiền của mình đó là từ thiện. Nếu bạn có tiền, bạn chia làm năm phần, lấy một phần làm từ thiện, đúng như lời Phật dạy. Ngoại trừ có những trường hợp cấp bách nguy hại đến ai đó cần giúp đỡ, bạn có thể góp thêm một phần nữa hoặc toàn phần nếu khả năng bạn có thể làm được bởi bạn dự liệu được sự rủi ro hoặc bạn vẫn có nguồn thu nhập để bảo đảm khi sự rủi ro tới. Nhưng mà đúng theo lời Phật thì tiền chia làm năm phần, chỉ lấy một phần làm từ thiện thôi, chứ đừng có mười đồng làm chín đồng để rồi nhà khi rủi ro, túng thiếu, việc từ thiện đó sẽ tạo ra sự cắn đắng ở trong nhà và rồi mất phước báu. Hãy theo lời Phật mà làm từ thiện để mọi sự được hoan hỷ.

Hồi hướng:

Mô Phật! Vậy là chúng ta ngưng ngày hôm nay, cảm ơn các bạn đã chia sẻ. Chúng ta hãy chắp tay vào hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự tham vấn ngày hôm nay với những câu hỏi khúc mắc rất đời thường của chúng con, nguyện nếu tạo được chút phước báu nào hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts