Search

Tham Vấn Phật Pháp 11

Bảo Giác Tường đánh máy, Bảo Phước biên tập

Câu 1: Thưa Thầy, có những người đau khổ, cùng quẩn đến quyên sinh để mong được giải thoát, có cuộc sống hạnh phúc? Như vậy có đúng không ạ? Và quyên sinh như vậy liệu có thể tái sinh làm người nữa không ạ? Phải làm sao để vượt qua những đau khổ, cùng quẩn của cuộc đời ạ? Con cám ơn Thầy!

Câu 2: Dạ thưa Thầy! Con muốn hiểu rõ hơn về sự vận hành đúng của 5 Uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là như thế nào ạ?

Câu 3: Dạ Thầy nói các pháp là vô thường sanh diệt, khi ta thác thì cứ tùy theo thiện nghiệp và ác nghiệp mà tái sinh. Hãy cứ quán chiếu hơi thở chánh niệm, từ bi trí tuệ quán. Nhưng trong thời khắc của thập tử nhất sinh thì nỗi hoảng sợ, sự đau đớn, sự bấn loạn và sự lo lắng của một con người tại khắc đó nó sẽ tùy theo nghiệp lực trong một sát na. Liệu trong sát na của hơi thở cuối, mấy ai biết được mình sẽ như thế nào. Thật sự là có phật Adida tiếp dẫn hay không hay cũng phải do chính nghiệp quả của mình quyết định sự luân hồi ạ. Vậy nên chăng chúng ta hãy cứ niệm phật Adida miên mật ạ?

Câu 4: Bạch thầy ! Thầy từ bi hoan hỷ cho con hỏi làm sao để thấy được phật tánh (hay ông phật của mình) trong cái thân chưa đầy 2 thước của mình ạ ! Con xin cảm niệm công đức của thầy ạ ! 🙏 Namo a di đà phật.

Câu 5: Dạ thưa Thầy, con muốn hiểu về thân trung ấm ạ. Xin Thầy khai thị cho con. Mô Phật

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Hôm nay thứ bảy, trong chương trình “Sống Trong Chánh Niệm”, chúng ta gặp mặt nơi đây, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con chí thành đảnh lễ mười phương Chư Phật và nguyện xin Chư Phật hãy gia trì, ban rải năng lượng tình thương xuống cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới. Để chúng con biết tĩnh tâm Chánh Niệm, tăng trưởng phước báu, đẩy lùi đại dịch và có lại đời sống bình an.

Mời các bạn, chúng ta hãy cùng với Bảo Thành trì niệm Hồng Danh Chư Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn!

Chú Đại Bi: (01 biến)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn, vô ngại Đại-bi tâm đà-la-ni. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà.

Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô, kiết mông độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô, ma ra hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà du nghệ, thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha. Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da. Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha. Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh: (03 biến)

Nam-mô a di đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða địa dạ tha.

A di rị đô bà tỳ

A di rị đa tất đam bà tỳ

A di rị đa tì ca lan đế

A di rị đa, tì ca lan đa

Dà di nị dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn: (01 biến)

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

(14:08) Mô Phật!

Các bạn thân mến! Hôm nay thứ bảy, Bảo Thành đang ở tại ngôi Đại Hùng Bảo Điện Chùa Xá Lợi tại tiểu bang Pennsylvania để chuẩn bị cho ngày mai, tại nơi đây sẽ tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu.

Trước Đại Hùng Bảo Điện Chùa Xá Lợi thật trang nghiêm, oai lực của Thế Tôn hiện tiền nơi đây, Bảo Thành đang ngồi cảm nhận từng hơi thở vào ra, nhận thấy năng lượng vi diệu của Phật đang lan tỏa trong thân tâm, lòng thơi thới nhẹ nhàng, muôn sự phiền não, lo âu chẳng còn ở trong tâm, thật là hạnh phúc.

Hôm nay, trong chương trình Đời Sống Chánh Niệm: Tham Vấn Phật Pháp số 11, để Bảo Thành cùng các bạn nghe những lời chia sẻ với nhau trong tâm tình đạo vị nhẹ nhàng của thời đại, ứng dụng ngôn ngữ bình dị để ai cũng có thể hiểu một cách dễ dàng thực tập. Chẳng đào bới cao siêu những văn tự huyền bí trong Kinh điển, chẳng nghiên cứu Phật Pháp qua Kinh, qua các tạng Kinh Đại Thừa, Phương Quảng Liễu Nghĩa, mà chúng ta đi vào thẳng làm sao hiểu một cách đơn giản hơn những điều chúng ta khúc mắc, để từ đó vận hành cho phù hợp trong cuộc sống của Phật tử tại gia. Để chúng ta có thể có một đời sống an lành, hạnh phúc và thành tựu được những điều như Chư Phật đã khai thị.

Mong rằng các bạn nếu nghe qua chương trình này, đã nghe hoặc đang nghe, hoặc sẽ nghe, chúng ta hãy cởi mở tâm hồn, coi như chúng ta là những người bạn đồng hành trên con đường đang suy nghĩ lời Phật một cách bình dị, đơn giản và bình dân để có thể hiểu thấu mà thực hành. Không đặt nặng về điều mà ta phải tin tuyệt đối vào những truyền thống văn hóa Phật giáo được truyền lại từ Phật hay từ các bậc Tổ qua các truyền thống Đại Thừa, Nguyên Thủy của tất cả các quốc gia Phật giáo trên thế giới mà ta có nhân duyên phù hợp để học. Mà chúng ta chỉ chia sẻ để bổ túc cho những điều gì chúng ta chưa nhìn thấy, để chúng ta thấu rõ mà thực hành; hoặc tăng trưởng những điều đã thấy, để làm thiện toàn cho suy nghĩ của mình mà ứng dụng cho hay hơn. Mong các bạn đồng hành cùng Bảo Thành trong buổi Chánh Niệm hơi thở, Tham Vấn Phật Pháp số 11 ngày hôm nay!

Và bây giờ Bảo Thành sẽ nhường lại cho các bạn, để các bạn có thể có những câu hỏi gì chia sẻ cùng chung với nhau. Và với khả năng hạn hẹp Bảo Thành biết, Bảo Thành sẽ chia sẻ một cách rất tận tình, còn nếu không biết, Bảo Thành sẽ nghiên cứu và trả lời cho các bạn sau này.

Cảm ơn các bạn, chúng ta hãy bắt đầu!

Mô Phật!

(17:45) Câu 01: Thưa Thầy, có những người đau khổ cùng quẫn đến quyên sinh để mong được giải thoát, có cuộc sống hạnh phúc. Như vậy có đúng không ạ? Và quyên sinh như vậy liệu có thể tái sinh làm người nữa không? Phải làm sao để vượt qua những đau khổ cùng quẫn của cuộc đời? Con cảm ơn Thầy!

Trả lời: Chúng ta hãy dành cho nhau 03 giây để hồi hướng cho tất cả những ai mưu cầu hạnh phúc, sự an lạc khi đang trải nghiệm sự đau khổ trong cuộc đời, không thấy rõ con đường đi, đã quyên sinh. Nguyện xin Đức Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát mang năng lượng từ bi và đuốc tuệ soi dẫn để xoa dịu những niềm đau nỗi khổ của chư hương linh đã quyên sinh trong đau khổ để tìm đường giải thoát.

Mô Phật!

Thuở còn nhỏ, Bảo Thành nghe được thật nhiều thông tin, có cả một người mà Bảo Thành quen biết, đương đầu với thử thách trong cuộc sống, không có lối thoát, cuối cùng đã kết liễu cuộc đời bằng cách nhảy cầu xuống dòng sông quyên sinh như vậy. Và sau này Bảo Thành nghe được ở trong thôn xóm nơi ông cụ Thầy sinh sống, cũng có thêm vài người nữa, quyên sinh thân xác của mình, nhảy sông tự tử vì nhiều sự bức bách trong lao tù của phiền não và khổ đau, bế tắc của cuộc đời, không tìm ra lối thoát.

Nay trả lời một cách thật rõ ràng; nếu đang trải nghiệm đau khổ mà nảy sinh những tư tưởng quyên sinh để tìm hạnh phúc thì đó, hành động đó đã phạm giới thứ nhất là tự sát sanh bản thân. Nghiệp đó thật nặng, đọa địa ngục khó thoát! Nếu không nương vào Hùng Lực của Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát thì thật khó. Đây là một nghiệp vô cùng lớn mà mỗi người chúng ta đang nghe hoặc đang sống, cần phải ý thức được để không bao giờ nảy lên những tư tưởng, suy nghĩ quyên sinh tìm hạnh phúc khi đang đương đầu với bức bách của cuộc đời, thử thách mà khó vượt qua. Nhận thức thật là rõ đây là suy nghĩ sai, mà nếu đi tới hành động, thì hành động quyên sinh như vậy tạo nghiệp, đọa địa ngục.

Dĩ nhiên trong cuộc đời của các bạn, có những người chứng kiến, cũng có các bạn nghe qua. Như Bảo Thành chưa chứng kiến ai quyên sinh vì đau khổ, trả nghiệp mà không thể vượt qua, nhưng thật sự đã nghe qua và đã đi dự đám tang của những người quyên sinh. Không những ở Việt Nam, mà tại bên Mỹ này, tình trạng đó, hình như từ thuở xa xưa cho tới bây giờ, nghiệp thức nhiều đời dồn nén trong sự bế tắc vô minh nên dễ đưa đến những tư tưởng cùng quẫn, không thấu, quyên sinh, tự sát để tìm lối thoát cho bản thân. Đặc biệt, các bạn đừng bao giờ nghĩ đến điều đó nếu ở trong những tình cảnh mà các bạn đang thử thách, bức bách, đau khổ, phiền não tột cùng mà không thể vượt qua. Hãy tiếp xúc ngay; nếu ở đời chưa có niềm tin với tôn giáo, các bạn hãy tiếp xúc với những bác sĩ tâm lý học, tâm thần học hoặc những bác sĩ về xã hội học, họ có thể giúp các bạn ổn định lại những luồng tư tưởng trong sáng hơn, để chuyển hóa những tư tưởng xấu và có thể giúp cho bạn ngừa được những mầm tư tưởng tự sát, quyên sinh; nếu bạn có đầy đủ phước duyên gặp được các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc hoặc các bậc lãnh đạo tinh thần các tôn giáo bạn đang theo, bạn hãy tiếp xúc với họ một cách thành kính, và nhờ các đấng đó khai trí mở tâm, dìu dắt để dắt chúng ta qua thời kỳ khủng hoảng đó. Nhất định khi các bạn tiếp xúc với những đấng đứng đầu các tôn giáo các bạn theo, các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc Tăng Ni, nếu không, các bạn khó có thể thoát, còn nếu có, các bạn sẽ khởi đầu một hành trình vượt qua những chướng ngại.

Đây là lời khuyên chân thật bởi vì trong lúc đó, bạn thật khó có thể thoát được nên mới suy nghĩ cùng quẫn để tạo cơ hội cho những tư tưởng ma quái xen lẫn với những oan gia trái chủ nhiều đời thúc đẩy bạn đi tới sự quyên sinh, tự sát. Lúc đó nói tự thân kiềm thì rất khó, bạn cần phải nương vào hùng lực, sự thanh tịnh và trí tuệ. Ở đời như Bảo Thành vừa nói rồi, là tìm kiếm những vị bác sĩ tâm lý, tâm thần học, những nhà xã hội học – họ cao minh, có kiến thức dìu dắt các bạn, hoặc về với cha mẹ, anh em để khuyên bảo nhau. Còn nếu qua những sự trải nghiệm về đời thường của những vị đó mà chúng ta chưa có sự an tâm thay đổi, chúng ta phải tiếp cận ngay những nhà lãnh đạo tôn giáo để được khuyên bảo, hướng dẫn; đôi khi có thể nhập thất tịnh tu để cho thân tâm ổn định từ từ, nhiếp thâu thân tâm của mình theo các pháp phương tiện mà vị lãnh đạo tinh thần đó quán chiếu thấy phù hợp, hướng dẫn cho các bạn, các bạn sẽ vượt qua được. Đây là lời khuyên chân thật nếu trong tình cảnh không thể vượt qua, phải cần sự giúp đỡ!

Chúng ta đừng xấu hổ và hổ thẹn rằng tại sao phải nhờ người khác? Nên nhớ, cuộc đời luôn luôn phải nương nhờ những bậc đã vượt qua hoặc vững chãi hơn ta để dìu dắt ta. Chính Ngài Mục Kiền Liên là một vị thần thông bậc nhất thời Đức Phật mà Ngài không e ngại, xấu hổ, sĩ diện để lủi thủi một mình cứu mẹ. Ngày Vu Lan, Ngài Mục Kiền Liên thấy không thể cứu mẹ là bà Thanh Đề, Ngài đã tới bạch với Đức Thế Tôn và Tăng Thân đang an cư kiết hạ lúc đó vừa mãn. Thời tự tứ vừa mãn, tinh thần sung mãn trong sự thanh tịnh, Đức Phật và hàng Tăng Lữ thời đó đã hiệp dâng năng lượng tuyệt đối thanh tịnh, để rồi mẹ của Ngài Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề nương vào đó, thấu hiểu được nhân quả mà tự cởi trói mình khỏi sự ràng buộc của Địa Ngục.

Chúng ta nếu vì một điều gì đó bức bách trong cuộc đời, đau khổ vô tận, thất bại, thất bại trên nhiều phương diện: có thể về tình cảm, nhất là tự tử vì tình thật là nhiều; những mùa bóng đá, cá độ, đá banh, cờ bạc, làm ăn rồi nó thất bại một cách thảm bại, mất hết, tay trắng trắng tay thường hay tự tử, quyên sinh tìm lối thoát; trong công danh sự nghiệp đang ngồi chễm chệ ghế giám đốc hoặc một vị lãnh đạo cao cao thượng thượng bị truất phế, ngồi tù, có những người cùng quẫn quyên sinh…Và thật nhiều, thật nhiều những lý do! Lại có những bạn đau khổ vừa vừa, nhưng lại sử dụng các loại thuốc như á phiện, cần sa, ma túy, rượu chè, và đã làm rối loạn tinh thần, phạm giới thứ 05 – uống và sử dụng các chất say, làm cho não bộ loạn, có những ảo tưởng quyên sinh để tìm sự sung sướng và hạnh phúc. Tất cả những trường hợp như vậy rất cần sự giúp đỡ! Nếu chúng ta có đầy đủ phước báu tìm đúng người giúp đỡ, chúng ta sẽ thoát khỏi, và được tái huấn luyện trở lại để vững chãi, dũng mãnh hơn. Nếu các bạn đang ở tình trạng đó nghe qua, hãy cố gắng tìm người giúp đỡ!

Và để ngừa tình trạng đi tới như vậy (là nếu bạn đang ở như thế trong hoàn cảnh như thế, vẫn còn độ bình tĩnh và đang suy nghĩ đến mức quyên sinh, tự tử) thì các bạn hãy nhớ rằng Chánh Niệm hơi thở là pháp vi diệu giúp cho các bạn trầm tĩnh, lắng đọng hơn, sàng lọc tư tưởng và suy nghĩ. Lúc đó cơ thể ta bị bức bách, nó thở dồn dập, tư tưởng đen tối, thì nghệ thuật Chánh Niệm hơi thở mà Đức Phật truyền giúp cho chúng ta sàng lọc mọi tư tưởng. Và nếu như gắn kết với lòng từ bi và trí tuệ của Chư Phật để thắp sáng suy nghĩ của chúng ta, chúng ta có thể chuyển hóa từ từ. Nhưng chúng ta vẫn phải đồng hành với các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc hoặc các bậc lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, hoặc nương nhờ vào các bác sĩ tâm thần hoặc tâm lý học để chúng ta vượt qua. Bởi trong giai đoạn đó, ai cũng cần sự giúp đỡ. Đó là lời khuyên chân thành!

Còn những ai chưa bao giờ bị những tư tưởng đó bách hại để khởi lên ý tưởng phải quyên sinh, tự tử, thì nhớ phải thực tập Chánh Niệm để luôn luôn nuôi dưỡng những tư tưởng trong lành, thiện lành, trong sáng; để khi những tư tưởng đen tối của nghiệp thức bất thiện nhiều đời kéo tới, gợi lên những hành động quyên sinh, tự tử thì chúng ta đã có đủ đạo lực, định lực, nguyện lực. Trong tâm lực tịch tĩnh đó để vững chãi hơn trong sự thử thách của những luồng tư tưởng trái ngược như vậy tới với chúng ta.

Mô Phật!

(29:22) Câu 02: Dạ thưa Thầy! Con muốn hiểu rõ hơn về sự vận hành đúng của Năm Uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là như thế nào ạ?

Trả lời: Mô Phật! Trong Phật giáo của chúng ta, đặc biệt khi chúng ta tụng Tâm Kinh Bát Nhã, nói đến Ngài Xá Lợi Phất học được của Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát; Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát quán chiếu Ngũ Uẩn, tức là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là không, cho nên Ngài thoát khỏi mọi đau khổ. Chúng ta không phân tích sâu nhiều đâu mà đi thẳng vào để chuyển dịch ra ý nghĩa thời đại cho các bạn trẻ dễ hiểu. Năm Uẩn hình thành nên con người của chúng ta. Và rồi từ đó, khi hình thành nên con người này do Năm Uẩn đó, chúng ta lại có nhận thức rằng đó chính là ta, nên hình thành ngã tướng, chủ ngã này. Bây giờ đi xuyên qua một chút để thấy sự vận hành của Năm Uẩn là một! Nó là một xâu chuỗi năm mắt xích gắn liền với nhau; khi gõ vào mắt xích đầu tiên, thì tự động những mắt xích kia vang lên những âm thanh tạo thành những tần sóng và rồi kết thúc đến cuối cùng là ý thức của chúng ta.

Trong Năm Uẩn đó gọi là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì bây giờ dịch cho đơn giản: Sắc tức là thân xác này. Khi hình thành nên thân xác của con người thì chúng ta có sáu giác quan: ý, tai, mắt, mũi, lưỡi, thân. Những giác quan như vậy tương tác với mọi sự ở bên ngoài hoặc suy nghĩ nội tâm tạo thành cảm thọ. Gọi là Sắc rồi tới Thọ, Thọ tức là cảm xúc. Từ thân này va chạm qua các giác quan tạo thành cảm xúc. Từ cảm xúc đó tạo thành nhận thức, gọi là Tưởng. Từ nhận thức đó, nó hình thành quá trình tư tưởng của chúng ta và định hình suy nghĩ, gọi là Hành. Cuối cùng là ý thức, nó biến thành ý thức của chúng ta như thế nào: ý thức nhạy bén, ý thức u tối, ý thức đúng hay ý thức sai…gọi là Thức. Đó là Năm Uẩn, năm sự vận hành chỉ trong một giây phút thôi, một sát na thôi, nó không có riêng biệt gì đâu, nhưng tách riêng biệt ra để cho dễ hiểu, xắt lát nó ra như nhà khoa học gia để nghiên cứu.

Bạn có thể dễ hiểu hơn một chút đó là sắc thân này như cái phone (điện thoại), khi chúng ta tương tác trên phone thì những thông tin dữ liệu, những sự tương tác đó tạo nên những sự cảm ứng đón nhận vui buồn, sướng khổ của cuộc đời. Rồi từ những thông tin đó, nó xuất khởi lên những nhận thức, nhận thức về chương trình này, chương trình kia. Rồi nó hình thành những suy nghĩ miên man trong những thông tin đó và nó chuyển tải thành năng lượng nhập vào phone nữa. Như vậy thì chúng ta có thể nói, qua cái phone, nó có luồng từ trường tương tác đối với bên ngoài và giữ những thông tin dữ liệu cuối cùng, nhận vào trong kho để nhập, đó là ý thức. Cái đó chỉ là một! Nói ngày nay khoa học dễ nói, đó là từ trường. Trong từ trường chứa mọi thông tin của chúng ta. Thông tin từ sự cảm xúc thành tư tưởng và lối suy nghĩ để có được ý thức, nó vận hành trong thân này – gọi là cái phone.

Cho nên khi thân này chết đi thì còn bốn Uẩn kia là cảm xúc vẫn ở trong những luồng từ trường chuyển hóa thành nhận thức. Cuộc hành trình của tư tưởng và suy nghĩ đi tới ý thức đó được giữ trong luồng từ trường. Và nếu chúng ta chuyển qua một cái phone mới, thì bắt đầu từ cái phone đó, nó hiển lộ lên tất cả những mảng thông tin. Các bạn nếu có phone cũ khi mua phone mới, các bạn thật sự đã trải nghiệm qua, tiếng Mỹ gọi là Smart Switch, tức là chuyển toàn bộ thông tin của mình từ phone cũ qua phone mới.

Nói như vậy để thấy rằng nếu các bạn ngày nay, có cái phone trong năm nay – 2021, nếu các bạn có phước báu, có khả năng mua một cái phone mới, các bạn có thích thú không? Chúng ta hãy trả lời một cách công minh. Rất thích! Phone mới ai không thích?! Mua được cái phone mới là thích lắm, muốn bỏ phone cũ. Và rồi chúng ta lại cũng muốn chuyển tất cả thông tin dữ liệu từ phone cũ này qua. Và chúng ta phải đặt 02 phone gần với nhau, dùng Smart Switch, tức là chuyển tải những thông tin dữ liệu từ phone cũ qua bằng luồng từ trường giao thoa và tự động nó qua.

Cái thân này, cái Sắc này, nó là cái phone. Chúng ta chưa nhận thức được giá trị của những cái phone mới cập nhật bởi sự sáng tạo mới của khoa học gia. Cho nên khi thân này có được, ta nhận thức được, ta có cái phone thân này, ta yêu chuộng, ta cho nó là thật và ta cho tất cả mọi thông tin ta cài đặt trong này là sự thật vĩnh cửu, chấp vào để tạo thành ngã tướng. Nhưng thật ra nó là vô thường, vô ngã, không có thật, chỉ là những thông tin nhồi nhét vào do các giác quan. Và nếu chúng ta nhận thức được Sắc này là như thế, tức là vô thường, những thông tin đó là vô ngã thì chúng ta rất hoan hỷ để cập nhật những cái phone mới trong thời đại mới. Bởi vậy khi chúng ta mất đi, thì nó chỉ còn có Thọ, Tưởng, Hành, Thức di chuyển trong năng lượng bảo toàn tất cả mọi thông tin đó. Và vấn đề là những thông tin đó nó tích cực hay tiêu cực, để khi nó chuyển vào cái phone mới có ứng dụng cao hay là làm cho cái phone mới bị hư, trở thành vô dụng?

Thân xác mới được hình thành do nhân duyên, phước báu, thông tin đó, từ trường đó gọi là tâm: tâm tái sanh hay tâm tái tục. Cái tâm đó là Thọ, Tưởng, Hành, Thức, mà Thọ, Tưởng, Hành, Thức đó chỉ hiển lộ trong thân này mà thôi. Nhưng cũng chỉ là vô thường! Cho nên nếu như ở đời thì chúng ta chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy để biết rằng khi còn sống, phone còn kích hoạt tốt, phải cố gắng sàng lọc để có được những thông tin tích cực, tốt đẹp nhất; để khi thay phone mới, cuộc đời mới, chúng ta có thật nhiều những thông tin dữ liệu cập nhật phù hợp với cái phone mới, với thân mới, với kiếp người mới để ứng dụng mang lại hạnh phúc cho chúng ta.

Hy vọng sự giải thích đơn giản như vậy để các bạn tư duy, còn nếu các bạn muốn hiểu thấu hơn chiều sâu trong Phật ngữ, trong Phật Pháp nhiệm mầu, đào sâu về Ngũ Uẩn trong triết học Phật giáo Ngũ Uẩn thì chúng ta có thể lên Google tìm hiểu sâu hơn để bổ túc cho cách Bảo Thành nói để chúng ta ứng dụng. Còn nếu các bạn chưa có thời gian nghiên cứu sâu hơn nữa, thì cứ suy nghĩ với bề mặt đơn giản như Bảo Thành vừa nói, để có một nhận thức sáng sủa hơn, vận hành một cách tinh tế hơn, không lệ thuộc quá nhiều vào hình thức của tôn giáo để có thể ứng dụng trí tuệ của chúng ta, làm chủ cuộc sống này, vận hành thông tin dữ liệu, nhập vào kho A Lại Da Thức – tức tâm thức của chúng ta một cách chỉnh chu hơn, tốt đẹp hơn, để thông tin đó vẫn luôn luôn là những thông tin hữu dụng không những cho kiếp này mà vô lượng kiếp sau.

Mô Phật!

(38:41) Câu 03: Dạ, Thầy nói các pháp là vô thường sanh diệt, khi ta thác thì cứ tùy theo thiện nghiệp và ác nghiệp mà tái sinh. Hãy cứ quán chiếu hơi thở Chánh Niệm từ bi – trí tuệ quán. Nhưng trong thời khắc của thập tử nhất sinh thì nỗi hoảng sợ, sự đau đớn, sự bấn loạn và sự lo lắng của một con người tại khắc đó sẽ tùy theo nghiệp lực trong một sát na. Liệu trong sát na của hơi thở cuối, mấy ai biết được mình sẽ như thế nào, thật sự là có Phật A Di Đà tiếp dẫn hay không hay cũng phải do chính nghiệp quả của mình quyết định sự luân hồi ạ? Vậy nên chăng chúng ta hãy cứ niệm Phật A Di Đà miên mật ạ?

Trả lời: Mô Phật! Trong tư tưởng Phật giáo truyền đạt, đặc biệt ảnh hưởng của Đại Thừa hoặc Phật giáo Tây Tạng, nói đến cận tử nghiệp là giây phút cuối cùng khi chúng ta còn sống và rồi chết. Người ta diễn tả dưới hình thức của giáo dục tôn giáo, nhưng đặt nặng ở cái hù dọa cho người ta sợ để làm tốt. Đó cũng là một phương thức giáo dục. Một là đưa đến những lời sách tấn tốt đẹp để họ hiểu được quá trình biến hiện của tâm, hai là phải hù dọa cho sợ để không làm điều xấu. Bởi chúng ta ở đời thường hay giải đãi, không liên tục làm những việc tốt, hoặc tu, tu một phút, nghỉ mười ngày, tu một chút xíu thanh tịnh nhưng có thể làm nhiều chuyện ác.

Các Tổ mới nghiên cứu phương pháp giáo dục chúng sanh qua Phật học, thì đưa đến cái luận đề rằng cận tử nghiệp khi chết đi, giây phút đó rất quan trọng, tất cả nghiệp lực sẽ tới kéo chúng ta đi; để cho chúng ta luôn luôn như một dũng sĩ phải rèn luyện trí tuệ, tinh thần và dũng lực của mình để sẵn sàng đương đầu với cuộc chiến trận sanh tử. Điều này dưới góc độ của giáo dục rất là tốt. Nhưng chúng ta là người tu Phật thiền trí tuệ, chúng ta phải thấy rằng đó là phương pháp giáo dục được chế tác ra phù hợp với những người căn cơ.

Nay suy nghĩ thêm một chút để thấy rằng, chúng ta có thể nhẹ nhàng hơn bởi có trí tuệ nhìn thấu!

Khi bạn nói đến chữ “nghiệp lực” khi chúng ta sắp sửa chết, cận tử nghiệp tới là nghiệp lực tới nó kéo đau khổ, đau đớn, phiền não, đủ thứ…thì làm sao có thể thoát được? Các bạn có nhớ rằng nghiệp lực đó hình thành ở đâu, chỗ nào và khi nào?

Nếu nói nghiệp lực tới trong lúc cận tử nghiệp thì nghiệp lực đó là cả một xâu chuỗi hình thành trong kiếp này nói chung, và vô lượng kiếp trước thì mới là một sự toàn diện hơn. Như vậy mọi tạo tác từ suy nghĩ như Đức Phật dạy, lời nói và hành động tạo ra nghiệp ác hoặc là nghiệp thiện, nói chung gọi là nghiệp lực. Nếu nghiệp lực của bạn có nhiều lực ác, nó sẽ kéo bạn tái sanh vào cảnh giới ác. Nếu nghiệp lực của bạn tổng kết lại có nhiều lực thiện, nó sẽ hướng dẫn các bạn đi lên những cảnh thiện lành.

Trả lời ngắn gọn, chúng ta đều phải bị ràng buộc khi chết bởi nghiệp lực thiện hoặc ác do chính chúng ta tạo ra do nhân quả thiện – ác bởi thân – ngữ – ý. Và coi đó là tổng nghiệp lực của toàn kiếp này cộng với kiếp trước, chẳng phải chỉ trong giây phút đó mà thôi! Nhưng các bậc đạo sư nhấn mạnh giây phút cận tử nghiệp rất kinh khủng để cho chúng ta cảnh giác mà thường xuyên tu tập.

Nếu các bạn lái xe giỏi thì đó là cả một quá trình thực tập lái xe luồn lách trên những trục lộ giao thông, và rồi các bạn tập nhiều, nó được định tâm, tinh thần thoải mái. Nhớ thuở mới lái xe run lắm! Thì như vậy, qua quá trình thực tập thực tế trong cuộc đời, bạn lái xe giỏi. Để rồi khi gặp những lúc tình trạng nguy hiểm xảy ra, tính mạng có thể bị kết liễu, bạn có thể thoát ra được. Cuộc sống này, lái trên chiếc xe phương tiện của thân người này, chúng ta có sự trải nghiệm trong sự thực tập để tạo ra nghiệp, nghiệp ác hoặc nghiệp thiện. Nếu học được chân lý của Phật, ta sẽ chuyên chú vào để thực tập, làm những điều Đức Phật dạy, thực hành đúng, tạo thành nghiệp lực, nhưng là nghiệp lực thiện. Để khi giây phút cận tử nghiệp tới trong cuộc đời, toàn bộ năng lượng nghiệp lực thiện đó sẽ giúp và hỗ trợ chúng ta đi theo sự tái sanh.

Cho nên trả lời trở lại, khi tái sanh vào kiếp kế tiếp mà khi chết, giây phút cận tử nghiệp tới, chẳng phải là lệ thuộc chỉ vào giây phút đó, sát na đó. Mà nó lệ thuộc vào tổng hợp của cả một chu trình, tức là một công trình trên cuộc hành trình làm người của kiếp này tích lũy hoặc là chuyển hóa nghiệp lực của tiền kiếp tới kiếp này do những tạo tác từ thân – ngữ – ý qua nhân quả thiện – ác tổng hợp lại để đưa chúng ta đi tái sanh. Chứ không phải chỉ có giây phút đó để các bạn hiểu lầm rằng: “À! Giây phút đó, bao nhiêu công đức tu tập cả ngàn năm qua, cả trăm năm qua, giây phút đó lỡ rồi đi tuông”. Không có! Không có như vậy! Không có như thế!

Bởi vì ngôi nhà bạn xây dựng, người khôn khéo còn biết tích lũy tiền bạc trong ngân hàng, lỡ cháy nhà, tiền vẫn còn trong ngân hàng chứ không cháy hết. Cháy là cháy cái nhà mà thôi! Một mồi lửa cháy hết nhà, công sức xây dựng nhà nhưng tiền bạc để trong ngân hàng, nó vẫn sinh sôi nảy nở, có tiền lời. Công đức của chúng ta chứa trong A Lại Da Thức. Mọi việc bạn làm ác hay thiện đều tạo thành nghiệp lực thiện hay ác ở trong A Lại Da Thức. Và khi các bạn chết đi, thân này tan rã theo Tứ Đại giả hợp: Đất, Nước, Gió Lửa thì thần thức của các bạn chứa năng lượng tổng hợp của cả một cuộc đời của các bạn đã chuyển hóa tu tập những bất thiện nghiệp của kiếp trước để tạo thành thiện nghiệp, bạn đi tái sanh với thiện nghiệp đó; hoặc bạn không thể chuyển hóa ác nghiệp của nhiều đời, kiếp này lại cộng thêm ác nghiệp nữa, thì nghiệp lực ác đó sẽ dẫn các bạn đi tái sanh. Chẳng phải lệ thuộc vào giây phút các bạn chết! Nó chỉ là một phần nhỏ cộng tác thêm, cũng như một thùng cát có thêm một hạt cát nữa, cũng như một thùng kim cương có thêm một chút xíu kim cương nữa mà thôi; nhưng nó chẳng phải là sự quyết định toàn diện, mà sự quyết định toàn diện là cả một công trình tu tập, tu tâm dưỡng tánh của các bạn trong toàn bộ kiếp người hiện tại chuyển hóa, tăng thiện nghiệp hoặc chôn vùi, tăng ác nghiệp.

Bây giờ nói đến Đức Phật A Di Đà. Niệm Phật A Di Đà, niệm Phật Bổn Sư, Phật Dược Sư, các vị Bồ Tát. Niệm Phật chúng ta phải nhớ rằng, niệm Phật là niệm giác, tức là tỉnh giác, niệm Phật để giữ tâm thanh tịnh tỉnh giác.

Hãy vào Google nghiên cứu Đức Phật A Di Đà có hay không thì chúng ta sẽ thấy được hai luồng tư tưởng của Kinh Nguyên Thủy không nhắc đến Đức Phật một cách rõ nét. Đại Thừa thì thật rõ, đặc biệt khi chuyển qua Phật giáo Trung Hoa hoặc Tây Tạng, Ngài Liên Hoa Sanh dạy thì bắt đầu nói đến Ngài A Di Đà. Và hai luồng tư tưởng của Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa vẫn luôn luôn xoay quanh như hai vũ khúc đúng sai nhảy múa quay cuồng từ nhiều ngàn năm qua. Nếu các bạn bị cuốn vào trong vòng xoáy của những vũ điệu oan trái này, thì có lúc nếu thuận duyên với Nguyên Thủy, bạn cho rằng A Di Đà Phật không có; nếu thuận duyên với Đại Thừa thì các bạn cho Đức A Di Đà Phật là có. Chúng ta hãy ngừng cuộc chơi trong những vũ khúc của có hoặc không về Đức Phật A Di Đà, mà lấy trí tuệ tư duy rằng Đức A Di Đà nếu dịch đúng nghĩa là Vô Lượng Quang. Chúng ta có nhiều ý nghĩa hồng danh của Đức A Di Đà Phật, nhưng Bảo Thành chỉ nói đến Vô Lượng Quang, tức là trí tuệ. Khi chúng ta niệm Đức A Di Đà Phật, tức là Chánh Niệm hơi thở để tăng trưởng trí tuệ Vô Lượng Quang của Ngài A Di Đà Phật.

Tại sao mà Ngài A Di Đà Phật có cái danh là Vô Lượng Quang? Bởi Ngài là đấng đại từ đại bi có trí tuệ. Niệm hồng danh của Ngài là niệm tuệ, niệm từ bi. Niệm tức là Chánh Niệm để tăng trưởng trí tuệ và từ bi. Như vậy, khi chúng ta tăng trưởng thiện nghiệp bằng trí tuệ và từ bi, chúng ta tích lũy thêm phước báu và thiện nghiệp, nghiệp lực đó giây phút cuối khi ta chết – cận tử nghiệp sẽ tăng trưởng, dẫn chúng ta tái sanh về cảnh thiện lành tỉnh giác mà tùy theo tông phái Đại Thừa hay Nguyên Thủy, hay Kim Cang Thừa mà hình thành một mẫu mực của Đức A Di Đà Phật. Chúng ta không nói sâu! Các bạn hãy nghiên cứu, bởi thời đại ngày nay là phải dùng trí tuệ để nghiên cứu. Nhưng Bảo Thành dẫn nhập như vậy để các bạn dễ hiểu hơn, và tùy theo phước duyên của bạn sinh ra ở đời này thọ nhận trong Nguyên Thủy hoặc Đại Thừa, hoặc Kim Cang Thừa để có nhận thức về Đức A Di Đà Phật như thế nào thì đó là tùy duyên mà Ngài Phổ Hiền dạy rằng tùy duyên mà hóa độ.

Trả lời Phật A Di Đà đó có hay không là tùy theo phước duyên của các bạn. Nhưng những gì Bảo Thành vừa giải thích sẽ giúp cho các bạn suy nghĩ và tư duy. Mong rằng các bạn nghiên cứu và tư duy cho đúng để hình thành một nhận thức sáng suốt để có ý thức trong vấn đề tự chủ, tự đứng dậy thắp đuốc mà đi.

Đúng, khi chúng ta chết, hoàn toàn sự tái sanh của chúng ta vào cảnh lành hay cảnh ác đều do nghiệp của chúng ta! Phật không cứu được chúng ta. Đức Phật A Di Đà có hiện ra cũng không tiếp dẫn được chúng ta nếu chúng ta luôn luôn làm những điều ác, nếu chúng ta không muốn đi theo Ngài.

Tiếp dẫn ở đây có nghĩa là Vô Lượng Quang trí tuệ hướng dẫn chúng ta vượt qua, mà chúng ta phải có cái tâm, tâm từ bi – trí tuệ miên mật tu tập thì Vô Lượng Quang của Ngài A Di Đà sẽ soi đường dẫn cho chúng ta vượt qua suối mê, bể mê để cập vào bến giác. Cho nên Đức Phật A Di Đà chỉ có thể cứu ta bằng cách chiếu soi qua Vô Lượng Quang trí tuệ và ta là người phải thực hành nhân quả thiện để đồng hành với Ngài tới cõi Tịnh Độ.

Chứ còn các bạn mà cứ thực tập nhân quả ác, thì cho dù có vô lượng Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền có hiện ra tiếp dẫn, bạn cũng chẳng thể nương bóng từ bi của các Ngài để lên cõi thanh tịnh khi mà cả cuộc đời và vô lượng kiếp qua, bạn luôn luôn hành những pháp ác. Phật dạy chân lý thật rõ, nhân quả thiện – ác, ai gieo người đó gặt, ai làm người đó hưởng, hưởng chịu cái tốt hay cái xấu là do chính mình, không ai có thể mang mình đi.

Để dẫn chứng thì khi Phật còn sống, khi vua cha Tịnh Phạn sắp mất, Ngài về thăm thì Ngài cũng nói thật rõ về nhân quả cho vua cha. Chứ Đức Phật là Phật mà, nếu nói Ngài cứu thì Ngài cứu vua cha bằng phương thức như thế nào? Khai thị trí tuệ để vua cha hiểu, hành để rồi thoát chứ không phải đưa tay cứu ngài đi về Niết Bàn, khỏi cõi tử sanh luân hồi.

Có một ví dụ trong các Kinh thường dạy, Đức Phật nói, như cái cây nó nghiêng về bên phải; khi nó đổ thì đổ về bên phải, nếu nghiêng về bên trái; khi nó đổ thì đổ về bên trái; khi còn sống, chúng ta nghiêng vào những điều phải, thiện lành thì khi chết, chúng ta tái sanh về cảnh thiện lành; khi còn sống, chúng ta nghiêng về bên trái, những điều sai trái tạo ác nghiệp thì khi chết, ta sẽ đổ xuống những miền tái sanh đau khổ. Vậy nên nhân quả quyết định sự tái sanh.

Đức Phật A Di Đà có hay không thì tùy theo phước duyên đi theo những pháp môn các bạn tu. Nhưng nhớ, Đức A Di Đà Phật là Vô Lượng Quang và vô lượng từ bi – trí tuệ. Niệm hồng danh của Ngài là niệm giác bởi có trí tuệ và từ bi. Người có trí tuệ và từ bi hành đúng nhân quả thiện – ác của Phật, tích lũy nhiều nghiệp thiện để từng bước từng bước tiệm tu tịnh tiến từ từ đi tới sự đốn ngộ toàn diện mà giải thoát. Lúc đó, Thánh chúng Di Đà ở phương Tây hay mọi Chư Phật, Chư Bồ Tát ở mọi cõi giới đều hoan hỷ tiếp bước cho bạn đi. Nhưng không phải cầm tay bạn kéo lên cảnh giới cao hơn!

Mô Phật!

(53:07) Câu 04: Bạch thầy! Thầy từ bi hoan hỷ cho con hỏi làm sao để thấy được Phật tánh (hay ông Phật của mình) trong cái thân chưa đầy 02 thước của mình ạ! Con xin cảm niệm công đức của Thầy ạ! Nam Mô A Di Đà Phật!

Trả lời: Mô Phật! Đức Phật là bậc đại trí, đại giác, đại ngộ, nếu nói về văn chương chữ nghĩa ở đời thời đó thì mọi sự giác ngộ của Đức Phật không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả được. Nhưng tùy theo phương tiện trong 45 năm trời giảng pháp, vì nhiều tầng lớp trong xã hội, từ tầng lớp hạ đẳng không có văn chữ, không có kiến thức, cho tới những tầng lớp vua chúa, quan quân, những bậc đại sĩ, những bậc học sĩ học hàm, học vị cao, Ngài đều ứng hóa phù hợp bởi ngôn ngữ để dẫn độ họ.

Nay nói bình dân hơn, làm sao tìm được ông Phật ở trong tâm? Phật nói: “Ta là Phật, mọi chúng sanh đều là Phật sẽ thành” vậy ông Phật sẽ thành trong ta là gì? Trở lại Kinh Pháp Cú, làm sao để tìm được ông Phật sẽ thành trong ta? Với cái tâm rối rắm, bối rối, mông lung, phóng dật, phóng tâm, với tâm ác, tâm độc thì nhất định chúng ta không tìm được ông Phật trong thân tạm gọi là dài 02 mét (chứ Bảo Thành lùn lắm, chỉ có hơn 1,5 mét à, có nhiều người thậm chí cao hơn nữa mét hoặc dưới nữa mét, hoặc chút xíu à) thì làm sao tìm được ông Phật đó? À, mà có người còn cao hơn 02 mét nữa các bạn! Thì để làm sao tìm được ông Phật trong cái thân xác Phàm phu của kiếp này theo Kinh Pháp Cú? Chỉ đơn giản đó là giữ tâm thanh tịnh thì sẽ nhận ra, nhận ra ngay ông Phật trong thân xác làm người!

Các bạn sẽ hỏi: “Ồ, vậy thì làm sao để có được tâm thanh tịnh?”. Phật dạy: “Hãy làm việc thiện, bỏ những việc ác để tâm thanh tịnh”. Đó là lời Phật dạy, đó là bí pháp tối thượng, đó là bí kíp tuyệt vời nhất mà Đức Phật đã truyền rồi. Chứ không phải là bí kíp đó Ngài giấu trong hang đá như Trương Vô Kỵ lọt xuống (vực thẳm) và ăn phải con cóc có chất độc hoặc những chuyện trong phim kiếm hiệp gọi là kỳ quặc dữ lắm, có được bí kíp để thượng thừa đâu. Phật trình bày thật là rõ, bởi Phật là đấng muốn khai thị để giúp chúng sanh thoát khổ, nên Ngài không có giấu giếm như phim kiếm hiệp, hoặc như Ngài không giấu giếm như vị Liên Hoa Sanh của Tây Tạng phải giấu vào trong đá, trong này trong kia. Ngài dạy thật là rõ, hãy buông bỏ việc ác và hành việc thiện để tâm ý thanh tịnh. Mà khi tâm thanh tịnh thì tâm tái sanh, tâm tái tục đó, nó thanh tịnh; nó sẽ tái sanh qua nhiều giai đoạn bởi những công hạnh, những mật hạnh các bạn tu thiện pháp để sàng lọc thành kim cương trong sáng thành quả vị Phật.

Đầu tiên, để tìm được hình hài mở mờ của vị Phật trong thân xác làm người thì mỗi người của chúng ta hãy cố gắng nghe theo bí kíp thượng thừa đơn giản mà ai cũng biết, đó là: “Hãy làm việc thiện, buông bỏ việc ác để tâm thanh tịnh”. Mà ngày xưa ông bà mình thường nói đơn giản là: “Làm lành, lánh ác” thì tâm thiện hiển lộ. Đó chính là cái bóng mờ của vị Phật trong thân xác, tùy theo bạn cao hay bạn thấp, bạn sẽ tìm thấy ngay.

Mô Phật!

(57:18) Câu 05: Dạ thưa Thầy, con muốn hiểu về thân trung ấm ạ. Xin Thầy khai thị cho con. Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Con người của chúng ta trải qua nhiều thời kỳ trước Đức Phật, đồng thời với Đức Phật, sau Đức Phật vẫn có cái tâm hý họa, tức là tâm họa sĩ; mà hý họa tức là viết những hình rối, có một chuyện gì là vẽ vẽ, vẽ vời. Trong thời Đức Phật cũng có nhiều vị Tỳ Kheo, Phật nói mà hiểu không rõ rồi giải nghĩa sai.

Chữ gọi là “thân trung ấm” trong tất cả các bộ Kinh, tạng Kinh Nikaya thời Nguyên Thủy, Phật không bao giờ nói về thân trung ấm. Mà ngày nay khi chuyển dịch từ những Kinh có chữ Pali hoặc Sanskrit, thì thực ra con người cũng không rõ lắm về ngôn ngữ đó, tự nó ngàn năm thất truyền rồi; nhưng rồi mường tượng theo những sự định hình của suy nghĩ rồi hình thành nên ngôn ngữ gọi là trung ấm, tức là một cái thân gọi là thân trung ấm. Thân chuyển tiếp khi ta chết, thì thần thức lìa cái thân này đi vào cái thân khác gọi là thân trung ấm trong thời gian trung chuyển để tái sanh vào cảnh giới Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Người, Atula hoặc Chư Thiên. Con Người, Súc Sanh thì có thân; Ngạ Quỷ, Địa Ngục, Chư Thiên, Chư Thần thì tùy tâm mà hiện, cho nên không có thân. Nhưng khi Phật giáo đi qua cái văn hóa của người Trung Hoa, gọi là người Trung Hoa mà, văn hoa mỹ miều, tô điểm, hình thành cái văn tự của thân trung ấm. Có thêm chữ “thân”! Và cái “thân” này đã làm sự hiểu lầm ngộ nhận rằng có thêm một cái thân nữa khi rời thân này để chờ nhập cảnh vào thế giới khác.

 Và khi Đại Thừa truyền thừa từ Ấn Độ cũng như từ Trung Hoa qua Tây Tạng, nó hình thành rõ nét hơn trong Mật Thừa Kim Cang về thân trung ấm do Ngài Liên Hoa Sanh giảng chi tiết về cách cầu siêu để dẫn đưa thân trung ấm trải qua 49 ngày để rồi thoát. Nó hình thành một nghi thức cầu siêu cầu kỳ văn tự tế tục, mà hòa nhập vào với văn hóa bản địa, tăng thêm màu sắc mù tịt, và rồi chúng ta cứ đi theo truyền thống đó riết, khó có thể thoát. Nhưng thật ra Chư Phật không bao giờ nhắc đến thân trung ấm!

Mà trong Kinh Abhidhamma, tức là Kinh Vi Diệu Pháp hoặc có người dịch là Vô Tỷ Pháp không nói đến thân trung ấm mà nói đến tâm tái sanh hay tâm tái tục, tức là tâm chuyển tiếp. Cái tâm đó gọi là thần thức dưới dạng năng lượng; nó không dưới dạng một thân tướng có tướng nữa. Mà nếu đặt thân trung ấm là có thân, là có tướng, và có tướng như vậy thì có ngã để chuyển. Đức Phật dạy cho chúng ta trong Tam Pháp Ấn quán chiếu Vô Thường, Vô Ngã để phá vỡ tình trạng chấp vào có tồn tại, có ngã tướng. Nay chết rồi! Do văn hoa ngôn ngữ của đời sau tô điểm thêm bằng những nghi thức thuận theo sự giáo dục Phật giáo của từng địa phương, phù hợp với phước báu, nhân duyên của từng người, hình thành một hệ thống mới. Và người sau dần dần chưa hiểu được ý của những bậc Tổ và chỉ thâu tóm những ngôn ngữ đó, hình thành cái tế tự, văn tự trong trong chẩn tế. Để rồi từ đó mà có những bậc này bậc kia cứu vớt thân trung ấm; tạo thành một hình thức nữa trong các nghi thức của Phật giáo. Phong phú thật, nhưng không sát với những lời của Chư Phật dạy!

Nói sai hay đúng thì tùy theo từng người, tùy theo ai hiểu, tùy theo mọi người có phước duyên, Bảo Thành không phê phán đúng hay sai, nhưng chỉ nói rằng đó là một hình thức văn hóa Phật giáo khi hòa nhập vào văn hóa tôn giáo bản địa, và tùy theo các bậc Tổ có kiến thức ngôn ngữ nhiều, hình thành nên những thuật ngữ Phật giáo cao siêu nhiệm mầu.

Nhưng trở lại với Đức Phật trong Kinh Abhidhamma thì nói rằng, đó là tâm tái tục hoặc là tâm tái sanh, tâm đó là thần thức; thần thức không dưới dạng một cái thân có tướng, mà thần thức dưới dạng năng lượng; năng lượng như lúc đầu Bảo Thành diễn giải về Ngũ Uẩn, năng lượng nó chuyển. Bởi vậy khi ta chết đi, như Đức Phật nói làm thiện thì về cảnh giới thiện lành, làm ác về cảnh giới ác, không ngồi ở bến đò mà chờ như con ma vất vưởng, con ma ở bến đò, con ma ở bên đường, con ma ở gốc cây, con ma ở chùa, con ma hàng xóm, con ma ở bên trong – những chuyện đó là thêu dệt của loài người.

Thần thức là dạng năng lượng chứa thông tin của nghiệp ác hay nghiệp thiện về những gì ta đã mượn thân Người hoặc thân Thú, thân Địa Ngục, các thân trong lục đạo luân hồi tạo ra, tiếp tục khi nó hết duyên, nó tan, trở về với Tứ Đại: Đất, Nước, Gió, Lửa thì bắt đầu thông tin đó được chứa ở trong những Frequencies, tức là những dạng năng lượng để khi có đủ nhân duyên phối hợp vào một cái tướng khác để nó phát huy, hiển lộ.

Cho nên đối với Bảo Thành, không quan trọng khi chúng ta quá tô điểm cho cái thân trung ấm theo hình sắc của văn hóa Phật giáo. Đó chỉ là truyền thống văn hóa Phật giáo Đại Thừa bên Trung Hoa và bên Tây Tạng. Trong Kinh Na- Tiên có một ví dụ thật cụ thể, nói thật rõ, như một nắm lúa ta tung lên trên trời, nó không bao giờ lơ lửng ở trên trời nữa, mà do sức hút của trái đất, nó phải rớt xuống đất và nó rớt xuống tùy theo vùng nó có nhân duyên để rồi nó trổ mầm thành cây lúa. Năng lượng cũng như vậy, do năng lượng bởi nghiệp lực nó dẫn đi tái sanh. Nếu bạn có năng lượng thiện nhiều thì lực hấp, gọi là lực hút của trái đất, nghiệp lực nó tạo thành lực hút để đi đúng vào chỗ thuận hảo theo cha mẹ khi đúng thời kỳ có thể thọ thai, bằng tình yêu chân thực hoặc tùy theo, thì sẽ nhập vào bào thai đó để tái sanh do gì? Do tâm tái tục, tâm chuyển thế dưới dạng năng lượng chẳng phải thân trung ấm.

Nhưng các Tổ chia ra thân trung ấm đó có 49 ngày. Bởi chúng ta – những người còn sống thường không tự mình tu tập, nên để cho những người tối căn như chúng ta nhìn thấu trong 49 ngày – chẳng phải là cho thần thức đó đâu, mà là cho chúng ta, những người thân còn sống – sẵn sàng hiến dâng 49 ngày vì người thân yêu ra đi mà nghe tiếng Kinh, tiếng kệ để chuyển hóa làm thiện, tăng phước báu cho chính mình. Nên các Tổ mới đặt vào ngôn ngữ 49 ngày, để cứ mỗi 07 ngày thân trung ấm đó phải có một sự trải nghiệm chết đau đớn, để làm cho chúng ta thương người đó mà tu, mà đọc Kinh Phật hồi hướng cho họ. Như trong Kinh Địa Tạng, Phẩm số 07 nói thật rõ, để tụng Kinh cho một người đã mất khi cầu siêu, thì 06 phần phước báu ta được hưởng, chỉ 01 phần người chết được hưởng mà thôi. Thật là rõ! Chứ các Ngài không đặt nặng rằng ta tụng Kinh Địa Tạng là người yêu thương được tái sanh, thần thức, thân trung ấm được tái sanh; mà ta được hưởng phước.

Các Tổ dùng phương pháp giáo dục phương tiện để dẫn đưa, nên chế tác ra cách hướng dẫn vào văn ngữ Phật giáo phù hợp với thời đó, và đôi khi ngày nay vẫn còn phù hợp. Nhưng chúng ta hiểu thấu được quá trình hình thành nên như vậy, ta sẽ cởi bỏ và cởi trói ta khỏi mọi sự ràng buộc bởi những gì ta không hiểu. Hy vọng cách nói này làm vốn liếng để các bạn tư duy nha! Nhà Phật quan trọng nhất là Chánh Tư Duy.

Mô Phật!

Bảo Thành cảm ơn các bạn chia sẻ! Bảo Thành chỉ muốn nhắc rằng đây không phải là một lớp giáo lý để tham vấn Phật học cao siêu, huyền ngữ vô tận, mà Bảo Thành muốn giao tiếp và nói chuyện với những người rất bình dân, học bình thường như Bảo Thành; để chúng ta có thể nhìn thấy rõ một đoạn đường ta đang đi ngang qua; những lời dạy đơn giản, dễ hiểu để làm sao mang lại lợi ích thực tế trong cuộc đời. Không tranh luận, không bàn cãi, không đấu đá. Cái gì hiểu biết được thực tế, Bảo Thành chia sẻ; không biết, Bảo Thành sẽ nghiên cứu hơn. Và rồi cũng sách tấn các bạn rằng toàn bộ Kinh điển của Phật có đầy đủ trên Google, thời đại vi diệu này giúp cho chúng ta học Phật thật dễ. Tiếp xúc với Bảo Thành cũng chỉ là một sự gợi ý thật nhỏ trên con đường chúng ta đang nghiên cứu học Phật.

Xin chân thành cảm ơn các bạn đã hỏi! Hẹn các bạn vào cuối tháng sau để chúng ta có những câu hỏi mà chia sẻ với nhau một cách tận tình hơn.

Hồi hướng:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Thưa Phật! Chúng con xin hồi hướng công đức có được trong buổi Tham Vấn Phật Pháp ngày hôm nay tới mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo, và tới cho quê hương Việt Nam của chúng con có phước báu chuyển hóa được ác nghiệp để đại dịch mau qua, thế giới bình an trở lại.

Mô Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts