Search

Ông Phật Củ Khoai

Điều mà Bảo Thành muốn chia sẻ hôm nay đó là hai chữ Pháp vị. Tức là nếm được mùi vị của Pháp Phật. Trong cuộc sống, khi chúng ta bị bệnh, chúng ta ăn gì cũng không có hương vị của món đồ ăn đó. Và chúng ta nói hôm nay chúng ta ăn mà thấy đắng. Nó thật là đắng, không thấy ngon, không thấy một mùi vị gì cả. Phải không các bạn? Là bởi vì chúng ta bị bệnh. Trên con đường tu tập phật pháp, khi cái tâm ta vô minh, tức là tâm ta đang bị bệnh, tất cả những pháp môn của chúng ta tu tập,  chúng ta khó có thể đạt được mùi vị giải thoát.

Có lẽ chúng ta hỏi tại sao ta bị bệnh, cái bệnh thường xuyên xảy ra cho những người tu tập Pháp Phật Giải thoát là gì? là cái bệnh dính mắt vào kinh điển và ý nghĩa, những lời nói hay, phù hợp với chúng ta. Đã là người, chúng ta có những mục đích khác biệt, hình thành do sự ham muốn thầm kín trong tâm của chúng ta. Sự ham muốn đó hình thành một cách khôn khéo mà chính ta cũng không nhận ra đó là sự ham muốn của chính mình. Và mỗi một người chúng ta thần tượng hóa một con người khác, một câu nói, một nơi nào đó, một cảnh vật nào đó, một câu kinh nào đó, một ngôn ngữ nào đó, một nền triết học nào đó hoặc một môn học nào đó để chúng ta đắm chìm trong sự thần tượng đó mà sống. Chính vì thần tượng hóa mà chúng ta đã làm cho cái tâm của ta bị tê liệt và càng đắm chìm trong vô minh. 
Hôm nay nói đến Pháp vị là nói đến chuyện chúng ta phải thật sự nhận biết điều đó để mỗi người chúng ta ý thức được và sửa chữa nó. 


Các bạn, Bảo Thành kể cho các bạn nghe một câu chuyện. Trước khi kể câu chuyện đó chắc có lẽ những ai học về Phật, khi chúng ta đi tới chùa, tới các tư thất, các tịnh xá, các nơi thờ phượng thuộc về Phật giáo, chúng ta thấy trong chánh điện, ở giữa có thờ Đức Phật Bổn sư Thích ca Mâu Ni. Và nếu hỏi là có bao nhiêu vị Phật, ta có thể trả lời được, những vị Phật mà chúng ta có thể nhớ phải chăng là 4 vị: Phật Thích ca, Phật A di đà, Đức Phật Dược Sư, Đức Phật Di Lặc. Nếu chúng ta là những người thường tu tập, bái sám ở trong chùa thì chúng ta lạy ngủ bách danh Phật tức là danh hiệu của 500 vị Phật. Tuy là tụng niệm đó nhưng mấy ai có thể nhớ được hồng danh của những vị Phật đó vì có đến 500 vị Phật. Còn nếu như chúng ta tụng niệm thập Vạn Phật, đến 10 vạn vị phật, tên quá nhiều, ai có thể nhớ được? Nhưng dù các bạn có trí nhớ, nhớ hết 10 vạn vị Phật đó, thì hôm nay có một vị Phật mà Bảo Thành nhắc tới, có lẽ các bạn chưa bao giờ nghe qua. Đó là Ông Phật Củ Khoai. Thuở xưa có một vị tu ở trên núi. Dân làng đồn vị thầy đó đã chứng đắc thành Phật. Từ lúc được phao tin đồn vị thầy trên núi đã thành Phật thì những nhà giàu, vua chúa, quan quyền, những kẻ có chức tước, có quyền trong xã hội, ai cũng đổ xô, mang tiền bạc, mang tất cả những gì gọi là cao quý nhất trong cuộc đời hiến tặng cho vị Phật sống ở trên núi đó. Thế rồi vị Phật sống thấy bao nhiêu năm tháng qua ngọn núi này thật là yên tĩnh nhưng bây giờ trở nên quá ồn ào. Hỏi ra, thì những người kia, ai cũng muốn có bí kíp tu thành Phật của ông. Ông mới kêu gọi mọi người rằng thôi các vị hãy về nhà, tháng sau tập trung tất cả ở đây ta sẽ truyền bí kíp thành Phật cho một người nhưng các người phải trả lời cho ta một câu: phật là gì? Một tháng sau các người tới đây trình Pháp. Ai trình được cho ta rõ ràng đúng ý ta, ta truyền bí kíp thành Phật. 


Mọi người hớn hở đi về nhà. Sau một tháng trời họ quay về tập trung ở nơi đó, trình Pháp cho vị Phật sống đó nghe Phật là gì. Ai trong nhóm của họ là những vua quan tể tướng công thần, bác sĩ, nhà nho, những kẻ có học thức, những người giàu kiến thức, đều mang theo giai nhân của mình, khênh những cuốn sách dày cộm. Bởi trong một tháng trời, họ đã bỏ bao nhiêu công sức ghi chép nên, để trả lời câu: Phật là gì. Và từng người từng người trình Pháp. Họ đọc toàn bộ những lý thuyết mà họ đã viết ra trong một tháng để trình lên ông phật sống, mong rằng ông phật đó sẽ trao truyền bí kíp thành phật cho họ. Nhưng cuối cùng rồi Đức Phật sống vẫn chưa chọn ai, mà ngài hỏi có còn ai nữa không. Mãi cái góc ở đằng sau hội trường có một người đứng dậy trả lời

  • Còn có tôi. 

Mọi người đều nhìn xuống và cười oà lên, bởi người đó chính là anh Tư trồng khoai, cuộc đời nghèo khổ, cả đời không có áo che thân, có chăng chỉ là một cái khố quấn ở trên người, che cái phần cơ thể cần phải che. Ai cũng cười hết. Ông phật sống mới hỏi: 

  • Này anh kia. Vậy, Phật là gì? 

Anh Tư nhẹ nhàng dõng dạc nói: 

  • Thưa ngài, phật là củ khoai. 

Vừa nghe nói Phật là củ khoai, ai ở trong hội trường cũng cười ầm lên hết, rung động cả một góc trời, tiếng cười không phải là kính nể, mà là tiếng cười ngạo nghệ chê bai, dèm pha cho một kẻ không có học, một kẻ nghèo nàn, dám nói Phật là củ khoai. Khi cái câu Phật là củ khoai vừa thoát ra khỏi cửa miệng của anh Tư thì thầm ở trong lòng những người đang ở hội quán đó nghĩ rằng ta sẽ là người được vị Phật sống này trao lại bí quyết để thành Phật. Ông phật sống mới hỏi

  • Anh Tư, tại sao anh nghĩ Phật là củ khoai.

Anh Tư mới trả lời: 

  • Thưa ngài, con phải cuốc cái mảnh đất sau vườn, nhặt sỏi đá, gai góc, bón phân tưới tẩm, ghim vào đó mầm khoai, ngăn ngừa thú tới ăn, chăm sóc một thời gian thật dài. Cây khoai mọc lên mới cho cái củ. Rồi con phải nhổ khoai, rửa thật là sạch, rửa thật sạch thưa Ngài, rồi con mới luộc lên, con ăn vào trong lòng. Nay củ khoai mà bao nhiêu tháng qua con trồng, con chăm sóc, đã được đặt vào bên trong và được bao tử nghiền nát, biến thành máu, luân lưu khắp châu thân. Và trong cơ thể của con, từ đầu đến chân, chỗ nào bây giờ, con cũng cảm giác được củ khoai đang hiện diện ở đó. Cho nên đối với con ông phật là củ khoai. 

Hội chúng lại cười, cười thật là to. Tuy nhiên, ông phật sống đó đặt bàn tay phải lên đảnh đầu của người trồng khoai tên là Tư và nói nhỏ: 

  • Hãy theo ta, bí kíp đã thuộc về nhà ngươi. 

Hội chúng không chấp nhận chuyện đó, bởi họ không thể chấp nhận ông phật là củ khoai. Và họ cũng không thể chấp nhận một anh Tư nghèo, ngu dốt, không biết gì lại có được bí kíp thượng thừa thành Phật như vậy. Nên họ hỏi

  • Thưa ngài, xin cho chúng tôi một câu giải thích. 

Vị thầy đó mới nhẹ nhàng nói. 

  • Tất cả các người đã biết Phật là gì rồi. Trong một tháng qua, các người đã viết xuống Phật là gì trong những cuốn sách dày như vậy. Các người đầu tư thật nhiều và đã hiểu Phật là gì trong những văn tự các người diễn tả theo ý của mình. Các người đã tâm đắc,  các người đã thích thú, các người đã chấp nhận Phật là như vậy. Ông phật của ta có trao ra, bí kíp của ta có trao ra, thì các ngươi lại lần mò trở về những kiến thức, những điều các người muốn ông Phật như vậy cho nên các người hãy trở về đọc lại những cuốn sách các người đã ghi ra Phật là gì để lần mò theo đó tu. Bởi các người đã biết phật là gì rồi.  Còn anh Tư, anh Tư chỉ biết rằng, để có được củ khoai, anh Tư phải lao nhọc trong cuộc đời. Các người có biết không, để có được Phật ở trong lòng, mỗi người phải sửa soạn thật nhiều với miền đất tâm, phải nhặt sỏi đá, phải nhặt gai góc, phải tưới tẩm vào đó phân bón, để có thành quả hưởng chứng đắc pháp vị như lai. 

Mỗi người trong chúng ta, không cần biết bạn là ai, là người giàu có của cải nhiều, hay là người nghèo nàn không có áo để mặc, dù là người vọng tộc, hay là kẻ bần hàn xã hội, có kiến thức hay ngu dốt, mỗi người chúng ta khi trở về với cội nguồn của chân tâm tịch tĩnh an nhiên, tự tại, chúng ta cũng cần phải có một sự chuẩn bị. Đó là sự lượm lặt chai sạn trong tâm. Phải nhặt bỏ tất cả những ý niệm chấp trượng, theo như tư kiến riêng, buông bỏ. Và chúng ta phải gieo trồng vào đó mầm mống khai thị của Thế tôn, phải chăm sóc nó bằng cái tâm rất thiện, bằng tư tưởng rất thiện, bằng ngôn ngữ của đời sống rất thiện. Thì mầm mống khai thị của Phật mới có thể trỗ sinh hoa trái như anh Tư biết trồng khoai. Củ khoai khi moi ra từ lòng đất, chúng ta rửa nó đi bằng lòng từ bi, bằng tâm chân thật, chúng ta sẽ ăn vào trong đời sống. Và pháp của nhà Phật sẽ luôn luôn mãi trong cuộc đời. Mọi tác động, mọi niệm, mọi điều khởi lên, mọi tạo tác trong ta đều lan tỏa lòng từ bi, tình yêu thương. Pháp của nhà Phật không phải trên ngôn từ.  Pháp của nhà Phật không nằm ở trong những lời giáo huấn. Kính thưa các bạn, các bạn nghe có thể không hợp, nhưng nếu chúng ta nghe kinh, Chúng ta học bởi những bậc giáo thọ sư, đó là bước đầu học Phật, để hiểu thông những lời Phật dạy. Điều đó thật là tuyệt vời bởi đó là nền tảng cần phải có. Nên tảng đó cần phải thật vững chắc. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ tô điểm cho mình danh là Phật tử, là người học Phật bằng những ngôn ngữ, bằng những nền triết học, bằng những nền giáo học, hay những ngôn ngữ giảng huấn phù hợp với điều ta mong muốn mà không mang ra thực hành thì suốt cuộc đời chúng ta cũng chỉ sống trong ảo tưởng mà thôi. Ta không thể nếm được pháp vị của Như lai. 


Để nếm được pháp vị Như lai, Bước đầu phải nghe qua lý thuyết, phải được hướng dẫn bởi các bậc thầy, phải đọc kinh, phải tra cứu, nghiên cứu, liễu thông tất cả những điều Phật dạy. Xong rồi chúng ta mang ra thực hành. Bởi khi hiểu rõ thì sự thực hành sẽ tốt đẹp hơn. Sự thực hành đó sẽ tiến triển nhanh hơn, thành tựu tốt đẹp hơn. Xưa kia, Đức Phật cũng đã từng dạy, nếu chúng ta nhớ được hằng hà sa số kinh của Phật mà không liễu thông và thực hành thì chẳng bằng một người nhớ chỉ một câu một chữ, hiểu rõ, thực hành thông, chứng đắc được pháp của Như lai. 


Ông phật củ khoai là nói đến công hạnh tu tập pháp thực hành, để tự nhắc nhở bản thân mình và sách tấn mọi người. Sau khi đã nghe giảng và sau khi đã nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, chúng ta hãy dành thêm nhiều thời gian mang ra để áp dụng, thực hành, đó gọi là Pháp vii. Chính giây phút chúng ta áp dụng nó vào đời sống là giây phút anh Tư đã gieo mầm khoai vào lòng đất.  Chính là giây phút chúng ta đã mang lời khai thị của Phật gieo vào miền đất tâm. Nhất định không bao lâu sau, mầm sống của chúng ta, mầm sống an nhiên, mầm sống an lạc sẽ mọc lên trong cuộc đời. Chúng ta sẽ gặt hái nó, cho mình, và trao tặng tới cho những người ta yêu thương. Biết bao nhiêu những người ngoài kia còn đau khổ.  Biết bao nhiêu những người ngoài kia còn đang tìm kiếm trong sự vô minh. Và suốt cả cuộc đời họ không tìm thấy chút ánh sáng của niềm tự tại an vui trong cuộc đời. Ta có nhiều để trao tặng cho người ta yêu thương. Phải chăng là niềm hạnh phúc bất diệt. Niềm an lạc không bao giờ mất từ công hạnh tu tập. Hãy trở thành khiêm tốn như một người nhà nông là anh Tư trồng khoai để chúng ta trở về miền đất tâm mà chúng ta đã có sẵn từ muôn đời rồi. Đức Phật đã nói Phật ở trong tâm của chúng ta và mỗi chúng ta đều là những vị Phật sẽ thành trong tương lai. Chúng ta hãy về sống với mầm sống của Phật đó để là Phật. Để là Phật nói ngôn ngữ Phật. Để là phật sống như Phật. Và để là phật hành động như Phật. Đừng sống ảo bằng ngôn ngữ. Đừng vỗ tay tán tụng kinh điển một cách sáo rỗng. Cũng đừng theo những phong trào học này học kia, theo thầy này chê thầy kia. Mà hãy trở về với chính mình, sau khi nghe sự giáo giảng của những bậc thầy đáng kính phù hợp với căn duyên của chúng ta. Chúng ta nghe cho rõ, chúng ta hiểu cho thông. Chính trong giây phút này mỗi người chúng ta hãy mang những ý nghĩa được nghe, được hiểu, được thông đó từ những vị thầy, từ những vị giáo thọ sư, từ kinh điển, để áp dụng thực hành, để mang lại lợi lạc thật sự. Đó mới là điều cần thiết trong giai đoạn này.Đó là ý nghĩa ông phật củ khoai mà Bảo Thành chia sẻ ngày hôm nay. Mong rằng quý vị thật vui và sống hạnh phúc trong từng giây phút nói chung, hay sống chánh niệm trong từng bước chân an lạc, hòa mình vào với hơi thở, để chúng ta công hiến cho cuộc đời. Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni phật

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts