Search

Không có thời gian ngồi thiền

Thưa thầy, con Phật nguyện tu tập tại gia cách đây vài năm và từ đó con luyện tâm hằng ngày, điều chỉnh bản thân mình và quán chiếu các pháp trong sinh hoạt rất thường xuyên trong ngày và mỗi ngày ạ. Cuộc sống của con từ đó thay đổi trở nên tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên con không dành được thời gian để ngồi thiền. Thưa thầy, xin thầy khai thị cho con biết khi con không dành thời gian ngồi thiền thì sẽ có ảnh hưởng như thế nào ạ? Mô Phật!

Trả lời: Quan niệm từ xưa cho tới bây giờ khi nói đến chữ “thiền” là ai trong chúng ta cũng liên tưởng tới hình dáng của cái cách ngồi vững chãi, chân xếp bằng, bắt chéo lên, tay bắt ấn và cứ như vậy êm ru trong một tiếng. Nhiều người còn kéo dài đến 3 tiếng, có nhiều người còn khoe ngồi thiền đến 12 tiếng, không ăn không uống. Đó là cách thiền riêng của họ, là khái niệm, suy nghĩ chung và nó tạo thành cái mô hình thiền là phải ngồi.

Trong kinh Pháp Cú, chữ “thiền” được giải thích đơn giản nhưng mấy ai nghĩ như vậy. “Thiền” giải thích trong kinh Pháp Cú là “tâm được làm chủ”. Vậy tất cả mọi phương tiện đi, đứng, nằm, ngồi, ăn nói, làm việc… mà tâm ta được làm chủ thì đó gọi là “thiền”. Còn nếu như xếp bằng ngồi cả ngày các bạn à, mà tâm không thể làm chủ được thì đó chẳng phải là thiền. Thiền là phương tiện được ứng dụng mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh, để rèn luyện, làm chủ cái tâm của mình, làm chủ trong mọi tạo tác và suy nghĩ, phải phá vỡ quan niệm thiền là phải ngồi như cái tượng để hiểu thấu thiền là tu luyện để tâm của ta được làm chủ. Rất nhiều các phương pháp thiền cũng đi ra truyền dạy ở bên ngoài bao nhiêu ngàn năm qua, tùy theo căn cơ phù hợp của ai đó mà các pháp thiền được thay, được đổi cho phù hợp, giảm nhẹ một chút xíu, không thiên về tôn giáo hay Phật giáo, mà chỉ nghĩ tới sức khoẻ mà điều tâm điều khí. Không sao! Không nhất thiết thiền là phải trực thuộc về Phật giáo, không nhất thiết thiền là phải đi tới sự giác ngộ. Chỉ cần làm sao tu tập để làm chủ được cái tâm thì đều gọi là thiền, tuỳ theo mức độ nông và sâu mà nó sẽ ảnh hưởng tới đời sống cá nhân và của tập thể. Còn đến mức độ cao siêu đi tới thành Bồ Tát, thành Phật, thành bậc giác ngộ, từ từ nói tới.

Là Phật tử tại gia, chúng ta lấy Bát Chánh Đạo làm chuẩn mực cho đời sống, mà thực ra tất cả các pháp thiền đều dựa trên hơi thở của chánh niệm, ứng dụng Bát Chánh Đạo để rèn luyện cái tâm và để làm sao đó mỗi người chúng ta làm chủ được cái tâm, không bị tán loạn, bấn loạn, phóng tâm, phan tâm, chạy rượt đuổi theo những điều vô bổ, vô ích bởi vì đời sống con người quá ngắn ngủi, quá mỏng manh.

Bạn là người Phật tử tại gia, tu pháp thiện. Phật dạy hãy làm điều thiện, bỏ điều ác. Chắc chắn trong những năm qua, bạn đã gạn lọc để nhìn thấu những điều ác thường xảy ra, bạn thường hành động đó, bạn ngưng và bạn đã tăng trưởng những pháp thiện, làm việc thiện lành. Điều đó thật cao quý. Đó chính là “thiền” các bạn ạ, không phải ngồi là thiền mà ngồi mới phải là thiền. Bạn đã làm pháp thiện, bạn đã tu tập pháp thiện, bạn đã hướng thiện và bạn đã làm chủ những cái tạo tác ác, không để cho nó dễ dàng kiềm chế cuộc đời, nhưng biết ngừng, biết quán chiếu, biết thực hiện những pháp lành, pháp thiện là bạn thiền, bạn đã thiền. Nếu bạn nói bạn chưa hoặc chưa có thời gian ngồi để thiền, điều đó đúng, nhưng bạn đã sống với cái tâm được làm chủ thì thực ra bạn đã thiền trong từng hơi thở rồi.

Tùy vào mỗi một hoàn cảnh mà phương pháp, phương tiện thiền được ứng dụng. Nhưng thiền không có nghĩa rằng chỉ một giây, một phút, một tiếng ta ngồi, mà thiền là tâm được làm chủ trong từng giây phút của chánh niệm. Chánh niệm là từng giây phút được làm chủ, cái tâm được làm chủ, không nhất thiết bạn phải ngồi. Nhưng nếu như bạn có thời gian sắp xếp để có thể ngồi 5, 10 phút, điều đó cũng đáng được ca ngợi. Bởi mỗi khi ngồi thiền, ta chủ động ngồi thiền, theo dõi hơi thở chánh niệm trong giây phút ấy thì tâm của chúng ta có cơ hội được làm chủ nhiều hơn. Và nếu như bạn đã quen cái phương pháp chánh niệm hơi thở trong mọi tạo tác của cuộc sống hằng ngày mà tâm bạn đã được làm chủ, tránh xa các pháp ác, hành được các pháp thiện, giữ đời sống an vui, hạnh phúc, bình an như bạn nói bạn có được sự bình an, sự hạnh phúc, bạn thấy thoải mái, mạnh khỏe, đó là công hiệu của thiền quán chánh niệm trong đời sống rồi. Bạn cứ tiếp tục làm như vậy, nhưng nếu có thời gian ngồi thì ngồi thêm, nhưng nếu không thể ngồi vì một hoàn cảnh nào đó, không sao, cứ giữ cái phương pháp tu tập, miễn là tâm bạn đã được làm chủ tránh xa pháp ác, siêng làm pháp thiện thì điều đó rất được tán thán. Bảo Thành tán thán cái công hạnh tu tập của bạn. Chúc bạn tiếp tục như vậy, và nếu tìm được thời gian như Bảo Thành nói, ngồi thêm chút phút sẽ giúp cho mình thăng tiến nhiều hơn, nhưng không nhất thiết phải gọi là ngồi mới mang ý nghĩa là thiền. Mô Phật!

Tham vấn Phật Pháp 17, https://youtu.be/oey87vr9NzM

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn