Search

Chuyện Vui Kể Nhiều Hết Vui

Với cuộc sống hiện đại ngày nay, không phải chỉ có ở một nơi, hoặc ở một quốc gia nào, mà hầu hết trên toàn thế giới, sự phát triển của con người quá nhanh. Phát triển về khoa học, về kỹ thuật, về điện toán học, phát triển nhanh lắm. Và những nền khoa học phát triển nhanh như vậy đã giúp cho con người càng ngày càng tinh gọn cuộc sống, về phương tiện sử dụng. Ví dụ như cái cửa có thể trở thành tự động. Cái phone cũng có cảm ứng, để rồi sờ tay lướt thôi là cũng tự động, mình nói nó có thể trả lời cho mình. Ngay cả cái nồi nấu cơm, ngày hôm nay chúng ta không còn vất vả như cha mẹ cổ xưa. Đun một nồi cơm phải đo nước cho đúng, rồi củi than canh từng giờ. Nồi cơm ngày nay ta cắm vào, ta để đó, tới giờ chín, nó tự động tắt, không sợ cháy nhà cháy cửa, không còn bụi bặm, đen, mà làm cho người ta cực khổ, cứ phải chuyên chú vào đó, không làm được cái gì khác.

Kỹ thuật phát triển nhanh như vậy, làm cho đời sống của con người, về ứng dụng khoa học từ môi trường sống, đi tới sự nhẹ nhàng, thật nhẹ. Tuy nhiên, nó làm căng thêm tinh thần của đời sống. Phương tiện thì tốt, tinh xảo thật, nhưng con người phải chạy cuống cuồng trong vòng xoay, để kiếm tiền, để sống, và để có được những phương tiện như vậy. Ngày xưa ông bà mình có thể nấu một nồi cơm bằng củi, lá cây, than. Ngồi ở đó, vậy mà vẫn còn thời gian hò ơi tiếng hát ru con ngủ. Và vẫn còn thời gian à ơi à ơi mớm cho con ăn. Vậy mà vẫn còn thời gian à ơi à ơi dạy cho con lớn từng ngày. Cái nồi cơm đất, nấu bằng củi than đã thay thế bằng nồi cơm điện tinh chế tuyệt vời. Nhưng lại thiếu đi tiếng à ơi, thiếu đi hình dáng của con cái ngồi cạnh mẹ, thổi lửa cho mẹ. Nhưng lại thiếu đi tiếng cơm mẹ mớm, tiếng hò mẹ ru, tiếng hát mẹ ca, tiếng ca dao mẹ dạy.  Thiếu đi con cái quây quần. Đi làm tám tiếng một ngày, sáu ngày một tuần, thậm chí còn có bạn làm bảy ngày một tuần, ngược xuôi, xuôi ngược. Cuối đời có thể ngồi đếm tiền nhiều đó, nhưng mà thời gian để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình không còn nữa. Nhưng nếu chết, tiền nhiều có mang theo được đâu. Ngược lại nữa, nó còn có một nhược điểm là tích lũy lâu ngày trong sự dồn nén. Phải lao đầu vào làm việc làm cho căng thẳng đầu óc. Và khi đó chúng ta bị trầm cảm, bị ưu phiền, bị não phiền, bị buồn, buồn một cách mà không thể giải thích được, buồn ngu ngơ, buồn vu vơ, buồn một cách đến ngớ ngẩn. Thay vì có con, có chồng, có vợ, ngồi ăn, cũng cứ buồn.  Riết nó thành trầm cảm. Sự chạy đua theo thời gian ngày nay như biết bao nhiêu con người có nhà, có cửa, có xe hơi – hồi xưa đi xe đạp thôi, bây giờ đi xe hơi, có tiền, trang trí nội thất, ghế tốt, đầy đủ hết.  Rồi trang điểm về hình tướng của con người, ăn mặc, tất cả các thứ, gì cũng phải đắt tiền, nhiều tiền. Nhưng ngược lại chúng ta đã đánh đổi sự an lạc để có được những thứ đó. Vật chất tăng trưởng, sự an lạc suy giảm.

Có một câu chuyện kể rằng, ở trong thôn làng kia trồng lúa nghề nông. Nhưng hay bị thay đổi mùa màng bất chợt, và rồi mưa nắng cũng từng năm từng năm không ổn định. Mùa mưa mà có nước họ trồng nhiều, không có nước họ buồn và họ thường hay rơi vào khoảng trống sự than buồn. Ở trong một cái góc ruộng xa có một nhà thông thái chẳng biết ở đâu đến đó, ở đó không biết lâu chưa, nhưng những đứa nhỏ sinh ra đã thấy ông ấy rồi, và lớn lên cũng thấy ông thông thái đó ở đó. Và khi những con người trong buôn làng ấy đau khổ, đau khổ lắm, bởi vì năm đó mùa màng thất thu, vừa đủ để ăn, không có để bán kiếm tiền dư ra được.

Và thế hệ trẻ lớn lên, nghề nông không còn là điều gì thích thú đối với họ. Họ bị trầm cảm. Bởi ở xa thành phố thì không có tiền, mà lên thành phố làm việc thì lại không quen, chưa có học nghề, buồn lắm. Và cái buồn cứ từ năm nay chồng chất qua năm kia. Cộng thêm biết bao nhiêu buồn của những người xung quanh, buồn về tình yêu li dị bỏ chồng, buồn về kinh tế, buồn về tiền bạc thiếu thốn, buồn về con cái không nghe lời, buồn về những cái gọi là mất mát, những chuyện sai trái trong cuộc đời, đau khổ dằn vặt, năm này năm kia, tháng này tháng nọ, ngày qua chồng chất, họ đau họ khổ.

Và rồi không hiểu sao, có một ngày như ngày hội của những người buồn. Họ tụ tập lại với nhau, đông lắm, số đông đó tới với nhà thông thái. Bởi vì nhà thông thái này thường hay dạy cho người ta cách để gỡ mắc những cái vấn nạn trong cuộc đời. Khi tới với nhà thông thái, nhà thông thái ngạc nhiên, từ xưa đến giờ chưa có một tập thể lớn mà vào hỏi ta giải quyết một vấn đề. Nay có một nhóm lớn như vậy chắc là chuyện lớn.  Mà quả thật, chuyện quá lớn, họ họp lại, họ thỉnh nhà thông thái ngồi xuống, rồi hỏi nhà thông thái cách giải quyết những vấn nạn đau khổ cuộc đời của họ. Mà ai cũng có nhiều chuyện đau khổ. Nhà thông thái nhìn thấy số người thì đông, mà một người thì có hàng trăm chuyện đau khổ, nếu giải quyết từng người chắc có lẽ hết cả đời, tái sanh trở lại nhiều lần cũng không thể hết gải quyết hết được.

Nhâm nhi tách trà của hội chúng, hội chúng của câu lạc bộ buồn. Ông ta uống xong một ngụm. Ông ta kể cho tất cả mọi người, vì thấy buồn quá, nên kể một câu chuyện thật là vui. Ông ta kể một câu chuyện đùa thật vui. và câu chuyện đùa đó kể tới đâu thì mọi người hớn hở vui lắm. Ai cũng cười vui thật là vui và vỗ tay khen nhẹ nhàng thư thái. Khi ông ta kể xong, mọi người nói đúng là nhà thông thái. Chỉ có câu chuyện thôi, chưa vô vấn đề, mà mình đã vui như vậy rồi. Ai cũng vui, cũng cười, thấy thoải mái, những nỗi buồn tan biến.

Xong người ta lại đợi xem nhà thông thái nói gì về những vấn nạn cuộc đời, để họ có thể thay đổi. Nhưng nhà thông thái kể câu chuyện cười đó một lần nữa. Họ nghe xong họ chỉ nhếch mép. Kể xong rồi, nhà thông thái lại uống một tách trà nữa, rồi lại tiếp tục kể câu chuyện đó lần thứ ba.  Lần thứ ba nghe câu chuyện cười đó, không còn ai vỗ tay khen cười nữa, ngồi im.  Nhà thông thái kể xong, lại uống tách trà thứ tư, kể lần thứ tư.

Lần này kể thì họ buồn rười rượi. Họ bảo tại sao một câu chuyện, họ không chịu được nữa, họ nói tại sao, tại sao? Ông là một nhà thông thái. Chúng tôi tới đây để ông giải quyết vấn đề cho chúng tôi, mọi vấn nạn đau khổ. Mà ông kể một câu chuyện cười đến bốn lần rồi, chúng tôi chịu không được nữa. Không lẽ ông lẩm cẩm như vậy hay sao. Mang tiếng là một nhà thông thái mà lẩm cẩm, có câu chuyện cười kể đi kể lại cười hết nổi rồi. Không phải một người nói, cả một nhóm nói nhốn nháo lên. Rồi họ bực tức, đập vô ngực, đập vô đầu, họ than. Đã lầm rồi, tưởng nhà thông thái giỏi giang gì, hóa ra cũng lẩm cẩm, một câu chuyện cười, kể đến bốn lần, cười không được nữa, khóc đây nè, buồn quá. Lúc đó nhà thông thái đặt tách trà xuống, ngẩng mặt lên trời cười kha kha kha kha. Mọi người ngỡ ngàng chẳng hiểu gì, im bặt. 

Nhà thông thái vẫn từ tốn nói. Các bạn, các bạn tới đây bởi vì tất cả những nỗi buồn. Và nỗi buồn đó đã xảy ra, nhưng các bạn cứ nhai đi nhai lại, nghĩ đi nghĩ lại, cứ nhìn đi nhìn lại, cứ nói đi nói lại, rồi để vì đó, cứ buồn, buồn, buồn đi buồn lại, lặp đi lặp lại, xoay tròn xoay tròn, xoay tới xoay lui như cái bông vụ, quay ở đó cho đến khi chóng mặt hết đà, té sụp xuống.  Một câu chuyện vui, chứ không phải là chuyện buồn, phải không các bạn? thế mà tôi kể lần thứ nhất thì các bạn vui. Lần thứ hai, các bạn cũng có cười. Lần thứ ba các bạn im. Lần thứ tư, các bạn đã bực bội, khó chịu đã buồn rồi. Đó là chuyện vui, chứ không phải chuyện buồn, chuyện vui mà bốn lần nghe lại, nghĩ lại, nhìn lại, là đã buồn. Huống hồ một cái chuyện đau khổ, một cái chuyện tang thương, một chuyện không tốt, các bạn cứ nhai đi nhai lại, cho đến rụng hết cả răng. Nhai đi nhai lại cho tới khi mỏi quai hàm rồi, nhìn đi nhìn lại cho tới mắt mờ và xoay vòng vòng để nhìn đến khi chân run, lập đi lập lại đến khi tiếng cũng khản. Vậy mà các bạn cứ làm hoài không thấy chán, không thấy chán sao? lập đi lập lại hoài chuyện buồn không chán sao? Cả câu lạc bộ của những người phiền não buồn chán kia, lúc đó mới ngộ ra chân lý.

Chuyện vui nghe nhiều lần cũng buồn. Chuyện buồn cứ nhai đi nhai lại nhiều sẽ buồn hơn cho nên họ hình như tâm đắc gật đầu. Và nhà thông thái nói thật nhỏ: một câu chuyện vui nghe bốn cũng buồn, một chuyện buồn mà biết bỏ đi ngay lần đầu thì cái vui sẽ tới với chúng ta. Họ đã ngộ. Chuyện vui lập lại nhiều cũng buồn, chuyện buồn chớ có lập lại, chẳng có hay ho gì, cho nên chuyện buồn mà biết Buông thì sẽ vui. Chuyện vui mà biết ngừng đúng mức, nó sẽ vui, còn lập đi lập lại cũng sẽ buồn.

Chỉ một câu rất đơn giản như vậy họ đã liễu ngộ. Họ cảm ơn nhà thông thái đã dùng một thuật ngữ tuyệt vời, rất bình dị cho những người nông dân để hiểu. Mùa tới thì cấy, có mưa thì tưới, không có thì ngồi ăn những đồ dự trữ của năm ngoái. Cho nên trong cuộc đời, khi gieo một vụ mùa, chúng ta phải tính đến những mùa sau có hợp thời hay không hợp. Nếu không ta phải tích trữ.

Vậy nên con người, để có niềm vui, ta phải tích trữ kho phước báu của chúng ta bằng pháp thiện, bằng niềm vui tịch tĩnh san sẻ với mọi người, để tích trữ niềm vui, phước thiện, phước báu đó vào cuộc đời. Để khi mà nắng hạn, nỗi buồn nó tới, bất chợt xảy ra ngoài ý của mình, thì ít nhất năng lượng phước báu được tích lũy hằng ngày đó vẫn còn tồn tại trong ta và giúp chúng ta vượt qua hạn buồn đó. Nhưng nhớ rằng niềm vui nào rồi cũng qua. Phước báu sẽ tồn tại mãi. Pháp Thiện chúng ta tu trong chánh niệm của cuộc đời luôn luôn còn lại với chúng ta.

Cho nên khi những cái buồn tới, nhớ, có nhai thì cũng chỉ nhai một lần, có nuốt cho nó đắng, nó cay vào người, thì cũng nên nuốt một lần, cay một lần, đắng một lần, sầu một lần để rồi từ đó vượt ra, chứ đừng ôm ấp trong lòng, rên xiết mãi. Càng rên, càng xiết, càng ôm, cáng ấp thì càng đau khổ. Phải biết buông bỏ tất cả những nỗi buồn đã gặp phải. Và hãy tinh tấn trong đời sống chánh niệm. Sống ngay trong hiện tại bây giờ để được vui. Nhà thông thái đúng là một nhà thông thái. Chắc chắn các bạn nghe câu chuyện này sẽ hiểu được thêm một chút ứng dụng Phật pháp vào trong cuộc đời. Buông những điều cần buông.  Ngay cả cái vui tới, rồi cũng phải buông, bởi vì cái vui lập đi lập lại nó cũng nhàm chán mà thôi. Huống hồ chi là những điều thất bại trong cuộc đời, nếu nó đã tới, xin bạn hãy buông. Sống ngay trong hiện tại với hơi thở chánh niệm để được an yên trong cuộc đời. Cảm ơn các bạn đã nghe. 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts