Search

Chuyện 7 Cái Bánh

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Bảo Thành kính chào các bạn

Các bạn thân mến, các bạn có khỏe không? Chắc chắn các bạn vẫn có được niềm vui và hạnh phúc trong ngày. Cầu chúc cho các bạn luôn khỏe và an vui.

Hôm nay, chúng ta có đầy đủ phước báu lại gặp nhau trên kênh Youtube này, trao đổi về những ý tưởng mới sống ở đời, song hành giữa cuộc đời và đạo, ta thấy được đạo pháp của Đức Phật dạy trong cuộc đời của chúng ta. Nó không có lìa xa, nó nằm ở ngay trong cuộc đời. Bảo Thành đi vào một câu chuyện kể rằng:

Có một anh chàng đốn củi ở trong rừng. Anh ta ngày ngày, sáng sớm lên trên rừng đốn củi mang ra chợ bán để nuôi gia đình. Công việc của anh ta làm đã nhiều ngày, và cũng nhiều năm, quen rồi. Nên mỗi khi thức dậy, anh biết phải làm gì và cần làm gì. Xong phần việc đó là anh ta đã xong một ngày.

Một hôm, anh ta trượt chân, bị té đau lắm. Rồi về tới làng, dân làng thấy vậy hỏi anh ta làm sao mà té? Anh ta chỉ biết nói một câu đơn giản: ngày đó xui, ngày đó không hợp, chứ tôi đâu có té… ngày xui nên thường ai tới đó cũng bị té, chứ đâu mỗi tôi bị té”. Anh ta nói như vậy thì chuyện cũng đặng, bởi trên đời này, những chuyện như thế vẫn xảy ra.

Rồi một hôm, anh ta đốn củi ở trên rừng, mệt mỏi quá, đói bụng quá, anh ta bán củi. Anh ta bán hết rồi, anh ta mang tiền vô một nhà hàng nhỏ để ăn. Anh ta mua 7 cái bánh. Khi nhân viên trong nhà hàng mang 7 cái bánh ra, anh ta bắt đầu ăn từng cái một. Ngon quá bởi quá đói bụng, nhưng ăn tới cái thứ sáu rồi, anh ta chỉ còn có một cái bánh, anh ta tiếp tục ăn, và khi anh ta ăn nửa cái bánh thứ 7, thì anh ta thấy no bụng quá. Anh ta mới ngồi suy nghĩ, chỉ có nửa cái bánh thứ 7 này đã no bụng, thì tại sao lại tốn tiền mua đến 6 cái bánh trước để ăn? Có lẽ ta tính hơi sai, tốt nhất là ta chỉ cần mua nửa cái bánh thứ 7 ta ăn là no rồi, chứ cớ chi đâu tốn tiền mua 6 cái kia ăn làm chi. Sáu cái đó đâu có no, chỉ có nửa cái bánh thứ 7 này là đủ no rồi. Anh ta suy nghĩ như vậy, anh ta cảm thấy tiếc tiền.

Rồi anh ta về, anh ta muốn mang điều đó để dạy cho mọi người ở trong thôn biết rằng, cuộc sống là không cần mua nhiều, chỉ cần mua nửa cái bánh cuối cùng, nửa cái bánh thứ bảy là các bạn no. Cho nên lần sau, nếu như trong thôn làng, ai đó đi ăn, đói ăn, đừng mua nhiều, chỉ cần mua nửa cái thứ bảy ăn là no, như tôi này ăn nửa cái thứ bảy là no rồi. Cho nên bây giờ cảm thấy hối tiếc, là mua sáu cái bánh trước tốn tiền. Quan niệm của anh ta sống như vậy. Và đó gọi là chân lý của anh ta. Anh ta kể cho thôn làng và hướng dẫn cho thôn làng làm như vậy. Chòm xóm nghe thấy thì cười ở trong bụng. Bởi sao trên đời này lại có một con người có tánh tình ngây thơ, chất phác khờ khờ như vậy, họ cười anh ta.

Các bạn thân mến, câu chuyện đó hay đó nha. Bình thường ta nghĩ không thấy gì, ta nghĩ nó quá đơn giản nhưng nó hay. Nó thâm thúy ở chỗ, ở trên đời này, khi ta thành công được một điều gì, ta thường nghĩ điều gì đó mang lại sự thành công. Nhưng anh này ăn no bụng, nửa cái bánh thứ 7 no bụng, thì trong lòng nghĩ chỉ cần nửa cái bánh đó thôi là đủ no, không cần 6 cái kia. Ta cũng như vậy, khi ta thành công, hành động cuối cùng đưa tới thành công đó, ta tưởng rằng chỉ hành động đó là mang tới sự thành công. Chứ ta không bao giờ nghĩ rằng sự thành công trong cuộc đời của chúng ta đều là do tích lũy những kiến thức ngay từ thuở mới sinh mà mẹ mớm cho chúng ta, dạy dỗ cho chúng ta. Những kiến thức căn bản làm người, để đi vào vào cuộc đời được người mẹ truyền dạy khi bồng bế tên tay. Rồi đến những kiến thức tích lũy được trên nhà trường, trong cuộc sống giữa cha mẹ, nhà trường, gia đình, môi trường. Rồi sau khi lớn lên, tích lũy ở trong xã hội. Gia đình vẫn là cái gốc, căn bản trong nhà trường và ở trong xã hội. Cả ba lọai kiến thức phối hợp nhịp nhàng cho tới khi chúng ta có được sự thành công. Đó là sự thành công đưa chúng ta lớn lên, trưởng thành. Còn thành công ở trong cuộc đời của chúng ta, hầu hết phải là môt kiến thức được đóng góp, tích lũy từ nhiều người, từ nhiều hoàn cảnh. Không phải chỉ có điều đó. Nhất là khi chúng ta mong muốn thành đạt một điều gì, chúng ta phải gắng tu bắt đầu từ số 1 đi tới… Bởi vì sự thành tựu căn bản từ lúc đầu, sẽ là mấu chốt đưa đến sự thành công của phút cuối. Anh càng kia cứ nghĩ rằng, chỉ cần nửa cái bánh thứ 7 là no, cho nên không cần phải mua 6 cái bánh kia, cảm thấy uổng.

Chúng ta cũng vậy, đôi khi chúng ta thành công rồi, thì nghĩ rằng tất cả những mối quan hệ và kiến thức trước hình như quá uổng. Chúng ta cảm thấy uổng bởi vì đã sử dụng quá nhiều thời gian để có được những kiến thức, mà đây mới là kiến thức đưa đến sự thành công. Cho nên ở trong đời, có những lúc ta ngồi ta nuối tiếc, nuối tiếc là bởi vì sao ta gặp chuyện này quá trễ. Các bạn nhớ rằng, nếu không có chuyện kia, không gặp được chuyện kia, thì chẳng gặp được chuyện này. Cũng như trong mối quan hệ của cuộc sống, đôi khi ta gặp thấy người này rồi, ta mới thấy hối tiếc là tại sao ta gặp người này quá trễ. Mà các bạn nhớ, để gặp người này đôi khi ta phải qua người kia ta mới gặp được người này hoặc là khi gặp được hoàn cảnh tốt này thì phải qua hoàn cảnh kia rồi mới dẫn tới hoàn cảnh này để chúng ta mới biết tốt. Cuộc sống, tất cả mọi chặng đường ta đi qua, mọi kinh nghiệm ta trải qua, mọi kiến thức ta học được đều được sàng lọc, cô đọng lại và đều là những bài học giúp cho chúng ta thành tựu được trong cuộc sống. Nếu không có 6 miếng bánh đầu tiên để ăn vô, thì nửa miếng bánh thứ 7 không bao giờ đủ no. Nhưng vì đã ăn 6 miếng bánh kia rồi, trong bụng đã gần no rồi, cho nên nửa miếng bánh thứ 7 làm cho anh chàng đốn củi này no. Nhưng anh ta lại nghĩ rằng chính nửa miếng bánh đó làm cho anh ta no chứ còn 6 miếng bánh kia không có phải làm cho anh ta no.

Suy nghĩ ngược ngạo như vậy trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đã làm tổn phước báu. Ví dụ: một sự thành công ở trong đời của một người chồng, đều phải nhờ ở đằng sau đó là một người vợ tốt, một người vợ thương yêu chăm sóc gia đình cho mình mới đưa đến sự thành công đó. Nhưng khi một người đàn ông thành công, lại cứ nghĩ rằng đó là tài năng riêng của mình, không nghĩ rằng có sự đóng góp thật là lớn và tích cực của vợ. Điều đó hoàn toàn sai, nghĩ như vậy tổn phước báu. Ngược lại, nếu như có một người vợ giỏi giang trong cuộc đời, khi chúng ta thành công, cũng có thể nghĩ ngược lại rằng sự thành công đó của riêng ta, chứ không có sự đóng góp của chồng. Đã là vợ chồng trong gia đình, mọi sự thành công của vợ hay của chồng đều có sự san sẻ đóng góp chung với nhau. Và đặc biết nhất, chúng ta sống đưa đến sự thành công đều có sự đóng góp to lớn từ cha mẹ. Bất cứ sự thành công nào ở trong đời chúng ta đều có dấu ấn, đều ghi dấu ấn của mẹ và cha. Do vậy, khi chúng ta thành công ở trên đời, nhớ rằng cha mẹ vẫn là nền tảng vững chắc đặt gót chân của trẻ thơ bước vào tương lai, đưa đến sự thành công ngày hôm nay. Và nếu như các bạn đã có gia đình, các bạn cũng nên nhớ rằng một phần nửa kia cuộc đời các bạn thực sự là nền móng, cũng vững chắc không kém, để cho bạn tiến thân vào trong đời, dẫn đến sự thành công ngày hôm nay. Sự thành công nào trong cuộc sống cũng có sự liên hệ mật thiết mọi mặt giữa mối thương quan của gia đình, của vợ chống, của cha mẹ, của xã hội nhân quần, không phải của riêng ta. Sự no của anh chàng đốn củi là một mối liên quan giữa 6 miếng bánh đầu tiên ăn vào, rồi kết hợp với nửa miếng bánh cuối cùng ăn vào mới đủ no. Chúng ta đủ để thành công là bởi vì đúc kết biết bao nhiêu kiến thức, tình yêu thương và sự quan tâm của biết bao nhiêu người cho tới giây phút đó chúng ta có đủ. Cái té ở trên rừng, sơ ý té thì đổ thừa cho là ngày xui, cái no ở tiệm bánh thì không quán chiếu rõ, cứ tưởng rằng nửa cái bánh thứ 7 mang tới sự no. Cuộc đời của chúng ta cũng vậy, chúng ta hay mượn hoàn cảnh, hay chúng ta quá ngộ nghĩnh, quá ngây ngô để rồi không nhận thức ra sự việc gì thực sự đang xảy ra trong cuộc đời. Hãy có một sự nhận biết và nhận thức sắc bén để chúng ta sống bình an và sống biết nhớ tới công đức công ơn, nhớ tới sự tương quan hỗ trợ của gia đình, xã hội và những người gần gũi với chúng ta. Bất cứ một con người nào khi thành công, cũng đều nhờ vào những mối quan hệ tương quan, giúp đỡ, trợ lực cho nhau từ thuở đầu cho đến phút cuối. Cái no bụng của nửa miếng bánh thứ bảy là do sự trợ lực, hỗ trợ của 6 miếng bánh đầu tiên ăn vô, làm cho bao tử đã đầy, đã no, cho nên nửa miếng bánh cuối cùng nó gây nên cái no đầy đủ và hoàn hảo. Chúng ta cũng vậy, đôi khi chỉ cần một giây đến thành công, nhưng để có một giây trong sự thành công đó, chúng ta phải có một sự chuẩn bị liên hoàn từ bao nhiêu lần, bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng mới có được sự thành công như vậy.

Ý nghĩa của câu chuyện hôm nay là mỗi người chúng ta hãy cố gắng nhớ và tưởng niệm đến công ơn của nhiều người hỗ trợ cho ta trong cuộc sống, trên con đường đi, trong mọi lãnh vực của cuộc đời. Chúng ta nhớ rằng, chỉ có sự hỗ trợ, mối tương quan được tôn trọng đó mới giúp cho tâm của chúng ta hiểu đúng, nhìn rõ và hạnh phúc an vui. Còn không, nếu chúng ta không có một sự quán chiếu rõ ràng như vậy, chúng ta cứ lầm tưởng như anh đi đốn củi kia thôi, nửa miếng bánh thứ 7 no, không cần 6 miếng bánh kia, uổng quá, và rồi tin tưởng vào cách sống như vậy, lại muốn truyền bá như vậy. Cho nên nếu những ai không có sự hiểu biết, dễ bị học lầm, hiểu lầm, uổng cả cuộc đời. Chúng ta phải nên nhớ, nhờ 6 miếng trước, mà nửa miếng bánh cuối cùng vừa đủ no. Nhờ biết bao công đức và công sức, tình yêu thương của gia đình từ ông bà, cha mẹ, cho đến vợ chồng con cái, nhân quần xã hội mới đưa chúng ta tới đỉnh cao của sự thành công ngày hôm nay. Vậy khi chúng ta thành công, chúng ta không thể nói được rằng chính ta mang đến sự thành công, mà phải suy nghĩ để có sự tương đồng trong tình cảm, có sự tri ân và nhớ rằng ta thành công là nhờ từ ông bà cha mẹ, từ vợ chồng con cái, xã hội đã ban tặng cho ta những kiến thức như vậy, để hôm nay với kiến thứ đó, cùng với sự vận dụng kiến thức, chúng ta đã thành công trong cuộc đời.

Cám ơn các bạn thật nhiều đã nghe bài chia sẻ này.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts