Search

Buông Bỏ Vô Thường

Là con người, chúng ta thường có thói quen vơ vét, nắm giữ, chẳng khi nào muốn từ khướt và buông bỏ. Bởi vì sao, trong sự tồn tại, con người chúng ta thường hay thiếu thốn. Do đó, gặp cái gì cũng phải nắm giữ cho chặt, thấy cái gì cũng vơ vét vào bên trong, càng nhiều càng thích, để rồi khi nói buông đi, bỏ đi, chúng ta khó thể làm được.

Một vị thầy khả kính có một cậu học trò nghe thầy giảng về hạnh buông bỏ, trong lòng sanh nghi nên hỏi thầy của mình.

  • Thưa thầy, thầy dạy chúng con cái hạnh buông bỏ hết, như vậy đúng hay không?

Vị thầy khả kính nói

  • Đúng rồi con ạ.

Cậu học trò nói

  • Có một kẻ ăn xin xin được tiền nhiều. Bây giờ con nói hãy buông bỏ tiền đi, đưa cho tôi, thì người đó có buông bỏ được không?

Vị thầy cười thật là nhẹ như hiểu rõ được tâm ý của đệ tử mình. Và hiểu rõ được sự băn khoăn chân thật của cậu học trò còn quá nhỏ. Nên vị thầy khả kính đó bắt đầu diễn giải, giải thích cho học trò của mình có thể liễu thông được chuyện này mà hành hạnh buông bỏ. Vị thầy mới nói với đệ tử rằng:

  • Con à, con thấy người ăn mày đó đã có tiền ở trên tay sau một cuộc hành trình dài đi xin, cũng mệt lắm con ơi, họ mới xin được số tiền như vậy. Nay con nói họ buông bỏ, thì như con thấy đó, họ sẽ không bao giờ buông bỏ vào tay con số tiền mà họ đã bỏ sức đi đầu trần chân đất từ đầu làng đến cuối làng, quần quật cả một ngày mưa nắng như vậy để có được, chắc họ không thể buông bỏ. Vậy thì bây giờ, con hãy lấy một cục đá, đi ra nói với người ăn mày đó rằng con muốn đổi cục đá này để lấy số tiền đó thì người ăn mày kia sẽ phản ứng ra sao.

Người học trò dõng dạc nói với thầy rằng.

  • Thưa thầy không thể, không thể. Tiền đó không thể đổi cục đá đâu. Nếu con mang ra đổi như vậy người ta sẽ cười con. Và không đúng, giá trị của cục đá không thể bằng giá trị của đồng tiền họ xin.

Vị thầy lại nhẹ nhàng, uống một ngụm trà, nở một nụ cười dễ thương, thông cảm cho người đệ tử, bắt đầu dụ từ từ đến câu hỏi thứ hai.

  • À, nếu như bây giờ con cầm cục vàng, giá trị hơn, con ra nói người đó hãy buông bỏ tiền đi và con đặt vào tay họ cục vàng đó, thì người ăn mày kia có sẵn sàng bỏ tiền để lấy cục vàng không.

Người học trò sáng con mắt lên và nói rằng.

  • Thưa thầy giá trị cục vàng lớn hơn, giá trị nhiều hơn, dĩ nhiên người ăn xin sẵn sàng bỏ tiền đi để lấy cục vàng này.

Vị sư phụ cười nhẹ nhàng và nói với đệ tử rằng.

  • Con à, hạnh buông bỏ của nhà Phật ở ngay chỗ đó. Người ăn mày đã đi ăn xin từ đầu làng đến cuối xóm, giải dầu sương nắng cả một ngày trời đầu trần chân đất xin được một chút xíu tiền bạc cầm ở trong tay. Nay nếu nói buông để đổi lấy cục gạch thì chẳng buông, bởi vì công sức quá lớn. Để cho cái sự tồn tại đó, thì không thể buông tiền lấy gạch. Nhưng đổi một cục vàng thì nhất định người ăn mày đó sẽ đổi. Chân lý của Đức Phật nói chúng ta buông, là buông sự rác rưởi, buông sự rẻ tiền, buông những vô thường trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đã ăn xin cả cuộc đời, từ đầu đường của địa ngục, tới giữa đoạn đường của ngã quỷ và đến cuối hầm đường của súc sanh. Chúng ta cứ xin hoài, xin hoài những sự cho đi trong cõi vô thường. Nếu bảo buông họ chẳng buông. Nhưng nếu Đức Phật đặt vào tay họ một điều cao quý hơn, đó là sự giải thoát khỏi địa ngục, ngã quỷ, súc sanh. Và trao vào tay họ một hạt kim cương, như tâm kim cang sáng chói, dẫn đường cho đi, mà cả đời no ấm. Chắc chắn họ sẽ bỏ. Trong hạnh buông bỏ của Chư Phật. Không phải ta buông bỏ tất cả, mà là ta buông những rác rưởi, những phiền trượt, những vô thường, những tội lỗi, những tham sân si, những bất thiện, những sai trái, những lỗi lầm đã tạo ra trong vô minh để chúng ta lấy pháp thiện, lấy trí tuệ, đổi lấy sự an nhiên, bình an và hạnh phúc, sự tự tại và thong dong. Chứ đâu có thể buông tất cả, mà chúng ta hoán chuyển, hoán đổi vô thường sanh diệt trong đau khổ thành cái thường an lạc, thanh tịnh ở trong sự an tịnh của pháp thiện, ở trong sự thành tựu niết bàn tự thân.

Các bạn thân mến, trên con đường tu học của chúng ta, nếu nói buông thì thật khó, nhưng nếu nói buông cái này để lãnh nhận phần kia cao quý hơn, chúng ta sẵn sàng buông

Các bạn thấy gì trong nền giáo lý của Đức Phật. Các bạn thấy gì trong nền giáo dục Phật Đà của Như lai truyền lại cho chúng ta, để rồi các bạn buông bỏ những học hỏi của kiếp người trong vô thường sanh diệt đau khổ và lầm chấp. Nếu các bạn thấy rõ được một cục vàng như kẻ ăn mày kia, nhất định sẽ bỏ cái đống tiền cũ vụn vặt, tiền cắc, tiền lẻ kia đi để nhận lấy thỏi vàng. Thì y chang như vậy, những vụn vặt, tiền lẻ, tiền cắc của bất thiện tham sân, hỉ nộ ái ố, tham dục tiền tài, danh vọng địa vị, nếu những cái đó các bạn nhìn rõ được chỉ là rác rưởi trong cuộc đời, thì các bạn nhất định sẽ buông để lấy một cục vàng cao quý trong tánh kim cương, trong tâm chân thật của pháp thiện, trong sự an nhiên tịch tĩnh. Cái đó không phải là buông mà là đổi tiền lẻ thành vàng, kim cương, đổi tiền cắc thành hột xoàn, đổi rác rưởi thành những phẩm vật cao quý. Phật giáo không dạy chúng ta phải buông tất cả, mà hoán đổi tâm bất thiện thành tâm thiện. Chuyển hóa tham sân si thành ba thứ báu quý vô cùng trong đời. Đó là thân ngữ ý thanh tịnh trong pháp thiện. Chúng ta chuyển hóa, chuyển đổi. Chúng ta buông cái này để chuyển thành cái tốt hơn chứ không phải là buông bỏ tất cả theo như suy nghĩ tiêu cực của trần gian, để từ đó chúng ta cứ lý giải rằng giáo lý của Phật là một nền giáo lý tiêu cực. Buông bỏ để trở thành người ăn xin, không phải, mà chúng ta buông bỏ cái vô thường sanh diệt, buông bỏ rác rưởi của cuộc đời, để lãnh lại, để đổi lấy một sự thanh cao trong cuộc sống. Qua câu chuyện này, chúng ta ngầm hiểu rằng, mỗi một người chúng ta đều có rác rưởi mà chúng ta đã ôm, đã ấp, đã giữ, đã lắng vào để đi trong khởi sự của cuộc hành trình cuộc đời chúng ta cho tới bây giờ. Chúng ta hãy cố gắng nhìn thật rõ và áp dụng giáo lý của Phật để chúng ta có một cái nhìn thông suốt, nhận ra những sự rác rưởi này ta phải buông để đổi lấy những điều cao quý hơn trong cuộc đời. Cái cao quý mà chư phật trao cho chúng ta là tánh kim cang bất nhiễu trần, cái tánh hiền lương trong pháp thiện. Cái tánh đó mang lại cho chúng ta một đời sống bình an.

Các bạn, còn không, suốt cuộc đời của chúng ta cũng chỉ là người ăn xin, đầu đường xó chợ. Cuối cùng, vào cuối ngày đó, ta cũng chỉ thu được một số rác rưởi, tiền cắc, tiền lẻ. Sao không lấy số tiền đó đổi lấy một thỏi vàng. Sao không buông bỏ số tiền đó để lấy tâm cao quý hơn. Sao không buông bỏ cách sống vô thường trong cuộc đời. Sao không buông bỏ vô thường để có được những cái thường hằng không bao giờ mất. Chúng ta buông là để có được những thứ cao quý. Chúng ta bỏ là để đón nhận những cái cao quý.

Các bạn thân mến, cuộc đời chúng ta nhìn thấu được điều đó sẽ hạnh phúc. Và chúng ta sẵn sàng buông bỏ tất cả để lãnh nhận lấy một đời sống hạnh phúc bình an, và đầy đủ phước báu, để có được những phương tiện sống hạnh phúc an vui cho đời của chúng ta.

Khi vị thầy khả kính diễn giải tới đó thì người học trò đã ngộ ra, đã hiểu thấu được ý nghĩa buông bỏ của nhà Phật. Buông bỏ những rác rưởi vô thường tội lỗi lầm chấp tham sân si bất thiện, để lấy cái thiện hảo, cái thiện tâm, cái thanh cao, cái cao quý ở trong cuộc sống thực sự. Mỗi một người chúng ta chỉ là người ăn xin trong cuộc đời, vơ vét cho lắm cảnh vô thường. Chết rồi cũng về với tay không, nằm dưới mồ sâu, than khóc có được gì. Hãy sớm sớm nhận ra và nhận rõ để chúng ta biết buông những điều đó và lãnh nhận phẩm giá cao quý hơn mà bậc thầy Bổn Sư đã khai thị cho chúng ta. Đó là viên kim cương cao quý của tánh Phật. Là viên kim cương cao quý do chính những tánh thiện, pháp thiện ta thực hành hằng ngày. Hãy sống với một đời sống chánh niệm, để chúng ta nhìn rõ tất cả rác rưởi trong cuộc đời mà trên hành trình ăn xin, chúng ta đã có được, để buông xuống mà lãnh nhận những cái cao quý hơn. Nếu các bạn có được sự sáng suốt nhìn nhận, bảo đảm cuộc đời của các bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc. Và nhất định gia đình của các bạn sẽ tràn đầy hơi ấm của tình thương. Ai ai cũng thương mến nhau, vợ chồng con cái sum vầy, và đầy đủ năng lượng của sự sống, tràn ngập tình yêu thương, thông cảm, che chở và đùm bọc trên con đường của cuộc sống nhiều chông gai và thử thách. Mỗi ngày trôi qua các bạn sẽ buông đi thật nhiều những vô thường rác rưởi để các bạn có được những cái tuyệt hảo mà đức Phật đã trao cho chúng ta. Cuộc đời buông để có chứ không phải buông để mất tất cả. Buông để nắm được chứ không phải buông để không còn gì. Buông để bắt đầu bước lên có tất cả. Chứ không phải buông để rồi trở thành tay không như kẻ ăn xin đầu đường xó chợ, rác rưởi trong đời vơ vét mãi vào thân.

Các bạn. Nhớ được điều này các bạn cố gắng thực tập để chúng ta sống an vui. Cảm ơn các bạn thật là nhiều đã nghe Bảo Thành chia sẻ

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts