Search

Bài 2111. Hiến Dâng Là Đón Nhận | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy đồng quy hướng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con quán chiếu vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, nhất là trong đại dịch hiện tại nơi quê hương Việt Nam chúng con.

Và chúng con cũng thành kính nguyện xin Chư Phật từ bi nhân ngày rằm tháng 07 Vu Lan, phóng hào quang trí tuệ – từ bi tiếp dẫn chư hương linh vì đại dịch đã quá vãng.

Nguyện cho thế giới được bình an, chấm dứt chiến tranh.

Xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Lấy trí tuệ và từ bi làm hành trang trên con đường vượt khỏi vũng sình lầy của đau khổ để cập bến giác ngộ. Hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi thắp sáng, nuôi dưỡng và lan tỏa yêu thương.

Khi hít vào, thở ra trong Chánh Niệm, ta quán chiếu toàn thân tâm, đồng trì mật chú. Mật chú từ bi đó gọi là thiền từ bi Mu A Mu Sa, mật chú trí tuệ đó gọi là thiền trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta hãy cùng nhau đón nhận năng lượng của Chư Phật.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Đang mùa trăng rằm tháng 07, mùa Vu Lan, Đức Thế Tôn ngàn năm xưa đã gom toàn bộ những lời dặn của cuộc đời vào trong lễ Vu Lan nhắc nhở cho mỗi người chúng ta luôn luôn phải biết báo hiếu với cha mẹ, tứ thân phụ mẫu, những đấng đã sinh thành nên chúng ta trong vô lượng kiếp qua. Vu Lan báo hiếu, nhìn thấu vào để hiểu rằng, Đức Phật đã mở cửa Niết Bàn cho chúng ta bước vào bằng chìa khóa của lòng từ bi, hiếu đạo. Còn nếu không thực hiện những điều này thì chẳng khác gì như người không có chìa khóa để mở cửa, chẳng khác gì như người mù mò mẫm trong tăm tối.

Chủ đề “Hiến Dâng Là Đón Nhận”, câu hỏi rằng có phải chăng người mẹ thương yêu của chúng ta, người cha kính trọng nhất cuộc đời của chúng ta đã hiến dâng mạng sống của mình, hiến dâng trí tuệ, hiến dâng giọt máu tinh túy nhất, hiến dâng cả cuộc đời cho chúng ta là để đón nhận cái gì nơi chúng ta đây? Câu hỏi đó phải suy nghĩ, bởi vì chúng ta phận làm con thường hay trách móc cha mẹ mà nào có nhận ra được lời dạy của Đức Phật trong Vu Lan rằng sự hiến dâng của cha mẹ chẳng bao giờ mong cầu một sự đền đáp nơi các con.

Ngày nay, chúng ta không cần những lời tán tụng lên cha mẹ, ca ngợi cha mẹ để gọi là báo hiếu. Hiến dâng cả cuộc đời hy sinh tất cả cho các con, sự đón nhận lại không phải là một phần thưởng hay một phần quà, một tặng phẩm của con cái, mà sự đón nhận đó chính là chúng ta, phận làm con, sống như thế nào với sự dưỡng dục của cha mẹ. Sống đúng, đó chính là sự đón nhận, đón nhận cái gì? Sự giáo dục, sự khai thị, sự hiến dâng của cha mẹ. Đó là nói cha mẹ hiến dâng, các con thành tâm đón nhận. Nếu đón nhận chân tình như thế một cách thành kính, nhất định mọi người chúng ta đều thành tựu được sự an lạc và bình an.

Đi thêm một đoạn đường để thấy về Đức Thế Tôn, cả cuộc đời của Ngài đã hiến dâng cho sứ mệnh tìm ra con đường giải thoát khỏi đau khổ và phiền não và rồi khi chứng đắc thành Phật, Ngài đã hiến dâng trọn vẹn 45 năm trời hoằng pháp khắp mọi nơi, hiến dâng cả cuộc đời, cả hơi thở, cả trí tuệ. Hiến dâng tất cả cho mọi loài chúng sanh, không phân biệt, ngõ hầu khi chúng sanh đón nhận được sự hiến dâng đặc biệt đó, sẽ vượt qua biển mê, cập vào bờ giác, hết phiền não, đau khổ, trải nghiệm yêu thương và hạnh phúc.

Đức Phật dạy cho hàng đệ tử tại gia cũng như hàng xuất gia, trong Lục Độ Ba La Mật, bố thí là đứng đầu tất cả các pháp. Chữ “bố thí”, đôi khi chúng ta có nhiều sự suy nghĩ để tìm hiểu về ý nghĩa của “bố thí”, nó rất rộng, nhưng nếu dịch đơn giản, bố thí tức là biết hiến dâng. Hiến dâng không hẳn là chỉ cho đi, trao tặng mà sự hiến dâng ở đây nói đến sự toàn vẹn con tim, khối óc, trí tuệ và từ bi. Nhận biết rõ và trao đi bằng tình thương thật rộng, không chấp ngã, không bám víu, cầu lợi. Ta thấy được cái gương hiến dâng này thật nhiều trong cuộc đời. Đặc biệt là nơi gia đình, ta thấy được sự hiến dâng trọn vẹn của đấng bậc sinh thành là cha mẹ. Nhìn lên một chút, ta thấy sự hiến dâng của các bậc thiện tri thức, các bậc trưởng lão, các bậc tôn túc. Hiến dâng cả cuộc đời cho sứ mệnh mang cái tín điệp giải thoát của Chư Phật truyền trao cho chúng sanh. Đó là các Ngài hiến dâng tất cả mà không bao giờ trong tâm khởi lên một niệm đón nhận lại một điều gì đó. Chỉ biết hiến dâng!

Chủ đề “Hiến Dâng Là Đón Nhận” là nói cho chúng ta đây, những người Phật tử tại gia. Nói cho chúng ta đây, những phận người làm con, ta hiến dâng cái gì để có thể đón nhận được những điều cao cả của cha mẹ, của các bậc thầy trưởng thượng, của các bậc tổ sư và rồi để làm sao có thể đón nhận được những tặng phẩm vô giá mà các Chư Bồ Tát, Thánh Hiền, Chư Phật hiến dâng cho chúng ta? Phật tử, người trong cuộc đời này ngược xuôi ở khắp mọi nẻo đường trong dân gian với sự hòa trộn lẫn lộn của Tham – Sân – Si, mục đích duy nhất của cuộc đời là kiếm sống, có miếng ăn, miếng uống và sự ăn mặc, vỏn vẹn chỉ có thế, vậy mà vần xoay suốt cả một kiếp người để bào mòn đi sức khỏe, trí tuệ. Vẫn biết trên con đường đó, ta chết dần từng ngày nhưng mấy ai hiểu ra được ý nghĩa của cuộc đời? Vẫn bị miếng ăn, miếng uống, sự ăn mặc của cuộc đời và sự ở cho sung túc, giàu sang phú quý như những con mọt gặm nhấm cuộc đời rồi còn tẩm độc giết chết ta, nhưng ít ai nhận thức ra được.

Sự hiến dâng đối với Phật tử bận rộn như vậy, đối với tất cả mọi người quay cuồng trong cuộc đời này chính là hiến dâng thời gian, tận hiến thời gian của mình nếu có được là để đón nhận, đón nhận cái gì? Đón nhận tặng phẩm vô giá, con đường cứu chúng ta thoát khỏi khổ từ Đức Phật. Cho nên hiến dâng thời gian của chính mình thay vì vùi đầu trong những chuyện tạo khổ, tạo nghiệp, ta đón nhận những lời dạy, những sự khai thị của Chư Phật qua các bậc Tổ, bậc Thầy, các bậc thiện tri thức có nhân duyên khai thị cho chúng ta hoặc từ chính cha mẹ của mình. Ta hy sinh thời gian đón nhận những lời giáo dưỡng đó.

Và đúng! Nếu chúng ta biết hiến dâng thời gian thay vì đam mê vào việc tạo những nghiệp thức đen tối để đón nhận sự khai thị và giáo dưỡng thì nhất định chúng ta đã đón nhận được phước báu. Bởi đạo Phật là đạo theo nhân quả, tận hiến, hiến dâng cho nhau để đón nhận. Làm việc tốt, đó là nhân tốt, tạo được quả tốt, đó là phước. Làm việc xấu, đó là nhân xấu, cái quả của việc xấu là họa. Cho nên hiến dâng để phụng hiến tha nhân là làm việc tốt thì cái quả là phước báu sẽ tràn đầy. Không phải nói rằng: “Đi tu mà cầu phước” vì đây là định luật hiển nhiên của nhân quả. Bạn làm việc lành thì tâm an tịnh tạo phước, chẳng cần cầu phước, phước nó cũng tới. Chẳng cần cầu sự thanh tịnh thì khi bạn làm việc lành, tâm ý bạn thanh tịnh, phước tới tự nhiên. Đừng phân tích lòng vòng: “Đi tu mà làm thiện còn mong muốn có phước”. Không!

Đạo Phật là nhân quả, nó rõ lắm! Gieo nhân nào gặt quả đó. Nhân thiện lành thì quả là an lạc, hạnh phúc và đó chính là phước báu. Nhân ác độc thì quả là gì? Họa, đau khổ và phiền não, tổn phước. Cho nên bạn cứ hiến dâng cả cuộc đời làm việc lành đi, bạn hãy hiến dâng cả cuộc đời thọ nhận và rồi thực hành những lời giáo dưỡng của những bậc bề trên khai thị, nhất định cái quả mà bạn đón nhận được là phước báu. Rõ lắm! Ta đừng đi lòng vòng đào bới, phân tích để rồi cuối cùng chẳng biết đúng hay là sai, một mớ bòng bong nhiễu ở trong tâm.

Vu Lan, Phật dạy cho chúng ta Đức Mẹ Hiền Quan Thế Âm hiện thân nơi người mẹ trong gia đình và cha mẹ của chúng ta là hiện thân của Bồ Tát đạo trong cuộc đời. Nếu nhìn thấu được điều đó là nhìn thấu được sự hiến dâng trọn vẹn của đấng bậc sinh thành là cha mẹ. Và chúng ta sẽ bất hiếu vô cùng nếu không đón nhận được tình thương, sự hiến dâng đó, ứng dụng vào đời sống để trải nghiệm hạnh phúc, an vui mà cứ đày đọa bản thân trong vùng sình đen tối của ác nghiệp, thì nhất định sự hiến dâng, sự phụng hiến trọn đời trọn kiếp của đấng bậc sinh thành là cha mẹ sẽ trở nên vô nghĩa. Qua cuộc đời của cha mẹ đó là thân giáo, ta sẽ nhận ra chân lý của Đức Phật tiềm tàng hiển lộ trong từng tạo tác của sự hiến dâng cuộc đời cho chúng ta. Bố thí nhất thiết Chư Phật ngoài việc mang những gì ta có để hiến tặng, mà cái có cao quý nhất của chúng ta thì ta mới hiến tặng, đừng tặng rác rưởi cho người. Nếu bạn mang rác rưởi, mang tai họa, mang những lời thô ác, những tư tưởng nghiền nát kẻ khác, những hành động xé xác người ta ra thì đó chẳng phải là sự hiến dâng, chẳng phải đâu, bạn nghĩ sai rồi.

Các bạn! Sự hiến dâng trong ngày hôm nay chẳng phải là mang cái có của ác, của thiện để tặng cho mọi người. Hoặc đừng mang cái có của vật chất, của tiền bạc, danh vọng, địa vị để tặng mà gọi là hiến dâng. Cái hiến dâng mà nó hay hơn nữa là ta phải hiến dâng cái cao quý nhất. Vậy thì trước khi tặng, hiến dâng cho ai đó, ta phải tìm xem sự cao quý nhất của ta là gì? Cha mẹ hiến dâng cho chúng ta, các Ngài hiến dâng cái cao quý nhất đó chính là sinh mạng của các Ngài, chính là mạng sống của các Ngài cho tất cả các con. Bởi cha mẹ sẵn sàng chết vì những người con mà cha mẹ yêu thương. Tức có nghĩa là yêu thương mà sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu và đối tượng mình yêu đó chính là các con của cha mẹ. Nhưng chúng ta nếu nói hạnh bố thí, mang đi tặng, đi hiến thì tặng cái gì? Phải chăng kiến thức bập bẹ tìm được ở đời về xã hội, về khoa học, về y học hay về kinh tế, hay về Phật học hay về đạo học, vùng kiến thức nào cho là cao cả, quý nhất để tặng cho đời, để tặng cho người? Hay mạng sống hay tiền tài, hay vật chất? Không phải ta từ bỏ tất cả những thứ đó bởi kiến thức ở đời học được cũng là một phần kiến thức tốt đẹp và ổn định, hiến dâng là một điều tốt, nhưng chúng ta khi hiến dâng, phải chọn lựa cái gì cao quý nhất để mang tặng cho cuộc đời, hiến tặng cho tha nhân?

Chính Đức Phật là người đã tìm ra cái cao quý nhất nơi kiếp người của chúng ta. Và Người khuyến khích cho chúng ta rằng hãy mang cái cao quý nhất đó ra để tặng cho muôn người, sự khuyến khích đó tuyệt vời lắm. Các bạn biết điều gì cao quý nhất nơi các bạn không? Cái cao quý nhất nơi chúng ta mà cần mang ra để tặng, để hiến dâng cho muôn người đó chính là trí tuệ và từ bi nằm trong Phật tánh của chúng ta. Đó là điều cao quý nhất, điều không bao giờ hư mất, nó tồn tại muôn đời. Còn những thứ của cải, vật chất, danh vọng, địa vị, tiền tài, cơm ăn áo mặc rất cần trong kiếp người nhưng chỉ là một kiếp người ngắn gọn mà thôi, chẳng lưu truyền mãi đến muôn đời. Nó là đồ quý cho cuộc sống nhân sinh nhưng chỉ một đoạn đường đi qua cái cảnh của đoạn trường gian truân, khổ cực, chẳng phải miên trường, bất diệt như tặng phẩm trí tuệ và từ bi. Cho nên trong hạnh bố thí nhất thiết Chư Phật, bố thí là hạnh cao cả nhất là bố thí trí tuệ và từ bi. Mà để bố thí được trí tuệ và từ bi thì các bạn phải tìm về để tận hưởng, để đón nhận trí tuệ – từ bi vốn có nơi chúng ta. Và các bạn cần phải hy sinh thật nhiều cho chính mình và hiến dâng thời gian, hiến dâng những chuyện vụn vặt trong cuộc đời cho chính mình để tìm lại trí tuệ – từ bi qua công hạnh thực tập những pháp tu mà Đức Phật đã truyền dạy và qua các Chư Tổ, các bậc Thầy, các đấng tôn túc, Tăng Ni có nhân duyên, các bậc thiện tri thức cận kề mà ta có duyên được thọ nhận pháp đó, thực hành.

Hôm nay, ta cần phải nghĩ đến điều đó. Cho người không phải là cho những đồ dư thừa, không cần, những cặn bã dù có cao quý, mua đắt tiền mà không sử dụng nữa, ta mới cho. Hiến dâng chẳng phải là hiến dâng những thứ vô giá trị, những thứ vô thường sanh – diệt trong cõi luân hồi mà phải hiến dâng những chữ bất diệt đó là trí tuệ và từ bi. Đức Phật đã tới và hiến tặng cho chúng ta trí tuệ – từ bi của Ngài và nhắc nhở rằng trong mỗi người chúng ta đều có tặng phẩm vô giá đó là trí tuệ và từ bi. Khi các bạn biết hiến dâng trí tuệ và từ bi thì các bạn nhất định sẽ đón nhận được vô lượng phước báu không cầu cũng tới, muôn điều tai họa không đẩy nó cũng đi và những chướng ngại về thân bệnh cũng thuyên giảm, dần hết. Những chướng ngại về tâm u uất, đau khổ, cấu trược quấy nhiễu cũng được chuyển hóa để thanh cao. Đây là điều tất yếu trong định luật nhân và quả, chẳng cầu nó cũng sẽ tới. Bạn gieo mầm tốt, chăm sóc cho kỹ thì cái quả của nó là sẽ mọc cây tốt, ra hoa, ra trái. Nhân nào quả đó thật không sai một ly, một chút. Không sai các bạn!

“Sự Hiến Dâng Là Đón Nhận” là chân lý của nhân quả, nếu bạn biết hiến dâng thời gian, công sức trong sự thực tập dù chỉ một chút xíu thôi, 05 phút, 10 phút mỗi một ngày, bạn đều đón nhận được phước báu vô cùng. Nếu bạn biết hiến dâng thời gian tĩnh tọa, ngồi thiền quán chiếu từ bi và trí tuệ, bạn sẽ đón nhận được năng lượng siêu thế từ các Chư Phật, Bồ Tát. Và sự đón nhận này nó thực tế bởi qua thân và tâm của các bạn cảm nhận được có sự trải nghiệm năng lượng vi diệu chuyển vào trong thân tâm và năng lượng đó thanh tẩy thân tâm của các bạn khỏe mạnh, sáng, an nhiên và tự tại dù cho dòng đời ngược xuôi bồng bềnh trên đau khổ, bạn không bị ô nhiễm những cái khổ não đó.

Hiến dâng là đón nhận! Sự hiến dâng ngay từ vật chất, từ thời gian, trí lực, tài lực nếu khởi nguồn bằng trí tuệ nhìn thấu và năng lượng từ bi thì đó chính là hiến dâng từ bi và trí tuệ, bạn sẽ đón nhận được vô cùng phước báu.

Trong hiện tình bây giờ, đại dịch lan tràn, có những khoảng trống chưa được bù đắp bởi suy nghĩ chín chắn hoặc sự sắp xếp trong trật tự của xã hội và nhà nước. Hình như từ muôn thuở, chúng ta luôn khởi nguồn yêu thương để trao tặng, giúp đỡ cho nhau. Ngày nay, nhân mùa đại dịch, mọi sự từ thiện giúp đỡ nhau dù chỉ là một gói rau, một củ mì, củ khoai, một chút đường, một chút muối, một kg gạo, một thùng mì, một chút tịnh tài để cùng nhau vượt qua gian khó trong đoạn này, nếu mọi hành động của các bạn đó, dù chưa đi bằng từ bi và trí tuệ, chỉ bằng cảm tính của loài người thôi thì đó cũng là nhân thật tuyệt vời, có phước báu rồi. Huống hồ chi nếu như hành động từ thiện đó được khởi nguồn bằng sự soi sáng của trí tuệ quán chiếu và năng lượng từ bi ở nơi Phật tánh của các bạn thì nhất định các bạn sẽ đón nhận được thật nhiều, thật nhiều phước báu. Và nhất định phước báu của bố thí, của sự hiến dâng, trao tặng đó khởi nguồn từ từ bi và trí tuệ đó sẽ có năng lượng vi diệu đẩy lùi bệnh dịch nơi các bạn. Điều này khẳng định là có!

Chúng ta tránh làm từ thiện hoặc hiến dâng cuộc đời chỉ bằng cảm tính thương xót, mà tất cả mọi tạo tác đó cần phải khởi nguồn bằng trí tuệ và từ bi mới tạo ra năng lượng vi diệu sung mãn, nội lực thâm hậu để đẩy lùi đi đại dịch hiện tại đang dần dần giết chết biết bao nhiêu con người ở Việt Nam và trên thế giới.

Hiến dâng là đón nhận! Bạn đừng sợ tai tiếng của ngoài đời nói rằng bạn làm từ thiện để cầu phước, bạn làm việc tốt để cầu phước, “ôi! nó khoe, múa may làm thiện”. Không! Những lời đó là những lời của ma vương, nó tìm từng cách để tạo ra chướng ngại về ngôn ngữ để tiêu diệt hành động tốt của các bạn. Khi các bạn nghe những lời đó, các bạn nản lòng, các bạn dừng lại, không làm việc thiện, bố thí giúp đời là các bạn đã làm tăng trưởng cái tánh ma, các bạn đã hợp đồng với ma vương và các bạn đang tạo ra biết bao nhiêu tai họa cho bản thân. Hiến dâng, tận hiến trọn vẹn bằng từ bi và trí tuệ qua mọi tạo tác, hành động từ tư tưởng, lời nói để tận hiến cho những người mình yêu thương, cho tha nhân. Như cha mẹ tận hiến cả cuộc đời cho con cái. Yêu thương là cho đi, yêu thương là hy sinh cả thân mạng mình, ta thấy được điều đó qua cha mẹ của chúng ta. Ngày rằm Vu Lan, Đức Phật dạy về đạo báo hiếu thì chúng ta để báo hiếu cho cha mẹ, cái cao quý nhất để báo hiếu đó chính là sự hiến dâng cuộc đời của chúng ta đi tìm kho báu vô tận bằng trí tuệ và từ bi để từ đó mang tất cả những điều gì có được trong cuộc đời này, trao tặng cho muôn người bằng trí tuệ và từ bi. Thời đại dịch là thời mà mỗi người chúng ta cần phải chiêm nghiệm lại để biết hiến dâng đúng mức, tạo ra nhiều phước báu, đón nhận được nhiều phước báu. Rất cần phước báu, nhân duyên trong cuộc đời bằng những hành động từ thiện khởi nguồn bằng từ bi – trí tuệ để chúng ta còn sống trên cõi đời này, sẽ có được sức mạnh vượt qua đại dịch. Nhất định làm được điều đó! Sự cộng hưởng toàn cầu, toàn quốc gia bằng sự hiến dâng, tận hiến cao cả từ trí tuệ và từ bi thì đại dịch kia nhất định sẽ không thể làm được gì ta.

Các nhà y học, các bác học về ngành y đã hiến dâng trọn vẹn cả cuộc đời ngồi trong phòng thí nghiệm để tìm ra các thể loại vắc xin và thuốc chữa bệnh. Các nhà xã hội học hiến dâng cả cuộc đời để làm sao hướng dẫn cho mọi người ổn định cuộc sống và xã hội. Các nhà tâm lý học thì hiến dâng cả cuộc đời để ổn định tâm lý cho con người. Các nhà chính trị học thì nghiên cứu, bỏ đi những cái sai để thành lập nên những con đường tốt đẹp hơn, giữ cho toàn dân, toàn quốc độ của mình mỗi ngày một thăng tiến. Những nhà đạo học, tâm linh học, Phật học thì mang lời dạy của Thế Tôn khai thị để giúp cho chúng ta, các Ngài đó cũng hiến dâng cả cuộc đời. Và chúng ta, chúng ta cũng cần phải hiến dâng những thời gian vui chơi vùi đầu vào những vòng tội lỗi để chúng ta biết đứng dậy, ngửa hai bàn tay đón nhận phước báu chính từ bản thân mình biết hy sinh thực hành pháp của Phật. Để từ đó tiếp cận được với nguồn gia tài cao quý nhất của chúng ta là trí tuệ và từ bi để mang trao tặng, hiến dâng cho muôn người để có thêm phước báu trong kiếp nhân sinh này mà vượt qua những thử thách đặc biệt trong thời đại dịch. Những ai biết hiến dâng bằng từ bi và trí tuệ, nhất định dịch tới cũng phải nhường xa.

Các bạn cứ thực hành các bạn sẽ thấy được rằng các bạn sẽ có năng lượng vi diệu tới với thân tâm, cộng hưởng cái trí tuệ của loài người có vắc xin và thuốc chữa bệnh dựa theo những điều mà sở y tế quốc gia sở tại hướng dẫn cho chúng ta ngăn ngừa, nhưng rất cần sự thanh tịnh bằng pháp thiện lành từ trí tuệ và từ bi, hiến dâng cho cuộc đời những điều cao quý nhất. Hồi hướng cho nhau những năng lượng vi diệu tới từ Đức Phật sẽ giúp cho chúng ta thực sự kích hoạt được mọi thứ trong cuộc đời từ trí tuệ đến từ bi trong những hành động hiến dâng trọn vẹn để đón nhận được những điều cao quý nhất, cao quý tột cùng của kiếp người. Phước báu rất cần trong thời này.

Chỉ có những ai tu hành và đầy đủ phước báu mới vượt qua đại dịch mà thôi. Còn những ai không tu hành và đầy đủ phước báu, dịch tới là sẽ đi (chết). Chúng ta cần phải suy nghĩ nhân quả đạo Phật dạy thật đúng. Gieo nhân nào gặt quả đó. Sự hiến dâng trọn vẹn bằng trí tuệ và từ bi thấu hiểu được qua quán chiếu từ tấm lòng hy sinh cao cả của cha mẹ. Nhìn qua cha mẹ, lời dạy của Phật, sự hiếu đạo trong lễ Vu Lan năm nay, ta thấy đó chính là sự hiến dâng trọn vẹn nhất bằng tình yêu và trí tuệ của loài người thôi cũng đã đủ để hiến dâng cả cuộc đời, cả xương máu, cả hơi thở cuối cùng cho người mình yêu đó chính là con cái của mình. Chúng ta, là những người con của Phật, Đức Phật dạy cho chúng ta hiến dâng trong hạnh bố thí nhất thiết Chư Phật là bố thí tất cả cho mọi chúng sanh bằng trí tuệ và từ bi trong công hạnh thực tập. Mang cái cao quý nhất để hiến tặng, cái cao quý của đời người là trí tuệ và từ bi. Nếu bạn làm được điều đó qua những hành động cụ thể của loài người dù rất nhỏ, một miếng cơm, một manh áo, một ly nước, một viên thuốc, một bó rau, một bịch gạo, một thùng mì, một lời thăm hỏi bệnh nhân, một lời nhắn tin an ủi, thấu rõ được thì những hành động đó khởi nguồn bằng trí tuệ – từ bi, đó là sự hiến dâng, tận hiến cao cả và bạn, các bạn chính là những người đón nhận được phước báu vô cùng. Thửa ruộng phước không ở đâu xa, ngay ở tầm tay, ở ngay trước mắt, nếu bạn biết tận dụng rõ ràng, chúng ta sẽ có cả một ruộng phước điền tràn đầy phước lộc. Còn nếu không thì chúng ta thực sự đã xoay lưng với ruộng phước điền có sẵn nơi tâm là trí tuệ và từ bi rồi.

Sống ở trên đời, lúc này đây là lúc mà mỗi người chúng ta dễ tu nhất, dễ tịnh tâm nhất. Ngay trong sự khủng hoảng toàn cầu của đại dịch chính là lúc chúng ta thấu được chân lý Đức Phật đã dạy từ ngàn năm xưa: “Vô thường”. Trong thế giới vô thường này, dù là tổng thống, thủ tướng quyền cao chức trọng, giàu có, ai dám vỗ ngực xưng tên đâu, bởi tổng thống hay thủ tướng hay nằm trong bộ chính trị hay người bình thường thì con vi trùng kia chẳng vì danh đó mà lùi bước. Chỉ do bạn có phước báu hay không mà thôi!

Nếu bạn thiếu phước báu, quyền danh ở đời chẳng thể đẩy lùi được con vi trùng đó đâu. Và nếu bạn là người rất bình thường chân lấm tay bùn, chẳng có tiền có bạc, không danh không vị, không có một thứ gì nhưng bạn biết hiến dâng bằng trí tuệ và từ bi trong những công hạnh rất bình thường thôi thì bạn đã đầy đủ phước báu. Những con vi trùng dịch tới với bạn cũng phải tránh xa, mỉm cười và vẫy tay ly biệt, chẳng dám tới.

Phật dạy thật đúng luật nhân quả, nếu khởi nguồn bằng từ bi – trí tuệ và lấy trí tuệ soi sáng, từ bi lan tỏa thì nhất cử nhất động, mọi sự việc tác thành trong cuộc đời, dù tưởng chừng như không có ý nghĩa đều nâng tầm thật cao để các bạn có thể đón nhận được phước báu bằng sự hiến dâng đó.

Các bạn! Đừng coi thường những việc ác thật nhỏ mà cứ nhúng tay vào tạo ra. Đừng coi thường những việc thiện thật vụn vặt bởi rất cần để tạo phước. Cuộc đời thiếu phước là xong. Ai có đủ phước sẽ tồn tại, vượt qua những giai đoạn thử thách khó khăn nhất trong cuộc sống. Phước báu trong cuộc đời của Phật tử tại gia nói riêng và nói chung cho mọi người là rất cần thiết. Chúng ta tu để thành tựu được Phật pháp, thành tựu được sự an lạc cũng phải dựa trên nền tảng của phước báu tích lũy từng ngày từng giờ. Mà sự tích lũy cao siêu, nhiệm mầu để có được phước báu vô cùng chính là sự hiến dâng, hiến dâng là đón nhận được phước báu vô lượng.

Hiến dâng cái gì? Hiến dâng trí tuệ và từ bi. Và hiến dâng bằng cách nào? Bằng cách tịnh hóa thân tâm trong thời đại dịch, tu tâm tích đức, làm việc thiện. Phật dạy việc thiện mà làm, tâm sẽ thanh tịnh, việc ác mà hành, khổ não sẽ theo ngay. Hãy sống và tư duy, suy nghĩ chín chắn hơn trong thời đại dịch để mỗi một sát na, mỗi một hơi thở, mỗi một giây phút chúng ta sống, dù dịch có hoành hành ngoài kia thì chúng ta vẫn an vui vì có đầy đủ phước báu và thể loại phước báu đón nhận qua sự tận hiến trí tuệ và từ bi trong công hạnh thực tu quán chiếu thiền định Chánh Niệm từ bi và trí tuệ là thể loại phước báu ta có thể hồi hướng lên Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, những người thân yêu quá vãng nhiều đời nương vào đó mà tái sanh cảnh lành. Ta có thể hồi hướng cho cha mẹ tại tiền còn sống tăng long phước thọ, tinh tấn tu học, bớt phiền bớt não, khỏe mạnh, an vui. Ta có thể hồi hướng cho tất cả những người yêu thương.

Cho nên hãy hiến dâng bằng trí tuệ – từ bi, hãy thực tập thiền quán yêu thương và trí tuệ để đón nhận được phước báu vô lượng đó mà hiến dâng cho những người ta yêu thương. Đây là lúc ta phải gạn lọc điều gì cần phải làm, điều gì không cần phải bỏ ngay, chẳng kịp. Cho nên đừng ôm ấp quá nhiều cho rộng bụng, cho rối đầu. Hãy tinh gọn lại cho nhẹ, những điều không cần thiết thì bỏ ngay. Sống buông càng nhiều những điều không cần thiết, cô lại những điều cao trọng hơn đó là trí tuệ và từ bi thì cuộc sống của người đó tràn đầy phước báu. Hiến dâng là đón nhận thật sự, gương đó nhận thấy được từ cha mẹ, gương đó nhận thấy được từ các bậc tôn túc, gương đó nhận thấy thật rõ nơi các vị Bồ Tát, nơi các Chư Phật.

Ngài Địa Tạng Bồ Tát hiến dâng cả vô lượng kiếp đi vào cửa ngục để dập tắt lửa sân, si, tham. Để tưới vào nó trí tuệ và từ bi, nảy mầm sự sống cho chúng sanh nơi địa ngục. Cha mẹ của chúng ta bước vào trần thế này với muôn trùng thử thách, hy sinh tất cả, lót đường cho những người con đi vào cung bậc cao hơn của tương lai bằng tình yêu và trí tuệ, sự tận hiến tới giọt máu cuối cùng. Ta là người con Phật, cần phải hiểu được sự hiến dâng trọn vẹn nhất của kiếp người khi là Phật tử, đó chính là hiến dâng trí tuệ và từ bi. Và sự hiến dâng này là sự đón nhận được vô lượng phước báu để dâng lên cho cha cho mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ, dâng lên cho những người ta yêu thương.

Hãy học cách hiến dâng đặc biệt này ngày hôm nay và hãy tìm trở về với trí tuệ – từ bi của mình qua Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán để chúng ta, tất cả mọi người đều đón nhận được thật nhiều phước báu cho mình thoát khỏi dịch và thật nhiều phước báu hồi hướng cho muôn người để đại dịch không làm khó thân mạng của họ. Và hồi hướng trong mùa Vu Lan lên Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, người thương quá vãng nương vào bóng Đại Từ Đại Bi của Đức Phật Di Đà mà thoát khỏi những cảnh trầm luân sanh tử trong luân hồi để tái sanh cảnh thiện lành.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

Thưa Phật! Qua lời dạy của Ngài, chúng con đã hiểu được cha mẹ là các đấng đã hy sinh và tận hiến cả cuộc đời cho chúng con. Các Ngài đã hiến dâng tất cả cho các đàn con ở trên trần gian.

Phật hiến dâng cả cuộc đời để khai tâm mở trí. Chư Tổ, Chư Thầy, các bậc tôn túc cũng hiến dâng cả cuộc đời để mang đuốc tuệ thắp sáng cho nhân gian.

Khủng hoảng của đại dịch hoang mang vô tận, nay nghe thấu được, nguyện tiếp nhận ánh sáng từ bi và trí tuệ để khởi nguồn cho mọi tạo tác trong thời đại dịch này hành thiện tích đức như một Pháp Bảo hiến dâng cho tha nhân để đón nhận được phước báu tràn đầy mà hồi hướng cho tất cả.

Nguyện xin Chư Phật chứng minh.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu ngày hôm nay nếu có tới mọi chúng sanh đồng hành Phật đạo và tới quê hương chúng con mau thoát khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts