Search

Bài 2104. Mỗi Người Mỗi Duyên | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Hương đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Giờ đồng tu đã tới, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con có thể Chánh Niệm hơi thở quán chiếu thấy thật rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng thành tâm hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con có được sự gia trì đặc biệt để đại dịch mau qua, quốc thới dân an.

Xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi làm nhiên liệu nuôi dưỡng trí tuệ. Người con Phật, chúng ta luôn ghi nhớ để trong Chánh Niệm hơi thở thắp sáng đuốc tuệ, đón nhận năng lượng từ bi, chúng ta cùng nghĩ và hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Hồi hướng cho cha mẹ của chúng ta. Đặc biệt, trong mùa Vu Lan, đấng bậc sinh thành còn tại tiền được tăng long phước thọ, khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc, tinh tấn tu học. Hồi hướng cho chư vị hương linh có đầy đủ phước báu, nghe được lời Kinh kệ của Phật, vãng sanh cảnh Tịnh Độ Tây Phương. Hồi hướng cho chúng ta đang đương đầu với đại dịch, tâm luôn an, thân luôn khỏe, tịch tĩnh giữa dòng đời luôn luôn biến động. Trong khi trì mật chú Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu sâu sắc sẽ đón nhận được năng lượng vào thân tâm.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn! Chúng ta nhìn trong thế giới xung quanh chúng ta, một giọt nước từ trên trời thôi, một giọt nước thôi các bạn. Rơi xuống mặt đất này, chẳng biết là vô tình hay cố tình thì khi chỗ nào nó rơi xuống, dù chỉ là một giọt nước, nó vẫn mang lại lợi ích, tăng trưởng sự sống ngay chỗ nó rơi xuống. Dù đó là sa mạc hay biển hồ, đồng ruộng khô cằn hay rừng núi, hay ngay cả trên đường lộ giao thông thì ngay chỗ đó cũng có lợi ích vô cùng. Chỉ có điều, ai có thể nhận ra điều đó?

Một giọt nước, một giọt sương, một tia nắng, ở góc độ bình thường, mấy ai quán chiếu đâu? Nhưng theo lời Đức Phật dạy, dù là vật vô tri, ta tưởng chừng như thế hoặc là những sinh vật sống siêu cấp như loài người có tri giác, tất cả mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời, trong cõi trời đất này đều chẳng phải tự nhiên theo cách nói hên xui mà đều do nhân duyên từ muôn đời tích lũy. Để vạn vật, để muôn sự ở đời tương tác mà ta có thể cảm để thấy đều có mục đích, có nhân duyên.

Hôm nay, chủ đề “Mỗi Người Một Duyên”, ta không nói tới những duyên phận vợ chồng, tình bạn, làm người bởi thật sự trong cuộc đời này, cái duyên để gặp nhau nó vô chừng, nói không hết. Người xưa thường nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, mà vô duyên tương diện bất tương phùng”. Người hữu duyên cùng trời cuối đất, khắp cả mười phương rồi cũng sẽ gặp được nhau, kẻ vô duyên mặt đối mặt, sống cạnh, sống chung, sống gần, vậy mà chẳng bao giờ tìm được lối chung để đi về. Chuyện này vẫn có và xảy ra mãi trong những sự tương quan giữa người với người để từ đó ta cứ thốt lên: “Có duyên! Có duyên nợ hoặc hết duyên nợ” để phủi tay chia rẽ, sẵn sàng gạt bỏ tình người, tình cảm. Nếu chúng ta không hiểu rõ chữ “duyên” thì chữ “duyên” kia trở thành một định mệnh để chúng ta bám víu vào, phó thác đời sống cho chữ “duyên” mà không vươn mình trỗi dậy chuyển hóa cuộc đời.

Khi chuyện bất như ý trong cuộc sống xảy ra, ta bảo: “Thôi! Đó là duyên nợ. Tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa sư môn tới đó hết rồi. Thôi bỏ!”, và cứ như thế, ta biến chữ “duyên” trở thành cạn cợt theo kiểu là định mệnh phải chịu, phải trả. Nếu thật sự chữ “duyên” của nhà Phật như thế thì không cần Đức Phật hiện thân trong cuộc đời và chúng ta không cần phải học những lời của Đức Phật dạy bởi nó cũng như biết bao nhiêu những tôn giáo khác, định mệnh mà. Duyên không phải là định mệnh, các bạn!

Duyên có nhiều phần. Duyên của tiền kiếp mà ta được truyền, được đón nhận, được thừa hưởng từ vô lượng kiếp, duyên tốt, duyên xấu đó đều là gia tài mà ta đã tạo ra. Nhưng chẳng phải khi thừa hưởng được cái duyên của quá khứ là chúng ta để cái duyên quá khứ vận hành trong cuộc đời này, không thể thoát ra.

Ngày xưa, chúng ta xem rằng định mệnh là duyên phận kiếp trước an bài, ta thừa hưởng trong kiếp này, thật khó thoát, nên chấp nhận cúi mặt đón nhận tất cả mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời và than rằng: “Đó là định mệnh” thay cho hai chữ “duyên phận” và “duyên nợ”.

Đức Phật, Ngài là bậc giác ngộ, Ngài đã nhìn thấu đó chẳng phải là định mệnh do chữ “duyên nợ” hay “duyên phận” biến chứng để tạo thành mạng vận của cuộc đời con người hiện tại để chúng ta phải kham nhẫn, chấp nhận. Ngài nhìn thấu duyên là có của quá khứ, nhưng nó chỉ là nhịp cầu đưa ta tới ngày hôm nay. Còn hôm nay, ta có cơ hội tuyệt hảo, tuyệt diệu để nương vào duyên đó, nhìn cho thấu nhân duyên của tiền kiếp, tác động vào bằng cuộc sống tích cực, đức hạnh thì duyên của tiền kiếp nếu là nghịch sẽ biến thành thuận, còn nếu là thuận sẽ tăng trưởng tốt đẹp hơn. Chính chỗ này làm thay đổi mọi quan niệm của mọi tôn giáo, của mọi con người, của mọi hệ thống. Hệ thống tâm linh lưu truyền trong phong tục tập quán hoặc truyền thừa từ người xưa tới ngày nay. Và từ đó đã mở một ngưỡng cửa để chúng ta nhìn thấy một sự giải thoát thăng tiến đời sống tâm linh trong kiếp người. Không còn cúi đầu, không còn cúi đầu nhìn xuống đất để chấp nhận định mệnh phủ lên cuộc đời này như một chuyện phải bắt buộc chịu và không thể thoát hoặc thay đổi. Đây chính là giải thoát. Đây chính là cửa Niết Bàn. Đây chính là điểm sáng mà Đức Phật nhìn rõ và bản thân của Ngài đã trải nghiệm, đã thấy và thắng được duyên phận, duyên nợ của tiền kiếp bằng sự nhìn thấu, nhìn rõ thì từ đó vận hành, tác động để thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Và dần dần, Ngài đã tác động đến mức mà Ngài không còn lệ thuộc vào duyên phận. Hay nói đúng hơn là nghiệp quả nhiều đời. Hay nói rõ là thoát khỏi luân hồi sanh tử, tức là sự xoay vần của nhân quả tạo thành duyên nghiệp mà cuộc đời thường gọi là định mệnh của kiếp người.

Ta có thể than chút xíu cho nhẹ: “Ôi! Đó là duyên phận” thì cũng được nhưng đó chỉ là giây phút nghỉ mà dưỡng sức chứ chẳng phải là chân lý để suốt cuộc đời chấp nhận phận số, định mệnh như thế.

Nếu đã học Phật, ta phải hiểu thấu, ta phải nghiên cứu, ta phải học hỏi, ta phải có trí tuệ và từ bi nhìn thấu để chúng ta tác động vào cuộc đời này ngay trong kiếp này với thân người vi diệu, làm người thật khó. Nếu nhìn thấu, hiểu thấu, ứng dụng đúng, thân người phương tiện vi diệu sẽ là một cung bậc để ta bước lên tận hưởng hạnh phúc và thoát sanh tử.

Nay nói về cái duyên trong nhà Phật của sự học hỏi các pháp môn. Ngày nay cũng như ngàn năm xưa và mãi mãi, nếu chúng ta không vượt qua được sự chấp trược thì chướng ngại giữa các tôn giáo, chướng ngại giữa các pháp môn, chướng ngại giữa sự khác biệt của ta và của người ngày càng lớn càng dày và để rồi chúng ta không thể vượt qua chướng ngại đó, gặp gỡ nhau. Như các tôn giáo khác, thường không thích cách nói rằng: “Đạo nào cũng là đạo bởi đạo nào cũng dạy những điều tốt đẹp”. Có thể người Phật tử bình thường chúng ta hoặc những người giáo dân đón nhận điều đó thật dễ. Nhưng những bậc được gọi là những ông đạo, những bậc đạo sư hay những bậc đứng đầu các tôn giáo thường không chấp nhận, bởi các Ngài có một cái nhìn khác, không chấp nhận rằng: “Đạo nào cũng là đạo” mà phải làm cho phân minh rõ ràng và dùng muôn điều lý luận khác biệt bởi những kiến thức siêu Phàm của các Ngài để đặt để chúng ta vào niềm tin rằng: “Chỉ có tôn giáo này, chỉ có đạo này, chỉ có pháp môn này mới đúng” cho nên cấm và ngăn chúng ta tác ý: “Tôn giáo nào cũng giống nhau bởi đều dạy điều hay lẽ phải, chân lý của tình yêu và trí tuệ”. Từ đó mà chúng ta thấy rằng sự nhắc nhở bởi trí tuệ siêu Phàm bằng văn ngữ của quý Ngài đó, đôi khi làm cho chúng ta bối rối, không biết phải làm sao khi mối quan hệ trong đường đời ta tiếp cận với biết bao nhiêu con người gọi là bạn, có nhân duyên sinh ra trong những gia đình mà đi theo những truyền thống tôn giáo hoặc tu tập các pháp môn khác biệt. Bởi giữa ta và những người bạn thân khác tôn giáo, tu khác pháp môn đó có sự ngăn ngại bởi những lời siêu Phàm của những bậc lớn trong tôn giáo, trong pháp môn của ta theo thường nói không đồng và từ đó ta nhìn bạn và ta không đồng bình đẳng tánh trí như lời Đức Phật dạy.

“Mỗi Người Mỗi Duyên” là sự thật! Không phải duyên ai cũng giống ai. Đức Phật đã dạy và các Chư Tổ thường nhắc nhở với chúng ta rằng ở trên đời không bao giờ tìm được hai vật, vật chứ không nói đến con người, có thể giống nhau y chang thì huống chi là chúng sanh nghiệp thức khác biệt, sao có thể đồng một duyên phận như nhau? Duyên mỗi người mỗi khác!

Chính vì nhìn thấy duyên phận mỗi người mỗi khác, nhân duyên, nghiệp quả khác nhau mà cả cuộc đời Đức Phật khi còn tại thế, Ngài luôn thương xót chúng sanh và Ngài rất chi li, rất tỉ mỉ tiếp cận với từng chúng sanh, tiếp cận với từng đệ tử khác biệt, người là kẻ trí thức, quan quyền, thượng đẳng, siêu cấp hay người bình thường, nông dân, làm việc thậm chí chỉ là người rửa nhà cầu, quét rác giữa đường hay làm mướn thì Ngài đều quán chiếu nhân duyên và thấy cái duyên mỗi người mỗi khác. Sự khai thị, hướng dẫn cho từng người như vậy pháp môn phương tiện để họ có thể thực hành được với nhân duyên trình độ của họ đó, để họ cởi bỏ hoặc cởi trói những sự ràng buộc của bất thiện để bớt khổ, bớt phiền não, thêm an vui và hạnh phúc. Cho nên, pháp môn của Phật hiểu theo nghĩa tức là những phương pháp chuyển khổ thành an vui theo những cách thật khác biệt đối với từng người. Không đóng khuôn khổ trong một chữ duy nhất, một pháp môn duy nhất, một con đường duy nhất nhưng tất cả mọi phương tiện pháp môn của Chư Phật không thể thoát ra được bốn chữ là “Từ Bi và Trí Tuệ”. Cách hướng dẫn nào của Phật cũng đặt nặng trí tuệ và từ bi. Pháp môn nào của Phật dạy cũng cần phải có trí tuệ và từ bi. Tôn giáo nào hiện tại còn tồn tại trên thế giới này đều được tồn tại bởi từ bi và trí tuệ. Còn tôn giáo nào, pháp môn nào, phương pháp nào nằm ngoài từ bi và trí tuệ sẽ chẳng bao giờ tồn tại mãi. Bởi từ bi và trí tuệ là pháp không lệ thuộc vào vòng xoay của vô thường sanh – diệt, Thành – Trụ – Hoại – Không mà nó mãi mãi hiện hữu. Đây là pháp thường lạc của Niết Bàn an vui, trí tuệ và từ bi.

“Mỗi Người Mỗi Duyên” nhắc nhở cho chúng ta một điều là Đức Phật luôn tìm đủ mọi phương pháp để đánh thức chúng ta dậy. Có thể phương pháp đánh thức chúng ta dậy trong những vô lượng kiếp mê muội trong vô minh bởi bất thiện bằng những tiếng sét, tiếng sấm đánh ngang trời, bằng những tiếng yêu thương nhẹ nhàng mời gọi hay bằng tất cả mọi hình thức tới với chúng ta, đồng với một mục đích là hằng thuận chúng sanh theo nhân duyên phù hợp. Suy nghĩ rộng thêm một chút là bình đẳng tánh trí, đồng nhất không phân biệt, cũng như đưa cái tâm chấp thủ xa khỏi mọi người giữa các tôn giáo đối với nhau, giữa các pháp môn đối với nhau, giữa những con người, chủng tộc, màu da, quốc độ khác nhau. Có như vậy mới thật sự xứng đáng tụng Chú Đại Bi và tụng chú Tâm Kinh Bát Nhã, tâm vô quái ngại, tâm vô quái ngại cố, tâm vô hữu khủng bố mới có thể viễn ly được điên đảo mộng tưởng. Nhưng chúng ta ít có tư duy nhiều về vấn đề đó mà để cho bị kẹt vào một chỗ mà ta tôn sùng là đúng bởi nó phù hợp với điều ta thích nghe, thích nói, phù hợp với dạng kiến thức ta thâu lượm, phù hợp với cái duyên của quá khứ mà nay ta áp chế rằng mình phải như vậy, họ phải như thế, cho nên ta đã nhọc công, tổn hao sức lực, đi khắp chốn giang hồ để bắt mọi người quy túm vào một chỗ mà ta cho rằng phải như vậy. Cho đến khi mệt nhoài, chẳng thể làm, ta lại than trời: “Phận đời là như thế! Thật tội nghiệp cho họ”.

Không! Không có gì phải tội nghiệp cho con người hết. Không có gì phải tội nghiệp cho họ hết. Và chẳng có gì cần phải quy mọi người vào lại một chỗ, vào một chốn, vào một mối. Duyên mỗi người mỗi khác. Nhìn thấu được điều đó là ta thực hành đúng với Tâm Kinh Bát Nhã. Ngũ uẩn giai không, vạn pháp vô thường, nhìn thấu vô ngã và ta sẽ phá tan đi mặc định của định mệnh, của số phận để không còn lầm lũi trong mê tín dị đoan, lệ thuộc vào những lời của những thầy bói toán, tử vi hoặc những vị đặt để những khuôn mẫu tư tưởng Phàm phu của họ như những cái thùng toàn rác rưởi của sự đau khổ, hôi thối trong đó để nhốt chúng ta vào trong, ngửi những mùi luân hồi, tử khí. Các bạn khổ chính là bởi vì các bạn thật dễ tin với những điều cuồng để người ta đã đóng khung vào khuôn mẫu, tròng cổ kéo bạn vào cái thùng đó, đóng kín lại để mùi tử thi trong bất thiện nghiệp muôn đời của bạn, nó xông lên, nghẹt thở, khổ lắm.

Định mệnh, duyên phận, duyên nợ được giải thích theo như khuôn mẫu của định mệnh phải chịu là hoàn toàn không đúng. Đồng ý là nhân quả tạo nên nhân duyên, nhưng thân kiếp làm người hiện thời, vốn nhìn thật sâu, Đức Phật đã thấu, trong thân kiếp của mỗi con người đều có trí tuệ và từ bi. Hai chữ “trí tuệ và từ bi” này có thể chuyển ngữ sang gọi là Phật tánh. Ta không nên tranh cãi về sự lý giải Phật tánh có hay không, mà theo như Bảo Thành, Phật tánh tức là trí tuệ và từ bi. Và Phật nhìn thấy trong mỗi một chúng sanh đều có mầm mống của từ bi – trí tuệ, đều có năng lượng đó. Và rồi, do sự phát nguyện ứng dụng từ bi – trí tuệ như thế nào thì mỗi người chúng ta thành tựu được nhân duyên hiện hữu trong cuộc đời. Và rồi do sự vận hành trí tuệ và từ bi như thế nào để ta bước lên từng nấc thang của nhân duyên, thay đổi cuộc sống, không bị ràng buộc trong định mệnh.

Nhất định các bạn và Bảo Thành đã từng nghe ai đó, có thể là những đấng ở bên trên, hữu hình hay vô hình, giáo lý hay Kinh điển, lời truyền hay lời dạy của bậc này, vị kia thường nói: “Tôn giáo mình, tông phái mình là nhất nhất, các tôn giáo đều không đồng”. Điều đó vẫn có! Bởi ở trên mạng, Facebook, các bài giảng của vị này hay vị kia trong tôn giáo này hay tôn giáo kia vẫn thường nói: “Tất cả những tôn giáo không đồng như nhau” nhưng cách nói bình dân của dân thường như Bảo Thành và các bạn là: “Các tôn giáo đều như nhau bởi dạy bằng tình thương và trí tuệ”. Chứ có tôn giáo nào dạy ác đâu! Nhưng người ta không chấp nhận như vậy bởi luôn luôn thủ đắc và nghĩ rằng tôn giáo mình mới là tôn giáo độc tôn, pháp môn mình học mới là phương pháp thượng thừa.

Trên đời các vị vua uống nhân sâm, ăn toàn là yến tiệc, uống toàn là những thuốc quý, ăn toàn những phẩm vật cúng dường cao lương mỹ vị, vậy mà chẳng bao giờ thọ mạng dài lâu bằng những người nông dân bình thường ăn mì, ăn khoai, ăn lúa. Cho nên có điều gì gọi là bổ nhất đâu! Bổ hay không bổ? Bây giờ củ sâm với củ khoai mì, cao lương mỹ vị với lúa ở ngoài đồng, cái nào mới gọi là bổ nhất? Bổ hay không, phù hợp với cách sống, nhân duyên của từng người trong cuộc đời, tâm hoan hỷ, vạn sự đều hay. Tâm rối loạn, tâm buông lung, tâm phóng dật thì dù có uống sâm, dù có ăn cao lương mỹ vị cũng chẳng khác gì độc dược đưa vào thân, chết sớm mà thôi.

Y chang như thế, các pháp môn không khác gì như vậy. Dù bạn được thọ và được truyền những pháp môn vi diệu mà tâm bạn phóng dật, tâm bạn phóng túng, tâm bạn không vững, thường để lăn trôi vào những vùng bất thiện thì tất cả những điều gì bạn nói, bạn tụng, bạn nghe chẳng khác gì như những nhát cuốc, những nhát xẻng đào mồ sâu thêm để chôn bạn vào trong đó. Mỗi người mỗi duyên, nhận cho rõ.

Trong cuộc đời của các bạn và đặc biệt Bảo Thành đây, có các mối quan hệ đối với thật nhiều các bạn và các đấng ở trong các tôn giáo khác biệt. Quan hệ trong cuộc sống đời thường, quan hệ để chia sẻ về cách học trong đời sống tâm linh, quan hệ trong những giềng mối làm việc từ thiện giúp đời, Bảo Thành luôn luôn kính trọng những vị đó dù khác tôn giáo, dù khác pháp môn, dù khác con đường tín ngưỡng, nhưng tất cả các đấng ấy, các bạn ấy đều đồng một trái tim biết thổn thức với những nỗi đau khổ của muôn người và đồng một trí tuệ nhìn thấu sự khổ đó và phát tâm san sẻ tình thương. Đây chính là nhịp cầu tri ân, đây chính là nhịp cầu Niết Bàn giải thoát cho chúng ta và đưa chúng ta gần lại với nhau, phá vỡ đi mọi sự khác biệt trong tôn giáo, trong quan niệm, trong pháp môn. Cởi bỏ tất cả mọi khuôn mẫu như người gò thùng gò nên cuộc đời này, để ta đi đâu cũng lỉnh kỉnh sự khác biệt như chuông mõ rình rang, bái lên bái xuống, tán tụng muôn đời mà chẳng thể biến mình thành những con người thật bình thường biết in dấu chân vào cuộc đời, mang yêu thương vào nơi khó nghèo, mang ánh sáng vào nơi tối tăm mà chúng ta cứ đứng đó tranh cãi, gièm pha, phân biệt, chê bai để đánh bóng những gì mình đang được thọ hưởng là nhất nhất ở trên đời.

Gương Đức Phật 45 năm trời giảng pháp, Ngài hòa mình vào trong mọi ngõ ngách của cuộc đời, tín ngưỡng của dân gian Bà La Môn thời đó và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc thời đó để mang trí tuệ và từ bi gieo mầm vào từng con người. Bởi Ngài thấy đoạn đường đi từ đau khổ, mê muội tới giác ngộ, giải thoát, hạnh phúc và an vui dài bằng sự mặc định của một con người. Điều duy nhất Ngài khai thị và hướng dẫn, chúng ta cần phải nghiên cứu và thực hành để thay đổi quan niệm gọi là cái gì cao, cái gì thấp như một mặc định rằng điều này là tuyệt đối đúng, điều kia tuyệt đối sai hoặc pháp môn, tôn giáo này mới là đỉnh đỉnh ở trên cao để rồi có ngăn ngại, tạo ra phiền não cho chúng ta.

Ngài luôn luôn hướng dẫn cho chúng ta thấy rằng duyên phận hay duyên nợ chẳng phải là định mệnh muôn đời ta phải chịu, mà duyên phận hay định mệnh hay duyên nợ chỉ là nhịp cầu đưa ta tới đây và với thân người vi diệu này, chúng ta phải lấy lại chủ quyền để thay đổi quốc độ chân tâm của mình cho thanh tịnh hơn. Chứ đừng ai bước qua bờ kia lại đứng giữa cái cầu và cứ than rằng tôi không thể tới bờ kia bởi cầu này dài hay ngắn. Cầu là để đưa ta tới bờ kia, nhân duyên là đưa ta tới chỗ này. Còn chúng ta có quyền bước qua nhịp cầu nhân duyên để tới được bến bờ hạnh phúc. Đừng để chiếc cầu bắc ngang dòng sông giữ chân ta lại, để khi dòng nước lên xuống, sợ hãi cuống cuồng.

Chúng ta, vận mệnh của cuộc đời trôi nổi nhiều lắm, nhưng duyên phận của chúng ta khác biệt vô cùng. Nếu quán chiếu thấu được các pháp vô thường, vô ngã thì nhìn thấy nhân duyên trong cuộc đời khác biệt, ta sẽ không sanh tâm chấp trược. Trong lòng sẽ hoan hỷ và từ đó ta không khác gì hoá thân của Bồ Tát, Mẹ hiền Quan Âm sẵn sàng mang trái tim nóng hổi của tình yêu, mang tâm có trí tuệ được thắp sáng đi vào khắp chốn nhân gian ta có duyên hiển ngự ở đó để thay đổi vận mệnh của cuộc đời, để san sẻ với những người đang bị mắc kẹt cứng ở trong vận mệnh của chính họ.

“Mỗi Người Mỗi Duyên” quán chiếu cho thấu, ta sẽ không còn tâm phân biệt, ta không bị kẹt cứng để cái tâm dễ sân, dễ giận mà giúp cho chúng ta dễ cởi mở, dễ tháo gỡ và trái tim rộng lớn hơn để đón nhận muôn người vào cuộc đời mà chẳng có chướng ngại. Sự tu tập ở đời với những pháp môn nhân duyên phù hợp khác lắm! Có những người chỉ niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật” là tịch tĩnh giữa cuộc đời, tái sanh. Có những người tụng niệm như vậy cả năm trời, vô lượng kiếp chẳng có được gì. Có những người vào rừng sâu núi thẳm, tịch tĩnh một mình, xả buông cuộc đời, nhìn vào vách đá, vậy mà giác ngộ. Cũng có những người bận rộn giữa kinh kỳ, thành phố, ánh sáng, tranh đua, tranh chấp, vậy mà tiếng ồn ào của xã hội đó chẳng làm lung lay sự tịch tĩnh, họ giác ngộ trong cuộc đời như vậy. Có những người tu Thiền, tu Mật, tu hành những pháp môn khác biệt, có những người có những nhân duyên theo tôn giáo này, tôn giáo kia, đó đều là nhân duyên hết.

Ngày nay thế giới đã mở rộng, con người đã gạt bỏ sự ngăn ngại giữa các tôn giáo, giữa các vùng miền, màu da, sắc tộc để không bị dính vào chỗ kỳ thị sắc tộc, màu da, kỳ thị phong tục tập quán, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị tín ngưỡng và niềm tin. Nhưng xét cho cùng, chúng ta không thích điều đó nhưng vẫn vướng vào kỳ thị pháp môn, tôn giáo. Nó vẫn tiềm ẩn, ngủ ngầm ở trong tim của chúng ta, trong cuộc sống của chúng ta. Để không những Phật tử mà các bậc tôn túc hay những bậc đại diện ở trong các tôn giáo vẫn mang những điều đó ra để tạo ngăn ngại cho hàng tín đồ của mình.

Không! Ngày nay không nên như vậy. Phải có một cái nhìn không ngăn ngại, tâm vô quái ngại. Phải có một cái nhìn nhận rõ nhân duyên mỗi người mỗi khác để từ đó ta thực hiện được hạnh xả ly phiền não mà xây dựng hạnh phúc trong cung bậc của từ bi thắp sáng đuốc tuệ mà đi mãi.

Trong hiện thời ngay bây giờ, cuộc đời của Bảo Thành làm việc từ thiện với các vị ở các tôn giáo khác thật là nhiều. Đối với những người Phật giáo, những vị tôn túc, Bảo Thành vẫn làm từ thiện chung. Dù là chỉ một việc thật nhỏ nhưng ý nghĩa cùng chung đồng hành trên con đường trí tuệ và từ bi, san sẻ yêu thương, chẳng có giai cấp, chẳng có phân biệt. Cùng làm việc với các vị Linh mục, các Ma sơ, các bậc Tôn túc, quý Thầy, quý Sư cô và ngay cả các anh em, bạn hữu đồng tu thuộc các tôn giáo khác cũng như Phật giáo, đối với Bảo Thành không có gì có chướng ngại hết. Bởi những ngôn ngữ tôn giáo đều được đặt ra bởi con người mà thôi. Sao để cho những ngôn ngữ do chính con người đặt ra đã biến thành những vạn lý trường thành ngăn cách chúng ta và chúng ta không đủ dũng lực để phá tan vạn lý trường thành chướng ngại đó để cho tình yêu được lan tỏa? Nếu kiếp làm người, bạn thọ pháp cao siêu mà tâm còn có chướng ngại giữa các pháp môn, các tôn giáo thì bạn thật sự chưa tu được điều gì, chưa thấu được bởi Đức Phật nói tất cả không nằm ngoài bốn chữ “Từ Bi và Trí Tuệ”.

Người có trí tuệ thì tâm không ngăn ngại, người có lòng từ bi thì không bị cột chặt bởi tất cả mọi sự chấp trược. Pháp Phật không phân biệt. Chúng ta đừng vịn vào những lý lẽ, lý luận riêng của mình hoặc của những người trong tông phái, trong giáo phái, trong tôn giáo mình theo để chấp nhận những điều nói như ta từng được nghe mà quên đi mỗi người mỗi duyên, khác biệt vô cùng, nhưng đồng một chất, chất từ bi yêu thương, đồng một chỗ sáng, sáng là trí tuệ được khai mở.

Nếu chỉ hiểu thấu được điều này thôi, ta đã an lạc vô cùng. Và hạnh xả ly đã được thực hành, ta sẽ thêm bạn, bớt thù, cuộc sống sẽ hạnh phúc lắm. Và câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên tương diện bất tương phùng” sẽ không phù hợp nữa bởi vì ta biết dung thông với mọi người. Để nếu như gặp người dù có nhân duyên hay không nhân duyên, thuận duyên hay nghịch duyên trong cuộc đời này, ta vẫn tác động bằng trí tuệ và từ bi để giây phút giao thoa, diện kiến nhau đó, vẫn tương phùng bằng trí tuệ và tình thương thì thật là tuyệt vời. Chứ không hao tổn thời gian, sức lực và năng lượng cho khi gặp nhau, bị định mệnh của cuộc đời, duyên phận của kiếp trước như những mũi chông mũi gai, như súng ống, như đạn dược, như những độc dược, như những thứ thật là ghê gớm trong cuộc đời xổ ra từ trong lòng để đối nghịch hoặc để đắm chìm trong cái điều thích thú khi phù hợp với chúng ta.

Suy nghĩ kỹ các bạn! Trong cơn đại dịch đang hoành hành nơi đây. Chúng ta thấy ở Việt Nam, đây cũng là một cơ hội tốt để chúng ta nhìn xuyên qua màn vô minh đen tối của sự chấp trược khác biệt giữa các tôn giáo, giữa các dân tộc, giữa các thôn xóm, giữa các con người Nam, Trung, Bắc. Thấy khổ là cứu, đó là hạnh nguyện của Mẹ hiền Quan Thế Âm. Nghe thấy khổ là tới, chẳng cần biết người đó khổ, chúng sanh đó khổ thuộc tông phái, tôn giáo, hệ thống, dân tộc, màu da, sắc tướng. Nghe được tiếng than khổ là tới.

Ta thật hạnh phúc trong trong giai đoạn lịch sử này, có cơ hội chứng kiến biết bao nhiêu vị Linh mục, Ma sơ, biết bao nhiêu quý Tăng Ni trong hàng Giáo Hội của chúng ta, biết bao nhiêu Phật tử và tín đồ các tôn giáo khác trên con đường hành thiện giúp đỡ, mang yêu thương vào nơi khó nghèo đó, chẳng tô điểm cho tôn giáo, tông phái, nhóm của chính mình mà chỉ mang trí tuệ và từ bi hành xử một cách thật khiêm tốn. Thật đáng tán thán và ca ngợi! Thật đúng là thời gian mà ta nên quán chiếu, dung thông thể nhập vào trí tuệ và từ bi của Phật để phá vỡ đi mọi sự ngăn ngại hiện thời, hầu cho chúng ta có cuộc sống bình an và hạnh phúc hơn. Hiểu được điều đó, ta có thể khế hợp vào đời sống của gia đình giữa hai con người vợ chồng của gia đình, giữa gia đình của ta và gia đình anh chị em ta, cuộc sống của gia đình giữa ta và các đấng bậc sinh thành.

Mỗi người mỗi duyên, đón nhận bằng tình yêu. Mỗi người mỗi duyên, nhìn nhau bằng trí tuệ thì sự khác biệt trong vợ chồng chẳng còn là những điều lấn cấn tạo ra sự đổ vỡ, đau khổ. Sự khác biệt giữa anh chị em dù là anh em họ, rể, dâu, cột kèo có khác thì cũng đồng một trí tuệ và tình thương. Dù cha mẹ thuộc về ý thức hệ trước hay con cái thuộc ý thức hệ gọi là văn minh hơn cũng đồng một chỗ yêu thương và trí tuệ.

Đạo Phật không phải đưa chúng ta đi tới một cảnh giới cao sau khi chết mà là hoàn thiện cuộc sống này bởi thân làm người vi diệu có trí tuệ và phẩm cách yêu thương từ bi cao tột thay đổi được gia tài thừa hưởng của duyên phận kiếp trước dù bất thiện, nghịch hay là dù thiện, thuận, ta vẫn thay đổi theo chiều hướng hướng Thượng tốt đẹp.

Hôm nay, ta chia sẻ để chúng ta phá vỡ quan niệm đừng thủ đắc, đừng chấp thủ vào những quan niệm, khái niệm cho là tuyệt đỉnh võ lâm, cao siêu vô thượng để từ đó ta cứ bới móc người này người kia sai, người này người kia không đúng. Chi cho mệt? Chỉ cần tịch tĩnh, thắp sáng đuốc tuệ, khai mở tình thương thì ngay chỗ đó, giữa ta và muôn người, giữa ta và Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền không có sự chướng ngại và ngăn cách. Ta có cơ hội diện kiến Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền và ta có cơ hội nhìn thấy Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền trong mỗi một kiếp người bình thường mà ta đang đồng hành trên cõi đời này.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau để chúng ta cùng hồi hướng công đức sau bảy biến Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán.

Thưa Phật! Con đã hiểu mỗi người mỗi duyên, chỉ vì chấp thủ không hiểu thấu đã tạo ra sự phân biệt giữa các tôn giáo, giữa các tông phái, giữa các pháp môn, giữa các con người, giữa các vùng miền, quốc gia, thôn xóm để chúng con dễ sa ngã vào vùng tối vô minh của bất thiện nghiệp.

Nay thấu hiểu mỗi người mỗi duyên, chúng con nguyện thể nhập vào trí tuệ tự tánh vốn có và lan tỏa yêu thương luôn tồn tại trong chúng con để cùng nhau vượt qua tất cả mọi thử thách trong cuộc đời mà chúng con đang đương đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy đồng hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay đến tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và cho đất nước Việt Nam của chúng con đại dịch mau qua. Cũng đồng hồi hướng cho toàn thế giới đều tìm lại sự bình an, hạnh phúc trong cuộc đời này.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts