Search

Bài 2094. Kiến Thức Thiển Cận | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, mời các bạn đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Phật ơi! Quê hương Việt Nam của chúng con thật nhỏ bé, vậy mà đại dịch lan tràn làm cho bao nhiêu con người khủng hoảng, sợ hãi, sự chết chóc đã dần kéo tới. Xin Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Thánh Hiền ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi để nương vào hùng lực ấy, gội rửa mọi nghiệp chướng và thắp sáng trí tuệ, soi dẫn chúng con biết hành thiện tăng trưởng phước đức, chuyển hóa bất thiện nghiệp để đại dịch mau qua.

Nguyện xin Chư Phật gia trì, chứng minh.

Hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Lời Đức Phật dạy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng trí tuệ. Mật ngôn Mu A Mu Sa là tiếp năng lượng từ bi từ Chư Phật để nuôi dưỡng mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn thắp sáng trí tuệ của chúng ta.

Hãy cùng nhau quán chiếu thân tâm trong từng giây phút với hơi thở Chánh Niệm vào ra. Chúng ta hãy nhớ tới các đấng bậc sinh thành, bạn bè, thân bằng quyến thuộc, chòm xóm. Tới tất cả mọi người đang chịu sự dằn vặt, đau khổ bởi đại dịch và sức ép của muôn trùng khó khăn đang tới. Nguyện cho muôn người đón nhận được ánh minh quang, tràn đầy năng lượng để cùng đứng vững, trụ trong cuộc đời, đương đầu với nghịch cảnh để vượt qua thật nhanh cơn đại dịch này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Các bạn thân mến! Không một ai trong chúng ta có thể cảm thấy thoải mái khi người nào đó nói rằng chúng ta có kiến thức thiển cận. Kiến thức thiển cận, chúng ta không chấp nhận là người bị cho là như vậy. Cho nên khi gặp gỡ nhau, trao đổi, nói chuyện, chúng ta thường bị kẹt vào ở chỗ, khi nói chuyện xong hoặc đang nói thì ta cảm nhận như đối tượng mà ta đang nói chuyện, người bạn, người thân hoặc ai đó là người có kiến thức thiển cận, và từ đó chúng ta dễ bực mình, khó chịu. Thông thường, ta dễ nhận ra những người ta có mối quan hệ trong cuộc sống là người có kiến thức thiển cận. Bởi nhìn người, nhận biết người và thấy người có kiến thức thiển cận thật dễ. Bảo Thành và các bạn thường nhìn thấy nhiều người có kiến thức thiển cận, nhưng ngược lại mấy ai trong chúng ta như Bảo Thành và các bạn có thể nhìn sâu vào cuộc đời của mình để nhận ra chúng ta cũng là những con người có kiến thức thiển cận vô cùng. Kiến thức thiển cận, thiển cận có nghĩa là cái nhìn hạn hẹp, cái nhìn không thấu, không rõ, cái nhìn quá nhỏ, cái nhìn chỉ bao bọc với thành kiến, định kiến của riêng mình. Thành kiến là gì? Là những nếp suy nghĩ theo chiều hướng định lượng với những điều gì mình cảm nhận của riêng mình do thói quen, theo chiều dài của thời gian sống chung với ai đó thẩm nhập vào hoặc do sự truyền dạy của đời trước đến đời này, hoặc do môi trường sinh sống hoặc do nếp sống, suy nghĩ riêng. Các bạn! Thật ra thành kiến làm mù lòa trí tuệ và tạo cho mỗi người chúng ta trở thành những con người có kiến thức thiển cận. Điều này thật rõ. Chúng ta hãy nghe thử một câu chuyện thời xưa, thế kỷ hai mươi thôi, chưa cũ lắm.

Vào những năm 1920 của thế kỷ hai mươi, một nhóm khoa học gia, những nhà nghiên cứu về văn học, về triết học, về những nền minh triết của đất nước khác, họ tới từ xứ sở sương mù là nước Anh, họ muốn đi tìm và hiểu những dân tộc khác, và thế là họ thân chinh đến miền đất Ấn Độ để tìm hiểu về tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, tập tục của người Ấn Độ. Họ đi khắp chùa chiền, đền miếu, tiếp xúc với các bậc tu sĩ, đạo sĩ, đạo sư, tiếp cận với các nền văn hóa Ấn Độ ở vùng miền khác biệt và cuối cùng sự nhận xét của họ là Ấn Độ là một nước thiếu văn minh, nơi đây toàn là tôn giáo mê tín dị đoan. Các vị đạo sĩ, các vị tu sĩ, đạo sư ẩn tàng dưới lớp đứng đầu của tôn giáo đó, toàn là lừa đảo bởi vì hình thức mê tín dị đoan. Họ không nhìn thấy một cái gì đẹp sau bao nhiêu ngày tháng tìm hiểu. Thế rồi, bên một dòng sông, họ gặp một vị đạo sĩ với thân tướng thanh thoát, lẹ làng, dõng mãnh, với ánh mắt thật sáng và tinh anh. Họ tiếp cận và họ được vị đạo sĩ đó nói rằng: “Tất cả các bạn có sự suy nghĩ của người Châu Âu, mang sự suy nghĩ, nếp suy nghĩ của Châu Âu để nhìn và soi vào sự suy nghĩ về nếp sống của người Ấn Độ thì suốt cuộc đời các bạn với thành kiến của cái nhìn như vậy, chẳng thể hiểu và thông cảm, đồng bộ để song hành, đi tới điểm đích của nền minh triết Ấn Độ đâu.”

Một trong những người đó là giáo sư Blair, giáo sư nhận ra rằng người Châu Âu suy nghĩ về người Á Đông như là những nhóm dân, những thổ dân thiếu văn minh, mê tín dị đoan và chẳng có gì tiến bộ, hay ho để họ tìm hiểu. Mang định kiến trong thành kiến đó để soi, họ không vượt qua được nên chẳng đồng bộ, thông cảm để nhìn thấy cái hay nơi xứ người gọi là Ấn Độ. Và họ họp lại với nhau, họ buông bỏ thành kiến đó, họ dời qua một bên và tới với tâm thái chỉ tìm hiểu, lắng nghe. Tiếp tục đi, họ tiếp xúc với những bậc ẩn sĩ trong những khu rừng xa hoặc những bậc đạo sĩ ẩn dật, họ có cơ hội lên những rặng tuyết sơn tiếp cận với những bậc đạo sư, và dần dần, họ khám phá ra một nền minh triết thâm diệu từ thiền định, giáo lý Phật giáo và tất cả những môn về thiên văn học, toán học của người Ấn. Và trong nhóm đó, họ đã viết lên cuốn sách “Cuộc Hành Trình Về Phương Đông”, cuốn sách thật mỏng nhưng mang ý nghĩa vô cùng.

Các bạn! Chúng ta có kiến thức thiển cận, có lẽ cũng bị cái bệnh như những người Châu Âu, người xứ sương mù nước Anh kia, mỗi người chúng ta có những thành kiến riêng tư được hình thành theo suốt chiều dài thời gian ta sống, kinh nghiệm, trải nghiệm của cuộc đời nơi môi trường và truyền thừa của ở người trên trong dòng tộc, trong thôn xóm hoặc có thể do một sự tuyên truyền nào đó nhiễm vào, nó hình thành nếp suy nghĩ, cách sống và thành kiến đó. Thông thường, thành kiến là sự suy nghĩ không được tích cực với một con người, thường là tiêu cực với một con người, một nhóm người, một cộng đồng, một quốc gia bởi do khác sự hành xử, tín ngưỡng, sinh hoạt trong đời sống, niềm tin nơi tôn giáo, sự thể hiện trong nền văn minh, văn hóa hoặc chính trị, hoặc giới tính, hoặc cộng đồng và từ đó thành kiến đó bao trùm trong tâm thức, suy nghĩ của chúng ta. Nó che mờ trí tuệ để rồi chúng ta gán ghép cho họ với cái nhìn thật thiển cận trong kiến thức hạn hẹp của mỗi người.

Phái đoàn kia đã không nhìn ra bởi cứ khư khư ôm lấy thành kiến của mình, cho tới khi rời bỏ để rồi kiến thức thiển cận của họ có một cơ hội cho con mắt tuệ mở ra, để nhận diện và tiếp cận với nền văn minh khác. Trong cuộc sống có biết bao nhiêu người trong chúng ta, các bạn và Bảo Thành, những bậc đạo sĩ, những con người bình thường, tất cả chúng ta thường dễ bị lây nhiễm thành kiến của mình để từ đó chúng ta không bước ra khỏi Vạn Lý Trường Thành của lớp kiến thức thiển cận, nhỏ bé, chấp trược của riêng ta. Từ đó mà các bạn và Bảo Thành, có thể là Phật tử và cũng có thể là những bậc xuất gia có một cái nhìn thật tiêu cực về một số người, về cộng đồng, về đồng bào của mình, về quê hương của mình hoặc về những dân tộc khác trên thế giới bởi luôn suy nghĩ rằng những dân tộc đó, những con người đó, những nhóm người đó, cộng động đó, tôn giáo đó, tín ngưỡng đó, nhóm đó, chùa đó đều không có kiến thức và thấy thương xót cho họ. Nhưng chẳng bằng sự mở mắt hòa đồng để cùng đồng tiến mà cứ vội vội vàng vàng chê bai, trách móc, tội nghiệp, thương xót, miệt thị, chê bai. Càng làm như vậy càng chứng minh chúng ta có kiến thức thật thiển cận, không biết nhìn xa. Khi có kiến thức thiển cận bởi đóng cứng trong khuôn khổ của thành kiến của riêng mình, chúng ta bị mắc kẹt. Và thường là chúng ta bị ảnh hưởng do sự tuyên truyền hoặc niềm tin do nếp sống, môi trường ta tiếp cận để làm mù lòa trí tuệ, không còn nhìn thấy cái đẹp nơi người khác.

Nhóm người Anh đó, sau khi đã rời bỏ thành kiến thì có cơ hội nhìn thấy trong lớp vỏ bề ngoài hình như mê tín dị đoan, thiếu văn minh, lừa đảo của người Ấn Độ là một nền minh triết siêu việt. Chúng ta, nếu như để cho thành kiến che mờ tạo thành kiến thức thiển cận, nhất định ta không thể thông cảm để đi vào cái đẹp cái hay của mỗi người chúng ta tiếp xúc, mà thông thường là đi với sự chê bai một cách thật tiêu cực để dìm hàng, để trách móc, để than thở, để tội nghiệp cho họ. Âu cũng là vì chúng ta có kiến thức thật thiển cận. Bởi thế trong tình bạn, nếu ai có kiến thức thiển cận bởi dính mắc quá sâu vào thành kiến, định kiến của riêng mình thì nhất định trong những sự giao hảo của tình bạn chẳng bền vững bởi ta luôn luôn chê bai, trách móc bạn của mình, chê bai, trách móc nhóm của mình và coi mình như là người đỉnh đỉnh trên cao thấy tất cả, hiểu tất cả nhưng thật ra, chúng ta như con cóc bị rớt vào trong giếng sâu của thành kiến riêng mình, nhìn trời chỉ to bằng cái vung, cả cuộc đời chỉ lặn lội, lặn ngụp trong mớ kiến thức thiển cận đó và rồi kêu rầm trời lên. Có!

Trong cuộc sống cũng như vậy, mối tương giao giữa vợ chồng và mọi người, giữa con người và con người thường bị điều cho rằng thành kiến của chúng ta là kiến thức tuyệt hảo để rồi luôn luôn nhìn xuống người tầm thường nhỏ bé thương xót, để rồi mang tâm cứu rỗi, cứu độ, cứu vớt. Thành kiến đó đã che mờ trí tuệ và tạo ra thật nhiều những con người có kiến thức thiển cận. Như phái đoàn kia chê bai người Ấn Độ là mê tín dị đoan, không có văn minh thì thật nhiều người trong chúng ta cũng chê bai bạn của mình mê tín dị đoan, không văn minh, thiếu kiến thức. Thậm chí ngay cả các bậc xuất gia, tức là thuộc vào các đấng tôn túc Tăng Ni khi có cơ hội tiếp cận với những nền Phật giáo của nước ngoài như Tây Tạng, Ấn Độ, Sri Lanka hoặc Phật giáo Nam Tông Nguyên Thủy hoặc Đại Thừa bên Đài Loan, Trung Quốc, thủ đắc những kiến thức mới được học rồi thần tượng hóa kiến thức đó lên bậc cao ngất trên đỉnh trời, nhìn ngược lại nền văn minh và nền văn hóa cũng như Phật giáo nước nhà trải qua bao nhiêu ngàn năm thì thấy nó cũ kỹ, tràn đầy những hình tướng mê tín dị đoan, thấp kém, không có văn minh và tiến bộ, như người Anh nhìn người Ấn Độ thời đó, nhưng trong cuộc hành trình đó, họ đã viết ra cuộc hành trình về phương Đông nói đến một nền minh triết tàng ẩn ở trong những màu sắc tầm thường mà nếu như có thành kiến thì không thể nhìn ra. Và rất nhiều người trong chúng ta, những người khoác áo xuất gia, kiến thức uyên thâm, có thể là những luật sư, tiến sĩ hoặc những người cho rằng kiến thức bao trùm cả vũ trụ, nhìn ngược lại nền văn minh và Phật giáo của Việt Nam chúng ta, chẳng thể vượt qua được bức tường thành của thành kiến riêng tư cho nên họ chỉ thấy mù mờ trong sương khói mê tín dị đoan của một nhóm người, của một số người, của một số vùng miền và phán quyết ngay tại chỗ: “Phật giáo Việt Nam chúng ta toàn mê tín dị đoan và thương xót cho Việt Nam”. Nhưng họ đâu biết rằng nếu họ buông bỏ những thành kiến học lỏm, lượm lặt của những nền được gọi là văn minh, minh triết của các nước Phật giáo khác như Tây Tạng, như Ấn Độ, Sri Lanka hoặc của Bắc Truyền, Nam Tông hoặc các nền Phật giáo khác thì họ sẽ có một cơ hội trở về với một nền minh triết thâm diệu của cha ông Việt Nam chúng ta trải qua hàng ngàn năm ẩn hình trong những sinh hoạt rất tầm thường, đậm nét văn hóa Phật giáo Việt. Nếu bạn có thể vượt qua những thành kiến đó, bạn sẽ lột vỏ để đi vào cốt lõi một nền minh triết thâm diệu, cao siêu vô cùng. Chắc có lẽ nếu làm được như vậy, bạn sẽ viết được cuốn sách không phải là hành trình về phương Đông mà là một cuốn sách hành trình về cõi chân thật nơi mỗi nền văn minh, văn hóa, tâm linh của từng vùng miền. Nhưng tiếc thay, chúng ta không phá vỡ được bức Vạn Lý Trường Thành của thành kiến riêng tư để rồi nhốt mình vào trong cái giếng của thành kiến đó. Ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung, kêu la tối ngày, đến khi rục xương chết dưới hồ sâu cũng chẳng biết được gì.

Người có kiến thức thiển cận là để cho thành kiến bao trùm và thành kiến như một loại virus nguy hiểm vô cùng, lây lan trong não bộ, ăn mòn não bộ của chúng ta, làm cho não của chúng ta hẹp, nhỏ bé trở lại và tạo cho chúng ta có một cái nhìn không thông thoáng, cái nhìn của chúng ta hạn hẹp vô cùng. Và nó biến chúng ta thành những con rối thích tranh chấp, lý luận, hý luận, tranh giành, thích hơn người, thích đè người ta xuống, thích vươn mình lên như một đấng cứu độ để cứu đồng bào, để cứu dân tộc, để cứu bạn bè, để cứu người thân. Từ đó, nó tạo ra sự chia cắt giữa người và ta, và làm cho mọi người nhìn ta như kẻ khùng, kẻ điên bởi lúc nào cũng tỏ ra thương hại, cứu vớt họ nhưng chẳng biết thương hại, cứu vớt mình thoát ra khỏi cái giếng thành kiến sâu thẳm trong vùng tối thiển cận của kiến thức lượm lặt, vay mượn đâu đó.

Trí tuệ của nhà Phật không phải là thể loại kiến thức vay mượn mà là một sự quán chiếu thật sâu bằng Chánh Niệm hơi thở, bằng năng lượng từ bi, bằng sự buông xả bởi hiểu thấu vạn pháp vô thường và vô ngã, chẳng có cái tôi để thấy được cái tâm Không rộng lớn thênh thang, dung nhiếp, bao trùm tận hư không pháp giới như không khí để có thể hòa tan vào mọi sự suy nghĩ, kiến thức của nhân loại để đồng hành, tương thông, thông cảm. Để biến mất không còn cái tôi, để nhận rõ vạn sự tới lui và để hài hòa trong tình thương yêu. Cách sống như vậy là cách sống tăng trưởng kiến thức. Các bạn và Bảo Thành nếu chúng ta muốn tiến bộ, muốn thành công, muốn sống hạnh phúc và muốn thành tựu được những ước mơ cao cả, thánh thiện, thiện lương, chúng ta phải biết dẹp bỏ kiến thức gọi là thành kiến của riêng mình bằng cách để cho mình có cơ hội nhìn thấu mọi người để nhận ra cái đẹp, cái cao quý trong sự suy nghĩ, hành xử và cách sống của từng người. Đây là cái nhìn của Thế Tôn chứ không phải là cái nhìn mà Bảo Thành và các bạn nói tới. Bởi Thế Tôn đã bỏ qua thành kiến do Ngài đã chứng đắc là Phật nên Ngài không nhìn như một vị thái tử, một vị vua trong tương lai mà Ngài nhìn bằng mắt trí tuệ của một vị Phật, tức là vị đã tỉnh giác, đã giác ngộ. Cho nên Ngài thấy tất cả mọi chúng sanh đều bình đẳng tánh trí và đều sẽ là Phật trong tương lai. Đây chính là cái tuyệt vời mà hầu hết người Phật tử cũng như những chư vị xuất gia, nếu cứ khư khư ôm lấy thành kiến của mình sẽ không nhìn ra. Cho nên thường chê bai, chùa này chùa kia, tông này phái kia rồi cho rằng nền Phật giáo ta học là cao cao đỉnh đỉnh. Học được Kim Cang Thừa của Tây Tạng thì coi nhất nhất ở trên cao, học được Nguyên Thủy thì coi như đỉnh đỉnh ở trên trời, học được Đại Thừa thì bao la bát ngát chê họ là nhỏ, cho ta là lớn, đâm ra đối pháp chấp pháp. Nhưng đó chỉ là sự vụn vặt, thâu lượm, chắp vá của những nền kiến thức được co cứng trong những thành kiến của một nhóm người mà thôi.

Đức Phật không co cứng, Ngài hài hòa với Bà La Môn thời đó, các tôn giáo địa phương bản địa, địa phương ở Ấn Độ thời đó, mang chân lý gieo vào từng vùng miền tùy theo căn cơ, thế mới gọi là Bậc đại giác đại ngộ. Nhưng ngày nay chúng ta có thói quen trong hàng Phật tử cũng như các bậc xuất gia, khoanh vùng thành kiến trong kiến thức thiển cận của mình, chỉ biết một chút xíu về Phật giáo ở điều được tuyên truyền, dạy dỗ và tiếp cận trong môi trường có nhân duyên, từ đó chúng ta xem rằng nó là to, là lớn, là cốt lõi của tất cả, từ đó chê bai những niềm tin và sự tu hành mật pháp của một nền Phật giáo tàng ẩn nơi dân tộc Việt Nam chúng ta.

Các bạn nhớ, nếu các bạn đi sâu vào lịch sử Phật giáo Việt Nam, một nền minh triết thâm diệu được thể hiện qua các đời nhà vua như vua Trần, vua Lý, tuyệt vời vô cùng. Chúng ta là hậu duệ, con dân Việt ngày nay, kiến thức nhỏ bé, thấy vậy mà vẫn cho Phật giáo Việt Nam vẫn còn mê tín dị đoan, coi thường là bởi vì chúng ta chưa cởi bỏ được thành kiến của mình, chưa nhìn xuyên qua những hình ảnh mờ tịt của những sinh hoạt Phật giáo dân gian để đi vào nền minh triết thâm diệu của ông cha ta. Như nhóm giáo sư ở nước Anh đi tìm hiểu về Ấn Độ mà mang cách suy nghĩ của người Châu Âu nên chẳng khi nào họ thấu hiểu được, đến khi họ gạt bỏ ra, trên những rặng tuyết sơn trong rừng sâu núi thẳm, tiếp cận được các bậc ẩn tu, ẩn sĩ, họ mới ngộ ra Ấn Độ là một đất nước văn minh trong đời sống tâm linh, cao siêu, nhiệm mầu, vi diệu vô cùng.

Các bạn! Thành kiến làm mù trí tuệ và biến chúng ta thành những con người có kiến thức thiển cận để đi đâu cũng oán trách, cũng chê bai, cũng coi thường và biến chúng ta trở thành con ếch ngồi dưới đáy giếng sâu, bị thành kiến của mình bao vây, trùm khắp, không thể thoát. Thông thường, những người có kiến thức thiển cận do thủ chấp và thủ đắc thành kiến lượm lặt, vụn vặt, mượn chỗ này, mượn chỗ kia vá vào làm nên của mình thường hay chê bai người khác, thường hay coi thường người khác, thường hay nói suy nghĩ, viết hoặc hành động một cách rất miệt thị, coi thường. Họ coi thường người thân, họ coi thường ông cha, coi thường dân tộc, coi thường nơi họ sinh ra bởi nay đã mượn được chiếc áo, chiếc áo của tiếng kêu nơi con ếch dưới đáy giếng sâu, họ gầm họ thét, họ làm kinh sợ bản thân của họ chứ thật ra mọi người đều nhìn về họ như một người khùng mà thôi. Bởi họ quanh năm suốt tháng chỉ quẩn thân trong đáy giếng sâu, chưa một lần được thoát ra để có thể nhìn trời cao đất rộng. Hãy thương những người như vậy, để cầu mưa ân điển như từ trời đổ xuống cho nước dưới giếng dâng lên, ếch có một lần thoát ra, nhìn thấy trời mênh mông vô tận mới thấu hiểu rằng: “À! Ta đã tự nhốt mình vào giếng sâu của thành kiến để biến thành tự kỷ, tối ngày chỉ biết kêu”. Nếu các bạn đang vướng vào những cách để tạo cho mình có kiến thức thiển cận bằng khư khư ôm lấy thành kiến của mình thì các bạn sẽ luôn luôn cảm thấy bực bội, khó chịu bởi đi đâu các bạn cũng cảm thấy người ta quá dở, quá kém, quá yếu, quá tầm thường, quá mê tín, quá dị đoan. Và rồi trong lòng cứ mang tâm cảm rằng thương xót họ, tội nghiệp họ, muốn cứu vớt họ, muốn giúp đỡ họ nhưng chẳng thể cứu vớt, giúp đỡ mình thoát ra.

Đạo Phật là phá chấp. Đối pháp không chấp pháp, đối tướng không chấp tướng, đối tâm không chấp tâm, Tâm – Cảnh – Pháp nhất như như một, đều là vô thường sanh – diệt, chẳng có ngã. Nếu thoát ra được, hiểu thấu được điều đó thì chúng ta có cái nhìn đồng đẳng với nhau và lời khai thị của Phật sẽ thể nhập vào trong tâm: “Chúng sanh đều bình đẳng tánh trí, các pháp đều vô ngã và đều vô thường, chẳng cao chẳng thấp, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng cấu chẳng tịnh”. Có được tâm thái như vậy thì tâm của chúng ta không còn chướng ngại, không bị khủng bố, không bị điên đảo thì cái tâm đó mới có thể đi tới Niết Bàn giải thoát. Tâm đó là Tâm Kinh Bát Nhã dạy thật rõ, thế nhưng ở trong đời, Bảo Thành và các bạn tụng đọc hằng ngày, thuộc làu làu như con vẹt mà chẳng thẩm nhập vào được. Cứ thế so đo từng chữ, cứ thế so đo từng hành động, từng hành vi, từng tiếng nói rồi toát lên mùi hôi thối của ác nghiệp, ác khẩu, ác tâm, biến mình thành trung tâm điểm của đại dịch lan truyền và lây nhiễm những sự độc hại cho muôn người.

Thành kiến che mờ trí tuệ, kiến thức thiển cận là loại vi trùng nguy hiểm. Ai khư khư ôm lấy thành kiến của mình là người có kiến thức thiển cận, người đó như đang uống thuốc độc mỗi ngày vào trong thân, tẩm vào trong tâm mà lại sợ người khác chết vì độc dược. Người đó như đang tự tử trong từng giây phút, giết chết cuộc đời mà lại sợ người khác tự tử, giết chết đời sống tâm linh bằng sự mê tín dị đoan.

Con mắt trí tuệ là con mắt của từ bi, con mắt của tình thương, con mắt nhìn thấy sự bình đẳng tánh trí giữa muôn loài để sống thảnh thơi, thong dong và tự tại, có một cái nhìn viên dung, không bị cứng kẹt trong bất cứ một góc cạnh của nếp suy nghĩ nào do chính ta bị ảnh hưởng bởi môi trường, bị tuyên truyền hoặc thụ hưởng nơi thôn xóm hoặc nơi một vị nào đó ta tôn sùng, thần tượng mà phải có một cái nhìn như Đức Phật là bình đẳng. Và nói được lời như Đức Phật: “Tất cả chúng sanh đều bình đẳng tánh trí và nơi chúng sanh đều có Phật tánh và sẽ thành Phật”. Ngài không hù dọa, nói chúng ta xuống, Ngài sách tấn và nâng chúng ta lên bởi thấy rằng nơi chúng ta có Phật tánh và sẽ thành Phật. Khi Ngài thành Phật, Ngài nói một câu tuyên ngôn tuyệt vời là chúng sanh đều có Phật tánh và sẽ thành Phật chứ không bao giờ nói chúng sanh sẽ bị đọa địa ngục. Lời tuyên ngôn về pháp giải thoát làm cho chúng sanh mừng vô cùng. Bởi nhận ra chúng sanh có Phật tánh và trong chúng sanh tầm thường như Bảo Thành, các bạn sẽ thành Phật thì ai mà không hoan hỷ dấn thân, đi theo và thực hành chân lý của Đức Phật. Nhưng nếu Đức Phật khi giác ngộ, nhìn thấy chúng sanh là địa ngục, mang địa ngục ra để hù dọa thì nhất định chúng ta chẳng gần gũi được Phật đâu. Trong giáo dục, nếu chúng ta mang tâm lý hù dọa, đè bẹp, chê bai, trách móc, coi thường, thương xót thì nhất định những đứa trẻ hoặc những người đang học trong nền giáo dục đó lúc nào cũng bị mặc cảm, tự ti, khó có thể tiếp cận được. Nhưng trong nền giáo dục, chúng ta sách tấn, khích lệ thì nhất định sẽ thành công. Đức Phật đã khích lệ mọi chúng sanh khi Ngài giác ngộ và thấy rằng trong chúng sanh có Phật tánh và sẽ thành Phật, tức là Ngài đã nhìn bằng ánh mắt viên tuệ, kiến thức bao trùm. Chúng ta học Phật, nếu không thể thành Bồ Tát, Thánh Hiền, thành Phật, không thể thành những người có đức hạnh thiện tri thức thì ít nhất cũng hình thành một nếp sống mang lại sự bình an trong gia đình của đời sống vợ chồng, con cái, cha mẹ, đối nhân xử thế. Và để muốn như vậy, ta phải phá vỡ đi cách suy nghĩ rằng mang kiến thức thiển cận của chúng ta được xây dựng trên thành kiến, định kiến riêng tư đào hố, xây lũy, xây thành nhốt chúng ta lại và khư khư cho rằng mình lúc nào cũng đúng, người lúc nào cũng sai. Để từ đó, như chuốc độc vào thân, tự tử trong từng giây phút, chết dần từng tháng ngày.

Hãy tỉnh thức, hãy sống, sống trong sự tĩnh lặng của Chánh Niệm để chúng ta đừng bị thành kiến ràng buộc nữa. Cởi bỏ lớp áo đó đi, màu sắc đó chẳng thể tiếp cận được với ánh sáng của mặt trời của trí tuệ đâu. Hãy sống thật chân thật và khiêm tốn. Hãy sống trong Chánh Niệm từng giây phút, hãy nương bóng từ bi của Chư Phật và hãy thắp sáng trí tuệ bằng sự quán chiếu thấy rõ vô thường, vô ngã để chúng ta không bị mắc kẹt trong những thành kiến, định kiến của mình. Để từ đó tháo gỡ những sự đau khổ rối rắm, rắc rối trong mọi luồng cảm xúc, suy nghĩ và trong mọi sự ứng xử, hành động của chúng ta để tạo ra một nền hòa bình, an lạc nơi đời sống của chính mình và gia đình. Nếu chính ta chưa có sự an lạc và hạnh phúc, nếu ta chưa thể có sự an lạc và hạnh phúc với người thân, với gia đình thì suốt cuộc đời của các bạn chẳng thể làm được một điều gì. Bởi bạn là người chỉ thủ đắc định kiến riêng tư với mớ kiến thức lượm, chắp vá để khoác lên mình dưới ánh hào quang của loại kim cương giả làm bằng những mảnh chai mà thôi. Cái đó nhìn có vẻ hào nhoáng nhưng giá trị không có thực, năm tháng trôi qua, mọi người sẽ nhận rõ, nhất là trong sâu thẳm chúng ta nhận ra mình như thế nào.

Người tu Phật là người nhận ra chính mình, nhìn thấu chính mình và giải thoát cho mình khỏi sự bao vây, kìm hãm của thành kiến nhỏ bé. Đừng biến mình thành người có kiến thức thiển cận để gây đau khổ cho bản thân, lây lan vi trùng, lây nhiễm, tạo khổ và gây ra sự chết cho muôn người. Sống nên có ý thức, nếu bạn hiểu thấu được điều này có nghĩa bạn đã có được chìa khóa, chìa khóa để đi vào hạnh phúc, mở cửa của những sự bế tắc để tháo gỡ tất cả mọi điều rắc rối trong cuộc đời. Chẳng cần mơ ước, tương lai của bạn nhất định sẽ thành công. Muốn thành công, muốn học hỏi những điều mới mẻ, bạn phải gỡ bỏ thành kiến, biết dung thông bước vào để khám phá, cho mình một cơ hội mở con mắt nhìn thấy những ưu điểm siêu việt của từng người khi họ sinh ra trên đời và không nên so sánh. Nếu bạn từng so sánh đối với những thành kiến như thế để tạo thành kiến thức thiển cận thì bạn thường hay chê trách, mang người nhà so sánh với người ngoài: “Ồ! Sao cha mẹ của ta không như cha mẹ của người đó, sao vợ chồng của ta không như vợ chồng của người đó, sao con cái của ta không như con cái của người đó, sao nhà của ta không như nhà của người đó, sao ta không như người đó”. Ta thường so sánh giữa cái thuộc về ta với người, đó là một thể loại thành kiến tạo ra kiến thức thiển cận nên tự dày vò lương tâm, làm khổ bản thân, gây sự khó chịu cho muôn người. Bởi nào chúng ta hiểu rằng, cha mẹ, ông bà, người thân của chúng ta sống với chúng ta cả cuộc đời, còn những người ở bên ngoài mà ta hay so sánh như vậy, ta có hiểu đâu, ta chỉ tiếp cận với họ chỉ một thoáng qua như áng mây hồng mà thôi. Khi nó tan biến đi rồi, bởi đường dài biết sức ngựa, thức đêm mới biết đêm dài, chúng ta quá vội vội vàng vàng khoác cái áo choàng của sự mới nhìn thấy và phủ nhận tất cả những ưu điểm của những người hằng chung sống với chúng ta.

Đặc biệt nhớ, chúng ta sinh ra ở đâu, ta có phước duyên ở đó, những gì chúng ta học hỏi được đều là phước báu nhiều đời nhưng không phải ta sinh ra ở đó, ta mặc lên những hình thái đó, ta học được những điều đó, ta khư khư ôm lấy mà chúng ta phải biết đặt qua một bên, dung thông với tất cả. Như vũ trụ này mênh mông vô tận, không có sự ngăn ngại bởi những bức tường thành của những thành kiến, định kiến. Cho nên ta ở đâu là ta trở thành một với tận pháp giới của hư không, trí tuệ của hư không, trí tuệ của vũ trụ luôn luôn cùng với ta đồng hành trên mọi nẻo đường để tạo phước cho chính mình và có đời sống hạnh phúc. Hãy dừng ngay sự thủ đắc và chấp thủ vào thành kiến của mình để chê bai, nhục mạ, coi thường, để làm mù lòa con mắt trí tuệ, không còn có khả năng nhìn thấu một nền minh triết tàng ẩn nơi các nhóm, các dân tộc, các con người, các quốc gia. Và làm mù trí tuệ không còn nhìn thấy ưu điểm, cái đẹp của những con người ta đang sống chung cũng như những con người ta đang tiếp cận hằng ngày trong cuộc sống.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ vào bàn tay Từ Bi.

“Thưa Phật! Chúng con, tất cả đều là những người có kiến thức thiển cận bởi bám chấp vào thành kiến của riêng mình, nhục mạ, chê bai, gièm pha, coi thường những ưu điểm cao tột của người khác. Nay thành tâm sám hối, một lòng thành đón nhận năng lượng từ bi của Phật và nguyện xin quý Ngài thắp sáng trí tuệ để chúng con nhìn rõ mà thoát ra khỏi cái giếng sâu của thành kiến, định kiến, kiến thức vụn vặt, chắp vá, lượm vặt, vay mượn để hòa nhập vào với trí tuệ của đấng giác ngộ là đấng Bổn Sư, các bậc giác ngộ Bồ Tát, Thánh Hiền, thiện tri thức.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức và phước báu trong sự đồng tu nếu có hôm nay tới tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Hồi hướng cho tất cả quý Phật tử, tất cả mọi người trong lúc này, đặc biệt ở Việt Nam vượt qua mọi chướng ngại của sự khác biệt, mở rộng lòng từ tâm, biết làm từ thiện cứu đói người dân trong thời gian giãn cách, ngăn chặn còn kéo dài, chưa biết lúc nào mới được mở cửa thái bình trở lại.

Nguyện xin mọi người hãy làm bằng sức thiện tâm, tuy rất nhỏ nhưng công đức vô lượng.

Xin Chư Phật gia hộ.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts