Search

Bài 2046: Cỏ Dại Bên Đường | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facbook Chua Xa Loi.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ Trí Tuệ, sáng suốt quán chiếu, nhìn thấu được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng thành tâm ngưỡng cầu lên Đức tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, tiếp dẫn hương linh Bảo Linh, một Phật tử bạn đồng tu của chúng con tới thời thọ mạng viên chung, từ giã cõi trần. Xin hương linh hãy nương bóng Từ Ân của Đức A Di Đà Phật, theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh giới thiện lành.

Mời các bạn đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Lấy Từ Bi và Trí Tuệ thể nhập vào hơi thở Chánh Niệm vào ra nhẹ nhàng, buông thư và tự tại. Hãy ngồi xuống lắng đọng tâm hồn, hãy thắp sáng Trí Tuệ để đón nhận năng lượng Từ Bi của Phật. Chúng ta hãy buông bỏ vạn sự phiền não, lo toan ở trong đời, nơi đây, tại đây, lúc này đây, chỉ có ta thể nhập nhất như với Thể Tánh của Phật trong thân tâm này. Đức Phật, ngày lễ Phật Đản vẫn còn đây, bóng Từ Ân Đức Giác Ngộ vẫn nơi đây, ta hãy trở về với cội nguồn, đón nhận năng lượng tình thương.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, chúng ta thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Xin chào các bạn, hôm nay là thứ hai đầu tuần. Hôm qua tại nước Mỹ, ngày đầu tiên của tháng 05, nhiệt độ lên tới 90oF tại tiểu bang Maryland, ngày lễ mừng Phật Đản, trời thật là nóng nhưng những bông hoa ngoài Phật đài Quan Thế Âm trước cảnh của sân Chùa đều đua nở thật lớn và thật đẹp dù trời rất nóng. Cái nóng đó không làm cho nước khô và bốc hơi thật nhanh vì trên toàn bộ mặt đất được phủ một lớp cỏ xanh, hai bên đường đi cỏ phủ kín, nhẹ, đẹp, xanh, giữ cho độ ẩm của nước vẫn còn đó dù mặt trời đứng bóng và thật nóng.

Trong những ngày cuối của tháng 05 dương lịch, lớp cỏ tuy gọi là cỏ dại không hẳn như “Cỏ Dại Bên Đường” là chủ đề mà các bạn đặt nghe thơ mộng nhưng ít nhiều gì sự lợi lạc của cỏ dại phủ bên đường hay trên nền đất của sân Chùa hoặc khắp nơi trên nước Mỹ đều cho chúng ta thấy một màu xanh hy vọng thật đẹp, trải rộng, phủ kín nền đất trơ trọi, bụi bặm. Mà thật sự! Khi mệt mỏi, chúng ta có thể ngả lưng xuống đồng cỏ xanh, vẫn có thể thả hồn mơ mộng lên cõi trời cao, chạm vào những cung sao tinh tú ở trên trời như một lần trở về với tuổi thơ chập chững biết đi, ngỡ ngàng trước bao nhiêu cảnh giới cao rộng của trời đất.

“Cỏ Dại Bên Đường” là một chủ đề thật dễ thương nhưng có liên quan gì tới Vô Thường? Liên quan gì tới Khổ, Vô Ngã? Liên quan gì tới mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang? Không biết có liên quan gì hay không nhưng ít nhất là người Việt chúng ta, chúng ta vẫn nghe đâu đó vang vọng một lời ca hình như là qua một rừng hoa của một vị vua nào đó thấy một bông hoa trinh nữ ở trên đường, vừa chạm tay thì hoa đó như e thẹn, ngại ngùng, khép mình ẩn núp. Thời nhỏ cứ nghe bài hát hoa trinh nữ qua một rừng gì đó, thấy hoa trinh nữ gì đó, một vị nào đó chạm vào rồi hoa khép lại, chẳng hiểu là hoa gì. Mãi sau này cũng lần mò trong dân gian tìm hiểu về hoa trinh nữ, hóa ra đó là loài hoa cùng với đám bạn từng chơi. Nó gọi là hoa mắc cỡ, chạm vào nó chúm chím mỉm cười co mình núp đi.

Có phải chăng hoa mắc cỡ cũng chỉ là cỏ dại ở bên đường mắc cỡ với muôn người trong thế sự qua lại? Hồi đó là chuyện của bài hát một chuyến đi ở Việt Nam trong cuộc đời lội ngược với thời gian để kiếm sống. Nếu hiện tại ta nhìn hai bên đường, cỏ hình như đã trơ trụi, người ta phát triển không kịp để xây nhà cửa, những mảnh đất xưa ông bà còn đó, bề rộng có, bề sâu có, nay cắt nhỏ nhỏ túm lại chia thành lô, thành đất nền xây nhà con cháu. Và rồi bên tả bên hữu, đằng trước đằng sau, xưa vẫn còn có cụm chuối, cụm tre, có cây ổi, cây mít, đôi khi vẫn có mùi vị chua chua để nước bọt chảy ra đó là cây chùm ruột, cây me, cây khế. Quê hương một thời, chẳng phải về đồng quê mà nơi nhà mình vẫn còn có cỏ, vẫn còn có cây, có cái vườn nhỏ để chúng ta ít nhất ngồi ở bên ngoài hóng gió rồi nhìn bóng cây mát, ngắm những trái cây mới trổ, uống một tách trà, nói chuyện với bạn bè. Ngày tháng đó chẳng còn bởi vì sự sống của con người, cây ở vườn cũng bị đốn, đất cũng bị chia nhỏ để mọi người xây nhà, và rồi thứ cỏ ở bên đường kia làm sao còn có chỗ để nương thân? Nhổ trụi!

Đi đây đó, ngày xưa đi, về nhà người sạch trơn, đẹp, chẳng sợ còn ngày nay đi chút xíu, sau một đoạn đường chưa kể là dài, dừng lại một chút, sờ lên trên má thấy bụi bặm dính đầy. Bụi hai bên đường đã bay tán loạn khi dòng trôi cuộc đời ngược ngược xuôi xuôi và ai đó lặn lội trên con đường đó, bụi bên đường bám chặt trên người. Để rồi từ những khuôn mặt đẹp, thơ ngây ta còn nhận ra nhau ngày xưa ấy, nay dần trùm kín, thậm chí còn mặc áo thật dày, tay dài che kín vào mùa hè. Lỡ trên đường gặp nhau chẳng biết nhau, chẳng thể gật đầu chào một tiếng hoặc chẳng nở nụ cười thân ái bởi còn nhận ra nhau đâu. Cũng bởi vì cỏ đã trơ trụi, đất đã phơi mình, bụi đã bay lên khi ta ngược xuôi nơi đó.

Trên thế giới, người ta tính nước mà bụi nhất có thể là Trung Quốc, kế kế hạng lớn đó, hình như Việt Nam cũng rất bụi. Cây ăn trái còn đốn hết, những cây cổ thụ còn thưa thì cỏ bên đường ai nhớ ai thương? Rụi! Chẳng ai để ý. Ở Mỹ, người ta tôn trọng cỏ ở bên đường, người ta trồng bông, người ta khoanh vùng, vẫn phải để cỏ mọc và luôn luôn, đó là một cái đẹp nơi tâm hồn người sống bên Mỹ. Nhiều người Việt thấy vậy bảo: “Ôi! Người Mỹ họ thương cỏ, họ quý cỏ”. Người Mỹ họ quý trọng thiên nhiên là bởi vì họ thấy được sự lợi lạc sống chung với thiên nhiên. Đi trên đường ở Mỹ ít có khi nào bụi bay, không khí vẫn trong lành bởi cỏ phủ kín sát bên lề đường, cũng có thể gọi thật thơ: “Cỏ dại bên đường vẫn phủ kín, xanh xanh màu tỏ, ước nguyện của muôn người vẫn còn đó”. Màu xanh tỏ, nguồn hy vọng vẫn luôn luôn ở hai bên con đường ta đi. Nó đẹp! Tại là gì? Là cỏ có tác dụng dù ở bên đường cũng có thể phủ sát đường đi để lớp đất không bị khô, nước không bị thoát và bụi không bay lên, dù tốc độ của xe hơi chạy rất mạnh, trên trăm cây số một giờ, hiếm có khi nào thấy bụi bay mịt mù, không khí vẫn trong lành. Rồi thì người đi thả bộ bên đường vẫn còn ngắm cảnh thiên nhiên, cỏ cây đây đó, chim hót vang trời, những chú sóc, những con nai, những muôn thú tùy theo vùng miền có thể sống vẫn đây đó, người ta hòa mình với thiên nhiên, với thú vật, người ta tôn trọng sự sống của cỏ cây và tất cả mọi loài bởi mọi loài cỏ cây và ngay cả cỏ bên đường cũng có lẽ sống cần được bảo vệ và có sự lợi lạc, giữ cho mọi người được vui an. Còn ở Việt Nam, nhìn lại một chút nữa thì bụi lắm, cỏ hết rồi. Thuở 40, 50 năm trước, cỏ vẫn đầy nhưng nay đã hết, cỏ không còn tác dụng. Nhưng ngược lại sau một thời gian, người ta lại phải trồng cỏ, trả tiền thật nhiều để phủ kín nền đất ở những công viên, những thành phố sau khi đã thiêu rụi hết, nay phải trồng, phải trả tiền mới thấy rằng bụi quá và cỏ là cần thiết.

Ta không nói về cỏ như một bài Pháp nhưng mượn chủ đề các bạn đặt ra, Bảo Thành dẫn các bạn đến những thể loại cỏ dại bên đường của cuộc đời vẫn có thể vươn mình để tự sống, chia sẻ niềm vui với muôn người thì trên con đường, trên lộ trình của cuộc đời, của kiếp người chúng ta, nếu mỗi người chúng ta không nhận ra sự liên hệ giữa ta và muôn loài trong cuộc sống, và muôn người kề cận bên lề đường của cuộc đời, trên giao lộ hoặc lộ trình tiến về sự sống mới, để rồi ta cứ tiện tay là cắt, là đốn, là đốt, là trù dập, là tiêu diệt thì trên lộ trình đó sẽ hoang vắng, đời ta sẽ cô liêu và chẳng còn bông hoa trinh nữ, hoa mắc cỡ trên đường để ta nhẹ tay chạm vào như một lần e thẹn chúm chím cười rồi lại núp dưới tàn lá, mất đi cái đẹp tự nhiên bởi trên lộ trình đó, ta thấy biết bao nhiêu, chẳng phải là cỏ dại ở bên đường mà biết bao nhiêu việc thiện lành ở trên con đường ta đi, không phải là ở kiếp này nhưng ở mọi ngày trong thời gian đang sống, biết bao nhiêu việc thiện lành cứ gọi như là cỏ dại bên đường đó, ta đã làm ngơ. Ông bà già chống gậy lụm khụm qua đường, con cháu chẳng thấy, mà giao thông ở Việt Nam chạy như con thoi đan xen dệt vải, ngược xuôi một chút, không đúng thời thì có thể lăn đùng chết ngay vì xe quá nhiều tông vào. Vậy mà thấy một bà cụ bên đường đi qua rồi thấy xe nhiều quá, ta cũng chẳng màng thương mến như làm một hành động yêu thương, dừng xe một chút để đưa cụ qua đường, ta lại bỏ qua. Một cơ hội làm việc thiện như lòng báo hiếu nhớ đến đấng, bậc trưởng thượng lớn tuổi, kính lão đắc thọ, giúp người bên đường qua tới bờ kia, ta đã quên. Chưa đâu! Cũng trên con đường đó, ở bên lề đường có người đụng xe té đổ đầu chảy máu, rên la đau đớn, ta nhìn qua nhìn lại, rồ ga chạy tuốt. Còn ai có dừng lại nữa không? Một việc thiện ngay trên đường đó ta đã bỏ qua. Phải chăng biết bao nhiêu những vị ăn xin, người nghèo khổ, em bán vé số nuôi cha nuôi mẹ, những mảnh đời cô quạnh bên cuộc đời của chúng ta đã biến thành cỏ dại bên đường để ta chẳng một lần nhìn xuống hoặc là đi cùng trên một mặt phẳng của tình yêu để san sẻ? Ta đã làm ngơ như một cuộc tình bơ vơ trong kiếp lữ thứ hành trình về với sự bình an thì bình an ở đâu tới cho chúng ta? Cỏ đã bị tiêu diệt, bụi bặm đã bay lên, mỗi một bước chân đi là bụi bay vào người thì mỗi một cuộc hành trình của chúng ta, biết bao nhiêu bụi bất thiện của tâm chẳng còn có tình thương tỏ lòng nhớ thương, giúp đỡ những con người đang bên lề đường của cuộc đời, cần nhất và rất cần sự giúp đỡ của chúng ta?

Cỏ ở bên đường còn có lợi lạc, việc thiện bên đường của cuộc đời, ta vẫn giữ được sự thanh cao của tâm hồn, sẵn sàng làm việc đó như Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: “Dù việc thiện thật là nhỏ, thật là nhẹ, nhẹ như tơ hồng ta vẫn phải làm. Việc ác nhỏ, nhỏ như hạt bụi ta đừng chạm vào”. Phật thấy được giá trị của Pháp Thiện, của việc thiện lành trong cuộc đời dù rất bé. Dù chỉ là một cái gật đầu thật nhẹ, cúi xuống trước một đấng lớn tuổi như ông bà, cha mẹ rồi mỉm cười chào một cái cũng đã tạo được phước như đông hải. Chưa kể: “Cụ ơi! Để con dắt cụ qua đường”, chưa kể “Ôi! Mua một vé số như để trợ giúp cho một người thay vì hút thuốc chẳng bổ phổi mà lại bị ung thư”. Những hành động cần phải tư duy, những lời nói cần phải suy nghĩ, những việc làm chúng ta thấy thật rõ đó, Phật đã dạy, mà ở trong tầm tay ai cũng có thể làm. Chẳng phải là cỏ dại bên đường để bỏ hoang, đốt cháy. Chúng vẫn có sự lợi lạc giữ cho thềm bụi bặm không bay lên. Những việc thiện thật nhỏ bên lề của cuộc đời chúng ta, bên đường đời của chúng ta sẽ phủ lên thềm Chân tâm bị khô cạn, bụi bặm, bất thiện của ta để từng bước chân không còn là sự an lạc mà đã cuốn theo biết bao nhiêu những sự thổn thức, lo âu và phiền não. Nếu như các bạn biết chậm lại một chút trên đường đời và biết chìa bàn tay của một con người nhỏ bé, bần hàn như chúng ta thì ý nghĩa cao cả vô cùng. Đó cũng là một lần ta biết nhìn, nhìn một bông hoa trinh nữ, một bông hoa mắc cỡ bên đời nhưng nó vẫn có cảm giác đó các bạn, huống hồ chi là một con người vất vưởng bên lề đường cuộc đời với cuộc sống bất hạnh họ sinh ra. Chẳng phải là họ có nghiệp chướng nhiều để sống bất hạnh, sinh ra như thế. Có thể cọng cỏ, hạt bụi bên đường vẫn có thể là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm hay của Ngài Địa Tạng hay của những Chư vị Bồ Tát hiện thân ở những hình tướng như vậy để xem con người của ta có tỏ lộ, có tương thông, có yêu thương hay vẫn khô khan Đạo hạnh, biển Chân tâm toàn là lửa sân bốc cháy, chẳng có chút gì gọi là che chắn bởi tâm Từ Bi như cỏ dại bên đường phủ kín.

Các bạn! Thông thường, khi ta thấy những con người bất hạnh bên đường của cuộc đời, ta hay chứng tỏ là hiểu thấu Nhân Quả, nói vội một câu, nói ra rút vào chẳng kịp, tạo nghiệp mà chẳng hay. Người xưa nói: “Sẩy tay còn có thể đỡ, sẩy miệng xong rồi nghiệp đã trào ra”. Mà đúng! Thấy người tật nguyền, ta phán ngay một câu y như Nhân Quả, y như Bậc Thánh: “Người này kiếp trước nghiệp nhiều nên bây giờ y như vậy, thấy ai té gãy chân, chà chà, chắc là kiếp trước bẻ chân ai”. Thấy ai mà đau đớn gì đó thì ta nói: “Kiếp trước chắc là tạo nghiệp rồi”. Ta luôn luôn thấy nhân đau đớn thì nghĩ rằng nghiệp, có khi nào ta nhìn thấy rằng: “Không phải đâu! Biết đâu cũng thân người, con người đó, mà hiện diện trong con người đó là phẩm tánh cao cả của Đức hạnh hiện thân trong những căn bệnh, hiện thân trong những mảnh đời bất hạnh như để nhắc nhở cho chúng ta thấy Nhân Quả để thấu chứ chẳng phải thương hại. Biết đâu đó là các vị Bồ Tát ẩn thân hành Bồ Tát Đạo, nương náu vào cảnh đời để cho ta một bài học, nhìn góc độ đó, thân tâm nhẹ nhàng để tỏ tình thương, mang Từ Bi ra mà hỗ trợ chứ chẳng phải mang lòng thương xót cho một kẻ có nhiều nhân xấu của đời trước. Như vậy hình như ta đã đặt mình ở trên cao như một kẻ cả thương xót kẻ bần hàn. Như vậy không có công đức mà cái tôi nó đã lớn thì tinh thần Vô Ngã còn đâu? Chỉ có Từ Bi được hiển lộ, xiển dương bởi thấy thật rõ ẩn tàng trong mọi kiếp người, dưới mọi hình thức đều là Chư vị Bồ Tát, Thánh Hiền hiện thân. Chình vì Chư vị Bồ Tát, Thánh Hiền hiện thân ở trong những thân tướng như vậy nên ta khiêm tốn, khiêm cung, hạ mình, biến mất cái ngã để tỏ lòng yêu thương. Chính bông hoa trinh nữ, hoa mắc cỡ kia cũng có thể là hiện thân của Mẹ hiền Quan Thế Âm như nhắc nhở chúng ta: “Cỏ cây, sỏi đá vẫn còn có nhau bởi nó có cảm giác!”

Bạn có khi nào quá bận rộn để trên con đường chỉ đi ra cửa thôi, một tiếng chào: “Mẹ ơi! Con đi làm” cũng chẳng có, hoặc một tiếng nói đơn giản: “Chồng ơi, vợ ơi, anh hoặc là em ơi” cũng chẳng có. Đến mức mà trên đường đi ra cửa đó, cỏ còn rụi huống hồ chi là những lời thương yêu trao cho nhau tình cảm chân thật nó biến đâu rồi. Chỉ một cái ngoắt mắt sắc như dao, một hành động bước đi vội vàng, lạnh lẽo như mùa đông, tình cảm sao còn nữa? Cỏ dại bên đường chẳng phải là cỏ dại bên đường mà bên đường của cuộc đời còn có biết bao nhiêu việc thiện ẩn tàng trong thân tướng của những con người rất bình thường, nếu chúng ta thật sự sống với tinh thần Vô Ngã, quán chiếu thật rõ thì chúng ta chẳng phải như một vị minh vương cưỡi ngựa lạc vào rừng thấy hoa trinh nữ mà nhẹ chạm vào, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy ở bên đời biết bao nhiêu việc thiện ta có thể, vẫn có thể làm được. Nhất là trong hoàn cảnh đại dịch ngày nay, biết bao nhiêu cơ sở, những trung tâm mồ côi, những trung tâm bác ái, những trung tâm viện dưỡng lão, những trung tâm của người bệnh phong, những nơi mà cả năm trời nay ít ai lui tới. Sự hỗ trợ của những người xa gần hình như khó tới bởi đại dịch, những trung tâm đó rất cần sự yêu thương của chúng ta. Chúng ta có nghĩ tới những người đó hay không? Hay họ chỉ là cỏ dại bên đường để cho dòng thời gian trong đại dịch cuốn trôi họ vào trong sự đói khát? Tình thương của cuộc đời rất cần, đặc biệt trong những lúc khó khăn như hiện thời trên thế giới. Hãy nhớ tới những mảnh đời bất hạnh bên cuộc đời của chúng ta, hãy nhớ tới những trung tâm mồ côi, dưỡng lão, những nơi cần sự giúp đỡ.

Trên con đường ta đi mỗi ngày, hãy nhớ tới biết bao nhiêu những con người bất hạnh. Hãy mở rộng trái tim, đừng phong kín, hãy mở rộng đôi mắt yêu thương, đừng nhắm lại, hãy mở rộng vòng tay nhân ái, đừng khép lại để chẳng phải là cỏ dại bên đường mà tất cả những việc thiện bên đường ta đi, ta lại một lần nữa thấy được sự hiện thân của Phật nơi đó, ta lại một lần nữa thấy được sự hiện thân của Bồ Tát, ta lại một lần nữa thấy sự hiện thân của những bậc ta yêu thương đã quá vãng hiện thân trong cuộc đời đây đó, để ta cúi mình khiêm tốn, làm một việc thiện nhỏ bé như cho một chén nước, cho một chén cơm, như cúng dường một chút tịnh tài giúp đỡ cho người nghèo, như chia sẻ một ít thuốc khi họ bệnh hoặc hiến tặng những quần áo cho những ai rách rưới, đó chính là những nghĩa cử thanh cao, đẹp đẽ. Họ chẳng phải cỏ dại bên đường để ta đốt, ta cào để bụi bặm bay lên.

Bất cứ một việc gì trên đời, hiện thân đây đó đều có ý nghĩa cao cả nếu chúng ta có sự tinh tế quán chiếu với tinh thần Vô Ngã, ta sẽ nhận ra. Ta sẽ nhận ra hình hài của tình yêu, của lòng Từ Bi luôn luôn ở xung quanh chúng ta. Đừng nghĩ rằng những việc thiện nhỏ bé không đáng, đừng nghĩ rằng cỏ dại bên đường không xứng rồi nhổ, rồi đốt. Cỏ đó ở Mỹ phủ kín bên đường, bụi chẳng bay. Nếu như các bạn có thể làm được những việc thiện thật nhỏ từ trong phòng ra phòng ăn, từ phòng ăn tới nhà bếp, từ nhà bếp đi ra cửa để đi làm, và trên lề đường của giao lộ đi làm đó, biết bao nhiêu sự việc thiện thật nhỏ, thật bé như một tiếng chào với cha với mẹ, như một tiếng cười thật nhẹ chào người thương yêu, ta ra đi làm việc hay một cái gật đầu thăm hỏi trên sự vội vàng đi làm đó, hay một cái bắt tay hay một cái mỉm cười, điều gì cũng được. Hay thấy một cụ già, một người ăn xin, một người nằm lê lết trên đường để bán vé số, biết bao nhiêu cảnh đó, ta nhìn và quán chiếu thấy đó như là một việc thiện ta đừng bỏ qua bởi những việc thiện dù là nhỏ bé thì công đức vô lượng. Chư vị Bồ Tát chẳng phải chọn những việc thiện lớn lao, vá trời để khỏi mưa, khỏi nắng mà các Ngài làm những việc thiện thật nhỏ. Nhỏ đôi khi Ngài còn hóa hiện ra cục đá hoặc một tảng đá trên đường đi của người thật xa, cần phải nghỉ để ngồi lên và hóa hiện thành cây có tàn chút xíu để trên đường nóng bức, người ta có thể ngồi dưới tàn cây đó, hoặc hóa hiện thành một dòng nước để ai khát có thể vốc nước nhỏ, uống vào được tươi mát.

Biết bao nhiêu sự hóa hiện của Bồ Tát, Thánh Hiền hóa ra cây, ra suối, ra đá, hóa ra Chư vị hiện hữu, hóa ra con người và cảnh vật, ta có nhìn thấy Bồ Tát, Thánh Hiền trong cảnh giới thiên nhiên ta đang sống hay ta coi các vị đó như cỏ dại bên đường để ta đốt, để ta nhổ, để ta cắt, để ta hủy, bụi sẽ bay lên bởi đường trơ trọi?

Trên con đường đi đang thực tập Phật Pháp, các việc thiện rất quan trọng, đừng coi thường như cỏ dại bên đường để nhổ. Các bạn! Hãy chú trọng vào những chuyện rất bình thường để thành công một cách phi thường. Hãy chú trọng vào những chuyện rất bình thường để liễu ngộ được cảnh giới Vô Thường. Hãy nhìn xuống những mảnh đời nhỏ bé, nhỏ đến mức mà ta có thể thấu hiểu được chẳng còn ngã ở nơi ta, để ta có thể hóa mình như năng lượng tình yêu, lan tỏa vào trong cảnh đời ta thấy, bên lề đường của cuộc đời bận rộn của chính ta.

Mật ngôn Mu A Mu Sa là mưa tưới xuống, tưới xuống cuộc đời và mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang như mặt trời tỏa sáng khắp nơi. Mặt trời chẳng chê bóng tối, chẳng chê cây nhỏ, chẳng thích cây lớn, chẳng ưa ánh sáng. Ánh sáng từ mặt trời chiếu tỏa nơi đâu cũng tới, vùng sâu vùng xa, vùng tối hay vùng sáng đều nhận một cách bình đẳng, rõ ràng. Ánh sáng của Trí Tuệ mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và mưa Phật điển Mu A Mu Sa không có sự đối đãi cao thấp, nhỏ bé, đúng sai mà bình đẳng hết. Ánh sáng Trí Tuệ sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn bình đẳng, bình đẳng đến mức mà ta không còn Ngã tướng để có thể hòa mình dung thông với muôn loài, muôn vật. Năng lượng Từ Bi Mu A Mu Sa bình đẳng đến mức mà bất cứ một con người nào hiện thân trên thế giới này cũng như bất cứ một chỗ nào đều có thể đón nhận được nước từ trời khi mưa thì ai ai, chúng sanh nào cũng có cơ hội như nhau để đón nhận Mu A Mu Sa, năng lượng của tình thương.

Cỏ là cỏ chẳng phải dại ở bên đường để ta nhổ, người là người chẳng phải không ra gì để ta không một lần dừng chân. Tất cả những mảnh đời bất hạnh hay không bất hạnh, có cơ duyên hay không cơ duyên tới với chúng ta trong cuộc sống đều là những bến đò đưa ta qua sông, đều là những trạm dừng để ta được nghỉ ngơi, đều là những nơi chốn để ta tích lũy tư lương thiện lành trên cuộc hành trình đi về bến An của Niết Bàn. Đừng bỏ qua trên một chuyến đường thật dài, nếu không dừng, xăng hết, ta khó đi. Nếu không biết làm những việc thiện thật nhỏ, thật bình thường trong cuộc đời thì chẳng thể đạt được cảnh giới Vô Thường, Vô Ngã để tới được bến bờ hạnh phúc là Niết Bàn đâu. Nếu có chỉ là huyễn giả, chỉ là huyễn mộng, chỉ là ảo tưởng, không thực tế. Đạo Phật rất thực tế, chân lý Vô Thường rất thực tế và chân lý Vô Ngã cũng rất thực tế, nếu chúng ta chẳng thể nhìn cỏ dại bên đường để thấy được giá trị nó phủ kín, bụi không bay lên thì ta chẳng nhìn thấy cảnh giới Vô Ngã bởi ta vẫn còn Ngã tướng phân biệt giữa cỏ dại bên đường và ta.

Hãy sống chan hòa yêu thương với thiên nhiên, với Tự Thể, Tự Tánh Phật trong ta, với tâm bình đẳng Tánh – Trí không phân biệt, với năng lượng Từ Bi đón nhận từ Chư Phật và luôn rải tới cho muôn loài, với ánh đuốc Từ Bi Giác Ngộ của Phật luôn chiếu tỏ ở trong tâm để lan tỏa tới tất cả mọi ngõ ngách trong cuộc đời ta đang đi. Cỏ dại bên đường thật sự rất hữu ích, những việc thiện trong cuộc đời thật sự sẽ làm cho chúng ta nên Thánh, siêu Phàm, thoát khỏi cảnh giới Phàm phu tục tử, bất thiện để một mình ta không cô đơn mà luôn đồng hành với các Bậc Thánh Hiền.

Các bạn! Cỏ dại bên đường thật quan trọng. Những việc bình thường bên đường có ý nghĩa cao cả, những việc thiện thật nhỏ nhưng phi thường để chúng ta thể nhập vào chân lý Vô Thường, Vô Ngã. Chính những điều này nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng: “Bất cứ một sự hiện diện của cảnh vật, con người, sinh vật, chúng sanh dù là cỏ hay đá đều có một ý nghĩa đặc biệt nếu chúng ta có một tầm nhìn bằng Trí Tuệ sáng suốt thì tâm Từ Bi luôn luôn mở rộng, lòng bao dung luôn luôn rộng mở để thế giới xung quanh ta và để trái tim của chúng ta luôn có những nhịp đập đồng cảm, thông cảm với muôn người yêu thương đang hiện hữu trong cuộc đời.”

Xin hãy đặt bàn tay Từ Bi và Trí Tuệ vào với nhau.

“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Trở về với Tự Tánh của Phật  trong tâm, nhìn thấu Vô Ngã để hạ mình khiêm cung, chẳng còn đối đãi mà với tâm Từ Bi, với ánh sáng Trí Tuệ, gắn kết với Chư Phật,  sống thật yêu thương, chân thật, Chánh Niệm để dù là cỏ dại bên đường, chúng con vẫn nhận ra sự hiện diện của Bồ Tát, Thánh Hiền hóa hiện đó đây. Xin khai mở Trí Tuệ và gia hộ cho chúng con có sức mạnh nội tâm, phát triển được tình thương để có lòng dũng cảm sẵn sàng làm những việc thiện thật nhỏ, những việc thiện bình thường để chuyển hóa tâm ngã mạn của chúng con.

Xin Chư Phật luôn gia hộ cho hàng đệ tử chúng con để luôn tinh tấn tu học. Cũng hòa nhập vào trong năng lượng Từ Bi này, chúng con nghĩ  tới Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, người thân quá vãng và đặc biệt hương linh Bảo Linh bạn đồng tu vừa vãng sanh, xin Chư Phật mang ánh sáng Trí Tuệ chiếu soi vào miền tăm tối để Chư vị hương linh đó thấy rõ đường mà trở về cội nguồn hạnh phúc, Niết Bàn an vui theo Pháp Thiện lành họ đã cống hiến và thực hành.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này tới những quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và các nước đang bị đại dịch hoành hành để những cơn mưa đại Từ đại Bi được ban rải xuống khai mở Trí Tuệ cho các nhà khoa học gia, cho những nhà nguyên thủ quốc gia, cho các bác sĩ, y tá, y sĩ tìm được phương thức ngăn chặn và chữa trị đại dịch. Hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia biết ngồi xuống, bắt tay với nhau thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Hồi hướng cho tất cả những ai còn đau khổ, phiền não và sợ hãi tìm được nguồn an vui, hạnh phúc và bình an. Hồi hướng cho Chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh. Xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts