Search

Bài 2033: Chuyện Về Dòng Sông | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi.

Mỗi một buổi chúng ta đồng tu với nhau, từ ở phương xa, ta gửi tới những lời chào chân tình và truyền trao cho nhau năng lượng tình thương. Lời chào tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng mang ý nghĩa của sự san sẻ, quan tâm và đồng tinh tấn trên con đường chuyển hóa những phiền não, đau khổ, thành tựu hạnh phúc chung cho mọi người.

Các bạn! Giờ đây đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống mỗi người chúng con, giúp chúng con quán chiếu với Trí Tuệ thanh tịnh, nhìn rõ các Pháp là Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi, hãy trở về với cội nguồn của Tâm Từ Bi, gắn kết với Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền mười phương và dùng Trí Tuệ nhìn thẳng vào sự đổ nát, vụn vặt của Tâm thức chấp trược nơi chính ta và cùng hoan hỷ tái xây dựng lại tòa sen tự tại trong Chánh Niệm hơi thở.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi người chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ sáng suốt nhìn rõ và thấu được các Pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Chúng ta luôn luôn phải biết mỉm cười với cuộc đời, mỉm cười với thăng trầm, mỉm cười với những thất bại, vấp té, với những lầm lỗi, với những bất thiện ta tạo ra. Mỉm cười với tất cả những hoàn cảnh tương tác giữa tâm và thế giới bên ngoài, những chuyện đã qua. Mỉm cười với tất cả mọi cảm xúc đi vào trong thân tâm để có một sự thanh tịnh, vững chãi nhìn rõ, nhìn rõ tự thân của mình.

Ngày hôm nay, cũng như mọi ngày thức dậy, đi vào sự đồng tu cùng với các bạn, là một ngày thật mới mà Bảo Thành có cơ hội tiếp xúc với những chủ đề thật lạ các bạn gửi về. Mỗi ngày một chủ đề để đưa chúng ta từ chủ đề có những sự việc xảy ra thực với chúng ta để hiểu thấu được tinh thần Vô Ngã, Vô Thường, để thấu được Khổ trong cảnh giới Vô Thường, để từ cái Khổ đó ta có thể vươn lên, đặt chân vào bờ Niết Bàn ngay tại dương thế này. Mỗi một chủ đề mang tới cho Bảo Thành niềm hạnh phúc vô biên bởi đã có một cơ hội khám phá những suy nghĩ, những cảm xúc riêng tư của các bạn gửi về.

Chủ đề hôm nay nói về: “Chuyện Về Dòng Sông”. Một chủ đề thật thơ, thật mộng. “Chuyện Về Dòng Sông”.

Mỗi người chúng ta từ thuở thơ ấu, thuở mà có thể từ giã bạn bè trong những mùa hè, chẳng rong ruổi như cánh phượng đỏ ở sân trường để về quê ngoại, nội nhảy tủm một cái xuống dòng sông tắm mát cùng với bạn bè, thỏa mãn ước mơ và làm nhẹ nhàng tâm trí của người học trò quá căng trong những ngày tháng ngồi trên ghế của nhà trường. Cũng có những dòng sông không phải là của tuổi trẻ đi học về quê, mà dòng sông chẳng có lo âu. Rồi ta đi dã ngoại, tìm tới bờ sông ngồi, thả hồn theo dòng nước để bao nhiêu phiền muộn tiêu tan. Mỗi một quê hương, xứ sở, mỗi một vùng miền và mỗi một đời người có một dòng sông, có một câu chuyện về dòng sông lưu lại trong tâm như kỷ niệm vui buồn mà hầu hết dòng sông bao giờ cũng mang tới cho ta sự tươi mát bởi nó cứ chảy mãi, chảy mãi để nhắc nhở dòng đời Vô Thường nhưng luôn luôn chảy chẳng bao giờ dừng. Chính vì dòng chảy của dòng sông đó đã giúp cho chúng ta không nặng trĩu trong Tâm thức những phiền muộn, lo âu, những đau đớn, dằn vặt khư khư ôm lấy mà biết thả xuống nhẹ nhàng như ước mơ để trôi sông về nguồn, để tâm ta thanh tịnh.

Chuyện về dòng sông phải nói như thế nào? Thôi! Chúng ta hãy trở về chuyện về dòng sông của nhà Phật, rồi từ dòng sông của nhà Phật, Bảo Thành đi thử qua những dòng sông của cuộc đời xem có ấn tượng, kỷ niệm gì hay không? Để chúng ta cùng nhìn về dòng sông của Phật, dòng sông của cuộc đời, dòng sông kỷ niệm của mỗi người để nhìn thấu cảnh giới Vô Thường. Mọi người nói: “Sao chuyện dòng sông mà thấu được Vô Thường, sao chuyện dòng sông mà thấu được Vô Ngã, sao chuyện dòng sông mà có thể thấu được Khổ trong cảnh Vô Thường, sao chuyện dòng sông có thể lên bờ tới Niết Bàn?” Hiểu thấu, lý giải cho thật nhẹ, đó chính là sự mầu nhiệm, cao siêu chân lý Đức Phật dạy cho chúng ta.

Thuở thật xa xưa, thuở mà thời Đức Phật, thời cổ đó, thời mà cách đây 2560 mấy năm lúc Đức Phật còn tu Khổ hạnh trong rừng cùng với 5 anh em Kiều Trần Như. Con đường Khổ hạnh ép xác mà mỗi ngày Ngài chỉ ăn có một hạt mè và một hạt gạo nhỏ để sống, để thân xác của một thái tử hùng tráng, quật cường sức mạnh dần dần theo hạt mè, hạt lúa tiều tụy, xương sườn trơ ra, toàn thân xác tiều tụy, sức không còn nữa. Khổ hạnh mà! Ép xác để cho cái Thần thức sáng ra, ép xác để cho cái gì đó mà thái tử Tất Đạt Đa lúc đó đang tìm để thoát Khổ, cho nó hiện hình. Bao nhiêu năm Khổ hình, vừa Khổ hình vừa Khổ hạnh, ép xác, hành hình chẳng thể lòi ra được một điều gì gọi là Giác Ngộ nên Ngài đã từ từ bước ra khỏi khu rừng Khổ hạnh đó, nhưng với sự kiệt quệ của sự Khổ hạnh, của sự ép xác, thân sức không còn, tiều tụy đi gần tới dòng sông thì Ngài té xuống và ngất đi. Dòng sông đó tiếng Việt gọi là dòng sông Ni Liên Thiền, còn tiếng Ấn Độ gọi là dòng sông Niranjana. Tại dòng sông Niranjana (Ni Liên Thiền) này khi Thế Tôn với thân toàn là xương té xuống, ngất rồi thì rất may mắn gặp một cô chăn dê. Khi nhìn thấy điều đó, một con người còn xác, trơ xương, hồn phách tiêu tán, chẳng còn sức sống thì cô đó chính là cô Sujata, cô Sujata là người ở trong vùng trong thôn, tiện có chén sữa dê trên tay nên đã cho thái tử uống sữa dê trong lúc ngất đó, và từng giọt sữa dê đi vào thân xác khô cằn như nước tưới vào sa mạc, sức mạnh tươi tỉnh đã trở lại, thái tử mở mắt và bừng tỉnh trong ý nghĩ “Khổ hạnh ép xác chẳng phải là con đường đi tới sự Giác Ngộ mà chính những giọt sữa giữa con đường Trung Đạo, dưỡng thân cho tĩnh, sẽ có thể có cơ hội Giác Ngộ. Chân lý là không thể có một tinh thần sáng suốt trong một cơ thể tiều tụy, bệnh hoạn, vẫn biết thân thể này chỉ là phương tiện.”

Các bạn! Đó là chuyện về dòng sông Ni Liên Thiền, dòng sông Niranjana, gặp được cô Sujata cho một chén sữa dê, thái tử đã bừng tỉnh, và chính vì những giọt sữa đó, giọt sữa dê đó, chính vì sự mộc mạc chỉ vì tình yêu thương, chẳng thể hiện một tâm ý cúng dường, chỉ thấy một con người trơ xương gục ngã bên bờ sông nên đã cho vị đó những giọt sữa như một tình người nghĩ về một con người chân chất, không có một chút tội nghiệp, thương xót, không có một chút nghĩ rằng ta có công hay không có công, chỉ khởi lên từ trong tâm của người biết yêu thương một người đang té xuống bờ sông, trơ xương nằm đó. Giọt sữa dê đó chính là Pháp cúng dường đầu tiên thái tử nhận được và cũng là sự cúng dường cao quý nhất, mà nhờ sự cúng dường sữa dê của cô Sujata bên dòng sông Niranjana, thái tử từ đó đã tỉnh thức, liễu ngộ ép xác Khổ hạnh không thành mà đi về gốc Bồ Đề ngồi, và cũng giọt sữa đó của cô Sujata bên dòng sông Niranjana, chúng ta mới có được Bậc Thầy Vô Thượng là Thế Tôn.

“Chuyện Về Dòng Sông”. Dòng sông Niranjana, dòng sông Ni Liên Thiền, dòng sông mà nhân duyên giữa người Phàm qua chén sữa dê gặp được người có chí nguyện Giải Thoát là thái tử, để hai dòng sữa của một sự tương tác giữa tình người với con người đã làm thay đổi cả thế giới nhân loại, để có một bậc minh vương, một Bậc Giác Ngộ hiện thế trong cuộc đời.

Cô Sujata thấy người như vậy, hiến tặng chén sữa dê mà nào có mong cầu rằng người được hưởng chén sữa dê đó sẽ trở thành một Bậc Vĩ Đại là Phật đâu. Chỉ có tình và chỉ có tình người. Lòng Từ Bi đã khởi lên để tạo ra hành động mang chén sữa dê hiến tặng.

Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, Bảo Thành các bạn, hoặc là một việc nhỏ hoặc là một việc lớn được gọi là Từ Thiện cho đi, vẫn luôn mong cầu rằng ta có cơ hội hiến tặng cho những Bậc cao cả để được thừa hưởng phúc báu, thừa hưởng những điều gì cao cả từ những Bậc đó. Có nghĩa trao ra có sự mong cầu, và hầu hết dù trên danh nghĩa Từ Thiện giúp đời hay độ chúng vẫn hàm ý như mong một điều gì đó trở lại, có được. Chứ trên dòng sông của cuộc đời các bạn và Bảo Thành đã thấy biết bao nhiêu con người, không hẳn trơ xương như thái tử bên dòng sông Niranjana (Ni Liên Thiền) mà thấy biết bao nhiêu con người vất vưởng, đau khổ, bi lụy, sầu, bệnh tật, mồ côi, cô đơn, neo đơn, bị bỏ rơi bên ngay dòng sông của cuộc đời, chúng ta có khi nào vì tình người, chẳng mong cầu điều cao quý gọi là Pháp cúng dường Vô Thượng mà chỉ cần một sự trao đi với ân tình cho những ai đang nằm ngất bên dòng sông của cuộc đời, trơ trọi, bơ vơ, không người thương, không người thân, không ai chăm sóc mà chẳng còn đủ sức đứng dậy?

Hãy nhớ bên dòng sông Niranjana, dòng sông trong Ni Liên Thiền, thái tử thời đó khi té xuống với cái thân trơ xương tiều tụy đó, chẳng còn sức đứng dậy, nếu không gặp cô Sujata cho chén sữa, chắc có lẽ thái tử nói theo văn từ bình thường là đã đi tong, đi rồi, thì con người như chúng ta sao có cơ hội gặp Thế Tôn, thọ Pháp của Thế Tôn, của Phật được? Nói theo cách rất bình thường là có sự liên hệ mật thiết trong sự khởi đầu có được Phật ngày hôm nay để chúng thọ Pháp của Ngài, phải chăng, phải chăng là sự khai thị của một tấm lòng nhân nghĩa giữa người với người trong sự trao đi những giọt sữa dê bằng tình người chân chính?

Đúng! Các bạn đừng mong cầu làm những việc xây Chùa cho lớn, tháp cho cao, đúc tượng cho bự, làm việc thiện cho oai, cho oách, cho cả làng thấy cho rầm rộ, các bạn cũng đừng mong cầu phải có cơ hội cúng dường cho những Bậc Thượng Thủ Hòa Thượng, những Bậc Giáo Chủ tối cao, những con người mà được gọi là tướng hảo Quang Minh, hay những nơi hoặc những chỗ, những vị có học hàm cao siêu, siêu xuất để nghĩ rằng sự cúng dường, sự làm việc tương tác đó sẽ mang lại hiệu quả và thừa Ân, hưởng Đức của những vị đó mà hãy noi theo cô Sujata, biết trao đi dù một giọt sữa dê, biết hiến tặng dù một xu, biết gửi tới dù chỉ một chén cơm, ly nước, dù một mảnh áo gom lại từ những người dư dả để trao về cho những ai đang nằm bên dòng sông của cuộc đời chết khô về những điều bất hạnh họ đang đương đầu mà chẳng mong cầu một chuyện lớn gì, đó chính là sự cúng dường Vô Thượng, sự trao đi cao cả.

Bảo Thành và các bạn làm một việc gì cho ai đó luôn luôn nghĩ đến sự thương, vì thương, vì thấy tội nghiệp rồi thương xót, nhưng chữ đó nếu khởi lên trong đầu thì mọi hành động dù chỉ rất nhỏ, đơn sơ, mộc mạc hay cao siêu, lớn lao cũng trở thành vô nghĩa. Bởi vì thương, thương hại, vì thương, thương xót, vì thương mà thấy ra tội nghiệp, những điều đó không có ý nghĩa. Cô Sujata cho chén sữa cho một vị trơ xương chẳng biết là ai, chẳng nghĩ đến sự thương xót hay tội nghiệp mà cấp cấp nhìn thấy một con người té xuống bên dòng sông Niranjana chỉ còn xương trơ trọi đó, bất động, xỉu thì liền đổ sữa dê vô mớm với một Tâm nguyện đơn thuần: “Ta là người thấy người đang gặp khó, ta giúp”. Vậy mà nhân duyên đó đưa chúng ta ngày nay gặp được Phật, nhân duyên đó đã đưa cô trở thành người đầu tiên, vị thí chủ đầu tiên đơn sơ, giản dị, cúng dường cho một Bậc Vĩ Đại trên thế gian đó là Phật. Các bạn hãy noi gương cô Sujata làm với tâm bình thường, với hành động bình thường, đơn sơ, đừng cầu kỳ, hoa mỹ, đừng đặt cái tôi của mình vào rằng: “Tôi làm vì thương, vì xót, vì tội, tội nghiệp”. Cái đó tuy rất mỏng nhưng vẫn còn chữ “tôi”.

Trong tinh thần NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán Vô Ngã, nếu còn một chủ ngã dù rất nhỏ: “tôi làm vì này, vì kia” thì chẳng tạo được phước mà gây ra nghiệp, bởi khi chạm vào cái “tôi”, tự ái dồn dập làm cho trời nó đổ mây đen, và rồi giông bão sẽ tới trong lòng người. Hãy nhớ, làm tất cả chẳng có “tôi vì thương, vì tội nghiệp, vì thương xót”, làm vì tình người đơn sơ, chỉ vậy là đã đủ, và người thọ ân luôn luôn nhớ, chẳng bao giờ quên. Bởi vậy trong cuộc đời Đức Phật, người cúng dường mang ý nghĩa cao cả đầu tiên đó chính là cô Sujata, chẳng cúng dường cho một Bậc Giác Ngộ hay một Bậc Thượng Thủ để nhờ ơn mà chỉ trao đi với tình người. Nếu các bạn học được gương cô Sujata, trao đi với ân tình đơn giản cho những ai đó đang té gục không thể đứng dậy ngay bên bờ dòng sông của cuộc đời thăng trầm này với tình người thật nhẹ, các bạn chính là những con người biết cúng dường với Pháp cúng dường Vô Thượng, công đức Vô Lượng.

Đó là chuyện về dòng sông Niranjana (Ni Liên Thiền), dòng sông có mối liên hệ với Đức Phật và cô Sujata. Và dòng sông của cuộc đời chúng ta có liên hệ đó. “Chuyện Về Dòng Sông” thật là tuyệt vời phải không các bạn?

Bảo Thành trong một buổi tình cờ họp mặt với một gia đình, cũng về một dòng sông hồi năm đó, một người thuở xưa là Biệt Cách Dù, là lính. Thời chiến, thanh niên, ai cũng đi quân đội, không bên này thì bên kia với chí nguyện bảo vệ quốc độ, bảo vệ Chánh nghĩa, bên trái hay bên phải, đằng trước hay đằng sau, hướng nào hay quốc độ nào thì chí nguyện của thanh niên thời đó cũng là bảo vệ quốc độ theo lý tưởng để không gây ra chiến tranh, mang lại hòa bình cho nhân dân và nơi mình ở. Chuyện được nghe trực tiếp từ một vị Biệt Cách Dù đó kể ra, có một chuyến đi xung trận vào nơi nguy hiểm và sau đó gặp phản ứng quá mạnh, phải rút về, cùng với đồng đội đang rút về thì gặp một dòng sông trở ngại khó qua, nước lụt thật nhiều. Phía trước thì dòng sông cần phải đi qua, phía sau là những người đối nghịch đang kéo tới, nếu chậm trễ một chút có thể gây ra nguy hại, chết chóc cho bản thân và đồng đội. Anh em, huynh đệ dưới sự hướng dẫn của mình và với tư tưởng cần phải vượt qua dòng sông mà dòng sông nước lũ quá lớn, người Biệt Cách Dù đó đã nhớ tới niềm tin nơi tôn giáo, tức là nơi Phật giáo và nghĩ ngay tới Mẹ hiền Quan Thế Âm, chính vì nghĩ tới Mẹ hiền Quan Thế Âm, vị Biệt Cách Dù đó đã có một lòng thành kính, một niềm tin vững chãi, bất thối không hề run sợ bởi nghĩ rằng Mẹ Quan Thế Âm sẽ soi đường, dẫn lối và sẽ hướng dẫn cho anh ta cùng với đồng đội vượt qua dòng sông đang lũ trong lúc đó, mà đằng sau là những người đối nghịch đang kéo tới. Với niềm tin vững chắc như thế, với sự tin tưởng tuyệt đối không hề sợ hãi, ven theo dòng sông chỉ một thời ngắn ngủi, anh Biệt Cách Dù đó và đồng đội đã tìm được một cái bè của người dân tộc. Không biết là hữu duyên, vô tình hay hữu tình cột lại ngay bên dòng sông nước lũ, thế là anh Biệt Cách Dù và đồng đội cùng đi lên, vượt qua dòng sông đang lũ để tới bờ bên kia, tránh xa sự nguy hại của bên đối nghịch đang rượt theo đằng sau. Chỉ có anh Biệt Cách Dù đó mới thấy, với một tâm thành kính tri ân và cảm niệm Mẹ hiền Quan Thế Âm trong lúc nguy kịch anh ta đã hướng tới. Mẹ không hiện ra nơi không trung, mây bay bổng bổng, có phép mầu làm thần thông mà Mẹ đã dẫn đưa anh ta và đồng đội men theo bờ sông tìm thấy cái bè để vượt dòng lũ. Đó là chuyện về dòng sông của người Biệt Cách Dù.

Chúng ta trong cuộc đời biết bao nhiêu lần phải đương đầu với nghịch cảnh, phải chạy bởi vì có những thế lực đang đuổi bắt chúng ta, và rồi đằng trước lại là một dòng sông đang lũ, lũ của sự thất bại đau đớn bên dòng sông của cuộc đời. Ta chẳng còn sức để vượt qua, nhiều người đã gục ngã ngay bên bờ sông thử thách đó, nguy hại, những dòng sông khủng khiếp của cuộc đời dâng trào, cuốn trôi, phải bỏ mạng bên dòng sông của cuộc đời trầm luân bởi mất đi niềm tin.

Trong Kinh Phổ Môn, Mẹ hiền Quan Thế Âm nói: “Những ai tin vào Mẹ trong lúc nguy nghịch nhất chỉ cần niệm hồng danh của Mẹ, “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát” hay gọi đơn giản trong Tâm thức: “Mẹ ơi! Xin hãy cứu con” thì Mẹ hiền Quan Thế Âm tầm thinh cứu khổ liền nghe thấy và sẽ ứng dụng thật nhiều phương tiện diệu dụng để dìu dắt chúng ta vượt qua thử thách. Như anh Biệt Cách Dù kia với lòng chí thành đảnh lễ Ngài Quan Âm, kêu gọi trong tâm: “Mẹ ơi! Xin cứu”, và rồi những bước chân chạy dọc theo bờ sông, anh Biệt Cách Dù và đồng đội đã tìm được chiếc bè bỏ quên của người dân tộc, bỏ quên của người dân tộc hay là một cơ duyên ai đó đã đặt để như một nhịp cầu đưa người qua sông. Mẹ hiền không bỏ quên chúng ta, Ngài luôn luôn ứng hóa thành nhiều phương tiện, thật là vô tình chẳng khơi dậy cho chúng ta để thấy rằng Mẹ đã trợ, Mẹ đã giúp, Mẹ đã phù trì nhưng Mẹ âm thầm, nhẹ nhàng tới như một cái bè bên bờ sông đang gặp nguy biến, hoặc chúng ta đang trong cơn nguy biến của cuộc đời bắt gặp cái bè để qua sông. Đã bao nhiêu lần các bạn và Bảo Thành đã gục ngã bên dòng sông của cuộc đời, trong cơn cùng cực, nguy biến đó, ta đã ngưỡng cầu lên Mẹ, ta đã ngưỡng cầu lên Chư Phật và ta đã có được cái bè, bè của thuyền Từ nhân ái Chư Phật gửi tới, để nương vào bè Từ Bi đó, chúng ta vượt qua thăng trầm, nguy biến của cuộc đời, để có thể bước lên một bờ đất, một dải đất hứa mới của Trí Tuệ Viên Mãn nơi Đức Phật đang chiếu soi: “Vượt qua, vượt qua và vượt qua”.

Các bạn thân mến! Dòng sông, chuyện về dòng sông Niranjana (Ni Liên Thiền), cô Sujata cúng dường, rồi chuyện về dòng sông của anh Biệt Cách Dù, còn các bạn, các bạn đã có dòng sông gì mà các bạn phải đương đầu? Dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng từng gặp. Ta chẳng ngồi đó mà moi về dòng sông của một thời ký ức, ta hãy nói thực tế hơn, hãy cho mình quán chiếu: “Đức Phật là thân người, hiểu được rằng thân này là Vô Thường nhưng chính trong Vô Thường sanh – diệt, mất còn đó, nếu mà ta Khổ hạnh, nếu mà ta ép xác, nếu mà ta hành hạ thân này hoặc nếu mà chúng ta thấy được thân này là Vô Thường, có gì để quan tâm, nếu mà thấy thân này là Vô Thường, có gì để mà tu, mà tích phước, thấy thân này là Vô Thường thì bỏ mặc rồi ăn chơi xả láng như cái thuyền mục trôi trên sông, tan rã vào hư không và biến mất thì đó chúng ta chính là tội đồ của Cửu Huyền Thất Tổ, của ông bà, cha mẹ”. Đức Phật không nhìn theo phương diện tiêu cực: “Thân là Vô Thường để rồi bỏ phí thân phương tiện nay có mai mất”. Trong thân xác Vô Thường sanh – diệt trở về với cát bụi đó, Ngài đã có Trí Tuệ soi dẫn nhờ giọt sữa của cô Sujata mà không hủy bỏ thân xác phương tiện nữa, dày vò nó nữa, mà Ngài đã nghĩ tới là: “Làm sao ứng dụng thân xác phương tiện Vô Thường sanh – diệt này để thành tựu được những điều cao cả hơn, Giải Thoát khỏi đau khổ?”. Chính vì điều đó, Ngài đã dưỡng thân phương tiện này với những phương thức phù hợp nhất, để Vô Thường là thân, là xác này trở thành phương tiện vi diệu mang Pháp Giải Thoát lưu truyền tới cho muôn đời hậu thế mai này. Và rồi, trong thân xác tiều tụy, trơ xương của thái tử đã trở thành Pháp thân Như Lai tỏa sáng để dẫn đường, chỉ lối cho muôn chúng sanh đau khổ. Nhìn lại cuộc đời của chúng ta, đừng nghĩ chữ “Vô Thường” là tiêu cực. “Ôi! Cái thân Vô Thường, nay sống mai chết, cần gì mà đạo đức, đạo đức giả để làm gì, cần gì phải làm từ thiện, cần gì phải sống tốt, cần gì phải tu, sống thoải mái đi, ăn chơi xả láng, tối về sớm, mai chết queo”. Hình như đó vẫn là tư tưởng ta nghĩ. “Có gì để lo? Người tu cũng chết, không tu cũng chết bởi Vô Thường mà, quan tâm làm chi?”.

Đó là những tư tưởng tiêu cực!

Nếu Đức Phật thời đó là thái tử cũng nghĩ như vậy thì ta không có Phật, và Ngài chẳng thành tựu được chí nguyện Giải Thoát Khổ cho chúng sanh. Ngài nhận rõ thân Vô Thường nhưng chẳng bỏ Vô Thường, mượn cái Vô Thường sanh – diệt để thành tựu Thường Lạc hạnh phúc là Niết Bàn.

Chúng ta là hãy nhìn vào tuổi đời trôi qua từng ngày, thấy được thân xác của của chúng ta là Vô Thường sanh – diệt đó, đừng tiêu cực bỏ phí mà chúng ta hãy tích cực hơn, ứng dụng thân Vô Thường sanh – diệt này ngay khi nó còn khỏe, còn có sức, còn có trí tuệ để liễu thông được Pháp Vô Thường sanh – diệt để thoát khổ, để phá tan đi tinh thần Vô Ngã, sống trọn vẹn với tình yêu thương mà thôi. Thì nhất định với tư tưởng đó, chí nguyện và sự tu tập như vậy, Bảo Thành và các bạn đã đặt chân lên thềm Niết Bàn rồi. Bước một chút xíu nữa là tận hưởng ngưỡng cửa sung sướng, vô tận Niết Bàn tại thế. Trong Vô Thường nhỏ bé, cát bụi cũng trở thành phi thường, siêu suất. Cho nên hãy nhớ, Đức Phật dạy cho chúng ta ý nghĩa về dòng sông Niranjana, ý nghĩa về dòng sông của cuộc đời giữa cảnh Vô Thường lui tới, và chúng ta cũng gửi cho nhau câu chuyện về anh Biệt Cách Dù bên dòng sông thực sự đương đầu với cái chết, và nhờ niềm tin vững chắc vào Mẹ, Mẹ Quán Thế Âm mà được cứu. Chúng ta, bên bờ sông của cuộc đời thân cát bụi này, nếu có niềm tin vững chãi, nếu có sự đồng tu miên mật và nếu có một chí nguyện hướng lên, không có tiêu cực mà tích cực thì cuộc đời của chúng ta sẽ nương theo bè Mu Mu Sa, tức là bè của năng lượng đại Từ đại Bi, tha lực Phật điển của mười phương Chư Phật đặt ngay trên bờ tháo chạy của sự rượt đuổi giữa sống chết, ba đào sóng gió, ta đã gặp được cái bè đại Từ đại Bi, bước lên cùng với đồng đội, bước lên cùng với đồng môn, bước lên cùng với bạn đồng tu để nhẹ nhàng lướt sóng qua dòng sông lũ của cuộc đời tới bờ bên kia an toàn và hạnh phúc. Cái bè Từ Bi đó không đi một mình trong đêm tối bởi có mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ánh sáng Trí Tuệ miên mật chiếu soi để dẫn đưa cho bè đại Từ đại Bi lướt sóng Khổ trên dòng sông của cuộc đời tới bờ hạnh phúc.

Anh Biệt Cách Dù đã thoát bởi niềm tin đó. Đức Phật là thân thái tử nằm trơ trọi bên dòng sông, giọt sữa kia đã đưa Ngài thoát khỏi sự Khổ hạnh và cho chúng ta có ánh Minh Quang của Bậc Giác Ngộ hiện hữu nơi thân trơ trọi, tỉnh giấc sau những giọt sữa mà một con người với con người đã mang tới. Các bạn! Ý nghĩa ở chỗ, nếu như cô Sujata có thể trao bằng ân tình người thôi, một giọt sữa để thái tử tỉnh giấc mà thành Phật thì nếu như học theo bài học đó, chúng ta trao cho chính mình những giọt tha lực Phật điển Từ Bi, những giọt năng lượng tình thương của Phật vào thân xác tiều tụy, khô cằn, độc ác, bất thiện, nghiệp chướng, ta sẽ được một lần nữa trỗi dậy trên bờ sông của cuộc đời, để không là trơ xương nằm đó chờ chết mà trở thành một con người phục sinh sau những tháng ngày tự đưa mình vào nơi đau đớn.

Các bạn! Các bạn đừng mong cầu một người bên ngoài như cô Sujata cúng dường sữa mà hãy để cho tâm của chúng ta trỗi dậy một lần nữa trên miền đất tâm để đón lấy những giọt sữa tha lực Phật điển, những giọt sữa năng lượng tình thương và những giọt Trí Tuệ của Phật qua Phật ngôn Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và Chánh Niệm hơi thở, để chúng ta nuôi dưỡng thần hồn và thân xác này tươi tỉnh trở lại, để chúng ta thanh tịnh hơn, vững chãi niềm tin, bất động bất thối, vươn lên mà vượt qua tới bờ bên kia, dù rằng thân xác này là Vô Thường nhưng chẳng coi thường, bỏ phí mà hãy ứng dụng thân xác Vô Thường bình thường đó trở thành phi thường, siêu xuất như một phương tiện để đưa chúng ta đến cứu cánh đó chính là Niết Bàn hạnh phúc.

Có gì khác? “Chuyện Về Dòng Sông” tuyệt vời! Dòng sông Niranjana, dòng sông Ni Liên Thiền, dòng sông cuộc đời của anh Biệt Cách và dòng sông của mỗi người chúng ta đang đương đầu?

Đừng sợ, đừng sợ dù chân tay trắng, không có gì, bè không có, không có gì để vượt qua, nhưng chúng ta có, có niềm tin vững chắc vào ba ngôi Tam Bảo, niềm tin vào Pháp Bảo của Chư phật, niềm tin vào lời khai thị của Phật. Chúng ta đi sâu vào trong đó, lãnh nhận năng lượng Từ Bi của Ngài, thắp sáng đuốc Tuệ để rồi chúng ta sẽ thấy trong đêm tối mịt mù kia, chúng ta vẫn có cơ hội thoát thân qua bờ, và ngay bên bờ của dòng sông cuộc đời, chúng ta đừng mong cầu cúng dường cao cả cho những ai hết mà hãy mang tình thương thật sự san sẻ cho những ai trên con đường dọc bờ sông của cuộc đời mà Bảo Thành, các bạn thấy họ đang cần một giọt sữa, họ đang cần một chén cơm, họ đang cần một manh áo, họ đang cần một chút thuốc, họ đang cần sự an ủi, tiếp cận. Chỉ như vậy, đơn đơn, giản giản với tình người chân thật, đó chính là sự cúng dường cao quý nhất như cô Sujata đã cúng dường thái tử để thành Phật những giọt sữa đầu tiên vì thân trơ xương gục ngã bên dòng sông Niranjana.

Chúng ta đã từng thấy biết bao nhiêu con người ngã gục bên dòng sông của cuộc đời. Đừng nhìn thấy rồi lướt vội bỏ qua, hãy dừng lại đôi chút bằng tình người chân thật. Đừng vì tội nghiệp, vì thấy thương. Chỉ hãy làm với hành động bình thường. Trong ta vẫn có tình thương bởi chỉ có tình thương mới làm lành mọi vết thương và chỉ có tình thương mới đưa nhau trở lại để cuộc đời trong cõi Vô Thường này sẽ trở thành có ý nghĩa hơn.

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Những giọt sữa đầu tiên của cô Sujata bên dòng sông Niranjana, với thân xác trơ xương, tiều tụy, gục ngã, Ngài đã đón nhận và từ đó hiểu thấu, đưa Đạo mầu nhập thế cứu đời. Bên dòng sông của cuộc đời biết bao nhiêu con người cùng đường, bí lối, cuối cùng với niềm tin vững chắc vào Tam Bảo, vào Mẹ hiền Quan Thế Âm mà tìm gặp được bè thoát thân, vượt lũ để an toàn. Giữa cuộc đời trầm luân thân xác Vô Thường và giữa dòng sông thăng trầm của cuộc đời, xin Chư Phật gia hộ ban rải năng lượng Từ Bi, thắp sáng đuốc Tuệ cho chúng con để chúng con có thật nhiều chuyện về dòng sông, dòng sông đại Từ đại Bi, dòng sông Cam Lồ Tịnh Thủy đưa người vượt lũ qua bờ bình an.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta đã đồng tu xong rồi, mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và khai mở Trí Tuệ để chúng con nhìn thật rõ bên dòng sông của cuộc đời vẫn còn có bè tình thương, năng lượng Trí Tuệ để chúng con cùng với mọi người vượt qua sự khổ não, phiền muộn trong cuộc đời, tiếp cận được với bờ hạnh phúc và an vui.

Có công đức nào trong buổi đồng tu này, chúng con nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia thiết lập ra chính sách hòa bình cho thế giới.

Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra vắc xin, thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới chữa lành bệnh nhân và hồi hướng cho tất cả những ai còn đau khổ, phiền não tìm được an vui, hạnh phúc trong Pháp Phật nhiệm mầu.

Hồi hướng cho Chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Nguyện xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts