Search

Bài 2027: Đừng Sống Lãng Phí | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ để quán chiếu, thấy thật rõ các Pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi, các bạn hãy cùng với Bảo Thành, chúng ta đưa tâm của mình an trú nơi hơi thở của Chánh Niệm, với hơi thở thật nhẹ, với Tâm – Ý thảnh thơi, với muôn điều phiền não rụng rơi, trở về với tự tánh thiên nhiên của hơi thở Chánh Niệm, một lòng chân thật, thành kính đón nhận tha lực Từ Bi, luồng Phật điển của Chư Phật mười phương tới với thân tâm của chúng ta và năng lượng tình thương này nguyện thắp sáng đuốc Tuệ để Bảo Thành cùng các bạn đồng tu nhìn thấu và thật rõ các Pháp sanh – diệt trong từng giây phút, hiện hữu ngay trong cuộc đời này. Chúng ta luôn nghĩ tới các đấng, bậc sinh thành, nghĩ tới tất cả mọi chúng sanh, những người ta yêu thương, và để ngay trong giây phút tự tại dưới sự che chở và lãnh nhận năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật, rải tâm thanh tịnh tới với muôn người và nguyện mỗi người, mỗi chúng sanh đều khởi từ tự tánh thanh tịnh ấy, thắp sáng lên đuốc Tuệ để nhìn rõ, nhìn thấu để buông.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con thấy rõ được các Pháp sanh – diệt Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Mỗi một ngày khi mà Bảo Thành cùng với các bạn, chúng ta mỉm cười đón mời một ngày mới, một ngày mà chúng ta nhớ rằng: “Vâng! Còn quá nhiều phước báu để ta sống ở trên mặt đất này và nhìn thấy muôn cảnh kỳ diệu nơi thiên nhiên tự tại quanh cuộc sống của chúng ta”. Cái đẹp từ trời đất, từ cây cỏ, từ hoa lá, từ những cánh chim bay, từ những làn gió xuyên qua cành lá, đẹp của ánh nắng vừa tới rồi chợt đi, đẹp của muôn con người mà chúng ta cả cuộc đời tôn trọng đó là cha mẹ, đó là các Bậc Thiện Tri Thức, đó là các Bậc Thầy, bạn bè và những người chúng ta đã quen trong cuộc sống. Chúng ta nhận diện ra mỗi buổi sớm là chúng ta được thức dậy trong tình yêu thương, che chở của nhau, và rồi nụ cười của ta nở ra như hoa sen là để lan tỏa tình yêu của buổi sớm đó tới với muôn người, đối đãi với nhau bằng nụ cười yêu thương như một búp sen mới nở chiều sớm. Sớm chiều đều có sen nở để dâng cho nhau, và mỗi nụ cười chẳng phải chỉ thể hiện niềm vui, hạnh phúc mà nụ cười là chìa khóa để trao và tặng cho nhau năng lượng kỳ diệu nhất. Nụ cười có năng lượng, có sức mạnh chuyển hóa nội tâm, có thể làm cho ta thay đổi được tất cả những gì ta đã tạo ra không đúng gọi là ngang trái ở trong đời, vậy nên trên các tôn tượng của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, nụ cười vẫn là sự biểu tượng của năng lượng Từ ái, yêu thương. Không có một khuôn mặt của Chư Phật, Bồ Tát nào lại mang dấu của sự phiền não, đau khổ, mà luôn luôn tươi, đẹp. Năng lượng của nụ cười cao siêu, nhiệm mầu mà mấy ai trong chúng ta có thể hiểu được Pháp cười trong tình yêu thương, như nụ hoa chúm chím nở ra đón mừng ánh nắng bình minh, cũng như vẫy tay chào hoàng hôn mà hương sắc vẫn luôn lộng lẫy, đơn sơ giữa đất trời bao la.

Đúng! Cuộc đời của con người nếu nhìn cho thật rõ, chúng ta quá nhỏ bé, nhỏ còn hơn hạt bụi lăn trôi trong vũ trụ, nhỏ lắm, nhỏ đến mức mà ta không thể nhận biết được ta có còn hiện hữu hay không. Nếu như ta không có phước báu hòa mình vào trong hơi thở, thì cái gọi là “ta” đó, chỉ là dáng của một bong bóng được thổi phồng, chẳng phải là sự thật hiện hữu đâu.

Với bài hát mở đầu chia sẻ Pháp Thoại đồng tu, cô Khánh Ly hát một bài nhạc mà ca, nhạc sĩ Bảo Nghy sáng tác: “Mẹ Dặn Con”, trong đó có một câu tuyệt vời, mẹ dặn rằng: “Hãy đứng lên, đứng lên để làm người”.

Đúng! Dù rất dễ để chúng ta nói rằng: “Hãy đứng lên để làm người bởi cuộc đời ngắn lắm con ơi”, thế đấy, chỉ đơn giản những câu dặn dò của người mẹ, của một đấng mà qua đấng ấy, ta được sinh ra ở trong đời, bao nhiêu thứ mẹ chẳng dặn con phải ôm, phải giữ mà mẹ chỉ dặn con: “Hãy đứng lên, đứng lên để làm người. Cuộc đời ngắn lắm con ơi”.

Khó! Nếu không thấu được chân tình cao quý của mẹ dặn: “Hãy đứng lên” thì cuộc đời của mỗi người chúng ta thực sự đã sống lãng phí rồi. Tại sao? Tại sao mẹ lại dặn: “Đứng lên đi con, để làm người”? Làm người đối với mẹ là như thế nào? Hình như hai chữ “Làm người” đối với mẹ nó đơn giản, chẳng cầu kỳ như định nghĩa mà ai đó dệt mộng, thêu mơ, là người là phải là một bậc minh vương, là tướng, là quan, là tổng thống, là người là phải thành tựu, thành công, là người là phải có quyền, có chức, có tiền, phải là tổng thống, bác sĩ, luật sư đẳng cấp, học hàm, gọi là hàm vị phải siêu xuất, đỉnh đỉnh ở trên cao, để đi giữa đường ai cũng phải ngước mặt lên trầm trồ khen “Ồ”.

Mẹ không dạy chúng ta như thế, làm người như thế chẳng phải là con đường mẹ dặn chúng ta đi vào để thành tựu. Mẹ chỉ dạy cho chúng ta hãy đứng dậy khi vấp ngã để làm người sống chân thật, dõng mãnh và biết yêu thương. Không có một người mẹ nào mà dặn con không bao hàm ý đứng lên khi vấp ngã, dõng mãnh hơn để thành người biết yêu thương. Đừng sống lãng phí cuộc đời của mỗi người chúng ta rồi hối hận. Do đó, chúng ta, Bảo Thành và các bạn thực sự đã sống lãng phí cuộc đời bởi bước chân vào cuộc sống, Bảo Thành và các bạn luôn luôn phải gặp nhiều thử thách, đã bao lần Bảo Thành và các bạn đã vấp té, đã vấp ngã, không phải vấp ngã một cách đơn giản, nhẹ nhàng mà bể đầu, sứt tai, trầy da, tróc vẩy, đau đớn vô cùng. Có những lần vấp ngã tưởng như đã chết, chết trên một khối tình vương bị bể, bị hư, bị tàn lụi, chết trên một khối gia tài vừa tới là biến mất, chết trên hàm vị lãnh vào trên tay rồi chẳng còn gì, chết trên quyền lực và danh vọng được – mất, điều làm cho con người khổ nhất và sẽ lăn trôi vào tư tưởng, tư tưởng rằng ta là người có một bản ngã phải như thế, cho nên khi mất đi, đau khổ vô cùng, rồi bắt đầu vùi đầu vào trong chốn ăn chơi đủ thể loại của cuộc đời, chẳng còn dõng mãnh, tinh anh để đứng dậy vươn lên làm người.

Đức Phật dạy: “Nếu đã có được, được gì? Được tình, được gì? Được tiền, được quyền lực, được nhà cao cửa rộng, được chỗ ăn ở sung sướng, được tất cả những điều ước mơ, được vàng bạc, châu báu, được, được, được, hàng trăm thứ được thì sẽ có hàng trăm thứ mất. Có được là có mất”. Bạn đã có từng, từng những thứ bạn yêu thích, bạn đã có từng, từng những thứ bạn đam mê, bạn đã có từng, từng những thứ bạn đeo đuổi, nhưng rồi bạn cũng đã mất, mất những thứ đam mê, đeo đuổi, thích thú. Ai trong chúng ta cũng đã từng trải nghiệm điều đó, dù ngay cả tuổi còn thơ, thích một cục kẹo nhưng chúng ta thuở đó cũng đã từng mất nhiều cục kẹo. Đơn thuần! Được – mất là điều luôn luôn hiện hữu, có được thì có mất. Các bạn hiểu đó, nhưng mà khi chúng ta mất đi, mất đi chúng ta được có đó, chúng ta có hành được lời mẹ dặn: “Hãy đứng lên” khi mất?

Biết bao nhiêu người chúng ta khi mất đi một mối tình giữa nam và nữ, đau khổ đến mức mà chính Bảo Thành đã chứng kiến và nghe qua, nhiều người bạn là nữ hoặc nam đã hủy hoại bản thân, nhảy cầu tự tử, uống thuốc độc, hoặc là trôi vùi cuộc sống vào những thứ ăn chơi, phá nát cả sức khỏe, tinh thần, để như thây ma vưởng vất ở trong đời gây biết bao nhiêu đau khổ cho tự thân, gia đình và cha mẹ, người yêu. Có những người được quyền danh, cao lắm, lớn lắm, quyền lực có thể gọi là hét ra lửa, nói ra vàng, đi đâu cũng biết bao nhiêu con người quỳ xuống xưng đế vương, nhưng chỉ một đêm mất trắng tay, và chỉ một đêm mất trắng tay đó, đầu đã bạc, thân đã tiều tụy, cốt xương đã rụng rời, thân xác đã chẳng còn muốn đứng dậy. Chuyện đó có! Và lời mẹ dặn: “Hãy đứng lên” rất ý nghĩa ngay trong lúc đó, nhưng nếu chúng ta khi có mà không thực tập thì khi té xuống làm sao có thể đứng dậy, đứng lên để làm người? Cuộc đời ngắn lắm, chỉ một lần té thôi là đã hết một cuộc đời, chỉ một lần vấp ngã thôi là đã mất cả cuộc đời, ngắn như thế vậy mà bao nhiêu lần té về tình, về quyền lực, về sự lừa lọc trong thế gian, nếu chúng ta mất chúng ta đau, vì sự phản bội trong tình cảm, trong tình Thầy trò, trong tình đồng đội, tất cả giữa mọi phương diện đã làm cho ta đau lại càng thêm đau, té lại càng rớt xuống vực sâu, đau đớn lắm, thật khó đứng dậy.

Có rồi sẽ mất, được rồi sẽ mất, đã có sinh ra là phải có chết, có tử. Thấu mà! Đã có hạnh phúc là phải có đau khổ, phiền não. Thấu! Và rồi cứ liệt kê ra từng cặp như vậy trong thế giới của lý Nhân Duyên, Duyên Khởi, Nhị Nguyên có cái này, có cái kia nhưng chúng ta đâu có thấu. Hiểu thì hiểu mặt chữ sơ sài, nhưng mà sống thì thật khó thực hành. Phật tử tại gia, ngay cả những vị xuất gia, thấu, hiểu được Kinh điển, giáo lý uyên thâm nhưng mấy ai có thể trụ vững trong cuộc đời khi chuyện nó xảy ra giữa được mất, sanh tử, cao thấp, cái có cái không? Thật là khó! Chính trong cái khó đó, chúng ta đã nhận ra mọi hiện tượng trong cuộc đời không bao giờ tồn tại mãi mãi, bởi thế mẹ mới dặn chúng ta: “Hãy đứng lên”, có nghĩa chúng ta sẽ phải té hoài, phải vấp ngã hoài, phải mất hoài, và rồi phải chết hoài mà thôi. Cho nên, đứng lên để làm người, đứng lên để làm người là một ý nghĩa cao trọng, làm người như thế nào để khi chúng ta đứng lên cùng một chỗ ta đã từng té ngã xuống, phải được quán chiếu và phải được nhìn.

Có nhiều người khi bị vấp té trong cuộc đời, khi bị mất, mất đủ những thứ tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhà cửa, xe hơi, mất đủ thứ, mất thứ này, mất thứ kia, mất đi sự tôn trọng của người ta đối với mình, mất đi tình cảm, tình bạn, mất công ăn việc làm, mất nhà, mất cửa, mất cả quốc gia, thậm chí mất cả một phần cơ thể thì đau đớn, và rồi họ không thể tự đứng dậy, đứng lên.

Có một thứ mà giết chết cuộc đời, chẳng phải là đâm đầu vào chỗ chết mà là chỗ chúng ta đã để cho sợi dây sân hận biến thành hận thù, cột chặt chúng ta để phần đời còn lại nằm ở ngay chỗ té xuống đó, căm phẫn tột cùng, tìm đủ mọi cách để trả thù, rồi vô tình đã biến cuộc sống trở thành như một vị hung thần gian ác, chỉ đi tìm người đã hại để trả thù, mà không tìm được thì bắt đầu đâm ra trả thù vặt đối với những con người sâu sát, va chạm hằng ngày trong cuộc sống. Trả thù vặt để thể hiện sân giận của mình, làm cho nhân cách nhỏ bé, quá tầm thường, và như thế, sống thật lãng phí.

Những điều như vậy tới là bởi chúng ta không chịu quán chiếu, hiểu thấu lời dạy của Phật, quán chiếu Vô Ngã. Nếu mỗi người chúng ta trong hơi thở Chánh Niệm Từ Bi, trong cái Nhìn Viên Thông của Tuệ Giác, thấy rõ được tinh thần của Vô Ngã thì chúng ta sẽ có thể tiếp cận được năng lượng siêu thế, Từ Bi của Phật, để một lần nữa được đứng dậy như lời mẹ dặn: “Đứng lên để làm người”, làm người con Phật có tâm chân chính, chân thành, thành kính, bình đẳng, yêu thương và Từ Bi.

Ta thường nói: “Tôi mất, mất gì? Tôi, tôi, tôi, cái “tôi” cứ lớn, thậm chí mà cái “tôi” nó đại diện như một bản ngã bao trùm cả, tôi đúng họ sai, tôi đau là bởi vì họ, luôn luôn thấy rằng cái “tôi” của mình là đúng, và hình như nhỏ lắm mà muốn đưa tay che kín mặt trời, phong tỏa luôn cả vũ trụ không còn đón nhận được ánh sáng, và rồi thể hiện mình như một Đấng cứu tinh, cứu độ con người này, quốc độ này, dân tộc này, nhóm người kia, bởi dưới con mắt của “tôi”, chẳng bao giờ chúng ta nhìn thấy ai đúng, mà luôn luôn nhận ra mọi người đều sai, đều đáng tội nghiệp. Mọi người đều sai, đều đáng tội nghiệp, mọi người đều sai bởi vì cuộc đời của những người ăn xin nghèo khổ đôi khi chỉ ăn khoai qua ngày, còn ta, ta là người giàu có, giàu có về gì? Về tiền bạc nên ăn yến tiệc, còn nghèo khổ ăn khoai, họ sai? Ăn yến tiệc thì chúng ta là những người có được những sự việc cao cả, “tôi”. Chưa đó, còn nữa, là họ đã quá sai bởi vì họ đi sai nên họ khổ, họ đi sai như thế này, thế kia. Sai về cuộc sống của tinh thần, kiến thức và tâm linh. Nhất là ở trên đời thường hay xảy ra là lâu lâu hiện thân, có một vị nào đó như Đấng cứu độ tới mọi người để chia sẻ quyền lực của chính họ cứu những người kia thoát ra khỏi những cảnh khổ của cuộc đời. Cái đó gọi là những Đấng cứu độ với tâm ảo giác, sống trong vùng ảo tưởng quá lớn, thường nhìn thấy lỗi, sai của muôn người, nhớ ở trên đời người ta yến tiệc rần rần, rần rần mà mấy ai sống thọ được đâu? Chứng minh thật rõ, chúng ta nhìn thấy các bậc vua, chúa thời xưa, yến tiệc rần rần đó, mà tuổi đời các vị vua đó, các vị quan ăn uống những cái gọi là đầy đủ chất dinh dưỡng, nào ai sống thọ bằng người dân bình thường bên vệ đường, chỉ làm ruộng trồng khoai, ăn khoai, ăn sắn, vậy mà họ vẫn mạnh, vẫn khỏe giữa đất trời. Nói như vậy là nói đến đời sống tâm linh cũng có ảnh hưởng điều đó, bởi biết bao nhiêu con người ăn uống những phương thức tu luyện, những Pháp gọi là cao siêu đến mức những yến tiệc của tâm linh để rồi miệt thị những con người bình thường chỉ biết một chữ, hai chữ trong nhà Phật: “Mô Phật”, “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát”, hay “Mẹ hiền Quan Thế Âm”, những lời chân thật gọn gàng, nhẹ nhàng, bình thường đó hình như đã bị chê bai bởi vì những yến tiệc tâm linh, nghi thức rườm rà, họ tưởng rằng họ có thể cứu độ bằng những nghi thức, bằng những phương thức, bằng những triết học, triết lý, văn chương Phật giáo họ tạo ra, rồi họ coi thường những cái chỉ lại đơn thuần như là một sự khiêm tốn, cúi mình sát xuống đất để nói với Phật như một người cha, nói với Mẹ Quan Âm như một người mẹ: “Thưa cha! Thưa mẹ! Con đã trở về, con trở về dưới chân của mẹ, dưới chân của cha. Lời dạy của cha, của mẹ để con có thể đứng dậy một lần nữa làm người sống Chân thiện.”

Tại sao hôm nay chúng ta nói đến chủ đề này? Nói đến chủ đề này để chúng ta thấy rằng, ở trên đời ai càng cống cao ngã mạn, xưng “tôi”, cái “tôi” càng lớn thì khi họ té xuống, họ bị vấp ngã, họ sẽ đau đớn khó đứng dậy, và họ để cuộc đời của họ trôi qua một cách lãng phí ở trong sức cuồng của tâm hận thù, trả thù, dằn vặt lương tâm của chính họ, cưa cấu vào trái tim của muôn người kề cạnh, và luôn luôn, từng lời ăn tiếng nói, hành động, nghĩa cử, suy nghĩ của họ hầu hết là chỉ tưởng nhớ đến quyền lực, sức mạnh một thời họ đã có và pha trộn vào cách sống hiện tại toàn là năng lượng của sân, của oán, của than, sân rồi oán than. Họ sân họ oán than, rồi từng suy nghĩ của họ, hình như họ đã đặt để họ lên một địa vị rằng họ cần phải ra tay để cứu vớt những người khác, bởi những người khác quá tội nghiệp, đã sai.

Ông bà xưa chỉ ăn gạo với khoai mì vậy mà khỏe, ngày nay ăn đủ thứ mà thân xác cứ yếu dần, yếu dần. Đời sống tâm linh chẳng phải thiết yến tiệc bằng những ngôn ngữ, những nghi thức cầu nguyện, tha thứ, rồi đền tội, rồi xưng tội, rồi cầu cạnh, mà đơn thuần với tâm chân chất, chân thật như ông bà mình thường nói: “Ăn ngay, ở thẳng, đi và về cho ngay đường thẳng lối, đừng có cong có vẹo, cuộc đời sẽ mang lại những vết thẹo trong trái tim”. Đúng! Ông bà đơn giản quá, mà con cháu, thế hệ ngày nay như Bảo Thành và các bạn quá cầu kỳ, để rồi chúng ta lại vịn vào những sắc tướng, hoa lá của những miền đất xa lạ, phong tục tập quán chẳng trùng hợp, phù hợp với nơi ta sanh ra, để như áp đặt, áp chế vào đó để tẩy rửa, gội rửa toàn phần những phong tục đơn thuần. Đừng nghĩ rằng phong tục của ông bà, đừng nghĩ rằng những triết lý của ông bà đơn giản như vậy mà vô dụng. Nó cao siêu, nhiệm mầu vô cùng bởi nó ẩn ý trong hạt lúa, nó thâm sâu như củ mì, nó thơm ngát như tách trà xanh mà ông bà xưa thường nấu một nồi bự như vậy để trao cho nhau. Và nó ấm lòng như nồi cơm đơn giản vậy mà thơm tình người, vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con cháu sum vầy ngồi ăn, cười cười, nói nói, huyên thuyên vui vẻ. Chân lý của ông bà đơn giản ở chỗ là sống cho có tình người.

Các bạn! Nếu các bạn ở trên đời đã từng vấp té, đã được và rồi cuối cùng đi tới cái mất, đã tới rồi phải đi, tất cả những trạng thái có – được, sanh – tử đau khổ tới lui đó, nếu cái “tôi” càng lớn bởi nghĩ rằng “ta”, cái “ta”, cái ngã này thực sự có thì các bạn sẽ khổ và sống lãng phí. Các bạn cứ thấy và đã thấy, sẽ thấy mà thôi, biết bao nhiêu con người sống ở trong cuộc đời này, nhục – vinh, được – mất, họ khổ vô cùng, và cuộc đời của họ coi như hoàn toàn hư, hư một cách toàn diện, bền vững, không thể làm lại từ đầu như câu: “Hãy đứng lên, đứng lên để làm người như lời mẹ dặn”.

Đức Phật tới với chúng ta chẳng phải là để cứu rỗi chúng ta bằng phương thức rằng, ta cứ nhào đầu vào những chỗ hư để rồi Ngài đưa tay kéo chúng ta mà Ngài chỉ cách cho chúng ta định được hướng đi của cuộc đời và chỉ cho chúng ta một phương hướng để tự lực đứng dậy như Ngài mà trưởng thành, vững chãi đời đời không vấp té nữa. Như vậy mới sống không lãng phí cuộc đời.

Bảo Thành đã từng vấp té trong cống cao ngã mạn, trong cái “tôi”, cái ngã quá lớn của những tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và xung khí ngất trời như tưởng rằng một mình cũng có thể san lấp biển Đông, một mình cũng có thể che cả vầng trời, có thể lật ngược cả vũ trụ. Ai mà không có một thời tuổi trẻ, ai mà không có những lúc ngạo nghễ như thế? Cái quan trọng là khi chúng ta quá ngạo nghễ để rồi bị té xuống trên đống thất bại, khổ đau, ta có còn nghe được lời mẹ dặn: “Hãy đứng lên, đứng lên để làm người. Cuộc đời ngắn lắm con ơi! Ngắn chỉ bằng một hơi thở mà thôi”. Cho nên, tất cả những cảnh đời đã xảy ra trong chúng ta nơi cuộc đời này, chúng ta phải nhớ, Đức Phật cũng dặn dò chúng ta: “Hãy đứng lên”. Té ở đâu, vịn ở đó đứng dậy.

Cuộc đời chỉ cần sống cho ngay, cho thẳng thì có gì để mà xấu hổ? Dù ăn khoai mà sống dai, còn như yến tiệc, chết dần dần đó thôi. Mà đúng vậy! Ở đời nay, người ta đã có tiền, có của, người ta hưởng dụng món ăn, những vật cao quý mà rồi đầy bệnh ở trong người, mà ông bà ngày xưa chỉ ăn khoai mà sống dai đến 100 tuổi, sống mãi với con cháu.

Con đường đi về tâm linh chẳng phải là con đường đầy những màu sắc của những yến tiệc. Tâm linh qua những vấn đề, kiến thức mà nó đơn thuần là hiểu thấu được ta chẳng có ta, đừng tôn vinh bản ngã quá, đừng vỗ ngực xưng tên ta là ông này, bà nọ, ta có phước báu, ta học được Pháp môn cao, ta học được những thứ kỳ diệu, siêu xuất của những Bậc Đạo Sư tôn quý để rồi ta phải làm một điều gì đó để cứu dân tộc của ta, để cứu bạn bè của ta, để cứu muôn người. Chẳng thấy một mảy may suy nghĩ như vậy trong suốt chiều dài cuộc sống của Đức Phật, bởi Phật quán chiếu nhân duyên và thấy rõ mỗi một chúng sanh, mỗi một dân tộc, mỗi một con người đều có sự khác biệt bởi nghiệp, và Ngài nhìn thấu suốt được từ điểm khởi cho tới điểm kết thúc của đoạn đường mà họ tạo ra ác nghiệp hay thiện nghiệp nên Ngài không ngăn ngại, Ngài tịch tĩnh trong từng bước chân, đi qua từng hơi thở của cuộc đời, lúc trầm kha cũng như lúc mà ngất ngất, đỉnh đỉnh hạnh phúc, Ngài đều lui tới trong cõi trần qua hơi thở Chánh Niệm của từng người. Ngài chẳng vội vã, Ngài chẳng sợ hãi bởi Ngài biết chúng ta sẽ có một ngày biết quay trở lại sống cho đúng, sống cho ngay, cho thẳng để khỏi lãng phí cuộc đời của mình.

Đừng chôn vùi cuộc đời vào trong sự uất hận của một điều gì đó đúng – sai, được – mất, có sanh là phải có tử, hiểu thấu được điều đó, có là phải có mất, lên cao là phải có thấp. Đời nó thật rõ mà! Đừng khư khư ôm lấy cái “tôi” của tôi, cái “tôi” của tôi, chủ ngã, bản ngã để rồi luôn luôn tự ca ngợi bản thân của mình là có phước báu học được những Pháp môn đúng. Đừng tự tôn vinh bản thân của mình mà thương xót cho những người khác. Dù chúng ta có thương xót ai đi nữa, ta cũng chẳng thể làm gì được cho những người đó, mà hãy thương xót chính bản thân của mình bởi ta có cơ hội để thay đổi chính mình khi biết thương xót chính bản thân, để đứng dậy một lần nữa sống cho ngay, cho thẳng. Cuộc sống ngay thẳng của mỗi người chúng ta sau khi vấp té chính là ngọn đuốc để soi đường cho muôn người nhìn thấy để đi, chứ chẳng cần phải dí ngọn đuốc của ta vào con mắt của thế gian, như tâm rằng phải cứu rỗi, phải thương xót họ. Hãy thương lấy mình và thắp đuốc Tuệ của chính mình lên để mình đi, muôn người chung quanh sẽ nhìn thấy con đường ta đi là thẳng, là đúng, đúng như lời mẹ đã dặn: “Hãy đứng lên để thành người”, ta đã đứng lên để thành người thực sự, một người chân thật, một người khiêm tốn, đối xử bình đẳng, một người có tình yêu, biết san sẻ với muôn người. Mẹ chỉ muốn thế mà thôi.

Đức Phật và Mẹ Quan Âm cũng tới trong cuộc đời này để làm sao khai mở cho ta nhìn thấy điều đó và đánh thức cho ta cảm nhận được giá trị vô song của cuộc đời chẳng phải là kiến thức cao, tiền tài nhiều, quyền lực nhiều, mà ở chỗ rằng: “Trái tim của chúng ta có còn tâm chân thật, có sự bình đẳng đối xử với nhau, có còn tình yêu thương để san sẻ hay không?” Để thấm nhuần được điều đó, mỗi người chúng ta phải thường xuyên quán chiếu Vô Ngã để phá tan đi “tôi”, bản ngã.

Để phá tan đi cái “tôi”, bản ngã.

Như hạt sương mai sớm rơi đọng trên lá cỏ, rung rinh. Nó nghĩ nó rớt xuống, nó thấm vào lòng đất, nó mất, mà nó cứ đong đưa trên đọt cỏ này, nắng lên nó cũng tan, nó sợ hãi lắm, nó bảo nó sẽ tan theo nắng hoặc là nó rớt xuống thấm vào lòng đất, mất đi, chỉ là hạt sương mà nó sợ như vậy. Và chỉ là hạt bụi hiện thân trong cuộc đời, ta cũng sợ cái mất, được trong cuộc đời, đó chính là cái “tôi”, chứ hạt sương mai kia từ đâu tới? Từ đâu tới rồi tới đi về đâu? Nếu phá vỡ được cái “tôi” từ đâu tới và tới đi về đâu, chỉ thong dong tới đi nhẹ nhàng như cánh chim bay qua hồ không in bóng thì dĩ nhiên, mỗi người chúng ta đã sống đúng với lời mẹ dặn: “Hãy đứng lên để làm người”, để một lần nữa thong dong, tự tại như cánh nhạn qua hồ chẳng lưu bóng ngàn thu, nhẹ nhàng, thong dong.

Các bạn! Hãy đứng dậy nếu như đã vấp té, đừng chìm trong sự thống khổ, sân giận, trả thù mà hãy ứng dụng những năng lượng còn lại, đứng ngay chỗ té đó, và nghĩ rằng: “Có được thì có mất”, chỉ cần đứng dậy, chỉ cần đứng dậy, đứng thẳng để làm người, người biết yêu thương, người sống chân thật, người biết đối xử bình đẳng, người con Phật biết giữ Giới và quy y theo Phật – Pháp – Tăng, sống thiện lành với hơi thở Chánh Niệm vào ra mỗi ngày, thì cuộc đời của chúng ta sẽ không bao giờ lãng phí dù đã có hàng trăm, hàng ngàn lần té xuống, té xuống, té xuống, nhưng lần này chúng ta đứng dậy là đứng dậy bởi Trí Tuệ đã thông, đã hiểu và đã biết rằng: “Ta đau là bởi ngã, ta hạnh phúc là bởi vì chẳng còn ôm ấp, chấp vào ngã, và ta không bao giờ có lý tưởng thương xót, thay đổi dân tộc, đồng bào của ta, bạn bè, cha mẹ của ta, mà chỉ cần thương xót bản thân của mình, nhìn rõ sai, sửa cho đúng, như một ngọn đèn, như một ánh đuốc, soi dần cho chúng ta vượt qua hằng hà những chông gai, thử thách trong cuộc đời thì muôn người kề cạnh ta sẽ nhìn thấy và noi theo gương Đức hạnh đó để thực tập, còn hơn là gào thét trong vô vọng để rồi làm cho hao mòn sức khỏe, bực bội thân tâm, cuồng ngạo, và chữ “phá tan cái ngã” không thể thực hiện”. Nói là Vô Ngã nhưng ngã thật to, “tôi” thật lớn. Bảo Thành đã bị, các bạn đã bị, nhưng chúng ta có phước báu nhìn rõ, nay được học nghề tạc tượng, tạc cái “tôi” quá lớn thành hình hài của một người Phật tử biết chắp tay từ tốn, biết sống hạnh khiêm cung, nhẹ nhàng, biết đục đẽo đi những phần không cần thiết và tránh va chạm vào “tôi” quá lớn để cho trái tim được nhẹ nhàng, Tâm thức được rỗng, yên, để cho ánh mắt bừng sáng, nụ cười càng tươi và sống đúng ý nghĩa, xứng danh như lời mẹ dặn: “Hãy đứng lên, đứng lên làm người vì cuộc đời ngắn lắm con ơi”.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Chúng con vấp té thật nhiều và đau đớn tận cùng, cái “tôi” quá lớn đâm ra sân hận, hận thù và tạo khổ cho muôn người, nay đã hiểu tội, “tôi” là nguyên nhân tạo khổ để rồi khi thất bại, chúng con đã sống vùi đầu vào trong những cảnh giới ăn chơi, và lao đầu vào những điều thật ác, bất thiện. Nguyện xin Chư Phật luôn gia trì cho chúng con vượt qua tất cả để không sống lãng phí cuộc đời mà biết đứng dậy, đứng dậy, biết đứng lên để làm người con Phật chân chính.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Chúng ta trì mật chú và đón nhận năng lượng Phật điển thắp sáng đuốc Tuệ để nhìn thấu và đừng sống lãng phí cuộc đời của chúng ta.

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật!

Các bạn ơi! Chúng ta đồng tu xong rồi, mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện xin Chư Phật luôn ban rải năng lượng tình thương và thắp sáng đuốc Tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ các Pháp Vô Thường sanh – diệt, Vô Ngã, Khổ và Niết Bàn, và để chúng con thấy rõ cái “tôi” của mình, bản ngã của mình, chuyển hóa nó để khi vấp té biết đứng dậy làm người như lời mẹ dặn, để không sống uổng phí, lãng phí cuộc đời của chúng con.

Chúng con nếu tạo được chút phước báu nào xin hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia để họ biết thành lập chính sách hòa bình cho thế giới.

Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra vắc xin, thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế giúp đỡ nhiều bệnh nhân, và đặc biệt hồi hướng cho tất cả những ai còn đau khổ, phiền não tìm được nguồn an vui, hạnh phúc nơi Pháp Phật.

Hồi hướng cho tất cả các Chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Xin mười phương Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts